Thiên Chúa Quan Phòng và Tự Do Con Người

0
3889


Lm. Matthêu Nguyễn Khắc Hy, SSS.

 

DẪN NHẬP

Câu hỏi về tương quan giữa Thiên Chúa và tự do của con người được đặt ra từ khi con người biết suy tư về Thiên Chúa. Giáo lý Công giáo số 302 định nghĩa: “Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối Người xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo” và là “Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Người đã sáng tạo”. Nếu sự quan phòng là những quan tâm, lo lắng của Thiên Chúa với thụ tạo, thì câu hỏi đặt ra là liệu Thiên Chúa có tiền định cho con người không? Con người có thật sự tự do định đoạt số phận mình không? Hay Thiên Chúa đã tiền định mọi sự, và không có gì con người làm mà xảy ra ngoài ý định (hay chương trình) của Thiên Chúa?[1]

Là người Việt Nam, chúng ta sống trong môi trường ảnh hưởng nhiều bởi thuyết Luân Hồi và Nhân Quả (hay Nghiệp Quả) được cắt nghĩa qua lăng kính nghiệp chướng của Phật giáo. Vì thế, nhiều người chúng ta tin vào “số phận” hay “định mệnh” và cho rằng con người không thể thay đổi số mạng mình. Nguyễn Du, trong phần kết truyện Kiều, đã than thở về đời người con gái “hồng nhan bạc phận” này:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Hay

“Ðã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.

Trong xã hội, người dân than thở: “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa!” không chỉ nói lên hạn chế của xã hội mà còn bao hàm ý nghĩa số phận. Thường nghe nhất trong dân gian là “dép giày còn có số, huống gì là con người.” Nói như thế, liệu con người sinh ra có số mạng không? Hay số phận mình có bị định đoạt bởi Thiên Chúa (Ông Trời) không?

I. KINH THÁNH VỚI Ý NIỆM TIỀN ĐỊNH

Kinh Thánh luôn trình bày cho chúng ta hình ảnh Thiên Chúa là Ðấng Toàn Thức (biết hết mọi sự). Sách Daniel kể khi bà Susanna bị vu oan tội ngoại tình, bà đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Ðấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra” (Dan 13:42). Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Roma, nói: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rom 8:29-30). Và “Vậy Thiên Chúa thương xót ai là tuỳ ý Người, và làm cho ai ra cứng cổ cũng tuỳ ý Người” (Rom 9:18).

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói đừng quá lo lắng về việc ăn mặc, mà trước hết lo tìm kiếm nước Thiên Chúa, vì chim trên trời, hoa ngoài đồng được Thiên Chúa lo cho ăn no mặc đẹp, thì con người còn quý giá hơn chúng nhiều lần (x Mt 6:25-34, Lk 12:22-31). Và khi gặp khó khăn về đức tin như bị giam cầm, bắt bớ… thì cũng đừng lo lắng vì “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lk 21:18).

II. NHỮNG KITÔ HỮU TIN THUYẾT TIỀN ĐỊNH

Từ thế kỷ thứ hai, Celsus ở Alexandria đã viết những tác phẩm chống lại Kitô giáo trong đó ông ta nêu lên câu chuyện Giuđa[2]. Trong bữa ăn Cuối Cùng, Chúa Giêsu nói: “Ðã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mk 14:21). Celsus liên kết câu này với những đoạn trong Cựu Ước nói đến việc Thiên Chúa làm cho Pharaô và dân Ai Cập cứng lòng: “Ðức Chúa nói với Môsê: “Ta sẽ làm cho nó (Pharaô) cứng lòng và nó sẽ không thả cho dân đi!” (Ex 4:21). Như vậy, theo Celsus, chính Thiên Chúa đã làm cho Giuđa cứng lòng, nên Giuđa không là người chịu trách nhiệm về việc ông làm. Hơn nữa, Celsus nói, nếu Thiên Chúa biết từ đầu rằng Ðức Giêsu sẽ phải chết trên thánh giá, thì việc Giuđa làm không thể coi là phản bội, vì thật ra Giuđa không thể giúp được gì cho Ðức Giêsu thoát khỏi cảnh chết đó. Ông đi đến kết luận mà nhiều người chúng ta cũng thường hay nửa đùa nửa thật thắc mắc: Chúa Giêsu đã biết trước Giuđa sẽ phản bội, nhưng không ngăn cản ông. Vì thế, nếu không có ông, chưa chắc Chúa Giêsu đã chết bị đóng đinh như Ngài đã chịu. Như vậy có lẽ Giuđa đã góp nhiều Công hơn là Tội trong việc thực hiện chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa! Và Celsus kết luận là Thiên Chúa đã tiền định mọi sự, và con người hoàn toàn không có tự do[3].

