THÂN PHẬN LỮ HÀNH [*]
Chuyển ngữ: Tu sĩ Giuse Nguyễn Trị An, OP.
DẪN NHẬP
1- “Trước mặt Ngài, chúng con chỉ là ngoại kiều và khách trọ, như tất cả cha ông chúng con” [1]. Những lời Vua Đavit thưa trước tôn nhan Đức Chúa diễn tả thân phận của một nhân vật trong Kinh Thánh, và cũng là thân phận của mỗi người chúng ta. Thực thế, “con đường” là một biểu tượng cho sự hiện hữu, được diễn tả ở một phạm vi rộng lớn, với các hành động thông thường như rời bỏ và quay lại, đi vào và thoát ra, xuống và lên, rảo bước và ngưng nghỉ. Kể từ giây phút đầu tiên xuất hiện trong thế giới, con người đã lên đường để tìm kiếm những mục đích mới, khám phá những chân trời mới và hướng về cõi vĩnh hằng. Băng qua sông ngòi, biển cả, leo lên những ngọn núi thánh thiêng, những đỉnh đồi chót vót, con người đến nơi ‘đất với trời gặp gỡ’. Rồi qua dòng thời gian, con người cũng để lại dấu ấn với những ngày trọng đại. Con người nhìn sự sinh thành như cửa ngõ dẫn vào trần thế, và xem cái chết là việc rời khỏi thế giới này mà trở về với lòng đất hoặc về với miền thánh thiêng.
2- Các cuộc lữ hành, vốn là dấu chỉ về thân phận của những người môn đệ Đức Kitô trong thế giới này [2], luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống Kitô hữu.
Theo dòng thời gian, các Kitô hữu vẫn thường đến những nơi gợi nhớ về Chúa Cứu Thế hoặc đến những địa điểm ghi dấu thời khắc quan trọng trong lịch sử Giáo hội để cử hành đức tin. Các Kitô hữu cũng đi đến những thánh điện dành đặc biệt để tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và những thánh điện có lưu giữ những kỷ vật của các thánh, hồi các ngài còn tại thế. Việc hành hương của các Kitô hữu là một hành trình hoán cải, một nỗ lực để sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và cũng là lời cầu nguyện đầy tín thác về những nhu cầu vật chất của con người. Giáo hội quan niệm rằng các cuộc hành hương, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, luôn là quà tặng của ân sủng.
Trong xã hội đương thời, nổi bật với đặc tính chuyển động, di động mạnh mẽ, các cuộc hành hương đang trải nghiệm một sức thúc đẩy mới. Để đáp ứng thực trạng này một cách thích hợp, đòi hỏi phải xây dựng các chương trình Mục vụ về hành hương dựa trên một nền tảng thần học rõ ràng, hầu có thể giải thích được hiện trạng xã hội, đồng thời phát triển một lối “thực hành” chắc chắn và vĩnh viễn, xét trong bối cảnh của những chương trình mục vụ tổng quát. Luôn phải ghi nhớ rằng, trên tất cả mọi sự, rao giảng Tin Mừng chính là lý do tối hậu để Giáo hội soạn thảo và khích lệ các chương trình hành hương; có như thế, việc hành hương mới được chuyển biến thành một trải nghiệm đức tin sâu sắc và trưởng thành [3].
3- Hy vọng những suy tư trong tài liệu này sẽ giúp ích cho tất cả khách hành hương và cho những ai có trách nhiệm về Mục vụ cho các cuộc hành hương; dưới ánh sáng của Lời Chúa và các truyền thống lâu đời trong Giáo hội, ước mong mọi người có thể kín múc và chia sẻ một cách dồi dào hơn phần gia sản thiêng liêng được tìm thấy trong kinh nghiệm của các cuộc hành hương.
I. CUỘC LỮ HÀNH CỦA ISRAEL
4- Theo Kinh Thánh, thì kể từ khởi nguyên cho đến sau này, qua hàng ngàn năm lịch sử, có thể xác định một cuộc lữ hành của ông Adam (adamic pilgrimage): từ khi nhân loại xuất hiện qua bàn tay tạo dựng của Đấng Tác Thành, từ khi con người hiện hữu trong thế giới và từ khi con người rời xa vườn địa đàng, lang thang vô định [4]. Cuộc lữ hành của Adam – kể từ lời mời gọi bước đi với Thiên Chúa, đến sự bất tuân phục của con người, và cho đến niềm hy vọng được ơn cứu rỗi – mặc khải một sự tự do hoàn toàn mà Thiên Chúa đã trao tặng cho con người. Đồng thời, cuộc lữ hành ấy cũng biểu lộ một lời cam kết thánh thiêng, rằng con người sẽ bước đi bên Chúa và men theo dấu chân của Người.
