SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN THỨ 98
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Ngày 15 Tháng 01 Năm 2012
***
***
“Di dân và Tân Phúc Âm hóa”
Anh chị em thân mến,
Rao giảng Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của thế giới “chính là sứ mệnh thiết yếu của Hội Thánh. Đó là trách vụ và sứ mệnh mà trong xã hội hôm nay, khi mà các đổi thay đang diễn ra cách sâu đậm và nhanh chóng, thì lại càng thúc bách hơn khi nào hết”.[1] Thật thế, ngày nay chúng ta càng cảm thấy nhu cầu cấp bách phải tạo một sức bật mới, một phong cách mới để tiếp cận việc rao giảng Tin Mừng trong một thế giới mà các biên giới đang dần bị xoá bỏ, và tiến trình toàn cầu hóa đang làm cho các cá nhân và dân tộc ngày càng gần gũi nhau hơn. Điều này có được là do các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, đồng thời với việc ngày nay các cá nhân cũng như đoàn thể có thể đi lại dễ dàng và thường xuyên hơn. Trong hoàn cảnh mới đó chúng ta cần làm sống lại nơi mình bầu nhiệt huyết và lòng dũng cảm đã từng thôi thúc các cộng đoàn tín hữu tiên khởi mạnh dạn loan báo tính mới mẻ của Tin Mừng, và làm vang lên trong tim chúng ta những lời sau đây của Thánh Phaolô: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
“Di dân và Tân Phúc Âm hóa” là đề tài mà tôi đã chọn cho ngày Thế giới Di dân và Di cư năm nay, phát xuất từ các tình thế nêu trên. Thực vậy, thời đại hiện nay đang kêu gọi Giáo Hội phải bước lên con tầu Tân Phúc Âm hóa giữa một đại dương mênh mông đầy sóng gió của một nhân loại chuyển động. Điều này đòi Hội Thánh phải gia tăng các hoạt động truyền giáo không những tại các nơi lần đầu tiên Phúc Âm được rao giảng, mà cả ở các quốc gia đã có truyền thống Kitô giáo lâu đời.
Chân phước Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta “hãy dùng Lời mà nuôi dưỡng mình để trở nên tôi tớ của Lời trong công tác rao giảng Tin Mừng… trong một tình thế ngày càng phân hóa và đòi hỏi hơn… lồng trong bối cảnh toàn cầu hóa với hệ quả là các dân tộc và văn hóa hoà trộn với nhau, một điều vừa mới mẻ lại vừa bấp bênh”.[2] Thực tế cho thấy, sự kiện di dân quốc nội cũng như quốc tế, hoặc nhằm mở ra một hướng cải thiện điều kiện sống được tốt đẹp hơn, hoặc vì trốn chạy khỏi bắt bớ, chiến tranh, bạo hành, đói khổ hoặc thiên tai… đều đưa tới hiện tượng chưa từng thấy trước đây là các cá nhân cũng như dân tộc hoà trộn với nhau. Điều này gây ra biết bao vấn đề, không những về mặt nhân bản, mà còn cả về đạo đức, tôn giáo và thiêng liêng nữa. Đó chính là hậu quả rõ ràng hiện nay của thuyết tục hóa, của việc xuất hiện các phong trào giáo phái mới, của tính vô cảm tràn lan trước niềm tin Kitô hữu và các khuynh hướng phân hóa. Chúng tạo thành một hàng rào ngăn cản con người tập trung vào một tiêu điểm hội tụ, điểm cổ súy cho việc hình thành “một gia đình anh chị em đầm ấm trong một xã hội ngày càng trở nên đa sắc tộc và đa văn hóa. Chính trong xã hội này mà nhiều người thuộc các tôn giáo thấy cần phải có cuộc đối thoại hầu có thể thanh thản chung sống trong khi vẫn tôn trọng các khác biệt vốn có”, điều tôi đã từng viết trong Sứ điệp Ngày Thế giới này năm ngoái. Thời đại chúng ta hằn sâu quyết tâm xoá bỏ Thiên Chúa và các giáo huấn của Hội Thánh khỏi chân trời sự sống, để rồi len vào đó nào ngờ vực, nào hoài nghi và vô cảm, nhằm loại khỏi xã hội bất cứ biểu hiệu nào của niềm tin Kitô giáo.
