Tông Thư “Dominicae Cenae” (Bữa Tiệc Của Chúa) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 24-02-1980)

0
1438


TÔNG THƯ DOMINICAE CENAE

(BỮA TIỆC CỦA CHÚA)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 1980

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

 

DẪN NHẬP

Anh em khả kính và thân mến,

1. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, một lần nữa, tôi xin gửi đến toàn thể anh em một bức thư trực tiếp liên quan đến bức thư mà anh em đã nhận, kèm theo bức thư gửi các linh mục năm trước cũng vào dịp này. Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn anh em đã đón nhận các thư trước đây của tôi, trong tinh thần hiệp nhất mà Chúa đã tạo ra giữa chúng ta; cũng xin cảm ơn anh em đã chuyển cho linh mục đoàn của anh em những suy tư mà tôi muốn diễn đạt khi bắt đầu sứ mạng Giáo Hoàng.

Trong phụng vụ tạ ơn của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, cùng với các linh mục, anh em nhắc lại những lời hứa và cam kết mà anh em đã công khai nói lên khi lãnh nhận chức thánh. Thưa Anh Em khả kính và thân mến, nhiều vị trong anh em chia sẻ với tôi điều này, đồng thời chuyển đến tôi lời cảm ơn của mình và của linh mục đoàn. Nhiều linh mục đã tỏ lộ niềm vui trước tính cách sâu xa và long trọng của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, như là “ngày lễ hằng năm của các linh mục”, hay trước tầm quan trọng của các vấn đề được bàn đến trong bức thư gửi cho họ.

Những lời đáp ứng đó minh chứng một thực tại đặc biệt phong phú, cho thấy rõ ràng đại đa số hàng linh mục của Hội Thánh Công Giáo quý chuộng cuộc sống linh mục, Hội Thánh tiến bước từ bao thế kỷ với cuộc sống này: các linh mục yêu mến và quý trọng cuộc sống đó biết bao, và luôn ước ao tiến tục con đường đó trong tương lai.

Ở đây tôi còn phải nói thêm vài vấn đề chỉ được gợi lên trong bức thư gửi cho các linh mục (1979). Đây là điều được nhấn mạnh trong phần đầu bức thư này.[1] Ngoài ra, bức thư đó chủ yếu đề cao đặc tính mục vụ của thừa tác vụ linh mục. Rõ ràng tôi không muốn bỏ qua những nhóm linh mục không trực tiếp hoạt động mục vụ. Về vấn đề này, một lần nữa, tôi hoàn toàn dựa vào huấn quyền của Công Đồng Vatican II, và các tuyên bố của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971.

Đặc tính mục vụ của thừa tác vụ linh mục lúc nào cũng theo sát đời sống của mỗi linh mục, cho dù trách nhiệm hằng ngày của một số linh mục không rõ ràng hướng về mục vụ các bí tích. Theo nghĩa đó, bức thư gửi các linh mục vào dịp Thứ Năm Tuần Thánh cố ý gửi đến tất cả các linh mục, không trừ một ai, mặc dù, như tôi đã nói, bức thư đó không bàn đến mọi vấn đề của đời sống và hoạt động của các linh mục. Tôi thiết tưởng cần phải xác định điểm này ngay từ đầu lá thư.

I. MẦU NHIỆM THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA GIÁO HỘI VÀ CỦA CÁC LINH MỤC

Thánh Thể và thừa tác vụ linh mục

2. Thưa Anh Em khả kính và thân mến trong hàng Giám Mục, bức thư này tôi gửi đến anh em, như tôi đã nói, tiếp nối là thư trước. Nó vẫn liên quan mật thiết với mầu nhiệm của ngày Thứ Năm Tuần Thánh và thừa tác vụ linh mục. Thật vậy, tôi muốn dành bức thư này để nói về Bí tích Thánh Thể và, đặc biệt, về một vài khía cạnh của mầu nhiệm có ảnh hưởng trên đời sống của những tác viên có trách nhiệm cử hành mầu nhiệm này.

Bức thư này được trực tiếp gửi đến anh em là các Giám mục của Hội Thánh; và cùng với anh em, đến tất cả các linh mục, và các phó tế nữa, trong phẩm trật của họ.

Thật vậy, chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, chức tư tế của các Giám mục và các linh mục, và bên cách các ngài là thừa tác vụ của các phó tế – các thừa tác vụ này thường bắt đầu bằng việc loan báo Tin Mừng – liên quan mật thiết đến Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là nguyên nhân chính và trọng yếu của bích tích truyền chức linh mục, vì bí tích này thực sự được phát sinh trong lúc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và hiện hữu cùng với Bí tích Thánh Thể.[2]

Vì thế mệnh lệnh “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” được Chúa phán ngay sau lời truyền phép, và được chúng ta nhắc lại mỗi lần cử hành Hy Lễ Thánh này.[3]

Do chức thánh – nghi lễ truyền chức gắn liền với thánh lễ theo những tài liệu phụng vụ đầu tiên,[4] – chúng ta được kết hiệp một cách cá nhân và đặc biệt với Thánh Thể. Theo cách nào đó, chúng ta hiện diện “do Bí tích Thánh Thể”“cho Bí tích Thánh Thể”. Và một cách đặc biệt, chúng ta cũng có trách nhiệm “do Bí tích Thánh Thể”: mỗi linh mục trong cộng đoàn của mình, cũng như mỗi Giám mục phải chăm nom các cộng đoàn đã được trao phó cho mình, như “mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” theo lối diễn tả của thánh Phaolô.[5] Như vậy, chúng ta, các Giám mục và linh mục, là những người được Chúa trao phó “mầu nhiệm đức tin”. Mầu nhiệm này cũng được ban tặng cho toàn thể Dân Chúa, cho tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, nhưng riêng chúng ta là những người cũng được Chúa trao Bí tích Thánh Thể để “phục vụ” người khác là những kẻ mong đợi nơi chúng ta một chứng tá đặc biệt về lòng sùng kính và mến yêu đối với bí tích này, để họ được củng cố và trở nên sống động, “dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người”.[6]

Việc tôn sùng Thánh Thể, trong khi cử hành thánh lễ cũng như ngoài thánh lễ, như một nguồn suối đem lại sự sống kết hợp chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của chúng ta với chức tư tế chung của các tín hữu, và trình bày chức vụ đó trong chiều kích hàng dọc với giá trị trọng yếu của nó.

Linh mục thi hành sứ mạng chính của mình và biểu lộ toàn diện tính linh mục trong khi cử hành lễ Tạ Ơn.[7] Việc biểu lộ này sẽ trọn vẹn hơn khi chính linh mục chiếu tỏa chiều sâu của mầu nhiệm này, để mầu nhiệm này, qua việc thi hành thừa tác vụ linh mục, được chói ngời trong con tim và lương tâm mọi người. Đó là cách thức thi hành cao cả nhất chức vụ “tư tế vương giả”, là “nguồn gốc và đỉnh cao của tất cả đời sống Kiô giáo”.[8]

Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể

3. Việc tôn sùng này hướng về Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần. Trước hết hướng về Chúa Cha, Đấng mà Phúc Âm thánh Gioan đã quả quyết: “Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.[9]

Việc tôn sùng Thánh Thể cũng hướng về Chúa Con nhập thể, trong Thánh Thần, chiếu theo nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa, nhất là vào lúc Người hiến trọn mạng sống mình, điều được phản ánh trong những lời Người nói trong bữa Tiệc Ly: “Này là mình Thầy bị nộp vì các con… Này là chén máu Thầy sẽ đổ ra cho các con…”.[10] Lời tung hô trong phụng vụ: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết!” giúp chúng ta hồi tưởng giây phút này; và, khi cử hành việc phục sinh của Người, chúng ta kết hiệp trong cùng hành động sùng kính Chúa Kitô phục sinh và được tôn vinh “bên hữu Chúa Cha”, và chờ đợi cuộc “quang lâm vinh hiển” của Người. Tuy nhiên hành động tự hạ, đẹp lòng Chúa Cha và được tôn vinh nhờ cuộc phục sinh, hành động đó, được cử hành cách bí tích cùng với việc phục sinh, đưa chúng ta đến chỗ tôn thờ Đấng Cứu Chuộc, Đấng “còn hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên cây thập tự”.[11]

Sự tôn thờ của chúng ta còn bao hàm một nét đặc biệt nữa. Sự tôn thờ giúp chúng ta nhận ra sự cao cả của cái chết đầy nhân tính của Chúa, qua đó thế gian – tức mỗi người chúng ta – được yêu “cho đến cùng”.[12] Như vậy, sự tôn thờ là câu đáp trả trọn nghĩa với Tình Thương đã hy sinh cho đến chết trên thập giá: đó là lối chúng ta “Tạ Ơn”, nghĩa là lời tri ân của chúng ta, lời ngợi khen vì đã được chuộc lại nhờ cái chết của Người và được chia sẻ đời sống bất tử nhờ cuộc phục sinh của Người.

Một nền phụng tự hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi – Cha, Con và Thánh Thần – phải theo sát và thấm nhuần việc cử hành phụng vụ tạ ơn. Việc phụng tự này phải luôn hiện diện trong các nơi thánh ngay cả ngoài thánh lễ. Vì mầu nhiệm Thánh Thể được thiết lập do tình thương và làm cho Chúa Kitô hiện diện cách bí tích, nên thật là chính đáng để chúng ta tạ ơn và tôn sùng. Thái độ tôn sùng này phải biêu lộ rõ nét mỗi khi chúng ta viếng Thánh Thể, khi tham quan các nhà thờ, hay khi đem Mình Chúa cho các bệnh nhân.

Việc tôn thờ Chúa Kitô trong bí tích tình thương này còn được diễn tả dưới nhiều hình thức tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể: cầu nguyện riêng tư trước Thánh Thể, những giờ tôn thờ, chầu Thánh Thể cách ngắn ngủi, lâu giờ, hằng năm (40 giờ), chầu phép lành, kiệu Thánh Thể, các đại hội Thánh Thể.[13] Lễ trọng “Mình và Máu Chúa Kitô”, do vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Urbanô IV đặt ra để tưởng niệm việc Chúa thiết lập mầu nhiệm cao cả này,[14] đáng được chúng ta lưu ý đặc biệt, vì đó là một nghi lễ công khai tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Tất cả những điều này phù hợp với các nguyên lý tổng quát và các quy tắc đặc biệt đã có từ lâu, được trình bày lại trong Công Đồng Vatican II hay sau Công Đồng.[15]

Những kích hoạt và đào sâu việc tôn sùng Thánh Thể là một bằng chứng cuộc canh tân chính thức mà Công Đồng đã đề ra như mục đích, và đó chính là điểm trọng yếu. Thưa Anh Em khả kính và thân mến, điều này cũng đáng cho chúng ta đặc biệt suy nghĩ. Hội Thánh và thế giới đang rất cần việc tôn sùng Thánh Thể. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Chúng ta đừng tiếc thời giờ để đến gặp Người trong sự tôn thờ, trong chiêm ngắm đầy đức tin và luôn sẵn dàng đền bồi các tội lỗi của thế giới. Chớ gì chúng ta không bao giờ ngưng nghỉ việc tôn thờ Thánh Thể!