Ðến thể kỷ 16, ông Jean Calvin (1509-1564), cha đẻ của giáo phái có tên Calvinism, tin vào Thuyết Tiền Ðịnh khi ông dựa vào thư thánh Phaolô gởi tín hữu Roma: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người… Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi… cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8:28-30). Theo Calvin, những người đã được tiền định lên thiên đàng hay xuống hoả ngục không thể thay đổi chung cuộc mình được. Nghĩa là, dù họ cố gắng bao nhiêu cũng không thể thoát khỏi số phận Thiên Chúa đã định cho họ (ở thiên đàng hay hoả ngục)[4].

III. CẮT NGHĨA THEO TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC

Triết học đặt ra câu hỏi về tương quan giữa Ý Muốn Tự Do của con người và ý niệm Thiên Chúa Tiền Ðịnh hay Biết Trước Mọi Sự (Toàn Thức): nếu Thiên Chúa biết trước mọi sự, và không có gì con người làm (dù tốt hay xấu) mà Thiên Chúa không biết. Vậy khi con người phạm tội, Thiên Chúa biết trước mà không ngăn cản, Thiên Chúa có đồng trách nhiệm không?

Có rất nhiều cách giải thích theo triết học và thần học cho câu hỏi này. Triết gia Công giáo Origen (184-254) đã cắt nghĩa rằng chúng ta cần phân biệt Kiến Thức Biết Trước (foreknowledge) một sự việc xảy ra khác với Nguyên Nhân làm cho sự việc ấy xảy ra. Nói cách khác, Biết điều gì sẽ xảy ra và Làm cho nó xảy ra là hai điều khác nhau. Ví dụ, 2 chiếc xe đang chạy rất nhanh ở hai đường sẽ giao nhau ở một ngã tư. Dù 2 tài xế không nhìn thấy nhau (vì nhà cửa che khuất), nhưng người đứng trên lầu cao nhìn xuống quan sát biết chắc rằng chỉ trong vài giây nữa, hai xe sẽ dụng nhau. Người quan sát không là người gây tai nạn.

Câu hỏi đặt ra là liệu người nhìn thấy và biết trước, có thông báo cho hai tài xế biết để tránh không? Hay nếu thông báo (như có bảng Stop ở góc ngã tư) thì hai tài xế đó có thay đổi tốc độ để tránh tai nạn không? Hai vẫn giữ tốc độ (vì có thể đang say xỉn nên bất chấp lời cảnh báo) để gây tai nạn? Vậy người quan sát trên lầu cao là người biết tai nạn sẽ xảy ra, nhưng không là người gây ra tai nạn.

Thứ hai, có người biện minh cho Thiên Chúa và lý luận rằng: làm sao Thiên Chúa biết được tương lai, vì theo định nghĩa, tương lai là những gì chưa có hay chưa xảy ra, nghĩa là chưa có hiện hữu. Mà nếu chưa xảy ra (hay chưa hiện hữu), thì Thiên Chúa không thể biết được vì Thiên Chúa không biết cái Không Có. Theo định nghĩa của triết học (chứ không phải của thần học), thì Thiên Chúa biết mọi sự như trời đất có bao nhiêu cây, rừng bao nhiêu lá, trời bao nhiêu sao… nhưng Thiên Chúa không thể biết cái Không Có. Vậy việc chưa xảy ra thì Không Có trong hiện tại, vì thế Thiên Chúa không biết được.

Lý luận này hợp về logic trong tranh luận nhưng không thuyết phục được thần học khi thần học dạy rằng Thiên Chúa biết mọi sự quá khứ, hiện tại và tương lai. Thần học Kitô giáo dạy rằng danh từ tương lai ta dùng cho con người không đồng nghĩa với những gì ta áp dụng cho Thiên Chúa. Là con người sinh ra trong thời gian và không gian, nên chúng ta có hôm qua, hôm nay, ngày mai. Với Thiên Chúa thì không có thời gian, nên tất cả chỉ là hiện tại. Nghĩa là, những gì ta cho là tương lai, thì đối với Thiên Chúa cũng chỉ là hiện tại. Tất cả mọi khoảnh khắc ta sinh ra, lớn lên, già và chết xảy ra trong thời gian, nhưng với Thiên Chúa chỉ là chớp nhoáng, nhất thời trong hiện tại mà thôi[5].

