Khủng Hoảng Môi Trường: Triệu Chứng – Nguyên Nhân – Chữa Lành

0
1447


Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS.

 

Môi trường sống của con người và của các sinh vật trên trái đất đang bị suy thoái, bị khủng hoảng. Đó là một thực trạng không thể chối cãi hay tránh né. Điều này khiến chúng ta không khỏi thắc mắc và tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng môi trường, và chúng ta cần phải làm gì để “chữa lành”, chăm sóc môi trường/trái đất của chúng ta.

I. Hiện tượng khủng hoảng môi trường

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những biểu hiện của khủng hoảng môi trường:[1]

Trước hết, trên đất liền, ở các đô thị và khu công nghiệp, đất đai và không khí đang bị ô nhiễm bởi sản xuất, bởi khí thải của xăng dầu trong kỹ nghệ, khí thải từ tủ lạnh/máy điều hòa, khói xe/tàu lưu thông và bởi những rác thải có độc tố. Đất trồng trọt bị sói mòn và trở nên hoang tàn do cây cối lớn bị chặt và những thảm cỏ, bụi rậm bị mất đi, khiến cho tầng đất mặt mầu mỡ bị mưa gió cuốn trôi.

Rừng bị tàn phá để khai thác mỏ, để xây dựng đường xá/thủy điện, để chăn nuôi/trồng cỏ, để cung cấp gỗ chủ yếu cho những nhu cầu xa xỉ phẩm của những nước giàu… Rừng bị tàn phá như thế đã dẫn đến tình trạng vô gia cư của những người dân bản xứ sống trong rừng, và khiến cho nhiều loại thú, chim chóc, cây trồng không còn đất sống, dần bị tuyệt chủng, cũng như lượng khí cac-bon thải ra môi trường không được hấp thụ vì thiếu cây xanh, và do đó làm thay đổi khí hậu nhanh chóng, nhiệt độ nước sông/biển tăng lên, làm tan băng tuyết, nước biển dâng lên, tiến trình sa mạc hóa diễn ra nhanh,…và làm tăng nhanh hiệu ứng nhà kính.

Hơn nữa, ở sông ngòi, đại dương, những nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng và ngày càng tăng do bởi những chất độc/rác… thải ra từ kỹ nghệ, từ khu dân cư, đô thị, và bởi thuốc trừ sâu, phân bón, phân chuồng được dùng trong nông nghiệp, trồng trọt,… khiến cho các nguồn thủy sản bị hủy diệt, cạn kiệt, và sự sống của con người, muông thú,… cũng bị đe dọa.

II. Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng môi trường

Từ những biểu hiện của khủng hoảng môi trường, chúng ta nhận ra những yếu tố gần-xa đã và đang tác động đến môi trường/trái đất của chúng ta. Những yếu tố tác động đó phần lớn và chính yếu thuộc về con người với những cơ cấu xã hội, thể chế chính trị, và cấu trúc phát triển kinh tế khác nhau trên thế giới.

Có người cho rằng gốc rễ của mọi vấn đề môi trường là sự bùng nổ dân số. Theo họ, Dân số quá đông không những đòi hỏi cần nhiều lương thực mà cũng tiêu thụ nguồn năng lượng, tài nguyên, khí thải do con người thải ra hàng ngày làm ô nhiễm bầu khí quyển, nước thải, rác công nghiệp cũng tăng không ngừng theo tốc độ tăng dân số. Ngoài ra, các vấn đề giao thông chen chúc, nên thiếu nhà ở,… đều gắn với dân số. Tất cả những vấn đề đó đều trở thành sức ép rất lớn đối với môi trường.[2]

Thế nhưng, nhìn ở mức độ sâu xa hơn, chúng ta nhận ra rằng những biểu hiện của khủng hoảng môi trường với những yếu tố tác động kể trên chỉ là “những triệu chứng” của một “căn bệnh nan y” đang xảy ra đối với môi trường/trái đất này. Chính khủng hoảng niềm tin – biểu hiện qua thái độ dửng dưng, lãnh đạm của nhiều người đối với những nhu cầu thiêng liêng, nhu cầu luân lý và tôn giáo của họ, tức dửng dưng với những giá trị vượt trên vật chất, để rồi chạy theo một lối sống hưởng thụ của cải vật chất và khoái lạc – “nguyên nhân sâu xa” của khủng hoảng môi trường.[3]

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Khi con người quay lưng lại với những kế hoạch của Đấng Tạo Hóa, con người gây ra một sự rối loạn, và sự rối loạn này dẫn đến những hậu quả nơi nhân loại”.[4]