Thoạt nhìn, cuộc lữ hành của Adam dường như đã trệch hướng khỏi con đường dẫn tới Thượng uyển Địa đàng. Nhưng, cho dẫu như thế, cuộc lữ hành này vẫn có thể được chuyển biến thành con đường hoán cải và trở về với Thiên Chúa. Một Cain lang thang vẫn có sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa, Người luôn ở bên, theo dõi và bảo vệ Cain [5]. Thánh vịnh 56 câu 9 ca lên rằng: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” Đấng đã dõi theo con đường từ bỏ của đứa con phung phí trong tội lỗi chính là một người cha quảng đại phung phí tình thương. Qua hấp lực thần thiêng của tình thương cao cả này, mà mọi kẻ tội lỗi, mọi con đường sai trái đều có thể được chuyển biến thành lộ trình hoán cải và được ôm ấp, đón nhận [6]. Vì vậy, có một lịch sử bao quát về các cuộc lữ hành, trong đó chứa đựng một chặng đường tăm tối, xuyên qua “những lối mịt mù” [7], xuyên qua những nẻo quanh co [8]. Nhưng lịch sử ấy cũng bao gồm cả bước đường trở lại và hoán cải, dẫn đến sự sống [9], công chính và bình an [10], dẫn đến chân lý và thành tín [11], dẫn đến trọn hảo và vẹn toàn [12].
5- Cuộc lữ lành của ông Abraham (abrahamic pilgrimage) chính là mô thức của lịch sử cứu độ, trong đó kẻ tin đã sống với thái độ ưng thuận và chấp nhận. Ngôn ngữ được dùng để diễn tả cuộc lữ hành của Abraham (“hãy rời bỏ quê hương của ngươi”), cùng những dấu chân trong hành trình và những mối tương quan mà tổ phụ đã trải nghiệm, tất cả đều xác quyết rằng cuộc ra đi của Abraham là một cuộc xuất hành đến với ơn cứu độ, là hình ảnh tiên trưng về cuộc xuất hành sau này của toàn thể dân tộc. Rời bỏ quê hương, xứ sở, gia đình và tài sản cha mẹ để lại, Abraham đã lên đường với niềm tin và hy vọng về một chân trời mới mà Đức Chúa đã chỉ dẫn, như Thư gởi tín hữu Híp-ri nhắc nhớ chúng ta: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Ixaac và ông Giacop là những người đồng thừa kế cùng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu … Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa, nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” [14]. Vì một lý do tốt lành mà tổ phụ Abraham xác nhận bản thân mình chỉ là “một người ngoại kiều, một kẻ trú ngụ” ngay trong vùng Đất hứa, và giống như tổ phụ Abraham, những người con trai của ông là Ismael [16] và Giacop, cũng là những kẻ tị nạn trong vùng Paddan-aram [17] và Ai cập [18].
6- Chính từ vùng đất của các Pharao mà một cuộc xuất hành vĩ đại đã diễn ra. Những chặng đường khác nhau của cuộc xuất hành ấy –bao gồm việc rời khỏi Ai Cập, rồi lang thang trong sa mạc, chịu thử luyện, cám dỗ, phạm tội và tiến vào đất hứa – đã trở thành mô thức điển hình cho lịch sử cứu độ [19]. Trong mô thức ấy, không chỉ có ân huệ tự do, cuộc mặc khải ở núi Sinai, sự hiệp thông thánh thiêng được diễn tả ở Lễ Vượt Qua (“passage” cuộc vượt qua) và sự kiện cung cấp manna, nước uống, chim cút cho dân, nhưng còn chứa đựng cả yếu tố bất trung, thờ ngẫu tượng, và cơn cám dỗ quay trở lại kiếp nô lệ. Cuộc xuất hành vẫn đạt được một giá trị vĩnh viễn. Nó là một sự “tưởng nhớ” mãi luôn quan trọng và tái hiện thậm chí cả sau khi dân Chúa trở về từ cảnh lưu đày bên Babylon. Isaia II ca vang điều này như một cuộc xuất hành mới [20], được tưởng niệm mỗi lần Israel cử hành đại lễ Vượt Qua và được chuyển biến thành một hình ảnh về ngày cánh chung trong sách Khôn ngoan [21]. Thực vậy, mục đích cuối cùng là vùng đất hứa, nơi đó con người hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong một cuộc tạo dựng mới.
Chính Đức Chúa là một lữ khách cùng với dân Người: “Đức Chúa đã biết cuộc hành trình của các ngươi trong sa mạc mênh mông ấy; đã 40 năm Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, ở với các ngươi, và các ngươi đã chẳng thiếu thốn điều gì” [23] Thực vậy, Đức Chúa “đã gìn giữ chúng ta suốt hành trình chúng ta đi” [24]. Đức Chúa nhớ lại “lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng” [25]. Bởi mang phẩm tính căn bản là kẻ lữ hành, nên dân Chúa không được “gây phiền toái hay tổn hại đến ngoại kiều, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều bên đất Ai Cập” [26]; thay vào đó, các ngươi phải “yêu thương ngoại kiều (…) vì các ngươi đã từng là ngoại kiều bên Ai Cập” [27].
