Sứ Điệp Ngày Thế Giới Di Dân Và Tị Nạn Của ĐGH Phanxicô – Năm 2017

0
392


SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Ngày 15 Tháng 01 Năm 2017

***

***

 

 

Anh chị em thân mến!

“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải chỉ là tiếp đón Thầy, nhưng còn tiếp đón cả Đấng đã sai Thầy nữa” (Mc 9,37; xc. Mt 18,5; Lc 9,48, Ga 13,20). Với những lời đó, các sách Tin Mừng đã nhắc các cộng đoàn Kitô giáo nhớ tới một giáo huấn của Chúa Giêsu, mà nó rất hấp dẫn cũng như rất có tính thúc bách. Thực ra, giáo huấn đó phác họa nên một con đường mà nó khởi đi từ “những người nhỏ bé nhất”, và chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa trong sự năng động của việc ghi nhận về Đấng Cứu độ. Vì thế, chính sự ghi nhận này là một điều kiện cần thiết để con đường ấy được hiện thực hóa: Thiên Chúa đã trở thành một trong chúng ta, trong Chúa Kitô, Ngài đến với chúng ta với tư cách là một em bé, và việc mở ra đối với Thiên Chúa trong Đức Tin – mà Đức Tin ấy tái nuôi dưỡng niềm hy vọng – sẽ thấy được cách diễn tả của nó trong sự gần gũi đầy Tình Yêu đối với những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Đức Ái, Đức Tin và Niềm Hy Vọng – tất cả ba nhân đức đó đều tham gia vào trong những công việc của Đức Thương Xót mà chúng ta đã tái khám phá ra trong Năm Thánh ngoại thường này.

Nhưng các tác giả Tin Mừng cũng đề cập tới trách nhiệm của người khước từ Lòng Thương Xót: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18,6; xc. Mc 9,42; Lc 17,2). Người ta có thể quên được lời cảnh báo nghiêm khắc đó như thế nào đây khi người ta nghĩ tới sự bóc lột mà nhiều kẻ vô liêm sỉ đang thực hiện trên rất nhiều em bé; những em bé ấy bị đưa vào ngành mại dâm hay bị sử dụng cho các sản phẩm khiêu dân; những em bé ấy bị biến thành nô lệ trong lao động trẻ em và lao động giới trẻ, hay bị tuyển mộ với tư cách là các quân nhân; những em bé ấy bị liên lụy đến việc buôn bán ma túy và bị liên lụy đến những hình thức kỳ thị khác nhau; những em bé ấy đang bị cưỡng bức phải chạy trốn trước các cuộc xung đột và các cuộc bách hại, và đang có nguy cơ phải ở trong tình trạng cô đơn hay bị bỏ rơi?

Vì thế, nhân dịp Ngày Quốc Tế về Người Di Cư và Tị Nạn năm nay, vấn đề nằm sâu trong con tim của tôi là cố gắng làm sao để tạo ra mối quan tâm tới thực tế của các di dân trẻ vị thành niên – đặc biệt là những em đang phải lên đường một cách hoàn toàn cô đơn –, và kêu gọi tất cả mọi người hãy chăm sóc cho các em bé không được bảo vệ ở cả ba chiều kích ấy, vì các em là trẻ vị thành niên, vì các em là ngoại kiều, và vì các em hoàn toàn bất lực và không thể tự bảo vệ được mình, trong khi vì nhiều những lý do khác nhau, các em bị cưỡng bức phải sống xa quê hương của mình, cũng như phải rời xa những người thân trong gia đình mình.

Trong thời đại hôm nay, những di dân không phải là một hiện tượng của một vài vùng miền trên địa cầu này, nhưng họ liên quan tới tất cả mọi châu lục, và càng ngày càng hấp thụ thêm chiều kích của một vấn đề bi kịch mang tính hoàn cầu. Đó không phải chỉ là những con người đang trên đường kiếm tìm một công việc xứng nhân phẩm, hay tìm kiếm những điều kiện sống tốt hơn, nhưng cũng còn là những người nam và những người nữ, những cụ già và những em bé, mà họ đang bị cưỡng bức phải rời bỏ nhà cửa của mình, với niềm hy vọng sẽ cứu được mạng sống của mình cũng như tìm thấy hòa bình và sự an toàn ở bất cứ nơi đâu. Ở điểm đầu tiên, đó là những em bé vị thành niên, các em ấy đang phải trả một giá quá đắt cho sự di cư, mà sự di cư này hầu như bị khơi lên bởi bạo lực, bởi tai ương và bởi những điều kiện về môi trường – đó là những yếu tố mà chính việc toàn cầu hóa cũng đang bổ sung thêm vào cho chúng với những khía cạnh tiêu cực của nó. Việc săn lùng lợi nhuận nhanh chóng và dễ dàng cũng đang kéo theo mình sự phát triển những điều xấu xa quái gở, chẳng hạn như nạn buôn bán trẻ em, nạn bóc lột và nạn lạm dụng trẻ vị thành niên, cũng như sự cướp đi tất cả mọi quyền lợi mà chúng gắn liền với tuổi thiếu niên và được phê chuẩn trong công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em.

