Khảo Luận Về Kitô Học: Đức Kitô Trong Tư Thế Là Con Người (5/1)

0
1481


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG V

ÐỨC KITÔ TRONG TƯ THẾ LÀ CON NGƯỜI

 

“Ðây là người!” (Ga 19:5)

Nói Ðức Giêsu là một con người thì có vẻ như là lặp lại một chuyện nhạt nhẽo, khẳng định dư thừa về một điều hiển nhiên. Nhưng trong Kitô học, “mệnh đề” này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận gay cấn suốt mấy thế kỷ thời đầu Kitô giáo. Hiện nay, không ai là không nhìn nhận Ðức Giêsu là con người thật; và hơn bao giờ hết, ngày nay việc nhận thức kia đóng giữ một tầm trọng yếu rất rộng lớn, bởi lịch sử và thần học hiện đang ra sức tầm cứu để xem Ðức Giêsu đã là con người như thế nào, đã chia sẻ thân phận loài người ra làm sao…

Vấn đề ở đây là cố tìm xem trong cách thức nào, Ðức Giêsu là “đồng bào” của chúng ta: anh em thật sự và hoàn toàn, hay chỉ là “một phần nào,” hoặc  “giống như”… mà thôi? Mặt khác, nếu biết được Ðức Giêsu là con người thật sự và như thế nào, thì từ đó cũng biết được con người là gì, lý tưởng của con người là gì, và phải sống như thế nào để mà thành tựu sung mãn được nhân tính của mình.

VẤN ĐỀ

Suy tư về Ðức Giêsu là người, kitô hữu sẽ đối diện ngay với hai loại vấn đề: một là vấn đề chú giải (hermeneutics), hai là vấn đề thần học. Vấn đề chú giải: Tân Ước nói chung và Phúc Âm nói riêng, đã truyền đạt cho chúng ta một hình ảnh như thế nào về Ðức Giêsu? Cũng có thể nói đó là một vấn đề lịch sử: thực sự Ðức Giêsu Nadarét đã sống như thế nào, đã quan niệm như thế nào về mình, đã nói và đã làm những gì, v.v.? Vấn đề thần học: từ quan điểm siêu hình học, học giả sẽ tự hỏi làm sao một con người lại có thể là một bản ngã thần tính được? Và từ quan điểm cứu độ học, câu hỏi đặt ra là phải quan niệm như thế nào về giá trị cứu độ hoạt động của nhân tính Ðức Giêsu đã mang lại cho nhân loại?

Loại vấn đề thứ nhất, [1] liên quan đến khoa chú giải, sẽ được đặc biệt chú ý tới trong chương viết này.

Nguồn liệu chủ yếu về đời sống của Ðức Giêsu là bốn Phúc Âm, cho dù các tập sách này không phải là “tiểu sử” của Ðấng sáng lập Kitô giáo, mà chỉ là những “tập giáo lý” và, thêm nữa, cho dù bốn Phúc Âm đã không miêu trình một chân dung như nhau về Ðức Giêsu, mà đôi lúc, lại còn đưa ra những nét, những điểm có vẻ như mâu thuẫn với nhau. [2]

Quả vậy, chân dung Ðức Giêsu như thấy được qua bốn Phúc Âm, bao gồm hai loại thành tố khác nhau: a) loại trình họa Ðức Giêsu như là một con người thường, sinh sống như mọi đồng bào Do thái khác; và b) loại giới thiệu Ðức Giêsu như là một nhân vật siêu việt, phi thường trong cách nói năng và hành động. Có những phản ứng và thái độ khác nhau trước hai loại thành tố ấy:

– Có kẻ nhận a) như là xác thực, khách quan và coi b) như là thần thoại. Những người này tự cho là có óc phê bình, nhưng thực tế thì trái lại, vì đã để cho thành kiến tiên thiên chỉ đường dẫn lối.

– Có người chịu chấp nhận b) như là dữ liệu tôn giáo, nhưng giải thích cho rằng đó là những chuyện do đức tin hậu phục sinh “phóng chiếu về trước” mà có, tức là đăït để ra biến cố nhằm tạo nên một ý nghĩa. Ðành là việc đăït bịa có thể xảy ra, tuy nhiên cần phải chứng minh là như thế đối với mỗi trường hợp cụ thể. Văn chương kiểu “dựng đứng” này bao giờ cũng mang những sắc nét riêng biệt, dễ nhận; mà trong các Phúc Âm thì tuyệt nhiên không thấy xuất hiện những sắc nét loại ấy.

