Đức Kitô – Đấng Trung Gian Duy Nhất Của Ơn Cứu Độ Trong Thần Học Liên Tôn

0
2935


Lm. FX. Nguyễn Văn Nhứt, OP.

1. TỪ NHỮNG SỰ KIỆN ĐỜI THƯỜNG

Không ít lần, người công giáo, đặc biệt những ai có tính cẩn trọng về mặt từ ngữ, danh xưng, phải trực diện với một nỗi khó chịu dai dẳng khi các phương tiện thông tin đại chúng và các văn kiện chính thức của nhà nước cứ dùng từ Thiên Chúa giáo thay cho công giáo, bởi lẽ nội dung được chuyển tải trong mỗi từ rất khác biệt nhau.

Một nỗi khó chịu khác, nhẹ nhàng hơn và hầu như mất hẳn tính gây hấn, đó là quan niệm hoà đồng, hay đúng hơn đồng hoá Ki-tô giáo với các tôn giáo khác bằng định đề “ đạo nào cũng tốt”.

Ở cả hai trường hợp tiêu biểu trên, sự phản kháng, nếu có, chỉ xảy ra trên phương diện lý sự và thường rất lịch lãm, nếu không muốn nói là yếu ớt vì không đủ cơ sở thuyết phục.

Hơn nữa, những Ki-tô hữu, vốn nặng lòng với vấn đề đại kết và đối thoại liên tôn, nhận thức rõ bao hệ luỵ bất lợi cho việc truyền bá Tin Mừng do thái độ biện giáo quá khích từng gây ra trong lịch sử Hội Thánh, không thấy cần phải dính líu vào những hình thức khẩu chiến hoặc bút chiến cho bằng phải đi sâu vào những vấn đề nghiêm túc hơn về căn tính Ki-tô giáo, bản chất Hội Thánh, và ý nghĩa, nội dung sứ điệp Hội Thánh có trách nhiệm trao lại cho thế giới.

Tới đây, chúng ta bắt đầu giáp mặt với những thách đố có tính sống còn của niềm tin Ki-tô giáo.

2. ĐẾN NHỮNG VẤN NẠN ĐẶT RA TRONG LÃNH VỰC THẦN HỌC VÀ MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO

Nỗ lực trong quá trình tự khám phá chính mình luôn là mối bận tâm lớn của Hội Thánh ngay từ khởi thuỷ. Thần học về bản chất Hội Thánh cho thấy có một ý thức tiệm tăng: từ chỗ tự đồng hoá, Hội Thánh tiến đến bước tự phân biệt tách bạch, nhưng không tách biệt, với thực tại Nước Thiên Chúa. Nói theo ngôn từ Công đồng Vatican II, Hội Thánh là“ bí tích, dấu chỉ, và khí cụ”1 của thực tại mình được ủy thác loan báo và xây dựng. Cùng lúc đó, Hội Thánh nhìn nhận nơi những tôn giáo ngoài Ki-tô giáo có những yếu tố chân thật và thánh thiện trong các phương thức hành động và lối sống, các huấn giới và giáo thuyết thường đem lại ánh sáng của Chân lý 2. Thay cho thái độ an ổn, tĩnh tại của một thời làm đại lý độc quyền ơn cứu độ 3, Hội Thánh giờ đây chọn lấy công việc gấp gáp, tất bật của người tôi tớ mẫn cán hết lòng vì sứ điệp Tin Mừng4. Trong khi giữ thái độ kính cẩn trước những giá trị tích cực đối với ơn cứu độ trong các tôn giáo khác, Hội Thánh vẫn xác định Đức Ki-tô, Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống như nội dung cốt yếu của sứ điệp Tin Mừng, và mục tiêu của việc truyền giảng chính là để con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn5. Việc truyền giảng đó càng thiết yếu và cấp bách vì 3 lý do6:

– Đã 2000 năm trôi qua mà công cuộc truyền giảng Tin Mừng hình như vẫn còn ở những bước khởi đầu

– Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ nhờ Cái Chết và Cuộc Phục sinh của Đức Ki-tô

– Truyền giảng Tin Mừng là thước đo đức tin và đức mến của Ki-tô hữu đối với Đức Giê-su.