Thánh Thể và Giáo Hội

4. Nhờ Công Đồng, chúng ta đã ý thức rõ rệt chân lý sau đây: cũng như Hội Thánh “thực hiện Bí tích Thánh Thể” thì “Bí tích Thánh Thể xây dựng” Hội Thánh.[16] Chân lý này gắn liền mật thiết với mầu nhiệm ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Hội Thánh đã được thiết lập, như cộng đoàn mới của Dân Thiên Chúa, trong cộng đoàn tông đồ của Nhóm Mười Hai là những người, trong Bữa Tiệc Ly, đã trở nên thông phần Mình và Máu Chúa dưới hình bánh và rượu. Chúa Kitô nói với họ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn”, “Các con hãy cầm lấy mà uống”. Khi tuân theo lệnh truyền của Người, lần đầu tiên họ đã đi vào sự thông hiệp bí tích với Con Thiên Chúa, một sự thông hiệp làm bảo chứng cho đời sống vĩnh cửu. Từ giây phút đó trở đi và mãi cho đến tận thế, Hội Thánh được xây dựng bởi cùng một sự thông hiệp với Con Thiên Chúa, làm bảo chứng cho cuộc Vượt Qua vĩnh cửu.

Thưa Anh em khả kính và thân mến trong hàng Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy và người bảo vệ chân lý cứu độ về mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta phải luôn chú tâm đến ý nghĩa và chiều kích của việc gặp gỡ Đức Kitô trên bình diện bí tích và sự thân mật với Người. Thật vậy, đó là những điều tạo nên bản chất của việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Ý nghĩa của chân lý được trình bày trên đây không giảm thiểu, trái lại còn làm cho người ta dễ hiểu tại sao trong thái độ tạ ơn, những người thông phần vào hy lễ của Đức Kitô lại được xích lại gần nhau một cách thiêng liêng và được hiệp thông với nhau; chính hy lễ của Đức Kitô, qua việc hiệp lễ, trở thành một bữa tiệc đối với họ. Sự xích lại và hiệp thông với nhau, mà nguyên mẫu là sự thông hiệp của các tông đồ chung quanh Chúa Kitô trong bữa Tiệc Ly, diễn tả và thực hiện Giáo Hội.

Nhưng Hội Thánh không chỉ được thực hiện nhờ sự hiệp thông giữa những con người với nhau, trong kinh nghiệm huynh đệ do bàn tiệc Thánh Thể tạo nên. Hội Thánh còn được hiện thực khi, trong sự kết hợp và hiệp thông huynh đệ này, chúng ta cử hành hy lễ thập giá của Chúa Kitô, khi chúng ta loan báo “cái chết của Chúa cho tới ngày Người đến”,[17] sau đó, khi đã được bước vào mầu nhiệm cứu độ, với tư cách là một cộng đoàn, chúng ta cùng tiến đến bàn tiệc của Chúa để được nuôi dưỡng cách bí tích bằng các hoa trái của hy lễ đền tội này. Trong lúc hiệp lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Kitô; và sự hiệp thông của chúng ta với Người quả là quà tặng và hồng ân cho mỗi người, mang lại hiệu quả là liên kết chúng ta trong Người trong sự hiệp thông với Thân Thể Người là Hội Thánh.

Với đức tin và tinh thần như thế, Hội Thánh mới có thể được xây dựng, một Giáo Hội bắt nguồn từ Thánh Thể và đạt tới đỉnh cao của mình trong Thánh Thể, theo lối diễn tả của Công Đồng Vatican II mà ai cũng biết.[18] Cũng nhờ Công Đồng, chân lý này một lần nữa được nhấn mạnh cách mới mẻ,[19] phải luôn là đề tài suy niệm và giảng dạy của chúng ta. Mỗi hoạt động mục vụ phải thấm nhuần chân lý đó, chúng ta phải lấy chân lý đó làm lương thực cho chính mình và cho các linh mục cộng tác với chúng ta, và cuối cùng cho toàn thể các cộng đoàn đã được trao phó cho chúng ta.

Như vậy, tương quan mật thiết giữa sức sống thiêng liêng và tông đồ của Hội Thánh với mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ tỏ hiện từng bước một theo nghĩa sâu xa và dưới mọi khía cạnh của mầu nhiệm đó.[20]

Thánh Thể và đức ái

5. Trước khi bước qua các nhận xét chi tiết hơn về vấn đề cử hành hy lễ thánh, tôi muốn xác nhận cách ngắn gọn rằng việc tôn sùng Thánh Thể là linh hồn của mọi đời sống Kitô hữu. Thật vậy, nếu đời sống Kitô hữu được diễn tả trong việc chu toàn lệnh truyền cao cả, nghĩa là trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, tình yêu đó bắt nguồn từ chính bí tích thánh, thường được gọi là bí tích tình yêu.

Bí tích Thánh Thể nói lên ý nghĩa của đức ái, nhắc nhở và cụ thể hóa, đồng thời thực hiện đức ái. Mỗi lần chúng ta tham dự bí tích đó cách ý thức, một chiều kích vương giả của tình yêu khôn thấu mở ra trong tâm hồn chúng ta, tình yêu bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho loài người, và vẫn tiếp tục thực hiện, đúng như lời của Chúa Kitô: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc và tôi cũng làm việc”.[21]

Với hồng ân khôn lường và nhưng không mà đức ái đã bộc lộ trong hy tế cứu độ của Con Thiên Chúa mà Thánh Thể là dấu chỉ trường tồn cho hy lễ đó, chúng ta có một lời đáp trả sống động phát xuất tự tâm hồn. Không những chúng ta biết được tình thương, mà chính chúng ta còn bắt đầu yêu thương. Có thể nói chúng ta bước vào con đường của tình yêu, và thực hiện những bước tiến trên con đường này. Tình yêu xuất phát từ mầu nhiệm Thánh Thể hình thành trong chúng ta, phát triển, cắm rễ sâu và trở nên vững chắc trong ta nhờ mầu nhiệm đó.

Việc tôn sùng Thánh Thể là cách diễn tả tình yêu, một nét đặc thù và sâu thẳm nhất của ơn gọi Kitô hữu. Việc tôn sùng này xuất phát từ tình yêu và phục vụ tình yêu, đó là ơn gọi của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô.[22] Hình ảnh hoàn hảo về Thiên Chúa mà chúng ta đang mang trong mình, tương ứng với hình ảnh mà Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta; hình ảnh đó là kết quả sống động của việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Nhờ đó, khi trở thành những ng tôn thờ Chúa Cha “trong thần khí và chân lý”,[23] chúng ta tăng trưởng trong sự kết hiệp ngày càng hoàn hảo với Chúa Kitô, ngày càng nên một với Người cách mật thiết hơn và – nếu có thể diễn tả – ngày càng liên đới với Người.

Giáo lý về mầu nhiệm Thánh Thể, dấu chứng của sự hiệp nhất và mối dây bác ái, được thánh Phaolô chỉ dạy,[24] đã được đào sâu trong tác phẩm của nhiều vị thánh, có thể xem như những mẫu gương sống động cho việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta phải luôn giữ thực tại đó trước mắt mình, đồng thời không ngừng cố gắng làm sao cho thế hệ của chúng ta cũng đóng góp vào số các mẫu gương vĩ đại của quá khứ, những mẫu gương mới không kém phần sống động và hùng hồn, mà còn phản ánh được thời đại của chúng ta.

Mầu nhiệm Thánh Thể và tha nhân

6. Ý nghĩa chính xác của Thánh Thể đã trở thành một trường học yêu thương hướng về tha nhân. Chúng ta biết lệnh truyền đích thực và toàn diện về tình yêu mà Chúa đã dạy: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.[25] Mầu nhiệm Thánh Thể giáo dục chúng ta sống tích cực tình yêu này. Quả vậy, mầu nhiệm Thánh Thể soi tỏ giá trị của mỗi con người, là anh em và chị em chúng ta, trước mặt Thiên Chúa, vì Chúa Kitô đã tự hiến chính mình cho mỗi người, dưới hình bánh và rượu. Nếu việc tôn sùng Thánh Thể có giá trị đích thực, thì sẽ làm nảy sinh trong chúng ta ý thức về nhân phẩm của mọi người. Ý thức phẩm giá này trở thành lý do sâu thẳm nhất cho tương quan của chúng ta với tha nhân.

Chúng ta phải nhạy cảm trước tất cả những đau khổ và khốn cùng của nhân loại, trước mọi nỗi bất công và sai trái, và phải tìm biện pháp chữa trị cách hữu hiệu. Chúng ta học khám và tôn trọng chân lý về con người nội tâm vì chính nội tâm của con người sẽ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Kitô đến ngự trong các tâm hồn và thăm viếng lương tâm các anh em chị em chúng ta. Nếu như chúng ta ý thức thực tại này và lấy thực tại đó làm đối tương suy tư, thì hình ảnh về mọi người và mỗi người sẽ thay đổi biết bao! Ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân, yêu thương mọi người.[26]

Mầu nhiệm Thánh Thể và cuộc sống

7. Vì là nguồn mạch của đức ái, mầu nhiệm Thánh Thể bao giờ cũng là trọng tâm của đời sống các môn đệ Chúa Kitô. Mầu nhiệm này tỏ hiện dưới hình bánh hình rượu, nghĩa là như của ăn và thức uống, nên rất gần gũi với con người, nối kết chặt chẽ với cuộc sống con người như lương thực cần thiết. Tôn thờ Thiên Chúa là Tình Yêu, trong việc tôn sùng Thánh Thể, sẽ làm nảy sinh sự mật thiết, trong đó chính Người trở thành của ăn và thức uống cho đời sống thiêng liêng.

Một việc tôn thờ Thiên Chúa trong “Thánh Thể” như vậy phù hợp chặt chẽ với ý định cứu độ của Ngài. Chính Chúa Cha muốn rằng “những kẻ tôn thờ đích thực”[27] tôn thờ Ngài như thế. Chúa Kitô minh giải ý muốn đó, qua lời giảng dạy của Người và nhờ bí tích này, qua đó Người ban cho chúng ta khả năng tôn thờ Chúa Cha hợp với thánh ý Ngài.

