Nguồn Gốc Giáo Lý Về Chúa Thánh Thần (3)

0
892


KHÁI LUẬN THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Tác giả: Lm. Felipe Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

PHẦN III: NGUỒN GỐC GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN

 

Giáo hội hằng duy trì việc đọc Kinh Thánh và suy tư… Dường như công tác trước tiên Giáo hội nhắm đến là dùng ngôn ngữ và văn hóa của các quốc gia dân tộc khác nhau để giải thích mạc khải Kinh Thánh cho các kitô hữu thuộc các miền xứ không-Sêmít. Các Tông phụ[1] và còn đông số hơn nữa, là các Giáo phụ,[2] cũng đã dùng các phạm trù triết học phổ biến trong thời đó để tiến hành công tác đối thoại – thường là qua dạng bút chiến – với các bậc thức giả đương thời; công tác đó, ngày nay, được gọi là tiến trình hội nhập văn hóa.

Dùng cách hiểu đó, các tác giả đầu tiên đã tiếp tục giải thích mạc khải Kinh Thánh, cũng như biểu trình về tác vụ linh hứng của Thần Khí trên các tín hữu, cách riêng là trên các ngôn sứ. Dù vậy, nếu nỗ lực để phân tích giáo lý ấy, thì sẽ thấy rõ là nó vẫn đang ở “trong giai đoạn hình thành” và còn nhiều lộn xộn ngổn ngang.[3] Sách Điđakhê – có lẽ là bản viết kitô cổ xưa nhất ngoài Tân Ước – thường  nói về các ngôn sứ: “… không phải hễ ai nói bằng thần khí thì kẻ đó được coi là ngôn sứ, trừ khi kẻ đó hành xử theo cung cách của Đức Chúa. Như thế, nếu căn cứ vào lối hành xử của họ thì có thể nhận ra được đâu là ngôn sứ (thật) và đâu là ngôn sứ giả” (Điđ. 11). Thánh Clêmentê thành Rôma (lối năm 96) thường bàn về Thánh Thần như là đấng phát ngôn trong các sách Thánh và đã mời gọi chúng ta trở nên những kitô hữu đích thực (Clem. 22.1). Thánh nhân dùng công thức Tam Vị, đặt Ba Ngôi theo tư thế ngang bằng nhau: “Tại sao lại để cho xảy ra những xung đột, chia rẽ giữa anh em… Chẳng phải chúng ta cùng có duy nhất một Thiên Chúa, một Đức Kitô và một Thần Khí hằng tuôn đổ dư tràn ân sủng trên chúng ta sao…?” (46.5-6). Dù đã ý thức nhiều hơn về hoạt động của Thánh Thần trong cộng đoàn, song Giáo hội còn gặp phải vấn đề khó khăn liên quan đến việc phân định. Thư của Bácnaba (viết vào khoảng các năm 80-130) đã phát biểu như sau: “Thần Khí đã nói trong lòng Môsê rằng ông phải làm một biểu tượng về thập giá và một hình ảnh về Đấng phải chịu khổ treo trên đó” (12.2); và trong thư gửi giáo đoàn Phila­đenphia, thánh Inhaxiô An­tiôkia (lối năm 107) đã tuyên bố như sau về sự việc ngài được Thánh Thần linh hứng: “Thần Khí đã công bố những lời này: đừng làm điều gì nếu không có giám mục; hãy giữ gìn thân thể anh em như những đền thờ của Thiên Chúa; hãy hiệp nhất trong đức ái, tránh việc gây chia rẽ lẫn nhau; hãy bắt chước Đức Giêsu Kitô, như Người đã bắt chước Cha Người” (Phila. 7.1). Giáo hội hằng coi hoạt động linh hứng của Thánh Thần trên các ngôn sứ thời Cựu Ước và tiếp đó, trên các ngôn sứ kitô, như là một.

Lúc các tác giả thử dùng những phạm trù triết học phổ biến trong các nền văn hóa của mình để khởi sự công tác đối thoại với thời đại, thì những xác quyết hay luận điểm của các ngài đôi lúc lại tỏ ra là thiếu xác đáng, bởi vì tư tưởng thần học khi đó chưa đạt tới mức chỉnh toàn.

