Một Hài Nhi Đã Sinh Ra Cho Chúng Ta (Is 9,1-6)

0
2506


Phương Thanh, OP.

 

 

Trong các trình thuật Ngôn sứ của Cựu Ước, Is 9,1-6 [1] chắc chắn là lời sấm thích hợp rõ ràng đã khơi lên mầu nhiệm Giáng Sinh. Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy lời sấm này được giữ lại trong sách các bài đọc mới, làm bài đọc đầu tiên trong thánh lễ Nửa Đêm. Thực sự, chung quanh lời loan báo chính: “Một hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta…” (câu 5) có những đề tài khác nhau và những hình ảnh được thu thập, chúng giúp những Kitô hữu đầu tiên và sau đó là trong truyền thống phụng vụ, nhận rõ ý nghĩa việc Đấng Cứu Thế xuất hiện. Đó là sự biểu lộ của “ánh sáng” giữa “tâm tốt”, “niềm vui” chiến thắng và giải thoát, việc phong vương quốc hòa bình và công chính, về sự quan tâm trìu mến của Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng và dứt khoát.

Trong khuôn khổ bài đọc Cựu Ước đã được suy tư Kitô học soi sáng, Is 9,1-6 dễ dàng đóng một vai trò chứng tá cổ điển về sự mong đợi “Đấng Thiên Sai Vua” (Messianisme-royal). Nhưng một giải thích như thế có nền tảng hay không? Việc đọc lại các bản văn theo ý nghĩa Kitô giáo khởi hứng từ một vài chỗ hòa hợp về chủ đề, phải chăng nó đã mang lại cho lời Ngôn sứ Isaia một ý nghĩa về Đấng Thiên Sai, hay lời Ngôn sứ này phải chăng đã loan báo lời hứa cánh chung được hiện thực nơi Chúa Giêsu.

1. Bối cảnh lịch sử

Các nhà phê bình đã không thống nhất trong việc xác định ý nghĩa nguyên thủy của Is 9,1-6. Những do dự này một phần do chính bản văn trực tiếp không cho phép xác định chắc chắn hoàn cảnh trước tác. Đàng khác, một vài tác giả đã không công nhận bản văn đó là của Ngôn sứ Isaia, và thậm chí họ còn dời thời gian sáng tác của đoạn văn vào thời sau lưu đày, và có thể tới thời Maccabee. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phê bình đều nhận rằng, bản văn này là của Ngôn sứ Isaia; một số người khác nhận rằng, đoạn văn Is 9,1-6 phải được đặt gần với đoạn Is 7,10-25 và 11,1-9;[2] ba sấm ngôn này tạo thành những phần đặc trưng về “chu trình Emmanuel” (Cycle de Emmanuel).

Ngày tháng biên soạn đoạn văn Is 7,10-25 có thể được xác định một cách dễ dàng; những lời chỉ dạy của Ngôn sứ cho phép xác định lời sấm xuất hiện vào thời kỳ chiến tranh syro-éphraimite (735-730 BC). Nó không cùng với Is 9,1-6. Nhưng theo một số lớn tác giả, nếu đọc đoạn văn Is 9,1-6 liền với đoạn văn Is 8,23 [3] thì dường như viễn tượng trực tiếp của Ngôn sứ là thời kỳ thử thách vương quốc miền Bắc và niềm hy vọng được giải thoát.

Trong quá khứ, Yahweh đã hạ nhục xứ Giabulon và Neptali, thì trong tương lai, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Jordan, vùng đất của dân ngoại. “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (xc. Is 8,23-9,1).

Thực vậy, dưới sự lãnh đạo của Teglat Phalasar III vào băm 734-732 BC, các đạo quân Assyrie đánh chiếm vùng rộng lớn của vương quốc miền Bắc, và họ đã rơi vào ách nô lệ của người Assyrie (xc. 2V 15,29);[4] những người còn lại phải chấp nhận cảnh nô dịch nặng nề, những mưu toan phản loạn dẫn đến những can thiệp quân sự mới, và Samaria đã thất thủ do quân đội của Sargon (xc. 2V 17,6).[5] Đó là kết cuộc của vương quốc Israel (miền Bắc). Về phía vương quốc Judah nhỏ bé (miền Nam), chỉ còn giữ được một phần độc lập, nhờ chấp nhận quyền bảo hộ của quốc vương Assyrie.

