Công Đồng Vatican II: Sự Thánh Thiện Kitô Hữu – Thành Tựu Hay Lên Đường? Hồng Ân Và Trách Nhiệm

0
464


Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

 

Rất có thể khi nói về Vatican II, chúng ta sẽ nói nhiều đến những nét nổi bật như Giáo hội dân TC, tính tập thể của Giám mục đoàn, vai trò người giáo dân, Giáo hội mầu nhiệm và bí tích… Người ta đã nói nhiều đến chương trình aggiornamento của Gioan XXIII như thể đó là một chương trình cập nhật thần học, làm cho những suy tư thần học xứng tầm với con người thông minh của ngày hôm nay. Nhưng chúng ta quên mất rằng Gioan XXIII muốn nói tới một điều sâu xa hơn: sự thánh thiện. Sự cập nhật lớn lao và đáng mong ước hơn cả đối với Giáo hội chính là sự thánh thiện. Điều mà Giáo hội có thể cống hiến cho thế giới hôm nay hơn cả chính là sự thánh thiện. Vì thế, ta hiểu rằng Đức Gioan Phaolô kêu mời Giáo hội nhấn mạnh hơn bao giờ hết sự thánh thiện trong ưu tư mục vụ của mình.[1] Nói mạnh mẽ hơn, khi nói đến những cách mạng trong suy tư thần học của Vatican II, chúng ta không được không cho thấy tính chất cách mạng trong suy tư ấy của Vatican về sự thánh thiện.[2] Nhất thiết Giáo hội phải hoạch định vươn đến sự thánh thiện, cần phải “huấn luyện” trên đường thánh thiện, cần phải hỏi sâu xa khi lãnh bí tích thánh tẩy “anh chị em có muốn nên thánh không?”[3] Chính điều này mà bài viết này muốn nêu lên. Từ đó, chúng ta có được một bức tranh toàn vẹn về Vatican II hơn.

Tôi muốn trình bày những điểm sau: không có sự đối kháng giữa Giáo hội thánh thiện và tội lỗi của những người con cái trong giáo hội. Từ đó, tôi muốn nhìn đến cốt lõi của sự thánh thiện Kitô giáo được Vatican II trình bày. Và lời mời gọi nên thánh của Vatican II trong hiện trạng hôm nay.

I. SỰ ĐỐI NGHỊCH GIẢ TẠO GIỮA GIÁO HỘI THÁNH THIỆN VÀ NHỮNG TỘI LỖI CỦA KITÔ HỮU

Khi nói đến Giáo hội thánh thiện, có lẽ thế giới sẽ bĩu môi khinh thị. Biết đâu ngay cả những người con của Giáo hội cũng không chấp nhận. Giáo hội dường như là mọi sự trừ thánh thiện. Hòn đá vấp phạm này thật to và sừng sững từ lâu đời rồi, như từng được mô tả trong sách Danien. Hồng Y Ratzinger khi còn là một thần học gia đã viết như sau:

” Thành thực mà nói, chúng ta phải nhìn nhận rằng, Giáo Hội chẳng thánh thiện mà cũng chẳng công giáo. Ngay công đồng Vatican II cũng đã đi đến kết luận : Giáo Hội không chỉ thánh thiện mà còn tội lỗi.”[4]

Lịch sử Giáo hội chất đầy những biến động và những dị dạng khủng khiếp mà Dante ví von rằng con điếm Babylon ngồi chễm trệ trên các nơi cao của Giáo hội. Không phải thánh Ambrosio đã từng gọi Giáo hội là cô điếm hay sao, dẫu là một cô điếm được thương xót! Về điểm này, hình như quan điểm của Luther có vẻ “hợp lý” hơn. Giáo hội đầy những chướng tai gai mắt này đã xa lìa khỏi lối đường của Đức Kitô. Giáo hội không phải một mà là hai, một của các thánh nhân, và một của những tội lỗi. Giáo hội trần thế này chỉ toàn giả tạo, chứ làm gì mà có sự thánh thiện. Xem ra Vatican II không phê chuẩn điều này hay sao khi nói đến một giáo hội đầy những tội nhân? Rồi, những chuyện được giữ kín biết bao lâu nay lại không chạm đến Giáo hội tận gốc rễ hay sao? Chính Timothy Radcliffe, trong bài thuyết trình, ghi nhận những khủng hoảng của nhiều Kitô hữu trước những lạm dụng tình dục.[5] Paul Tillich nói đến “một cơn địa chấn tận nền tảng” (Shaking the foundations). Đức Bênêđictô XVI đã chẳng từng nói rằng những cớ vấp phạm mà Giáo hội đang đối diện bôi nhọ Giáo hội khủng khiếp ngay cả trong những thập niên bị bách hãi cũng chẳng làm được. Lúc này, hình như lời của Gandhi rất đúng: “Chúa Kitô ư? Chấp nhận; còn Giáo hội ư? Không.”

Giáo hội hình như luôn làm vỡ mộng những nhà đạo đức của thế gian:

“Chẳng có lý thuyết hay lý lẽ nào có thể phi bác hoàn toàn những ý nghĩ như thế, và ngược lại, những ý nghĩ như vậy cũng không chỉ phát xuất từ lý trí, mà còn từ sự chua chát của con tim, chờ đợi thật nhiều nhưng rốt cuộc vỡ mộng, một trái tim bị tổn thương chỉ còn biết gặm nhấm nỗi thất vọng của mình. Chúng ta phải trả lời họ làm sao ?”[6]

Có những Kitô hữu, trong đó có thể có cả bạn và tôi, trong một khoảnh khắc nào đó, đã chưng hửng và vỡ mộng vì một Giáo hội mà lại như thế. Thế nhưng, chúng ta chẳng thể nào ra khỏi thất vọng hay vỡ mộng bằng cách chạy trốn hay ngủ vùi trong chất men tưởng tượng hay nhân tạo. Chúng ta cũng chẳng chạy trốn bằng cách lập luận rằng giáo lý Giáo hội là như thế, song những con người Giáo hội lại không như thế. Kiểu lý luận đó chỉ ru ngủ được một ít người hời hợt mà thôi. Cũng như chỉ có thể tạo nên an bình giả tạo cho những tâm hồn duy vật theo kiểu duy tâm mà thôi. Không. Khủng hoảng đức tin chỉ được vượt thắng khi chúng ta đi vào trong sự mật thiết hơn với Đức Kitô, trở nên thật với chính mình và người khác, trở nên khiêm nhường hơn trước đấng là chính sự khiêm nhường.[7] Thật vậy, chúng ta không thú tội từ một mặc cảm tội lỗi. Ủy ban Thần học Quốc tế cho thấy rằng sự thú tội của chúng ta (confessio peccati), dựa trên sự tuyên xưng đức tin (confessio fidei), trở thành lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa (confessio laudis).[8] Chỉ nhờ mối liên kết chặt chẽ này, Giáo hội lại được đưa vào một cách thức hiện hữu mới: một tội nhân được thương xót.[9]

