Thánh Lêô Cả

0
3862

 

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017), tr. 189-197.

Trong lịch sử Giáo hội, đây là vị giáo hoàng vĩ đại, đóng góp rất lớn cho việc củng cố vị thế và thẩm quyền của Toà Rôma. Ngài là vị giáo hoàng can đảm, sẵn sàng đối diện với những tình huống khó khăn, nhất là  khi gặp phải cuộc tấn công của quân man di. Ngài tìm mọi cách để thương thuyết, bảo vệ hòa bình, sự an toàn cho Toà thánh cũng như các tín hữu. Ngài cũng nổi bật với những giáo huấn về Kitô học, sự kết hợp giữa đời sống cầu nguyện (Phụng vụ) với việc thực hành bác ái, mục vụ. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung, ngày 05 tháng 03 năm 2008 để chia sẻ về thánh nhân.

*****

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục hành trình học hỏi về các vị Giáo phụ, những vì sao chiếu toả trên bầu trời rực rỡ, hôm nay, tôi muốn mời anh chị em đến với một vị chủ chăn của toàn Giáo Hội, đã được đức Bênêđictô XIV tuyên phong tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”, đó là thánh giáo hoàng Lêô cả. Quả đúng như danh hiệu mà truyền thống Giáo Hội vẫn nói về ngài, đức Lêô Cả đích thực là một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất làm vẻ vang Toà thánh Rôma, đóng góp rất lớn vào việc củng cố thẩm quyền cũng như uy thế của Toà thánh. Ngài là vị giám mục Rôma đầu tiên mang tước hiệu Lêô, sau này có thêm mười hai vị giáo hoàng nữa tiếp nối cũng mang tước hiệu Lêô. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên giảng giải cho dân chúng quy tụ chung quanh suốt các giờ cử hành nghi lễ, và truyền thống này vẫn còn đến hôm nay. Một cách tự nhiên, chúng ta nhớ đến ngài trong khung cảnh các buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, mà từ nhiều thế kỷ trước đây, đã trở thành cuộc gặp gỡ truyền thống của vịgiám mục Rôma với các tín hữu và với các du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.

Đức giáo hoàng Lêô là một cư dân xứ Toscano. Khoảng năm 430, ngài được truyền chức phó tế, phục vụ cộng đoàn Giáo Hội Rôma, và cũng tại đây, sau này ngài đảm nhận những chức vụ quan trọng hơn. Năm 440, vai trò nổi bật của ngài là đã thúc giục Galla Placidia (khi ấy đang nắm quyền điều khiển vùng phía Tây của đế quốc) truyền cho ngài đến xứ Gaul để giải quyết tình hình khó khăn. Nhưng, vào mùa hè năm ấy, đức giáo hoàng Sixtô III băng hà, và Lêô được chọn để kế nhiệm, coi sóc cộng đoàn dân Chúa. Đang khi thi hành sứ mạng kiến tạo hoà bình ở xứ Gaul, Lêô đã nghe được tin tức ấy. Ngài trở về Rôma, được thánh hiến và bắt đầu sứ mạng mới vào ngày 29 tháng 09 năm 440. Ngài đảm trách nhiệm vụ trọng đại này hơn hai mươi mốt năm và trở thành một trong những vị giáo hoàng quan trọng nhất của lịch sử Giáo Hội. Ngài qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 461 và được chôn cất ở gần mộ phần thánh Phêrô. Ngày nay, thánh tích của ngài được cất giữ trong một bàn thờ ở Vương cung Thánh đường Vatican.

Giáo hoàng Lêô sống trong một giai đoạn rất khó khăn: vì quân man di liên tục xâm lăng lãnh địa, hoàng triều phía Tây suy yếu dần dần, khủng hoảng xã hội liên miên, kéo dài, buộc vị giám mục Rôma phải đảm trách vai trò quan trọng cả những vấn đề dân sự và chính trị nữa (tình trạng này kéo dài đến hơn một thế kỷ sau suốt triều đại của đức giáo hoàng Grêgôriô Cả). Dĩ nhiên, điều này có thể làm tăng thêm vai trò quan trọng và uy thế của Toà thánh. Tiếng tăm của một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời thánh giáo hoàng Lêô khiến ngài mãi lưu danh hậu thế. Cho đến năm 452, khi đức giáo hoàng cùng với một vị đại sứ Rôma gặp gỡ Attila, thủ lãnh xứ Huns, ở Mantua để thuyết phục ông ta ngưng chiến, khi trước đó đám quân Huns đã mạnh mẽ càn quét và chiếm lĩnh khắp vùng Đông Bắc Italia. Thế là, đức giáo hoàng đã cứu được những vùng còn lại của bán đảo. Sự kiện quan trọng này mau chóng trở thành một biến cố đáng ghi nhớ, xem như một dấu chỉ biểu trưng cho hành động vì hoà bình của giáo hoàng.