Đem đối chiếu với những biến cố này, rất nhiều chi tiết của lời sấm Ngôn sứ Isaia sẽ trở nên rõ ràng. Xét theo địa dư, những chi tộc Giabulon và Neptali là những chi tộc đầu tiên phải chịu sự xâm chiếm của người Assyria và phải nếm nhục nhằn của kiếp tôi đòi (xc. Is 8,23s); sự tang tóc và cảnh tôi mọi làm cho những miền này trở thành “miền tăm tối”, và có lẽ khi gợi lại hình ảnh “một dân đi trong tối tăm” (Is 9,1), thì một cách cụ thể, Ngôn sứ đã nghĩ đến một đoàn người bị phát lưu đang tiến về miền đất lưu đày. Lời sấm đã thoáng thấy sự thất bại của những kẻ đàn áp và chấm dứt những sự chinh phục của họ (Is 9,3-4),[6] và nếu ông đối chiếu chủ đề này với cuộc chiến thắng của Gédéon trên dân Madian (xc. Tl 7,15-25),[7] thì chính cuộc chiến thắng này đã xảy ra trong cánh đồng Yizéel và đã đảm bảo cho Israel thành lập vương quốc ở miền Bắc Galilé. Về viễn ảnh của “một quyền bính rộng lớn”“một nền hòa bình vô tận trên ngai vua David và vương quốc của người” (Is 9,6a),[8] viễn tượng đó tương ứng với sự chờ đợi của cộng đồng quốc gia Judah nhỏ bé mà những sự chia cắt gia sản của vua David và mối đe dọa thường xuyên của Assyria đã làm chúng lung lay.

Ngôn sứ Isaia đã đặt lời hứa phục hưng đó trên viễn tượng tình yêu đặc biệt của Yahweh đối với dân Người (Is 9,6b). Tuy nhiên, một cách trực tiếp hơn, dường như Ngôn sứ nối kết lời hứa một biến cố vừa là dấu chỉ của sự lựa chọn vững bền vừa là điềm báo cho một vương quốc lý tưởng: “Vì một trẻ thơ chào đời để cứu ta, một người con đã ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình” (Is 9,5).

Thực ra, đoạn văn này (Is 9,5) có thể có nhiều lối giải thích khác nhau. Có người giải thích đó là một ám chỉ về việc sinh ra của một vị thừa kế ngai báu, và sự thực hiện “dấu Emmanuel” đã được nói đến trong đoạn văn Is 7,14.[9] Đối với Ngôn sứ, việc Đấng sinh ra này đã là một biểu lộ quan phòng về sự vững bền của lời hứa cho triều đại nhà David (xc. 2Sm 16); và ở đây, sự sinh ra được trình bày như một điềm báo về hành động tự di của Yahweh khi gia ân cho dân Người.

Một số khác nghĩ rằng, “việc sinh ra” đúng ra là biểu thị chính lễ đăng quang vương đế (xc. Tv 2,7);[10] đoạn văn Is 9,5 rất có thể là một đoản khúc trích từ nghi lễ phong vương, và điều đó cho thấy rằng, từ vựng mà người ta gặp thấy ở đây không có trong lời sấm của Ngôn sứ Isaia. Thực ra, trong trường hợp này, những tước hiệu được gán cho vị vua mới sinh là những ước nguyện mà người ta muốn cầu chúc cho vương quốc của Người. Khi giữ lại lời tuyên bố này, Ngôn sứ đã làm phong phú ý nghĩa của nó: những đức tính của vị tân vương làm cho Người trở thành vị vua hợp với tinh thần và ý muốn của Yahweh. Những đức tính đó cho phép Người sớm kết thúc những tai họa của quốc gia đáng bị phạt do những bất xứng nơi những nhà lãnh đạo của Israel; khi xếp Người vào dòng dõi thiêng liêng của David và Salomon, những đặc tính đó đã làm sống lại những lời chúc phúc cho dân, là những đặc trưng cho vương quốc lớn mạnh.

