Thời Sự Thần Học: Đời Sống Thánh Hiến – Số 66

0
1468


 

LỜI GIỚI THIỆU

Số báo đầu tiên của niên khóa 2014-15 được dành cho đề tài “Đời sống thánh hiến” bởi vì được phát hành vào lúc sắp khai mạc Năm Đời sống thánh hiến do đức thánh cha Phanxicô khởi xướng (từ 30/11/2014 đến 2/2/2016). Đời sống thánh hiến có thể được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh, về lý thuyết cũng như thực hành. Các sách báo viết về đề tài này khá phong phú. Cách đây hai năm Thời sự thần học đã dành số 57 (08/2012) cho đề tài “Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ”, với các bài “Đào tạo linh mục trong các dòng tu” (trang 37-74), “Thần học đời tu trong vòng 50 năm qua” (trang 177-202), “Điểm qua vài tựa sách về đời tu hôm nay” (trang 203-224)[1]. Trong số này, chúng tôi chỉ chọn lựa vài chủ đề mang tính định hướng tổng quát: những khuôn mẫu của đời tu trì Kitô giáo; vài sắc thái đặc biệt của đời tu trì Kitô giáo tại Việt Nam; những lối tu trì bên ngoài các Dòng.

1. Những “khuôn mẫu” của đời tu trì Kitô giáo trong lịch sử

– Trước hết, linh mục Giancarlo Rocca, SSP trình bày Những khuôn mẫu Kinh Thánh về đời tu trong ngàn năm thứ nhất. Ý nghĩa đời tu (nói chính xác hơn: đời đan tu) được giải thích qua năm khuôn mẫu rút từ Kinh thánh: tử đạo; phép rửa thứ hai; đời sống thiên thần; đời ngôn sứ; đời tông đồ. Những khuôn mẫu này còn được lặp lại thường xuyên ở các thế hệ kế tiếp.

– Trải qua lịch sử, nhiều hình thức tu trì đã xuất hiện. Phải chăng đây chỉ là kết quả của sự tiến hóa, hay còn hàm chứa một ý nghĩa thần học? Linh mục Carlos Aspiroz Costa, nguyên Tổng quyền Dòng Đa Minh, trong bài viết Thần học về các hình thức lịch sử của đời thánh hiến, tìm cách vạch ra những điểm nhấn khác nhau trong quan niệm về Thiên Chúa, về tương quan với thế giới và nhân loại đàng sau 6 hình thức chính: đan tu, hành khất, giáo sĩ, phục vụ, chiêm niệm đường phố, tận hiến vì thế giới.

2. Những nét đặc trưng của đời tu trì Kitô ở Việt Nam, với hai bài:

– Về phía nam giới, linh mục Phan Tấn Thành phân tích Nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo dưới hình thức các thầy giảng do các cha Dòng Tên khởi xướng. Từ hàng ngũ các thầy giảng, các vị Đại diện Tông toà đã tuyển chọn những linh mục người Việt đầu tiên. Dòng Đa Minh đã kiện toàn hai thể chế “thầy giảng” và “giáo sĩ” trong tổ chức “Nhà Đức Chúa Trời” tại các địa phận Đông Đàng Ngoài.

– Về phía nữ giới, đặc trưng của đời tu trì ở Việt Nam được biểu hiện nơi Dòng Mến Thánh Giá, do đức cha Lambert de la Motte thành lập. Nữ tu Anna Hồ Thị Quyết giới thiệu nguồn gốc và sự tiến triển của Dòng trong hơn ba thế kỷ vừa qua, cách riêng từ sau cuộc cải tổ theo chỉ thị của công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội năm 1934.

3. Bộ Giáo luật hiện hành chấp nhận hai lối sống tu trì bên ngoài các hội dòng, đó là: các ẩn sĩ và trinh nữ tận hiến

– Bộ Giáo luật 1983 đã phục hồi một hình thức tu trì cổ điển là Đời sống ẩn sĩ. Họ không phải là thành phần của một dòng tu nào hết. Sau khi đã trình bày sơ lược lịch sử của hình thức ẩn tu trong Giáo hội, chúng tôi trích dịch một quy luật do tổng giáo phận Tarragona (Tây Ban Nha) soạn thảo để hướng dẫn những người nhận được ơn gọi này.

– Một cách tương tự như vậy, các Trinh nữ tận hiến là một hình thức tận hiến đã xuất hiện từ các thế kỷ đầu của Kitô giáo và được bộ giáo luật 1983 khôi phục. Tiếc rằng Bộ luật tổng quát chỉ dành một điều ngắn gọn cho nếp sống này (đ. 604). Vì thế tài liệu của Hội đồng giám mục Italia được xuất bản vào tháng 3 năm 2014 thật là hữu ích, nhằm giúp cho các giám mục hướng dẫn những ai muốn sống lại ơn gọi cổ kính này, từ những chặng phân định ban đầu cho đến những chặng huấn luyện trước và sau việc thánh hiến.