Chính từ tư tưởng tôn thờ Thánh Thể như thế mà xuất phát tất cả tính cách bí tích của đời sống Kitô hữu. Về phần mình, người Kitô hữu sống dựa vào các bí tích, được sinh động nhờ chức tư tế cộng đồng, ước mong Thiên Chúa tác động, để nhờ Thánh Thần, họ đạt tới “sự viên mãn trong Đức Kitô”.[28] Về phần Thiên Chúa, Ngài không chỉ thực hiện việc đó trong các biến cố hay khi ban ân sủng nội tâm, mà Ngài còn hoạt động trong họ bằng các bí tích một cách chắc chắn và mạnh mẽ hơn. Chính các bí tích đem lại cho cuộc sống con người tính cách bí tích.

Trong tất cả các bí tích, Bí tích Thánh Thể giúp người Kitô hữu đạt tới sự viên mãn của việc khai tâm và làm cho việc thực thi chức tư tế cộng đồng có tính cách bí tích và tính Hội Thánh, khiến chức tư tế này – như tôi đã nói ở trên,[29] – gắn liền với chức tư tế thừa tác. Như vậy việc tôn thờ Thánh Thể là trọng tâm và là mục đích của toàn thể đời sống bí tích.[30] Các bí tích khai tâm Kiô giáo, thánh tẩy và thêm sức, luôn âm hưởng trong Bí tích Thánh Thể như một tiếng vang sâu thẳm. Nơi đây chân lý được diễn tả rõ hơn: không những chúng ta “được gọi là con Thiên Chúa” mà còn “thực sự là con Thiên Chúa”[31] nhờ Bí tích Thánh Tẩy, nhưng trong Thánh Thể, chúng ta được chia sẻ Mình và Máu của Đấng là Con duy nhất của Thiên Chúa. Điều gì sửa soạn chúng ta một cách hoàn hảo nhất để chúng ta trở thành “những chứng nhân đích thực của Đức Kitô”[32] trước mặt thế giới, như đó là kết quả của bí tích thêm sức, nếu không phải là sự hiệp thông Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô làm chứng cho chúng ta và chúng ta làm chứng cho Người?

Ở đây tôi không thể phân tích tỉ mỉ các mối liên hệ giữa Thánh Thể với các bí tích khác, đặc biệt với bí tích dành cho đời sống gia đình và bí tích cho các bệnh nhân. Trong Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người (Redemptoris hominis),[33] tôi đã lưu ý anh em về tương quan mật thiết giữa bí tích sám hối và Bí tích Thánh Thể. Không những sám hối dẫn đến Thánh Thể, mà cả Thánh Thể cũng đưa đến việc sám hối. Thật vậy, khi chúng ta ý thức Đấng chúng ta đón nhận trong sự hiệp thông Thánh Thể là Ai thì tự nhiên chúng ta cảm thấy bất xứng, đồng thời hối tiếc vì tội lỗi và cảm thấy nhu cầu nội tâm cần được tẩy sạch.

Tuy nhiên chúng ta phải luôn cảnh giác để cuộc gặp gỡ quý báu với Đức Kitô trong bí tích trong Bí tích Thánh Thể không trở thành một thói quen máy móc, và đừng bao giờ lãnh nhận Người cách bất xứng, nghĩa là trong tình trạng tội nặng. Việc thực hành nhân đức sám hối và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải là những điều cần thiết để nâng đỡ và đào sâu tinh thần thờ lạy mà con người phải có đối với Thiên Chúa và với Tình Yêu đã được Ngài mặc khải cách kỳ diệu.

Những lời này của tôi ngoài việc dùng để dẫn nhập cho một vài suy niệm tổng quát về việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể, còn có thể khai triển dồi dào và rộng rãi hơn nữa. Chẳng hạn, chúng ta ta có thể nối kết những gì đã nói về các hiệu quả của Thánh Thể đối với tình yêu tha nhân, về những điều tôi vừa nhấn mạnh liên quan đến việc dấn thân cho con người và Hội Thánh trong việc hiệp lễ, rồi trình bày rõ ràng hình ảnh về “đất mới”[34] được hình thành từ Bí tích Thánh Thể qua mỗi “con người mới”.[35]

Quả vậy, tất cả những gì thuộc về con người được biến đổi và được nâng cao một cách đặc biệt trong bí tích thánh này, bí tích của lương thực và thức uống. Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể không phải là sự thờ phượng một đấng siêu việt vô phương đạt thấu, cho bằng phụng thờ một Thiên Chúa chiếu cố đến con người, đó là một sự biến đổi thế giới có tính nhân từ và cứu độ ngay trong tâm hồn con người.

Bằng những lời nhắc nhở ngắn ngủi này, tôi muốn tạo ra một khung rộng hơn cho những vấn đề mà tôi sắp bàn tới, những vấn đề đó liên quan chặt chẽ đến việc cử hành Hy Lễ Thánh. Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể tự diễn tả một cách trực tiếp trong cuộc cử hành này, sự tôn sùng đó phát xuất từ đáy lòng như một việc cung kính rất quý giá, được cảm hứng do đức tin, đức cậy và đức mến, là những điều ta lãnh nhận khi chịu phép thánh tẩy. Đây là đề tài mà tôi muốn triển khai trong bức thư này gửi cho Anh Em khả kính và thân mến trong hàng Giám Mục, và, cùng với anh em, cho các linh mục và phó tế; Thánh Bộ về các bí tích và phụng tự sẽ đưa ra những chỉ dẫn chi tiết kèm theo bức thư này.

II. TÍNH CÁCH THÁNH THIÊNG CỦA THÁNH THỂ VÀ HY LỄ

Tính cách thánh thiêng

8. Việc cử hành Thánh Thể, bắt đầu từ Thứ năm Tuần Thánh nơi Nhà Tiệc Ly, có một lịch sử lâu dài như lịch sử Hội Thánh. Suốt dòng lịch sử này, các yếu tố thứ yếu đã có một vài thay đổi, nhưng bản chất của “Mầu Nhiệm” do Đấng Cứu Thế thiết lập trong bữa Tiệc Ly không hề thay đổi. Công Đồng Vatican II đã đưa ra một vài bổ túc, do đó phụng vụ thánh lễ hiện tại khác với nghi thức chúng ta biết trước Công Đồng. Tôi không muốn nói đến những khác biệt đó trong bức thư này. Chúng ta nên dừng lại trên điều trọng yếu và bất biến trong phụng vụ tạ ơn.

Yếu tố trọng yếu đó gắn liền mật thiết với “tính thánh thiêng” (sacrum) của Thánh Thể, nghĩa là một hành động thánh và thiêng. Thánh và thiêng, bởi vì trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô luôn hiện diện và hoạt động, Người là “Đấng Thánh” của Thiên Chúa,[36] “Đấng được xức dầu bằng Thánh Thần”,[37] “Đấng được thánh hiến bởi Chúa Cha”,[38] để tự do thí mạng mình rồi lấy lại,[39] “Đấng là thượng tế của Giao Ước Mới”.[40]

Thật vậy, chính Người, hiện diện qua vị chủ tế, tiến vào cung thánh và loan báo Tin Mừng. Chính Người là “Đấng hiến tế và là lễ vật, là người hiến thánh và là của lễ được hiến thánh”.[41] Hành động thánh và thiêng, vì chính hành động của Người tạo nên của thánh (saintes espèces), tạo ra “Sancta sanctis”, nghĩa là “các của thánh – Chúa Kitô, Đấng Thánh – ban tặng cho các thánh”, như người ta hát trong các nghi lễ phụng vụ Đông Phương khi chủ tế giơ lên cao bánh Thánh Thể để mời gọi các tín hữu đến dự Tiệc của Chúa.

Tính “thánh thiêng” (sacrum) của thánh lễ không phải là một “sự thần thiêng hóa” (sacralisation), nghĩa là một sự thêm thắt của con người vào hành động của Chúa Kitô tại Nhà Tiệc Ly, vì chưng Bữa Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh tự nó đã là một nghi thức thiêng thánh, một phụng vụ uyên nguyên và có tính thiết lập, qua đó Chúa Kitô, khi cam kết hiến mạng sống mình vì chúng ta, đã cử hành cách bí tích, mầu nhiệm thương khó và phục sinh của chính Người, là trọng tâm của mọi thánh lễ. Phát xuất từ phụng vụ đó, các thánh lễ của chúng ta mặc lấy một hình thức phụng vụ đầy đủ, dù có khác biệt tùy theo các gia đình nghi lễ, nhưng vẫn là một trong bản chất. Tính “thánh thiêng” của thánh lễ là một sự thánh thiêng do Chúa Kitô thiết lập. Lời nói và hành động của mỗi linh mục, được đáp ứng bằng sự tham dự có ý thức và linh động của cộng đoàn tạ ơn, làm vọng lại lời nói và hành động của Chúa Kitô trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Vị tư tế dâng Hy Tế Thánh “trong tư cách của Chúa Kitô” (in persona Christi), điều này có nghĩa sâu đậm hơn là “nhân danh” (au nom) hay “thay thế” (à la place) Chúa Kitô. “Trong tư cách” (in persona): nghĩa là linh mục được đồng hóa cách đặc biệt, cách bí tích, với “Vị thượng tế của Giao Ước vĩnh cửu”,[42] Đấng là tác giả và là chủ tế chính của việc hiến tế chính mình, trong đó không ai có thể thay thế Người được. Chỉ mình Người – một mình Đức Kitô – mới có thể là hy lễ đích thực và hữu hiệu “đền tạ tội lỗi chúng ta… và của cả thế gian”.[43]

Chỉ hy tế của Người – và không phải của ai khác – mới có thể có “nhân đức đền tạ” trước mặt Thiên Chúa, trước Thiên Chúa Ba Ngôi, trước sự thánh thiện siêu vượt của Ngài. Việc nhận thức thực tại này sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu rõ đặc tính và ý nghĩa của linh mục chủ tế, khi thực hiện Hy Tế Thánh và hành động “trong tư cách Chúa Kitô”, được dẫn vào và gắn với, cách bí tích (và đồng thời khôn tả), trọng tâm của sự “Thánh Thiêng” (Sacrum), qua đó ngài liên kết cách thiêng liêng với tất cả những ai thông phần vào cộng đoàn Thánh Thể.

Sự “thánh thiêng” này, được diễn dịch dước các hình thức phụng vụ khác nhau, có thể thiếu một vài yếu tố phụ thuộc, nhưng không bao giờ có thể lột bỏ tính thánh thiêng và tính bí tích, là những điều cốt yếu vì cchính Chúa Kitô muốn như thế, đó cũng là những điều được Hội Thánh lưu truyền và kiểm soát. “Sacrum” không thể bị xoay chiều để phục vụ cho các mục tiêu khác. Thánh Thể, nếu bị tách rời khỏi bản chất hy tế và bí tích, sẽ không còn là mầu nhiệm. Mầu nhiệm đó không thể bị mô phỏng cách “phàm tục”, sự mô phỏng như thế rất dễ trở thành một sự phạm thánh (dù rằng đó không phải là một quy luật tuyệt đối). Phải luôn nhớ điều này, nhất là trong thời đại hôm nay người ta thường có khuynh hướng muốn xóa bỏ khoảng cách giữa “thiêng thánh” (Sacrum)“phàm tục” (profane), dựa vào khuynh hướng tổng quát hóa (ít nhất trong một số nơi) nhằm giải thiêng mọi sự.