Tóm lại, cả khi người ta có thể an tâm chấp nhận sau khi đã phê phán đầy đủ rằng, lời loan báo của đoạn văn Is 8,23-9,6 thực sự tương ứng với hoàn cảnh chính trị, trong đó sứ vụ của Ngôn sứ Isaia đã được thể hiện thì người ta chỉ cần thận trọng để xác định rõ ràng biến cố nào là cơ hội nảy sinh của bài ca vui mừng này. Những giả thuyết khác nhau đã được đưa ra: sự sinh ra của Ezéchias trong tương lai khoảng năm 732, lễ đăng quang của ông vào năm 716, sự sinh ra của Manassé con Ezéchias chỉ một ít lâu sau khi những đạo quân Sennachérib đã tự rút khỏi Palestin và không đánh chiếm Jerusalem… Trong số những đề nghị này, không một đề nghị nào có thể đưa ra những luận chứng chắc chắn. Đàng khác, nên biết rằng, cả triều đại Ezéchias, nhất là triều đại Manassé đã không thực hiện những lời hứa của các Ngôn sứ.

Vì thế, nhiều nhà chú giải đã không muốn nhìn nhận một biến cố nào xảy ra cùng thời với Ngôn sứ Isaia lại là biến cố giáng sinh của con trẻ hoàng tộc… Giữa những thảm cảnh và nỗi khắc khoải của quốc gia, Ngôn sứ Isaia đã tuyên xưng niềm tin của mình vào việc xuất hiện của vị vua lý tưởng, một sự xuất hiện có lẽ còn xa xôi như vị Ngôn sứ đã trình bày như một hiện thực chắc chắn, niềm tín thác của ông vào lòng trung tín của Yahweh thật lớn lao. Trái với những kẻ chán chường, những kẻ hoài nghi hay những người chỉ muốn tìm sự trợ lực nơi những liên minh trần thế, vị Ngôn sứ nhắc lại tính hiện thực trường tồn của sự lựa chọn; bất chấp những nỗi thăng trầm hiện tại, niềm tin của Isaia vào Thiên Chúa của Giao Ước đã làm cho ông dự đoán thấy sự viên mãn đáng mong ước của số phận quốc gia.

2. Viễn ảnh về Đấng Thiên Sai

Dù được khơi lên một cách trực tiếp do tính hiện thực hay không, thì lời sấm của Ngôn sứ Isaia cũng vượt quá và soi sáng tính hiện thực đó. Biến cố chỉ là một dấu chỉ cho người biết giải thích nó. Bài học Ngôn sứ nói về lịch sử, theo một nghĩa nào đó, vượt ra ngoài lịch sử. Để đặt nền tảng cho sự hiểu biết những sự kiện mà chúng thường là chất liệu cho bài diễn giảng của vị Ngôn sứ, thì sự hiểu biết đó cần phải tham chiếu không phải với những nghiệm đoán của con người nhưng là với ánh sáng của thần linh. Nếu quả thật lịch sử là nơi biểu lộ và hoàn tất ý định của Thiên Chúa, thì lịch sử chỉ có thể được chấp nhận trong ý nghĩa trổi vượt trên kia bằng một đoàn sủng hay một thị kiến của niềm tin.

Mặc dù viễn ảnh đó dựa vào những luận chứng chắc chắn, tuy nhiên, việc giải thích đoạn văn Is 9,1-6 thuần túy bằng những hoàn cảnh lịch sử không làm chúng ta thỏa mãn hoàn toàn. Tất nhiên, sự giải thích đó giúp chúng ta hiểu rõ một vài điểm quan trọng, một vài cách diễn tả nào đó hay một số đề tài, nhưng tự nó, một giải thích như thế không đủ để biện giải cho ý hệ thần học (L’idéologie théologique) được diễn tả trong lời sấm, mà thực ra nó còn gợi hứng cho lời sấm.