Thái độ dửng dưng với những nhu cầu thiêng liêng như thế đã dẫn họ đến tình trạng mất đi cảm thức mình là một thành phần của thế giới, của cộng đoàn trái đất này, bởi vì con người, trước hết, đã đi lệch hướng khỏi nền tảng nguyên thủy là Đấng Tạo Hóa; từ đó dẫn đến mất đi sự tôn trọng “cái khác/người khác” (Otherness).[5] Các Giám mục Ý đã nhận ra tình trạng dửng dưng, lãnh đạm này và đã nhấn mạnh: “Khủng hoảng không chỉ tỏ lộ trên việc sử dụng những nguồn tài nguyên của trái đất nhưng còn là một cuộc khủng hoảng những giá trị thiêng liêng. Văn hóa của chúng ta đã quá thiên về vật chất và đã dửng dưng, bỏ quên chiều kích thiêng liêng của đời sống”.[6]

Không cần phải nói, cuộc khủng hoảng những giá trị thiêng liêng này vốn tỏ lộ qua thái độ tham lam muôn mặt trong việc phát triển kinh tế: “Dường như việc phát triển kinh tế là yếu tố gây ra khủng hoảng môi trường: để hướng tới một đời sống tốt hơn, con người đã phát triển những khu vực thành thị và nông thôn cũng như phát triển sản xuất… Trong một lần nói chuyện, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt vấn đề phải chăng quan niệm phát triển kinh tế duy lợi nhuận nên tiếp tục duy trì để rồi nó phá vỡ đời sống?”.[7] Điều này được bộc lộ rõ nét nhất, đặc biệt ở những quốc gia kỹ nghệ hóa. Vì sự đầy tràn và dư thừa đi theo việc phát triển, văn hóa của họ đã trở nên duy vật chất và chủ nghĩa khoái lạc,[8] và do đó, sự nghèo khó tinh thần không còn được đánh giá cao.[9] Họ dành cho những vật thụ tạo một vị trí quan trọng tuyệt đối và tương đối hóa Thiên Chúa. “Họ hy sinh sự phong phú và vẻ đẹp của trái đất để tạo ra của cải và hàng hóa trong những nhà máy của họ, nhằm để thỏa mãn sự thèm khát chiếm hữu và thống trị của họ. Thái độ này cho thấy sự trống rỗng thiêng liêng, lòng kiêu ngạo và hão huyền/ phù phiếm của họ”.[10] Cuối cùng, nguồn tài nguyên của trái đất bị cạn kiệt dần và bị đối xử tồi tệ như những phương tiện để con người khoe khoang tự đắc, chứng tỏ quyền lực của mình. Và Kết quả? Khủng hoảng môi trường xảy ra dưới mọi hình thức: trái đất bị cưỡng bức, bị ô nhiễm, bị khai thác triệt để,… và có nguy cơ bị hủy diệt.[11]

III. “Chữa lành” trái đất/môi trường: một hành động khẩn cấp

Trước vấn đề khủng hoảng môi trường, nhiều tổ chức hợp tác quốc tế đã có những quan tâm nhằm tìm ra những giải pháp tích cực cho vấn đề khủng hoảng môi trường. Cụ thể, nhiều âm vang báo động của xã hội hoặc của tôn giáo/Giáo Hội Công Giáo đã vang lên nhằm phản đối, than phiền, hay xin trợ giúp,… và từ đó xã hội và Giáo Hội đã quan tâm, có những giải pháp, hành động cụ thể cho những vấn đề môi trường.

1. Quan tâm của xã hội

Năm 1962, một trong những tiếng nói đầu tiên ở ngoài Giáo Hội Công Giáo vang lên là cuốn sách “The silent spring”, của tác giả Rachel Carson, nhằm phản đối, cảnh tỉnh người Mỹ về những nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.[12]

Năm 1970, Wendell Berry và những đồng nghiệp đã gây ảnh hưởng quan trọng trong công chúng giúp nhiều người ý thức hơn về vấn đề khủng hoảng môi trường.[13]

Từ thập niên 1970, cũng đã có những tiếng vang phản đối hoặc những lời kêu cứu từ những phong trào phụ nữ-môi sinh (Eco-Feminist movements).[14]