Chính vì điều này, Hội Thánh có bổn phận đặc biệt bảo đảm và chứng thực cái “thánh thiêng” của Thánh Thể. Trong xã hội đa diện và cũng thường trần tục hóa cách cố tâm, đức tin sống động của cộng đoàn Kitô hữu – một đức tin ý thức về quyền lợi so với những ai không chia sẻ cùng một niềm tin – bảo đảm quyền công dân dựa trên sự “thánh thiêng”. Bổn phận tôn trọng đức tin của mỗi người, đồng thời liên quan đến quyền tự nhiên và dân sự về tự do lương tâm và tôn giáo.

Tính thánh thiêng của Thánh Thể đã và vẫn tìm thấy lối diễn tả trong từ vựng thần học và phụng vụ.[44] Ý nghĩa thiêng thánh khách quan của mầu nhiệm Thánh Thể là một yếu tố xây dựng cho đức tin của Dân Chúa thêm phong phú và vững mạnh.[45] Ngày nay các thừa tác viên của Thánh Thể phải chiếu tỏa ánh sáng đức tin sống động này, và dưới ánh sáng đức tin này, họ phải hiểu và hoàn tất những gì thuộc về thừa tác vụ tư tế, theo ý muốn của Chúa Kitô và Giáo Hội Người.

Hy lễ: “Sacrificium”

9. Thánh Thể là một hy lễ: hy lễ của Ơn Cứu Chuộc và, cũng là hy lễ của Giao Ước Mới,[46] như chúng ta tin và các Giáo Hội Đông Phương cũng tuyên xưng rõ ràng như thế: “Hy lễ hôm nay – Giáo Hội hy lạp từ bao thế kỷ đã quả quyết – như hy lễ ngày Ngôi Lời nhập thể duy nhất đã dâng lên; hy lễ được Người dâng lên (hôm nay như lúc ấy), chỉ vì Người là hy lễ chính xác và duy nhất”.[47] Vì thế, khi tái hiện hy lễ duy nhất của ơn cứu độ chúng ta, con người và thế giới được hoàn lại cho Thiên Chúa trong tính mới mẻ vượt qua của Ơn Cứu Chuộc. Sự hoàn lại này thật rõ ràng, đó là nền tảng của “Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu” của Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa.

Nếu xảy ra trường hợp thiếu sự hoàn lại đó, thì phải đặt lại vấn đề về sự tuyệt hảo của hy lễ Cứu Chuộc, một hy lễ trong thực tế hoàn hảo và có tính dứt khoát, cũng như về giá trị hy tế thánh lễ. Vì là một hy lễ đích thực, Thánh Thể thực hiện sự hoàn lại đó.

Do đó, vị chủ tế, trong tư cách là thừa tác viên của hy lễ, là tư tế đích thực – và nhờ quyền thánh chức đặc biệt – thực hiện hành động hiến tế đưa muôn loài về với Thiên Chúa. Ngược lại, tất cả những ai thông phần Thánh Thể dù không hiến tế như ngài thì, nhờ chức tư tế cộng đồng, họ cùng với ngài dâng tiến hy lễ thiêng liêng của mình, tượng trưng bằng bánh và rượu ngay từ lúc được dâng lên bàn thờ. Thật vậy, hành động phụng vụ này, một hành động được các nền phụng vụ long trọng hóa, “có giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó”.[48] Theo một nghĩa thiêng liêng, bánh và rượu biểu trưng cho tất cả những gì cộng đoàn Thánh Thể dâng lên Thiên Chúa, và dâng trong Thánh Thần.

Việc di chuyển đầu tiên của phụng vụ Thánh Thể, theo nghĩa hẹp, tìm được cách diễn tả trong cử chỉ của những người tham dự. Thích ứng với việc này là cuộc rước các lễ vật, được dự liệu trong cuộc canh tân phụng vụ gần đây,[49] và theo như truyền thống cổ xưa, cuộc rước có kèm theo một thánh vịnh hay thánh ca. cần có một thời gian để mọi người nhân thức được hành động này, đồng thời được diễn tả qua lời đọc của vị chủ tế.

Ý thức về hành động dâng của lễ phải được giữ mãi trong suốt thánh lễ. Hơn nữa, ý thức này sẽ trọn vẹn ngay lúc truyền phép và tưởng niệm, như giá trị căn bản của hy lễ đòi hỏi. Lời trong Kinh Nguyện Thánh Thể mà linh mục đọc lớn tiếng nhằm minh chứng điều này. Ở đây cũng nên lấy lại một vài diễn ngữ trong Kinh Nguyện Thánh Thể III diễn tả cách đặc biệt tính chất hy tế của Thánh Thể và nối kết việc hiến dâng lễ vật của chúng ta với hiến lễ của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, xin đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa, và khi Chúa nhận đây chính là Của Lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa, xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Chúa Thánh Thần, thì trở nên một thân thể, và một tinh thần trong Đức Kitô”.

Giá trị hy lễ được diễn tả trong mỗi cử hành bằng những lời linh mục dùng để kết thúc việc tiến dâng lễ vật, khi linh mục kêu mời các tín hữu cầu nguyện “khi tiến dâng lễ vật của toàn thể Hội Thánh”. Những lời này có giá trị cam kết theo nghĩa chúng diễn tả đặc tính và nội dung sung mãn của mọi phụng vụ Thánh Thể, theo bình diện thiên linh của Hội Thánh.

Tất cả những ai tham dự vào Thánh Thể với đức tin đều nhận thấy rằng bí tích này là một “Sacrificium”, nghĩa là một “lễ phẩm được hiến thánh”. Quả vậy, bánh và rượu, được tiến dâng trên bàn thờ cùng với lòng sùng mộ và lễ hy sinh của những ng tham dự, cuối cùng được hiến thánh, và trở nên Thân Mình Chúa Kitô bị trao nộp và Máu chính Người đổ ra cách đích thực, thực tế và bản thể (vraiment, réllement et substantiellement). Bằng việc hiến thánh, các hình thái bánh và rượu đã thực tại hóa,[50] cách bí tích và không đổ máu, hy tế đền tội có đổ máu mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha trên thập giá để cứu độ thế giới. Thật vậy, chỉ mình Người, đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha, “xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta”,[51] nhờ hy lễ duy nhất của Người, khi tự hiến như lễ hy sinh đền tội trong một hành động hiến dâng và đền tội.

Tuy nhiên, việc dâng bánh và rượu, kết hợp với lòng đạo đức của các tín hữu, đem lại một đóng góp không thay thế được cho hy tế được tái diễn cách bí tích trên bàn thờ, chỉ vì, nhờ lời truyền phép của vị linh mục, bánh rượu trở nên Mình và Máu Thánh. Điều này được biểu lộ rõ rệt trong thái độ của linh mục khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, nhất là vào lúc truyền phép, khi cử hành hiến lễ thánh và sự tham dự này được kèm theo ý thức rằng “Thầy đó, Người gọi em”.[52] Lời gọi của Chúa đến với chúng ta qua hy lễ của Người, mở rộng các tâm hồn để – một khi được thanh luyện nhờ mầu nhiệm Cứu Chuộc chúng ta – các tín hữu được kết hiệp với Người trong việc hiệp lễ; đem lại cho việc tham dự thánh lễ một giá trị sâu sắc, tròn đầy và có tính cách quyết định cho cả cuộc đời: “Hội Thánh muốn các tín hữu không những dâng hiến lễ vật không tỳ vết, mà còn phải học dâng hiến chính bản thân mình, việc hiến dâng này sẽ được hoàn tất mỗi ngày một hơn, nhờ sự trung gian của Chúa Kitô, trong sự kết hiệp với Chúa Cha và với mọi anh em, để cuối cùng Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự”.[53] Như vậy, cần phải bắt tay ngay vào việc giáo dục các tín hữu để giúp họ khám phá các nét phong phú của phụng vụ hiện tại. Cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng Vatican II đã đem lại cho hy lễ tạ ơn một sự trong sáng, nhờ nhiều yếu tố, như việc chủ tế đọc lớn tiếng Kinh Nguyện Thánh Thể, đặc biệt các lời truyền phép, cùng với lời tung hô của cộng đoàn sau khi thờ lạy.

Nếu tất cả những điểm này đem lại niềm vui, thì cũng phải nhớ rằng các thay đổi đó đòi hỏi chúng ta phải có một ý thức và một sự chín chắn thiêng liêng mới, cả nơi chủ tế – nhất là khi ngài cử hành “đối diện với cộng đoàn” – cũng như các tín hữu. Việc tôn sùng Thánh Thể được đào sâu và tăng trưởng khi Kinh Nguyện Thánh Thể, đặc biệt là lời truyền phép, được chủ tế đọc lên cách khiêm tốn và trang nghiêm, cách dễ hiểu xứng với tính thiêng liêng của mầu nhiệm, và một cách đẹp đẽ và xứng đáng; khi hành động chính yếu của phụng vụ Thánh Thể được cử hành cách khoan thai; khi hướng đến thái độ tôn sùng và mặc niệm giúp những ng tham dự khám phá được tính cách cao cả của mầu nhiệm đang diễn ra và bộc lộ lòng tôn sùng qua thái độ của họ.

III. HAI BÀN TIỆC CỦA CHÚA VÀ GIA SẢN CHUNG CỦA HỘI THÁNH

Bàn tiệc Lời Chúa

10. Chúng ta biết rõ: từ thời xa xưa, việc cử hành Thánh Thể không những được kết hợp với kinh nguyện mà còn với việc đọc Lời Chúa và ca hát của cả cộng đoàn. Nhờ đó, các Giáo Phụ đã có thể ví thánh lễ như hai bàn tiệc mà Hội Thánh dọn ra cho con cái mình: Lời Chúa và Thánh Thể. Nghĩa là bánh của Chúa. Như vậy, ta phải trở lại phần đầu của mầu nhiệm thánh, mà nay gọi là phụng vụ Lời Chúa.

