Khảo Luận Về Kitô Học: Công Trình Của Đức Kitô (9/1)

0
1678


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG IX

CÔNG TRÌNH CỦA ĐỨC KITÔ

 

Qua Kinh Tin kính, Giáo hội tuyên xưng như sau về Ðức Kitô: “ loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, ngài đã từ trời xuống thế…” đã sống, đã chết và sống lại. Thực vậy, “ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).  Toàn bộ Tân Ước nhắm vào duy chỉ một điều là cắt nghĩa “mục đích” ấy. Tin mừng là không gì khác ngoài “lời cứu độ ấy: lógos sôtêrías taú­tês” (Cv 13:26), hằng tác dụng trong chúng ta qua phép Thánh tẩy (x. Rm 1:16). Ðược gọi là Cứu độ học, khoa thần học nghiên cứu về ơn cứu độ ấy. [114]

I. CỨU ÐỘ HỌC

Thuật ngữ “Cứu độ học” là từ dịch của danh từ Soterio­logia trong tiếng Latinh. Từ Hylạp (Tân Ước) Sôtêría có nghĩa là việc cứu rỗi, và lógos là lời, ý, hoặc trí, v.v. Vì vậy, từ ghép soterio­logia có nghĩa là ‘lời’ bàn về, học hỏi về công cuộc cứu độ. Theo nghĩa hẹp, Kitô học tìm hiểu về Ðức Kitô để biết Ngài là ai, còn Cứu độ học thì nghiên cứu về Ðức Kitô để biết Ngài đã làm gì. Ðức Giêsu Kitô là Emmanuen, “Thiên Chúa-ở-với-chúng-ta,” mà cũng vừa là Jehoshua, “Giavê cứu độ,” là “Thiên Chúa-cho-chúng-ta.”

Trong thần học hệ thống, có khi Cứu độ học được để tách ra khỏi Kitô học, làm thành một thiên chuyên khảo; còn khuynh hướng ngày nay thì tổng hợp làm một cả hai khía cạnh của mầu nhiệm về “Ðấng Cứu tinh tuyệt đối” là Ðức Giêsu Kitô. [115] Những công việc Ðức Giêsu đã làm mạc khải cho biết Ngài là ai (x. Ga 5:36; 10:25); vì thế, nghiên cứu về sự nghiệp Ðức Kitô là thực ra, chỉ để biết Ngài rõ hơn.

Mục đích của Cứu độ học là phân tích và đào sâu ơn cứu độ theo những cách nhìn khác nhau gặp thấy trong Tân Ước. Kinh Thánh cũng như các Giáo phụ và các thần học gia sau này đã mở ra nhiều viễn cảnh nhận thức về ơn ấy. Lý do là vì việc cứu độ là một công trình rất ư phức tạp: vừa là việc do Ðức Kitô (và cả Ba Ngôi) thực hiện, vừa là ơn con người mở lòng ra để nhận lấy. Ðó là lãnh vực của nhiệm mầu. Vì thế, Kinh Thánh đã phải dùng nhiều đến phép ẩn dụ, đến lối diễn đạt bằng biểu tượng, khái niệm, phạm trù, v.v. rất khác nhau, mượn từ các lãnh vực thương mại, luật pháp, chính trị, xã hội, y học, phụng tự, thiên nhiên vũ trụ, v.v., để chúng bổ túc lẫn nhau nhằm giúp cho hiểu đầy đủ hơn về công trình của Ðức Kitô. [116] Tóm lại, Tân Ước dùng đến ba mô thức để giải thích hoạt động cứu độ của Ðức Kitô: 1) Ðức Giêsu lịch sử là đường cứu độ; mô thức này dùng những hình ảnh như: Thầy dạy, mục tử, y sĩ… gặp thấy trong Phúc âm Nhất lãm. 2) Thập giá và phục sinh, với những hình ảnh: Ðấng hòa giải và Thượng tế, gặp thấy trong các thư của Phaolô và thư Do thái. 3) Sự việc Nhập thể với hình ảnh của Ðấng mạc khải, gặp thấy đặc biệt là trong văn bộ Gioan. Vì thế, thần học không thể chỉ đơn thuần dựa vào một ý niệm hoặc một phạm trù không thôi để dựa theo đó mà xây dựng Cứu độ học. Trong Tân Ước, giáo lý về công cuộc cứu độ xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau: có thể là qua một công thức tuyên tín hay một lời nhắn nhủ, hoặc một bài tường thuật, v.v. Mỗi xác quyết về Ðức Kitô (Ðấng Cứu độ) là một khẳng định về chức năng của Ngài, hoặc là về các sự việc Ngài đã làm cho chúng ta.

Giữa các lời khẳng định như thế, nên phân biệt những công thức có Thiên Chúa làm chủ thể tác động với những công thức trong đó con người làm chủ thể thụ động và đi liền với những gì con người đã thực hiện được để dâng lên Thiên Chúa. Nơi Ðức Kitô, Thiên Chúa và con người đã nên một; do thế, hoạt động của Ngài mang tính chất “thần nhân”: ở trong Ngài, hai hướng “đi lên” và “đi xuống” bắt gặp nhau. Dù thế thì cũng còn phải lưu ý là tất cả những cách nói ấy đều là những cách diễn đạt theo ẩn dụ, là những cách nói với ý nghĩa “phàm trần”; thế nên, cần phải được ý nghĩa siêu nhiên của đức tin bổ túc thêm cho. [117]

Lịch sử giáo lý này (Cứu độ học) khác với lịch sử Kitô học: trong khi giáo lý về Ðức Kitô chỉ được hình thành và xác định một cách cam go qua nhiều lần họp công đồng chung và vô số những cuộc tranh luận sôi nổi, thì, dù có nhiều quan điểm và ý kiến thần học khác nhau, giáo lý về công cuộc cứu độ của Ngài bao giờ cũng gặp được lập trường đồng nhất về đức tin. Vì thế, tài liệu phía huấn quyền để lại cũng rất ít. Tài liệu đầu tiên và quan trọng nhất là tín quy của công đồng NixêConxtăntinốp: “…vì loài người chúng tôi…” (DS 150). Ở Tây phương, dù không phủ nhận việc cứu chuộc, thì trường phái Pêlagiô (thế kỷ 5-6) cũng đã hiểu quá sai lạc về sự nghiệp của Ðức Kitô; vì thế, công đồng Orange đã phải minh định rằng việc công chính hóa và cứu độ loài người là kết quả công trình Ðức Kitô chịu chết trên thập giá (n. 530; x. DS 391). Hai công đồng Conx­tăn­tinốp II (n. 553) và III (n. 681) đã xác định rõ hơn về tầm mức cứu độ nêu lên ở trong tín điều vừa nói. [118] Phải đợi cho đến công đồng Trentô thì mới có được một học thuyết dồi dào về ơn cứu độ. Trong khóa 6, bàn về sự công chính hóa (n. 1547), và khóa 22 (n. 1562), bàn về hy tế Thánh thể, dựa vào những phạm trù “đền tội,” “công đức” và “lễ tế” (x. DS 1520tt; 1738tt), công đồng đã minh trình về học thuyết đó. Khoản 21, bàn về việc công chính hóa, đã định tín như sau: “Nếu ai chủ trương rằng Thiên Chúa đã ban Ðức Kitô cho loài người, chỉ như là Ðấng Cứu độ cần phải tin tưởng, chứ chẳng phải cả như là Ðấng lập luật cần phải vâng theo, thì sẽ bị tuyệt thông” (DS 1571). Nhiều tác giả coi khoản định tín này như là lối nói theo kiểu “a fortiori” (càng có lý mạnh hơn). Thế nên – và cũng nhân cuộc bùng lên của đợt khủng khoảng Giansêniô (n. 1653) – huấn quyền đã phải can thiệp để khẳng định rõ Ðức Kitô đã chết cho tất thảy mọi người (x. DS 2005). Công đồng Vaticanô I đã phác thảo cả một tài liệu về “Ðức tin Công giáo” với một chương mang tựa đề: “Ân sủng của Ðấng Cứu độ,” nhưng vì bị gián đoạn (n. 1870), nên không có giờ bàn luận sâu rộng về chủ đề. Vì vậy, chưa bao giờ Giáo hội định tín về giáo lý căn bản này.

Dù truyền thống Kitô giáo không bao giờ đặt vấn đề về công cuộc cứu chuộc, thì cách gián tiếp, nhiều giả thuyết và lạc giáo kitô học đã hiểu sai và giảm nhẹ tầm trọng yếu của sự nghiệp Ðức Kitô. [119]

Thần học thường gióng theo khuynh hướng văn hóa thời đại mà giải thích mầu nhiệm cứu độ. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, các Giáo phụ thường nhấn mạnh đến quan điểm hữu thể và thần nghiệm (ontological, mystical), với xu hướng “hạ giáng,” nghĩa là Ðức Kitô (Thiên Chúa) nhập thể và sống lại, hiện đang cứu rỗi và thần hóa loài người. Trong thiên niên kỷ thứ hai, thần học thường nhấn mạnh đến khía cạnh pháp lý, với xu hướng “thượng thăng,” và dùng những phạm trù thục tội, đền bù thay, v.v. Tất cả đều đồng ý là Cứu độ học đã đi qua một khúc quanh quan trọng kể từ khi thánh Anxenmô Canterbury († 1109) đề xướng học thuyết về Ðền tội, làm nên dạng thần học kinh viện chung của cả hai phía công giáo và tin lành. [120] Thật ra, bao giờ thần học cũng lưu ý đến cả hai xu hướng trên đây. Thần học ngày nay thường nhấn mạnh đến khía cạnh tu đức học trong công cuộc cứu độ của Ðức Giêsu, như thấy được qua các dạng thần học chính trị và giải phóng. [121] Ba mẫu quan niệm trên đây tương ứng với ba hình ảnh về Ðức Kitô: Ðức Kitô chiến thắng, Ðức Kitô tế phẩm và Ðức Kitô điển hình. Nhưng cả ba đều cần phải được bổ túc và phải bổ túc cho nhau, để giữ cân bằng hợp lý giữa hai yếu tố trong hoạt động cứu độ, tức là: ơn của Thiên Chúa và tự do của con người.