7- Vì vậy, bất cứ ai cầu nguyện thì đều giãi bày bản thân trước nhan Thiên Chúa là “kẻ lữ khách trọ trong nhà Ngài (…), một kẻ lữ hành” [28]. Thật đáng quý, các thánh vịnh là những lời cầu nguyện, được viết cách đây cả ngàn năm trong lịch sử Israel, minh chứng cho một nhận thức mang tính lịch sử và thần học về việc lên đường của cộng đồng cũng như của cá nhân. Dẫu rằng trong suốt cuộc hành hương sùng đạo tiến về Sion, dân Israel là ngoại kiều trong vùng đất của một ai đó, thì điều ấy vẫn [29] được chuyển biến thành dấu chỉ của niềm hy vọng. Việc “lên Đền thờ” trong dịp lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lều [30], vốn làm xuất hiện trong cộng đồng Israel những bài thánh thi diễn tả niềm vui (ca khúc lên đền) [31] khi tiến về núi Sion, trở thành kinh nghiệm về sự bền vững, tin tưởng, và đoan hứa sẽ sống công minh chính trực, kính sợ Thiên Chúa [32]. Được thiết lập trên nền móng Đền thờ Giêrusalem, vốn là biểu tượng về một Đức Chúa kiên cố như “đá tảng” không hề rạn nứt [33], nên các chi tộc con cái Israel đều tán dương danh thánh Chúa [34]. Họ bước vào sự hiệp thông với Chúa, thể hiện qua việc thờ phượng, sống trong các lều thánh và cư ngụ trên núi thánh của Người, tìm thấy nguồn ơn cứu độ không thể tàn phai [35] và được sống bình an, viên mãn [36]. “Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài. Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” [37]. “Đứng lên nào chúng ta đi lên Sion, đến cùng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta!” [38]
8- Đối với dân Thiên Chúa, một dân đã ngã lòng, mang gánh nặng hậu quả bất trung, các ngôn sứ còn chỉ cho thấy một cuộc lữ hành của Đấng Mesia (Messianic pilgrimage) mong chờ được giải thoát, cuộc lữ hành này cũng mở ra một chân trời cánh chung, ngày đó tất cả các dân tộc trên địa cầu sẽ trẩy về núi Sion, nơi cư ngụ của Lời Thánh, của hòa bình và hy vọng [39]. Sống lại kinh nghiệm cuộc xuất hành xa xưa, dân Chúa phải để cho Thần Khí loại bỏ quả tim bằng đá trong tâm hồn, thay vào một quả tim bằng thịt. Trong kiếp lữ hành, dân Chúa phải biểu lộ một lối sống công chính [41] và một tình yêu tín thành [42], phải mọc lên như tia sáng soi chiếu muôn dân [43], cho tới ngày Đức Chúa dọn sẵn một bữa tiệc trên núi thánh thết đãi mọi dân tộc [44]. Trên con đường hướng tới ngày lời hứa Mêsia thành toàn, và lời hứa quan trọng này đã được thực hiện rồi, mọi người đều được mời gọi đến hiệp thông trong bữa tiệc mà không phải trả tiền [45], hưởng dùng trong lòng thương xót của Thiên Chúa [46].
II. CUỘC LỮ HÀNH CỦA ĐỨC KITÔ
9- Đức Giêsu Kitô đi vào khung cảnh lịch sử, là “con đường, sự thật và sự sống” [47], từ lúc khởi đầu, Người đã gắn kết bản thân với hành trình của nhân loại cũng như của dân Người, rồi theo một cách nào đó cũng liên kết với mỗi người chúng ta [48]. Thực vậy, từ cương vị một Thiên Chúa, Người đã hạ mình, trở thành “xác phàm” và bước đi trên những nẻo đường nhân thế. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, “Thiên Chúa đã trở nên một con người, để nói với nhân loại về chính Người, và để mặc khải cho nhân loại biết Người là con đường, mà qua đó phàm nhân có thể tìm đến Thiên Chúa” [50]. Khi còn trẻ thơ, Đức Giêsu là một kẻ hành hương được đem đến Đền thờ ở Sion để dâng hiến cho Thiên Chúa [51]; lớn lên là một cậu bé, cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse, Người trẩy đi Giêrusalem, lên Nhà Cha Người [52]. Rồi đến thời công khai đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu ngang dọc khắp mọi con đường trong quê hương xứ sở, dần hình thành nên một hành trình hướng về Giêrusalem. Thánh sử Luca diễn tả cách đặc biệt rằng đó là một hành trình dài mà đích đến của Đức Giêsu không chỉ là thập giá, mà còn là vinh quang Phục Sinh và Lên Trời [53]. Cuộc Biến Hình trên núi của Đức Giêsu mặc khải cho Môsê, cho Êlia và cho các tông đồ về Cuộc Vượt Qua sắp xảy ra, một “cuộc xuất hành”: “họ đang nói về cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành ở Giêrusalem” [54]. Mọi nhà rao giảng Tin Mừng khác đều biết đến lộ trình mẫu mực này của Đức Giêsu, qua đó người môn đệ phải đi theo, vì “ai muốn trở thành môn đệ của tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo tôi”, thánh Luca còn nhấn mạnh vác thập giá “hằng ngày” [55]. Đối với thánh sử Mác-cô, hành trình đến thập giá trên đồi Golgotha liên tục được nhấn mạnh bằng những lời nói, ngôn từ diễn tả sự chuyển động và bằng biểu tượng “con đường” [56].
10- Nhưng con đường của Đức Giêsu không kết thúc ở đồi Golgotha. Cuộc lữ hành trần thế của Đức Kitô băng qua biên giới của sự chết, bước vào cõi vĩnh hằng và vào mầu nhiệm Thiên Chúa, vượt trên sự chết. Bước chân cuối cùng trong cuộc lữ hành của Đức Giêsu diễn ra trên đỉnh núi Thăng Thiên. Vì Chúa Phục Sinh hứa sẽ quay trở lại [57], nên việc Người lên cõi thiên đàng, đi về nhà Cha là để dọn chỗ cho chúng ta, và rồi Người ở đâu, chúng ta cũng được ở đó với Người [58]. Thực vậy, Chúa Kitô đã tóm kết sứ mạng của mình như sau: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. (…) Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con” [59].