– Thứ ba là thái độ bất khả tri (agnostic) cho rằng không ai có thể biết được điều gì chắc chắn cả.

– Tầm cứu một cách khách quan và vô điều kiện, tức tiếp thu tất cả những dữ liệu và phân tích chúng với những công cụ khảo cứu thường dùng là sử học, triết lý, tôn giáo đối chiếu, v.v...

Cho rằng Ðức Giêsu chỉ đơn thuần là “một người tầm thường” thì chẳng khác chi tin như thật vào một truyện thần thoại; và chỉ những ai “không biết chi nhiều về thần học” mới nói được như vậy (W. Kasper). Một người tầm thường thì chỉ tạo được những kết quả tầm thường; nếu Ðức Giêsu chỉ là người tầm thường thì lịch sử trở thành phi lý, vì chính lịch sử cho thấy những kết quả phi thường do lời nói và hành động của Ðức Giêsu đem lại. Dù sao, là kitô hữu, chúng ta thâm tín Ðức Giêsu là Ðấng Tuyệt Ðối. Có miêu tả Ngài như là con người thật sự, thì cũng không thể quên được là ở nơi Ngài còn có “một cái gì khác” nữa. Hẳn là không thể lồng gọn Ngài vào bất cứ một loại khuôn mẫu nào được cả.

I. GIÁO THUYẾT CÔNG ĐỒNG CANXÊĐÔ

Là tín hữu kitô, tất phải nhớ nằm lòng nội dung giáo lý đức tin công giáo về nhân tính của Ðức Kitô. Vì các chương sau sẽ trình bày chi tiết về giáo lý này, thế nên, ở đây, chỉ xin tóm lược một số điểm về giáo lý và lịch sử liên quan đến nhân tính ấy.

Ðiều đáng lưu ý: lạc giáo đầu tiên Giáo hội đã từng phải đối phó, là một lạc giáo phủ nhận không phải là thiên tính, mà là  nhân tính của Ðức Kitô. Hồi thế kỷ 2, trong thế giới Hy lạp đã xuất hiện một trào lưu tư tưởng đại để có thể gọi là ngộ giáo. [3] Ðó là một phong trào hỗn tạp, bao gồm nhiều yếu tố khác nhau: Ðông phương, Hy lạp, Do thái và Kitô giáo, rất đa dạng, nhưng lại có một điểm chung là thuyết nhị nguyên, tức chủ thuyết coi thế giới vật chất là xấu xa, không thể nào do Thiên Chúa tốt lành tạo nên được, nhưng là do một nguyên lý khác. Những người chủ trương học thuyết này chia loài người làm ba loại: “người vật chất” (ilico), “người hồn phách,” (psychico) và “người nhân khí” (pneumatico). Loại thứ nhất không thể được cứu độ; loại thứ ba thì dù có làm gì đi nữa, thì cũng chẳng phạm tội; còn lại thứ hai thì cần phải cải biến. Các người chủ trương học thuyết này, trông chờ những vị cứu tinh sẽ đến dạy cho biết đủ cách thức để được giải phóng hoặc cứu rỗi. Trong thế giới tư tưởng loại này, mầu nhiệm Nhập thể không còn có chỗ đứng, bởi thể xác vật chất là xấu xa…

Từ đó phát sinh lạc giáo “ảo thân luận,” chủ trương Ðức Kitô không có thân xác thật, mà chỉ có vẻ là có một thể xác, [4] hay nói cách khác: thân xác Ngài chỉ là ảo ảnh. Ngôi Lời mặc lấy xác phàm tương tự như mặc áo, làm cho “tưởng” Ngài là con người. Vì vật chất là xấu, nên họ cho là điều ghê tởm, không thể nào xảy ra được, việc Thiên Chúa đã trở thành xác thịt. Kết luận tất yếu: Ðức Kitô không phải là con người thật, Ngài chỉ xem ra là như vậy thôi. [5] Khuynh hướng “ảo thân” đã lộ diện ngay từ hồi thế kỷ thứ nhất, vì thế Tân Ước, đặc biệt là Gioan (x. 1Ga 4:2-3; 2Ga 7), đã phải cảnh báo các tín hữu về lạc thuyết ấy.