Thế nhưng, những câu chất vấn triệt để được đặt ra ở đây. Nếu như con người có thể tìm thấy ơn cứu độ trong các tôn giáo khác thì phải giải trình như thế nào về lý do hiện hữu của Ki-tô giáo? Còn hay không tính khẩn thiết của công cuộc Phúc Âm hoá, bởi lẽ hình như hành động tích cực cho việc truyền bá sứ điệp Ki-tô giáo cũng có nghĩa là áp đặt một cách nào đó niềm tin của chúng ta trên tín đồ các tôn giáo khác? Liệu có còn phải tiếp tục nhấn mạnh rằng Đức Ki-tô là Trung Gian duy nhứt của ơn cứu độ7 hay không?

Không dễ gì tìm được câu trả lời thoả đáng trong bối cảnh con người ngày nay vừa rất dửng dưng với vấn đề tôn giáo vừa hết sức nhạy cảm với quyền tự do tư tưởng. Mặt khác, vì công cuộc đối thoại giữa Ki-tô giáo với các tôn giáo khác đang được xúc tiến với thái độ thận trọng, dè dặt. Một nguyên do khác nữa là thần học Ki-tô giáo hiện chia ra nhiều khuynh hướng có vẻ như khó dung hoà nhau.

Trước tiên, cần nhận thức một số nguyên nhân dẫn đến thái độ dửng dưng của con người thời nay đối với những giá trị tôn giáo nói chung và những giá trị truyền thống Ki-tô giáo nói riêng chính là do thiếu sót từ phía Hội Thánh. Một đàng vì trải qua một thời kỳ thật dài chúng ta đã không cung ứng kịp thời đường hướng, giáo thuyết và nhân sự hiệu năng cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng trong một thế giới thay đổi quá nhanh. Mặt khác, tình trạng sa sút về đức tin và luân lý của Ki-tô hữu càng khiến người ta nghi ngờ mức độ tin cậy của tiếng nói Hội Thánh. Cùng lúc đó, cũng chính con người thời nay lại rất nhạy cảm đối với vấn đề tôn giáo, được xếp vào phạm trù tự do tư tưởng, một trong những quyền căn bản nhứt của con người. Trong thế kỷ này, chưa bao giờ thế giới phải chứng kiến những cuộc xung đột tàn khốc, huỷ hoại chẳng những biết bao sinh mạng, tài sản, mà còn cả tình cảm nhân đạo, lương tri lành mạnh của con người. Dầu được che đậy dưới nhiều danh nghĩa rất vô tư, rất tự nhiên, như kinh tế, chính trị hay xã hội chẳng hạn, căn do và hậu trường thực sự của những xung đột đáng ghê sợ ấy chính là những dị biệt về ý thức hệ, về tín ngưỡng người ta tôn thờ, bảo vệ và, trớ trêu thay, bắt người khác tôn thờ. Để qua một bên những hệ quả tiêu cực, có thể nghĩ rằng trong hành động sai lầm, đáng trách kia phản ánh nỗi khát khao về lý tưởng tinh thần, không có lý tưởng này, cuộc sống trở thành vô vị biết chừng nào. Cũng chính do bị ray rứt khôn nguôi vì nỗi nhớ nhung tôn giáo như vậy mà cộng đồng con người thời nay trở thành thửa đất màu mỡ phát sinh bao tổ chức mang hình thức hoặc được mệnh danh tôn giáo.

Với tất cả thành tâm, thiện chí, Hội Thánh mời gọi mọi tín đồ thuộc các tôn giáo khác cùng ngồi lại với nhau, bằng con đường đối thoại, để hiểu biết lẫn nhau, cộng tác với nhau bảo vệ và cổ xuý những giá trị đạo đức, văn hoá, xã hội8. Trong chiều hướng đó, Thượng hội đồng giám mục Châu Á 1998 phát biểu:

“Các tôn giáo của Châu Á đã khuôn đúc nếp sống và văn hoá các dân tộc Châu Á suốt nhiều ngàn năm và ngay cả hiện nay vẫn đem lại ý nghĩa lẫn phương hướng cho cuộc đời họ. Như thế rõ ràng các tôn giáo Châu Á quả là những tôn giáo có sức sống, thẩm thấu vào mọi khía cạnh cuộc đời cá nhân, gia đình và xã hội. Một bản chất tôn giáo sâu sắc là một trong những đặc trưng chính yếu của người Châu Á, được diễn đạt qua các nghi lễ dành cho những thời điểm quan yếu nhứt trong đời sống gia đình và xã hội như sinh nở, hôn nhân, tang chế. Những dịp kể trên đều có nghi thức, tụng niệm kinh kệ, cúng tế, đọc các bản văn thánh, tịnh trai, hành hương và bố thí. Những thành tố tích cực này của các tôn giáo Châu Á đang giúp cho người dân ở đây sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô 9.”

