Thần Học Sinh Thái

0
1987


Phương Nam, OP.

 

Xem ra từ ngữ “Thần Học Sinh Thái” (ecotheology) có vẻ “lạ tai”, bởi lẽ thần học vốn bị xem là một khoa học nghiên cứu về thần thánh – Thiên Chúa. Theology, “Theos” (Chúa) và “Logos” (Lời) tức là bàn về Thiên Chúa. Nhưng thực ra cũng cần phải xác định một điều: ngay từ ban đầu, mọi tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên và trong tình trạng tốt đẹp (St 1). Tạo vật đó chính là chiếc nôi tinh tuyền, là “sinh thái” để Thiên Chúa thực hiện cứu độ và giải thoát con người. Trái đất và muôn loài được giao cho con người để cai quản và phát triển. Con người có trách nhiệm về định mệnh của hành tinh nhỏ bé mà mình đang cư ngụ đây. Nhưng ngày nay tạo vật đó không còn là chiếc nôi tinh tuyền thuở ban đầu. Con người phải chịu trách nhiệm về điều này. “Thần Học Sinh Thái” ra đời như một lời cảnh tỉnh, dựa trên mạc khải về tạo vật. Có một mối tương giao giữa Thần học và Sinh thái học trong kế hoạch của Thiên Chúa. Có một mối liên tương quan, liên nối tiếp, liên lệ thuộc giữa các vật thể với nhau trong môi trường của chúng. Có một hệ thống tự cân bằng, tự điều hóa, tự duy trì của mọi vật thể trong môi trường sống của chúng. Thế giới chúng ta đang sống là một cộng đồng sự sống, cộng đồng hiệp thông. Làm thế nào cho cộng đồng này luôn tốt đẹp, phát triển là một vấn đề lớn.

Bài này xin phác họa đôi nét về “Thần Học Sinh Thái” như một suy nghĩ nhằm giúp để làm tròn trách nhiệm Thiên Chúa trao phó cho con người là “làm chủ trái đất”.

1. Từ ngữ

Từ ngữ “ecologia” được ghép bởi hai dành từ gốc Hy Lạp “oikos” (nhà ở)“logos” (lời), để diễn tả một ngành nghiên cứu những điều kiện chi phối sự sống của con người, xét trong mối tương quan giữa con người với nhau cũng như xét trong mối tương quan giữa con người với các vật khác nằm trong môi trường của mình. Một cách cụ thể, vấn đề sinh thái được nêu lên chung quanh vấn đề bảo vệ và duy trì môi trường thiên nhiên. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, các nhà sinh thái học không ngừng lên tiếng báo động về những mối đe dọa tới sự sống con người, cách riêng do bốn nhân tố sau đây:

a/. Ô nhiễm môi sinh (không khí và nước);

b/. Tăng gia nhân số;

c/. Sự hao mòn của nguyên liệu thiên nhiên và sự tiêu diệt của nhiều loài sinh vật;

d/. Thi đua vũ trang.

2. Thực trạng

Môi trường sinh thái hiện chúng ta đang sống bị đe dọa trầm trọng vì ô nhiễm trên không, trên mặt đất và dưới biển. Chẳng có gì là lạ khi không trung là một bãi rác khổng lồ của các mảnh vệ tinh bị vỡ ra, chúng lơ lửng trong không trung và bay với một tốc độ chóng mặt. Tầng ozone, chiếc áo giáp bảo vệ trái đất đã bị rách nhiều chỗ vì chất thải của kỹ nghệ điện lạnh. Trên mặt đất, tình trạng ô nhiễm đã trở nên báo động. Nạn phá rừng là nguyên nhân của biết bao trận lụt. Nhiều loài thú và cây cối bị tuyệt chủng vì nạn săn bắt và tàn phá vô tổ chức. Không cần phải nói đến đáy đại dương là một bãi rác khổng lồ, chúng ta cũng đã phải chịu ảnh hưởng bởi nạn ô nhiễm mặt biển vì các chất thải của các nhà máy dầu.