Quả vậy, hầu hết các lạc giáo xuất hiện thời trước trong Giáo hội, đều tìm cách giảm thiểu nhân tính của Ðức Kitô:

– Lạc giáo Ariô cho rằng Ðức Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa mà cũng chẳng phải là con người, nhưng là một cái gì ở giữa, một nhân vật thần thoại ở trên mọi tạo vật khác.

– Giám mục Apollinaris († 350) quan niệm Ðức Kitô như là Ngôi Lời cọng với xác thịt, tức là không có linh hồn; như thế có nghĩa Ngài không phải là con người trọn vẹn.

– Thượng phụ Nestorius († 451) nêu bật quá đáng nhân tính Ðức Kitô, và tách Ðức Giêsu ra khỏi Ngôi Lời.

Nhất tính thuyết (thế kỷ 5) nhấn mạnh vào thiên tính đến độ làm cho nhân tính của Ðức Giêsu tan biến mất đi như một giọt sương rơi vào trong biển cả; thực tế mà nói, tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm đều là do Thiên Chúa làm.

Nhất ý thuyết giảm thiểu nhân tính xuống vì cho là Ðức Giêsu chỉ có ý chí thần tính, chứ không có ý chí loài người.

Vì thế, trong các công đồng thời xưa, Giáo hội đã phải mạnh mẽ lên tiếng để chính thức minh định nhằm bảo toàn nhân tính đích thực của Ðức Kitô. Các giáo phụ đề xuất những công thức minh xác giúp cho việc biểu đạt chân lý ấy được chỉnh toàn. Tertullianô († 222) xác quyết: caro salutis est cardo (“xác thịt là trục cứu độ”), [6] và giải thích: Nếu Ðức Kitô giả dạng sống trong xác thịt (làm người), thì tất thảy những gì Ngài đã làm qua xác thịt cũng đều là giả hiệu. Nếu phần hữu hình không thật, thì ai sẽ tin vào phần vô hình. Nếu xác không thật, thì cũng chẳng có thể chịu khổ để lập công cho được. Vậy, nếu nghĩ như thế thì sẽ gây xáo trộn đến toàn bộ kế hoạch cùng công trình của Thiên Chúa. [7] Thánh Lêô Cả cũng đã đề ra công thức totus in nostris (“hoàn toàn trong [bản tính] chúng ta”) [8] , và nhận định là: “Nếu Ngài không đồng thời vừa là Thiên Chúa vừa là con người, và trong cả hai [bản tính] vừa là duy nhất vừa là thực sự, thì không thể nào làm Ðấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người được.” [9] Ðáng lưu ý là bao giờ các giáo phụ cũng dựa vào bình diện cứu độ học để mà lý luận.

Công đồng Canxêđôn (năm 451) đã giải quyết vấn đề này. Các nghị phụ phủ nhận cả thuyết của Nestôriô lẫn nhất tính luận của Alêxanđria, và định tín Ðức Kitô là Thiên Chúa thật, toàn vẹn cùng đồng bản tính với Chúa Cha theo thiên tính, và làø con người thật, toàn vẹn cùng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, trong cùng một bản ngã duy nhất; hai bản tính (thiên tính và nhân tính) không trộn lẫn và không tách biệt khỏi nhau (x. DS 301-302). Ý nghĩa của từ teùleioV (téleios, hoàn chỉnh) là “toàn vẹn,” “thập toàn,” “không thiếu gì,” chứ không có nghĩa là “hoàn thiện,” “tốt nhất,” “số một trong mọi sự,” v.v. Giáo lý này có vẻ như thỏa hiệp với cả hai thái cực; nhưng nói cho cùng, cũng chẳng có phương thức nào khác, nếu muốn thực sự tôn trọng mầu nhiệm. Muốn miêu trình về Ðức Kitô, thì đành phải dùng cả hai cách khẳng định: một là cách để diễn tả những gì bình thường, và cách thứ hai là để nói lên những gì ngoại thường nơi Ðức Kitô. Tóm lại: Ðức Giêsu là con người toàn vẹn, như mọi người trừ ra tội lỗi, không có gì là “ngoại lệ” cũng không có gì thiếu kém so với bất cứ ai.