Origen cắt nghĩa rằng: hai điều quan trọng cần biết. Thứ nhất, dù Thiên Chúa có biết một người phạm tội trong tuơng lai, Thiên Chúa không là Người làm cho anh ta phạm tội và vì thế cá nhân người đó vẫn chịu trách nhiệm cho hành động mình. Thứ hai, không phải vì Thiên Chúa biết đến mà sự việc xảy ra, nhưng vì sự việc xảy ra nên Thiên Chúa biết. Nghĩa là, có người lý luận rằng: nếu Thiên Chúa biết là tuần tới, anh A sẽ phạm tội (ăn cắp), mà bây giờ chưa là tuần tới. Vậy còn một tuần nữa. Khi ngày đó tới, anh A không thể không phạm tội ăn cắp được. Vì Thiên Chúa đã biết trước anh A sẽ ăn cắp, nên bắt buộc anh A phải phạm tội (ăn cắp) để Thiên Chúa không sai lầm. Câu hỏi là nếu anh A sử dụng tự do của mình để không muốn phạm tội (ăn cắp) nữa có được không? Nếu thay đổi được, thì Thiên Chúa biết trước không còn đúng nữa. Còn nếu không thay đổi (nghiã là anh A sẽ phạm tội như Thiên Chúa đã thấy) thì liệu chứng anh A có trách nhiệm gì không?

Origen giải thích rằng chúng ta đã sai lầm khi cho rằng, nếu Thiên Chúa biết trước anh A sẽ phạm tội, vì thế anh A sẽ phải phạm tội. Trái lại, Origen giải thích, vì chắc chắn anh A sẽ phạm tội trong tuần tới (nói theo thời gian), nhưng vì Thiên Chúa không có thời gian, nên Thiên Chúa thấy anh A phạm tội (là trong hiện tại của Thiên Chúa, nhưng là tương lai của con người).

Vậy, không phải vì Thiên Chúa biết trước, nên một việc phải xảy ra, mà vì một việc xảy ra, nên Thiên Chúa biết (và ta có thể nói thêm là Thiên Chúa biết trước, vì Thiên Chúa thấy trong hiện tại những gì sẽ xảy ra trong tương lai con người).

Lý luận Origen được các thánh Gioan Kim Khẩu, Athanasius, Jerome và Agustine lặp lại trong những bài viết hay giảng của mình[6].

IV. THÁNH TÔMA AQUINÔ VÀ LỜI GIẢI THÍCH

Thomas Aquinas, cũng cùng lý luận với Augustine, cho rằng tất cả mọi tạo vật (vô hình hay hữu hình), được Thiên Chúa biết đến không phải vì chúng có mặt (hiện hữu) rồi Ngài mới biết, mà ngược lại, khi Thiên Chúa biết chúng, thì chúng có mặt[7].  Vì đối với Thiên Chúa, Biết cũng đồng nghĩa với Tạo Dựng. Ví dụ, Thiên Chúa biết hoa hồng, thì có hoa hồng, Thiên Chúa biết mặt trời thì có mặt trời… Vì thế, không có gì mà Thiên Chúa không biết. Ðiều Thiên chúa không biết, có nghĩa là điều đó không có mà thôi.

Tuy nhiên, khác với Origen, Thomas Aquinas phân biệt những gì Thiên Chúa tạo dựng trong thời gian, nghĩa là có cái xảy ra trước, có cái xảy ra sau mà không nhất thiết cùng một lúc. Tư tưởng này áp dụng cho con người hơn là Thiên Chúa, vì chỉ con người mới có thời gian để phân biệt Trước và Sau. Trong chương 9 của Summa Theologiae, để trả lời câu hỏi: liệu Thiên Chúa có biết những gì không có hiện hữu không? Thomas Aquinas khẳng định là Thiên Chúa biết tất cả những gì có mặt (hiện hữu), và cả những cái có tiềm năng hiện hữu (nghĩa là chưa có lúc này, nhưng có thể có trong tương lai). Giải thích theo cách này, Thomas muốn nói là Thiên Chúa biết đến ngay cả những cái không có, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa không biết cái không có trong tương lai, nhưng biết cái có thể xảy ra trong tương lai.

V. VÀI LỐI GIẢI THÍCH NGÀY NAY

Triết lý ngày nay cho ta biết được lẫn lộn giữa tiền định (ý tưởng cho là không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân) với số mạng (ý cho là con người không làm chủ được quyết định mình).

William L. Craig nói việc Thiên Chúa biết trước tương lai ta không ảnh hướng trực tiếp đến hành động của ta, và không làm thiệt hại tự do hay tính sáng tạo của ta[8].  Ông giải thích: hãy tưởng tượng cuộc đời anh A như một cuốn phim (ý nói tất cả những gì xảy ra và đã xảy ra). Thay vì con người chúng ta xem phim từng phần và thử đoán tương lai (khi anh còn trẻ, không biết vài năm sau có đi học luật sư hay y khoa? Không biết sẽ yêu cô gái Bắc hay gái Trung…), thì Thiên Chúa là người đã xem phim đó trước, và Ngài có thể trả lời mọi chi tiết trong phim.