Cứu độ học không được quên đi rằng rốt cuộc, “ơn cứu độ” là chính Thiên Chúa tự trao hiến mình cho con người trong Ðức Kitô, và vì thế, cần phải luôn luôn đi sát với Kitô học; bởi, nếu không thì “ơn” chủ yếu ấy sẽ có thể bị lý trí phân tán để biến thành những “mối lợi” riêng biệt như: ơn thánh hóa, hiện sủng, các ân huệ của Thánh Thần, sự cư ngụ của Ba Ngôi, v.v. làm như  thể là cần phải phân chia hoạt động cứu độ duy nhất của Ðức Kitô ra nhiều “mầu nhiệm” chồng chất lên nhau, như: việc nhập thể, cuộc rao giảng về vương quốc, các phép lạ, cuộc tử nạn, biến cố sống lại, v.v. Nếu tiến hành theo phương pháp phân tích thì khó có thể tránh được tình trạng ấy; vì vậy, phải làm sao để quy hướng tất cả về với tâm điểm tổng hợp duy nhất là bản thân Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu độ loài người. Ðồng thời, cả việc đào sâu mạc khải lẫn truyền thống thần học phải biết dành ưu tiên hàng đầu cho mầu nhiệm phục sinh, là hành động cứu độ độc đáo và tiểu biểu nhất; chính do vậy mà có lúc Cứu độ học đã được quan niệm như là nỗ lực nghiên cứu về “giá trị” của cuộc tử nạn thập giá… Thiên khảo luận sẽ ra sức phối hòa các yếu tố này.

II. ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG ĐÃ ĐƯỢC SAI ĐẾN

Khởi điểm của mọi hành động cứu độ là sứ mệnh của Ðấng Cứu thế (x. HÐTG 2) – và cụ thể mà nói – là chính tình yêu của Chúa Cha. Nếu Ðức Kitô đã “xuống thế vì loài người chúng ta,” thì chính là vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16). [122] Nguồn suối tuyệt đối của ơn cứu độ là Thiên Chúa Ba Ngôi và ý định cứu độ phổ quát của Người (x. 1Tm 2: 4). “Sứ mệnh” khởi sự từ trong Thiên Chúa, rồi xuất hiện ra giữa lịch sử loài người, lịch sử cứu độ: vì trong cuộc hiện hữu vĩnh hằng, Cha “sinh ra” Con hằng hữu, nên cũng chính Người đã “sai” Con mình đi vào trong thời gian. Dĩ nhiên là phải hiểu các khái niệm này theo cách loại suy. Bởi được sinh ra, nên Con “thuộc về” Cha; thì cũng vậy, bởi được sai đi, nên Ðức Giêsu “vâng lời” Cha. Tựa như đặc tính của Con là “được sinh ra” do Cha, thì cũng vậy, đặc tính của sứ mệnh hoặc của công trình Ðức Giêsu là “vâng phục.” Chính vì thế Ðức Giêsu đã có thể nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy…” (Ga 4:34; x. 8:28-9). Tổng kết sứ mệnh của  mình, Ðức Giêsu nói: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 16:28). Tóm lại, Chúa Cha là nguồn gốc và là cùng đích của công cuộc cứu độ. Ðó là lý do tại sao Kinh Thánh gọi Thiên Chúa là Ðấng Cứu tinh (x. Is 43:11; Hs 13:4; 1Tm 4: 10, v.v.).

“Ơn cứu độ” đã nhập thể nơi Ðức Giêsu (x. Tt 2:11). Khi nhìn lại chính mình, Ðức Giêsu nhận ra “căn tính” của mình là “Ðấng được sai đi.” [123] Phúc âm Gioan lưu ý nhiều lần về điểm này (x. Ga 3:17.34; 5:37; 6:40.44, v.v.); các thánh sử khác cũng nêu bật giáo lý này (x. Mt 15:24; Mc 9:36tt; Lc 20:13); thánh Phaolô coi điểm này như là chân lý nền tảng của Tin mừng (x. Rm 8:3; Gl 4:4, v.v.). Tóm lược giáo lý chung này, thư Do thái gọi Ðức Kitô là “tông đồ” hoặc Sứ giả của Thiên Chúa (x. Dt 3:1). Thêm vào đó, “được sai” còn có nghĩa là “được ban cho” như Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16). Ðiều “được ban” là một ơn, một ân huệ, và trong trường hợp này là ơn cứu độ. Vì vậy, khi ẵm bồng Hài Nhi Giêsu, ông già Simêon đã kêu lên: “Chính mắt tôi đã thấy ơn cứu độ” (Lc 2:30), mà theo ý Thiên Chúa, mọi người cũng sẽ được thấy (x. Lc 3:6).

Mục đích của sứ mệnh ấy là “để cứu rỗi chúng ta…” hoặc, như Gioan viết, “để cho thế gian nhờ Ngài mà được cứu độ” (Ga 3:17). Tuy nhiên, lý do cuối cùng vẫn là tình yêu của Chúa Cha; bởi tình yêu đích thực cốt tại hành động tự trao ban chính mình cho người yêu. Khi Chúa Cha tự trao ban mình là trao ban Con Một mình, vì Con là “bản thân khác” của Người, là hình ảnh trác tuyệt và độc đáo của Người. Thế nên, nếu trong nội vi thần tính, Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4:18), thì trong cuộc nhập thể để tự trao hiến cho chúng ta, Thiên Chúa là Emmanuen, “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1:23); nói cách khác, Ðức Giêsu là “Thiên Chúa-tự-trao hiến-cho-chúng-ta.” Thư gửi Titô gọi Ðức Giêsu là “cuộc hiển linh của lòng từ hậu và nhân ái (philanthropia) Thiên Chúa, Ðấng Cứu độ chúng ta” (Tt 3:4). Ðó là nội dung tin mừng đầu tiên sứ thần loan báo cho các mục tử ở Bêlem: “Hôm nay, một Ðấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2:11).

Ðấng được sai đến để cứu độ trần gian, đã mặc lấy thân phận tôi tớ vâng phục ở giữa một xã hội tội lỗi, một xã hội phản loạn, không chịu vâng phục (x. Rm 5:19; Dt 2:2). Vâng phục là tự phó mình trong tay Chúa Cha để cho thế gian được cứu rỗi; thế thì, không có gì là lạ nếu Tân Ước quan niệm công cuộc cứu chuộc như là hành vi vâng phục: theo Gioan, thái độ vâng phục là cội gốc của hành động cứu rỗi (x. Ga 4:34; 5:30; 6:38; 14:31). Phaolô đối chiếu hành động bất phục tùng của Ađam (tội lỗi) với thái độ vâng phục của Ðức Kitô (Ðấng công chính hóa: x. Rm 5:19; Pl 2:8-9). Thư Do thái cũng giải thích hệt như thế: Thiên Chúa không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng hài lòng với thái độ của Ðấng vâng lời thực thi ý Người (x. Dt 10:5-9). Phúc âm Nhất lãm đã gợi lại thái độ vâng lời rướm máu ấy qua trình thuật về biến cố vườn Ghếtsêmani (x. Mt 26:42tt). Sứ mệnh cứu độ của Giáo hội (và của mỗi thành viên) cũng phải rập khuôn theo mẫu gương ấy, bằng không thì dù có hoạt động thế nào đi nữa – lớn lao bao nhiêu, tiếng tăm đến mấy đi nữa – cũng chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13:1).

III. THẾ GIỚI BỊ HƯ MẤT

Nói đến cứu độ tức phải hiểu là có một tình trạng lâm nguy hoặc tử vong đang cần được giải thoát hay cấp cứu. Tân Ước dùng một số ẩn dụ để trình tả tình trạng thế gian sống xa cách Thiên Chúa. Loài người đang “ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” như được gợi lên qua thánh thi “Chúc tụng Ðức Chúa” (Benedictus: x. Lc 1:79; Mt 4:16), nhưng vẫn khư khư từ chối không chịu đón nhận ánh sáng (x. Ga 1:5). Ðược cứu độ là được đưa từ tình trạng tăm tối ấy vào trong ánh sáng rạng ngời (x. Ep 5:8; 1Ga 2:8; Rm 13: 12; Cl 1:13; 1Pr 2:9, v.v.). Ðó là kết quả của hành vi tự do đón nhận, bởi ngược lại, cũng có thể là “người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3:19): tội là thế. [124]

Tình trạng kia còn tệ hơn cả thảm trạng ban đầu được gọi là nguyên tội; Gioan gọi đó là “tội trần gian” mà Ðức Kitô phải tẩy xóa (x. Ga 1:29). Phaolô đã nói đến tình cảnh nan giải của lương dân (x. Rm 1:18tt); nhưng tiếp đó, ngài quả quyết là cả đến Do thái nữa cũng “bị tội lỗi thống trị” (Ga 3:9). [125] Theo các tông đồ, ai phạm tội thì người ấy trở thành nô lệ, nô lệ của tội lỗi (x. Ga 8:34; Rm 6:17-19; 2Pr 2:19), nô lệ của lề Luật (x. Rm 8:2; Gl 4:5), nô lệ của những “yếu tố vũ trụ” (x. Gl 4:3), nghĩa là con người chịu đi thờ lạy “những vật tự bản chất không phải là thần” (x. Gl 4:8), và vì thế Gioan nhận định: “tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5:19), đang đóng vai “Thủ lãnh” để xưng hùng xưng bá trong nhân loại (x. Ga 12: 31; 14:30; 16:11; 1Cr 4:4; Ep 2:2). Cõi tội ác ấy là một thực tại khó hiểu, huyền bí, là, theo Phaolô, “mầu nhiệm của sự gian ác” (2Tx 2:7). Ngôn ngữ thần thoại này biểu hiện một thực tại khốc hại hằng từng giây từng phút đe dọa loài người.