Hiển nhiên, ý hệ này ăn rễ sâu trong niềm xác tín truyền thống về giao ước giữa Yahweh và Israel. Nhưng vì Yahweh không phải là một “baai”, một vị thần địa phương bảo trợ cho một đô thị, nhưng Người là một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Hóa và là Vua cũ hoàn. Lời giao ước của Người với Israel đồng nghĩa với sự ưu tuyển và ủy thác một sứ mệnh đặc biệt giữa mọi dân nước cho một cộng đoàn được lựa chọn. Như thế, sự tuyển chọn này không chỉ là một ân huệ đối với Israel nhưng là một đặc cử và là lời mời gọi sống trung tín vô điều kiện. Sự chúc phúc của Yahweh không hạn hẹp ở những ơn phước được thừa hưởng đất đai và dòng đời đông đúc; nó còn hàm chứa những chân trời mở rộng đến mai sau.

Việc giải thích có tính cách Ngôn sứ của thời hiện tại có thể dựa trên việc đọc lại những sự kiện trọng đại trong quá khứ cái nhìn Ngôn sứ, những sự kiện đó được coi như “hành động của Thiên Chúa”. Sự giải thích trên còn nại đến một cái nhìn tiên đoán về những cách thể hiện cuối cùng của sự tuyển chọn. Nhưng cái tương lai chưa phải là đối tượng của kinh nghiệm; nhân đó, nếu gán cho hiện tại ý nghĩa của tương lai thì tương lai chỉ có thể được mô tả hay trình bày khởi từ hiện tại hoặc dưới hình thức một sự canh tân lý tưởng của những thời điểm quan trọng trong quá khứ. Vì vậy, trong những nét không thay đổi của nó, ý hệ về Đấng Thiên Sai nối kết một cách sâu xa với niềm hy vọng cánh chung đi theo ý thức Ngôn sứ về ơn gọi đặc biệt của lối diễn tả, ý hệ đó lệ thuộc vào những bất tất có tính cách lịch sử và văn hóa, chính trong đó truyền thống Kinh Thánh đã thành thục.

Những nhận định tổng quát này có thể giúp chúng ta hiểu đoạn văn Is 9,1-5 bằng cách nối kết nó với bối cảnh chính trị, đồng thời duy trì tính hợp lý trong việc áp dụng nó và Kitô luận. Lời giảng của nhà Ngôn sứ không hình thành ở bên lề những biến cố và không còn dửng dưng với những mối đe dọa đè nặng trên vương quốc Judah. Các nhà chính trị và quân sự thảo luận về những lực lượng đối nghịch, về những liên minh có thể có hay những may rủi của con người, về sự sống còn của quốc gia. Nhưng với con người của Thiên Chúa, những cuộc xâm chiếm của Assyrie không chỉ liên quan đến nền độc lập và sự thịnh đạt của quốc gia; nhưng sự xâm chiếm đó còn đưa đến vấn đề vững bền của sự lựa chọn và những đòi hỏi của nó. Yahweh không là một Thiên Chúa bất tín hay khiếm diện, Người là Thiên Chúa hằng sống, Đấng Thánh mà sự hiện diện của Người đòi hỏi một sự thanh luyện tâm hồn tận căn. Nhiều lần các Ngôn sứ đã tố cáo những bất công và những hành động vô luân đã làm cho dân trở thành bất xứng với những đặc ân của mình. Trong viễn tượng này, những đau khổ của Judah báo hiệu và nhìn nhận sự rối loạn của tội lỗi. Như thế, đau khổ đã đóng vai trò của một sự phán xét hay một sự can thiệp tối hậu. Đây có phải là lúc chấm dứt giao ước hay không. Bất chấp những thành công bề ngoài trong việc giảng dạy và sự tồn tại của những khó khăn chính trị, Ngôn sứ Isaia vẫn giữ niềm xác tín vào “tình yêu hay ghen của Yahweh Thiên Chúa”. Đôi khi Ngôn sứ công bố một sự phục hưng sau cùng, chắc hẳn trong khuôn khổ của một cộng đoàn thu hẹp nhưng từ nay đã được “thánh hóa”.

“Trong nhà Judah, những gì đã thoát chết, những gì còn sót lại sẽ cứ tiếp tục đâm rễ sâu, và trên cao trổ sinh hoa trái. Vì từ Jerusalem, sẽ nảy sinh số còn sót lại, và từ núi Sion, sẽ xuất hiện những người thoát chết. Vì yêu thương cuồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 37,31-32).