Xét về tỉ lệ, đặc biệt trong bối cảnh Châu Á, giữa bao nhiêu tôn giáo truyền thống cố cựu như Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, quả Hội Thánh chỉ là đàn chiên bé nhỏ10. Vậy việc đối thoại nhứt thiết phải được Hội Thánh thực hiện với tất cả tâm tình và cung cách vừa khiêm tốn, chân thành- không hề có tính cách chiến thuật, đối phó- cùng các tôn giáo khác, vừa cẩn trọng, khôn ngoan để vẫn trung tín, vẫn là chứng tá cho đức tin và đời sống Ki-tô giáo11.

Trong lúc công tác mục vụ hãy còn nhiều thách đố chưa có lối ra an toàn thì trên phương diện tư tưởng- thần học về các tôn giáo- Hội Thánh đang phải cân nhắc xem trong số các luồng tư duy gần như bất khả dung hợp ấy đâu là tiếng nói khả dĩ đáp ứng vừa với tinh thần đối thoại của Công đồng Vatican II lẫn với sứ vụ truyền giảng Tin Mừng mình đã nhận lãnh.

Có thể nêu ra trước hết ở đây thuyết Tương đối. Từ chỗ là một khuynh hướng triết học thời thượng của xã hội dân chủ, tự do, đa nguyên, nơi mọi người phải biết chung sống với lòng bao dung, chấp nhận những dị biệt của nhau, thuyết Tương đối du nhập vào lãnh vực suy tư thần học, đặc biệt là thần học Đa nguyên tôn giáo. Theo thuyết này, con người không thể đạt tới bản thể thật sự mà chỉ cảm nhận được những phản ánh, qua nhiều lăng kính khác nhau, của Chân lý tối thượng. Ở đây, Đức Giê-su không được nhìn nhận như Ngôi Lời vĩnh hằng của Thiên Chúa, song chỉ còn là một trong những vị thần tôn giáo của nhân loại. Hệ luỵ tất nhiên của chủ trương này đó là vai trò Hội Thánh mất đi tính ưu việt và khẩn thiết cố hữu. Việc đối thoại giữa các tôn giáo, do đó, phải tiến hành trên quan điểm bình đẳng đối với Chân lý 12.

Khuynh hướng Tương đối, trong khi vẫn thượng tôn quan điểm Thiên Chúa là trung tâm, lại có nhiều cách nhìn khác nhau về vai trò của Đức Ki-tô.

Theo chủ trương Ki-tô học chuẩn mực, tất cả mọi truyền thống ngoài Ki-tô giáo cũng là những cách biểu lộ khác nhau của Thiên Chúa cho nhân loại, và trên nguyên tắc đều có giá trị tương đương. Tuy vậy, dù không phải là yếu tố cấu thành ơn cứu độ cho tất cả mọi người, Đức Giê-su Ki-tô cũng là biểu tượng gây cảm hứng nhiều nhứt và là khuôn mẫu hoàn hảo trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại13.

Chủ trương Ki-tô học không chuẩn mực chẳng những không nhìn nhận vai trò cứu thế của Đức Ki-tô song còn chối bỏ tính cách mẫu mực của Người trong nhiệm cục cứu độ. Khuynh hướng này cho rằng, cũng như mọi tôn giáo khác, Ki-tô giáo cũng phải tập trung vào huyền nhiệm Thiên Chúa.

Chủ trương Ki-tô học loại trừ xác quyết Ki-tô giáo là con đường duy nhứt dẫn con người đến với ơn cứu độ.

Và chủ trương Ki-tô học bao gồm cho rằng tất cả mọi tín đồ của các tôn giáo khác đều là những Ki-tô hữu vô danh.

Trước bối cảnh vừa nêu, chúng ta không khỏi chạnh lòng với cảm nghĩ rằng Hội Thánh do Đức Ki-tô thành lập không nhứt thiết là dấu chỉ chuẩn mực của thực tại Nước Thiên Chúa, và chính Đức Giê-su Ki-tô, trọng tâm của công cuộc truyền giảng Tin Mừng, chẳng những bị đặt lại vấn đề trong vai trò Trung gian duy nhứt của ơn cứu độ mà còn có thể bị coi như một vật cản bất lợi thay vì là Con Đường chân chính đưa loài người đến với Thiên Chúa.

Về vấn đề này, ý kiến chính thức của Hội Thánh ra sao?

3. ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VẪN LÀ MỘT, HÔM QUA CŨNG NHƯ HÔM NAY, VÀ NHƯ VẬY MÃI ĐẾN MUÔN ĐỜI 14

Trong tông thư Hướng về Ngàn năm thứ ba, Đức Thánh cha Gio-an Phao-lô II đặt trọng tâm vào việc cử hành biến cố 2000 năm loài người chúng ta đón nhận ơn cứu độ do Đức Giê-su Ki-tô mang đến. Năm đầu tiên trong 3 năm chuẩn bị gần cho dịp Đại Toàn xá, theo ý Đức Thánh cha, được dành cho việc suy tư lại về Đức Ki-tô, Lời của Thiên Chúa, trở thành con người nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Để đạt được mục tiêu trên, Đức Thánh cha muốn có một cuộc lượng giá mới về Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế và Đấng Công bố Tin Mừng15. Câu chủ điểm của Tông thư “ Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời ”phải chăng phần nào bày tỏ lập trường kiên định của Hội Thánh về vai trò Đức Ki-tô trong Nhiệm cục cứu độ?

Câu trả lời phải là khẳng định khi chúng ta đọc tiếp một vài nơi khác củaTông thư, Đức Thánh cha quả quyết Đức Ki-tô là Đấng Cứu chuộc thế giới, là Trung gian duy nhứt giữa Thiên Chúa và con người, và dưới gầm trời này không còn bất kỳ một danh tánh nào khác để chúng ta kêu cứu 16.

Hơn nữa, viễn ảnh một cuộc hiệp nhứt của Ki-tô hữu thuộc các hệ phái khác nhau cũng được nêu lên trong Tông thư với ước muốn đó sẽ là một chứng từ đầy thuyết phục cho sứ điệp cứu độ Ki-tô giáo trước thế giới17.

Sau cùng, cũng theo tinh thần Tông thư, công cuộc đối thoại liên tôn, nhân biến cố mừng Năm Thánh 2000, sẽ tiến đến một giai đoạn vô cùng phúc lợi sau nhiều thập niên được xúc tiến. Đặc biệt Tông thư gợi ý những cuộc hội ngộ giữa Ki-tô giáo với Do Thái giáo và Hồi giáo tại những địa danh vô có ý nghĩa cùng quan trọng đối với cả ba tôn giáo độc thần này như Bê-lem, Giê-ru-sa-lem, núi Xi-nai18.

4. TẠM KẾT

Nhiều tham vọng hay quá lạc quan? Có thể đây chỉ là những ước nguyện, nhưng là những ước nguyện có cơ sở. Cơ sở đó chính là vì Hội Thánh vẫn phải thuỷ chung với Đức Chúa của mình. Như một người tôi tớ mẫn cán vẫn kiên trì với cộng việc được sở cậy – việc công bố Tin Mừng cứu độ19 – mặc cho thời thế thuận hay không thuận lợi20, trong khi chờ ngày chủ trở về21:

“Chỉ có một Thiên Chúa,

chỉ có một Đấng Trung gian

giữa Thiên Chúa và loài người:

đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su,

Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người 22.”

Và lạc quan, dầu có vẻ hơi quá, vốn là đặc trưng của Ki-tô giáo, đạo của tình thương và hy vọng 23. 

——————————

1 Xc Hiến chế tín lý Hội Thánh số 1

2 Xc Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo số 2

3 Thánh Cypriano(thế kỷ thứ 3): “ Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”

4 Xc Sắc lịnh Truyền giáo số 1

5 Xc Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo số 2

6 Xc Sứ vụ Đấng Cứu Thế các số 1, 5 và 11

7 Xc 1 Tm 2, 4-6

8 Xc Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo số 2

9 Xc Tài liệu làm việc số 7

10 Xc Tài liệu làm việc số 18; Ga 13, 33

11 Xc Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo số 2

12 Xc Bruno Chenu, báo La Croix, số 11. 01.1997

13 Xc Jacques Dupuis, tạp chí Spiritus tháng 2.92

14 Dt 13, 8

15 Xc Tông thư ngàn năm thứ ba số 40

16 Xc Tông thư Ngàn năm thứ ba số 4 và Cv 4, 12

17 Xc Tông thư Ngàn năm thứ ba số 55

18 Xc Tông thư Ngàn năm thứ ba số 53

19 Xc Mt 28, 19-20

20 Xc 2 Tm 4, 2

21 Xc Lc 12, 35-38

22 Xc 1 Tm 2, 5-6

23 Xc Ga 16, 33