Cứu độ học cần phải biết đẩy tội lỗi lui vào hậu cảnh, và tập trung trọn chú tâm vào đối tượng của mình là ơn cứu độ; bởi có thế thì mới tránh cho tận tuyệt được cơ nguy trở thành một thứ “tội học” (hamartology). Kế hoạch của Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ nhờ Ðức Kitô. Dù cho nguyên tội đã không xảy ra, thì mọi ơn sủng cũng đều, cũng vẫn là ơn của Ðức Kitô. Khi dùng cách nói: Thiên Chúa “cứ để” hoặc “chịu cảnh” loài người phạm tội, thần học ngầm hiểu là sự “cho phép” này cũng đã được lồng vào trong kế hoạch cứu độ; tội lỗi không làm cho Thiên Chúa ngạc nhiên hay bỡ ngỡ; Người không cần phải thay đổi hoặc hiệu chỉnh kế hoạch!

Tâm lý mà nói, có cảm thấy cần được cứu rỗi, thì mới mong đánh giá đúng ơn Chúa. Trở ngại lớn nhất trong việc đón nhận ơn giải hòa của Thiên Chúa là con người không cảm thấy mình tội lỗi. [126] Xã hội ngày nay không còn áy náy về tội, không thấy tội lỗi, làm như đã mất đi cảm thức về tội lỗi, và còn hơn nữa, cứ tưởng mình vô tội, mình công chính. Ngày xưa Ðức Giêsu đã nói với Biệt phái: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội; nhưng giờ đây các ông nói rằng:‘chúng tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9:41). Quả là đúng như thế đối với xã hội ngày nay.

Mâu thuẫn của tình trạng nói trên là ở chỗ này: một đàng thì tội lỗi tràn ngập, hiển nhiên trơ trẽn; nhưng đàng khác, không một ai chịu nhận trách nhiệm, chỉ biết đổ tội cho những nguyên do gì khác, cho là vì cơ cấu xã hội (chế độ chính trị, hệ thống kinh tế, v.v.), vì những yếu tố tự nhiên nằm ngoài tầm tay (như điều kiện di truyền, chẳng hạn), vì nền giáo dục (cấm kỵ cổ hủ, nền luân lý thủ cựu, lỗi thời, tẩy não) v.v. Có khi nhiều thần học gia và giáo lý viên cũng rập theo vũ điệu ấy: cứ một mực chụp mũ cho rằng: ý thức tội lỗi còn non nớt, không lành mạnh, tiền công đồng… Sở dĩ cảm thức về tội lỗi bị phai mờ đến như thế, có thể là vì nhiều lý do: có khi chỉ vì cứ cố ý “giam hãm chân lý” bởi sợ sự thật sẽ tố cáo (x. Rm 1:18); có thể là vì còn nhiều người trong thế hệ này vẫn đang ở trong mức độ luân lý sơ đẳng, chưa trưởng thành về mặt lương tâm; cũng có lẽ là vì phản ứng chống lại một quan niệm quá tiêu cực, bi đát về thân phận con người; hoặc là vì quá ỷ lại vào ơn Chúa. Dù sao, muốn có được ý thức về tội lỗi, thì thường phải cần đến một “yếu tố xúc tác,” chẳng hạn như một kinh nghiệm đặc thù, một vị linh hướng, v.v. Quả thật tội lỗi chỉ hiện rõ trong ánh sáng đức tin. Các thánh thường có cảm thức rất nhạy bén về tội lỗi.

Thế giới ngày nay đang ngụp lặn trong tội ác, đang nhiễm nặng bất công. [127] Khổ đau không giảm bớt, khổ đau của vô số quần chúng, nhất là của những kẻ vô tội, bất lực: đếm sao cho hết những người di cư tị nạn phải lánh xa quê hương để thoát cho khỏi bàn tay áp bức của những chế độ độc tài bất công, những trại tạm trú đầy nghịt nạn nhân của những chiến dịch diệt chủng; hàng triệu triệu công nhân đang bị bóc lột; bần cùng, bệnh tật, tham ô, áp bức… hiện ra nhan nhản trước mắt; biết bao nhiêu người phải thiệt mạng oan uổng vì rối loạn, chiến tranh, cách mạng… Ích kỷ là thường tình, sức mạnh là luật, công bằng bị bán đứng. Tiền của, khoái lạc, quyền bính là những loại ngẫu tượng tối cao, được tôn thờ ngày càng kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn: chúng ngang nhiên phô bày thói vô luân của chúng trên mọi thứ phương tiện truyền thông đại chúng. Lương tâm ngay chính cảm thấy bất lực: gắng sức làm cho tốt, thế mà kết quả lại ra xấu. Con người cảm thấy như có một “kẻ nội thù” nằm vùng ở trong tâm lòng mình, bởi những khuynh hướng xấu có vẻ mạnh hơn ý định tốt; thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm ấy: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7: 19; x. Rm 7:15-25). Dùng ngôn ngữ thời nay, thì có thể nói đó là trạng thái tha hóa. Tại sao? Tình trạng này không chỉ là hậu quả do bẩm tính hữu hạn bất toàn của thọ tạo, nhưng còn là âm mưu của một ý muốn tự do bất lương, thậm chí có kẻ còn nghĩ là có một bàn tay chủ mưu nào đó đang ngấm ngầm lập chương trình lèo lái bộ máy xã hội loài người đến chỗ “hoạt động” như vậy.

Ai là người chịu trách nhiệm? –Vì nhân loại sống mật thiết liên đới với nhau, cho nên tất cả những ai phạm tội thì đều liên can vào việc dấy lên “lực lượng tội ác.” Chịu trách nhiệm với ai? – Với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng con người vô tội, đã nâng con người lên bình diện siêu nhiên để chia sẻ cho hạnh phúc của Người, cũng như đã trao phó cho loài người trái đất làm “lạc viên” mà khai thác hầu chung sống với nhau và với Người trong tinh thần gia đình… và trong tự do. Dùng cách biểu đạt bằng dụ ngôn, Sách Sáng thế (x. St 1–10) trình thuật về phương án của Thiên Chúa và hậu quả của sự việc con người lạm dụng tự do; thần học gọi đó là tình trạng nhân loại sa ngã. Và như thế là tội lỗi đã và còn tiếp tục gây hại cho phận mệnh cánh chung của con người. Thiên Chúa đã dành cho con người một phận mệnh đời đời là sống với Người, nhưng nếu con người tự do không muốn, thì sẽ tách ra khỏi Người: đó là hành động tội lỗi, đó là con đường dẫn tới hỏa ngục. Ðức tin kitô không thể giữ thái độ mập mờ làm như thể tình trạng đó không nghiêm trọng; mạc khải của Tân Ước đã minh nhiên nói về mối nguy ấy (x. Mt 25:41; Lc 13:27; 2Tx 1:9, v.v.).

Lịch sử cho thấy là loài người không thể tự giải phóng mình khỏi ách tội ác được; thần học cho biết là con người không có khả năng tự nâng mình lên trên bình diện siêu nhiên, tức  không thể tự mình tạo cho mình có được sự sống của Thiên Chúa. Từ đầu, Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người mầm cậy trông ở một Ðấng sẽ đến trong tương lai (x. St 3:15); Tân Ước cho thấy rõ Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ. Vấn đề là nhân loại có ý thức như thế không? Có đặt niềm hy vọng vào một điều gì, vào một ai không?

IV. Ý NIỆM KITÔ GIÁO VỀ ƠN CỨU ĐỘ

Mỗi tôn giáo quan niệm theo một cách về sự cứu độ. [128] Kitô giáo hiểu ơn cứu độ như một thực tại phức tạp, phong phú, có tác dụng trên mọi chiều kích của hữu thể thọ tạo. Không chỉ là cái đối nghịch với “mất mát” với “hư hỏng” v.v. (như chẳng hạn “chữa lành” đối nghịch với “ngã bệnh,” “trả lại” với “cướp mất,” “đền bù” với “gây hại,” “làm hòa” với “gây hấn,” v.v.), mà còn hơn nhiều nữa. Cách chung, các kitô hữu quan niệm về ơn cứu độ một cách rất mơ hồ và thiếu sót. Ơn cứu độ là tình trạng tối hậu trong đó, tất cả những nhu cầu và khát vọng chính đáng của con người đều được thỏa mãn, và vì thế, trong đó, các cá nhân cũng như cộng đoàn nhân loại đều hưởng được hạnh phúc sung mãn. [129]

Nguồn liệu chủ yếu của việc tìm hiểu về ơn cứu độ là Kinh Thánh và kinh nghiệm liên tục của truyền thống Giáo hội. Dù tìm hiểu về cùng một thực tại, thì những thời đại khác nhau cũng nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau. Hiện giờ, do ảnh hưởng của công đồng Vaticanô II và công cuộc phục hưng trong Giáo hội tại Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là với việc thần học giải phóng xuất hiện và các văn kiện của Medellín và Puebla, thần học có xu hương nêu bật những chiều kích trần thế của ơn cứu độ và mối quan hệ với nỗ lực giải phóng về mặt chính trị cũng như xã hội. Nỗ lực dấn thân được coi như là một nguyên tắc chú giải và tìm hiểu, vì ơn cứu độ là một thực tại sống động; bởi thế, theo quan điểm của một số tác giả, muốn hiểu về ơn cứu độ, thì phải trực tiếp can dự vào thế sự hoặc là một cách thần nghiệm hoặc là một cách năng động.