Thánh Giúttinô tử đạo (†165), một triết gia, đã nhắc đi nhắc lại rằng Thần Khí của các ngôn sứ thời xưa, của các thánh tông đồ và của Giáo hội chỉ là một. Trong cuốn Apo­lo­gies, viết để gửi đến các lương dân, ngài chỉ đề cập đến “các thần khí,” theo ý nghĩa chỉ về thần dữ hoặc vong linh của kẻ chết. Còn trong cuốn Dialogue with Trypho, ngài đã bàn về thần khí theo Kinh Thánh, cũng như giải thích về phương cách hoán cải mà người Do thái phải thực hiện để trở về với Kitô giáo; ngài viết như sau: “nhờ danh Đức Ki­tô mà người thì nhận được thần khí ban ơn hiểu biết, kẻ thì được ơn soi sáng, người thì được ơn sức mạnh, kẻ thì được ơn chữa lành, người thì được ơn tiên hiểu, kẻ thì được ơn giáo huấn, người khác lại được ơn kính sợ Thiên Chúa” (Dial. 39). Các ngôn sứ trong thời Cựu Ước “đã nói bằng Thần Khí Thánh… và được tràn đầy Thánh Thần” (Dial. 7). Viết cho Tryphô, trong Dialogue 88, thánh nhân đã làm chứng cho kinh nghiệm của Giáo hội về Thần Khí: “Giờ đây, có thể dễ dàng thấy rõ việc những người nam, người nữ trong chúng ta đã nhận được những món quà mà Thần Khí của Thiên Chúa ban tặng.” Dù vậy, dường như mức độ hiểu biết của Giúttinô về Thần Khí đã không vượt lên trên những điều mà ngài rút ra được từ Cựu Ước. Có vẻ như ý niệm của thánh nhân về Thiên Chúa chỉ dừng lại ở mức “song vị” (Cha và Đức Giêsu Ki­tô) chứ không phải là “tam vị”. Môn đệ của ngài là Tatianô cũng đã nỗ lực để đối thoại với những người đương thời qua việc thích nghi và dùng ngôn ngữ của họ. Dù vậy, điều đó đã dẫn ông đến việc trộn lẫn các lời dạy của triết gia, cùng với những niềm tin phổ biến thời đó, khi trình bày giáo lý kitô; và hậu quả là, cung cách trình bày các điểm giáo lý của ông, như đọc thấy trong cuốn Address to the Greeks (viết vào giữa các năm 166-170), đã tỏ ra là khá lộn xộn và nhập nhằng. Một vài năm sau đó (năm 166 hay 167), Atênagôrát, triết gia người Aten, đã gửi bản Apo­lo­gy đến hoàng đế Marcus Aurelius, để lên tiếng bảo vệ những người kitô bị buộc tội là “vô thần”; giáo lý của ông vẫn giữ nguyên ngôn ngữ kinh thánh và tỏ ra khá rõ ràng, mạch lạc. Ông đã thừa nhận rằng, hẳn là những người không kitô sẽ lấy làm lạ về dạng tôn giáo này: “Ai lại giấu nổi thái độ kinh ngạc trước sự việc bị cáo buộc là vô thần những con người tuyên xưng về Chúa Cha, về Chúa Con, và về Chúa Thánh Thần, cũng như xác quyết về tình trạng hiệp nhất trong quyền năng, và mức độ phân biệt trong trật tự của các Đấng ấy?” (Ch. 10). Ngài cũng viết rằng: đức tin giúp cho được cứu độ thì hệ tại ở việc “nhận biết Thiên Chúa và Ngôi Lời của Ngài; nhận biết thế nào là duy nhất tính của Con với Cha, thế nào là tình hiệp thông giữa Cha với Con; nhận biết Thần Khí là đấng nào; thế nào là mối hiệp nhất giữa ba đấng là Thần Khí, Con và Cha, cũng như tình trạng phân biệt giữa nhau, trong cùng một mối hiệp nhất đó” (Ch. 12); hoặc, ngài viết tiếp, như sau: “Bởi vì, chúng ta nhận chân một Thiên Chúa, và một Con, Lời của Ngài, và một Thánh Thần – tức là Cha, Con, Thần Khí – hiệp nhất trong một bản thể, bởi vì Con là Tuệ trí, là Lý tính và là Minh triết của Cha, và Thần Khí là sự tỏa rạng bừng lên như là ánh sáng phát xuất từ ngọn lửa” (Ch. 24); giáo lý này đã được định thức một cách xác đáng. Dù vậy, bởi tính cách phức tạp của mạc khải kitô, cũng như do tình trạng thiếu ngôn từ và các khái niệm trong văn hóa Hy lạp để biểu trình về mạc khải ấy, cho nên việc xuất hiện các dạng kiểu định thức khác lạ – được “tinh chỉnh” dựa vào trực cảm đức tin của dân kitô và nỗ lực của các học giả – là điều đương nhiên không thể nào tránh khỏi.

 


[1] Từ thế kỷ 16, các tác giả kitô thuộc hạ bán thế kỷ 1, thượng bán thế kỷ 2, được gọi là “các Tông phụ”; các vị này đã giảng dạy một giáo lý được coi là có tính chất chính truyền. Có thể kể ra đây một số Tông phụ tiêu biểu: Clêmentê thành Rôma (vị Giáo hoàng thứ ba sau thánh Phêrô), Inhaxiô thành Antiôkia († 107), Pôlycáp thành Smyrna († lối 120), Papias († lối 50), v.v. cùng với một số tác phẩm khác, như: Didache, Letter to Diognetus, Pastor Hermae.

[2] Các Giáo phụ là những thần học gia đời xưa, phần đông là các giám mục; giáo lý và đời sống thánh thiện của các ngài đã được truyền thống công nhận. Cách chung, có thể coi thánh Grêgô­riô Cả († 604) là vị Giáo phụ cuối cùng phía Latinh, và thánh Gioan thành Đamasô († lối 760) là vị Giáo phụ cuối cùng phía Hy lạp.

[3] Antonio Orbe, La Teología del Espíritu Santo (Analecta Gregoriana, 158), Gregorian University, Rome, 1966; Wolf – Dieter Hauschild, Gottes Geist und der Mensch: Studien zur führchristlichen Pneumatologie, Kaiser Verlag, München, 1972.