4. Số báo được bổ túc với hai bài mang tính thời sự: đối thoại liên tôn và đối thoại với văn hóa thời đại

– Linh mục Gioan Phê Ny Ngân Giang, Dòng Đa Minh trình bày vài nét về Đời tu Phật giáo nguyên thuỷ. Đời tu Kitô giáo đã tiến triển rất nhiều trải qua dòng lịch sử. Điều tương tự cũng xảy ra bên Phật giáo. Chúng ta đã có dịp nhìn lại những động lực nguyên thuỷ của đời sống tu trì Kitô giáo; việc tìm hiểu động lực của Phật giáo nguyên thuỷ cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ.

– Với đề tài Tu là một chọn lựa tự do, tu là cõi phúc dành cho ai dám chết, Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, C.N.D., đọc lại ý nghĩa đời tu dựa trên một khát vọng của con người thời đại: “tự do”, được giải thích theo bối cảnh lịch sử cứu độ và tư tưởng của thánh Augustinô.

5. Cuối cùng, Phần phụ lục gồm có: giải thích ý nghĩa Logo Năm Thánh (hình bìa 1) và giới thiệu một số sách về Đời sống tâm linh và tu trì do anh em Đa Minh phát hành.

***

TRONG SỐ NÀY

LỜI GIỚI THIỆU

NHỮNG KHUÔN MẪU CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ NHẤT__Giancarlo Rocca

THẦN HỌC VỀ CÁC HÌNH THÁI LỊCH SỬ CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN__Carlos Alfonso Azpiroz Costa

NGUỒN GỐC ĐỜI TU TRÌ KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM__Phan Tấn Thành

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ : ĐÔI NÉT VỀ NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN__Hồ Thị Quyết

ĐỜI SỐNG ẨN SĨ : VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ, QUY CHẾ DÀNH CHO CÁC ẨN SĨ CỦA GIÁO PHẬN TARRAGONA, TÂY BAN NHA__Bình Hòa

CÁC TRINH NỮ TẬN HIẾN__Uỷ Ban Giáo sĩ vàTu sĩ, HĐGM Italia

ĐỜI TU PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ : CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT__Phê Ny Ngân Giang

TU LÀ MỘT CHỌN LỰA TỰ DO, TU LÀ CÕI PHÚC DÀNH CHO AI DÁM CHẾT__Maria Lê Thị Thanh Nga

Ý NGHĨA LOGO NĂM THÁNH

MỘT SỐ SÁCH VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH

 

———–

[1] Những số cũ hơn: Số 8 (tháng 6/1997) “Thần học về đời sống thánh hiến”; Số 33 (tháng 9/2003) “Ba lời khuyên Phúc Âm”.

 

***

TRÍCH LƯỢC MỘT SỐ TÁC PHẨM

VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH VÀ TU TRÌ

(Trang 219)

 

1/ Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. biên soạn:

a/ Bộ sách “Đời Sống Tâm Linh” (12 tập – còn tiếp):

Tập 1-Dẫn nhập các khoa học tôn giáo;

Tập 2-Những đường hướng linh đạo nổi bật trong Kitô giáo;

Tập 3-Thần học về Đời sống Tâm linh Kitô giáo;

Tập 4-Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo;

Tập 5-Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương;

Tập 6-Những hình thức tu trì Kitô giáo;

Tập 7-Cầu nguyện Kitô giáo: Lịch sử và thần học;

Tập 8-Nhân sinh quan Kitô giáo;

Tập 9-Bí tích tình yêu;

Tập 10-Cử hành Bí tích tình yêu;

Tập 11-Thần học đức tin;

Tập 12-Các nhân đức Kitô giáo (Ấn hành tháng 10/2014).

b/ Bộ sách “Giải thích giáo luật” (5 tập):

Tập 1-Nhập môn.

Tập 2-Các tín hữu – Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội

Tập 3-Hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ.

Tập 4-Nhiệm vụ giảng dạy và thánh hóa của Giáo hội

Tập 5-Tài Sản – Chế Tài – Tố Tụng

2/ Anh em Đaminh biên tập, chuyển ngữ và ấn hành

Theo Chúa Kitô (2 tập):

Tập 1-Các Văn kiện đời tu: Từ công đồng Vatican II đến Tông huấn Vita Consercrata (1996);

Tập 2-Các Văn kiện đời tu: Các bài giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, Các huấn thị của Bộ tu sĩ, Phụ lục học tập Vita Consercrata và hướng dẫn giáo luật về đời sống thánh hiến.

3/ Đỗ Ngọc Bảo (+2011) chuyển ngữ (sẽ tái bản 2015)

Đời tu (5 tập)José Cristo Rey Garcia Paredes, CMF.

Tập 1-Đời tu xưa và nay;

Tập 2-Ơn gọi và đặc sủng;

Tập 3-Sứ vụ;

Tập 4-Hiệp thông và cộng đoàn;

Tập 5-Lời Khuyên Phúc Âm.

 

————————–

Ghi chú:

– Các Ấn phẩm của Anh Em Đaminh được bán tại Thư Viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Nhà Sách Martino (Giáo Xứ Đaminh – Ba Chuông), Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình và một số Nhà sách Công giáo khác.

– Các Chủng Viện và Học Viện đặt mua số lượng nhiều, có thể liên hệ với chúng tôi qua email:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH, 90 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Quận Gò Vấp, Tp. HCM