Cộng đoàn Kitô hữu, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, đã ra đi, đến mọi ngõ ngách trần thế, hoạt động ở những quốc gia khác nhau trên thế giới [60]. Từ Giêrusalem cho đến Roma, rồi trên những con đường của đế quốc Roma, các Tông đồ và các kẻ loan báo Tin Mừng đã bước đi, có Đức Kitô cùng đi bên cạnh, như xưa Người đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, để giải thích sách thánh rồi dâng lời tạ ơn, bẻ bánh [61]. Theo dấu chân của các Kitô hữu, mọi dân tộc trên địa cầu cũng lên đường. Muôn dân sẽ lữ hành như lộ trình của các nhà Đạo sĩ đến Belem thuở xưa, [62], hoàn trọn những lời Đức Kitô đã nói: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời”.
11- Tuy nhiên, đích điểm sau cùng của cuộc lữ hành qua các con đường trần thế đã không được ghi dấu trên bản đồ trái đất. Đích điểm ấy ở bên ngoài biên giới của chúng ta, như Đức Kitô, Đấng bước đi với con người để dẫn con người đến hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, đã thực hiện như vậy. Điều quan trọng, chúng ta phải nhận ra rằng “con đường” của Chúa là con đường mà Người đã đi qua, và giờ đây, Người cùng với chúng ta sánh bước trên con đường ấy. Thực thế, Sách Công Vụ Đồ mô tả đời sống Kitô hữu như một “con đường” [64] một “đạo” theo đúng nghĩa. Vì thế, sau khi đi giảng dạy cho muôn dân, có Chúa đồng hành và ở cùng hết mọi ngày cho đến tận thế [65], sau khi được “Thần Khí hướng dẫn” [66] để sống công chính và yêu thương, người Kitô hữu hướng tới bến là Giêrusalem Thiên quốc, được ghi lại trong sách Khải Huyền. Con đường này / cuộc sống này đầy ắp niềm hy vọng mãnh liệt, tha thiết, đón chờ ngày Chúa đến [67]. Cuộc lữ hành của chúng ta có cùng đích siêu việt, vì nhận biết rằng chúng ta chỉ là “những kẻ xa lạ, những khách ngoại kiều” trên trần gian này, nhưng chúng ta được đặt định để trở thành “những người đồng hương với các thánh, là một thành phần trong gia đình của Chúa” [69]. Đức Giêsu bị giết chết bên ngoài cổng thành Giêrusalem, chúng ta cũng vậy, sẽ phải đi ra “ngoài nơi trú ngụ, và chia sẻ nỗi yếu hèn Người đã chịu”. Không có thành trì vĩnh viễn trong cuộc đời này, chúng ta phải tìm kiếm một thành trì trong tương lai” [70]. Nơi đó, Thiên Chúa sẽ ở với chúng ta; nơi đó “sẽ không còn cái chết, không còn đau khổ và buồn chán nữa. Những điều cũ đã qua đi” [71].
III. CUỘC LỮ HÀNH CỦA GIÁO HỘI
12- Trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, Giáo hội, một dân thiên sai, cũng đang hướng về thành đô vĩnh cửu trong tương lai [72]. Thành đô ấy siêu việt thời gian và mọi biên giới, hoàn toàn hướng về Vương Quốc Thiên Chúa, một Vương Quốc vốn đang hiện diện và vận hành ở mọi vùng đất trên địa cầu. Những vùng đất này đã nhận được hạt giống lời Chúa [73] và được tưới đẫm bằng máu của các vị tử đạo, các vị chứng nhân Tin Mừng. Như thánh Phaolô và các Tông đồ thuở xưa, các nhà truyền giáo đã băng qua những con đường ở Roma, những lối mòn lưu động, qua vùng biển lớn, đến những thành phố và hải cảng ở Địa Trung hải. Các nhà truyền giáo sớm phải đối diện với những nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau ở cả phía Đông và phía Tây, cho thấy bản thân không chỉ giới hạn ở vùng đất của người Hípri hay Aram nữa, nhưng đi tới Hy Lạp và Roma, rồi sau này tiếp xúc với các dân tộc và ngôn ngữ khác nữa, trong đó có những vùng đã được sách Công vụ tông đồ nhắc đến vào dịp ngày Lễ Ngũ Tuần [74]: các dân Ả Rập, Syri, Ethiopia, Ba Tư, Armenia, Goltic, Slavia, Ấn Độ, Trung Hoa. Những bước chân trong hành trình của các sứ giả Tin Mừng đã lan tỏa khắp nơi, từ vùng Tiểu Á tới Italia, từ Châu Phi tới Tây Ban Nha và xứ Gaul, rồi từ Đức quốc tới Anh quốc, từ những quốc gia Slavic cho tới Ấn Độ và Trung Hoa. Đến thời hiện đại, các sứ giả Tin Mừng còn đi tới những quốc gia mới và những dân tộc mới ở châu Mỹ, châu Phi và Châu Đại dương, từ đó phác họa nên “hành trình của Chúa Kitô qua nhiều thế kỷ” [75].