Cũng một niềm hy vọng như thế đã được diễn tả trong đoạn văn Is 9,1-6, nhưng lần này dưới một hình thức thánh hóa vương quốc. Rõ ràng là Ngôn sứ Isaia, một người quen thuộc với các vua Judah, ông đã thuất triệt những lời hứa chứa đựng trong lời sấm của Ngôn sứ Nathan về dòng dõi David: “Ta sẽ là Cha nó, và nó sẽ là con Ta: Nó có lầm lỗi thì Ta sẽ sửa trị nó bằng roi người phàm bằng đòn nhân loại trị nhau” (2Sm 7,14-16).

Trong lời Ngôn sứ như thế, chúng ta có thể tìm thấy một trong những nguồn của lòng trông đợi Đấng Thiên Sai Vua. Lời Ngôn sứ đó không làm gì khác hơn là bảo đảm sự chính đáng của triều đại Judah, nó mang ý nghĩa tôn giáo cho chức vụ của nhà vua và ngay lúc đó, nó làm cho vị quân vương trở thành người phục vụ giao ước và là con người có trách nhiệm về dân trước mặt Yahweh. Chắc hẳn sự lý tưởng hóa này không luôn luôn tương ứng với các sự kiện; chính vì thế, những tai họa của quốc gia thường gắn liền với lỗi lầm của nhà vua. Đối lại, những đức tính của Vua bảo đảm cho những ân huệ của Thiên Chúa.

Lời sấm trong đoạn văn Is 9,1-6 là một bằng chứng cho não trạng này. Vì quân vương không chỉ được thoáng thấy như một nhà khôi phục tương lai cho sự thống nhất của vương quốc David. Chính đặc tính thiêng liêng của vương quyền Người mà Ngôn sứ đã nghĩ tới trước tiên; và mặt khác, do đặc tính đó, ông đã biện minh cho niềm hy vọng vào ơn cứu độ của mình. Thực vậy, vị quân vương này sẽ tổng hợp trong chính mình những đức tính của các vị vua danh tiếng, các Người đã bảo đảm thịnh vượng của quốc gia và qua đó, truyền thống đã coi các Người như là những sứ giả đích thực và những tôi tớ của Yahweh. Người có sự khôn ngoan siêu phàm và còn hơn thế, đó là sự khôn ngoan siêu nhiên như một Salomon “vị cố vấn kỳ diệu”, những chiến công như những chiến công của vua David, biểu lộ sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa (Thiên Chúa Sức Mạnh); trong suốt một triều đại dài, đối với dân, Người như một người Cha (như Yahweh Thiên Chúa là “Cha Muôn Thủa”), và quyền lực của Người sẽ được bền vững trong hòa bình (“Vua Hòa Bình”). Hơn nữa, Người đặt quyền lực của mình trên chính những nguyên tắc của luật pháp và công lý, và như thế, đối nghịch với những vị vua bất xứng đã gieo tai họa trên dân nước.

Điều quan trọng là phải ghi nhận rằng, ơn gọi có tính trữ tình của vương quốc hạnh phúc này không mảy may dựa vào những gì có vẻ như của con người, nhưng dựa trên “tình yêu hay ghen của Yahweh Thiên Chúa”. Mặc dù người ta có sử dụng thứ từ vựng của thể thơ tán tụng thông dụng trong triều đình, thì việc lý tưởng hóa vương quốc cũng sẽ làm cho những từ vựng trên có ý nghĩa “tiên trưng” và dứt khoát. Chúng ta sẽ tìm thấy ở đây đối tượng của niềm hy vọng nơi dân Israel, được diễn tả rõ ràng dưới hình thức niềm mong đợi Đấng Thiên Sai. Với niềm xác tín, Ngôn sứ vững tâm chờ đợi sự biểu lộ tối thượng và rõ ràng của tình yêu Yahweh đối với dân Người. Vì chế độ chính trị của thời Người và dưới ảnh hưởng của lời sấm của Ngôn sứ Nathan, vị Ngôn sứ đã hình dung sự biểu lộ trên kia dưới hình thức một triều đại vinh quang, một sự canh tân lý tưởng đối với các triều đại lớn trong quá khứ. Có lẽ, Người thấy những bước mở đầu trong việc giáng sinh hay trong cuộc đăng quang của vị vua trẻ xuất hiện giữa thời loạn lạc để mang lại vận mệnh và những lời hứa cho triều đại nhà David. Vấn đề không được rõ ràng, nhưng trong trường hợp này, những hạn từ qua đó biến cố này đã được tán dương chứng tỏ cách rõ ràng rằng: sự giải thích có tính cách tôn giáo về thời hiện tại, Ngôn sứ đã thoáng thấy và gợi lên sự vĩnh tồn của ý định Thiên Chúa và sự hoàn tất sau cùng của Người.