Hơn nữa, điều tệ hại trầm trọng ở chỗ là không phải bốn nhân tố trên tác dụng lẻ tẻ rời rạc, nhưng móc nối lẫn nhau, khiến cho việc đề phòng rất khó khăn. Theo các nhà sinh thái, bởi vì dân số thế giới gia tăng, cho nên phải tăng thêm việc khai thác tài nguyên, gây ra cảnh kiệt quệ cũng như cảnh ô nhiễm. Sự thi đua võ trang cũng là một giải pháp để đương đầu với nạn nhân mãn.

Aldo Leopold, một nhà sinh thái học đã nói: “Chúng ta đã lạm dụng đất đai vì coi đó như một sở hữu của mình. Nhưng khi chúng ta coi đất đai như là một nơi mà chúng ta thuộc về, lớn lên, và sinh sống, thì chúng ta sẽ sử dụng chúng với tình yêu và sự kính trọng”.[1]

Tương lai trái đất rồi sẽ đi về đâu? Câu trả lời tùy thuộc vào thái độ hành xử của con người đối với môi trường mình đang sống. Đây thực là một thách đố lớn lao, là nỗi khó khăn nhất mà con người ngày nay phải đương đầu. “Thần Học Sinh Thái” là một nỗ lực để suy tư về chính sinh thái trong nhãn giới cứu độ. Nó cố làm cho mọi thành phần nhân loại hiểu rằng cộng đồng sự sống của sinh thái này đang bị đe dọa trầm trọng, cần phải cứu vãn khi còn có thể. Đây không phải chỉ là vấn đề môi trường sống thôi, nhưng còn là vấn đề con người, thái độ sống và cả với cách cư xử với nhau.

3. Nguyên nhân

Trước bức tranh đen tối như vậy, nhiều người đành bó tay thúc thủ bởi vì thấy mình bất lực . Có người thì kiên nhẫn phân tích các nguyên nhân, và tìm những biện pháp xoay ngược tình thế. Trong bối cảnh này, một số nhà sinh thái học cho rằng nguyên nhân chính của sự hủy hoại thiên nhiên là thần học Kitô giáo về sự tạo dựng. Do đó, nếu muốn thay đổi tình thế thì cần phải sửa chữa lại não trạng, nghĩa là phải loại bỏ thần học tạo dựng đi. Dựa vào đâu mà các nhà sinh thái học lập luận như vậy?

Trong nhiều tôn giáo cổ truyền, con người sợ hãi trước quyền lực của thiên nhiên, và gán cho nó một sức mạnh thần thiêng.[2] Với một tâm trạng khúm núm như vậy, chắc chắn con người sẽ không bao giờ dám khai sơn phá thạch. Mặt khác, có tôn giáo thì coi đời này là bể khổ, càng lao vào thì càng lận đận; vì thế tốt hơn cả là hãy thoát ly khỏi thế tục. Quan điểm như vậy chắc hẳn là cũng không giúp cho khoa học tiến bộ được!

Đối lại, khi bàn về nội dung của lòng tin vào sự tạo dựng, chúng ta thấy rằng, lòng tin Kitô giáo đã nên động lực thúc đẩy cho sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Kitô giáo chủ trương rằng, tất cả các vật trên đời này là do Thiên Chúa sáng tạo nên dành cho con người sử dụng. Vì thế, con người đừng sợ sệt trước thiên nhiên; trái lại, hãy biết dùng đầu óc và đôi tay để khai khẩn và canh tác. Con người được mời gọi tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Các Nhà Thần học đã đề cập đến vấn đề sinh thái theo ba nhãn giới: Kitô học (Christology); Thần học Ba Ngôi (Trinitarian Theology) và Thần học về Nhân Chủng (Theological Anthropology).

a/. Thần học sinh thái theo nhãn giới Kitô học

Trước hết, các nhà thần học dựa vào bản văn gửi cộng đoàn Colosê của Thánh Phaolô:

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội thánh; Người là khởi nguyên, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1,15-20).