Các đoạn Kinh Thánh được chọn cho mỗi ngày phải dựa theo đòi hỏi của Công Đồng và theo các tiêu chuẩn mới.[54] Chiếu theo các quy tắc của Công Đồng, người ta đã soạn thảo bộ sách bài đọc mới, cố gắng giữ tính cách liên tục của các bản văn, cũng như giúp tín hữu làm quen với toàn bộ sách thánh. Các thánh vịnh với những câu đáp ca trong phụng vụ giúp những ai tham dự quen dần với gia sản kinh nguyện và thánh ca Cựu Ước. Tiếp đến, việc đọc hay hát các bản văn đó trong ngôn ngữ địa phương giúp mọi người hiểu sâu hơn ý nghĩa. Nhưng cũng có những người, đã quen với phụng vụ cũ bằng tiếng Latin, cảm thấy thiếu vắng “ngôn ngữ độc nhất”, một ngôn ngữ vốn đã là dấu chứng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh toàn cầu và, nhờ tính trang trọng của ngôn ngữ này, đã khơi dậy một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Thánh Thể. Như vậy, không những phải nhận biết, mà còn phải tôn trọng các tâm tình và ước nguyện đó; chúng ta phải cố gắng thỏa mãn trong mức độ có thể, như các điều khoản mới tiên liệu.[55] Giáo Hội Rôma có bổn phận đặc biệt với tiếng Latin, ngôn ngữ huy hoàng của kinh thành Rôma cổ xưa, phải thực hiện những bổn phận ấy khi có dịp thuận tiện.

Các khả năng do cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng đem lại đã được sử dụng để giúp chúng ta trở thành những chứng nhân và thành viên tham dự vào việc cử hành Lời Chúa. Số người tích tham gia việc cử hành này ngày một tăng. Đã có những nhóm quy tụ các độc viên và ca viên, nhiều khi có cả những “scholae cantorum”, gồm những người nam và người nữ; họ đảm nhận trách vụ với cả nhiệt tình. Lời Chúa, Sách Thánh bắt đầu sống lại trong nhiều cộng đoàn Kitô hữu. Các tín hữu quy tụ để cử hành phụng vụ được chuẩn bị bằng lời ca để dọn mình lắng nghe Tin Mừng được công bố xứng đáng với lòng nhiệt thành và yêu mến.

Khi nhận thức những điều vừa nói trên với thái độ quý chuộng và tri ân, ta cũng không quên rằng một cuộc canh tân đích thực còn đặt ra và sẽ luôn luôn đặt ra những đòi hỏi khác. Các đòi hỏi này nằm ở trách nhiệm mới đối với Lời Chúa do phụng vụ mang lại, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, và điều này tương ứng với tính phổ quát và cứu cánh của Tin Mừng. Ta cũng phải có trách nhiệm đối với việc thực thi các hành động phụng vụ, phải chú tâm đến việc đọc sách thánh và ca hát cũng thích ứng với những nguyên tắc của nghệ thuật. Để tránh cho các tác động đó trở nên giả tạo, ta phải tỏ ra có khả năng, giản dị và đồng thời trang trọng khi đọc cũng như khi hát, để làm nổi bật tính chất đặc thù của bản văn thánh.

Như vậy, các đòi hỏi nà, phát xuất từ ý thức trách nhiệm mới đối với Lời Chúa trong phụng vụ,[56] sẽ đâm rễ sâu xa hơn; chúng liên quan đến thái độ nội tâm của các thừa tác viên khi phục vụ Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ.[57] Việc lựa chọn các bản văn cũng được chi phối với cùng một ý thức trách nhiệm như vậy. Sự lựa chọn đó được thẩm quyền Giáo Hội quyết định; thẩm quyền cũng tiên liệu những trường hợp có thể chọn các bài đọc thích hợp hơn với những hoàn cảnh đặc biệt.[58] Ngoài ra, bao giờ cũng phải nhớ rằng chỉ có Lời Chúa mới được đọc trong thánh lễ. Việc đọc Kinh Thánh không được thay thế bằng các bản văn khác, dù các bản văn này chứa đựng một giá trị tôn giáo và luân lý không ai chối cãi được. Trái lại, các bản văn đó có thể được sử dụng cách rất hữu ích trong các bài giảng. Trong bài giảng, người ta có thể sử dụng các bản văn đó cách dễ dàng, miễn là nội dung của chúng phù hợp với các điều kiện được đặt ra, vì một trong những mục tiêu của bài giảng là cho thấy sự hội tụ giữa đức khôn ngoan của Thiên Chúa được mạc khải với tư tưởng cao sâu của loài người đang dùng những nẻo đường khác nhau để tìm kiến chân lý.

Bàn tiệc bánh của Chúa

11. Bàn tiệc thứ hai của mầu nhiệm Thánh Thể, bàn tiệc bánh của Chúa, cũng đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ lại theo quan điểm canh tân phụng vụ hiện hành. Đây là một vấn đề tối quan trọng, vì đụng chạm đến một hành vi đặc biệt của đức tin sống động, như đã được chứng minh từ những thế kỷ đầu tiên,[59] đây là việc biểu lộ thái độ phụng thờ Chúa Kitô, qua việc hiệp lễ, đã giao phó mình cho mỗi người chúng ta, cho con tim, cho lương tâm, cho môi miệng chúng ta, dưới hình thức của ăn nuôi sống. Như vậy, trong vấn đề này, cần phải có thái độ tỉnh thức được Phúc Âm nhắc đến, điều này có giá trị cho các mục tử mang trách nhiệm về việc tôn sùng Thánh Thể cũng như dân Thiên Chúa, mà “chiều kích đức tin”[60] của họ phải đặc biệt tỉnh táo và sắc bén.

Thưa Anh Em đáng kính và thân mến trong hàng giám mục, tôi muốn trao phó vấn đề này cho mỗi người trong anh em. Anh em phải đặt vấn đề này trên mọi lo lắng đối với Giáo Hội đã được trao phó cho anh em. Tôi xin anh em điều này nhân danh sự hiệp nhất mà chúng ta đã lãnh nhận các tông đồ như một gia sản: sự hiệp nhất của Giám Mục đoàn. Theo một nghĩa nào đó, sự hiệp nhất này được hình thành từ bàn tiệc Bánh của Chúa vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Với sự trợ giúp của các anh em trong chức linh mục, anh em hãy làm tất cả những gì có thể để bảo đảm phẩm chất thánh thiêng của thừa tác vụ Thánh Thể và tinh thần sâu đậm của sự hiệp thông Thánh Thể, đó là phúc lợi (bien) đặc biệt của Hội Thánh xét như là dân Thiên Chúa. đồng thời bảo đảm gia sản (héritage) đặc biệt đã chuyển đạt cho chúng ta do các tông đồ, các truyền thống phụng vụ khác nhau và biết bao thế hệ tín hữu, thường là những chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, những chứng nhân đã được giáo dục trong “trường học của thập giá” (Ơn Cứu Chuộc) và của Thánh Thể.

Phải nhắc lại rằng Bí tích Thánh Thể, xét như bàn tiệc Bánh của Chúa, là một lời mời liên tục. Điều này hiện rõ trong công thức phụng vụ mà chủ tế dùng khi đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa! Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”,[61] và trong dụ ngôn về các người được mời đến dự tiệc cưới.[62] Xin nhắc lại rằng, trong dụ ngôn này, nhiều người đã viện dẫn bao lý lẽ để từ chối không đáp lại lời mời.

Trong các cộng đoàn Kitô hữu cũng vậy, chắc chắn có nhiều người có thể hiệp lễ mà đã không làm, dù lương tâm không bị một tội nặng nào ngăn trở. Thực ra, thái độ này, gắn liền với một sự nghiêm khắc quá đáng, đã thay đổi trong thời đại chúng ta, mặc dù vẫn ảnh hưởng ở một vài nơi. Thật ra, không phải vì ý thức về sự bất xứng của mình cho bằng vì thiếu sự sẵn sàng nội tâm – có thể nói như vậy – vì người ta không cảm thấy “đói”“khát” Thánh Thể, đàng sau điều này ta cũng có thể nhận ra một tình trạng thiếu nhạy cảm và thiếu hiểu biết đúng đắn bản chất của bí tích tình thương cao cả.

Tuy vậy từ nhiều năm nay, ta thấy xuất hiện một hiện tượng khác. Có những lần – và đây không phải là hiếm – mọi người tham dự thánh lễ đều lên rước lễ; thực ra, như các mục tử đầy kinh nghiệm đã chứng thực, nhiều khi người ta không quan tâm lãnh nhận bí tích sám hối để lương tâm được thanh tẩy. Dĩ nhiên, điều này có thể hiểu là những ai tiến đến bàn tiệc của Chúa không thấy gì, trong lương tâm họ và theo luật khách quan của Thiên Chúa, cản trở tác động cao siêu và vui vẻ để kết hiệp với Chúa Kitô trên bình diện bí tích. Nhưng đàng sau điều đó cũng có thể ẩn chứa một xác tín khác, ít nhất là trong một vài trường hợp: coi thánh lễ như một bàn tiệc,[63] người ta tham dự bằng cách lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô, chỉ để biểu lộ sự kết hiệp huynh đệ. Người ta cũng có thể thêm vào các lý do trên một nhân sinh quan nào đó và một thái độ đơn giản là “chiều theo số đông”.

Về phần chúng ta, hiện tượng này đòi hỏi phải tập trung chú ý: phải có một sự phân tích trên bình diện thần học và mục vụ, được hướng dẫn với tinh thần trách nhiệm tối đa. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta không thể để mất đi sự nhạy cảm của lương tâm Kiô giáo, được hướng dẫn nhờ quy chiếu về Đức Kitô, Đấng được lãnh nhận trong Thánh Thể, sẽ tìm được trong trái tim mỗi người một nơi lưu ngụ xứng đáng. Vấn đề này gắn chặt không những với việc siêng năng lãnh nhận bí tích sám hối, mà còn với ý thức trách nhiệm đối với kho tàng luân lý và với việc phân định rõ ràng cái thiện và cái ác. Sự phân biệt này trở thành nền tảng cho mỗi người tham dự tham dự Thánh Thể, để suy xét một cách trung thực về chính mình trong thâm cung của lương tâm. Ai cũng biết lời của thánh Phaolô: “Ai nấy phải tự xét mình”;[64] việc suy xét này là một điều kiện thiết yếu để mỗi người tự quyết định có đến lãnh nhận Thánh Thể hay không. Việc cử hành Thánh Thể đặt chúng ta trước nhiều đòi hỏi khác liên quan đến những gì thuộc về thừa tác vụ bàn tiệc Thánh Thể, các đòi hỏi này một phn dành riêng cho các linh mục và phó tế, một phần dành cho mọi người tham dự phụng vụ Thánh Thể. Với các linh mục và phó tế, cần phải nhắc lại rằng việc phục vụ bàn tiệc Bánh của Chúa áp đặt trên họ những bó buộc đặc biệt, quy chiếu trước hết vào chính Chúa Kitô hiện hiện trong Thánh Thể, và thứ đến liên hệ đến mọi người tham dự hay có thể tham dự Thánh Thể. Về điểm thứ nhất, có lẽ cũng cần nhắc lại những lời trong sách Nghi lễ Giáo Chủ (Pontifical) dành cho các giám mục: trong ngày thụ phong, Giám mục trao cho tân linh mục dĩa và chén thánh có bánh và rượu được các tín hữu tiến dâng và phó tế chuẩn bị, với lời: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh để tiến dâng Thiên Chúa. Hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa”.[65] Lời huấn dụ này của Giám mục phải mãi mãi là một trong những quy tắc quý giá nhất cho thừa tác vụ Thánh Thể đối với tân chức.