13- Tiếp đến, vào thế kỷ IV và V, Giáo hội bắt đầu có nhiều kinh nghiệm về đời sống đan tu. Tiêu biểu cho hai hình thức căn bản được thúc đẩy trong thời kỳ này là việc “rút lui sống khổ hạnh” và “cuộc xuất hành thiêng liêng”. Cũng trong giai đoạn này, có vài hình tượng nhân vật kinh thánh đóng vai trò kiểu mẫu cho nền văn chương đan tu và giáo phụ. Hình ảnh tổ phụ Abraham thường gắn liền với chủ đề xeniteia (trải nghiệm về kẻ xa lạ: nhận thức mình là ngoại kiều, là kẻ lưu vong), đây là một trong những chủ đề cấu thành bước thứ ba trong hành trình Thang tinh thần (The Spiritual Ladder) của thánh Gioan Climacus. Hình tượng nhân vật Môse, người đã dẫn dân Israel xuất hành thoát khỏi kiếp nô lộ Ai Cập đi tới vùng đất hứa, trở thành đề tài nổi bật của văn chương Kitô giáo cổ xưa, trong đó đặc biệt có tác phẩm Cuộc đời Môsê của thánh Gregoriô Nyssa. Cuối cùng, ngôn sứ Êlia, người đã leo lên núi Cát Minh và đỉnh Horep, cũng trở thành chủ đề về hành trình vào sa mạc, tiếp xúc với Thiên Chúa. Điển hình có Thánh Ambrôsio cảm mến ngôn sứ Êlia và xem đó như là khuôn mẫu của sự thoát ly thế gian (fuga saeculi), lý tưởng sống đời khổ hạnh.
Quan niệm đời sống Kitô hữu là một cuộc lữ hành, đi tìm kiếm một cõi cô tịch thánh thiêng, bằng cách tách biệt khỏi mọi thứ hỗn độn của các sự vật và sự kiện, cộng với lòng tôn kính các nơi thánh thiêng, đã thúc đẩy thánh Giêrônimô cùng các môn đệ của ngài là Paula và Eustochium, rời khỏi Roma, đến cư ngụ tại Đất thánh, quê hương của Chúa. Thế rồi, tại Hang động nơi Chúa sinh ra ở Bê-lem, một đan viện đã được thành lập. Từ đó xuất hiện một loạt các tu viện, đan viện, cư xá ở Đất thánh, rồi tiếp tục lan rộng đến những vùng khác, đặc biệt ở Tebaide xứ Ai Cập, ở Syria và Cappadoxia. Tiếp đấy, những cuộc lữ hành trong sa mạc hay những cuộc hành hương hướng về một nơi thánh nào đó, đã trở thành biểu tượng cho một hành trình khác, hành trình tâm linh, như thánh Âutinh đã từng đề cập để nhắc nhớ chúng ta: “Hãy trở về với chính mình: Chân Lý cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn bạn”. “Nhưng đừng dừng ở lại trong bạn, mà hãy đi vượt lên trên chính bạn” [76], bởi vì bạn không phải là Thiên Chúa: Người ở sâu thẳm hơn và Người vĩ đại hơn bạn biết. Hành trình trong tâm hồn là điều mà truyền thống triết học Platon mời gọi, bây giờ đạt được một chiều kích mới. Với niềm khao khát mãnh liệt hướng đến Tuyệt Đối là Thiên Chúa, chính thánh Âutinh đã xác định và nói về hành trình tâm hồn như sau: “Ai say mê tìm kiếm Thiên Chúa sẽ nhận biết Người ngọt ngào dường bao, và kẻ nhận biết Thiên Chúa sẽ say mê tìm kiếm Người với tình yêu rực cháy” [77]. Quan niệm “miền đất thánh chính là linh hồn trong trắng của chúng ta” [78] cũng trở thành lời mời gọi hãy thường xuyên lên đường, đi về những miền đất thánh, và trở thành một dấu hiệu của tiến trình hoàn thiện cá nhân. Vì thế, với những nỗ lực để khắc phục cường điệu và hiểu lầm, các Giáo Phụ nói rằng những hành trình “địa lý” mang tính tương đối. Cụ thể, thánh Gregoriô Nyssa, đã đưa ra nguyên lý nền tảng để phát triển các lộ trình cách hợp lý. Dẫu rằng thánh nhân rất nhiệt thành đi viếng Đất Thánh, nhưng ngài khẳng định lộ trình quan trọng mà các tín hữu cần trải nghiệm là lộ trình dẫn chúng ta đi từ thực tại thể chất đến thực tại thiêng liêng, từ sự sống thể lý đến sự sống trong Chúa, và đó không phải là lộ trình đi từ Cappadoxia tới Palestine [79]. Thánh Giêrôminô cũng khẳng định cùng một nguyên lý như thế. Trong Lá Thư số 58, thánh nhân ghi nhận rằng mặc dầu thánh Antôn và các đan sĩ không hành hương đến Giêrusalem, nhưng mọi cánh cổng thiên đàng vẫn được mở ra cho các ngài theo cùng một cách thức như vậy. Và thánh Giêrônimô còn quả quyết: đối với các Kitô hữu, điều đáng tuyên dương không phải là việc họ đã đi hành hương Đất Thánh, nhưng là vì họ đã sống một cuộc đời thánh thiện [80].
