Chúa Thánh Thần Trong Đời Sống Linh Mục

0
707


 

CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC

 

Môn sinh Tôma

Tóm kết từ tài liệu thần học của Học viện Đaminh

 

Dẫn nhập

1. Đôi nét thần học về Chúa Thánh Thần

Sứ mạng của Chúa Thánh Thần

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Con

Chúa Thánh Thần trong Giáo hội

2. Vai trò của Thánh Thần trong đời sống linh mục

Sứ vụ mục tử và đời sống thiêng liêng

Hiệp thông cá vị với Chúa Thánh Thần

Được kiện cường để hướng dẫn cộng đoàn

Kết luận

****************

Dẫn nhập

Khi nói về đời sống thiêng liêng của linh mục, chương III của tông huấn Pastores dabo vobis đã bắt đầu với chủ đề: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4, 18). Điều này cho thấy xuyên suốt của chương này sẽ nhắc đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục. Vì thế, bài viết này sẽ tìm hiểu đôi nét thần học chính yếu vốn có thể giúp linh mục tiến triển trong tương quan ngôi vị với Chúa Thánh Thần qua chính ơn gọi thiên chức linh mục của mình.

Bài viết này lần lượt trả lời cho những vấn đề sau: (1) Đâu là những nét thần học về Chúa Thánh Thần? Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là gì? Và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống linh mục như thế nào?

1. Đôi nét thần học về Chúa Thánh Thần

Trong lịch sử thần học, các giáo Phụ Đông phương, chẳng hạn như Basil và Gregory Nazianzen, đã khởi xướng một thần học mở đường cho việc xác định thiên tính của Chúa Thánh Thần trong Tam Vị Nhất Thể tại Công Đồng Constantinople I (381).

Sứ mạng của Chúa Thánh Thần

Ở Sách Công Vụ Tông Đồ, tác giả đã mô tả Chúa Thánh Thần, khi tuôn đổ tình yêu trào tràn của Chúa Cha và Chúa Con, như là một cơn gió mạnh có sức lay động cả nền nhà mà các tông đồ đang tụ họp vào Ngày Lễ Ngũ Tuần và xuất hiện hình lưỡi lửa trên từng người (Cv 2,1-4). Điều này giải thích vì sao Đức Giê-su sánh ví Thánh Thần như là dòng nước sự sống (Ga 7,38), và Giáo hội đã định tín “Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, và là Đấng Ban Sự Sống”.[1]

Đối với các thần học gia Tây Phương, Chúa Thánh Thần được nói đến như là “Ngôi vị của Tình Yêu, Tình Yêu trao ban giữa Cha và Con. Thánh Thần là dây liên kết giữa Cha và Con. Chính trong bối cảnh đó mà Thánh Linh cũng được gọi là ân ban, donum, hay tặng phẩm. Thánh Thần không những là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại, hoặc là nguồn mạch hồng ân đổ xuống cho nhân loại, và tác giả mọi ân sủng, nhưng chính bản thân Thánh Thần là sự trao tặng hỗ tương giữa Cha và Con”.[2]

Chúa Thánh Thần là ân ban cho nhân loại qua việc tuôn đổ các ơn (Is 11,2-3), vì thế, theo thánh Tô-ma, các ơn này thật cần thiết cho việc hấp thụ tập quán siêu nhiên để đáp trả ơn gọi nên Thánh.[3] Thánh Tô-ma nói rằng các ơn Chúa Thánh Thần là những tập quán của tâm hồn hơn là những ơn thường sủng, nhờ đó tuân theo hành động của Chúa Thánh Thần. Mục đích của các ơn này, giống như các nhân đức hướng Chúa, là để thánh hóa con người.[4]

Dĩ nhiên, bài viết này không đi tìm hiểu các ơn của Chúa Thánh Thần cho bằng muốn cho thấy tầm quan trọng các ơn ấy trong tương quan của linh mục với Thiên Chúa, chẳng hạn với ơn thông tuệ, sẽ giúp linh mục có được đức tin sâu thẳm vốn rất cần thiết đối với việc thánh hóa bản thân cũng như sứ vụ linh mục.

Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng của Chúa Con

Chúa Con và Chúa Thánh Thần trên trần gian đều có sứ mạng riêng biệt nhưng không tách biệt. Thực vậy, trong Tông Thư Tertio millennio adveniente, Đức Gio-an Phao-lô II đã mở đầu bằng việc trích dẫn bản văn kinh điển của Phao-lô: “Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Người Con đến tâm hồn chúng ta, kêu lên “Abba! Lạy Cha” để chỉ ra rằng sứ mạng của Đức Ki-tô vẫn được tiếp tục nơi sứ mạng của Chúa Thánh Thần.[5] Sứ mạng hoạt động của Chúa Thánh Thần có thể được được tóm gọn cách đầy đủ nhất trong Hiến Chế LG như sau: Người đến để khai mào cho sứ vụ của Giáo hội, để thánh hoá Giáo hội. Người ban sức sống cho Giáo hội, và khơi mạch nước trường sinh cho các tín hữu, và là lời bảo chứng cho thân xác phục sinh mai sau. Người ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu, cầu nguyện nơi cung lòng của họ, và chứng thực ơn làm nghĩa tử. Người hướng dẫn Giáo hội đến chân lý toàn vẹn. Người kết hợp Giáo hội bằng sự thông hiệp và các tác vụ. Cuối cùng, Người canh tân Giáo hội và hướng dẫn Giáo hội kết hợp với Đức Ki-tô (LG 4).

Chúa Thánh Thần trong Giáo hội

Được Chúa Cha và Chúa Con sai phái, Chúa Thánh Thần trở thành linh hồn của Giáo hội, bởi vì Người được ví như là nguồn mạch làm cho thân thể trở nên sống động, đầy tràn sinh lực.[6] Vì vậy, dù sự thăng trầm của con người trong tội lụy làm cho Giáo hội suy giảm đi tính thánh thiện, thì chúng ta vẫn xác tín rằng Chúa Thánh Thần luôn trợ giúp Giáo hội (Ga 14,16) và hướng dẫn Giáo hội đến chân lý toàn vẹn (Ga 16,13).[7]

Bởi vì Chúa Thánh Thần ở trong linh mục theo cách thế đặc biệt, linh mục trở thành những khí cụ được Chúa Thánh Thần dùng để hướng dẫn Giáo hội đạt tới sự thánh thiện. Do đó, linh mục được trao phó sứ vụ mục tử là chuyển thông những công trạng của Đức Ki-tô qua các bí tích, đặc biệt là qua hy tế của Thánh Lễ.

Truyền thống Công Giáo luôn xác tín Chúa Thánh Thần hoạt động một cách đặc biệt trong Thánh Lễ, nơi mà linh mục hiện tại hóa hy lễ của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê. Việc tái diễn công trình cứu độ này được thực hiện qua lời khẩn nài epiklesis. Lời khẩn này thường gắn liền với cử chỉ đặt tay lên đầu người lãnh bí tích, chẳng hạn như bí tích Thêm Sức và Truyền Chức, hoặc trên đồ vật như nước, dầu, bánh rượu. Xét một cách cụ thể hơn, lời khẩn nài này còn nhắm đến hai công hiệu chính:

Thánh hiến lễ phẩm: bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, biến đổi bánh và rượu nên Mình và Máu Chúa Giê-su.

Biến đổi các tín hữu thông dự vào Mình và Máu Chúa Giê-su được trở nên thân thể huyền nhiệm của Người.[8]

Vì thế, là khí cụ cho những hoạt động mầu nhiệm cao cả này, nếu linh mục không nỗ lực thăng tiến trong mối tương quan với Chúa Thánh Thần, thì sẽ luôn có nguy trở nên máy móc khi cử hành phụng vụ và trong các bổn phận của người mục tử đối với ơn ích của tha nhân.