Hình ảnh Đức Giêsu, Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa. Nơi Người và qua Người, tất cả được tạo dựng. Tất cả được tạo dựng “nhờ Người và cho Người”, “tồn tại cho Người”. Mọi tạo vật có được một giá trị cao đẹp nhờ Đức Giêsu. Tạo vật đó sẽ được “hòa giải, bình an”, nói chung là được cứu độ. Tạo thành này đã được Thiên Chúa tạo dựng và Người sẽ dẫn nó tới cứu độ. Có một mối tương quan giữa tạo thành và cứu độ. Chính Đức Kitô đã tạo thành vũ trụ này, đồng thời Người cũng hòa giải vũ trụ này với Thiên Chúa Cha. Tạo thành và Cứu độ được thực hiện nhờ, trong, với Đức Kitô. Như thế mối tương quan giữa Đức Kitô và vũ trụ này là mối tương quan tạo thành và cứu độ. Đạo lý về Ơn cứu độ chỉ có ý nghĩa trong quỹ đạo của đạo lý về tạo thành.[3]

Đức Kitô không chỉ là khởi đầu của tạo vật mà còn là trưởng tử từ giữa những người chết, tức Người là nguồn gốc và căn bản của đời sống phục sinh mọi tạo vật. Người có trước tất cả mọi vật. Người là viên mãn của mọi tạo vật. Tạo vật ở đây chính là mọi sự được tạo dựng và được cứu chuộc nơi Đức Giêsu – mọi sự gồm “trên trời và dưới đất”, mọi sự có “hàng dũng lực thần thiêng hay bậc quyền năng thượng giới”, tức là sức mạnh, quyền lực đang hoạt động trong lịch sử nhân loại cũng như mọi sức mạnh thần thiêng trên trời. Nhờ biến cố phục sinh, Đức Kitô đã chiến thắng vinh quang mọi quyền lực, sức mạnh (Xc. 1Cr 15,24; Cl 2,15; 1Pr 3,12). Sự phục sinh của Đức Kitô là quyền năng vượt trên mọi quyền năng. Ơn cứu độ được Người thực hiện cho mọi tạo vật. Tạo vật đây không phải chỉ là con người tội lỗi cần ơn tha thứ, nhưng là toàn thể mọi tạo vật chưa đạt đến sự thành toàn, mục tiêu của mình. “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người… cho đến bây giờ mọi loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh con…” (Rm 8,18-23).

b/. Thần học sinh thái theo nhãn giới thần học Ba Ngôi

Trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với tạo vật, Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Trong tương quan nội tại, Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần (1Ga 4,8). Tính chất của tình yêu là thông ban, chia sẻ và tương giao. Thiên Chúa thông ban tình yêu của Người nơi tạo vật bằng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Tình yêu nơi Ba Ngôi là chia sẻ và tương giao. Tương giao tình yêu là nền tảng cho mọi thực tại.

Tình yêu nơi Thiên Chúa thông ban sự thiện hảo cho mọi tạo vật. Điều thiện thì tự tỏa giãi ra bên ngoài (Bonum diffusivum Sui). Thánh Bonaventura nói tạo vật là sự phô diễn nét thiện hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự bày tỏ mình ra nơi tạo vật. Điều đó làm nên mối tương giao giữa Thiên Chúa với tạo vật và Người chính là Thiên Chúa tương giao (Relational God).

Mối tương giao giữa Thiên Chúa với tạo vật: Chúng ta nhìn mọi tạo vật, vũ trụ, sinh thái, con người, các vật sống, các tế bào,… như là trong những mối tương quan cơ bản, đồng thời là thành phần trong một hệ thống, một mạng lưới các tương quan hỗ tương. Nền tảng của mọi mối tương giao giữa tạo vật với nhau là mối tương giao giữa Thiên Chúa với tạo vật. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự như một tổng thể có tương giao. Con người chỉ là một thành phần nhỏ trong tổng thể to lớn này. Thánh Phanxicô Assisi đã phát biểu “đầy tính thần học” khi Thánh Nhân gọi: “Anh Mặt trời”, “Chị mặt trăng”, “Anh Gió”, “Chị Nước”,… trong “Trường Ca Tạo Vật”. Theo Thánh Bonaventura, tạo vật này chính là một cuốn sách có thể đọc, một cuốn sách mà những lời lẽ của nó đều mạc khải chính Đấng Tạo Hóa. “Vũ trụ là một cuốn sách phản ánh, trình bày và mô tả người làm nên nó, Thiên Chúa Ba Ngôi, với ba mức độ diễn tả: như một vết tích, một hình ảnh, một sự giống như. Khía cạnh vết tích được tìm thấy nơi mọi tạo vật; khía cạnh hình ảnh được tìm thấy nơi con người, các tạo vật có lý trí ; và khía cạnh giống như chỉ tìm thấy nơi những người thuận theo Thiên Chúa”.[4]

Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người có lý trí, có lòng muốn, có tình yêu. Khi con người được Thánh Thần biến đổi nhờ ân sủng của Người, thì họ không chỉ là hình ảnh của Thiên Chúa nhưng còn giống như Thiên Chúa.

Hơn hũa, trong tương quan nội tại, Ba Ngôi Thiên Chúa – Cha, Con và Thánh Thần là tình yêu, năng động, tự thông hiệp.

c/. Thần học sinh thái theo nhãn giới thần học về Nhân Chủng

Theo nhãn giới này, con người được nhìn như một thành phần trong cộng đồng của các tạo vật, có tương quan với các tạo vật khác. Cách thế con người tương giao với các tạo vật khác là một thách đố. Dường như con người đã thống trị, bóc lột thiên nhiên? Dường như sự mất cân bằng sinh thái là lỗi của con người?

Vào cuối thế kỷ XX, các phong trào sinh thái tố cáo Kitô giáo là đã gây ra sự tàn phá vũ trụ. Theo họ, các tín đồ Kitô giáo coi việc khai thác thiên nhiên và việc sinh sản như là mệnh lệnh của Chúa; vì vậy mà họ phải chịu trách nhiệm trước những sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên và sức sống. Cần phải thay thế não trạng khai thác thiên nhiên bằng não trạng kính cẩn hòa đồng với thiên nhiên.

Thực vậy, khi đọc lại những đoạn Kinh Thánh về sự tạo dựng, chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa đã trao cho con người việc “bá chủ mặt đất” (St 1,28); điều đó không có nghĩa là con người được toàn quyền lạm dụng bừa bãi thiên nhiên. Con người cần phải biết đối xử với thiên nhiên cũng giống như Thiên Chúa: Ngài đã tạo dựng nó do tình thương và chăm sóc nó cách âu yếm. Hơn thế nữa, Thiên Chúa không hề trao cho con người quyền định đoạt về tính cách luân lý của hành vi: con người không hề lãnh được quyền “biết lành biết dữ”, để có thể tráo ngược trật tự (gọi điều xấu là tốt, và ngược lại). Con người cũng không có quyền thanh toán tha nhân, coi tha nhân như đối thủ cần loại trừ kiểu như trường hợp của Cain . Trong Tân ước, Thánh Phaolô đã nói tới sự liên đới giữa con người với tạo vật trong thư gửi Rôma, chương 8 câu 19-22: vì tội lỗi con người đã lôi kéo thụ tạo vào vòng nô lệ; chúng trông mong cho con người được cứu chuộc ngõ hầu chúng cũng được giải thoát.