Linh mục phải tìm trong lời huấn dụ đó nguồn cảm hứng để xác định thái độ đối với bánh và rượu, đã trở nên Mình và Máu Chúa Cứu Thế. Với tư cách là thừa tác viên của Thánh Thể, tất cả chúng ta phải xét kỹ lưỡng về các hành động của mình nơi bàn thờ, đặc biệt trong cách chúng ta tôn kính của ăn và thức uống là Mình và Máu Chúa là Thiên Chúa trong đôi tay chúng ta, cách chúng ta cho rước lễ, cách chúng ta lau rửa chén thánh.

Tất cả những hành động này này đều có ý nghĩa riêng của chúng. Lẽ tất nhiên phải tránh tâm trạng bối rối, nhưng xin Thiên Chúa đừng để chúng ta có thái độ bất kính, hấp tấp không cần thiết, thiếu kiên nhẫn gây gương mù cho các tín hữu! Hạnh phúc lớn nhất của chúng ta – ngoài bổn phận chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng – là được thi hành quyền năng mầu nhiệm trên Thân Mình Chúa Cứu Thế, và tất cả những gì có trong chúng ta phải dứt khoát quy hướng về điều này. Đàng khác, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta được mời gọi để được hiến thánh cho quyền năng thừa tác, nhớ rằng chúng ta đã được chọn giữa loài người và “để phục vụ lợi ích con người”.[66] Chúng ta phải luôn nghĩ đến điều này vì chúng ta là những linh mục của Giáo Hội Latin, mà nghi lễ truyền chức, với dòng thời gian, đã thêm vào thói quen xức dầu đôi tay của vị linh mục.

Tại một số quốc gia đã thực hành việc rước lễ trên tay. Thực hành này đã được nhiều Hội Đồng Giám Mục thỉnh cầu và được Tòa Thánh chấp thuận. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi được nghe nói đến những trường hợp đáng tiếc do thiếu tôn kính đối với các hình thái Thánh Thể, những thiếu sót này không những thuộc trách nhiệm của những ai có hành vi bất xứng, nhưng cũng là trách nhiệm của các chủ chăn Giáo Hội, vì thiếu cảnh giác về thái độ của tín hữu đối với Thánh Thể.

Đôi khi cũng xảy ra cả trường hợp người ta không tôn trọng sự lựa chọn và ý muốn tự do của những tín hữu muốn tiếp tục rước lễ nơi miệng, tại những nơi người ta được đặc ân rước lễ trên tay.

Như vậy, trong khung cảnh của lá thư này, phải nhắc tới những hiện tượng đau lòng đã nói trên đây. Khi viết những dòng này, tuyệt nhiên tôi không muốn ám chỉ những người đón nhận Chúa Giêsu trong tay, với tinh thần đạo đức và kính trọng sâu xa, tại những quốc gia đã được phép thực hành.

Nhưng không vì thế mà quên đi chức năng đầu tiên của các linh mục là những người, do bí tích truyền chức, được hiến thánh để biểu thị Chúa Kitô thượng tế: đôi tay, cũng như lời nói và ý muốn của họ, đã trở thành khí cụ trực tiếp của Chúa Kitô. Vì lý do này, như các thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể, họ có một trách nhiệm hàng đầu vì toàn thể (responsabilit primordiale parce que totale) về Mình Máu Thánh: họ dâng bánh và rượu, hiến thánh, và phân phát của những ai tham dự cộng đoàn phụng vụ và ước muốn rước lễ. Các phó tế chỉ có thể đưa lên bàn thờ lễ vật của các tín hữu và phân phát, khi các lễ vật này đã được vị linh mục thánh hiến. Vì vậy, nghi thức xức dầu đôi tay trong lễ truyền chức của Giáo Hội Latin thật đầy ý nghĩa, mặc dù không xuất hiện trong thời nguyên thủy, nhưng cho thấy bàn tay linh mục cần một ân sủng và sức mạnh đặc biệt của Thánh Thần.

Chạm tới Mình Máu Thánh, dùng tay để phân phát, là một đặc quyền của những con người đã chịu chức thánh, đặc quyền này nói lên sự tham dự sinh động vào thừa tác vụ Thánh Thể. Chắc chắn Giáo Hội có thể chuyển nhượng đặc ân này cho những người không phải là linh mục hay phó tế, ví dụ các thầy giúp lễ trong khi thi hành thừa tác vụ của mình, đặc biệt nếu họ sẽ được chịu chức thánh, hay các giáo dân khác có đủ điều kiện cần thiết, nhưng luôn luôn phải chuẩn bị cho họ cách xứng đáng.

Gia sản chung của Hội Thánh

12. Chúng ta không được quên, dù trong giây lát, rằng Thánh Thể là một gia sản đặc biệt của toàn thể Hội Thánh. Đó là tặng phẩm vĩ đại, trên bình diện ân sủng và bí tích, mà vị Hôn Phu thần linh đã ban và không ngừng ban cho Hiền Thê của mình. Vì là một tặng phẩm quý báu, nên tất cả chúng ta, trong một đức tin sâu sắc, phải ý thức trách nhiệm.

Một tặng phẩm ràng buộc chúng ta một cách sâu thẳm, vì nó không dùng sức mạnh của luật pháp mà nói với chúng ta, mà là dùng sức mạnh của sự tín nhiệm, và như vậy, tuy không đề ra những ràng buộc theo luật pháp, tặng phẩm này đòi hỏi sự tín nhiệm và lòng tri ân. Thánh Thể là một tặng phẩm theo nghĩa đặc sắc đó, là một gia sản đặc biệt như vậy. Chúng ta phải trung thành trong các chi tiết với những gì bí tích đó diễn tả và những gì bí tích đó đòi hỏi nơi chúng ta, nghĩa là lòng cảm tạ tri ân.

Bí tích Thánh Thể là gia sản chung của toàn thể Hội Thánh, là bí tích của sự hiệp nhất Giáo Hội. Hội Thánh có trách nhiệm xác định rõ tất cả những điều liên quan đến việc tham dự Thánh Thể và việc cử hành bí tích này. Do đó, chúng ta phải thực hiện đúng các nguyên tắc mà Công Đồng Vatican II đề ra trong hiến chế về phụng vụ thánh, các thẩm quyền và bổn phận của mỗi Giám mục trong giáo phận mình cũng như của các Hội Đồng Giám Mục, với điều kiện là các giám mục cùng hành động trong sự hiệp nhất mang tính đồng đoàn với Tòa Thánh.

Ngoài ra chúng ta phải theo các quyết định liên quan đến lãnh vực này do các thánh bộ ban hành: cả trong lãnh vực chất liệu phụng vụ, trong các quy tắc xác định được đề ra trong các sách phụng vụ liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể, và trong các huấn thị dành cho mầu nhiệm này,[67] cũng như trong tất cả những gì liên quan đến sự “thông hiệp thánh” (communicatio in sacris), trong các quy tắc của “Kim chỉ nam về sự hiệp nhất” (Directorium de re oecumenica)[68] và trong “Huấn thị về những trường hợp cho phép các Kitô hữu không Công Giáo rước lễ trong Giáo Hội Công Giáo”.[69] Mặc dù trong giai đoạn canh tân này Tòa Thánh đã chấp nhận có thể có một sự độc lập nào đó để giúp phần “sáng tạo”, chúng ta vẫn phải tôn trọng một cách nghiêm nhặt tất cả những đòi hỏi cần thiết cho sự hiệp nhất trong những điều cốt yếu.

Trên con đường chấp nhận vẻ đa dạng này (phát xuất từ việc đưa vào phụng vụ các ngôn ngữ khác biệt), chúng ta chỉ có thể bước đến một giới hạn nào đó: giới hạn đó là không để mất đi các đặc tính cốt yếu của việc cử hành Thánh Thể, và tôn trọng các quy phạm được ban hành trong cuộc canh tân phụng vụ vừa qua.

Trong mọi nơi, chúng ta phải cố gắng hết sức để biểu lộ sự hiệp nhất mà Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ vừa là nhân tố, ngay trong sự đa dạng của lòng tôn sùng Thánh Thể mà Công Đồng Vatican II đã dự liệu.

Nhiệm vụ này thuộc về trách nhiệm của Tòa Thánh. Trong thực tế, nó cũng thuộc trách nhiệm không những của các Hội Đồng Giám Mục, mà còn của tất cả các thừa tác viên Thánh Thể, không trừ một ai. Ngoài ra, mỗi thừa tác viên phải nhớ rằng mình có trách nhiệm về gia sản chung của toàn thể Hội Thánh. Vị linh mục, như thừa tác viên, là người cử hành và chủ tọa cộng đoàn Thánh Thể quy tụ các tín hữu, phải có một ý thức đặc biệt về gia sản chung của Hội Thánh, mà mình là đại diện do thừa tác vụ cũng phải phục tùng gia sản đó theo một kỷ luệt nghiêm chỉnh của đức tin. Ngài không được tự coi mình như một “sở hữu chủ”, có quyền tự do sử dụng bản văn phụng vụ và nghi lễ thánh như gia sản riêng của mình, đến độ gán cho nó một vẻ đặc thù và độc đáo. Thái độ này thỉnh thoảng có vẻ hữu hiệu và cũng có thể thích hợp với một lối sống đạo chủ quan, nhưng trên bình diện khách quan thì thái độ này bao giờ cũng làm tổn thương sự hiệp nhất mà bí tích hiệp nhất này muốn diễn tả.

Mọi linh mục khi dâng lễ đều phải nhớ rằng, trong hy lễ này, không phải chỉ riêng mình với cộng đoàn hiện diện cầu nguyện, mà tất cả Hội Thánh cầu nguyện, thế nên việc sử dụng bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn sẽ làm nổi bật sự hiệp nhất thiêng liêng trong bí tích này. Nếu có ai gọi thái độ này là “chủ nghĩa đồng nhất”, thì người đó không biết các đòi hỏi khách quan của sự hiệp nhất đích thực, và đây có thể là triệu chứng của một thái độ cá nhân chủ nghĩa nguy hiểm.