2. Vai trò của Thánh Thần trong đời sống linh mục

Sứ vụ mục tử và đời sống thiêng liêng

Trong bí tích Truyền Chức, linh mục đã nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần. Chính ấn tích này làm cho linh mục trở nên thừa tác viên Đức Giê-su và của Giáo hội đến muôn đời. Cùng với lời hứa là Đấng Bảo Trợ sẽ ở luôn mãi nơi linh mục, linh mục biết rằng mình sẽ không bao giờ mất đi sự hiện diện và quyền năng thực sự của Chúa Thánh Thần để có thể thi hành sứ vụ và sống đức ái mục tử, vốn là nguồn mạch, tiêu chí và chuẩn mực cho tình yêu và phục vụ. Đức ái này quyết định nơi linh mục cung cách suy nghĩ, hành động và hướng dẫn bản thân.[9]

Đức ái mục tử này gắn kết với đức ái mục tử của Đức Giê-su. Đây quả là ơn nhưng không của Chúa Thánh Thần, và đối lại đòi hỏi nơi linh mục một sự đáp trả cũng như sẵn sàng dấn thân một cách tự do và có trách nhiệm. Điểm cốt yếu của đức ái mục tử chính là trao tặng chính bản thân, một sự trao tặng hoàn toàn cho Giáo hội, để theo sát Đức Ki-tô. Đây là một nhân đức mà nhờ đó linh mục có thể noi gương Đức Ki-tô trong việc trao hiến và phục vụ. Khi trao hiến chính mình, linh mục đang bộc lộ tình yêu cho tha nhân, những người được Giáo hội giao phó trong việc coi sóc. [10]

Bác ái mục tử này chính là nguyên lý nội tại, nhân đức giúp linh mục sống đời sống thiêng liêng.[11] Cũng như mọi tín hữu khác, đời sống thiêng liêng này sẽ được thôi thúc và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.[12] Dĩ nhiên, điểm khác biệt ở đây là Chúa Thánh Thần sẽ làm cho linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô qua việc phục vụ và trở nên đầy tớ của Giáo hội.[13]Ơn này phát xuất từ sự thánh hiến qua bí tích Truyền Chức. Nhờ sự tuôn đổ Thánh Thần trong bí tích này, “đời sống thiêng liêng của linh mục được đóng ấn, được uốn nắn và được đánh dấu bởi những cách ứng xử của chính Đức Ki-tô là Đầu và Mục Tử Giáo hội”.[14]

Hiệp Thông cá vị với Chúa Thánh Thần

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho linh mục, qua bí tích Truyền Chức, năng quyền giảng dạy và công bố lời Chúa. Trong sự hiệp thông với Giáo hội bằng phẩm trật tư tế, linh mục sẽ được Chúa Thánh Thấn, Đấng được Chúa Cha sai phái qua Đức Ki-tô, sẽ hướng dẫn ngài mọi sự, làm cho linh mục nhớ lại mọi điều mà Đức Giê-su đã nói với các Tông Đồ. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, việc học hỏi lời Chúa nơi Thánh Kinh, cộng với sự soi sáng của Truyền Thống lẫn Huấn quyền, linh mục khám phá ra nguồn mạch phong phú của Lời được công bố cho toàn cộng đoàn mà ngài được ủy thác.[15]