Cuối thập niên 1980, công dân của nhiều nước trên thế giới đã nhận ra những “vấn đề của môi trường/trái đất” do lối sống và cách đối xử “bệnh hoạn” của con người đối với thiên nhiên gây ra. Họ than phiền về sự ô nhiễm nước/không khí, sự phá hủy rừng, sự thay đổi thời tiết, lũ lụt, hiệu ứng nhà kính, tầng ozon bị hủy hoại, sự tuyệt chủng của nhiều loại.[15] Bên cạnh đó, đã có những nhóm được hình thành hoạt động cho môi trường, như nhóm “phong trào Hòa Bình Xanh” (Green-Peace movement), “Bạn của Trái đất” (Friends of the Earth),…

Đặc biệt từ 1972 cho đến nay, cứ mỗi 10 năm một lần, “Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Trái Đất” (Earth Summit) được tổ chức để các nhà lãnh đạo trên thế giới nhận định về tình trạng môi trường của thế giới và tìm ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề (1972: Hội Nghị ở Thụy Điển; 1982: Hội nghị ở Nairobi nước Kenya; 1992: ở Rio de Janeiro, Brazil; 2002: ở Johanesburg, Nam Phi; 2012: ở Rio de Janerio, Brazil).[16]

Hơn nữa, những cuộc Hội nghị bàn về “Sự thay đổi khí hậu” cũng đã được tổ chức ở nhiều nơi như: ở Berlin Mandate (1995), ở Geneva, Switzeland (1996), ở Copenhagen, Đan Mạch (2009), ở Warsaw, Ba Lan (2013),…[17] Nhiều cuộc hội nghị khác thuộc những lãnh vực khác nhau của môi trường cũng được tổ chức ở cấp độ địa phương, quốc gia hoặc quốc tế.

2. Quan Tâm/Đáp Trả Của Giáo Hội Công Giáo

Đối diện với vấn đề khủng hoảng môi trường, các tôn giáo đã có những phản ứng và thái độ quan tâm cụ thể, chẳng hạn như sự quan tâm của Phật giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo,…

Mặc dù chậm quan tâm đến những vấn đề môi trường”, Giáo Hội Công Giáo cũng đã bị thách đố, được mời gọi, và có những nỗ lực quan tâm đến môi trường. Cụ thể, Giáo Hội đã khám phá, suy tư về một thần học sáng tạo mới (a new theology of creation)dưới những hình thức, đề tài khác nhau có thể đáp ứng phù hợp cho vấn đề khủng hoảng môi trường hôm nay, chẳng hạn như: nhập thể, sự Phục Sinh, sự Hiện xuống, sự hoán cải, sự giải thoát, thần học môi trường, thần học về sự sống, thần học về trái đất, thần học bí tích về môi trường, thần học về phụ nữ môi sinh… Giáo Hội cũng suy tư phụng vụ/ linh đạo/ đạo đức/ sứ vụ/ giáo huấn xã hội về môi trường.[18] Nhờ đó, Giáo Hội đã có một hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa, cũng như hiểu biết mới về giá trị nội tại và mối liên hệ chặt chẽ của thiên nhiên, vạn vật với Thiên Chúa và với con người. Trên nền tảng đó, Giáo Hội đã diễn tả sự hiểu biết và niềm tin yêu của mình vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo ngang qua một lối sống Kitô giáo mới và phù hợp (tức một linh đạo môi trường) có khả năng tôn trọng, bảo vệ, biến đổi và “chữa lành” môi trường/trái đất đang bị bệnh tật/suy thoái/ khủng hoảng,… và nguy tử do chính con người gây ra.

3. Một Lối Sống Mới Nhằm “Chữa Lành” Môi Trường /Trái Đất

Để có thể góp phần bảo vệ và “chữa lành” môi trường/trái đất của chúng ta đang trong tình trạng “bệnh hoạn”, suy thoái và nguy tử do tình trạng khủng hoảng niềm tin của con người gây ra, cha F. Antonisamy, Giám đốc linh hướng của đại chủng viện Chúa Chiên Lành ở Ấn Độ, đã suy tư thần học, linh đạo về môi trường, và đề nghị “những điều Kitô hữu cần thực hiện”:[19]

1. Bằng sự chiêm ngắm và cầu nguyện sâu xa chúng ta cần phải sống trong Thánh Thần của Đức Kitô Đấng đang thâm nhập toàn thể vạn vật.

2. Chúng ta cần nhậy cảm với lời thì thầm linh thiêng của gió, sóng biển, núi non, thung lũng, sông ngòi, và đại dương.

3. Chúng ta cần phải nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện nơi anh chị em và làm mọi sự có thể để giúp họ chỗi dậy từ nấm mồ khổ đau của họ.