Trong bối cảnh này, người di dân nào đã từng biết và đón nhận Đức Kitô cũng thường bị ép phải coi Người không còn quan trọng trong đời sống mình, dần dần mất mọi nhận thức đức tin, tới độ không còn coi mình là phần tử của Hội Thánh nữa. Họ thường chấp nhận một lối sống không còn in đậm dấu ấn Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Dầu đã được lớn lên giữa những con người in đậm dấu ấn niềm tin Kitô giáo, họ thường phải di dân tới các quốc gia ở đó Kitô hữu chỉ là thiểu số, hoặc ở đó truyền thống đức tin cổ xưa không còn là xác tín cá nhân hay tôn giáo của cộng đồng, mà chỉ đơn thuần là một sự kiện văn hóa. Về điểm này, Giáo Hội đối mặt với thách đố làm sao giúp được các di dân giữ vững đức tin, cả khi không còn được nền văn hóa địa phương gốc nâng đỡ. Giáo Hội cần tìm ra cách tiếp cận mục vụ, cũng như các phương thế và diễn đạt mới để có thể thâm nhập Lời Chúa cách sinh động hơn. Trong nhiều trường hợp đây chính là dịp may để tuyên xưng rằng chỉ trong Đức Kitô Giêsu nhân loại mới có thể tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa và sức sống tình yêu Ngài; đồng thời cũng mở ra cho nhân loại chân trời hy vọng và hòa bình, qua chân thành đối thoại và chứng từ liên đới cụ thể. Trường hợp khác nữa, di dân có thể thức tỉnh lương tâm say ngủ của nhiều Kitô hữu để canh tân việc loan báo Tin Mừng và sửa đổi nếp sống Kitô hữu cho kiên định hơn, hầu làm cho con người tái khám phá nét đẹp của việc gặp gỡ Đức Kitô, Đấng kêu gọi các Kitô hữu sống thánh thiện tại bất cứ nơi đâu họ sinh sống, kể cả ở hải ngoại.
Hiện tượng di dân hiện nay cũng là một dịp may Chúa gởi đến để rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Biết bao người nam nữ từ nhiều miền khác nhau trên mặt đất chưa hề được gặp Đức Kitô Giêsu, hay chỉ biết Ngài cách hời hợt, đang mong được các quốc gia đã có truyền thống Kitô giáo lâu đời tiếp nhận. Điều cần làm là tìm ra phương thế thích hợp để họ gặp được Đức Kitô và cảm nhận được hồng ân vô giá của ơn cứu độ; vì đối với mọi người đó chính là nguồn “sống dồi dào” (Ga 10,10). Chính di dân đóng vai trò đặc biệt trong công tác này, vì họ góp phần trở nên “các sứ giả của Lời Chúa và chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh, niềm hy vọng của thế giới”.[3]
Những người làm công tác mục vụ – linh mục, tu sĩ và giáo dân – đóng vai trò thiết yếu trong tiến trình khó khăn của Tân Phúc Âm hóa trong bối cảnh di dân. Họ phải làm việc trong một tình thế ngày càng đa diện hơn, vì thế càng cần cần hiệp thông với các đấng bản quyền, và tuân theo Huấn quyền của Giáo Hội. Tôi kêu gọi họ hãy tìm ra phương thế chia sẻ huynh đệ và loan báo Tin Mừng với lòng kính trọng; hãy tránh xa mọi hình thức đối kháng và dân tộc chủ nghĩa. Về phần mình, các Giáo Hội xuất phát, quá cảnh hay tiếp nhận dòng chảy di dân cũng phải tìm ra phương thế gia tăng cộng tác với nhau, vì lợi ích của cả kẻ đến lẫn người đi, sao cho những ai đang trong tình trạng lữ hành tìm và gặp được gương mặt từ ái của Đức Kitô qua các hành động tiếp đón tha nhân. Để việc phục vụ hiệp thông đạt được hiệu quả mục vụ, có thể cần phải cải tổ các cơ cấu chăm sóc các di dân và di cư truyền thống, bằng cách thiết lập các mô hình đáp ứng tốt hơn tình trạng mới trong đó các dân tộc và văn hóa khác nhau không ngừng tương thích.