Thật ra, Emil Brunner cảnh giác chúng ta quan niệm sự thánh thiện phượng tự duy khách thể (cultic objectivistic holiness) [một cách nào đó sống trong những người công giáo] và sự thánh thiện luân lý duy chủ thể (moral subjectivistic holiness) [một cách nào đó sống trong anh chị em Tin lành]. Cả hai đều làm cho diện mạo giáo hội nên méo mó. Sự thánh thiện của Giáo hội là một thực tại được tuyển chọn. Sự thật là chính Chúa Giêsu ở nơi Giáo hội và làm cho Giáo hội nên thánh, như dấu chỉ của sự thánh thiện yêu thương của ngài. Các Giáo phụ diễn đạt rất hay trong châm ngôn cổ điển của Thần học: Ubi Christus, ibi ecclesia. Ratzinger nói lên điều này cách thuyết phục và sâu sắc:

” Sự thánh thiện của Giáo Hội hệ tại nơi quyền năng thánh hóa mà Thiên Chúa tác động trong Giáo Hội, mặc cho mọi yếu đuối tội lỗi của con người. Ở đây chúng ta đụng tới nét đặc trưng của “Giao Ước mới” : Trong Đức Kitô, chính Thiên Chúa kết ước với con người, Ngài tự ràng buộc mình với họ. Giao ước mới không còn dựa trên việc cả hai bên phải tôn trọng cam kết, nhưng là hồng ân Thiên Chúa tặng ban, và hồng ân đó vẫn còn mãi bất chấp sự bất trung, bội ước của con người. Giao ước mới là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không đầu hàng trước sự bất lực của con người, trái lại luôn tỏ lộ khuôn mặt bao dung từ ái, và cũng chính vì con người tội lỗi mà lại càng dủ tình đón nhận, càng thánh hóa, yêu thương.”[10]

Chỗ khác, dựa trên Ep 5:25-26, Đức Bênêđictô XVI viết:

Giáo hội thánh thiện bởi vì Giáo hội đến từ Thiên Chúa là Đấng Thánh, đấng trung thành với Giáo hội và không bỏ mặc Giáo hội cho quyền lực sự chết và sự dữ (x. Mt 16:18). Giáo hội thánh thiện bởi vì Đức Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Mc 1:24) kết hiệp bất khả phân ly với Giáo hội (x. Mt 28:20); Giáo hội thánh thiện bởi vì Giáo hội được hướng dẫn bởi Thánh Thần, Đấng thanh luyện, biến đổi và canh tân Giáo hội. Giáo hội không phải là thánh thiện bởi vì công nghiệp của chúng ta, nhưng bởi vì Thiên Chúa làm cho Giáo hội nên thánh thiện, hoa quả của Thánh Thần và những tăng phẩm (ân điển) của ngài. Không phải chúng ta làm cho Giáo hội thánh thiện. Chính Thiên Chúa trong tình yêu của ngài làm Giáo hội thánh thiện.[11]

Đoạn văn cho ta thấy sự thánh thiện mà Giáo hội sống tiên vàn là tặng phẩm của Thiên Chúa nhân lành, yêu thương và trung tín. Không có thực tại này, sự thánh thiện chỉ là giả dối. Được đặt nền trên thực tại tuyệt đối này, sự thánh thiện của Giáo hội mang bộ mặt khác hẳn: sự thánh thiện của khiêm nhường chứ không phải của tự mãn và kiêu căng, của nhân hậu chứ không phải của kết án và thẩm phán, của can đảm trong kiên nhẫn chứ không phải của nhu nhược muốn làm vui lòng con người. Điều này, Đức Giêsu đã diễn đạt thật rõ trong biến cố Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Dựa trên thực tại không lay chuyển đó, Ratzinger phân tích:

Chính nhờ Chúa đã hiến mình và không bao giờ rút lại nên Giáo Hội mãi mãi được Người thánh hóa. Giáo Hội là nơi mà sự thánh thiện của Chúa luôn hiện diện giữa loài người. Quả thật, sự thánh thiện của Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nhưng đó là do một tình yêu thật lạ lùng và không biết mệt mỏi, vẫn chọn những bàn tay nhơ uế của con người như chiếc bình chứa đựng sự thánh thiện của Người. Sự thánh thiện của Đức Kitô là như thế, một sự thánh thiện tỏa rạng ngay giữa bóng tối tội lỗi của Giáo Hội. Đó cũng là nét nghịch lý của Giáo Hội : điều chí thiêng chí thánh lại thường tỏ bày qua những bàn tay bất xứng. Trong Giáo Hội, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện dưới hình thái “bất chấp”, và đối với kẻ tin, hình thái “bất chấp” đó lại là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa mãi mãi lớn hơn. Sự giao thoa lạ lùng giữa sự trung tín của Thiên Chúa và sự bất trung của con người là nét đặc trưng của thực tại Giáo Hội, và có thể nói đó cũng là hình thái hiện thực và sống động của ân sủng, bởi lẽ chính sự bất xứng tận căn của con người trong dòng lịch sử càng cho thấy ân sủng luôn hiện diện và tỏ lộ như là ơn tha thứ. Từ đó thậm chí ta có thể nói, chính vì cấu trúc nghịch lý vừa thánh thiện, vừa tội lỗi của Giáo Hội, mà Giáo Hội là hình tượng của ân sủng trong thế giới này.[12]

Vatican II chạm đến vấn đề này dưới một góc cạnh khác khi viết:

Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thánh thiện của Người nơi trần gian, một cộng đoàn đầy niềm tin, cậy, mến, như một cơ cấu hữu hình, nhờ đó Người thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. … tương tự như thế, Giáo Hội yêu thương ôm ấp tất cả những ai đang sầu khổ trong thân phận khốn cùng của kiếp nhân sinh; hơn nữa, Giáo Hội nhận ra nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập nghèo khó và khổ đau của mình, cố gắng làm giảm bớt nỗi khổ của họ và nỗ lực phục vụ Đức Kitô trong họ. Nhưng nếu Đức Kitô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố” (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân.[13]

Không bao giờ Vatican II mất đi tầm nhìn về sự thánh thiện tuyệt đối khởi từ và quy về Đức Kitô mà thôi. Sự thánh thiện của Giáo hội được ban tặng hơn là tự chiếm lấy, tự làm thành cho mình. Đức Kitô là nguyên lý và cùng đích của sự thánh thiện của Giáo hội. Nói theo ngôn ngữ của Kinh viện, Đức Kitô là nguyên nhân cứu cánh, nguyên nhân mô thể và nguyên nhân tác thành của sự thánh thiện của Giáo hội.[14] Ủy ban thần học quốc tế cho thấy phải phân biệt “sự thánh thiện của Giáo hội và sự thánh thiện trong Giáo hội”,[15] mà cái sau (sự thánh thiện trong Giáo hội) phải đi theo cái trước (sự thánh thiện của Giáo hội). Tài liệu ấy cũng trình bày Mẹ-Giáo hội “không thể không bị thương do tội lỗi của con cái hôm qua và ngày nay, khi tiiếp tục luôn luôn yêu mến họ, tới độ làm cho mình chịu trách nhiệm trong mọi thời trước gánh nặng do tội lỗi của con cái mình gây nên.”[16]

Theo ánh sáng này, Giáo hội tiên vàn không phải là một thể chế, một cơ cấu cho bằng là một sự sống mới trong Đức Kitô. Trước khi Giáo hội là một communio sanctorum, thì Giáo hội là sự thông phần với Thần khí của Đức Kitô và sự hiệp thông các sự thánh. Brunner cho rằng sự thánh thiện của Giáo hội “là như nhau với là sở hữu của Đức Kitô và là bình chứa của Thánh Thần.”[17] Cho nên, dưới góc cạnh này, sự thánh thiện mang tính qui về Đức Giêsu Kitô trong Giáo hội liên kết chặt chẽ giữa chân lý và sự hiệp thông, vì Người là chân lý. Ở đâu có Đức Kitô, ở đó trồi hiện sự hiệp thông chân thật. Nếu sau này chúng ta nói đến khía cạnh xã hội trong sự thánh thiện Kitô hữu, vì Đức Kitô là sự thông ban chân thật chính mình của tình yêu Thiên Chúa. Cũng như chân lý của mặc khải không phải là chân lý trừu tượng của triết học, thì sự hiệp thông cũng không mang tính xã hội học suông.[18] Đức Phanxicô cùng một tầm nhìn như thế khi nhắc Giáo hội không phải là một thứ tổ chức NGO, phi chính phủ.