Trong hành trình nội tâm đi từ ánh sáng cho tới ánh sáng [81], như lời Chúa Kitô mời gọi “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” [82], một kiểu mẫu cho các hành trình đã được hình thành, một kiểu mẫu vốn được yêu chuộng cách đặc biệt đối với truyền thống tâm linh Byzantin: đó là khía cạnh “khổ hạnh” mà sau này sẽ phát triển dựa trên học thuyết thần bí của Đionysio Areopagita, thánh Maximo Confessorvà thánh Gioan Damasco.
Sự thiên hóa (hay thần hóa) là mục tiêu lớn nhất của hành trình tâm linh lâu dài, đưa người tín hữu vào cõi thâm sâu của Thiên Chúa, và rồi hoàn trọn những lời thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô và bây giời tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” [83], vì thế “sống … là Đức Kitô” [84].
14- Đến thế kỷ IV, khi cuộc bách hại của hoàng triều Roma chấm dứt, những địa điểm tôn kính các thánh tử đạo đã được mở ra để mọi người có thể tôn kính thì một làn sóng hành hương diễn ra mạnh mẽ. Điều này đã được chứng thực trong nhiều tài liệu để lại, như các trang Nhật Ký của nhiều tín hữu hành hương, đặc biệt ở khu vực Đất Thánh. Trong số đó, nổi bật có chứng tích của chị Ethêria, đầu thế kỷ V.
Nhưng các hành trình cụ thể qua khắp nẻo đường thế giới lại mở rộng ra nhiều hướng mới. Khi quân Ả-rập xâm chiếm Giêrusalem vào năm 638, thì việc hành hương của các Kitô hữu đến những địa điểm đáng nhớ ở Đất Thánh trở nên khó khăn hơn, vì thế có nhiều lộ trình mới xuất hiện ở Tây phương. Thành Roma, nơi thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo và là thành đô trung tâm của sự hiệp thông trong Giáo hội quanh vị kế nhiệm thánh Tông đồ Phêrô, đã trở thành những đích đến căn bản, từ đó rất nhiều Con đường Roma (Vie Romee) hướng về tòa thánh Phêrô (Petri sedem) đã xuất hiện, trong số đó, tiêu biểu là Con đường Francigena, băng qua toàn Châu Âu, để chỉ về một thành thánh mới. Cũng có một đích đến khác nữa là Mộ thánh Giacôbê ở Compostella. Ngoài ra, còn phải kể đến những vương cung thánh đường kính Thánh Mẫu, như Nhà Đức Mẹ ở Loreto, thánh đường Jasna Gora ở Czestochowa; cũng có những cuộc hành hương đến các Đan viện lớn thời trung cổ, được ví như các thành trì văn hóa và tinh thần; có nhiều cuộc thăm viếng đến những nơi ghi dấu các vị thánh vĩ đại, như thành Tours, thành Canterbury và Padua. Thông qua những lộ trình hành hương như thế, một mạng lưới, “thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia” [85], đã hình thành ở Châu Âu. Mặc dầu có đôi chút cường điệu, nhưng thực sự hiện tượng đáng quý này làm nảy sinh nhiều đoàn lũ đông đảo, rất sống động nhờ niềm tin đơn thành và sâu sắc, đồng thời củng cố tinh thần, gia tăng đức tin, thúc đẩy lòng bác ái và nuôi dưỡng sứ mạng của Giáo hội. Hội “Những người hành hương Đất Thánh”, hội “Những người hành hương Roma”, và hội “Những người hành hương”, với trang phục riêng, hầu như đã cấu thành “hàng ngũ” chuyên biệt của từng hội, tất cả đều nhắc nhớ thế giới này về bản chất lữ hành của cộng đoàn Kitô hữu, hướng đến một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và hiệp thông với Người.
Các cuộc hành hương mang một sắc thái mới do sự ra đời của các cuộc Thập tự chinh từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Trong những cuộc Thập tự chinh, lý tưởng tôn giáo xưa kia về việc hành hương tới các địa điểm trong Kinh Thánh, nay đã hoà lẫn với những hoàn cảnh và mục tiêu mới, nổi lên ở thời kỳ lịch sử này, đó là sự thành hình của một tầng lớp Hiệp sĩ, cùng với những căng thẳng, áp lực xã hội và chính trị, cộng với những hình thức tái thúc đẩy giao thương và văn hóa hướng về phương Đông và sự hiện diện của Hồi giáo tại Đất Thánh.
Những tranh chấp quyền lực và lợi ích thường lấn át lý tưởng tinh thần và truyền giáo, và làm biến dạng các Cuộc thập tự chinh, trong lúc Giáo hội ở bên Đông và bên Tây đứng trước bờ vực chia cách. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các chuyến hành hương mà thánh Bênarđô đã vạch ra tính cách mập mờ của nó. Thánh nhân đã hăng sau giảng thuyết để cỗ vũ cuộc Thập Tự Chinh thứ hai, nhưng ngài không dè dặt tán dương Giêrusalem tinh thần, hiện diện trong các đan viện của Kitô giáo, như là mục tiêu lý tưởng của việc hành hương: “Clairvaux là Giêrusalem, này đây được gắn kết với Thành thánh thiên quốc nhờ lòng đạo đức sâu sắc và triệt để, nhờ sự thống nhất trong đời sống của đan viện, nhờ sự tương đồng nào đó” [86]. Có một thánh thi trung cổ, vẫn tồn tại đến ngày này trong Phụng vụ, rõ ràng rất tán dương Giêrusalem thiên quốc, được xây dựng trên trần thế qua việc cung hiến một ngôi thánh đường: “Thành Giêrusalem thiên quốc, đích thực chốn hòa bình, xây toàn đá sống động, cao ngất tận trời xanh” [87].