Thật không may, ba năm sau, một chuyện khác xảy đến, và lần này, Ngài không thành công như trước, tuy nhiên, hành động của ngài vẫn là dấu chứng cho lòng gan dạ, quả cảm, khiến chúng ta phải kinh ngạc: mùa Xuân năm 455, đức Lêô đã không thể ngăn chặn đám quân Vandal của lãnh chúa Genseric tiến tới và đánh chiếm thành Rôma trong khoảng hai tuần lễ. Đức giáo hoàng, dù không được bảo vệ an toàn, và hàng giáo sĩ ngăn cản, nhưng vẫn mạnh dạn đích thân đến gặp kẻ xâm lăng, lên tiếng yêu cầu chúng dừng lại. Ngài đã bảo vệ thành Rôma không bị thiêu huỷ, Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Phaolô, Đền thờ thánh Gioan, cùng đám đông dân chúng đang trú ẩn trong đó, đều được an toàn.

Chúng ta biết đến các việc làm của giáo hoàng Lêô thông qua những bài giảng tuyệt đẹp (hiện còn bảo lưu khoảng một trăm bài, viết bằng tiếng Latinh sáng rõ, khúc chiết) và thông qua những lá thư ngài để lại (còn khoảng một trăm năm mươi lá). Trong những bài viết này, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh một vị giáo hoàng vĩ đại, đã hết lòng phục vụ chân lý trong tình yêu mến, chuyên chăm thực hành Lời Chúa, vừa là một mục tử vừa là nhà thần học. Đức giáo hoàng Lêô Cả hằng lo nghĩ cho các tín hữu và dân thành Rôma, thao thức về sự hiệp thông cũng như nhu cầu của các cộng đoàn Giáo Hội. Ngài là nhà quán quân và là người củng cố vị thế trổi vượt của toà Rôma so với các toà thượng phụ khác, điều đó, cho thấy bản thân ngài là vị kế nhiệm đích thực của Tông đồ Phêrô: nhiều vị giám mục tại Công đồng Calxêđônia, phần lớn đến từ Đông phương, đều nhận thấy rõ như vậy.

Công đồng Calxêđônia diễn ra năm 451, có khoảng 350 giám mục tham dự, là một trong những hội nghị quan trọng nhất được tổ chức trong lịch sử Giáo Hội. Công đồng Calxêđônia tiêu biểu cho mục đích chắc chắn về Kitô học của ba Công đồng hoàn vũ trước đó là Nixêa (năm 325), Constantinopoli (năm 381) và Êphêxô (năm 431). Cho đến thế kỷ VI, bốn Công đồng này tổng hợp toàn bộ đức tin của Giáo Hội thời cổ đại và thường được so sánh với bốn quyển Tin Mừng. Đây là điều mà đức giáo hoàng Grêgôriô Cả đã khẳng định trong một lá thư nổi tiếng: “Tôi tuyên bố rằng tôi chấp nhận và tôn kính bốn quyển Tin Mừng cũng như bốn Đại Công đồng” và ngài còn nói rõ hơn “vì đó là viên đá tảng vuông vắn, nâng đỡ toàn thể cấu trúc đức tin của Giáo Hội.” Công đồng Calxêđônia chống lại lạc giáo Eutyches (vốn phủ nhận nhân tính của Con Thiên Chúa) và tuyên bố rằng Đức Giêsu Kitô là Ngôi vị duy nhất, có hai bản tính, không lẫn lộn và không chia cách, vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

Đức giáo hoàng đã xác nhận niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, trong một bản văn đạo lý rất quan trọng nói với giám mục thành Constantinopoli, gọi là “Thư Gởi Cho Flavius,” đọc tại Công đồng Calxêđônia, được các vị giám mục đón nhận với lời tuyên bố hùng hồn. Thông tin về điểm này vẫn còn được lưu giữ trong các tài liệu của Công đồng, các vị nghị phụ đồng thanh tuyên bố: “Thánh Phêrô nói qua môi miệng của đức Lêô.” Từ hành động can thiệp vào Công đồng này của đức giáo hoàng Lêô, cùng nhiều việc khác nữa ngài đã thực hiện suốt cuộc tranh luận Kitô học trong những năm đó, chúng ta thấy rõ: Đức giáo hoàng Lêô đã nhận thức trách nhiệm lớn lao của ngài trước nhu cầu cấp bách của Giáo Hội, trong cương vị là người kế nhiệm thánh Phêrô Tông đồ.