Kể từ Vantican II, các linh mục được mời gọi nuôi dưỡng sứ vụ loan báo Lời Chúa qua việc suy niệm Thánh Kinh. Lời Chúa được Thánh Thần linh hứng, và vì thế khi suy niệm những lời này, linh mục sẽ đào sâu mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô để qua đó linh mục trở thành chứng nhân của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thực vậy, trước khi được cất nhắc lên trời, Chúa Phục Sinh đã nói với các tông đồ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Cv 1,8 trên cho thấy hai điểm quan trọng. Thứ nhất, mệnh lệnh loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su cho muôn dân là nét đặc trưng của Lu-ca. Trong lịch sử cứu độ, Giê-ru-sa-lem giữ một vị thế quan trọng, và trở thành một trong những chủ đề chính của Tin Mừng Lu-ca. Toàn bộ đời sống của Đức Giê-su đều hướng về Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51; 19,48). Vì Đức Giê-su đã thực hiện việc bẻ bánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem (Lc 24,19), cho nên Giáo hội cũng cần bắt đầu tại Giê-ru-sa-lem, nơi họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh (Lc 24,30-33). Hạn từ “cho đến tận cùng trái đất” là lối diễn giải của Lu-ca với cụm từ “tới muôn dân” (Lc 24,47) theo nghĩa của sách ngôn sứ Is 9,6.

Thứ đến, việc loan báo này phải cậy nhờ tới sức mạnh của Thánh Thần. Tác giả Lu-ca đã khẳng định rằng các tông đồ có thể trở nên những chứng nhân chỉ sau khi họ nhận được Chúa Thánh Thần. Tác giả Lu-ca nhấn mạnh điều này một lần nữa khi trình thuật về những biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-41): việc làm chứng của các tông đồ được trợ giúp bằng chính sự biểu lộ của Chúa Thánh Thần. Các tông đồ làm chứng đang khi họ được “đầy tràn Thánh Thần” (Cv 2,4), nhờ đó, nhiều người sẽ tin vào lời chứng của họ (Cv 2,41).[16]

Được kiện cường để hướng dẫn cộng đoàn

Khi hiệp thông với Chúa Thánh Thần, linh mục sẽ tìm được sức mạnh để hướng dẫn cộng đoàn mà Giáo hội ủy thác cho ngài và duy trì cộng đoàn trong sự hiệp nhất với thánh ý của Thiên Chúa.[17]Trong Sắc lệnh Presbytorum Ordinis, số 6, Công đồng đã nói rất rõ về sứ vụ chăm sóc dân Thiên Chúa của linh mục. Sứ vụ này được diễn tả qua nhiều hình thái khác nhau: thăng tiến đời sống đức tin qua việc giảng dạy, sửa bảo huynh đệ; kiến tạo sự hiệp nhất giữa các tín hữu; chăm lo cho những người nghèo khổ và yếu đuối; xây dựng cộng đoàn thành một bầu khí gia đình.

Sứ vụ này thật không dễ chút nào. Nó đòi hỏi linh mục kết hiệp sâu xa với Chúa Thánh Thần ngõ hầu kín múc được các ơn của Chúa Thánh Thần để cai quản cộng đoàn. Đây là một trách nhiệm hết sức “tế nhị và phức tạp, đòi hỏi, ngoài sự chú tâm đối với từng người và từng ơn gọi khác biệt, phải có khả năng điều hợp mọi ân huệ và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong cộng đoàn, bằng cách kiểm nghiệm chúng và mặc giá trị cho chúng hầu xây dựng Giáo Hội luôn luôn trong sự hiệp nhất với các giám mục”.[18]

Sứ vụ dẫn dắt cộng đoàn được ủy thác cho linh mục đòi hỏi ngài có một đời sống đức tin sâu sắc, có đầy đủ những phẩm chất cao quý của người lãnh đạo cộng đoàn. Những phẩm chất ấy là lòng trung thành, sự kiên định, tính khôn ngoan, tinh thần hiếu khách, thái độ hòa nhã, lập trường quyết đoán trong những vấn đề quan trọng, vô vị lợi, kiên nhẫn, và nhiệt huyết trong bổn phận hằng ngày, xác tín vào những hoạt động mầu nhiệm được tỏ lộ nơi những con người đơn sơ và nghèo đói (xc Tt 1,7-8).[19]

