Sứ Điệp Ngày Thế Giới Di Dân Và Tị Nạn Của ĐGH Phanxicô – Năm 2015

0
903


SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN THỨ 100

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Ngày 18 Tháng 01 Năm 2015

***

***

“Giáo Hội không biên giới, Giáo Hội là mẹ của mọi người”

 

 

Anh chị em thân mến,

Đức Giêsu “là người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo và là hiện thân của Tin Mừng”.[1] Trước lòng ân cần Người dành đặc biệt cho người dễ bị tổn thương nhất và người bị gạt ra ngoài lề xã hội hơn cả, chúng ta được mời gọi phải chăm sóc cho những người yếu ớt hơn mình và nhận ra diện mạo đau khổ của Người, nhất là nơi những nạn nhân của các hình thức nghèo khổ và nô lệ mới. Chúa nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,35-36). Vì vậy, Giáo Hội lữ hành trên trần gian và là Mẹ của mọi người có sứ mạng phải yêu mến Chúa Giêsu Kitô, tôn thờ và yêu mến Người đặc biệt nơi những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi hơn hết; chắc chắn trong số những người này có những người di dân và tị nạn, họ đang tìm cách quay lưng lại với những điều kiện sống khắc nghiệt và nguy hiểm tứ bề. Do đó, năm nay Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn có chủ đề: Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người.

Quả thật, Giáo Hội giang tay chào đón mọi dân tộc, không phân biệt một ai và vượt qua mọi biên giới, để loan báo cho mọi người biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Sau khi chịu chết và sống lại, Đức Giêsu trao lại cho các môn đệ sứ vụ làm chứng và loan báo Tin Mừng nhằm thông truyền niềm vui và lòng thương xót. Ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ ra khỏi Nhà Tiệc ly, lòng đầy can đảm và hân hoan; sức mạnh của Thánh Thần đã thắng mọi hồ nghi và khiến cho ai nấy đều hiểu được trong tiếng của mình những gì các môn đệ loan báo; như thế, ngay từ đầu, Giáo Hội là một người mẹ với tấm lòng mở ra cho cả thế giới, vượt qua mọi biên giới. Từ đó đến nay, nhiệm vụ này đã trải qua hai ngàn năm lịch sử, nhưng ngay từ những thế kỷ đầu tiên, việc loan báo truyền giáo đã cho thấy rõ tính cách hiền mẫu của Giáo Hội đối với toàn thể nhân loại, sau đó, các Giáo phụ cũng đã khai triển và Công Đồng Vatican II cũng đã nhắc lại vai trò này của Giáo Hội. Các nghị phụ đã nói đến “Ecclesia mater” (Giáo Hội là Mẹ) để giải thích bản chất của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội sinh ra những người con, cả nam lẫn nữ, mà Giáo Hội ôm vào lòng và “yêu thương săn sóc họ”.[2]

Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người, truyền bá trên thế giới văn hóa đón tiếp và liên đới, văn hóa này chủ trương không được xem ai là người vô ích, vướng víu, và không được loại trừ ai. Quả thật, khi sống vai trò làm mẹ, cộng đoàn Kitô hữu nuôi dưỡng, định hướng và chỉ đường, kiên nhẫn đồng hành và tìm cách trở nên gần gũi trong cầu nguyện và các công việc thể hiện lòng thương xót.

Ngày nay, tất cả những điều này có một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, trong thời đại có những cuộc di dân trên diện rộng, một số đông người rời bỏ quê nhà lòng tràn trề hy vọng, họ chấp nhận nguy hiểm để lên đường, với uớc muốn và sợ hãi làm hành trang, họ chỉ mong sao tìm được những điều kiện sống nhân đạo hơn. Tuy nhiên, những trào lưu di cư này thường hay gây ra ngờ vực và chống đối, ngay cả nơi các cộng đoàn của Giáo Hội, và ngay cả khi người ta cũng chưa biết những người trong cuộc đã phải sống, bị bách hại và chịu khốn khổ như thế nào. Trong trường hợp này, nghi ngờ và thành kiến đi ngược lại với điều răn trong Kinh Thánh dạy chúng ta đón tiếp khách lạ đang túng quẫn với lòng tôn trọng và trong tình liên đới.

Một mặt, trong thánh điện của tâm thức vang lên lời kêu gọi phải sờ tay đến sự khốn cùng của nhân loại và thi hành mệnh lệnh yêu thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta khi Người đồng hóa mình với khách lạ, với người đau khổ, với tất cả các nạn nhân bị bạo hành và bóc lột. Tuy nhiên, mặt khác, vì bản chất chúng ta là yếu đuối, “chúng ta cảm thấy bị cám dỗ là những Kitô hữu trong khi vẫn giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa”.[3]

Khoảng cách chúng ta giữ đối với những thảm cảnh của nhân loại sẽ rút ngắn lại nếu chúng ta có một đức tin, đức cậy, đức mến can trường. Chúa Giêsu Kitô luôn chờ đợi chúng ta nhận ra Người nơi những người di dân và tị nạn, những người phải di rời và lưu vong, và bằng cách đó, Người cũng kêu gọi chúng ta phải chia sẻ nguồn lực mình đang có, và đôi khi phải từ bỏ phần nào sự tiện nghi và sung túc mình đang hưởng. Trước đây, Đức Thánh Cha Phaolô VI vẫn nhắc nhở chúng ta điều đó, ngài nói: “những người được ưu đãi hơn cả phải từ bỏ một số quyền lợi của mình, để thanh thản hơn mà đem của cải ra phục vụ người khác”.[4]