Sự tùy thuộc của thừa tác viên, của chủ tế, vào “Mầu Nhiệm” đã được Hội Thánh trao phó cho ngài để mưu ích cho toàn dân Thiên Chúa, phải được diễn tả trong sự tuân giữ các đòi hỏi phụng vụ liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ. Các đòi hỏi này nhằm vào phẩm phục, chẳng hạn, và đặc biệt vào lễ phục mà chủ tế phải mặc. Đương nhiên trong quá khứ cũng như hiện tại đã có và đang có những trường hợp mà các chỉ thị này không có tính bó buộc. Chúng ta thật cảm động khi đọc thấy trong các sách của những linh mục bị cầm tù trong các trại tập trung, liên quan đến những buổi cử hành Thánh Thể không theo các nguyên tắc này, nghĩa là không có bàn thờ, không có phẩm phục. Trong những điều kiện như thế, đó là một bằng chứng anh hùng và phải khơi dậy lòng cảm phục, tuy nhiên trong những điều kiện bình thường, việc lơ là đối với các quy tắc phụng vụ có thể được xem như thái độ thiếu tôn kính đối với Thánh Thể, có thể phát xuất từ thái độ cá nhân chủ nghĩa, hay từ sự thiếu tinh thần phán đoán (sens critique) đối với các ý kiến phổ biến, hay từ một thái độ thiếu tinh thần đức tin.

Nhờ ơn Thiên Chúa, chúng ta là những thừa tác viên của Thánh Thể, phải có trách nhiệm về ý hướng và thái độ của anh chị em tín hữu được trao phó cho chúng ta coi sóc. Ơn gọi của chúng ta là khơi dậy, đặc biệt nhờ gương sáng xá nhân, một lối diễn tả lành mạnh về lòng sùng kính đối với Chúa Kitô hiện diện và hoạt động trong bí tích tình yêu. Mong sao Thiên Chúa giúp chúng ta tránh những hành động làm suy yếu việc tôn kính Bí tích Thánh Thể, bằng cách thực hành các lối diễn tả và hình thức khác nhau của việc tôn kính, các lối diễn tả và hình thức dù chứa đựng một lòng đạo đức có lẽ “truyền thống” nhưng lành mạnh, và chứa đựng “cảm nghiệm đức tin” là đặc hữu của toàn thể dân Thiên Chúa,[70] như Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở!

Đến lúc phải kết thúc lá thư này – nhân danh cá nhân và các Anh Em đáng kính và thân mến trong hàng giám mục –, tôi muốn xin lỗi về tất cả những điều có thể đã gây ra gương mù gương xấu và sự khó chịu về lối cắt nghĩa giáo lý và sự sùng kính đáng được dành cho bí tích cao cả này, những điều đáng tiếc có thể do sự yếu đuối con người, sự thiếu kiên nhẫn, sự lơ là, và cũng do sự áp dụng phiến diện và sai lầm các chỉ thị của Công Đồng Vatican II. Tôi cầu nguyện xin Chúa Giêsu, để từ nay, trong cách trình bày mầu nhiệm thánh này, tránh được tất cả những điều có thể làm suy yếu hay lạc hướng sự tôn kính và lòng mến yêu của các tín hữu.

Nguyện xin chính Chúa Kitô giúp chúng ta tiếp tục trên con đường canh tân đích thuc, để tiến về sự sung mãn của cuộc sống trong Thánh Thể và của việc tôn sùng mầu nhiệm đó, nhờ đó Người xây dựng Hội Thánh trong sự hiệp nhất mà hiện nay Hội Thánh đang có, và ao ước thuc hiện sâu đậm hơn nữa để tôn vinh Thiên Chúa hàng sng và mưu ích cho tất cả mọi người!

KẾT LUẬN

13. Anh Em khả kính và thân ái, tôi xin phép kết thúc các suy tư này, trong đó tôi chỉ muốn đào sâu một vài vấn đề. Khi soạn lá thư này, tôi có trước mắt toàn bộ công trình của Công Đồng Vatican II, và tôi luôn nhớ tới thông điệp Mầu nhiệm đức tin (Mysterium fidei) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, được công bố trong thời gian Công Đồng, tôi cũng nhớ tới các văn kiện đã được ban hành sau Công Đồng để diễn dịch trong các hoạt động ý muốn canh tân phụng vụ thời Hậu Công Đồng. Thật vậy có một liên hệ rất mật thiết giữa việc canh tân phụng vụ và việc canh tân toàn thể đời sống Hội Thánh.

Hội Thánh hoạt động trong phụng vụ, nhưng cũng tự diễn tả chính mình trong phụng vụ, sống nhờ phụng vụ và tìm trong phụng vụ sức sống cho mình. Việc canh tân phụng vụ, được thực hiện nghiêm chỉnh theo tinh thần Vatican II, là tiêu chuẩn đo lường và là điều kiện để đưa vào thực hành tất cả những điều Công Đồng dạy, những điều mà chúng ta muốn chấp nhận với một lòng tin sâu xa, vì xác tín rằng, qua Công Đồng, Thánh Thần “đã nói với Hội Thánh” các chân lý và đã ban các chỉ dẫn cần thiết để hoàn thành sứ mạng của Hội Thánh đối với con người hôm nay và ngày mai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt để phát động và tiếp tục canh tân Hội Thánh theo giáo lý của Vatican II, trong tinh thần của một Truyền Thống luôn luôn sống động. Nếu được hiểu đúng, thì việc đọc lại cách nghiêm chỉnh những “dấu chỉ thời đại”, để trích từ kho tàng phong phú của Mạc Khải “cái cũ và cái mới”,[71] cũng thuộc về bản chất của Truyền Thống. Khi hành động trong tinh thần này, đúng theo lời khuyên phúc âm, Công Đồng Vatican II đã hoàn tất một cố gắng quan phòng để canh tân bộ mặt của Giáo Hội trong phụng vụ thánh, bằng cách nối chính bản thân mình với cái “cũ”, bắt nguồn từ gia tài của các Giáo Phụ và là lối diễn tả đức tin và giáo lý của Hội Thánh hiệp nhất từ bao thế hệ.

Để trong tương lai có thể tiếp tục thực hành các chỉ thị của Công Đồng về phụng vụ, và đặc biệt trong lãnh vực tôn sùng Thánh Thể, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền của Tòa Thánh và mỗi Hội Đồng Giám Mục, một sự hợp tác đầy tinh thần cảnh giác và đồng thời sáng tạo, mắt hướng đến tính cách cao cả của mầu nhiệm chí thánh, đồng thời về các khuynh hướng linh đạo phổ biến cũng như các thay đổi trong xã hội, rất có ý nghĩa trong thời đại chúng ta, vì không những thỉnh thoảng chúng gây ra những khó khăn, nhưng chúng cũng tạo ra một đường lối mới để tham dự vào mầu nhiệm đức tin cao cả này.

Trên hết mọi sự, tôi nhấn mạnh rằng các vấn đề của phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Thánh Thể, không thể là một lý do chia rẽ người Công Giáo và đe dọa sự hiệp nhất của Hội Thánh. Điều này là tất yếu, nếu như ta có được chút hiểu biết về bí tích mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta như suối nguồn của sự hiệp nhất thiêng liêng. Bí tích Thánh Thể vốn là “sacramentum pietatis, signum unitatis, vinculum caritatis – bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, dây liên kết”,[72] thì tại sao trong lúc này lại có thể trở thành điểm bất hòa chia rẽ, căn nguyên những tư tưởng và hành vi đối nghịch lẫn nhau, thay vì là tiêu điểm và là nơi thiết lập tính hiệp nhất của chính Hội Thánh, điều mà bí tích này hàm chứa theo yếu tính?

Tất cả chúng ta đều là những kẻ mắc nợ Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Tất cả chúng ta đều phải lắng nghe tiếng của Thần Khí chân lý và tình yêu mà Người đã hứa ban cho Hội Thánh và là Đấng vẫn luôn hoạt động trong Hội Thánh. Nhân danh chân lý và tình yêu này, nhân danh chính Chúa Kitô chịu đóng đinh và Mẹ Người, tôi xin anh em và khẩn khoản nài van anh em hãy rũ bỏ mọi chống đới và chia rẽ: chúng ta hãy hiệp nhất với nhau vì sứ mạng cứu rỗi cao cả, đồng thời là phần thưởng và hoa trái của ơn cứu chuộc chúng ta. Tòa Thánh sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm lại, ngay cả cho tương lai, các phương tiện khả dĩ bảo đảm sự hiệp nhất mà chúng ta đang nói tới. Mỗi người trong chúng ta hãy tránh “làm phiền lòng Thánh Thần”.[73]

Để chúng ta có thể kiên trì theo đuổi sự hiệp nhất và cộng tác liên lỉ hướng đến sự hiệp nhất này, tôi quỳ gi khẩn nài Thánh Thần bao cho chúng ta ánh sáng, nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, vị Hôn Thê thánh thiện của Ngài và là Mẹ của Hội Thánh. Và khi gửi đến anh em phép lành với tất cả tâm tình của tôi, một lần nữa, tôi ngỏ lời với Anh Em đáng kính và thân mến trong hàng giám mục, để chào anh em trong tình huynh đệ và tỏ lòng tín nhiệm hoàn toàn.

Trong sự hiệp nhất của hàng giám mục mà chúng ta là thành viên, chúng ta hãy làm tất cả để Thánh Thể ngày càng trở nên suối nguồn sự sống và ánh sáng cho lương tâm của mọi anh em chị em chúng ta trong tất cả các cộng đoàn, trong sự hiệp nhất phổ quát của Hội Thánh Chúa Kitô trên trái đất này.

Trong tinh thần bác ái huynh đệ, tôi sung sướng ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh em và các cộng sự chúng ta trong chức linh mục.

 

Ban hành từ điện Vatican, ngày 24 tháng 02 năm 1980,

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay,

năm thứ hai tôi làm Giáo Hoàng.

+ IOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Cf. chap. 2.

[2] Cf. Conc. oecum. de Trente, sess. XXII, can. 2: Conciliorum oecumenicorum Decreta, 3 e éd., Bologne 1973, p. 735.

[3] Une liturgie eucharistique éthiopienne, en raison de ce précepte du Seigneur, rappelle que les apôtres “ont établi pour nous des patriarches, des archevêques, des prêtres et des diacres pour célébrer le rite de ton Église sainte”. Anaphora S. Athanasii: Prex eucharistica, Haenggi-Pahl. Fribourg (Suisse) 1968, p. 183.

[4] Cf. La Tradition apostolique de saint Hippolyte, n. 2-4, Ed. Botte, Munster (Wesphalie) 1963, p. 5-17.

[5] 2Cr 11,28.

[6] 1Pr 2,5.

[7] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 28; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (chức vụ và đời sống linh mục), n. 2 và 5; Sắc lệnh Ad gentes (hoạt động truyền giáo của Giáo Hội), n. 39.

[8] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 11.

[9] Ga 3,16. Il est intéressant de noter que ces paroles sont reprises par la liturgie de saint Jean Chrysostome immédiatement avant celles de la consécration, à laquelle elles introduisent: cf. la Divina Liturgia del santo nostro Padre Giovanni Crisostomo, Rome-Grottaferrata 1967, p. 104-105.