Khởi từ Đấng yêu mến chúng ta đến cùng, một Giáo hội thánh thiện song đầy dẫy tội nhân, xét cho cùng, lại mang đến an ủi và khích lệ hơn là đè bẹp, như Ratzinger nói thay cho chúng ta: “Thú thật đối với tôi, sự thánh thiện đầy vết nhơ của Giáo Hội lại là niềm an ủi không cùng. Vì nếu phải đứng trước một sự thánh thiện tuyệt đối tinh tuyền, chỉ biết có tuyên án và luận phạt thì làm sao không khiếp hãi ?”[19] Timothy Radcliffe cũng viết cùng một đức tin khi đối diện với vấp phạm hay chướng kỳ khủng khiếp trong Giáo hội:

“Tôi phải nói thật, giả như Giáo Hội Công Giáo rõ ràng tồi tệ hơn các giáo phái khác, thì tôi vẫn không rời bỏ Giáo Hội. Tôi không phải là người Công Giáo bởi vì Giáo Hội của tôi là tuyệt nhất, hoặc giả bởi vì tôi yêu thích giáo lý Công Giáo. […] Tôi không phải là người Công Giáo vì lý do giá cả và chất lượng theo kiểu chọn lựa giữa Walmart và Sears, nhưng bởi vì tôi tin Giáo Hội thể hiện được ở nơi mình điều gì đó thiết yếu cho chứng tá Kitô giáo về sự Phục Sinh, điều đó chính là sự hiệp nhất hữu hình.”[20]

Có những người nhìn Giáo hội như một món đồ tùy vào chọn lựa của họ y như trong một siêu thị. Một thái độ Giáo hội-siêu thị đang đánh mất đi điều quan trọng của Giáo hội-Tặng phẩm. Như thế, sự thánh thiện mà Giáo hội tuyên xưng không thể làm cho Giáo hội thành vị thẩm phán khắc nghiệt hay thành người khắc kỷ cay độc và châm biếm. Cả hai chẳng thể phản ánh vị Thiên Chúa có bộ mặt nhân loại.

Dẫu Giáo hội được thánh hiến một lần là đủ và Thiên Chúa không bao giờ hối hận vì đã chọn chúng ta, thì sự thánh thiện ấy không phải là một thực tại cố định. Israel đã được tuyển chọn cách dứt khoát mà lề luật không hủy đặc ân đó được; Israel đã được tác thánh và được ký kết giao ước dựa trên lời thề và lời hứa không thể lay chuyển của Thiên Chúa, song lại liên tục sa ngã trong sa mạc và lịch sử. Mỗi lần như vậy, Israel học để trở về cùng Thiên Chúa. Marcel trong homo viator nhận xét rằng thế giới sẽ ổn định trật tự nếu con người không quên đi phận lữ hành của họ cũng như tìm ra được mối liên hệ chặt chẽ giữa tình yêu và hy vọng.[21] Lịch sử Israel minh chứng cho nhận xét đó. Khi Israel, được cụ thể hóa nơi Đavit, an nghỉ trong sự ổn định, liền trở thành mồi ngon của sa ngã. Cám dỗ của Israel được định cư chính là quên mất phận du mục, lữ hành cùng với Giavê của họ. Lịch sử của Giáo hội cũng không phải luật trừ. Thánh Phaolô nói đến một Giáo hội tự hào đứng vững hãy ý tứ kẻo ngã. Vatican II khẳng định mạnh mẽ tính chất cánh chung, lữ hành của Giáo hội thánh thiện. Công đồng viết như sau:

“Tiến bước qua các thử thách và bách hại, Giáo Hội được kiện cường nhờ sức mạnh của ơn Chúa đã được hứa ban để, cho dù với xác thịt yếu hèn, Giáo Hội vẫn không đánh mất sự trung tín hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là Hiền Thê xứng đáng của Chúa, và không ngừng canh tân chính mình dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi qua Thập giá đạt đến ánh sáng không hề tắt.”[22]

Đoạn văn minh định một chân lý thật an ủi: chúng ta sống nhờ sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa trung tín luôn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. “Sự giao thoa lạ lùng giữa sự trung tín của Thiên Chúa và sự bất trung của con người là nét đặc trưng của thực tại Giáo Hội. [23]” Theo ý nghĩa đó mà lời Đức Giêsu nói cho người phụ nữ ngoại tình cũng được ngỏ với chúng ta: Hãy đứng dậy và đừng phạm tội nữa.

Nếu thế, sự thánh thiện của Giáo hội tiên vàn không nói về chính mình cho bằng nói về Thiên Chúa. Ratzinger viết:

“Giáo Hội là nơi mà sự thánh thiện của Chúa luôn hiện diện giữa loài người. Quả thật, sự thánh thiện của Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nhưng đó là do một tình yêu thật lạ lùng và không biết mệt mỏi, vẫn chọn những bàn tay nhơ uế của con người như chiếc bình chứa đựng sự thánh thiện của Người. Sự thánh thiện của Đức Kitô là như thế, một sự thánh thiện tỏa rạng ngay giữa bóng tối tội lỗi của Giáo Hội.”[24]

Rõ ràng lời phê bình chua cay về Giáo hội thánh thiện không nhận biết sự thật là chính nhờ “cấu trúc nghịch lý vừa thánh thiện, vừa tội lỗi của Giáo Hội, mà Giáo Hội là hình tượng của ân sủng trong thế giới này.”[25]

Vậy, sự thánh thiện Kitô giáo luôn qui chiếu đến khuôn mẫu duy nhất là Ngôi Lời Nhập thể; nó mang nơi mình Đức Maria như hình ảnh lý tưởng về sự thánh thiện theo nghĩa sự kết hiệp tuyệt vời của Lời Thiên Chúa và nhân loại.[26] Nơi cả hai nhân vật này, chúng ta không bắt gặp một chia tách hay lẫn lộn giữa thiêng và tục mà Brunner viết như sau: “Đây là nghịch lý của sự thánh thiện chân thật. Nó là một thứ siêu nhiên tròn đầy và một nhân tính chân thực. Nói cách khác, nó là một sự siêu nhiên của Thiên Chúa yêu thương và thánh thiện.”[27] Vatican II khẳng định rất rõ Giáo hội có thể và phải tìm ra được giá trị đích thực, nói khác đi, sự thánh thiện trong một tiến trình tục hóa chân chính của thế giới tạo vật như được Đấng Sáng tạo đặt định. Chủ thuyết tục hóa (duy tục) và tiến trình tục hóa chân chính là hai điều khác nhau thật sự như nước và lửa. Như vậy, nguy hiểm đe dọa sự thánh thiện của Giáo hội chính là sự tách chia đức tin và cuộc sống. Công đồng nói rõ: “Sự phân cách giữa đức tin được tuyên xưng và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta.”[28] Và công đồng gọi đó là cuộc phân cách giả tạo, hoàn toàn sai lệch với sự thánh thiện của một Thiên Chúa yêu mến con người đến độ thành một người anh em của họ. Không bị lẫn lộn với thế gian, sự thánh thiện Kitô hữu làm cho các môn đệ của Đức Kitô trở thành “linh hồn của trần thế.”[29]