Ðiều quan trọng không phải là vì Ngài coi phim trước nên anh A không thể thay đổi được, nhưng vì anh A là người có tự do hành động và làm mọi quyết định trong đời mình, nên Thiên Chúa không gì hơn chỉ là người xem phim trước, mà không thể (nhấn mạnh là không có thể) cầm tay bắt anh ta phải thay đổi (như phải yêu cô này, hay phải làm việc này…). Craig kết luận là Thiên Chúa biết trước mọi sự, kể cả những hành động đúng sai của con người, nhưng Ngài biết vì con người quyết định làm, chứ không phải con người làm mọi quyết định vì Ngài biết trước.

Là con người, ta có quyền Làm hay Không Làm, nhưng mọi việc ta thay đổi, Thiên Chúa đều biết trước những thay đổi đó. Vì thế, việc Thiên Chúa biết trước hành động con người và Ý Muốn Tự Do con người hoàn toàn không chống đối hay loại bỏ nhau. Và sai lầm trong cắt nghiã tín lý này không nằm trong nội dung, mà nằm trong cách giải thích cho rằng “biết của Thiên Chúa” đồng nghĩa với “biết của con người.”

Trả lời của nhóm theo Số Mạng (Fatalism) cho rằng nếu Thiên Chúa biết trước tôi sẽ lên thiên đàng hay xuống hoả ngục, vậy có phải là Tiền Ðịnh không? Và tôi có còn Tự Do chọn lựa nữa không? Craig trả lời là hoàn toàn không phải tiền định. Nếu tiền định là Thiên Chúa cầm tay và bắt ta lên thiên đàng hay xuống hoả ngục, thì chắc chắn không có. Còn nếu tiền định theo lối là ta dùng tự do để làm mọi sự và Thiên Chúa biết trước nhưng không ngăn cản, thì như thế không gọi là tiến định mà chỉ được xem là người có kiến thức đi trước thời gian mà thôi. Craig kết luận, nếu dùng lý luận này, ta có thể nói theo triết học là con người ta không thể thay đổi tương lai, nhưng ta chắc chắn có thể giúp quyết định hình thành tương lai.

VI. GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI

Giáo lý Công Giáo số 600 dạy: “Ðối với Thiên Chúa mọi thời điểm đều là hiện tại. Khi tiền định một điều gì đó trong kế hoạch vĩnh cửu, Người cũng “tiền định” tùy theo quyền của mỗi người tự do đáp trả ân sủng của Người: “Ðúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với các dân ngoại và dân chúng Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Người là Ðức Giê-su, Ðấng Người đã xức dầu. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và sự khôn ngoan của Người đã định trước” (Cv 4, 27-28). Thiên Chúa cho phép xảy ra những hành vi do sự mù quáng của họ (x. Mt 26, 54; Ga 18, 36;19, 11), để thực hiện ý định cứu độ của Người (x. Cv 3, 17-18)”.

Giáo lý số 1037 dạy: “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục. Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Ðấng “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải (2 Pr 3, 9)”.

Giáo lý Công Giáo dạy ta biết Thiên Chúa quan phòng sắp xếp cho ta có mặt ở trên đời, ban cho ta nhiều ơn lành trong đời sống để ta sống xứng đáng là con Thiên Chúa, và cho ta hồng ân biết luôn can đảm để chọn điều tốt. Giáo lý không cắt nghĩa tương quan giữa Thiên Chúa biết trước việc xảy ra trong đời ta, và tự do ta sử dụng, nhưng giáo lý bắt ta phải tin rằng Thiên Chúa ban cho ta tự do để quyết định, ngay cả quyết định phản bội Ngài.

Nói cách khác, giáo lý Công giáo đòi hỏi ta phải tin rằng Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc cho ta, và không hề tiền định số mạng đến nỗi chúng ta không thể thay đổi chính mình được.

KẾT LUẬN

Câu hỏi về Tự Do Con Người và Thiên Chúa Tiền Ðịnh luôn là đề tài chứa đựng nhiều bí ẩn. Nếu hiểu Thiên Chúa quan phòng và tiền định cho ta có mặt trên đời (vì nếu ta không hiện hữu thì không có gì để nói), và cho ta có lý trí tư duy và tự do lựa chọn (có vậy ta mới chịu trách nhiệm cho hành động mình) thì hoàn toàn hợp lý. Nếu hiểu Thiên Chúa tiền định cho mọi hành động của ta, hoặc Ngài biết ta phạm tội mà không ngăn cản… thì cách hiểu này hoàn toàn sai lạc vì Thiên Chúa tiền định cho con người hiện hữu, nhưng không tiền định cho từng hành động con người làm.