Thoạt tiên, các lời tố cáo đã gây ra cho thần học một sự choáng váng, vì cảm thấy mình bị đối xử cách bất công. Người ta tự hỏi tại sao nhóm sinh thái không tấn công thuyết mác xít trước, bởi vì chính thuyết này đã đề cao tương lai huy hoàng của nhân loại dựa vào tiến bộ của lao động kỹ thuật. Người ta cũng đã lật lại những trang Kinh Thánh để chứng minh rằng, Kitô giáo không hề cho phép con người phá hủy thiên nhiên. Thí dụ, trong Cựu ước, sách Lêvi chương 25,2-5 đã buộc sau 7 năm thì phải ngưng việc canh tác trên cùng một mảnh đất đai; còn đối với con người và súc vật, thì sau 6 ngày làm việc thì luật buộc phải dành 1 ngày nghỉ ngơi (Xh 23,12). Sách Sáng Thế 2,15 nói tới việc con người phải “săn sóc đất đai” chứ không phải là khai thác bừa bãi. Con người chỉ là người quản lý đất đai; còn chủ tể là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải chỉ có ra luật lao động cho con người, nhưng còn buộc con người nghỉ ngơi vào ngày thứ 7, không những là để dưỡng sức mà còn để săn sóc phần tâm linh qua việc tham dự phụng vụ ca khen Chúa. Các Thánh Vịnh đã cho thấy rằng, Kinh Thánh muốn cho con người nhìn ngắm vũ trụ như là phản ánh tình yêu của Chúa, chứ không phải chỉ là một khối đất đá vô tri giác tha hồ khai thác.

Những chiều hướng này không còn phải là những suy tư của vài nhà thần học, nhưng đã đi vào giáo huấn của Giáo hội. Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” đã nói tới sự liên đới giữa con người với tất cả các loài thụ tạo ở số 344. Đặc biệt khi giải thích giới răn thứ bảy, các số 2415-2417 nói tới nghĩa vụ phải tôn trọng sự toàn vẹn của tạo vật: “Việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không được tách rời khỏi việc tôn trọng các yêu sách luân lý. Sự bá chủ của con người trên các vật vô tri giác và trên các sinh vật khác… không có tính cách tuyệt đối; nó cần phải được đo lường bằng mối quan tâm tới phẩm chất của sự sống tha nhân, bao gồm cả sự sống của các thế hệ tương lai”.

Hơn nữa, những mối nguy cơ của sự phát triển kỹ nghệ bừa bãi đã được các Đức Giáo Hoàng nói tới trong các văn kiện về Học thuyết xã hội. Thí dụ: Thông điệp “Mater et Magistra” (của Đức Gioan XXIII, 15-5-1961, số 196-197), Tông thư “Octogesima adveniens” (của Đức Phaolô VI, 14-5-1971, số 21), Thông điệp “Sollicitudo Rei Socialis” (của Đức Gioan Phaolo II, 30-12-1987, số 34). Trước đó, vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã đặt Thánh Phanxicô Assisi làm bổn mạng của các nhà sinh thái (Tông thư “Inter Sanctos”: AAS 71,1979,1509 s). Kế đó, Ngài đã dành cho ngày Thế giới hòa bình năm 1990 chủ đề là “Hòa bình với Chúa, hòa bình với toàn thể tạo vật”. Vấn đề sinh thái được bàn rộng trong Thông điệp “Centesimus Annus” (1-5-1991) số 37-39. Ngoài “sinh thái thiên nhiên”, Đức Gioan Phaolo II còn nói tới “sinh thái nhân bản”, nghĩa là khung cảnh luân lý đạo đức nữa.

Cũng nên biết rằng, “sinh thái học” đã là đầu đề của một Đại hội quốc tế do Hội đồng Đại kết các Giáo hội tổ chức tại Seoul từ ngày 5-12/3/1990. Văn kiện chung kết mang tựa đề: “Hướng tới tình liên đới của giao ước nhằm tới công lý, hòa bình và bảo vệ tạo vật”.

Gần nhất, ngày 24-5-2015, ngày Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Thông điệp “Laudato Si’” (Ngợi Khen Chúa) về Bảo Vệ Sinh Thái. Thông điệp đi từ một sự lắng nghe tình trạng, dựa trên những thủ đắc khoa học tốt nhất ngày nay (ch. 1), đối chiếu với Kinh Thánh và truyền thống Do thái – Kitô (ch. 2), nêu rõ căn cội của các vấn đề (ch. 3) trong thời đại kỹ thuật làm chủ và trong thái độ co cụm thái quá tự tham chiếu của con người. Chủ trương của Thông điệp (ch 4) là một “nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các chiều kích nhân bản và xã hội”[5], gắn chặt với vấn đề môi trường. Đồng thời, Đức Phanxicô cũng thiết định ngày 01-09 hàng năm là ngày “Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo dựng”.