Sự thánh thiện của Kitô hữu như thế không phải là một câu trả lời làm sẵn. Dẫu Đức Kitô vẫn là một, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời, thì không có nghĩa rằng Đức Kitô đến trần gian với cả một lô những giải đáp làm sẵn cho những vấn đề của con người. Ngài chẳng cần phải suy tư và lớn lên làm chi. Không phải thế. Tin mừng ghi nhận: ngài đã phải chịu qui luật nhân loại là tăng trưởng cả thể lý lẫn ơn sủng, phải mang lấy âu lo, phải tìm hiểu những con người chung quanh. Cũng thế, dẫu Giáo hội được hứa ban sự vững bề mà Satan không thể hủy diệt, thì điều ấy không có nghĩa là các giáo hội địa phương sẽ tự động vươn lên. Thật thế, sự thánh thiện của Giáo hội không bao giờ là một thực tại chết, khô khẳng, làm sẵn. Công đồng thú nhận: ” Giáo Hội, tuy đang quản thủ kho tàng lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào cũng có ngay câu trả lời cho từng vấn đề.”[30] Giáo hội lữ hành gắn chặt không chia tách với lịch sử nhân loại cũng phải và thiết yếu là giáo hội gắn liền với ưu tư, vui buồn, mong chờ của con người vốn luôn thay đổi. Sự thánh thiện của giáo hội lữ hành đi liền với việc đọc dấu chỉ thời đại. Đó không phải là cách tiến bước của kẻ đã được hưởng kiến, nhưng của người khát mong và tỉnh thức. Tiếng chân của Thần khí vang lên rất nhẹ mà chỉ Hiền thê thao thức mới nhận ra được (x. Dc 2:8-3:4; 5:2-8).

Bằng cách đó, sự thánh thiện Kitô hữu đi liền với một trách vụ. Người Kitô hữu có trách nhiệm đối với sự thánh thiện được ban tặng. Công đồng viết:

“tuỳ theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên đường đức tin sống động, một đức tin khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.” (LG 41) Rõ ràng sự thánh thiện Kitô hữu không thể có được mà không có một ý chí, một quyết tâm, một chọn lựa triệt để, tận căn. Mà như thế là trách vụ của từng người. “Vì thế, với ơn Chúa, họ phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hoá mà họ đã lãnh nhận.”[31]

Đoạn văn cho ta hiểu rằng sự thánh thiện có một góc cạnh là hồng ân, song cũng đi liền với một góc cạnh khác là trách vụ, trách nhiệm. Những ai nhận được hồng ân sự thánh thiện thì cũng lấy trách nhiệm để phát triển nó không ngừng. Sự thánh thiện của Giáo hội mang hai bộ mặt rõ rệt: Tặng phẩm và Trách vụ; và đạt đến sự thánh thiện đúng là một hồng ân đáng ao ước nhất. Bởi lẽ, không đạt được ơn cứu độ, sinh ra ở đời nào có ích chi. Văn sĩ Leon Bloy người Pháp vào lúc cuối đời nói rằng: “Có một nỗi buồn duy nhất trong cuộc đời, nỗi buồn là không phải vị thánh”. Cậu thánh trẻ Savio cũng thốt lên cuộc đời cậu chẳng là gì nếu không trở nên thánh.

II. NHỮNG NÉT CỐT LÕI CỦA SỰ THÁNH THIỆN KITÔ HỮU

Đến lúc này, chúng ta buộc phải hỏi đâu là cốt lõi của sự thánh thiện mà Vatican trình bày cho chúng ta hôm nay?

1. Ở trên, chúng ta đã nói một sự thánh thiện Kitô hữu tiên vàn không thuộc về phạm trù luân lý hay phượng tự có tính chất duy khách thể. Nó không hệ tại ở sự mỉa mai, chua chát hay là sự dửng dưng, bất cần. Trái lại, ngay trong Israel, sự thánh thiện của những nhân vật như Abraham, Môsê, Davít, Giêrêmia, v.v. đều đạt đến tình mật thiết với một Thiên Chúa ngã vị, chứ không phải một thần minh vô ngã, trừu tượng nào đó. Cũng thế, sự thánh thiện Kitô hữu trên hết bắt nguồn và qui chiếu về một Đấng Thánh, được định nghĩa là “chậm bất bình và rất mực xót thương”. Sự thánh thiện của Kitô giáo liên quan đến Đấng có tên gọi là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop, Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu, Thiên Chúa của kẻ sống; có tên gọi là Giêsu Kitô làng Nadaret, người thợ mộc hoàn hảo; có tên gọi là Thần khí của Đấng phục sinh kẻ chết. Sự thánh thiện Kitô hữu dứt khoát và tuyệt đối thuộc phạm trù ngôi vị. Có ích lợi gì nếu đạt được mọi sự toàn hảo mà không có Đức Kitô. Thánh Phaolô đã hiểu rõ hơn ai hết khi xác quyết những gì toàn hảo trước kia của ngài so với mối lợi là được biết Đức Kitô chỉ là rơm rác và phân bón. Phaolô học để chỉ tìm sự thánh thiện của Đức Kitô, chứ không phải sự thánh thiện của riêng mình.

Đây là nét đặc trưng cốt yếu mà thế gian không lãnh hội được.

Công đồng Vatican II quả quyết:

Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và là sự viên mãn của mọi niềm khao khát25. Chính Người là Đấng Chúa Cha đã làm cho sống lại từ cõi chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được tác sinh và quy tụ trong Thần Khí của Người, chúng ta đang tiến bước trong cuộc hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, một chung cục phù hợp với ý định yêu thương của Người: “thâu kết trong Chúa Kitô muôn loài trên trời dưới đất” (Ep 1,10).[32]

Chính Chúa đã nói: “Đây chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc họ đã làm. Ta là Alpha và Ômega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” (Kh 22,12-13). Vì thế mà thánh Gioan nói đến “hãy ở lại trong Thày”.

Rõ ràng, sự thánh thiện Kitô giáo luôn mang đặc tính ngôi vị, từ khởi thủy cho đến tận cùng. Ích lợi gì cho một giáo hội tỏ bày một sự thánh thiện không Đức Kitô.