Không thể định nghĩa ơn cứu độ một cách trừu tượng hay tiên thiên; nhưng muốn hiểu thì cần phải nhờ vào phương thức miêu tả. Vắn tắt mà nói, ơn cứu độ là khả năng được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, trong Thần Khí và qua trung gian Ðức Kitô. 2Pr 1:4 nêu lên hai yếu tố: tích cực là “được thông phần bản tính Thiên Chúa,” còn tiêu cực là “được thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.” Nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố tích cực, Truyền thống Ðông phương gọi đó là ơn “thần hóa”; còn thần học Tây phương thì vì chú ý nhiều hơn đến khía cạnh tiêu cực, nên gọi là việc chuộc tội; nhưng hai phía đều lưu ý đến cả hai khía cạnh. Ngoài ra, ơn cứu độ còn là một tiến trình, và đồng thời cũng là một trạng thái, được Kinh Thánh mạc khải qua nhiều hình bóng và ẩn dụ khác nhau.

Theo Kinh Thánh, [130] ơn cứu độ là kết quả của việc Thiên Chúa can thiệp cứu giúp con người, từng cá nhân cũng toàn bộ xã hội loài người. Trước hết, đó không phải một điều gì Thiên Chúa ban hoặc làm ở nơi ta, song là mối quan hệ đối với Người, mối quan hệ xác định tư thế của mỗi cá nhân đối với Người. Kinh Thánh dùng nhiều từ ngữ để diễn tả những khía cạnh hoặc giai đoạn của tiến trình ấy. Nói cho đúng, việc cứu rỗi quy hướng về với sự tuyệt đối, tình trạng chung cục, và bao hàm tất cả những ơn Thiên Chúa ban ở đời này và trong đời sau.

Trong Cựu Ước, ơn cứu độ được miêu tả rất cụ thể: có thể là việc cứu một cá nhân khỏi cảnh nguy hiểm, nhất là khỏi chết; việc chữa lành một bệnh nhân, chuộc lại một nô lệ hoặc tài sản của gia đình, hoặc là giúp đáp ứng những nhu cầu bách thiết, v.v.; đối với dân tộc là chiến thắng, là an ninh trong quê hương bờ cõi, v.v. (x. Tv 7:11; 18:28; 22:22; 34:19tt; 55:17; 69:2, v.v.). Ơn cứu độ là kinh nghiệm lịch sử của toàn dân, đặc biệt là kinh nghiệm về cuộc Xuất hành (x. Xh 15:2). Chúa Giavê giải phóng dân Người khỏi cảnh nô lệ và dẫn họ “vào một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật…” miền đất lý tưởng (x. Xh 3:8.17; 13:5; 33:3, v.v.). Vì ưu ái dân Người, Thiên Chúa đã dùng những trung gian, thường là những lãnh tụ hoặc tiên tri, mà đem ơn cứu độ đến cho dân (x. Tl 2:16.18; 9:15.31; 13:5; Is 7:8; 9:6; 11:9, v.v.). Dù sao thì cũng cần phải ý thức rõ là chính Giavê giải cứu, chứ không phải ai khác (x. Tl 7; Is 63:8tt; Hs 13: 4; 14:2tt,v.v.). Thiên Chúa “mua lại,” “chuộc lại” dân Người (x. Mc 6:4; Ðnl 7:8; 13:6); ngay cả khi chỉ về cuộc giải thoát toàn dân từ nơi lưu đày đưa về quê hương, Kinh Thánh cũng đã dùng từ “chuộc lại” (x. Gr 31:11; Dcr 10:8; Is 50:2). Ý nghĩa muốn nói lên là Thiên Chúa dẫn đưa dân Người trở về với Người (x. Xh 19:4), và qua ý nghĩa này, dân Ítraen đã bắt đầu quan niệm việc cứu độ theo chiều kích siêu nghiệm: được cứu rỗi là nghỉ ngơi bên Chúa, cho dù vẫn chưa có được ý niệm rõ ràng và phổ quát (x. Tv 16:10-11; Kn 3:1tt; 2Mcb 7:14, v.v.).

Tân Ước dùng một số từ Hylạp khi đề cập đến chủ đề này, chủ yếu là danh từ sôtêría (sự cứu độ, chừng 45 lần), cũng như các động từ sôzô (cứu rỗi, 106 lần) và điasôzô (cứu rỗi, 8 lần); ngoài ra còn có danh từ sôtêr (vị cứu tinh, 16 lần). Còn có những từ khác mang ý nghĩa tương tự, như là từ lýtron (giá chuộc) và một số từ ghép; cọng thêm vào đó là các từ rýomai (giải thoát), apolýô (giải phóng), và những từ ngữ luật pháp, phụng vụ liên quan đến việc “công chính hóa,” “chuộc tội,” “tế lễ,” v.v.

Công cuộc cứu độ là nội dung của “Tin mừng,” là nguồn hạnh phúc được loan báo từ khi Ðấng Cứu tinh mới chào đời (x. Lc 1–2). Hoạt động của Ðức Giêsu mang lại ơn cứu độ cho dân Ngài: sức khỏe, bánh ăn, ơn tha thứ, được trừ khỏi quỷ, được hồi sinh… Như thế, việc cứu độ cũng mang một ý nghĩa trần thế. Ý nghĩa ấy còn được thấy rõ qua các vụ được thoát nạn: Phaolô trong dịp đắm tàu vì bão (x. Cv 27:20.31.34), hoặc các môn đồ trong trường hợp tương tự giữa biển hồ Galilê (x. Mc 8:25; 14: 30); hoặc là qua hành động chữa lành bệnh nhân (x. Mc 5: 23. 28). Tuy nhiên, mang ý nghĩa chủ yếu tôn giáo, “cứu độ” là dấu chỉ vương quốc Thiên Chúa đã đến, dấu chỉ lộ hiện qua việc trừ quỷ (x. Lc 11:20tt), hoặc tha tội hay chữa lành bệnh nhân (x. Mc 2:1-12tt), qua việc tha tội và khôi phục địa vị trong xã hội (x. Lc 7:50). Ðặc biệt, “cứu độ” có nghĩa là Ðức Giêsu bước vào cuộc đời của một người, chẳng hạn như Dakêu (x. Lc 19:9). Cuối cùng, “cứu độ” là nội dung tổng quát hoặc là hoa quả của Tin mừng; chính vì thế mà Tin mừng được gọi là “lời cứu độ” (Cv 13:26), “con đường cứu độ” (Cv 16:17), hoặc là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa” (Rm 1:16). Ơn cứu độ được chuyển ban qua phép Rửa tội (x. Mc 16:16).

Mục đích của Phép Rửa tội là “thanh tẩy cho sạch tội lỗi” (Cv 22:16); vậy, ơn cứu độ có tác  dụng 1) xóa bỏ tội ác, 2) công chính hóa tội nhân, và 3) dẫn đưa vào một tình trạng hữu thể mới.

Tội lỗi là một thực tại bí nhiệm; vì thế, không thể có được ý niệm trực tiếp về nó, và chỉ có thể hiểu được phần nào nhờ ẩn dụ. Kinh Thánh dùng một số tỷ dụ: so sánh tội với vết nhơ, và vì thế, cứu rỗi được quan niệm như là xóa sạch (x. Kh 1:5; Tt 3:5; Ep 5:26); hoặc so sánh tội lỗi với cái chết, thế nên, ơn cứu độ là sự sống mới (Mt 7:14; Rm 6:4; Ep 5:26; 2Tm 1:10; 1Ga 3:14; Kh 2:7; 7:17, v.v.); hoặc coi tội lỗi như là món nợ đối với Thiên Chúa, vì vậy, cứu rỗi là xóa bỏ, là tha nợ (x. Mt 6:12 [Kinh ‘Lạy Cha’]; Mt 18:23tt; 26:28; Cv 13:43; Rm 3:25; Ep 1:7; Cl 1:14, v.v.); rồi, coi phạm tội như là [theo kiểu nói loài người] làm mếch lòng Chúa, là trở thành kẻ thù, do vậy, cứu độ là giải hòa (x. 2Cr 8:18tt; Rm 5:10; Cl 1:20tt); và so sánh tội nhân với nô lệ, thế nên, cứu rỗi là giải thoát, làm cho được sống tự do (x. Gl 5: 1; Rm 6:18tt; Ga 8:34tt, v.v.). Khai triển các ẩn dụ Kinh Thánh dùng khi luận giải về ơn cứu độ, là tác vụ của thần học.

Cứu rỗi là hành động Thiên Chúa mang lại ơn “công chính hóa” (thuật ngữ Phaolô dùng nhiều nhất); nói cách khác Thiên Chúa tuyên báo tội nhân đã trở nên “công chính” (x. Rm 3:24tt; 4:25; 8:30, v.v.). Dùng lối biểu đạt tượng hình, Phaolô làm như  Thiên Chúa lấy “tính công chính” của mình mà mặc cho hoặc bao trùm lấy tội nhân, khiến tội nhân được thực sự trở nên công chính, tức được thông phần chính sự sống của Người. Ðó là lý do tại sao ơn cứu độ được gọi là “sự sống mới,” “hữu thể mới,” “con người mới,” “tạo vật mới,” v.v. (x. Rm 6:4; 7:6; Cl 3:10; 2Cr 5:17; Kh 21:5), là một cuộc biến đổi đến tận gốc rễ, có tác dụng trên cá nhân, xã hội và toàn bộ vũ trụ. Nếu “con người cũ” sống trong “thế tục,” thì “con người mới” sống “trong Ðức Ki­tô.” Ðức Kitô hoạt động như “sinh quyển” mới cho những ai đã được đổi mới (x. Rm 6:11; 1Cr 1:2.30; 5:17; Ep 2:5tt, v.v.). Hoặc có thể biểu đạt theo một hình ảnh khác: Thần Khí cư ngụ trong người được cứu độ như là trong một Ðền thờ (x. 1Cr 3:16tt; Rm 8:23; Dt 6:4; Ep 2:18; 5:18,v.v.). Ðể diễn tả thực tại mới này, thư 2Pr đã dùng đến một công thức có thể nói là táo bạo nhất, đó là: “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1:4; x. Dt 6:4).