Vai trò của ngài trong Giáo Hội là độc nhất vô nhị, vì “chỉ một Tông đồ được uỷ thác trách vụ mà các Tông đồ khác cùng hiệp thông,” như chính đức Lêô Cả đã chia sẻ trong ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.[1] Và đức giáo hoàng có thể thi hành trách vụ của ngài, ở cả Tây phương cũng như Đông phương, can thiệp vào nhiều hoàn cảnh khác nhau qua những bài viết hoặc qua các sứ giả, những vị đại diện, với thái độ cẩn trọng, chắc chắn và rõ ràng. Bằng cách đó, đức Lêô đã cho thấy tính trổi vượt và uy thế của toà Rôma là điều hết sức cần thiết, như bối cảnh hôm nay Toà thánh cũng phục vụ hiệu quả cho sự hiệp thông, là đặc tính của một Giáo Hội Duy Nhất do Chúa Kitô thiết lập.

Hiểu rõ giai đoạn lịch sử mình đang sống, cũng như hiểu được những thay đổi diễn ra từ một thành Rôma ngoại giáo cho tới thành Rôma Kitô giáo giữa một thời kỳ có rất nhiều khủng hoảng, đức giáo hoàng Lêô Cả đã biết cách gần gũi với dân chúng và với anh chị em tín hữu, qua lời giảng cũng như qua hành động mục vụ. Ngài đã khơi lên lòng bác ái giữa một cộng đoàn Rôma đang phải chịu đói kém, nhiều người tị nạn, bất công và nghèo khổ. Ngài đã loại bỏ những hành vi mê tín dị đoan của dân ngoại và chống lại hành động của nhóm Manikê. Ngài đã kết hợp Phụng vụ với đời sống thường nhật của các Kitô hữu: chẳng hạn, kết hợp chay tịnh với công tác bác ái, từ thiện nhất là vào giai đoạn Quattro tempora (Bốn mùa), là một giai đoạn trong năm đánh dấu sự thay đổi của các mùa.

Đặc biệt, Đức Lêô Cả đã dạy các tín hữu rằng Phụng vụ Kitô giáo không phải là chuyện tưởng nhớ về quá khứ, nhưng là hiện tại hoá những thực tại mà mắt thường không thể thấy và vẫn đang hoạt động trong cuộc đời mỗi người chúng ta (những lời này cũng áp dụng cho cuộc sống của chúng ta hôm nay). Đây là điều mà ngài đã nhấn mạnh trong một bài giảng nhân ngày lễ Phục Sinh, được cử hành vào một mùa trong năm: “Đây không phải là một chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng là một biến cố hiện tại.”

Tất cả những điểm này đều phù hợp với một kế hoạch chính xác, đức giáo hoàng Lêô Cả khẳng định: thực vậy, con người là bụi đất phàm hèn, được Đấng Tạo Hoá làm cho sống với sinh khí của sự sống có lý trí; khi con người đầu tiên sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian, để chuộc lại cho nhân loại phẩm giá đã mất, đồng thời phá huỷ sự thống trị của Ác thần nhờ sự sống mới trong ân sủng.

Đây là mầu nhiệm Kitô học mà thánh giáo hoàng Lêô Cả, với lá thư gởi cho Công đồng Calxêđônia, đóng góp hiệu quả và rất quan trọng; đồng thời, qua Công đồng này, chân lý Kitô học này cũng được khẳng định qua mọi thời, như điều mà thánh Phêrô đã nói ở Caesarea Philipphê. Có thể nói, cùng với thánh Phêrô và như thánh Phêrô, đức giáo hoàng Lêô Cả đã tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Và như vậy, Thiên Chúa và con người, cả hai “không phải là khách lạ đối với nhân loại này, nhưng chỉ là khách lạ và xa cách với tội lỗi mà thôi.”[2]

Nhờ sức mạnh của niềm tin vào chân lý Kitô học này mà thánh giáo hoàng Lêô Cả trở nên một sứ giả hoà bình và yêu thương. Ngài đã chỉ cho chúng ta một con đường đặc biệt: đó là học biết yêu thương trong đức tin. Vì vậy, chúng ta hãy học nơi thánh giáo hoàng Lêô Cả niềm tin vào Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, và hãy củng cố đức tin của chúng ta mỗi ngày một hơn qua những hành động kiến tạo hoà bình và yêu thương hết thảy mọi người.

[1] Lêô Cả, Serm. 83, 2.

[2]Serm. 64.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here