2. Chính từ điểm cốt tủy đó, sự thánh thiện Kitô giáo không thể không gắn bó với tình yêu. Công đồng không ngần ngại gọi nó là sự hoàn hảo của đức ái. Theo Kitô giáo, càng yêu mến càng thánh thiện, và càng thánh thiện càng yêu mến. Chúng ta sẽ bị phán xét bởi tình yêu. Chính Chúa Giêsu kết luận ở trình thuật rửa chân “noi gương Thày mà làm thế đối với anh chị em của mình. Và chỉ trong tình yêu, chúng ta mới được đong cho đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn đổ vào vạt áo chúng ta. Điều này mang lại một định nghĩa mới và chính xác cho đời tu: theo sát Đức Kitô hơn. Sự thánh thiện của gia đình Kitô hữu hệ tại ở “bước đi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống giữa bao niềm vui cũng như hy sinh trong ơn gọi và luôn sống trong một tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sống lại của Người.”[33] Theo ý nghĩa này, xác quyết “tình yêu, chứ không phải đau khổ làm nên vị tử đạo” mang lại sự cách mạng cho thần học thiêng liêng, chẳng qua phản ánh chính xác và chân thật lõi tủy của Đức Kitô chịu khổ hình thập giá. Ngài yêu mến đến độ “chết và chết trên thập giá”. “Không ai có tình yêu cao cả hơn người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Xác quyết trên cho thấy các thánh của Giáo hội luôn diễn đạt  tình yêu của mình một cách sững sờ cho mọi người nhìn thấy các ngài.

Dostoievsky đã trực giác được chiều sâu xa này khi trình bày hai diện mạo của hai vị ẩn sĩ trong tác phẩm anh em nhà Karamazov: một người mang bộ mặt héo hon, chua cay khi không thể nhìn ra được sự tốt lành trong những kẻ tội lỗi chung quanh. Còn người kia trái lại, xem ra bên ngoài không mấy kỷ luật và ít khắc khổ, nhưng lại trải rộng niềm vui, sự thanh thản, cảm thông vì ông có thể đọc được ở mọi người từng chút cố gắng để sống tốt lành. Ông được sinh động bởi tình yêu hơn là sự hoàn hảo của các luật lệ được giữ đến từng chi tiết.

Thiên Chúa là lửa nóng. Lửa vừa thanh luyện, vừa làm cho nóng. Do đó, sự thánh thiện như tình yêu trong Kitô giáo có nét đặc trưng này. Chẳng lạ gì mà

“đức tin và lời hứa tương ứng với nhau” (fides et promissio sunt correlativa). […] lời hứa của TC truyền vào niềm hy vọng. Đức tin tiên vàn không phải là về những chân lý được TC mạc khải và được GH diễn tả chính xác hầu thỏa mãn tâm trí tìm tòi, nhưng là một sự trung tín đối với TC trung thành, đấng đã hứa là sẽ cứu độ.”[34]

Chính vì thế, sự thánh thiện của Kitô hữu hệ tại ở “Lòng trung tín với giao ước tình yêu là nguồn mạch của kiến thức, một kiến thức có tính chất cứu độ. Bởi lẽ, điều khai sinh ra hiểu biết là cuộc gặp gỡ với Đấng là Tình yêu và ơn cứu độ của chúng ta.”[35] Sự thánh thiện Kitô hữu là sự hiểu biết khai sinh từ gặp gỡ! Thiên Chúa canh tân trái đất theo vương quốc Nước Trời bằng cách làm cho chính mình thành kẻ nghèo tự nguyện để săn sóc những kẻ nghèo hèn của Thiên Chúa. Thiên Chúa vốn giàu có vô song đã trở thành nghèo để chúng ta nên giàu có nhờ cái nghèo của ngài. (2 Cr 8:9) Và chính điều đó, ngài cũng khắc ghi vào cộng đoàn của Ngài. Đức Giêsu cũng đòi hỏi cộng đoàn các môn đệ của ngài phải tự nguyện nghèo khó để chăm sóc những kẻ nghèo của Thiên Chúa.[36] Đây đúng là chuẩn mực để chúng ta đo lường sự thánh thiện đích thực. Chúng ta không được phép lãng mạn hóa người nghèo cũng như lãng mạn hóa hình ảnh Đức Giêsu phục vụ người nghèo. Pieris nêu rõ “sự kiện vẫn còn đấy là TC chọn họ làm những người đối tác trong Giao ước, không phải bởi vì họ thánh thiện, nhưng bởi vì họ nghèo. Nghèo, không có quyền lực và bị chống đối là tội lỗi và bất xứng, chính là tiêu chuẩn để TC tuyển chọn họ!” Sự thánh thiện Kitô hữu không thể có mà không liên kết chặt chẽ với tình yêu dành cho Đức Kitô như giao ước vĩnh cửu và mới mẻ của Thiên Chúa với người nghèo. Một tri thức về Đức Kitô không rực sáng với sự nồng nhiệt của Agape mắc phải một nguyên tội trong Kitô học: “Kitô học không có cứu độ học.”[37] Sự khác biệt của một thứ ngộ đạo sai lạc (gnosis) và sự hiểu biết đích thực về Đức Kitô được những người con từng gây ngạc nhiên của Giáo hội từ sơ khai cho đến hôm nay: từ Ignatio thành Antiokia đến phó tế Laurenso, từ Phanxicô Assisi đến Charles de Foucauld, từ Dorothy Day đến Gioan Phaolô II. Không phải sự hoàn hảo của một bộ luật cũng chẳng phải sự hoàn hảo của thể chế chính trị cho bằng là sự hoàn hảo của tình yêu mang đến hy vọng mới cho những con người nghèo. Nơi thân xác tơi tả của Đức Kitô,[38] chúng ta hiểu rõ thế nào là tình yêu nóng bỏng của Kitô giáo: sự hòa điệu tuyệt vời giữa eros và agape mà chỉ có thể đạt được nhờ Đấng yêu mến chúng ta quá đỗi, đấng yêu mến chúng ta đến cùng.[39]

3. Từ đó, Vatican II cho thấy không một sự thánh thiện Kitô giáo đích thực nào mà không làm cho xã hội thêm nhân bản. Hơn khi nào hết, Công đồng cho thấy “con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ”,[40] và “nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội”.[41] Vì thế, tất cả đều nhằm đến sự thiện hảo của con người.[42] Công đồng mạnh mẽ công bố “các thành đạt của nhân loại là dấu chỉ biểu hiện sự cao cả của Thiên Chúa.”[43] Sứ điệp Kitô giáo không hề kéo con người ra khỏi công cuộc xây dựng thế giới,cũng không làm cho họ mất đi sự quan tâm đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại, thúc bách họ hơn nữa về bổn phận phải thực hiện những điều ấy.[44] Sự thánh thiện Kitô giáo mà công đồng khởi lên mang đặc nét nhân bản. Sự thánh thiện phải làm cho bộ mặt xã hội thêm nhân bản, thêm dễ sống, thêm hân hoan. Đây không phải là sự thánh thiện mà mỗi người sẽ giữ chặt cho chính mình. Trái lại, những người thánh thiện theo công đồng mang đến cho nhân loại, cho những con người cụ thể trong xã hội, niềm an ủi, niềm vui sống…

Pieris suy tư điều này dưới một diện khác: Kitô học giao ước. Ông viết như sau:

