Tác Phẩm: "Được Gọi Để Sống" Của Tác Giả Jacques Philippe

0
1076


Jacques Philippe

 

GIỚI THIỆU

Làm thế nào tôi có thể sống một cuộc sống sung mãn? Bằng cách nào tôi được hạnh phúc? Làm sao tôi có thể trở thành một người nam hay một người nữ trọn vẹn? Những câu hỏi muôn thuở đó được đặt ra ngày càng nhiều trong thế giới hôm nay, một thế giới mất phương hướng, một thế giới mà ở đó, không ai chấp nhận những giải pháp có sẵn và mỗi người phải tự tìm lấy những câu trả lời. Chống lại những chuẩn mực áp đặt từ bên ngoài,con người hôm nay, trong thực tế, tìm cách tận dụng cuộc sống và xây dựng hạnh phúc theo hiểu biết riêng của họ về nó. Lý tưởng hạnh phúc của một con người đến từ nền giáo dục và trải nghiệm riêng của họ; thế nhưng, dẫu nhận ra hay không nhận ra điều đó, lý tưởng đó vẫn được khuôn rập đậm nét bởi văn hoá và các phương tiện truyền thông đương thời. Thông thường, hạnh phúc như thế thậtmong manh, nó không thể đứng vữngkhi con người đối diện với ốm đau, thất bại, chia ly và những thử thách phải đương đầu khác. Và rồi,dường như cuộc đời không thể hiện những gì đã hứa hẹn với chúng ta từ thuở thanh xuân.

Dẫu vậy, tôi vẫn tin rằng, cuộc đời mỗi người là một hành trình kỳ diệu. Mặc cho gánh nặng của những khổ đau và thất vọng, cuộc sống vẫn ban tặng mỗi người những phương tiện để lớn lên trong nhân cách, tự do và bình an nội tâm; đồng thời, cuộc sống vận dụng toàn bộ khả năng của con người hầu giúp nó đạt đến tình yêu và niềm vui. Tuy nhiên, với một điều kiện, mỗi người phải từ bỏ những dự địnhriêng hầu cuộc sống có thể dẫn dắt họ qua từng biến cố vui buồn đang khi học biết và đón nhận những lời mời gọingỏ với mình từ ngày này qua ngày khác.

“Lời mời gọi” là từ khóa của cuốn sách này. Ý tưởng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa này chắc chắn sẽ là nền tảng của những dự định đạo cũng như đời nơi chúng ta. Con người không thể đạt được viên mãn bằng cách chỉ thực hiện những kế hoạch riêng của mình. Những kế hoạch này tuy chính đáng, cần thiết và phải đem trí óc, sức lực của mình ra để hoàn thành; nhưng ngần ấy chưa đủ, vì khi gặp phải thất bại nó có thể khiến chúng ta vỡ mộng.

Một thái độ khác, một thái độ mà cuối cùng mang tính quyết định và hiệu quả hơn; thái độ này phải đi cùng với sự khởi đầu và thực hiện những kế hoạch của chúng ta: đó là thái độ lắng nghe những tiếng gọi, những lời mời gọi lúc này lúc khác, bí nhiệm,… liên tiếp đến với chúng ta trong suốt cuộc đời. Thái độ lắng nghe và sẵn sàng nàythậm chí còn quan trọng hơn chính những kế hoạch. Tôi tin rằng, chúng ta có thể hoàn thiện nhân cách chỉ khi nào biết đón nhận và đáp trả những tiếng gọi mà cuộc sống ngỏ với chúng ta mỗi ngày: tiếng gọi thay đổi, lớn lên, trưởng thành, mở rộng lòng và chân trời hiểu biết, bỏ lại đằng sau sự chai cứng của con tim và đầu óc hẹp hòi của mình để đón nhận thực tại cách tin tưởng và rộng mở hơn.

Những lời mời gọi này đến với chúng ta bằng nhiều cách. Đôi khi chúng đến qua những trải nghiệm hay gương lành của những người khác khiến chúng ta xúc động, thi thoảng chúng đến từ những khát khao dấy lên trong lòng mình hoặc từ những đòi hỏi của người thân và thông thường, chúng đến từ những trang Thánh Kinh. Những lời mời gọi này bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống, Đấng không ngừng dõi mắt trên chúng ta, dịu dàng mong mỏi dẫn dắt và luôn can thiệp cho mỗi con cái Người cách kín đáo, dầu không thể nhìn thấy nhưng lại rất hiệu quả. Dẫu rất nhiều người, tiếc thay, không ý thức sự hiện diện và hành động củaThiên Chúa, lời mời gọi này vẫn tự bộc lộ cho những ai biết đặt mình trong thái độ lắng nghe và sẵn sàng.

Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Người không ngừng đưa tay với lấy chúng ta, cách mầu nhiệm nhưng chắc chắn, Người thông chuyển vào sự sống mỗi người các giá trị, vẻ đẹp và hoa trái ngoài sức tưởng tượng như lời thánh Phaolô đã nói:

Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới; xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời. Amen (Ep 3, 20-21).