4. Chúng ta để mình được giáo huấn của Tin Mừng và văn hóa truyền thống nền tảng hướng dẫn.

5. Chúng ta cố gắng tôn trọng đất đai và thế giới này mà Đức Giêsu đang hiện diện như là trung tâm của thế giới.

6. Không cậy dựa vào trí thông minh và kế hoạch riêng của mình, chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Đức Giêsu Đấng đầy lòng yêu thương và quyền năng.

7. Không khuất phục trước bất cứ tổ chức bất công nào, chúng ta cam kết ứng xử như con cái tự do của Thiên Chúa.

8. Trong mọi việc làm, chúng ta cần ứng xử như Đức Maria luôn tin rằng không có gì Thiên Chúa không làm được.

9. Không để thất bại khiến lòng ta chán nản, chúng ta cần phải luôn chỗi dậy với niềm hy vọng rằng những phong trào mới của quần chúng, những tổ chức giáo dục và những cá nhân dấn thân sẽ cùng với chúng ta chiến đấu giải quyết những vấn đề môi trường chung.

10. Trong đời sống thường ngày, một lối sống đậm nét “giảm thiểu và sửa chữa, tái chế và sử dụng lại” (reduce repair, recycle, re-use) phải thay thế cho lối sống hoang phí/xa xỉ (dùng một lần và ném bỏ đi).

11. Bao nhiêu có thể, chúng ta nên sử dụng quần áo và những sản phẩm khác được sản xuất từ những vùng nông thôn / địa phương.

12. Chúng ta bắt chước gương sống của thánh Phanxico Assisi, vị thánh bổn mạng của môi sinh/môi trường, tán dương Thiên Chúa khi ngắm nhìn chim trời, cá biển, cây cối, hoa cỏ, sông núi, thung lũng,… tuyệt đẹp và mọi vật do Thiên Chúa tạo dựng.

13. Cổ võ, khuyến khích cộng đoàn, giáo xứ cử hành những lễ hội liên quan đến môi trường.

14. Tổ chức suy gẫm, cầu nguyện ở những nơi có bầu khí/quang cảnh thiên nhiên (bao quanh bởi cây cối, cánh đồng, sông núi).

15. Trong tất cả hoạt động của mình, chúng ta cần có ý hướng tạo một môi trường sống thuận lợi cho người nghèo để họ có được một đời sống xứng hợp với phẩm giá con người.

16. Chúng ta cần tổ chức/tham gia những chiến dịch chống lại những vấn đề gây khủng hoảng môi trường như sự ô nhiễm không khí/ nước, việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hủy diệt,v.v…

17. Chúng ta có thể từng bước nhân giống những loại cây… đang dần biến mất khỏi những khu vườn của chúng ta.

18. Những ai quan tâm đến môi sinh/ môi trường có thể đến cùng cầu nguyện và suy tư về môi sinh/môi trường.

19. Chúng ta nên khởi sự hoạt động nhằm tạo nên một môi trường sống thuận lợi/tốt đẹp, hạnh phúc với xác tín rằng chúng ta đang tiếp tục công cuộc cứu độ của Đức Kitô.

20. Nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, ga, than, và kim loại như bạc, thiếc, kẽm, chì, đồng, nhôm, sắt,… cần phải sử dụng một cách tiết kiệm, vì nó chỉ có giới hạn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nỗ lực thay thế nó bằng cách sử dụng những nguyên liệu khác.

21. Khách hàng cũng nên nói “không” với việc sử dụng những hàng hóa chế biến từ những loại cây/gỗ hiếm, thú, chim, cá,… hiếm.v.v…

22. Sự tăng triển kinh tế nhắm đến tăng trưởng số lượng một cách mù quáng cần phải được thay thế bằng chính sách phù hợp, giúp cải thiện chất lượng điều kiện sống của con người.

23. Kỹ nghệ phải được sử dụng như một dụng cụ phục vụ con người/vạn vật và con người không nên coi nó như cứu cánh phục vụ cho cái tôi của mình.

24. Luật lệ và những phê chuẩn hợp luật cùng với sự khởi hứng một lối sống mới sẽ rất hữu dụng cho một quốc gia duy trì bầu khí môi sinh tốt đẹp nhất.