Phần đa những người nghèo được Thiên Chúa mời gọi để nên những người đối tác trong Giao ước của Ngài theo dự phóng là sự giải phóng lại không phải là những người Kitô hữu! Phạm trù đầu tiên (những nạn nhân của Mammon, những người biểu thị Đức Kitô “như chúng ta biết ngài bây giờ”) tạo thành phần chính của dân số thế giới mà phần đa lại tập trung ở một châu Á không phải Kitô giáo. Được bao gồm trong phạm trù thứ hai (những người khước từ Mammon, những người theo Đức Giêsu “như ngài đã sống trong những ngày ở trong thân xác”) là những người đồng tác nhân của sự giải phóng, những người hướng đạo trên con đường chính trực, những người khám phá và loan báo Chân Lý cứu độ, những người sáng lập và cổ võ những tôn giáo khác. Những người này không phải là những đối thủ trong cuộc cải hóa chủng tộc nhưng là những người đối tác (chia sẻ) trong một sứ mệnh chung. Đức Giêsu, nơi ngài Thiên Chúa Ba ngôi được giao ước với người nghèo, cần họ cộng tác để cùng với họ đạt tới tư cách Kitô (Christhood) cách hoàn hảo. Đức Giêsu không thể là Đức Kitô mà không có họ![45]

Và sự thánh thiện Kitô hữu không thể không mang đặc tính nhân bản là vì vậy. Thánh Phanxicô Salê diễn đạt điều ấy theo một cách nói vòng, quy tâm rất hay như sau: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tinh thần là sự hoàn thiện của con người; và đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu.”[46] Một khoa nhân học tuyệt điệu! Một sự thánh thiện nhân bản tuyệt vời! Như thế, một vị mục tử, chủng sinh, tu sĩ tử tế, nhã nhặn, kính trọng,.. không giảm bớt chút nào sự thánh thiện của họ cả. Trái lại, người mục tử chua cay, thiếu kính trọng dân chúng, không nhã nhặn… sẽ không thể bộc lộ sự thánh thiện Kitô hữu được, dù có thể giảng nhiều về đức ái và sự thánh thiện!

Sự thánh thiện Kitô hữu không phải là một sự chà đạp lên những gì tốt lành của con người. Ta ghi nhận rằng công đồng xác định “sự độc lập của các thực tại trần thế” và “con người có thể và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên”. Như thế, công đồng tuyên bố có một thứ trần thế tính đích thực, phù hợp với ý định của Thiên Chúa và có thể là nơi Thiên Chúa hẹn gặp chúng ta.[47] Trái lại, sự thất bại để phụng sự Thiên Chúa giữa những thực tại hằng ngày dẫn đến mối nguy hiểm cho phần rỗi đời đời của tín hữu. Đức tin và đức mến của họ nhập thể trong những điều nhỏ bé, nhiều khi đơn điệu, của đời sống hằng ngày. Nói cách khác, công đồng xác định một lối thiêng của đời sống hằng ngày như con đường “ắt có và đủ” vững chắc để đạt tới sự thánh thiện đích thực. Đức cậy vào Vương quốc Thiên Chúa “phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này… phải nhìn nhận rằng những tiến bộ này cũng có giá trị đối với Nước Thiên Chúa trong mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn.”[48] Với nhiều xác quyết khác, chúng ta phải kết luận rằng đối với công đồng Vatican II, sự thánh thiện và sự thăng tiến nhân bản đích thực tương quan tỷ lệ thuận càng thánh thiện càng nhân bản, và càng nhân bản càng tỏ lộ được sự đáng yêu và vẻ đẹp của sự thánh thiện Kitô hữu. Thiếu vắng góc cạnh này, sẽ là vẻ dị dạng của Kitô giáo. Một Kitô giáo không nhân bản, vui tươi và lành mạnh đúng là sự đáng thương của Kitô giáo vậy.[49]

4. Nếu thế, sự thánh thiện được Vatican II nêu bật, luôn mang yếu tố lịch sử, đúng hơn mang yếu tố bối cảnh. Với Vatican II, có thể nói, không có một sự thánh thiện đồng phục hay đồng bộ. Đúng vậy, do sứ mạng và bản chất của mình, Giáo hội không gắn liền với một hình thức văn hóa nhân loại cá biệt nào, hoặc một thể chế chính trị, kinh tế hay xã hội nào.”[50] Vậy, tính đồng bộ trong sự thánh thiện, có thể nói, hủy đi tính sáng tạo của Thần khí Thiên Chúa. Thomas Merton nói về điều này rất thuyết phục: một sự thánh thiện hoàn toàn giống nhau của hai vị thánh là sự “xúc phạm” đến Thần khí Thiên Chúa. Một cây với những nhánh rễ vươn vào lòng đất theo một cách thức chẳng giống với bất cứ rễ cây nào làm vinh danh Thiên Chúa hơn là một rễ cây vươn vào lòng đất giống với một rễ cây khác. Đức Phanxicô mới đây cũng nói đến sự thánh thiện với nhiều bộ mặt. Chính vì thế, bắt chước các thánh không phải là lập lại những việc các ngài làm, cho bằng tìm ra và sống lại cách thức và tại sao các ngài làm những việc đó. Nhờ đó, chúng ta hôm nay buộc phải lượng giá lại những công cuộc mà có thể đã kéo dài hằng bao thế kỷ, để nếu cần, bỏ chúng đi, hay sáng tạo những công cuộc mới. Theo lối nhìn này, công đồng Vatican II nói đến một sự thánh thiện được liên đới với những ưu tư, hy vọng, đau buồn, u sầu, niềm vui của những con người. Kitô hữu thánh thiện nhất thiết phải tìm cách đọc những dấu chỉ thời đại. Giáo hội thánh thiện buộc phải được “xét như một thực thể đang hiện diện trong thế giới, đang cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.”[51]  Không thể có một sự thánh thiện Kitô hữu trốn tránh lịch sử cụ thể của mình.

Có thể xác quyết trên khiến chúng ta khó chịu. Nhưng quả thực, “là một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng, Giáo hội đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ thân phận trần thế với thế giới; Giáo hội như men và linh hồn của xã hội loài người, một xã hội phải được đổi mới trong Chúa Kitô và trở nên gia đình của Thiên Chúa.”[52] Theo ánh sáng này, sự thánh thiện Kitô hữu không bao giờ đi với đôi với “sự than khóc thời số mình”. Phải hơn, sự thánh thiện Kitô hữu cho phép chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa vẫn luôn làm việc theo dự định và kế hoạch của mình, cho phép ta nhận ra, trong tất cả sức mạnh của sự khiêm nhường, tin tưởng và phó thác, rằng Thiên Chúa rất tin tưởng chúng ta khi sai chúng ta đến hoàn cảnh và lịch sử hôm nay. Ngài như thể nói rằng chính chúng ta mới có thể làm cho hoàn cảnh cụ thể này trở nên tốt đẹp hơn theo ý của ngài. Ngày trước, ngài đã gởi một Đaminh, một Phansinh, một Gioan Bosco để làm cho bộ mặt thời đại đó thêm nhân bản, thì hôm nay, ngài cũng gởi chúng ta đến. Cám dỗ lớn của chúng ta là chỉ  muốn trở nên thánh nửa vời, trở nên chủng sinh, tu sĩ, linh mục và cả giám mục nửa vời mà thôi.[53] Sự nửa vời đó chẳng đem lại gì cả và chỉ trình bày một người môn đệ dị dạng của Đức Kitô mà thôi: Anh em không thể làm tôi hai chủ được. (x. Mt 6:24; Lc 16:13) Anh em không thể vừa là muối, vừa mất vị mặn! (x. Lc 14:34; Mt 5:13).