Vì sự mỏng manh đặc biệt của mình nên tuổi thiếu niên có những nhu cầu và những quyền lợi không thể thiếu được. Đặc biệt là các em có quyền được hưởng một môi trường lành mạnh và được bảo vệ bởi gia đình, nơi các em có thể lớn lên và phát triển trong sự hướng dẫn và trước gương sáng của một người cha và một người mẹ; sau đó các em có quyền và có bổn phận lãnh nhận một nền giáo dục hợp lý, chủ yếu là trong gia đình và cả trong trường học nữa, nơi các em có thể phát triển với tư cách là những con người, cũng như có thể lớn lên thành những con người có khả năng làm chủ tương lai riêng của mình cũng như làm chủ quốc gia của mình. Thực tế thì tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, việc đọc, việc viết và việc nắm vững những phép tính cơ bản vẫn đang còn là một đặc quyền, đặc ân của một ít em nhỏ. Ngoài ra, tất cả các em nhỏ đều có quyền vui chơi và quyền thực hiện những việc riêng trong thời gian rảnh, tắt một lời: quyền được làm trẻ em.

Trái lại, giữa những di dân, các em nhỏ hình thành nên những nhóm bị tổn thương nhất, vì trong khi các em thực hiện những bước đi đầu tiên của mình trong cuộc sống, thì hầu như các em không được trông thấy và không có tiếng nói: không có sự bảo đảm và những chứng từ, các em bị che giấu trước cặp mắt thế giới; không có những người trưởng thành đồng hành với các em, các em không thể cất lên giọng nói của mình, và không được ai lắng nghe. Bằng cách ấy, những di dân trẻ vị thành niên dễ dàng kết thúc trên cấp độ thấp nhất của sự bần cùng mà con người có thể có. Ờ cấp độ đó, tình trạng phi pháp và bạo lực sẽ thiêu rụi tương lai của tất cả những em bé vô tội trong một ngọn lửa duy nhất, trong khi việc xé rách mạng lưới lạm dụng các trẻ vị thành niên là một điều vô cùng khó khăn.

Người ta nên phản ứng thế nào trước thực tế ấy?

Trước tiên, bằng cách là người ta làm cho mình ý thức rằng, hiện tượng di cư không bị tách rời khỏi lịch sử cứu độ, nhưng đúng hơn, thuộc về lịch sử đó. Một giới luật của Thiên Chúa đã được liên kết với hiện tượng ấy: “Người ngoại kiều, các ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi cũng đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Xh 22,20); “Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Đnl 10,19). Hiện tượng này chính là một dấu chỉ thời đại, một dấu chỉ mà nó nói về công trình quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử và trong xã hội con người, hầu có lợi cho sự cùng tồn tại mang tính phổ quát. Giáo Hội tuyệt đối không đánh giá sai về toàn bộ vấn đề và về những bi kịch và những thảm cảnh thường được gắn chặt với sự di cư, cũng như về một số những khó khăn trong mối liên hệ tới việc đón nhận những con người này một cách đúng phẩm giá. Tuy nhiên, Giáo Hội khích lệ mọi người hãy nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa ngay cả trong hiện tượng này, trong niềm xác tín rằng, đoàn người “thuộc mọi dân tộc, mọi quốc gia và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9) sẽ hiệp nhất lại làm một với nhau trong cộng đoàn Kitô giáo, sẽ không có ai là người xa lạ nữa. Bất cứ người nào cũng tràn đầy giá trị, con người quan trọng hơn đồ vật, và giá trị của bất cứ tổ chức hay cơ quan nào cũng đều sẽ được đo lường với cách thức mà mình đối xử với sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt nhất là khi các tổ chức ấy hiện hữu trong những hoàn cảnh nhạy cảm, chẳng hạn như trong trường hợp của các di dân trẻ vị thành niên.

