Tác Phẩm: "Hoa Trái Thinh Lặng" Của Tác Giả Thomas Merton

0
1163


 

Lời Tác Giả

Những ai rộng lượng lý thú cảm nhận một điều gì đó khi đọc “Hạt Giống Chiêm Niệm”“Không Ai Là Một Hòn Đảo” hẳn cũng có thể tìm thấy đôi điều ý vị trong những suy tư này, những suy tư mà giả như có giá trị nào đó để nói chỗ này chỗ kia thì đây là điều mà tác giả, trước nhất, muốn nói với chính mình và nói với những ai có thiên hướng đồng cảm với mình. Điều này, cách riêng, đúng với phần hai, “Yêu Mến Sự Cô Tịch”. Những ai biết đến những trang đầy phấn khích của Max Picard trong “Thế Giới Của Thinh Lặng” sẽ nhận ra nguồn cảm hứng của triết gia người Thụy Sĩ này trong những bài suy niệm đó.

Thomas Merton

***

LỜI NÓI ĐẦU

Những lời ghi chép trong tập này được viết vào những năm 1953 và 1954 vào thời điểm mà tác giả, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nhờ sự rộng lượng của các Bề Trên, có thể tận dụng những cơ hội đặc biệt dành cho việc tĩnh tâm và suy niệm; từ đó, mới có đề tựa tập sách như trên. Điều này không muốn nói rằng, những lời ghi chép đó mang tính chủ quan hay tự thuật. Chúng không hề được nhắm đến như một tường trình về những cuộc phiêu lưu tinh thần. Đối với tác giả, không có cuộc phiêu lưu nào để viết, và nếu có, nó cũng sẽ không phó mặc cho việc in ấn trong bất kỳ trường hợp nào. Đây chỉ là những suy tư về đời sống chiêm niệm, những hiểu biết bằng trực giác mà dường như có một tầm quan trọng cơ bản vào một lúc nào đó trong quá khứ.

Ở đây, dĩ nhiên, cần có một sự dè dặt. Cách rõ ràng, những hiểu biết qua trực giác vốn xem ra cấp thiết và sống còn đối với tác giả sẽ không quá quan trọng đối với người khác, những người không cùng ơn gọi. Vì thế, theo nghĩa đó, rốt cuộc, cuốn sách hoàn toàn mang tính riêng tư. Một đôi chỗ, những câu nói khá chung chung; thỉnh thoảng, chúng là những nhận xét được đưa ra tiện thể và gần như tầm thường. Không nơi nào bạn thấy những lời ghi chép này mang tính riêng tư. Nhưng cách chung, những suy tư về sự cô tịch của con người trước Thiên Chúa, đối thoại của nó với Ngài trong sự trầm lắng và mối tương quan qua lại giữa những giờ phút tĩnh lặng cá nhân, thì với tác giả, nó thật cấp thiết đối với cách sống riêng biệt của ông. Cũng có thể nói cách dè dặt rằng, lối sống riêng biệt này không nhất thiết là lý tưởng của Dòng Tu mà tác giả tình cờ thuộc về. Đối với toàn bộ điều đó, thực chất là một tu viện lý tưởng.

Hầu như không cần phải nói thêm rằng, như những dòng nước trôi qua dưới chiếc cầu riêng tư của chính tác giả, những lời ghi chép này đã được viết và những dòng ý tưởng vốn được tìm thấy ở đây đã trải qua những phương hướng không ngờ khác nhau vào những năm tháng đan xen.

Vào một thời đại khi chính thể chuyên chế thao túng mọi cách hầu làm mất giá trị và nhân phẩm, chúng ta tin chắc rằng, tiếng nói của những ai ủng hộ sự tĩnh lặng và tự do bên trong của con người đều cần được lắng nghe.