Vả lại, do các xã hội thời nay mang tính đa văn hóa, nên Giáo Hội phải cảm thấy mình cần dấn thân hơn nữa để xây dựng tình liên đới, sự hiệp thông và loan báo Tin Mừng. Quả thật, các trào lưu di cư buộc chúng ta phải đào sâu và tăng cường những giá trị cần thiết để đảm bảo sao cho các cá nhân và các văn hóa sống chung với nhau cách hài hòa. Để đạt được yêu cầu này, sự dung nhận thôi chưa đủ, mặc dù hành động này mở đường cho việc tôn trọng sự khác biệt và đưa đến việc chia sẻ giữa những con người có nguồn gốc và văn hóa khác nhau. Còn phải lồng vào đây lời của Giáo Hội kêu gọi chúng ta vượt qua biên giới và tạo điều kiện nhằm “chuyển từ một thái độ tự vệ và sợ hãi, thờ ơ hoặc gạt qua bên lề… sang một thái độ lấy ‘văn hóa gặp gỡ’ làm nền tảng, vì chỉ có văn hóa này mới có thể xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn”.[5]

Tuy nhiên các trào lưu di cư đã đạt đến những chiều kích quá lớn đến nỗi chỉ khi nào các Quốc gia và các Tổ chức Quốc tế cộng tác với nhau một cách có hệ thống và tích cực, mới điều tiết được cách hữu hiệu và quản lý được các trào lưu này. Quả thật, vấn đề di dân phải làm cho mọi người quan tâm, không phải chỉ vì hiện tượng này đạt đến tầm cỡ rộng lớn, nhưng còn là vì “nó nêu lên nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo và vì nó đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và cho cộng động quốc tế những thách đố đầy kịch tính”.[6]

Trên bình diện quốc tế, vẫn thường diễn ra những cuộc bàn thảo về cơ hội, phương pháp và qui định để đối phó với hiện tượng di dân. Có những cơ quan và định chế, ở cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương, đang làm việc cật lực để giúp những người mong tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn qua việc di cư. Mặc dù những nỗ lực của họ thật quảng đại và đáng ca ngợi, nhưng cần phải có một hành động cương quyết và hữu hiệu hơn, nhờ vào sự cộng tác của mạng lưới thế giới, nhằm bảo vệ phẩm giá của mỗi người và tôn trọng con người như là mối quan tâm hàng đầu. Bằng cách này, sự đấu tranh chống lại nạn buôn người ô nhục và gây nhiều tội ác, chống lại sự xâm phạm các quyền cơ bản, chống lại mọi hình thức bạo lực, áp bức và nô lệ, sẽ trở nên khốc liệt hơn. Tuy nhiên, làm việc chung với nhau đòi hỏi sự tương trợ và đồng bộ, cùng với sự cởi mở và tin tưởng nhau, vì “không một đất nước nào có thể một mình đương đầu với những khó khăn liên quan đến hiện tượng này, vì nó quá rộng lớn đến nỗi kể từ nay nó kéo theo tất cả các châu lục vào trong một trào lưu kép nhập cư và di cư”.[7]

Trước sự toàn cầu hóa của hiện tượng di dân, phải đáp lại bằng sự toàn cầu hóa của đức ái và hợp tác, hầu làm cho các điều kiện của những người di dân được nhân đạo hơn. Đồng thời, phải tăng cường nỗ lực để tạo những điều kiện có thể bảo đảm làm giảm dần những nguyên nhân thúc đẩy dân của cả một nước rời bỏ quê nhà, vì lý do chiến tranh và đói kém, thường nguyên nhân này lại gây ra nguyên nhân kia.

Thêm vào tình liên đới đối với người di dân và tị nạn, phải có lòng can đảm và óc sáng tạo, rất cần thiết để phát triển ở quy mô quốc tế một trật tự kinh tế tài chánh công minh chính trực hơn, kết hợp với sự gia tăng dấn thân vì hòa bình, là điều kiện tối cần của mọi bước tiến triển đích thực.

Các bạn di dân và tị nạn thân mến!

Các bạn có một chỗ đặc biệt trong con tim của Giáo Hội, và các bạn giúp Giáo Hội mở rộng các chiều kích của lòng mình để biểu lộ tình hiền mẫu cho toàn thể gia đình nhân loại. Xin các bạn đừng đánh mất niềm tin và hy vọng của mình! Chúng ta hãy nhớ đến Thánh Gia phải lưu vong sang Ai Cập: trong trái tim từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và trái tim ân cần của Thánh Giuse luôn ấp ủ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi các ngài; nguyện xin cho niềm tin tưởng ấy cũng không thiếu nơi các bạn.

Tôi xin trao phó các bạn vào bàn tay che chở của các ngài, và trong tình thương mến, tôi xin ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả các bạn.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 03 tháng 09 năm 2014,

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia và Pháp.

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 209.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 14.

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 270.

[4] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens (Bát Thập Niên), Ngày 14-05-1971, số 23.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn, năm 2014.

[6] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý), Ngày 29-06-2009, số 62.

[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn, năm 2014.