III. NHỮNG HẬU KẾT MỤC VỤ VỀ SỰ THÁNH THIỆN

Đến đây, tôi xin nêu ra hai hậu kết mục vụ quan trọng

1. Rất lâu trước, khi còn nhỏ, trong một lúc cao hứng, tôi đã đọc được cuốn nhật ký một tâm hồn, và rồi tôi tìm cách lặp lại những hành vi của Đức Gioan XXIII mà chẳng hiểu cái động cơ tại sao ngài làm thế cũng như cách thức ngài làm thế. Và rồi chẳng mấy chốc, tôi thấy mình không thể làm được, bởi lẽ một lý do đơn giản rằng tôi không phải là ngài, tôi chẳng có khuôn mặt và tính tình của người Ý như ngài. Chính lúc đó, tôi nhận ra rằng hãy trở nên chính mình, theo dự định Thiên Chúa muốn cho cuộc đời mình, đó sẽ làm vinh danh Chúa hơn cả.

Như vậy, điều hệ trọng: không phải là sự thánh thiện mà ta muốn, song là sự thánh thiện mà Chúa muốn cho ta. Đấy chính là ý nghĩa sâu xa của câu nói: mỗi vị thánh là dấu chỉ và người mang tình yêu của Thiên Chúa cho những người Chúa gởi chúng ta đến. Mỗi vị thánh [mỗi môn đệ đích thực của Chúa Kitô] là một thứ “bí tích” của Đức Kitô cho thời đại của họ. Đó là chiều sâu mà định nghĩa “Giáo hội là bí tích” mang lại.[54]

Nhưng cũng chính từ đây, chúng ta cần phải khôi phục lại sự thánh thiện Kitô hữu hoàn toàn mang tính chất vâng phục. Chúng ta, thế hệ hôm nay, dường như rất dị ứng với từ ngữ vâng phục, với những tiêu chuẩn được Freud, Nietzsche, Marx và Sartre nêu bật. Thế nhưng, sự thánh thiện Kitô hữu sẽ biến thành zerô, nếu không đặt nền trên vâng phục. Nếu Đức Kitô đúng là nguồn mạch, mục đích và khuôn mẫu chân chính của sự thánh thiện Kitô hữu, thì đi tìm một sự thánh thiện không đặt trên vâng phục, quả là xây nhà trên cát. Sẽ không thể trở thành một người hoàn hảo, một con người mới, theo gương Đức Kitô,[55] mà vâng phục được coi là nhân đức của kẻ yếu nhược, của phi nhân bản. Đó chỉ là lối lý luận giả tạo của thế gian mà thôi (x. 1 Cr 1-2). Sự vâng phục của người Con là cách làm người đích thực.[56]

2. Thiên đàng đã bắt đầu ngay bây giờ. Trong GS, công đồng nói đến một lối thay đổi suy nghĩ của con người hôm nay từ tình trạng tĩnh sang trạng thái động. Nếu đó là đúng, thì chúng ta cũng phải buộc trình bày sự thánh thiện Kitô hữu theo dạng thái động. Đức cậy nói cho chúng ta rằng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu ngay từ hôm nay rồi, với sự hiện diện dứt khoát của Đức Kitô. Công đồng viết:

Sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hoá của loài người sa ngã, chống lại và khử trừ các sai lầm và sự ác phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên đầy nguy hiểm của tội lỗi. Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hoá các dân tộc. Với nguồn thiên ân sung mãn, Tin Mừng tác động từ bên trong làm cho những đức tính và nét đẹp cao quý nơi tâm hồn các dân tộc hay của từng thời đại được thêm phong phú, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô. Như thế, trong khi chu toàn sứ mệnh riêng của mình, Giáo Hội thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hoá nhân loại, đồng thời cũng dùng mọi hoạt động, cả trong lãnh vực phụng vụ, để hướng dẫn con người đạt tới tự do nội tâm.[57]

Đoạn văn nói về một thực tại đặc thù là văn hóa, một lãnh vực tuyệt đối liên quan đến con người. Vì thế, đoạn văn cho thấy rõ sự thánh thiện mang tính cánh chung của Giáo hội điều hướng toàn bộ hướng đi của Kitô hữu. Cái tương lai của Nước Thiên Chúa đã ẩn hiện trong cái hôm nay của cuộc sống đức tin rồi. Thiên đàng đã có mặt trong hiện tại. “Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa trở lại.”[58] Vì thế, một chút thiên đàng ta cảm nhận đủ cho ta đánh giá lại thế gian và những gì thuộc về nó.

Bằng cách này, đức tin cho phép chúng ta luôn nhìn ra được sự “không yên” của những con người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Sự thánh thiện Kitô hữu không cho  phép chúng ta bi quan là thế.

KẾT LUẬN

Nay tôi xin kết luận.

Trước tiên, cho phép tôi mời gọi mọi người có một tầm nhìn rộng lớn và lạc quan, hy vọng hơn là bi quan và ảm đạm về sự thánh thiện trong Giáo hội. Và điều ấy rất đúng ý công đồng:

 “Nên như những vì sao trên trời, các Thánh sẽ tỏa sáng như bầu trời sáng trong.”

Như những vì sao trên trời

Với mắt phàm, họ là vạn người

Nhưng trước kính viễn vọng nhìn được những thiên thể không hào quang,

Các thánh nhân quả hằng hà vô số, không tài nào đếm nổi.

[Khác nào] Những núi lửa sôi động

Họ như những lỗ nhỏ để nhìn vào Ngọn lửa Ba Ngôi nhiệm mầu.

[Họ giống như] Những câu chuyện thám hiểm

Được Thánh Thần viết lên

Trong đó ngạc nhiên là chuẩn mực.

[Cầm bằng như] muôn vẻ diễn đạt theo những hình thức văn chương đa dạng

Song lại luôn hấp dẫn:

từ phong thái bi kịch đến hương vị ngụ ngôn.

[Khác chi] Những tác phẩm cổ điển theo ngữ pháp là các mối phúc

Luôn có sức thuyết phục

Vì họ sống vui tươi hạnh phúc.

[Thật như] Những nhà du hành vũ trụ trong không gian

Chúng ta mắc nợ họ những khám phá gây ngạc nhiên nhất

Mà chỉ dành cho ai tách ra khỏi mặt đất.

Hệt như những thiên tài là thế,

Họ như người khổng lồ khác chúng ta

Song lại được tạo thành từ cùng một vật liệu như chúng ta.

Có thể lầm lỡ và thất bại

Nhưng họ luôn là người ngoại lệ:

không phải để bị đánh giá thấp bằng lời bào chữa

Vốn làm họ thành kẻ đồng trang đồng lứa của chúng ta.

Họ diễn đạt Thiên Chúa hoàn toàn cho không

luôn làm [họ] thêm giàu và nâng [họ] lên cao

Theo tiêu chuẩn nhiệm mầu: Ngài là cả sự hào phóng.

Họ sống trong an bình vững chãi

Giữa những đối kháng nhân sinh thường lệ,

Song chẳng hề tự tại vì luôn gắng sức vươn cao.