Với đức tin, ta không tin Số Mạng, không tin Tiền Ðịnh mất Tự Do, không tin con người không thể quyết định cho mình. Ngược lại, với đức tin, ta tin là “ơn Cha luôn đủ cho con” (2 Cor 12:9) để trong mọi hoàn cảnh, ta vẫn có thể làm lại cuộc đời. Hay nói cách khác, với đức tin và hồng ân Thiên Chúa thì “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Nguyễn Du).

 


 

[1] Bài viết nhắm đến quan niệm Tiền Ðịnh bởi Thiên Chúa hơn là sự Quan Phòng bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên, như định nghĩa mà giáo lý Công giáo cung cấp, một số Kitô hữu đồng hoá “quan phòng” với “tiền định”. Tác giả bài viết phân biệt hai tư tưởng khác nhau. Và bài viết nhằm cắt nghĩa tương quan giữa tự do con người và sự can thiệp của Thiên Chúa trong đời sống con người.

 

 

[2] Celsus viết tác phẩm Lời Chân Lý khoảng năm 177 nhằm chống lại Kitô giáo. Tác phẩm của ông bị thất lạc, và ta không biết đến, nhưng khi triết gia Origen viết cuốn Contra Celsum để biện luận chống lại Celsus, Origen đã trích lại những lời của Celsus, nhờ đó chúng ta biết đến tác phẩm Lời Chân Lý này.

 

 

[3] Và những đoạn tương tự như trong Xuất Hành “Nhưng Ta, Ta sẽ làm cho Pharaô ra cứng lòng” hay “Ta sẽ làm cho dân Ai cập ra cứng lòng…”  (Ex 7:3; 14:4; 14:7…)

 

 

[4] John Calvin (1509-1564) là thần học gia Pháp, sinh ra với tên Jehan Cauvin. Ông là một nhà cải cách Pháp tin vào thuyết Tiền Ðịnh của Thiên Chúa, cho rằng một số được Thiên Chúa tiền định cho lên thiên đàng hưởng hạnh phúc, mà một số khác đã bị tiền định phạt xuống hoả ngục. Với thuyết này, con người thật sự không có tự do quyết định đời mình, hay nói theo J. Calvin, là dù con người có tự do quyết định, nhưng những quyết định của họ đã bị tiền định trong hoàn cảnh hay điều kiện sống, và vì thế, kết quả là những người đã bị tiền định xuống hoả ngục sẽ không thể nào thoát được.

 

 

[5] Plato nói rằng kiến thức chỉ áp dụng cho những gì có hiện hữu mà thôi. Trong cuốn Cộng Hoà Thứ Năm  – Fifth Book of the Republic kể chuyện Socrates nói với Glaucon khi phân biệt Kiến Thức và Ý Tưởng. Ta không có kiến thức với cái Không Có, mà chỉ với cái nhưng cái thật sự Có (hiện hữu). Còn với cái Không Có (không hiện hữu), ta chỉ có Ý Tưởng về nó mà thôi, chứ ta Không Biết nó. (Xem Republic V.20, 476e, và Parmenides, 132b.)

 

 

[6] Thánh Augustine cũng nói về Thiên Chúa biết trước mọi sự với lời giải thích: Thiên Chúa tạo dựng con và ban cho con người Ý Muốn Tự Do. Chính Ý Muốn đó là nguyên nhân gây ra tội. Vậy nếu Ý Muốn Tự Do là nguyên nhân động lực (self-cause), thì Thiên Chúa không phải không biết, nhưng Ngài vẫn tôn trọng Tự Do Ngài ban. Nói cách khác, Augustine cũng không giải thích tại sao Thiên Chúa biết có những việc xấu xảy ra mà không ngăn cản, mà giải thích là Thiên Chúa tôn trọng tự do con người đến độ ngay cả con người phản bội thì Thiên Chúa vẫn cam lòng.

 

 

[7] Xem Summa Theologiae part I, quaest. XIV “Kiến Thức Của (Trong) Thiên Chúa” art. 8.

 

[8] William L. Craig viết nhiều sách và bài báo để chống lại những tố cáo sai lạc về mặt triết học của những chủ trương vô thần tấn công Kitô giáo. Cuốn Reasonable Faith của ông được coi là có giá trị, và được tái bản lần thứ 3 vào năm 2008.