15- Vào chính thời điểm này Thánh Phanxicô xuất hiện. Qua các anh em của mình, thánh nhân hiện diện trên vùng Đất Thánh nhiều thế kỷ, như người canh giữ các địa điểm thánh thiêng cho các Kitô hữu – trong một sự đồng cư không phải luôn dễ dàng với những cộng đoàn Giáo hội Đông phương khác – và như một cách khích lệ các cuộc hành hương Đất Thánh. Khoảng năm 1300, Dòng “Những người lữ hành vì Chúa Kitô” đã được thành lập. Dòng xem các cuộc hành hương cũng là việc truyền giáo. Nhưng chính vào năm ấy, ở Roma Giáo hội tuyên bố mở Năm Toàn xá. Thế nên, hành trình hướng về Rôma có giá trị ngang với cuộc hành hương Giêrusalem. Kể từ đó và các năm Toàn xá kế tiếp, rất nhiều đoàn hành hương tuốn về Rôma. Sự đồng nhất về văn hoá và tôn giáo của Tây Âu thời Trung cổ đã được nuôi dưỡng nhờ các cuộc trải nghiệm tâm linh này. Tuy nhiên, dần dần xuất hiện những mô thức mới phức tạp hơn, ảnh hưởng đến bản chất của các cuộc hành hương.
16- Cuộc cách mạng Copernic làm nảy sinh một cuộc tiến triển của con người lữ hành từ một thế giới không chuyển động, nay trở nên thành phần của một vũ trụ không ngừng vận động. Việc khám phá ra Tân Thế Giới đã thiết lập một nền tảng thiết yếu để vượt qua cái nhìn quy Châu Âu, nhờ sự xuất hiện của nhiều nền văn hoá khác cùng với những chuyến đi ngoại thường của các nhóm dân khác nhau. Kitô giáo Tây phương mất đi tính duy nhất của nó ở trung tâm Roma, và các cuộc ly khai đã làm cho việc hành hương trở nên khó khăn hơn, đôi khi hành hương hoá ra “như một cơ hội phạm tội và chống cưỡng các mệnh lệnh của Thiên Chúa … thực vậy, đã xảy ra sự kiện là một người tiếp tục hành hương tới Roma và tốn mất 150 đồng Florin, thậm chí còn hơn nữa, đang khi đó anh ta để cho vợ mình, con cái và kể cả hàng xóm láng giềng, phải ở nhà và chịu cực chịu khổ” [88]. Khi hình ảnh vũ trụ cổ điển vỡ vụn ra, người ta ngày càng ít cảm nhận mình là một lữ khách trong ngôi nhà chung thế giới, mà bây giờ ngôi nhà ấy bị chia nhỏ ra thành các Quốc gia và các Giáo hội nội địa. Vì vậy, có nhiều đích đến gần hơn đã xuất hiện, như các khu Núi thánh và các Thánh đường kính Đức Trinh Nữ Maria ở địa phương.
17- Tuy nhiên, vào thế kỷ XVIII – XIX, mặc dầu các cộng đoàn Kitô hữu thường ưa chuộng một nếp sống yên tĩnh, nhưng việc hành hương vẫn tiếp diễn. Một vài nơi, như Châu Mỹ Latinh và Philippin, các cuộc hành hương có tác dụng duy trì đức tin cho các thế hệ tín hữu; Ở những nơi khác, cũng xuất hiện một linh đạo mới, với những trung tâm đạo đức được xây cất ở các địa điểm ghi dấu việc Đức Trinh Nữ hiện ra, với lòng đạo đức bình dân. Từ Guadalupe cho đến Lộ Đức, từ Aparecida cho đến Fatima, từ đền Santo Nĩno ở Cebu cho đến đền thánh Giuse ở Montreal, có vô vàn chứng cớ về tầm quan trọng của các cuộc hành hương, cũng như tinh thần sám hối, hoán cải mà các cuộc hành hương mang lại. Cùng lúc ấy, có một sự nhận thức mới về đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa mà Công đồng Vatican II ghi nhận, đấy là hình ảnh sống động nhất về Giáo hội Chúa Kitô.
*****************
Chú thích
[*] Văn kiện này do Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Di Dân và Lữ hành soạn thảo nhằm chuẩn bị cho Năm Toàn Xá 2000, với mục tiêu chuẩn bị tinh thần cho các tín hữu tiến về Rôma. Tuy nhiên, bản văn còn muốn mở rộng nhãn giới, không chỉ đến các địa điểm hành hương khác, nhưng còn đến thân phận “lữ hành” của Hội thánh dương gian. Vì lý do ấy, ở đây từ pilgrimage, pilgrim được dịch là “lữ hành” thay vì “hành hương”. Như chúng ta biết, từ “hành hương” bắt nguồn từ tục lệ dâng hương cúng lễ (tay cầm nén nhang đi nhiễu quanh đối tượng tôn kính 3 vòng theo chiều kim đồng hồ). Từ “lữ hành” được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, xuyên qua không gian và thời gian. Tuy nhiên, trong đoạn cuối, từ ngữ được sử dụng theo nghĩa “hành hương” cổ truyền.