II. NHỮNG HÌNH ẢNH BÓP MÉO VỀ ĐỨC KITÔ TRONG KITÔ GIÁO

Trong cuốn Jesus Now (1973), [10] tác giả Malachi Martin, đã trưng ra một loạt những hình ảnh bị bóp méo về Ðức Kitô, gặp thấy suốt trong lịch sử Kitô giáo, kể từ buổi sơ khai cho đến thời cận kim. Dẫu tác phẩm có phần thiên về phía biếm họa thực tại, thì cũng phải nhận là lắm khi dung mạo của Ðức Giêsu đã bị mạo tác hay mạo phạm một cách quá đáng. Có kẻ coi Ngài như một người Do thái tầm thường không hơn không kém; kẻ khác lại cho Ngài là một Hoàng đế, hoặc là Ðấng toàn năng, là Thầy Cả, Ðan sĩ tuyệt đối hay là Quan tòa thẩm tra. Có khi thì Ngài được giới thiệu như là thầy yogi, Promêthêus, Ðấng giải phóng, Superstar, hay chỉ như một anh chàng hay hay, hoặc cả đến như một người loạn dâm đồng giới (!), v.v… Ðành rằng bất cứ hình ảnh nào về Ðức Giêsu cũng đều một phần nào, bị biến dạng đi do “thành kiến” hoặc do văn hóa, tôn giáo của một thời đại hay của một tôn giáo địa phương nào đó. [11]

Xin được tạm gộp các thứ hình dung méo mó này vào trong một số dạng loại như sau:

1. Bóp méo do lòng tôn kính

– Dân sùng đạo thường là “kẻ kém tin.” Vì sợ mình không tin cho đầy đủ, nên họ cố sức để tin thêm cho thật nhiều điều, nhưng tiếc là những điều này không nằm trong giáo lý đức tin; họ trở thành “siêu tín hữu.” Khởi điểm là khuynh hướng “thần hóa,” coi Ðức Giêsu, trước hết, như một thần linh. Do đó, phải tách Ðức Giêsu ra khỏi hạng tầm thường, khỏi phường tục tử, và biến Ngài thành “siêu nhân.” Vì tin Ngài là Thiên Chúa, nên họ quan niệm rằng mọi sự Ngài làm đều là phi thường, là thần thiêng, là kỳ diệu… Từ tiền đề ấy, họ diễn dịch và hình dung Ngài là người đẹp trai nhất, giỏi nhất, khỏe mạnh nhất, thành công nhất,v.v...

Khuynh hướng này lộ hiện rõ trong các ngụy thư. Một vài giáo phụ cũng đã hình dung Ðức Giêsu là như thế; chẳng hạn: ông Clêmentê Alêxanđria († khoảng 211-215) viết rằng “Thật là lố bịch nếu ai nghĩ thân thể của Ðấng Cứu thế cần đến những nhu cầu tầm thường để sống còn. Khi Ngài ăn không phải là vì thể xác Ngài cần – Ngài có sức mạnh thần thiêng cơ mà – song là để những kẻ chung quanh không nghĩ Ngài là “ảo thân” như sau này một số người đã nghĩ. Tuyệt đối Ngài không chịu gì khổ được cả, không thể bị xúc động do tác dụng hoặc của khoái lạc hoặc của khổ đau.” [12] Thánh Hilariô thành Poitiers († 366) cho rằng: “Khi ăn uống thì không phải vì Ngài chiều theo nhu cầu của mình, song là chiều theo thói quen của chúng ta.” [13] Và thánh Cyrillô Alêxađria († 444) nhận định như sau: “Dù bởi bản tính, không thể chảy nước mắt và chịu đau buồn, thì Ngài cũng đã để cho xác thịt khóc một chút” hầu nói lên lòng thông cảm đối với Maria và Mácta. [14]

Nếu lý luận đến cùng, thì khuynh hướng này sẽ dẫn tới lạc giáo ảo thân và nhất tính thuyết. Nhiều ảnh tượng trên các bàn thờ và những tấm hình in ấn trong các sách đạo đức đều hướng chiều theo lối biểu trình của khuynh hướng ấy. Theo nhận định của D. Bonhoeffer, trong cách quan niệm như thế về Ðức Kitô, “Thiên Chúa” là bản thể, “con người” là tùy thể.