Ơn cứu độ ấy quả đang hiện diện ở nơi các kitô hữu, vì các ơn kể trên đây là kết quả của lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô (x. Rm 1:16), [131] và của Phép Thánh Tẩy (x. Rm 6:3-4). [132] Tuy nhiên, cũng vẫn chưa thành hiện thực trọn vẹn, vì dù “chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8:24), nghĩa là quá trình cứu độ (thánh hóa) chỉ hoàn tất trong tương lai. Hoặc nói như Gioan, dù “hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa,” nhưng vẫn còn phải chờ đến ngày Ðức Kitô xuất hiện (quang lâm) thì mới thấy được là thân phận chúng ta giống thân phận Ngài (x. 1Ga 3:2; x. Rm 8:19tt; 2Pr 3:13; Tt 2:13; Dt 9:28, v.v.). Sách Công vụ Tông đồ gọi các tín hữu là: “những ai đang được cứu độ” (Cv 2:47). Tóm lại, ơn cứu độ có một chiếu kích trần thế trong hiện tại, và một chiều kích tương lai trong đời sau: là sự việc xảy ra trong thời gian và hoàn tất trong vĩnh cửu, mang một khía cạnh tạm thời và một khía cạnh chung quyết.

Dù được Thiên Chúa ban cho từng cá nhân, vì tình yêu thì cụ thể (x. Mt 10:30; 1Cr 3:13; Gl 6:7-8, v.v.), ơn cứu độ cũng mang tính chất xã hội, bởi đó là hoa quả phát sinh từ mối kết liên với Ðức Giêsu và liên đới với nhau. Công đồng Vaticanô II nhận định rằng: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Người muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết chính Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (ASMD 9a). Sở dĩ ơn cứu độ mang tính xã hội như thế, thì chủ yếu là vì Ðấng Cứu độ là “con người phổ quát”; quả thế, “khi nhận lấy bản tính nhân loại, chính Ngài đã nối kết toàn thể loài người lại với Ngài vào trong một gia đình, bằng một tình liên đới siêu nhiên” (TÐGD 8b). Nghĩa là chẳng ai được cứu độ cách riêng lẻ mà không cần đến tình liên đới với người khác. Ðức Giêsu dạy: “Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi anh em” (x. Mt 6:14-15); nói cách khác: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:36-38). Như thế là vì đường đến với Ðấng Trung gian cứu độ đi qua lối ngả của tình liên đới với người khác (x. Mt 25:31tt). Ðể minh họa về mối liên kết và tình liên đới ấy, Ðức Giêsu đã dùng đến ẩn dụ: muốn được cứu độ, con người phải được tháp ghép vào Ngài, như nhành dính liền với thân cây để chia sẻ nhựa sống của thân (x. Ga 15:1tt), hoặc như chi thể dính liền với thân mình (x. 1Cr 10:17; 12:27v.v.).

Xã hội tính của ơn cứu độ xuất hiện rõ ở trong Giáo hội. Là Thân thể của Ðấng Cứu độ ở giữa lòng lịch sử (x. Cl 1:18; Ep 1:22-23, v.v.), Giáo hội mang trong mình và biểu hiện (như  là bí tích, x. ASMD 1) ơn cứu độ một cách hữu hình, bởi lẽ các thành viên của cộng đồng Giáo hội được Thần Khí hướng dẫn (x. Rm 8:14) và (phải) sống nhờ các hoa quả của Thần Khí ấy (x. Gl 5:22-4). Khi còn sống xa cách Ðức Kitô, chúng ta sống không có hy vọng, không có Thiên Chúa; còn bây giờ, nhờ máu Ðức Kitô, chúng ta đã xích gần lại với Thiên Chúa trong Ðức Kitô là “bình an” (Shalom), tức là tổng hợp của mọi ân huệ Thiên Chúa đã hứa ban trong thời đại cứu độ (x. Ep 2:1tt). Trong xã hội được cứu độ này (x. Ep 2:5), không còn chia rẽ, không còn kỳ thị (x. Gl 3:28), nhưng mọi người sống như đã thành một trong nhà của Thiên Chúa (x. Ep 2:18; 1Tm 3:15; Dt 3:6). Theo ý Chúa, Giáo hội phải là như vậy, phải cho thấy thực sự là như vậy. Nếu Giáo hội đã không được nhận ra như là cộng đồng chứa chan tràn đầy ơn cứu độ, thì chắc hẳn là vì những thiếu sót của nhiều thành viên.

Như thế, ơn cứu độ kitô giáo mang những chiều kích vừa thiêng liêng mà cũng vừa xác thể; xác thể cả ở đời này lẫn ở đời sau. Ở đời này, người kitô có bổn phận phải sống theo một cung cách mới (x. Rm 6:4; 7:6; 12:2,v.v.) hầu xây dựng một xã hội mới theo nguyên tắc hiệp thông (x. Cv 4:32-35). Ở đời sau, thì thể xác còn phải được cứu độ qua sự sống lại (x. Pl 3:21; 1Cr 15). Trong Kitô giáo, nếu chỉ nói “cứu rỗi linh hồn” thì chưa đủ; bởi việc cứu độ chỉ hoàn tất khi hồn xác kết hợp, sống chung lại trong ngày của Chúa (x. Pl 3:20-1; Rm 29; 1Cr 5:5,v.v.). “Trước” ngày ấy – nếu được phép nói theo cách phàm tục – lẽ tất ơn cứu độ đã thực sự bắt đầu (x. Pl 1:23; 2Cr 5:8), nhưng vẫn còn bất toàn.

Cuối cùng, Tân Ước mạc khải một điểm căn bản liên quan đến việc cứu độ: con người không thể tự cứu rỗi chính mình (x. ASMD 8a). Không một tôn giáo nào có được khả năng cứu độ các tín đồ của mình, cả đến Lề Luật của Cựu Ước cũng không (x. Gl 2: 15-16). Ơn cứu độ là ơn nhưng không của Thiên Chúa, tuyệt đối nhưng không (x. Rm 3:7.24, v.v.). Nguồn cội duy nhất là tình thương của Chúa Cha trong Ðức Kitô (x. Ga 3:16); Người đã yêu thương ta ngay cả khi ta còn là người tội lỗi (x. Rm 5:8). Vì là tình yêu (x. 1Ga 4:8.16), nên bao giờ Thiên Chúa cũng hành động vì yêu mến. Tự bản chất, tình yêu có những khía cạnh có vẻ nghịch lý; vì thế, công cuộc cứu độ cũng cho thấy nhiều khía cạnh xem ra không mấy ‘hợp lý’: tình yêu có những sáng kiến trí khôn không hiểu nổi! [133]

Người kitô tin vững là trong lãnh vực cứu độ, tự mình con người chẳng có thể làm được gì (x. Ga 15:4-5). Tuy nhiên, Tân Ước không ngừng kêu gọi các tín hữu hãy cộng tác với ơn Chúa trong việc cứu độ chính mình. Tiến trình cứu độ bắt đầu bằng việc “trở lại,” từ bỏ đường lối trần tục mà bước vào đường lối của Phúc âm. Ðức Giêsu đã khuyến khích đồng bào mình làm như thế (x. Mc 1:15), đúng với nhiệm vụ của sứ mệnh Ngài (x. Lc 5:32); rồi Ngài sai các tông đồ đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ thống hối để được cứu độ (x. Lc 24:47). Vì tội ác hằng không ngừng đe dọa mọi người, nên cần phải thường xuyên hối cải để có thể đón nhận ơn cứu độ, và đón nhận ngày càng dồi dào hơn. Nói một cách tích cực, muốn hợp tác với ơn Chúa, thì cần phải sống tốt lành như thánh Phêrô khuyên nhủ (x. 1Pr 4: 7tt), và như thánh Phaolô mạnh mẽ thôi thúc: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2:12), tức hãy cẩn trọng thực hiện việc cứu độ qua phần hợp tác của mình. Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người (x. 1Tm 2:4), nhưng Người không cưỡng bức ai vào thiên đàng trái với ý của người ấy. Mỗi người phải tự do đáp trả sáng kiến Thiên Chúa đề xuất và thi hành công tác cứu độ (x. Gc 1:22; Rm 2:13; Gl 6:7-10; 1Ga 3: 7,v.v.). Về phương diện chủ quan, tiến trình bắt đầu với việc đón nhận lời cứu độ, rồi lời ấy sẽ trở thành tiêu chuẩn để đoán xét (x. Ga 12:48): ai tuân theo sẽ được cứu độ, ai từ chối sẽ bị kết án (x. Mc 1:16; x. 1Cr 1:18; 2Cr 2:15). Như vậy, Thiên Chúa ban cho con người cơ hội góp phần vào việc cứu độ chính mình, và đặt phận mệnh của mỗi người vào chính trong tay của người ấy.