25. Vũ trụ “đã được tạo dựng nên ‘trong tình trạng lữ hành’ hướng tới đạt được một sự hoàn thiện tối hậu mà Thiên Chúa đã hoạch định.” Trong sự tạm trú và lữ hành này của vũ trụ, những người nam và người nữ ứng xử như những người quản lý thúc đẩy và bảo tồn môi sinh và giúp nó đạt tới sự hoàn thiện. Con người phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc biến đổi vạn vật. Họ trở nên thiêng liêng tùy vào mức độ họ tham gia vào công việc tạo dựng và biến đổi của Chúa Thánh Thần. Hệ thống môi sinh có thể đa dạng và khác nhau nhưng mỗi tổ chức sống lại lệ thuộc lẫn nhau để hoàn thành.

26. Việc quan tâm của cá nhân đối môi trường là một trong những cách thế tốt nhất để giải quyết vấn đề môi sinh/môi trường. Nó “bắt đầu với việc chăm sóc làm sạch đường phố, công viên, những nơi cắm trại và tất cả những nơi công cộng”.

27. Người dân nên tránh thú vui giải trí qua việc nuôi nhốt thú vật trong chuồng hoặc lưu giữ những sản phẩm làm từ ngà voi, lông thú, lược làm bằng mai rùa, lông chim đủ màu sắc gắn lên mũ… với mục đích làm nổi danh tiếng và uy tín bản thân. Những người tiêu dùng, hưởng thụ cần học biết nghệ thuật sở hữu và chỉ sử dụng những gì cần thiết, đáp ứng những nhu cầu hợp lý, tránh lãng phí và cố gắng bảo vệ môi trường tốt nhất có thể.

28. Việc tôn trọng thiên nhiên đòi hỏi con người một sự quan tâm, tự giới hạn mình và sống tự chủ. “Thiên nhiên chính là công trình sáng tạo của Thiên Chúa và do đó thuộc về Ngài. Chỉ mình Ngài là chủ sở hữu tuyệt đối của thiên nhiên. Con người, như đã giải thích, chỉ là người quản lý công trình sáng tạo. Điều này rõ ràng hàm ý rằng trong tương quan với thiên nhiên con người cần phải chấp nhận giới hạn của mình và chịu sự chi phối bởi một quyền bính tối thượng và những quyền lợi cao hơn”.[20] Thiên Chúa có kế hoạh riêng của Ngài đối với từng thụ tạo của Ngài. Con người không nên can thiệp vào kế hoạch đó; đúng hơn con người nên tạo một bầu khí thuận lợi nhờ đó các thụ tạo có thể cộng tác với kế hoạch hay thánh ý Thiên Chúa.

29. Mọi thụ tạo đã được Thiên Chúa tạo dựng phải tôn vinh Thiên Chúa; ơn gọi của các thụ tạo đó là phản ảnh cho con người nhận thấy sự tốt lành, vẻ đẹp, sự khôn ngoan và thánh thiện của Thiên Chúa. Vì như là những tấm gương phản chiếu những ưu phẩm và vinh quang Thiên Chúa nên những thụ tạo đó đáng được tôn trọng, bảo vệ và đánh giá cao. Nếu con người không nhận ra được Dung Nhan Thiên Chúa trong thiên nhiên vạn vật thì họ không thể tôn trọng và khen ngợi vẻ đẹp/giá trị nội tại của thiên nhiên.

30. Nếu con người yêu mến Thiên Chúa, họ cũng phải yêu thương các loài thụ tạo Thiên Chúa tạo dựng. Tương tự như thế, nếu con người yêu quý thiên nhiên vạn vật thì họ cũng phải bắt đầu tôn trọng, bảo tồn và khen ngợi chúng.

31. Giáo Hội, ngang qua những phương tiện truyền thông của mình, chẳng hạn như các linh mục, tu sỹ, giáo dân, mạng internet, đồ họa vi tính, dĩa hát, tivi, máy phát thanh, máy in ấn, phim ảnh,… nên truyền rao chân lý cho thế giới (chân lý về Thiên Chúa, về con người, về thế giới vũ trụ).

Thay lời kết

Thay cho lời kết, xin trích lại nơi đây tư tưởng của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, trong lá thư Mục Tử Tổng Giáo phận Sài Gòn, “Trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường sống” – 28/5/2009.

Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hóa và là tài nguyên thiên nhiên dành cho hết mọi người. Quà tặng và tài nguyên thiên nhiên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hay một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay.