2. Bóp méo kiểu trí thức

Thánh Tôma Aquinô đã viết rất đúng: “Ðiều thích hợp là Con Thiên Chúa phải mặc lấy xác thịt khả dĩ sống qua thân phận yếu đuối của người phàm.” [15] Rồi ngài đưa ra những lý do để giải thích: 1) vì mục đích của việc nhập thể là cứu rỗi loài người khỏi tội lỗi, nên Ngài mặc lấy hậu quả của tội lỗi; 2) để nhờ đó, việc tin vào mầu nhiệm nhập thể được dễ dàng hơn; 3) để nêu gương kiên nhẫn cho loài người. Hơn nữa, theo thánh nhân, những yếu đuối ấy là hậu quả tất yếu của nhân tính mà Ngài nhận lấy, chứ không phải vì lòng dủ thương mà Ngài muốn như thế.

Tuy nhiên, vẫn còn một ảnh hưởng của học thuyết Platô tồn dư trong quan niệm về con người, khiến Tôma Aquinô phải đưa ra cách phân biệt này: Ðức Giêsu chỉ duy nhất mặc lấy những gì tương hợp với thánh thiện và khôn ngoan, chứ không phải là những gì là xấu xa, như tình trạng bất tri, những khuynh hướng xấu, những yếu tố xấu do di truyền, v.v. Hiện nay, đa số người kitô vẫn tưởng là lúc sống ở Nadarét, Ðức Giêsu biết hết mọi sự.

3. Bóp méo theo dạng tân thời

– Trong thời cận kim, Ðức Giêsu đã được – cả đến những người không kitô – chú ý đến rất nhiều. [16] Thời đại này lại là thời đại dân chủ, hướng về với đại kết, đượm sắc thái đa dạng, v.v., thế nên, những hình ảnh về Ðức Giêsu cũng mang đậm tính chất “tự phát,” “đầy sáng kiến,” khác hẳn nhau hơn ở thời nào hết. Giữa thế kỷ 20, nhiều tác giả đã mặc cho Ðức Giêsu dạng mạo và những sắc nét mác-xít, coi Ngài là tiểu biểu cho một loại vô sản sơ khai, hoặc như là một nhà siêu cách mạng: một mặt, họ cho là Ngài giống Chê Guevara, còn mặt khác thì giống Gandhij. Phong trào hippy hay Jesus-freaks ở Hoa kỳ và Châu Âu lại giới trình Ðức Giêsu qua một thứ hình ảnh hề xiệc, theo kiểu các phim Jesus Superstar hay Godspell: một Ðức Giêsu dễ thương, “thông cảm” với mọi người, hơi ngây ngô, thường gặp phải vận rủi… [17]

Hiện nay, với trào lưu bản xứ hóa, các hình ảnh giới trình về Ðức Kitô tỏ ra rất lập dị và nặc mùi địa phương: ở châu Phi, Ðức Giêsu có da đen; ở Ấn độ, Ngài mang dung mạo của một guru; ở Ðông Á, Ngài có cặp mắt xếch lên, v.v...

Các học giả cũng không thiếu chi “sáng kiến” tương tự như thế. Từ thập kỷ 80, ở Hoa kỳ đã có một nhóm gọi là Jesus Seminar, cho rằng họ đã khám phá ra được “Ðức Giêsu đích thực,” [18] theo tiêu chí đặc biệt của họ. Kết quả công trình khám phá này cho thấy một Ðức Giêsu trong phận mệnh một người nông dân mù chữ, hoặc giống như thầy giảng xinic, [19] hoặc trong con người một vị thầy đầy xót thương, chăm lo dạy cho biết khôn ngoan để lật đổ xã hội cổ truyền, có đoàn sủng và kinh nghiệm Thần Khí, nhưng chẳng đòi hỏi gì, và dĩ nhiên, không phải là Thiên Chúa. [20] Những kết luận của nhóm này đã bị nhiều học giả nghiêm khắc chỉ trích. [21] Có điều là các học giả chia rẽ, vừa là vì lập trường tín lý khác nhau, vừa là vì tiền đề chú giải xung khắc nhau.