V. THẦN HỌC NGÀY NAY

Suy tư thần học khởi sự từ những tình huống đang thấy trước mắt: thực trạng thế giới ngày làm cho nhiều người có cảm tưởng công cuộc cứu độ của Ðức Kitô đã thất bại. Ðã hai mươi thế kỷ qua kể từ khi “Ðấng Cứu thế” hoàn tất sứ mệnh cứu độ, thế mà vẫn chưa thấy thế giới “được cứu độ” là bao nhiêu. Hơn nữa, xã hội vẫn thờ ơ không lưu ý đến sứ điệp của Ngài, hoặc cứ cố tình khước từ nó. Nếu nhìn lại những dân tộc “đã được Rửa tội” (các nước Tây phương nói chung), thì chưa thấy họ sống lương thiện gì hơn các dân tộc không kitô khác: họ đã gây ra hai thế chiến, chế tạo vô số vũ khí nhất, đứng hàng đầu trong chính sách bóc lột các dân tộc, trắng trợn phơi bày những lối sống đồi phong bại tục tệ hại nhất, v. v.

Mặt khác, ngôn ngữ Kitô giáo dùng để trình bày về ơn cứu độ lại rất nước đôi, làm như bóp méo hẳn đi chân dung chính thật của Thiên Chúa đến một độ khó có thể chấp nhận được. Thí dụ, khi nói về vấn đề “đền tội” thì có vẻ coi Thiên Chúa như là một “thương gia”: coi tội như là món nợ vô giá, cần Ðức Kitô phải trả cân xứng, tức là thí mạng mình để bù lại. Còn Chúa Cha thì được giới thiệu qua một dạng dung mạo có vẻ tàn bạo: giết Con mình một cách ác độc. Ðối với tội ác, Thiên Chúa làm như bất lực, không đủ sức để sửa chữa ‘thiệt hại’ do Ađam gây ra. Tệ hơn nữa, Thiên Chúa được trình họa như là Ðấng Tạo hóa khôn khéo, biết cách cầm giữ loài người để bao giờ cũng phải ngoan ngoãn phụ thuộc vào ơn Trên, chẳng khác chi một bộ máy loại xoàng, luôn luôn phải cần đến đồ phụ tùng; hoặc như là “ông ba bị” đem hỏa ngục ra mà dọa cho  các tín đồ khiếp sợ không dám sai lệnh, phạm tôi. Từ đó, Hình ảnh về con người cũng bị bóp méo theo luôn: nhấn mạnh đến bổn phận “cứu rỗi linh hồn” nhiều đến độ làm như quên mất giá trị của thân thể, của thế giới và lịch sử. Có những tín hữu lại quá ích kỷ chỉ biết lo “cứu linh hồn” của mình, không cần thiết tha gì đến số phận của người khác, của xã hội, v.v. hoặc chỉ coi như là chuyện thứ yếu. Rồi quan niệm cũng sai đối với lịch sử: được coi như là sân khấu trên đó, mỗi cá nhân chăm chăm chú chú lo đóng cho ngon vai “cứu lấy mình.” Cho việc “trốn trần tục” hoặc “bỏ thế gian” là lý tưởng phải nhắm tới, vì lẽ gian là kẻ thù của linh hồn… Quan niệm ơn cứu độ như thế là tự tách mình ra khỏi thế giới mình đang sống, là quên đi rằng loài người và muôn vật hằng liên đới chặt chẽ với nhau (x. Rm 8:19-23), [134] là không biết quan tâm đến giá trị của lịch sử. Cuối cùng, thiên đàng và hỏa ngục được trình ta với những hình bóng thần thoại, làm như là chỉ để nói chuyện với trẻ con, chẳng có được một chút sức năng thu hút nào để đối thoại với tư duy của thời đại này.

Vậy, giữa tình huống khó khăn ấy, tín hữu kitô cần phải biết kiên vững nêu cao niềm hy vọng của mình (x. 1Pr 3:15-16).

1.– Như người mọi thời, con người thời nay cũng cần được cứu độ. Hẳn là ngày nay, có nhiều người không cảm thấy cần được cứu độ, không cần ai khác cứu độ cho. Say đắm với tự do, họ không còn phân biệt được giữa mục đích của tự do và tự do. Họ cũng chẳng cần hy vọng gì ở “bên kia” cuộc đời, chẳng cần phải nhờ đến Thượng đế ở trên trời mây. Vô thần thực tiễn đang thời cực thịnh. Tuy nhiên, hiện nay, kẻ thù số một của việc cứu độ kitô không phải là chủ nghĩa vô thần, mà là những “lối cứu độ cạnh tranh” đang được trưng bày trên “thị trường tôn giáo.” Một thị trường tấp nập: các tôn giáo cổ truyền đang trên đà phục hưng, nhất là Hồi giáo; ngoài ra còn có những giáo phái mới lạ (ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh), hoặc là những phong trào ngụy trang dưới bộ mặt tôn giáo.

Vì nơi trần thế này, tâm hồn con người không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn, không ngừng hướng tới một viễn cảnh cao xa hơn, một cái gì khác… Khắp nơi đều có những người đi tìm những cảm nghiệm tôn giáo hay thiêng liêng. Ngay trong Giáo hội, cũng thấy xuất hiện nhiều phong trào cầu nguyện, chiêm niệm, chia sẻ Lời Chúa, dấn thân vào các việc tông đồ hoặc từ thiện. Trong thế giới ngày nay, hiện có hàng triệu triệu người trẻ không ưa lối sống duy vật, đang đi tìm một “lẽ sống” trong các tôn giáo hay trong các tổ chức nhân đạo, thiện nguyện. Họ đã thấy ra lối giải phóng giả của các chủ nghĩa, và đang hăm hở đi tìm hạnh phúc nơi một xã hội thật sự tự do trong một thế giới mới…

2.– Cần phải làm sao để ngôn ngữ tôn giáo trở thành trong sáng, dễ hiểu. Thần học đang cố thay thế ngôn ngữ cổ truyền dùng để trình bày về công cuộc cứu độ bằng một thứ ngôn ngữ mới. Quả thế, trong làng thần học đã có một vài dạng ngôn ngữ cấu lập theo chiều hướng đó: có dạng thì nhấn mạnh đến những khía cạnh thiêng liêng –  được gọi là “cánh chung” – của ơn cứu độ; có dạng khác lại nêu bật những khía cạnh trần thế, như: kinh tế, xã hội, hoặc lịch sử, chính trị, hay là cả hai. [135] Nhưng thế nào rồi tất cả cũng đều phải ý thức rằng tất yếu, ngôn ngữ thần học là ngôn ngữ mang ẩn dụ tính, và, vì vậy, không làm sao ứng đáp cho hoàn toàn thỏa đáng được nhu cầu hiểu biết về những thực tại siêu việt; hoặc nói cách khác: cần phải biết khiêm nhường nhìn nhận mầu nhiệm là mầu nhiệm; vì có nhiều điều thần học cũng không thể biết.

Thần học kinh viện, đặc biệt là thánh Tôma Aquinô, đã chọn bốn khía cạnh trong thực tại của ơn cứu độ duy nhất: công trạng, đền tội, hy tế, giá chuộc. Cả bốn thành ngữ đều mang đậm tính chất văn hóa của thời ấy: sống trong một xã hội có chế độ nô lệ tất sẽ hiểu ra dễ dàng giá chuộc là gì; [136] thấy có những tôn giáo giết sinh vật làm lễ tế thì sẽ nhận ra ngay ý nghĩa của “tế vật,” “máu,” “lễ toàn thiêu,” v.v. Ý niệm “công trạng” (merit) phát nguyên từ những nền văn hóa nặng về pháp lý hoặc từ những xã hội cạnh tranh, thi đua; còn ý niệm “đền bù thỏa đáng” (satisfac­­­­tion) thì bắt nguồn từ những nền văn hóa coi trọng danh dự. Các thuật ngữ này đều được cấu trúc theo phép “nhân hóa”: nhân hóa Thiên Chúa, tức là quan niệm Thiên Chúa xử thế như con người.

Thần học hiện đang chọn những từ người thời nay dùng vào việc biểu đạt niềm hy vọng hoặc lý tưởng cao đẹp nhất mà họ ước mơ, để đưa vào trong ngôn ngữ trình tả về ơn cứu độ. Ðiển hình là từø “giải phóng,” được dùng làm tên gọi của ơn cứu độ, [137] đặc biệt là ở Châu Mỹ Latinh. Quả vậy, ý niệm “giải phóng” có sức nêu bật những giá trị như tự do, tự quyết, phẩm giá, cá biệt tính, chủ quyền… trái với tình trạng tha hóa, lệ thuộc, bị bóc lột, bị áp bức, v.v., và như thế trên cả hai bình diện, cá nhân và xã hội. Thời đại này cũng rất chuộng từ “huynh đệ,” dùng để diễn tả tình tương thân, mối quan hệ ngang hàng, tinh thần cộng đoàn, v.v., ngược với lối sống cô độc, ích kỷ, đố kỵ, v.v. Ðể nêu lên chiều kích phổ quát, có người dùng từ ngữ “trâït tự mới” trong các nhóm, trong các xã hội, các quốc gia và cả quốc tế nữa, nhờ ảnh hưởng của ơn cứu độ. Những từ ngữ này đều muốn nói lên một thái trạng lý tưởng, ngập tràn hạnh phúc cho mỗi cá nhân cũng như cho toàn bộ xã hội loài người. Ðối với chiều kích cánh chung của ơn cứu độ, là chiều kích vượt quá khả năng của ngôn ngữ loài người, thần học đành phải sử dụng những cách nói của Kinh Thánh về “Ðất mới,” “vương quốc Thiên Chúa,” “lãnh vực công chính,” “hoà bình,”… và cuối cùng là “sống trong Chúa.”