 

 


[1]Xc. http://baigiang.violet.vn/present/show?entry_id=3392979 ; và Xc. Joseph Đinh Đức Huỳnh (SSS), Cosmic Dimension of the Eucharist in the Light of the Post Vatican II Eucharistic Theology: A Proposed Mechanics For The SSS Spirituality (Chiều Kích Vũ Trụ Của Thánh Thể Nhìn Dưới Ánh Sáng Thần Học Thánh Thể Hậu Công Đồng Vaticano II: Một Cơ Chế Được Đề Nghị Cho Linh Đạo Dòng Thánh Thể) (Manila: UST, 2010), 55-59.

[2]http://elib.dostquangtri.gov.vn/ntmn/Include/Index.asp?option=6&ID=105&I

[3]Xc. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment: Making Vital Connections (Đức Tin Kitô Giáo và Môi Trường: Tạo Nên Những Nối Kết Sinh Động) (New York: Orbis Books, 1998), 166; và Xc. Joseph Đinh Đức Huỳnh (SSS), Cosmic Dimension of the Eucharist in the Light of the Post Vatican II Eucharistic Theology, 46.

[4]Xc. Gioan Phaolô II, 1990 World Day of Peace Message, “Peace with God the Creator, Peace with all of Creation”. (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 1990, “Hòa Bình Với Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo, Hòa Bình Với Vạn Vật”), tìm ngày 20/11/2007 từ http://conservation.catholic.org/ecologicalcrisis.htm.

[5]Xc. Nancy G Wright và Donal Kill, Ecological Healing: A Christian Vision (Chữa Lành Môi Trường: Một Viễn Ảnh Kitô Giáo), (New York: Orbis Books, 1993), 55 và 57.

[6] Ibid., 166.

[7]Báo Osservatore Romano, 28/05/1990: Joseph D’Silva, “Christian Witnessing of Scientists to the Ecological Crisis” in FABC (OESC), Colloquium on Faith and Science: Special Question on Technology and Environmental Care – Love for Creation (Chừng Từ Kitô Giáo Của Những Nhà Khoa Học Đối Với Việc Khủng hoảng Sinh Thái” trong FABC (OESC)…) (Manila: UST Printing Office, 1994), 87.

[8]Hill, Christian Faith, 166.

[9]Xc. Wright and Kill, Ecological Healing, 55.

[10]Julia Esquivel Velasquez, “Spirituality of the Earth”, in The Power of Naming: A Concilium Reader in Feminist Liberation Theology, (Linh Đạo Về Trái Đất,” trong tập sách “The Power Naming:….Theology) ed. Elisabeth Schussler Fiorenza, (Manila: St Paul, 2004), 330.

[11]Xc. Joseph Đinh Đức Huỳnh (SSS), Cosmic Dimension of the Eucharist in the Light of the Post Vatican II Eucharistic Theology, 47.

[12]Xc. Frances Cairncross, Costing the Earth: The Challenge for Government, the Opportunities for Business (Ước Lượng Trái Đất: Thách Đố Đối Với Chính Quyền, Những Cơ hội để Hoạt Động (Boston: Harvard Business School Press, 1993), 3.

[13]Xc. Hill, Christian Faith, 2.

[14]Xc. Ruether, Introduction (Dẫn Nhập) trong sách Women Healing Earth, 1.

[15]Xc. Cairncross, ed., Costing Earth, 1.

[16]Xc. Earthsummit 2012, Towards a world summit on sustainable development in 2012, “40 Years of Sustainable Development”. (Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Trái Đất 2012, Hướng Tới Đỉnh Cao Của Thế Giới Về….) rút ra ngày 27/12/2009 từ http://www.earthsummit2012.org/index.php?id=643.

[17]http://en.wikipedia.org/wiki/United_Nations_Climate_Change_conference

[18]Xc. International Commission on J.P.I.C (Ủy Ban Quốc Tế Về Công Lý-Hòa Bình-và Sự Toàn Vẹn Của Vạn Vật), Manual For Promoters of Justice, Peace, and Integrity of Creation (Thủ Bản Dành Cho Những Người Thúc Đẩy Công Lý, Hòa Bình, và Sự Toàn Vẹn Của Vạn Vật) (Thành Phố Quezon: Nhà Xuất Bản Claret, 2001), 75-120.

[19]F. Antonisamy, An Introduction to Christian Spirituality (Dẫn Nhập Vào Linh Đạo Kitô Giáo) (Coimbatore: St Pauls, 2008), 313-316.

[20]K. H. Peschke, Christian Ethics: Morality in the Light of Vatican II (Đạo Đức Kitô: Luân Lý Trong Ánh Sáng Của Công Đồng Vatican II), Vol. II, 756.