[10] Cf. Mt 26,26 s.; Mc 14,22-25; Lc 22,18 s.; 1Cr 11,23-25; cũng xem các Kinh Nguyện Thánh Thể hiện nay.         

[11] Pl 2,8.             

[12] Ga 13,1.

[13] Cf. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ tại Phoenix Park de Dublin, 29 septembre 1979, n. 7; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, 25 mai 1967: Rituale romanum. De sacra communione et de cultu Mysterii eucharistici extra missam, Éd. typique, 1973. Il faut noter que la valeur du culte et la force de sanctification de ces formes de dévotion eucharistique dépendent moins des formes elles-mêmes que de l’attitude interne.

[14] Cf. bulle Transiturus de hoc mundo (11 août 1264): Æmilii Friedberg Corpus iuris canonici, Pars II: Decretalium collectiones, Leipzig 1881, p. 1174-1977; Studi eucaristici, VIIe centenaire de la bulle Transiturus 1264-1964, Orvieto 1966, p. 302-317.

[15] Cf. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei; Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị Eucharisticum mysterium; Rituale romanum. De sacra communione et de cultu Mysterii eucharistici extra missam, Éd. typique, 1973.

[16] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis, n. 20; cf. Công Đồng Vatican II. Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 11; cũng xem note 57 cho số 20 lược đồ II của Hiến chế này dans Acta Synodalia sacrosancti Concilii oecumenici Vaticani II, vol. II, periodus 2 a, pars. I, sessio publica II, p. 251-252; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, huấn từ trong buổi triều yết chung ngày 15/9/1965: Insegnamenti di Paolo VI, III (1965), n. 1036; H. de Lubac. Méditations sur l’Église, 2e édit., Paris 1953, p. 129-137.

[17] 1Cr 11,26.

[18] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 11; Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), n. 10; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (Chức vụ và đời sống linh mục), n. 5; Sắc lệnh Christus Dominus (Nhiệm vụ của Giám mục trong Giáo Hội), n. 30; Sắc lệnh Ad gentes (Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội), n. 9.

[19] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 26; Sắc lệnh Unitatis redintegratio (Về Đại Kết), n. 15.

[20] Đây là điều được nhắc đến trong Lời nguyện nhập lễ thứ V Tuần Thánh: “… chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, xin cho chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người” (Sách Lễ Rôma); cũng vậy trong lời khấn cầu de même les épiclèses de communion du Missel romain: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Chúa Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến” (Kinh Nguyện Thánh Thể II; x. Kinh Nguyện Thánh Thể III).

[21] Ga 5,17.

[22] Cf. Lời nguyện sau hiệp lễ chúa nhật XXII thườngniên: “Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho bí tich này giúp chúng con thêm lòng yêu mến và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em” (Sách Lễ Rôma).

[23] Ga 4,23.

[24] Cf. 1Cr 10,17, St. Augustin chú giải, In Evangelium Ioannis tract, 31, 13; PL 35, 1613, và Công ĐồngTrente, sess. Xlll, chap. 8: Conciliorum oecume-nicorum Decreta, Bologne 1973, p. 697, 7; cf. Công Đồng Vatican II. Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 7.

[25] Ga 13,35.

[26] Điều này được nhắc đến trogn một số lời nguyện của Sách Lễ Rôma: lời nguyện tiến lễ cho lễ chung các thánh lo việc bác ái: “… xin cho chúng con biết noi gương các thánh để lại, nhờ đó, tình yêu của chúng con đối với Chúa cũng như đối với nhau ngày càng thêm đâm đà thắm thiết” (Sách lễ Rôma); lời nguyện sau hiệp lễ cho lễ chung các thánh lo việc giáo dục: “… chúng con đem hết tâm hồn và cả đời sống để làm chứng cho sự thật và nói lên tình huynh đệ chân thành” (Ibid., p. 723); xc. Lời nguyện sau hiệp lễ chúa nhật XXII thường niên như đã nói trên, note 22.

[27]Ga 4,23.

[28] Ep 4,13.

[29] Cf. supra numéro 2.

[30] Cf. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes (Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội), n. 9 và 13; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (Chức vụ và đời sống linh mục), n. 5.

[31] 1Ga 3,1

[32] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 11.

[33] Cf. n. 20.

[34] 2Pr 3,13.

[35] Cl 3,10.

[36] Lc 1,35; Ga 6,69; Cv 3,14; Kh 3,7

[37] Ac 10,38; Lc 4,18

[38] Ga 10,36

[39] Cf. Ga 10,17

[40] Dt 3,1; 4,15; etc.

[41] Comme le disait la liturgie byzantine du IXe siècle, d’après le codex le plus antique, anciennement Barberino di San Marco (Florence), se trouvant aujourd’hui à la Bibliothèque apostolique vaticane, Barberini greco 336, f° 8 verso, lignes 17-20, publié, pour cette partie, par F. E. Brightman, Liturgies Eastern and Western, I Eastern Liturgies, Oxford 1896, p. 318, 34-35.

[42] Lời nguyện nhập lễ lễ Mình Máu Thánh, B: Missale romanum, Éd. cit.. p. 858.

[43] 1Ga 2,2; Ibid. 4,10

[44] Nous parlons du “divinum Mysterium”, du “sanctissimum” ou du “sacrosanctum”, c’est-à-dire du “sacré” et du “saint” par excellence. À leur tour, les Églises orientales appellent la messe “raza”, c’est-à-dire “mysterion”, “hagiasmos”, “quddasha”, “qedasse”, c’est-à-dire “consécration” par excellence. Interviennent en outre les rites liturgiques qui, pour inspirer le sens du sacré demandent par-fois le silence, la position debout ou à genoux, ou la profession de foi, l’encensement de l’évangile, de l’autel, du célébrant et des saintes espèces. Bien plus, ces rites appellent l’aide des êtres angéliques, créés pour le service de Dieu saint: par le “sanctus” de nos Églises latines, par le “trisagion” et le “sancta sanctis” des liturgies d’Orient.

[45] Par exemple, dans l’invitation à communier, cette foi a été formée à découvrir des aspects complémentaires de la présence du Christ saint: l’aspect épiphanique relevé par les Byzantins (“Béni soit celui qui vient au nom du Seigneur: le Seigneur est Dieu et il nous est apparu!”: La divina Liturgia del santo nostro Padre Giovanni Crisostomo, Rome-Grottaferrata 1967, p. 136-137); l’aspect relationnel et unitif chanté par les Arméniens (“un seul Père saint avec nous, un seul Fils saint avec nous, un seul Esprit saint avec nous”: Die Anaphora des beiligen Ignatius von Antiochien. Éd. et trad. A. Rücker. Oriens Christianus, 3a ser., 5 [1930], p. 76); l’aspect secret et céleste célébré par les Chaldéens et par les Malabars (cf. l’hymne antiphonaire chantée alternativement par le prêtre et l’assemblée après la communion: F. E. Brightman, op. cit., p. 299).

[46] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), n. 2 và 47; Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 3 và 28; Sắc lệnh Unitatis redintegratio (Về Đại Kết), n. 2; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (Chức vụ và đời sống linh mục), n. 13; Công ĐồngTrente, sess. XXII, chap. I et II: Conciliorum oecumenicorum decreta, Bologne 1973, p. 732-733, spécialement: “C’est une seule et même victime, c’est le même qui offre maintenant par le ministère des prêtres, qui s’est offert lui-même alors sur la croix; seule, la manière d’offrir diffère” (Ibid., p. 733).

[47] Synode de Constantinople contre Sotericos (janvier 1156 et mai 1157): Angelo Mai, Spicilegium romanum, t. X, Rome 1844, p. 77; PG 140, 190; cf. Martin Jugie, Dictionnaire de théologie catholique, t. X, 1338; Theologia dogmatica christianorum orientalium, Paris 1930, p. 317-320.

[48] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, n. 49 c: Missale romanum Éd. cit., p. 39; cf. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (Chức vụ và đời sống linh mục), n. 5.

[49] Cf. Ordo missae cum populo, n. 18; Missale romanum, Éd. cit., p. 390.

[50] Công ĐồngTrente, sess. XXII, chap. I: Conciliorum oecumenicorum decreta, Bologne 1973, p. 732s.

[51] Cl 2,14

[52] Ga 11,28

[53] Comme le souhaite l’Institutio generalis introduisant au Missale romanum, n. 55 f: Missale romanum, Éd. cit., p. 40.

[54] Cf. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh)n. 35 et 51.

[55] Cf. Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị In edicendis normis, VI, 17-18; VII, 19-20; Huấn thị Musicam sacram, IV, 48; Sắc lệnh De titulo Basilicae Minoris, II, 8; Thánh Bộ Phụng Tự, notification De Missali romano, Liturgia horarum et calendario, I, 4.

[56] Cf. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông hiến Missale romanum: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nhờ sắp xếp như vậy, linh mục và các tín hữu sẽ chuẩn bị tâm hồn mình cách thánh thiện hơn để tham dự bữa tiệc của Chúa, đồng thời khi suy niệm Thánh Kinh cách sâu rộng hơn, càng ngày họ càng được lời Chúa nuôi dưỡng dồi dào hơn”.

[57] Cf. Pontificale romanum. De institutione lectorum et acolythorum, n. 4, Éd. typique 1972, p. 19-20.

[58] Cf. Institutio generalis missalis romani, n. 319-320: Missale romanum, Éd. cit.. p. 87.

[59] Cf. F J. Dölger, Das Segnen der Sinne mit der Eucharistie. Eine altchristliche Kommunionsitte: Antike und Christentum, t. 3 (1932), p. 231-244; Das Kultvergehen der Donatistin Lucilla von Karthago, Reliquienkuss vor dem Kuss der Eucharistie, Ibid., p. 245-252.

[60] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 12 và 35.

[61] Cf. Ga 1,29; Kh 19,9

[62] Cf. Lc 14,16 s.

[63] Cf. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, n. 7-8: Missale romanum, Éd. cit., p. 29.

[64] 1Cr 11,28

[65] Pontificale romanum. De ordinatione diaconi, presbyteri et episcopi, Éd. typique 1968, p. 93.

[66] Dt 5,1

[67] Cf. Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị Eucharisticum mysterium; Rituale romanum. De sacra communione et de cultu Mysterii eucharistici extra missam, Éd. typique 1973; Thánh Bộ Phụng Tự, Thư luân lưu Eucharistiae participationem gửi các chủ tịch Hội Đồng Giám Mục về Kinh Nguyện Thánh Thể.

[68]   n. 38-63.

[69] AAS 64 (1972), p. 518-525. Cf. aussi la Communicatio publiée l’année suivante (17 octobre 1973), pour une application correcte de cette instruction.

[70] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 12.

[71] Mt 13,52.

[72] Cf. Th. Augustin, In Evangelium Ioannis tract. 26, 13: PL 35, 1612-1613.

[73] Ep 4,30.