Thật đáng buồn nếu con người tự tách khỏi hành động của Thiên Chúa và chôn vùi chính mình trong thế giới hạn hẹp, hão huyền của những dự tính riêng.

Đằng sau bao lời mời gọi gởi đến trong cuộc sống, chỉ có một tiếng gọi duy nhất: tiếng gọi của Thiên Chúa. Tiếng gọi đó thể hiện đầy tràn và trọn vẹn nhất trong mầu nhiệm Đức Kitô. Nhận biết và đáp lại tiếng gọi này, con người nhận ra nhân tính của mình và khám phá hạnh phúc đích thực, một niềm hạnh phúc sẽ thuộc về họ cách trọn vẹn trong vinh quang của cuộc sống mai ngày. Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô nói đến niềm hy vọng phi thường mà tiếng gọi của Thiên Chúa trong Đức Kitô mở ra cho chúng ta:

Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi. Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu (Ep 1, 16-19).

Trong những trang tiếp theo tôi muốn đưa ra tầm quan trọng và những hoa trái tốt đẹp của ý tưởng này, sau đótôi sẽ bàn đến một số hoàn cảnh trong đó, thường bắt gặp tiếng gọi của Thiên Chúa, đó là: những biến cố lớn trong cuộc đời, Lời Chúa (chủ đề của một chương dài) và những khát khao mà Thánh Thần đánh thức trong tâm hồn chúng ta.

Tôi sẽ nhấn mạnh rằng, mỗi tiếng gọi đến từ Thiên Chúa đều là một lời mời gọi đến với sự sống. Ơn gọi đầu tiên của chúng ta là sống. Một tiếng gọi không thể xuất phát từ Thiên Chúa trừ phi nó dẫn chúng ta đến một cuộc sống mãnh liệt hơn, một cách thức sống tươi đẹp hơn và gắn kết vào sự sống vốn có của con người đúng nghĩa của nó với một niềm tin tưởng hơn trong mọi khía cạnh: thể lý, tâm lý, tình cảm, trí tuệ và tâm linh.

Nhưng để kết thúc phần giới thiệu này, tôi muốn nói đến tiềm năng độc giả có thể có được từ cuốn sách này. Tôi coi ý tưởng “được gọi” trong một ngữ cảnh Kitô giáo, được sử dụng như một từ vựng nhà đạo bởi tôi tin phần lớn những từ ngữ sâu sắc, được soi sáng đã từng được thốt ra trong thân phận con người đều có thể được tìm thấy trong Thánh Kinh và đặc biệt trong Tin Mừng. Dẫu thế, bất cứ ai cũng có thể tìm ở đây nhiều điều thật giá trị. “Được Gọi”là một cái gì thật là nền tảng đối với thân phận con người.

Cuối cùng, một đôi nét về trách nhiệm, tự do và khao khát.

Trách nhiệm bao hàm sự hiện hữu của một tiếng gọi, của một bổn phận. Một người chịu trách nhiệm về những hành động của mình không chỉ nhận trách nhiệm về ảnh hưởng của họ đối với tha nhân, nhưng còn thừa nhận, họ có những chọn lựa trước khi hành động, có thể tốt hoặc xấu tuỳ trường hợp. Dẫu vậy, để ý tưởng tự do có trọng lượng thực sự, giả thiết phải cần đến việc nhận ra một loại tiếng gọi nào đó. Việc sử dụng tự do của con người sẽ trở nên tuỳ tiện và tầm thường trừ phi đó là sự đáp lại một lời mời gọi đến từ một điều gì đó trỗi vượt hơn nó. Còn đối với lòng khao khát, nó chỉ trở nên một cấu trúc tâm lý đơn thuần, sản phẩm của một sự thôi thúc giả tạo trừ phi nó được hiểu ở một cấp độ sâu thẳm nhất như một tiếng gọi. Bên dưới những khát khao vốn thường mâu thuẫn nhau của lòng người, một khao khát kiên định đang tiềm tàng: khát khao nên hoàn hảo, khát khao hạnh phúc. Để khát khao có thể được tôn trọng như một điều gì đó không thể bị coi thường, một điều gì đó thuộc về con người thực sự, chứ không chỉ đơn thuần ít nhiều thèm muốn hay thôi thúc, chúng ta phải nhìn thấy trong nó những dấu vết của một tiếng gọi đến từ trên cao.

Sẽ không làm sao hiểu được con người nếu tách nó khỏi một tiếng gọi trở nên người hơn. Vậy tiếng gọi đó đến từ đâu? Đâu là nguồn cội của nó? Đây là câu hỏi then chốt của một cuộc đời. Dẫu đứng trong quan điểm Kitô giáo, tôi vẫn tin rằng, những suy tư sau đây vẫn có một điều gì đó để nói với bất cứ ai thành tâm thiện chí.

 

Jacques Philippe

Lm. Minh Anh, Giáo phận Huế, chuyển ngữ

 

* Download Tác Phẩm  —–>   “Được Gọi Để Sống