Ngoài ra, người ta phải dấn thân để bảo vệ, để hội nhập và để tìm ra những giải pháp lâu bền

Trước tiên, vấn đề nằm ở chỗ là thực hiện bất cứ phương thức nào có thể, để bảo đảm rằng, các di dân trẻ vị thành niên được bảo vệ và được bênh vực, vì “những cô bé và những chàng trai trẻ này thường xuyên kết thúc trên những con đường, bỏ mặc chính bản thân mình, và trở thành nạn nhân của những kẻ bóc lột vô liêm sỉ, mà rất thường xuyên, chúng để cho các em trở thành mục tiêu của bạo lực cả về khía cạnh vật lý, lẫn luân lý cũng như tình dục”.[1]

Vả lại, việc xác định một cách chính xác về ranh giới giữa di cư và việc buôn người đôi khi có thể rất khó. Có vô vàn những yếu tố mà chúng góp phần vào việc đặt các di dân, đặc biệt nhất là khi các di dân ấy lại chính là các trẻ vị thành niên, vào trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương: sự nghèo túng và việc thiếu các phương tiện để sống sót – liên kết với những mong chờ phi thực tế mà chúng được tạo ấn tượng bởi các phương tiện truyền thông; sự thiếu hiểu biết luật pháp, văn hóa, và thường thì thiếu hiểu biết cả ngôn ngữ của quốc gia là đích đến nữa. Tất cả những điều đó khiến cho các em bị lệ thuộc cả về thể lý lẫn tâm lý. Nhưng động cơ mạnh mẽ nhất của việc bóc lột và lạm dụng trẻ em lại đến từ nhu cầu. Nếu không có khả năng nào được tìm ra với sự nghiêm khắc và tính hiệu quả cao hơn để chống lại những kẻ hưởng lợi, thì người ta sẽ không thể hạn chế được muôn vàn những hình thức khác nhau của sự nô lệ hóa mà các trẻ vị thành niên đang trở thành những nạn nhân của chúng.

Vì thế, việc những người nhập cư càng ngày càng cộng tác khắng khít hơn nữa với những cộng đồng đã đón nhận họ nhằm đưa đến niềm hạnh phúc cho con cái của họ, là điều rất cần thiết. Với niềm biết ơn to lớn, chúng ta hãy nhìn về những tổ chức và những cơ quan của cả Giáo Hội lẫn dân sự, mà với sự dấn thân mạnh mẽ, các tổ chức ấy đang đặt sẵn thì giờ và phượng tiện của mình ra đó để được sử dụng bất cứ lúc nào cho việc bảo vệ các trẻ vị thành niên trước những hình thức lạm dụng khác nhau. Việc sáng tạo ra những cách thức cộng tác ngày càng hữu hiệu và kiên quyết hơn, mà những hình thức ấy không chỉ hỗ trợ việc trao đổi thông tin, nhưng cũng còn hỗ trợ việc gia tăng những mạng lưới mà chúng có khả năng bảo đảm cho những can thiệp ngay tức khắc và có mật độ cao, là điều rất quan trọng. Ở đây, người ta không nên coi khinh sức mạnh phi thường của các cộng đoàn Giáo Hội, mà sức mạnh ấy biểu lộ một cách đặc biệt khi có sự sự hiếp nhất trong cầu nguyện, và có sự ngự trị của sự đồng tồn tại mang tính huynh đệ.

Ở điểm thứ hai, người ta phải dấn thân để đem đến sự hội nhập cho các em nhỏ cũng như cho những người trẻ trong những hoàn cảnh di cư. Trong tất cả mọi sự, các em lệ thuộc vào xã hội của những người trưởng thành, và sự thiếu thốn các phương tiện tài chánh sẽ thường xuyên trở thành nguyên nhân cho thấy tại sao những chương trình và những chính sách phù hợp nhằm đón nhận, giúp đỡ và hội nhập lại không được đưa vào áp dụng. Thay vì thúc đẩy sự hội nhập có tính xã hội của các di dân trẻ vị thành niên, hay những kế hoạch nhằm khuyến khích các em hồi hương một cách an toàn và có quản lý, người ta lại chỉ cố gắng ngăn cản sự nhập cảnh của các em, và như thế, người ta đang góp phần vào việc đẩy các em tới gần hơn với các mạng lưới tội phạm. Hay các em bị gửi trả lại quốc xa xuất xứ của mình mà không hề nhận được sự giải thích để biết xem liệu như thế có phải là điều thực sự “hữu ích hơn” cho mình hay không.