3. Ơn cứu độ đổi mới và nâng cao tất cả những gì là tốt đẹp trong nhân loại để làm cho trở thành tốt hơn. Truyền thống kitô giáo có câu: gratia perficit naturam, “ân sủng hoàn chỉnh bản chất tự nhiên.” Thiên Chúa đâu có thích hạ nhục con người; con người mà được hạnh phúc thì danh Thiên Chúa càng được cả sáng. Chính Ðấng Tạo hóa đã gieo vào lòng con người một niềm khát vọng vô biên, khát vọng hạnh phúc, để được sung mãn ứng đáp qua ơn cứu độ. Con người là một tạo vật “đang trên đường phát triển,” hướng tới mức trọn vẹn thành tựu. Con người hoàn chỉnh là con người được cứu độ: đó là ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng đồng thời cũng là kết qua củả nỗ lực hợp tác từ phía con người. Và dù có được cứu độ, con người vẫn là con người, chứ không hóa thành thần linh; thế nên, vẫn phải chấp nhận giới hạn của tự do và khát vọng thọ tạo. Ơn cứu độ cứu chữa con người trong giới hạn của con người: hết mọi khả năng của con người sẽ được hoàn chỉnh, nhưng con người vẫn phải đi qua sự chết. Quả thế, Ðức Kitô đã chẳng cứu con người cho khỏi phải chết, Ngài cứu con người qua chính sự chết. Cứu rỗi đi đôi với tạo dựng, vì chỉ có một Thiên Chúa, một kế hoạch, một thế giới tạo vật, một nguyên thủy và một cánh chung. Ngôi Lời tạo hóa cũng là Ðấng Cứu thế nhập thể. Ý định của Thiên Chúa đã có từ đời đời, nhưng hiện đang diễn ra, đang tiến hành ở trong lịch sử, và sẽ thành tựu trong ngày quang lâm. Như men trong bột, ơn cứu độ đang âm thầm mà hữu hiệu, biến đổi chúng ta trong Ðức Kitô, và từng bước, dẫn đưa đến mức hoàn chỉnh lúc Ngài ngự đến (x. 1Ga 3:2; 2Pr 3:13; Rm 8:19-24.29).

Bàn về ơn cứu độ, tất phải sẵn sàng để đối diện với cách biểu đạt nghịch lý: ơn cứu độ vừa là ơn Chúa ban mà cũng vừa là việc con người thực hiện, đã hoàn tất nhưng vẫn còn tiếp diễn, đang diễn ra trong lịch sử nhưng chỉ được hoàn chỉnh sau hồi lịch sử chấm dứt, đòi phải sẵn sàng “bỏ mình” nhưng là để nắm giữ cho chắc hơn vận mệnh của chính con người mình, v.v. Tóm lại, con người được cứu độ là con người đã trở thành người ở một mức độ cao hơn (x. VMHV 41). Ðể hiểu về ơn cứu độ – theo phương diện chủ quan – thì nên lưu ý đến hai điểm: một là phải dựa theo phạm trù “dự phần” (participation) mà suy luận: con người chỉ dự phần vào bản tính Thiên Chúa trong một mức độ “cao” hay “thấp”: thấp nhất là thoát được hỏa ngục, cao nhất là sống trong thái trạng ngôi hiệp; kẻ hơn người kém, những ai được cứu độ đều ở giữa hai mức độ ấy; hai là cần ý thức rằng việc “dự phần” ấy xảy ra “trong Ðức Kitô,” cho những chi thể của Ngài, tức là những người kết hiệp với Ngài; vì dự phần vào bản tính Thiên Chúa là dự phần vào ơn ngôi hiệp của Ðức Kitô.

Cuối cùng, ý niệm cứu độ kitô giáo là tiêu chí để nhận định mọi dạng cứu độ khác. Bất cứ dạng cứu độ nào – nếu thực sự có sức mang lại được một hiệu quả nào – thì cũng chỉ ở bình diện thuần túy tự nhiên – của mỗi cá nhân hay của toàn bộ xã hội loài người – và chỉ ở đời này, không đáp ứng đủ được khát vọng sâu thẳm của con người, khát vọng vô biên, vượt quá khả năng hạn hẹp của nó; đúng thế, hy vọng của con người vượt quá sự chết, xuyên qua tận thế giới bên kia. Duy chỉ ơn cứu độ kitô giáo mới bao gồm cả chiều kích siêu việt, thần thiêng, tức là được sống thông hiệp với chính Thiên Chúa Ba Ngôi, ngay ở đời này và trong đời sống vĩnh cửu.

VI. VAI TRÒ CỦA ÐỨC KITÔ

Ðức Giêsu Kitô là tâm điểm của công trình cứu độ, cả như là biến cố cứu độ lẫn như là thực tại được cứu độ; Ngài vừa là tác nhân vừa là thụ nhâân của ơn cứu độ.

1. Ðức Giêsu, Người Ðược Cứu Ðộ

Chúa Phục sinh là nguyên mẫu của con người đã được cứu độ. Thần học nhất trí xác quyết rằng Ngài là nguyên nhân mô phạm của công trình cứu độ loài người. Trong thực tế, Ðức Giêsu đã sống qua kinh nghiệm của một người cần được cứu độ: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này…” (Ga 12:27), “Xin tha cho con khỏi uống chén này” (Mc 14:36). Thư Do thái cho biết rằng “Ðức Giêsu đã phải lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Thiên Chúa” thì mới được cứu (x. Dt 5:7). Bước vào con đường cứu độ, “Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8); Ngài bị xếp vào hàng tội nhân, bị kết án, bị Thiên Chúa làm như bỏ rơi… phải chịu chết để mang lại và đón lấy ơn cứu độ (x. Pl 2:8-9). Trong thân phận người phàm, Ngài là mẫu mực của người được hòa giải; duy chỉ Ngài mới làm cho Chúa Cha hài lòng (x. Mc 1:11), vì biết đã bỏ mình để làm đẹp lòng Người trong mọi sự (x. Ga 8:28-29). Ngài sống một đời người vô tội và vì thế hoàn toàn tự do trong chính mình và tron vẹn dấn thân cho tha nhân. Ơn cứu độ cốt ở việc Thiên Chúa tự trao ban chính mình cho con người; nơi Ðức Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa tự trao ban trọn vẹn chính mình cho Ngài, đến nỗi nơi Ðức Kitô, Thiên Chúa và con người chỉ là một. Ðức Kitô phục sinh là con người hoàn hảo và là Thiên Chúa toàn diện, toàn vẹn. Toàn bộ ơn cứu độ tích tụ trọn vẹn ở nơi Ngài.

2. Ðức Kitô, Ðấng Trung Gian Cứu độ

Danh từ “trung gian” dịch từ mesítes trong tiếng Hylạp và mediator trong tiếng Latinh, là những từ thoạt đầu chỉ mang ý nghĩa thuần túy thế tục (trong tiếng Việt, “làm mối” có thể được coi như là từ tương đương). Trong Cựu Ước, có nhiều trung gian với những chức năng khác nhau: Môsê là vị trung gian đặc thù của giao ước, các tiên tri là trung gian của lời Chúa, còn các lãnh tụ là trung gian của việc cứu thoát. Trong Dt 8:6; 9:15 và 1Tim 2: 5-6, Tân Ước gọi Ðức Kitô là “trung gian.” [138]

Lúc đầu, vì chịu ảnh hưởng của thuyết ngộ đạo, các kitô hữu suy nghĩ theo cách kiểu văn hóa Hylạp và các tôn giáo lương dân; các giới này tin là giữa Tạo hóa tối cao và các tạo vật bậc cuối, có nhiều phẩm trật trung gian, như tiểu thần, thiên thần, hóa công…). Vì thế, nhiều người đã quan niệm Ðức Kitô như một vị “ở giữa,” đặc biệt là như các thiên thần. Do vậy, các tác giả Tân Ước đã mạnh mẽ phản ứng và đánh đổ quan niệm sai lầm này (x. chẳng hạn Cl 2:18tt; Dt 1:4-14; Kh 19:10). Ðức Kitô, Trung gian, Ðầu của “của mọi quyền lực thần thiêng” (Cl 2:10), và của các kitô hữu, chi thể của Ðức Ki­tô, sẽ xét xử các thiên thần (x. 1Cr 6:3). Các thiên thần là tôi tớ của Thiên Chúa, “được sai đi phục vụ để mưu ích cho những ai sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt 1:14), và các vị đều thuộc về Ðức Kitô, Con Người (x. Mt 24:30tt). Ðức Kitô là Trung gian trên một bình diện độc đáo và theo một nghĩa độc nhất.  

Mạc khải cho biết: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu” (1Tm 2:5). [139] Phúc âm Gioan viết: “Từ  nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16; x. Dt 5:9). Thần học minh giải như sau: Ân huệ ban cho Ngài (gratia unionis, “ơn ngôi hiệp”) đã trở nên nguồn ơn cho chúng ta (gratia capitis, “ơn của Ðầu”). Bởi bản tính, Ngài là “thần-nhân,” và vì thế là “Ðấng liên kết” hai bên, Thiên Chúa và loài người. Sức sống từ Ðầu tuôn chảy xuống các chi thể; không một ai được cứu rỗi nếu không sống nhờ sự sống này. Ðó là tầm trọng yếu đối với cứu độ học của tín điều công đồng Canxêđôn minh định. [140]

Tân Ước trình bày chân lý ấy dưới nhiều dạng; thí dụ qua việc: trình tả Ðức Kitô phục sinh được nâng lên bên hữu Thiên Chúa, và được hưởng toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28:18; Ph 2:9, v.v.); hướng mắt nhìn lên Ðức Kitô hằng sống trên trời để chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 7:25; 1Ga 2:1); giới thiệu Ðức Giêsu trong tư thế là quan tòa phán xét trong ngày cánh chung, là Ðấng quyết định số phận vĩnh cửu của mọi người (x. Mt 25: 31tt; Cv 10:42); áp dụng cho Ngài những tước hiệu như “cửa,” “đường” duy nhất dẫn tới Chúa Cha (x. Ga 10:7tt; 14:6), và những ẩn dụ tương tự.