Kết luận

Để khép lại bài viết, xin mượn lời của Đức Gioan Phao-lô II trong lá thư, dưới dạng cầu nguyện, gửi các linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh 1982: Cầu xin Đức Giê-su Ki-tô gia tăng hơn nữa hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các linh mục. Đức Gioan Phao-lô II mời gọi các linh mục của Chúa đừng “làm phiền lòng Thánh Thần” (xc. Ep 4,30) do thiếu đức tin; thiếu sự sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng bằng “lòng chân thật và việc làm” (1Ga 3,18); thiếu đức mến, vì đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không tự kiêu, không gian xảo, vô vị lợi, không hận thù, không nóng giận…(1Cr 13, 4-7); do những thứ làm cho tâm hồn trở nên phiền muộn; do bất cứ điều gì gây chia rẽ và xáo trộn; do bất cứ điều gì làm linh mục chạy theo cám dỗ của trần gian; do bất cứ điều gì tự nó cho thấy là mình không muốn tỏ lộ thiên chức linh mục của mình trước mặt tha nhân và che giấu mọi dấu chỉ bề ngoài của nó. Ngài nói tiếp, dù chúng ta bất xứng, nhưng chúng ta không mất hy vọng và ngã lòng trông cậy, bởi vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (Rm 5,5) và thiên chức linh mục của chúng ta sẽ được làm mới lại nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 

Tài Liệu Tham Khảo

Congregation for the Clergy. Directory For The Ministery And The Life Of Priests: New Edition . Libreria Editrice Vaticana, 2013.

N.M. Wijngaards. “Wihness of The Spirit in Vangelisation?” Service and Salvation. Joseph Pathrapankal, ed. India Bangalore: Theological Publications, 1973.

Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, HVĐM: 2012.

Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập 9-12. HVĐM: 2010-2013.  

Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học: I-II . Tp. HCM: 2003. Bản dịch của Cha Gioakim Nguyễn Văn Liêm, Op.

Internet:

Gioan Phao-lô II, Pastores Dabo Vobis (25.03.1993), có trên: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_25031992_pastores-dabo-vobis_en.html

Gioan Phao-lô II, Prayer of the Holy Father Jonh Paul II on the occasion of Holy Thursday (5.04.1982) có trên: http://www.miraclerosarymission.org/ltr1982.htm

 

 


[1] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa (HVĐM: 2012), tr. 277.

[2] Ibid., tr. 452.

[3] Summa Theologiae, I-II, 68, 2.

[4] Ibid., I-II, 68, 3.

[5] Gioan Phao-lô II, Tertio millennio adveniente (10.11.1994), số 1, có trên http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_10111994_tertio-millennio-adveniente_en.html

[6]Phan Tấn Thành, ibid., tr. 505.

[7]Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập 3 (Rôma, 2003), tr. 81.

[8],Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm Linh: Bí Tích Tình Yêu, tập 9 (HVĐM: 2011), tr.134-138.

[9] Congregation for the Clergy, Directory For The Ministery And The Life Of Priests: New Edition(Libreria Editrice Vaticana, 2013), tr.22.

[10] Gioan Phao-lô II, Pastores Dabo Vobis ( 25.03.1993), số 23 có trên: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_25031992_pastores-dabo-vobis_en.html

[11] Ibib., số 23.

[12] Ibib., số 19.

[13] Ibib., số 21.

[14] Ibid.

[15] Congregation for the Clergy, ibid., tr. 23.

[16] J.N.M. Wijngaards, mhm, “Wihness of The Spirit in Vangelisation?” in Service and Salvation, Joshep Pathrapankal, ed. (India Bangalore: Theological Publications, 1973), tr. 133-135.

[17] Congregation for the Clergy, ibid., tr. 24.

[18] Gioan Phao-lô II, ibid., số 26.

[19] Ibid.