Xoay vần quanh điều cốt yếu

Họ đúng là ngôn sứ của Đấng Cao Tôn.

Khác nào những nghệ nhân vĩ đại

Trong lò luyện của Đấng Tuyệt Mỹ

Trước Ngài ôi lòng người say ngất.

Là những người thành toàn,

Bất kể nam hay nữ

Họ làm chứng sự hài hòa nhiệm lạ

Giữa bản tính và ân sủng.

Khác nào người điên của Thiên Chúa

Yêu thương quá mãnh liệt

Đến nỗi thốt ra những cách điệu đảo lộn.

Họ muôn dặm cách xa tội lỗi theo bản năng,

nhưng lại gần kề hơn ai hết với mọi hạng tội nhân.

Khác chi những vũ đài trên đó Thiên Chúa diễn tuồng

Song họ thấy mình có khác chi hạng khán giả khiêm cung

Vì biết rõ mình chỉ là hư vô.

Họ quyết ẩn dấu mình luôn mãi

Song lại cứ tỏa sáng không thôi 

Hệt như thành cao trên đỉnh núi.

Họ mang lấy sứ điệp vĩnh cửu

Vượt quá mọi thời gian,

tiến bộ, văn hóa và giống nòi.

[Cầm bằng như] Những lời nóng bỏng

Chúa tuyên phán hầu phá đổ sự biếng nhác chúng ta

Như tiếng gõ trên bàn,

vị Tôn Sư Thần Linh thức tỉnh

lũ học trò đãng trí là chúng ta.

Là phép lạ sống động

Chẳng cần chi đến chuyên viên

Để thừa nhận phẩm chất ngoại thường của Tin Mừng được sống không dối gian (sine glossa)

 Như anh hùng ly thoát

khỏi những gì tục lụy

như chuyên viên tuyệt vời trong cảnh sắc nhân sinh.

Khác nào bậc thày tâm lý chân thật

chạm thấu đến chốn ẩn kín nhất của lòng người,

nhờ lối đường yêu thương.

Họ có thể kích thích cội rễ trong sáng nhất

Hay chạm đến những sợi dây hài hòa cổ xưa

Hoặc truyền dẫn nỗi nhớ nhung về tương lai.

Như những vì sao trên bầu trời

Ôi khác nhau biết mấy

Song tận căn được đốt nóng cùng Ngọn Lửa Thần Linh.

Từ khóe nhìn trên, tôi đi đến kết luận thứ hai: nhất thiết phải tìm ra mối liên hệ bất khả phân giữa khóe nhìn của công đồng về Giáo hội, Dân Thiên Chúa, Bí tích, Mầu nhiệm, Thân mình Đức Kitô, Giáo dân… với tầm nhìn về sự thánh thiện. Công đồng trong Lumen Gentium muốn làm sống lại một Giáo hội đi tìm sự thánh thiện. Và chúng ta có thể nói một Giáo hội đánh mất khao khát này sẽ chỉ còn lại không hơn không kém một cơ quan NGO – phi chính phủ – mà thôi. Và như thế, Giáo hội sẽ tỏ ra một thể chế, một cơ cấu, một chủ nghĩa văn phòng hơn là một cộng đoàn của sự hiệp thông với Đức Kitô.

Lumen Gentium phải thúc đẩy mỗi người chúng sinh, tu sĩ và linh mục chúng ta trở về lại với tặng phẩm đức tin như một hồng ân, đồng thời gánh vác lấy đức tin như một trách vụ vươn tới sự thánh thiện. Nói rõ hơn, sự thánh thiện được ban luôn là một hồng ân và sự thánh thiện được theo đuổi cũng là một hồng ân dưới diện trách vụ. Và như thế, chúng ta kinh nghiệm lại sự nghịch lý mà thời xưa thánh Phaolô đã nói: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu ; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (1 Cr 15: 10).


[1] X. Gioan Phaolô II, NMI, 30.

[2] Ibid., 31.

[3] Ibid. 31.

[4] Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo, trg 364.

[5] Timothy Radcliffe, “And he drew near and went with them

[6] J. Ratzinger, Đức tin Kitô giáo, trg 364.

[7] X. Timothy Radcliffe, “And he drew near and went with them“.

[8] x. International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, Introduction (December 1999 / Promulgated March 2000).

[9] X. Timothy Radcliffe, “A New Way of Being Church”.

[10] J. Ratzinger, ibid., 366.

[11] Benedict xvi, October 02, 2013.

[12] J.Ratzinger. (366-367); cũng x. International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, số 3.2 (December 1999 / Promulgated March 2000)

[13] (LG 8); cũng x. International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, số 3.1 (December 1999 / Promulgated March 2000)

[14] X. International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, số 3.1 (December 1999 / Promulgated March 2000)

[15] International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, số 3.1 (December 1999 / Promulgated March 2000)

[16] International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, số 3.4 (December 1999 / Promulgated March 2000)

[17] Emil Brunner, “One Holy Catholic Church”, Theology Today 4 (1947), 325); cũng xem đúc kết của Đại hội dân Chúa 2010.

[18] Emil Brunner, “One holy Catholic Church”, Theology Today 4 (1947).

[19] J. Ratzinger, (368).

[20] Timothy Radcliffe, “And he drew near and went with them

[21] G. Marcel, Homo Viator, preface.

[22] LG 9; Cũng x. International Theological Commission, Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past, số 3.3 (December 1999 / Promulgated March 2000).

[23] J. Ratzinger, 367.

[24] J.Ratzinger, 366-67.

[25] J.Ratzinger, 367.

[26] x. LG chương 8.

[27] J. Ratzinger, 326

[28] GS 43.

[29] (LG 39)

[30] GS 33.

[31] LG 40.

25 x. PHAOLÔ VI, Huấn từ 3.2.1965: L”Osservatore Romano, 4.2.1965.

[32] GS 45.

[33] GS 52.

[34] A. Pieris, “Chirst Beyond Dogma: Doing Christology in the Context of the Religions and the Poor”, Louvain Studies 25 (2000) 187-231.

[35] A. Pieris, ibid.

[36] A. Pieris, Ibid.

[37] A.Pieris, ibid.

[38] A. Pieris, ibid.

[39] X. Bênêđict XVI, Deus est Caritas.

[40] GS 24.

[41] GS 25.

[42] X. GS 26-27: “Như thế, phải cung ứng cho con người tất cả những gì cần thiết để sống một cuộc sống thực sự mang tính nhân bản” (GS 26), từ những gì thiết yếu thể lý đến thiêng liêng, tôn giáo.

[43] GS 34.

[44] X. GS 33; 34; 40; 42; LG 34-35.

[45] A. Pieris, ibid. [Những in đậm là của chính tác giả].

[46] Francis de Sales, On the Love of God, Book X, chap. 1.

[47] x. LG 39; GS 36-38.

[48] GS 39.

[49] X. GS 41: “Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn”.

[50] GS 42.

[51] (GS 40).

[52] (GS 40).

[53] X. Đức Phanxicô, nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh, ngày July 09, 2013; nói chuyện với các chủng sinh tại Pontifical Leonine College of Anagni, ngày 14 tháng 4, 2014.

[54] X. LG 1.

[55] x. GS 22.

[56] x. GS 22.

[57] x. GS 58.

[58] GS 40.