5. Những bổn phận của con người đối với tạo vật

Nói cho cùng, nếu mối liên hệ giữa con người với tạo vật mà tốt đẹp thì người đầu tiên hưởng thụ hậu quả là chính con người.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: Một nền môi sinh học toàn diện cần thiết phải như một mô hình công lý, và cũng không thể tách rời khỏi ý niệm công ích. Một nền môi sinh học phải được “hội nhập chỗ đứng đặc biệt của con người trong thế giới này, và tương quan của con người với thực tại xung quanh. Chúng ta không thể coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta”. Điều này có giá trị vì chúng ta sống trong các lãnh vực khác nhau: trong kinh tế và chính trị, trong các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt trong những nền văn hóa bị đe dọa nhất, và thậm chí trong mọi lúc đời sống thường nhật của chúng ta… Do đó, viễn tượng toàn diện cũng đòi một nền môi sinh học về các cơ chế: “Nếu mọi sự đều có liên hệ với nhau, thì tình trạng sức khỏe của các cơ chế trong một xã hội cũng có những ảnh hưởng đối với môi trường và tới chất lượng đời sống con người”. “Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho môi trường”. Bởi thế, “không có hai cuộc khủng hoảng riêng rẽ, một cuộc khủng hoảng môi trường và một cuộc khủng hoảng xã hội, nhưng chỉ có một cuộc khủng hoảng duy nhất và phức tạp về xã hội và môi trường”.[6]

Khoa sinh thái học nhắc nhở các nhà chính trị cũng như các nhà khoa học rằng, việc theo đuổi sự phát triển khoa học và kỹ thuật vô giới hạn là một ảo tưởng. Thế giới này có giới hạn của nó; vì vậy việc khai thác nó cũng mang tính cách giới hạn.

Cái giới hạn thứ nhất cần phải đặt ra là giới hạn luân lý. Các kế hoạch phát triển không thể chỉ dựa theo các định luật của kinh tế chính trị, nhưng tiên vàn phải được điều hành bởi các quy tắc luân lý. Luân lý mang lại sự giải phóng đích thực cho con người, chứ không phải là cái ách quàng vào cổ con người. Ngày nào con người muốn gạt bỏ luân lý ra một bên thì sẽ gây cảnh tượng là chính con người tiêu diệt con người: người mạnh đè ép người yếu, rồi đến lượt các người hùng cũng quay ra thanh toán lẫn nhau!

Tuy nhiên, cần phải tiến thêm một bước nữa để thử hỏi: khi nói tới luân lý thì phải hiểu luân lý nào? lấy cái gì làm tiêu chuẩn phân biệt điều tốt với điều xấu? Đối với Kitô giáo, tiêu chuẩn luân lý chỉ có thể tìm thấy nơi kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Dĩ nhiên, không dễ gì những người vô thần hay những tín đồ các tôn giáo khác sẽ chấp nhận điều đó. Dù sao đi nữa, các Kitô hữu cũng cần biết rằng, chính mình cũng chẳng hơn gì người vô thần trong việc tuân theo luật của Đấng Tạo Hóa, nếu như không thức tỉnh và tiên phong trong việc kiến tạo cũng như bảo vệ sinh thái.

——–

Bibliographia

1/. J.L. Ruiz de la Pena, Teologia della creazione, Borla, Roma 1988.

2/. AA.VV., La Creazione: Dio, il cosmo, l”uomo, Studium, Roma 1990.

3/. Những bài huấn giáo về sự tạo dựng của Đức Gioan Phaolo II trong các buổi tiếp kiến chung: 8/1; 15/1; 29/1; 5/3; 12/3; 2/4 năm 1986

 

 


[1] Aldo Leopold, A Sand country Almanac, 1966

[2] Ví dụ: Thần gió, thần lửa, thần sông, thần thổ, thần biển, thần sấm, thần mưa,.v.v…

[3] Xc. Joseph Sittler, “Called To Unity”

[4] Breviloqium, 2.12

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, số 137

[6] Ibid., số 15.139.142.156