Tình trạng của các di dân trẻ vị thành niên còn nghiêm trọng hơn khi các em rơi vào một hoàn cảnh thất thường, hay khi các em bị tuyển mộ bởi những tổ chức tội phạm. Và rồi sẽ không tránh khỏi chuyện các em sẽ kết thúc trong các trại cải tạo. Không hiếm khi các em bị bắt giữ, và vì các em không có tiền để thanh toán cho sự bảo lãnh hay cho chuyến hồi hương, nên các em sẽ có thể bị nhốt trong tù với một thời gian dài, và ở đó, các em sẽ bị liên lụy đến rất nhiều những hình thức khác nhau của sự lạm dụng và bạo lực. Trong những trường hợp như thế, quyền hạn của nhà nước trong việc kiểm soát dòng người di cư cũng như trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, sẽ phải được liên kết với bổn phận tìm ra những giải pháp cho những di dân trẻ vị thành niên, cũng như có bổn phận phải chứng thực cho hoàn cảnh của các em. Ở đây, các chính phủ phải tôn trọng phẩm giá của các em cũng như phải cố gắng đáp ứng những nhu cầu của các em khi các em phải cô đơn một mình; nhưng để có được niềm hạnh phúc cho toàn gia đình thì ngay cả những nhu cầu của cha mẹ các em cũng phải được lưu ý tới.

Tuy nhiên, điều căn bản là phải làm sao cho những phương thức thích hợp với từng quốc gia, cũng như cho những kế hoạch nhằm đưa đến một sự cộng tác có tính xác định giữa những quốc gia xuất xứ và những quốc gia đón nhận được đem ra áp dụng với mục đích nhằm xóa bỏ những nguyên nhân dẫn tới việc cưỡng bức các trẻ vị thành niên phải di cư.

Ở điểm thứ ba, với trọn tấm lòng, tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy kiếm tìm những giải pháp lâu bền, và hãy biến những giải pháp ấy thành những hành động cụ thể. Vì đây là một hiện tượng phức tạp, nên vấn nạn về việc các di dân trẻ vị thành niên cần phải được đi tới tận gốc rễ của nó. Những cuộc chiến tranh, những xúc phạm tới nhân quyền, tham nhũng, nghèo túng, cũng như sự mất cân bằng trong thiên nhiên và những thảm họa về môi trường đều là những nguyên nhân dẫn tới vấn đề này. Các em nhỏ chính là những người đầu tiên phải gánh chịu và phải đau khổ vì những điều đó; đôi khi các em còn phải gánh chịu rất nhiều những hình thực tra tấn và bạo lực cả về thể lý nữa, mà những hình thức tra tấn và bạo lực đó luôn xuất hiện kèm theo với những hình thức tra tấn và bạo lực về luân lý và tâm lý, và để lại trong các em những dấu vết mà chúng hầu như không thể được xóa bỏ hay không thể quên đi được một cách vĩnh viễn.

Vì thế, việc đối diện với những nguyên nhân mà chúng khơi lên những cuộc di dân tại những quốc gia xuất xứ, là điều vô cùng cần thiết. Với tích cách là bước thứ nhất, điều đó đòi hỏi sự dấn thân của toàn bộ cộng đồng quốc tế để khử trừ tận căn tất cả mọi cuộc xung đột và những hành vi bạo lực mà chúng cưỡng bức người ta phải trốn chạy. Ngoài ra, cũng cần phải có tầm nhìn xa, mà tầm nhìn ấy có khả năng đưa ra những kế hoạch và những chương trình thích hợp đối với những khu vực đang bị liên lụy tới bởi những bất công nặng nề và bởi sự bất ổn, để việc tiếp cận với sự phát triển được bảo đảm đối với tất cả, mà sự phát triển đó thúc đẩy niềm hạnh phúc của các em nhỏ; vâng, các em chính là niềm hy vọng của nhân loại.

Để kết thúc, tôi muốn dành một lời cho anh chị em – hỡi những người đang đi về một phía với các em nhỏ và những người trẻ trên con đường di cư: các em ấy đang cần tới sự giúp đỡ quý báu của anh chị em, và ngay cả Giáo Hội cũng đang cần tới anh chị em, cũng như đang hỗ trợ anh chị em trong sự phục vụ quảng đại mà anh chị em đang thực hiện. Xin anh chị em đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc can đảm làm chứng cho Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình; Tin Mừng mời gọi anh chị em hãy nhận ra Chúa Giêsu, và đón nhận Ngài, Đấng hiện diện trong những người nhỏ bé và những người dễ bị tổn thương nhất.

Tôi xin trao phó tất cả các di dân trẻ vị thành niên, các gia đình và các cộng đoàn của các em, cùng anh chị em – những người đang gần gũi với những em di cư đó –, cho sự bảo vệ của Thánh Gia Nazareth, để Thánh Gia chăm sóc và bảo vệ từng người một, cũng như đồng hành với tất cả trên con đường của mình. Và tôi xin liên kết Phép Lành Tông Tòa với lời cầu nguyện của tôi.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 08 tháng 09 năm 2016.

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

– Lm. Đaminh Thiệu O.Cist chuyển ngữ

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn, Năm 2008.