Kết luận

Vậy bài thơ nói về sự giáng sinh của người nối ngôi vua và về sự cứu độ mà sự giáng sinh đó mang lại, không chỉ được hiểu là sự ngẫu nhiên đặc thù của lịch sử. Mặt khác, vì được linh hứng, nên bài thơ đã được đem vào dòng liên tục của truyền thống Kinh Thánh; nó chuẩn bị cho những mạc khải sau này và chính nó sẽ được soi sáng do chính những mạc khải đó. Theo mức độ chân dung của vị vua lý tưởng diễn tả đối tượng tối cao của niềm hy vọng nơi Ngôn sứ Isaia, thì bài thơ đó không được ứng dụng hoàn toàn nơi các vị vương đế trần gian dù là những vị trổi vượt hơn cả. Với danh nghĩa đó, bài thơ đã loan báo sự xuất hiện của Chúa Giêsu và vương quốc thiêng liêng của Người. Người ta hiểu được rằng, phụng vụ ngày lễ Giáng Sinh đã ưu tiên chọn bài thơ của Ngôn sứ Isaia, không phải nhằm diễn tả sự kiện Chúa Giêsu sinh ra bằng những từ ngữ của vị Ngôn sứ cho bằng nhằm dạy chúng ta chiều kích đích thực của một biến cố như thế.

 

– Viết theo: Joseph Ponthot, Un enfant nous est né

 

 

 


[1] Các bản Kinh Thánh trích dẫn bằng Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

Is 9,1-6: 1 Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. 2 Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. 3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. 4 Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. 5 Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. 6 Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

[2] Is 7,10-25: 10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng: 11 “Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”. 12 Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA”. 13 Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? 14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en. 15 Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt. 16 Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt, thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang. 17 ĐỨC CHÚA sẽ đem lại cho ngài, cho dân ngài, cho thân phụ ngài những ngày như chưa từng có, kể từ khi Ép-ra-im tách khỏi Giu-đa (vua nước Át-sua)”. 18 Đến ngày đó, ĐỨC CHÚA sẽ huýt ruồi ở tận cùng các kinh rạch Ai-cập, và huýt ong ở đất Át-sua. 19 Chúng sẽ đến và tất cả sẽ đậu trong các thung lũng sâu, các kẽ đá trong mọi bụi gai và mọi đồng cỏ. 20 Ngày đó, Chúa Thượng sẽ dùng dao cạo thuê bên kia Sông Cả – vua nước Át-sua – mà cạo đầu và lông chân; cả râu, Người cũng xén. 21 Đến ngày đó, mỗi người sẽ nuôi một con bò cái tơ và hai con chiên; 22 vì chúng cho quá nhiều sữa, nên người ta sẽ ăn sữa chua; vì mọi kẻ còn lại trong xứ sẽ ăn sữa chua và mật ong. 23 Đến ngày đó, mọi nơi có ngàn gốc nho đáng giá ngàn bạc, sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm. 24 Vào đó, người ta sẽ phải mang cung và tên, vì toàn xứ sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm. 25 Tất cả mọi núi đồi mà người ta vẫn thường cuốc xới, bạn sẽ không đến đó nữa, vì sợ gai góc và bụi rậm: đó sẽ là nơi thả bò và nơi chiên cừu giẫm nát.

và Is 11,1-9: 1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. 2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA. 3 Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4 nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. 5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.