Với lòng tin và tinh thần cầu nguyện, kitô hữu sẽ có thể gặp được Ðức Giêsu Kitô sống động và được ơn để biết nhiều điều về cuộc đời và sứ điệp của Ngài. Những hình ảnh khác nhau hiện lên trong Tân Ước sẽ góp phần chủ yếu để phác họa một chân dung của Ðức Giêsu, nếu chưa thập phần hoàn hảo, thì ít là không trái với sự thật lich sử.

 


 [1]Hamilton, W., A Quest for the post-Historical Jesus, London: SCM 1993; Sanders, E. P., The Historical Figure of Jesus, London: Penguin 1993; Meier John P., A Marginal Jew: Rethinking the Historical Jesus. I. Roots of the problem and the Person, N.Y.: Doubleday 1991, II. Mentor, Message, and Miracles, 1994; O’Collins, Gerald, Christology: A Biblical, Historical, and Systematic Study of Jesus, Oxford: OUP 1995; Gnilka, Joachim, Jesus of Nazareth. Message and History, Hendrickson Publ. 1997; Theisen, G. and Merz, A., The Historical Jesus. A Textbook, SCM Press 1997; Marguerat, D. (ed), Jésus de Nazaret. Nouvelles approches d’une énigme, Genève 1997; Cilton, B. & Evans, C.A., (eds), Studying the Historical Jesus. Evaluation of the State of Current Research, NTTS 19, 1997.

[2] Segundo, J. L., Jesus of Nazareth Yesterday and Today, vol.2. The Historical Jesus of the Synoptics, London: Sheed&Ward 1985; Boers, H., Who Was Jesus? The Historical Jesus and the Synoptic Gospels, San Francisco: Harper & Row 1989.

[3] Về vấn đề quan trọng này, xin xem Rudolf, K., Gnosis, San Francisco: Harper & Row 1983; Hedrick, C.W.-Hodson, R. (eds), Nag Hammadi Gnosticism and Early Christianity, Peabody 1986; Orbe, A., Cristología gnóstica. Introducción a la soteriología de los siglos II y III (2 cuốn), Madrid 1976; idem, Il Cristo. Testi teologici spirituali dal I al IV sec. Introduzione, I, Milano 1987.

[4] Trong tiếng Hylạp đokeô có nghĩa là “hình như,” “có vẻ,” vì thế lạc giáo này được gọi là docetismus, docetism.

[5] Liébaert, J., L’Incarnation I: Des origines au Concile de Chalcédoine, 1965; Grillmeir, Aloys, SJ, Christ in Christian Tradition,  Greoffrey Chapman, Vol. I, From the Apostolic Age to Chalcedon, 1975.

[6] De carnis resurrectione 8, PL 2.806 ; xem Mahé, J.-P.(ed), Tertullien. La chair du Christ  (SCIENCE 716), Paris 1975, “Introduction” tt. 11-180.

[7] Xin xem Adversus Marcionem 3.8, PL 2.331.

[8] Epistola Ad Flavianum, 3 (năm 449). DS 293.

[9] Leo Magnus, Ad Iulianum, Epist. 35.3, PL 54.807.

[10] Martin, M., Jesus Now, New York: Dutton 1973

[11] Xin xem Pelikan, J.J., Jesus Through the Centuries: His Place in the History of Culture, Harper Collins 1987; idem, Illustrated Jesus through the Centuries, Yale Univ. Press 1997.

[12] Trong Stromata 6.9, PG 9.292.

[13] De Trinitate 10.24.

[14] Commentarium in Joannem 7.

[15] Summa theologica III.14.1, sed contra.

[16] Evans, C.A., Life of Jesus Research: An Annotated Bibliography, Leiden: Brill 1996.

[17] Xin xem Menozzi, D., Letture politiche di Gesù, Brescia 1979.

[18] Xin xem Witherington, B., The Jesus Quest: The Third Search for the Jew of Nazareth, Downers Grove: InterVarsity 1995.

[19] Chủ trương như thế: Crossan, J. D., The Historical Jesus: The Life of a Mediterranean Jewish Peasant, San Francisco: Harper 1994.

[20] Chủ trương như thế: Borg, M. J., Meeting Jesus Again for the First Time, San Francisco: Harper 1994.

[21] Xin xem Johnson, L.T., The Real Jesus, San Francisco: Harper 1995;  Meier, J. P., “The Present State of the ‘Third Quest’ for the Historical Jesus: Loss and Gain,” Biblica 80 (1999) 459-487.