Những người xin tị nạn, vì trốn lánh bách hại, bạo hành và các tình thế đe doạ tới mạng sống, đang rất cần chúng ta thông cảm và tiếp nhận, tôn trọng nhân phẩm và quyền sống; đồng thời họ cũng cần ý thức bổn phận của chính họ. Nỗi thống khổ của họ là lời van xin gởi tới từng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế hãy có thái độ chấp nhận lẫn nhau, vượt thắng sợ hãi và tránh mọi hình thức kỳ thị. Hãy biết ban phát cho họ một tình liên đới chân thành, qua việc thiết lập các chương trình tiếp nhận và tái định cư. Điều này đòi phải có sự nâng đỡ hỗ tương giữa các vùng khốn khổ và vùng từ lâu nay vẫn thường tiếp nhận một lượng lớn các người tị nạn. Tóm lại, các quốc gia cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm hơn nữa.
Riêng báo chí và các phương tiện truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong việc thông tin chính xác, khách quan và trung thực về tình trạng của những người buộc phải rời bỏ quê hương và người thân để bắt đầu tạo lập cuộc sống mới.
Các cộng đoàn Kitô hữu cần quan tâm đặc biệt tới các công nhân di dân và gia đình họ. Cần đồng hành với họ bằng kinh nguyện, tình liên đới và đức ái Kitô. Hãy nỗ lực làm phong phú lẫn nhau, qua việc thúc đẩy các kế hoạch chính trị, kinh tế và xã hội tôn trọng nhân phẩm của từng người, bảo vệ gia đình, tạo cho họ có nơi ở xứng hợp, công việc và an sinh.
Các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, nhất là các bạn trẻ cần phải nhạy bén trong việc nâng đỡ các anh chị em của họ đang phải trốn chạy bạo hành, phải đối mặt với lối sống hội nhập mới đầy khó khăn. Loan báo Tin Mừng cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô sẽ mang lại cho họ nguồn an ủi, hy vọng và “niềm vui trọn vẹn” (x. Ga 15,11).
Sau hết, tôi muốn đề cập tới hoàn cảnh của biết bao sinh viên quốc tế đang phải đối mặt với vấn đề hội nhập, thủ tục giấy tờ nhiêu khê, vất vả kiếm tìm nhà trọ và cơ quan tiếp nhận. Các cộng đoàn Kitô hữu phải đặc biệt bén nhạy đối với các bạn trẻ này. Chính vì còn trẻ nên ngoài việc tăng trưởng văn hóa, các bạn còn cần tới các điểm quy chiếu, vì cõi lòng các bạn luôn cháy bỏng khao khát chân lý và gặp gỡ Thiên Chúa. Các đại học Công Giáo cần đặc biệt hướng tới mục tiêu trở thành nơi chứng tá và quảng bá Tân Phúc Âm hóa, nghiêm túc đóng góp vào các tiến bộ xã hội, văn hóa và nhân văn trong môi trường học tập. Đó cũng phải là nơi cổ xuý các cuộc đối thoại liên văn hóa, và khích lệ các sinh viên quốc tế đóng góp trong khả năng. Nếu các sinh viên này gặp được các chứng nhân Tin Mừng chân chính và các mẫu gương đời sống Kitô hữu, họ sẽ được khích lệ để chính mình trở thành các tác nhân của Tân Phúc Âm hóa.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Maria, “Người Nữ Lữ Hành”, để việc hân hoan loan báo ơn cứu rỗi trong Đức Giêsu Kitô mang lại niềm hy vọng tâm hồn cho những ai đang xuôi ngược trên các nẻo đường thế giới.
Tôi cầu nguyện và ban Phép Lành Tòa Thánh cho từng người và tất cả mọi người.
Ban hành tại điện Vatican, ngày 21 tháng Chín năm 2011
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.
[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng), Ngày 08-12-1975, số 14.
[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (Khởi đầu Thiên Niên Kỷ mới), Ngày 06-01-2001, số 40.
[3] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa), Ngày 30-11-2010, số 105.