Phạm vi của vai trò trung gian cũng rộng lớn như kế hoạch của Thiên Chúa. Vũ trụ được dựng nên nhờ, qua và cho Ðức Ki­tô (x. 1Cr 8:6; Cl 1:15-17; Dt 1:1-3; Ga 1:3). Ðặc biệt Ngài là trung gian của giao ước mới Thiên Chúa thiết lập với loài người (Mt 26:28tt; Dt 7:22; 8:6; 9:15). Phaolô nêu bật sự việc Ðức Ki­tô là trung gian của việc công chính hóa, qua Ngài, Thiên Chúa hòa giải các tội nhân (x. 2Cr 5:21; Rm 5:18; 8:10, v.v.). Gioan khai triển chủ đề ‘Ðức Kitô trung gian mạc khải’: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có. Chưa có ai bao giờ thấy Thiên Chúa, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:17-18).

Các tiên tri trong Cựu Ước đã loan báo ơn cứu độ, đặc biệt là qua sự việc Thần Khí được tuôn đổ xuống trên mọi người phàm (x. Ge 3:1-2=Cv 2:17-8). Thần Khí sẽ ban sự sống mới (x. Ed 37) và sẽ làm cho toàn dân sống trong một thể cách mới (x. Ed 36:25-27; 39:29; Gr 31:31-34; 32:38-40; Is 59:21, v.v.). Mà, Thần Khí là sức sống của các trung gian. Ðấng Mêsia được Thần Khí “xức dầu” (x. Is 11:12; Lc 4:18tt), là người mang Thần Khí (x. Cv 10:37-38) và trao ban Thần Khí cho loài người (x. Ga 7:39; 14:26, v.v.). [141] Vì thế, Ðức Kitô là trung gian ban Thần Khí, ban sức sống mới, là nguồn sống đem ơn cứu độ đến cho mọi người, và sức đổi mới đến cho mọi thể chế. Thần Khí là hiện thân của ơn cứu độ nơi mọi người nhận được ơn ấy. [142]

***

Phụ lục

MỘT TRUNG GIAN VÀ NHIỀU TRUNG GIAN

1Tm 2:5 khẳng định rõ: chỉ có một Ðấng Trung gian duy nhất là Ðức Kitô. Mặt khác, Giáo hội cũng thường nói đến vai trò trung gian của Ðức Maria, các Thánh, các Thiên thần, v.v.  Công đồng Vaticanô II đã giải thích về điểm này ở trong ASMD 62, như sau:

“Không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và Cứu chuộc. Nhưng cũng như chức tư tế của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức khác nhau cho các thừa tác viên và giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các thụ tạo, thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ tạo cộng tác dưới nhiều hình thức khác nhau, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.” [143]

Hình ảnh “trung gian” hiện rõ ở trong Kinh Thánh: Môsê là trung gian của Giao ước, thượng tế là trung gian giữa Giavê và dân Ítraen, các tiên tri là trung gian của Lời Chúa, v.v. Trong sách Gióp, Thiên Chúa bảo: “Gióp, tôi tớ của Ta, sẽ chuyển cầu cho các ngươi. Ta sẽ đoái nhìn nó và sẽ không xử với các ngươi xứng với sự ngu xuẩn của các ngươi…” (G 42:8). Trong sách Tô­bia, Raphaen nói với ông: “Khi ông và Sara cầu nguyện, chính tôi đã dâng những lời cầu nguyện đó lên trước tôn nhan vinh hiển Thiên Chúa…” (Tb 12:12). Ðó chính là vai trò của các thiên thần theo Kh 8:3-4. Kinh Thánh còn cho thấy nhiều trường hợp khác của vai trò “trung gian,” đặc biệt là khi nói đến việc cầu nguyện cho một người khác (x. 2Cr 13:7; Cv 8:15; Gc 5:14.16, v.v.).

Sau công đồng Êphêsô (n. 431), thánh Xyrillô Alêxănđria đã dùng tước hiệu “trung gian” cho Ðức Maria. Thật vậy, kinh Sub tuum praesidium… đã có trong Giáo hội từ thế kỷ 3 hoặc 4, bắt đầu bên Ðông phương, và từ đó được đưa sang Tây phương, tức là từ thời bấy giờ các tín hữu đã biết dâng lên Ðức Mẹ những lời nguyện cầu. Sau này, các ngày lễ tôn kính Ðức Maria, các đền kính Thánh Mẫu và rất nhiều nơi hành hương ở khắp nơi trong các Giáo hội Ðông Tây, đã cho thấy rõ vai trò can thiệp, phù hộ, tức vai trò làm trung gian của Mẹ Ðức Giêsu. “Cảm thức đức tin” của dân Thiên Chúa, đã không mảy may sai lầm trong việc làm này. [144]

Những ai liên kết đặc biệt mật thiết với Ðức Kitô, Trung gian duy nhất, thì cũng được dự phần vào vai trò trung gian của Ngài qua việc chuyển cầu; đó là trường hợp của các Thánh. [145] Hơn thế nữa, bởi hiệp thông với Ðầu là Ðức Ki­tô, toàn thể Dân Chúa cũng được thông dự vào vai trò chuyển cầu của Ngài. [146] Vì vậy, mỗi khi Giáo hội chuyển cầu hoặc chúng ta “cầu nguyện cho nhau,” đều là những khi thi hành – trong Ðấng Trung gian độc nhất – sứ mạng làm trung gian trước nhan Thiên Chúa. Ðó là lý do tại sao các kinh nguyện phụng vụ đều kết thúc với công thức: “Nhờ Ðức Giê­su Kitô, Chúa chúng con…” Per Dominum nostrum Jesum Chris­tum…

 


[114] Mertens, H.-E., Not the Cross but the Crucified: An Essay in Soteriology, Louvain: Peeters 1992; Werbrick, J., Soteriologia, Brescia: Queriniana 1993.

[115] Karl Rahner gọi Ðức Kitô như thế: xin xem “Salvation” trong Sacramentum Mundi, London: Burns & Oates 1968-70, IV, C, 2.

[116] Caird, G. B., The Language and Imagery of the Bible, Grand Rapids: Eerd­mans 19972.

[117] Xin xem Manaranche, A., Pour nous les hommes la rédemption, Paris: Fayard 1984.

[118] Xin xem Sesboưé, B., Jésus Christ dans la tradition de l’église, Paris: Des­clée 1982, tt. 155-180.

[119] Xin xem McIntyre, J., The Shape of Soteriology: Studies on the Doctrine of the Death of Christ, Edinburgh: T&T Clark 19952.

[120] Eckardt, B. F., Anselm and Luther on the Atonement: Was It “Necessary”?, Edwin Mellen Pr. 1992.

[121] Xin xem González de Cardedal, O., “Cristo redentor. Esbozo de una sote­rio­lo­­gía crítica,” trong Cristo, redentor del hombre, Salamanca 1986, 85-166.

[122] Ford, J. M., Redeemer: Friend and Mother, Minneapolis: Fortress 1997. 

[123] Xin xem De Jonge, Marinus, God’s Final Envoy. Early Christology and Jesus’s Own View of His Mission, Grand Rapids: Eerdmans 1998. 

[124] Về tội lỗi, xin xem “Péché” trong Dict. de Spirit. LXXVII-LXXIX, Paris: Beauchesne 1984: trong Kinh Thánh, Stanislas Lyonnet, tt. 790-815; theo Thần học, Pierre Gervais, tt. 815-853; May, W.E., “Sin” trong Komonchak, J., The New Dict. of Theol., Wilmington: M. Glazier 1987, 954-967; xem thêm Ri­coeur, P. “Evil” trong Eliade, M. (ed), Encycl. of Religion, V, London: Collier Macmillan 1987, 199-208; xem thêm Pohier, J., Dieu: fractures, Paris 1985.

[125] Xem Schoonenberg, P., L’homme et le péché, Paris: Mame 1976; “L’hom­me dans le péché” trong Mysterium salutis. Dogmatique de l’histoire du salut, v. 8, Paris: Cerf 1970, ch. X , tt. 9-134.

[126] Bouchard, Ch. E., Whatever happened to Sin?, Liguori Publications 1995.

[127] Xin xem chẳng hạn, thông điệp Redemptor hominis, AAS 71 (1979) 257-324, miêu tả về tình trạng thế giới, số 39-67

[128] Heim, S. M., Salvation. Truth and Difference in Religion, N.Y.: Orbis Books 1995.

[129] Xin xem Rahner, K., et alii, “Salvation” trong Sacramentum mundi, Lon­don: Burns & Oates 1968, 405-438;Nest, P. (ed), Salvezza cristiana e culture idierne, (2cuốn), Torino 1985; Ford, D.F., Self and Salvation: Being Transfor­med, Cambridge U.P. 1998.

[130] Xin xem “Salut” trong X. Léon-Dufour, Dict. de théol. Biblique; “Redemp­­tion” trong Colin-Brown, New Dict. of New Test. Theol.; Timmer, J., Le salut, de la Genèse à l’Apocalypse, Aix-en-Provence 1993.

[131] Xin xem Bible de Jérusalem, Rm 1:16, chú cước J.

[132] Ibid. chú cước b.