Tiếng ầm ĩ giết người của chủ nghĩa duy vật nơi chúng ta không được phép dập tắt những tiếng nói vốn sẽ không bao giờ ngưng vang lên: liệu chúng có phải là tiếng nói của các Thánh Kitô Hữu, tiếng nói của những nhà thông thái Phương Đông như Lão Tử hay các Thiền sư, tiếng nói của những người như Thoreau hay Martin Buber, hay Max Picard. Hoàn toàn đúng khi nhấn mạnh rằng, con người là một “con vật xã hội” – sự thật đủ cho thấy. Nhưng đó không phải là lý do để biện hộ cho việc biến con người thành một bánh xe nhỏ trong một guồng máy chuyên chế – hay một bánh xe tôn giáo trước vấn đề đó.

Thật ra, sự tồn tại của một xã hội tuỳ thuộc vào sự trầm lắng riêng tư bất khả xâm phạm của các thành viên trong đó. Để xứng đáng với tên gọi của mình, xã hội được cấu thành không phải từ những con số hay những đơn vị máy móc, nhưng bởi những nhân vị. Việc trở thành một nhân vị bao hàm trách nhiệm và tự do. Cả hai điều này lại muốn nói đến một sự tĩnh lặng bên trong nào đó, một ý thức về sự chính trực cá nhân, ý thức về thực tại riêng tư cũng như khả năng của mỗi người để trao ban chính mình cho xã hội – hay để từ chối quà tặng đó.

Bị nhấn chìm hoàn toàn trong một biển người vô danh, bị xô đẩy dồn ép bởi những thế lực vô thức, con người đánh mất nhân tính đích thực, đánh mất sự chính trực, đánh mất khả năng yêu thương và khả năng tự quyết của mình. Khi xã hội được cấu thành bởi những con người vốn không biết sự tĩnh lặng bên trong là gì, xã hội đó không còn được liên kết với nhau bằng tình yêu. Do đó, nó được nối kết với nhau bởi một thứ quyền lực lạm dụng và bạo lực. Khi con người bị cưỡng bách để rồi mất đi sự tĩnh lặng và tự do lẽ ra họ đáng được, thì xã hội trong đó họ đang sống lại trở nên đồi bại, thối rữa bởi sự hèn hạ, căm phẫn và hận thù.

Không khối tiến bộ kỹ thuật nào có thể chữa lành mối thù hằn vốn ăn mòn nhựa sống của một xã hội duy vật tựa hồ căn bệnh ung thư thiêng liêng. Phương pháp trị liệu duy nhất là, và phải luôn luôn là, thiêng liêng. Nói thật nhiều về Thiên Chúa và tình yêu cho con người sẽ trở nên một việc vô bổ nếu họ không có khả năng lắng nghe. Đôi tai mà nhờ đó, người ta lắng nghe thông điệp của Tin Mừng đang ẩn tàng trong tâm hồn con người, và những đôi tai này không nghe bất cứ điều gì trừ phi chúng được ưu đãi với một sự trầm lắng và tĩnh lặng bên trong nào đó.

Nói cách khác, vì đức tin là một vấn đề thuộc tự do và tự quyết – đón nhận nhưng không quà tặng ân sủng được trao ban cách nhưng không – con người không thể chấp nhận một thông điệp thiêng liêng bao lâu tâm hồn và trí óc nó còn là nô lệ của hành động vô ý thức. Con người sẽ luôn là nô lệ chừng nào nó vẫn đắm chìm trong khối những cổ người máy khác, hoặc chừng nào nó không còn tính cá vị hay sự chính trực đúng đắn của mình với tư cách là những nhân vị.

Những gì được nói ở đây về sự cô tịch không chỉ là một giải pháp cho các nhà ẩn tu, nó còn liên quan đến toàn thể tương lai của con người và số phận của thế giới trong đó nó đang sống; và đặc biệt, dĩ nhiên, đến tương lai đời sống tôn giáo của nó.

Tác giả: Thomas Merton

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh, Giáo phận Huế

 

 

* Download Tác Phẩm  —–>     “Hoa Trái Thinh Lặng”