[1]1 Sb 29, 15.
[2] X.CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen Gentium, 49.
[3] X. Ủy ban Mục vụ Thư giãn, Du lịch và Thể thao của HĐGM Italia, Pastorale del Pellegrinaggio, 1996, tr. 44.
[4] X.St 3, 23-24.
[5] X. St 4, 15.
[6] X. Lc 15, 11-32.
[7] Cn 2, 13; 4, 19.
[8] X.Cn 2, 15; 10, 9; 21, 8.
[9] X.Cn 2, 19; 5, 6; 6, 23; 15, 24.
[10] X. Cn 8, 20; 12, 28; Br 3, 13; Is 59, 8.
[11] X.Tv 119, 30; Tb 1, 3.
[12] X.Tv 101, 2.
[13] X.St 12, 1-4.
[14] Dt 11, 8-10.13.
[15] St 23, 4.
[16] X.St 21, 9-21; 26, 12-18.
[17] X.St 28, 2.
[18] X.St 47 và 50.
[19] X. 1 Cr 10, 1-13.
[20]X. Is 43, 16-21.
[21] X.Kn 11-19.
[22] X.Kn 19.
[23] Đnl 2, 7.
[24] Gs 24, 17.
[25] Gr 2, 2.
[26]Xh 22, 20.
[27] Đnl 10, 19; x. 24, 17.
[28] Tv 39, 12; x. 119, 19.
[29] X. Lv 25, 23.
[30] X.Xh 34, 24.
[31] X.Tv 120-134.
[32] X.Tv 128, 1.
[33] X.Đnl 32, 18: Tv 18, 2; 46, 2-8.
[34] X.Tv 122, 4.
[35] X.Tv 15, 1.5.
[36] X.Tv 43, 3-4.
[37] Tv 84, 4-5.
[38] Gr 31, 6; x. Is 2, 5.
[39] X. Is 2, 2-4; 56, 6-8; 66, 18-23; Mk 4, 1-4; Dcr 8, 20-23.
[40] X. Ed 36, 26-27
[41] X. Is 1, 17.
[42] X. Hs 2, 16-18.
[43] X. Is 60, 3-6.
[44] X. Is 25, 6.
[45] X. Is 55, 1-2.
[46] X. Ed 34, 11-16.
[47] Ga 14, 6.
[48] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptor Hominis, 18.
[49] Ga 1, 2.14.
[50]ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 6.
[51] X. Lc 2, 22-24.
[52] X. Lc 2, 49.
[53] X. Lc 9, 51; 24, 51.
[54] Lc 9, 31.
[55] Mt 16, 24; cfr. Mt 10, 38 và Lc 9, 23.
[56] X. Mc 8, 27.34; 9, 33-34; 10, 17.21.28.32-33.46.52.
[57] X.Cv 1, 11.
[58] X.Ga 14, 2-3.
[59] Ga 16, 28; 17, 24.
[60] Cv 2, 9-11.
[61] X. Lc 24, 13-35.
[62] X. Mt 2, 1-12.
[63] Mt 8, 11.
[64]X.Cv 2, 28; 9, 2; 16, 17; 18, 25-26; 19, 9.23; 22, 4; 24, 14.32.
[65] X. Mt 28, 19-20.
[66] Gl 5, 16.
[67] X.Kh 22, 17.20.
[68] X. Ep 2, 19; 1 Pr 2, 11
[69]Ep 2, 19
[70] Dt 13, 13-14.
[71] Kh 21, 4.
[72] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen Gentium, 9.
[73] X.Cv 8, 4.
[74] X.Cv 2, 7-11.
[75] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 25.
[76] X. T. AUGUSTINÔ, De vera religione 39, 72: CCL 32, 234; PL 34, 154.
[77] T. AUGUSTINÔ, De Trinitate 15, 2, 2: CCL 50, 461; PL 42, 1058.
[78]ORIGENE, In Leviticum XIII,5: SCh 287, 220; PG 12, 551.
[79] X. T. GREGORIÔ NYSSA, Thư 2, 18: SCh 363, 122; PG 46, 1013.
[80] X. T. HIERONIMO, Thư 58, 2-3: CSEL 54, 529-532; PL 22, 580-581 .
[81] X.Tv 36, 9.
[82] Mt 5, 48.
[83]Gl 2, 20.
[84]Pl 1, 21.
[85] ĐGH GIOAN PHAOLO II, Diễn từ đọc trong cuộc viếng thăm Vienna (10/9/1983): AAS 76 (1984), tr. 140.
[86] T. BÊNAĐÔ, Thư gửi Giám mục Lincoln, Thư 64, 2: PL 182, 169ff.
[87]“Urbs Ierusalem beata,/ dicta pacis vision,/ quae construitur in coelis,/ vivis ex lapidibus”. Phụng vụ Giờ Kinh, Phần chung Cung hiến thánh đường, Thánh thi kinh Chiều.
[88] M. LUTHER, Gửi hàng Quý tộc Nước Đức (1520): WA 6, 437.