[3] Is 8,23: 23 Nhưng sẽ không còn bóng đêm ở nơi đang bị ngặt nghèo. Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.

[4] xc. 2V 15,29: 29 Trong thời gian vua Pe-các, vua Ít-ra-en, vua Át-sua là Tích-lát Pi-le-xe đến xâm chiếm I-giôn, A-vên Bết Ma-a-kha, Gia-nô-ác, Ke-đét, Kha-xo, miền Ga-la-át và Ga-li-lê, toàn xứ Náp-ta-li, rồi đày dân sang Át-sua.

[5] xc. 2V 17,6: 6 Năm thứ chín triều vua Hô-sê, vua Át-sua chiếm được Sa-ma-ri và đày Ít-ra-en sang Át-sua. Vua cho họ định cư ở Khơ-lác, và ở ven sông Kha-vo thuộc vùng Gô-dan, và trong các thành xứ Mê-đi.

[6] Is 9,3-4: 3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. 4 Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.

[7] xc. Tl 7,15-25: 15 Khi nghe kể giấc chiêm bao và lời giải thích, ông Ghít-ôn sấp mình xuống, đoạn trở về trại Ít-ra-en và nói: “Đứng lên! Vì ĐỨC CHÚA đã trao vào tay anh em doanh trại Ma-đi-an”. 16 Bấy giờ ông chia ba trăm người thành ba cánh quân, trao vào tay mọi người tù và, vò rỗng có đuốc bên trong. 17 Ông bảo họ: “Hãy nhìn và làm theo tôi. Khi tới đầu trại, tôi làm gì thì các anh cứ làm theo! 18 Tôi sẽ rúc tù và cùng một lúc với tất cả những người đi với tôi; bấy giờ các anh cũng rúc tù và khắp quanh trại và cùng hô: Vì ĐỨC CHÚA! Vì Ghít-ôn!”. 19 Ông Ghít-ôn cùng với một trăm người theo ông đi tới đầu trại vào đầu canh hai, lúc vừa thay người canh; họ rúc tù và, đồng thời đập bể những chiếc vò đang cầm trong tay. 20 Bấy giờ cả ba cánh quân đều rúc tù và, đập bể vò; tay trái nắm chắc đuốc, tay phải cầm tù và rúc lên, rồi họ cùng hô: “Vì ĐỨC CHÚA, vì Ghít-ôn, vung kiếm lên!” 21 Chung quanh trại, ai nấy đứng yên tại chỗ. Cả trại tán loạn, la ó và chạy trốn. 22 Trong lúc ba trăm người rúc tù và thì ĐỨC CHÚA làm cho mỗi người trong khắp trại quay gươm giết bạn mình. Cả doanh trại đều trốn chạy về phía Xơ-rê-ra cho đến Bết Ha Sít-ta, bên bờ suối A-vên Mơ-khô-la, đối diện với Táp-bát. 23 Bấy giờ từ Náp-ta-li, A-se và toàn thể Mơ-na-se, các người Ít-ra-en họp nhau lại và rượt đuổi quân Ma-đi-an. 24 Ông Ghít-ôn sai sứ giả đi kêu gọi khắp vùng núi Ép-ra-im: “Hãy xuống đón đầu quân Ma-đi-an, chiếm cứ các nguồn nước của chúng, cho đến Bết Ba-ra và sông Gio-đan”. Tất cả các người Ép-ra-im đều họp lại chiếm lấy các nguồn nước cho đến Bết Ba-ra và sông Gio-đan. 25 Họ bắt được hai tướng của Ma-đi-an là Ô-rếp và Dơ-ếp; họ giết Ô-rếp tại tảng đá Ô-rếp, còn Dơ-ếp thì giết tại bồn ép nho Dơ-ếp. Họ còn rượt theo quân Ma-đi-an và mang thủ cấp của Ô-rếp và Dơ-ếp từ bên kia sông Gio-đan về cho ông Ghít-ôn.

[8] Is 9,6: 6 Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

[9] Is 7,14: 14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.

[10] xc. Tv 2,7: 7 Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA, Người phán bảo tôi rằng: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.