Giáo Hội Bắt Nguồn Từ Chúa Ba Ngôi

0
936


K’ Bao

 

Chương đầu của Hiến Chế “De Ecclesia” của Vatican II (Lumen Gentium) cho thấy việc khám phá lại những chiều sâu Ba Ngôi của Giáo hội: “de unitate Patris et Filii et Spiritus Sancti plebs adunata” (Cyprian): Giáo hội đến từ Chúa Ba Ngôi, được cấu trúc theo hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, và tiến đến việc viên mãn Ba Ngôi, và tiến đến việc viên mãn Ba Ngôi cho tất cả lịch sử: “Oriens ex alto”, từ cao hạ xuống, được khuôn đúc từ trên cao, và đang trên đường tiến lên “trời cao”(Regnum Dei praesens in mysterio, LG 13), Giáo hội không bị giới hạn nguyên vào những thuộc tính của lịch sử, của điều hữu hình, của “tính cách khả huỷ” trong lịch sử.

Giáo hội đến từ Chúa Ba Ngôi: đó là chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha (LG 2), sứ vụ của Chúa Con (LG 3), công việc thánh hoá của Chúa Thánh Thần (LG 3), cho thấy Giáo hội như là “huyền nhiệm”, là công trình hoạt động của Thiên Chúa trong thời đại con người, được sửa soạn từ khởi đầu (Ecclesia ab Abel), được thu gom bởi Ngôi Lời Nhập thể (Ecclesia creatura Verbi), liên tục được sinh động bởi Chúa Thánh Thần (Giáo hội đền thờ của Chúa Thánh Thần). Do đó Giáo hội là “hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh”: qua một “loại suy không nghèo nàn”, Giáo hội được khuôn đúc theo mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể (LG 8), trong biện chứng hữu hình và vô hình, đang khi “communio” của Giáo hội, là duy nhất trong sự khác biệt giữa những Giáo hội địa phương và giữa sự khác biệt về đặc sủng và tác vụ giữa những Giáo hội địa phương đó, phản ánh sự hiệp thông của chính Thiên Chúa Ba Ngôi (xc các chương II-VI của LG).

Giáo hội tiến về Chúa Ba Ngôi: đó là Giáo hội của dân lữ hành, trong đó – luôn luôn được mời gọi hoán cải và canh tân (Ecclesia semper reformanda), và trong việc hiệp thông với Giáo hội trên trời – vinh quang chung cuộc của Thiên Chúa đã được chuẩn bị (xc các chương VII và VIII của LG).

I. VIỆC CANH TÂN GIÁO HỘI HỌC

Quan niệm nổi bật về Giáo hội trong thần học Công giáo trước Vatican II được xác định bởi điều mà Cha Yves Congar không hề do dự gọi là “chủ –Kitô-đơn-cực”(Christomonism). Thuật ngữ này cho thấy sự chú ý đặc biệt đối với những khía cạnh Kitô học của Giáo hội, và do đó tới chiều kích hữu hình và định chế của Giáo hội. Giáo hội học Trung cổ đã nhấn mạnh đến chiều kích này vì hai lý do: thứ nhất, do vị thế lịch sử chính trị của cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt của hàng giáo phẩm, thứ hai, do sự phân định giữa Thân Mình “thực sự” của Chúa Kitô (phép Thánh Thể) và Thân Mình “mầu nhiệm”, là Giáo hội.

Theo Robert Bellarmine, một nhà Giáo hội học Trung cổ, Giáo hội “là cộng đoàn những con người thống nhất lại qua việc tuyên xưng đức tin chân chính, việc hiệp thông trong cùng những bí tích, và dưới sự điều hành của những mục tử hợp pháp, đặc biệt là một đại diện của Chúa Kitô nơi trần thế, Giám mục Roma… Để được coi là một thành viên của Giáo hội, người ta không cần một hồng ân bên trong nào (virtu), chỉ cần người đó bề ngoài tuyên xưng đức tin và lãnh nhận các bí tích, những điều mà các giác quan có thể kiểm chứng… Thực vậy, Giáo hội là một cộng đoàn (coetus) của những con người cũng hữu hình và sờ thấy được như cộng đồng dân chúng Roma hay vương quốc Pháp hay nền cộng hoà Venice.

Định nghĩa trên nhấn mạnh đến tính hữu hình, được quan niệm theo hình dạng kim tự tháp. Toàn bộ là Giáo hội, được nối kết bởi một đức tin duy nhất cùng những bí tích, nối kết với những thành phần, và về chiều dọc được nối kết với nhau dưới sự hướng dẫn của một thủ lĩnh hữu hình của cộng đoàn Giáo hội, là Giám mục Roma. Các Giám mục địa phương được coi như những trợ tá của vị chủ chăn chung, tới mức độ mà nhiều người đã loại bỏ đạo lý về tính bí tích của chức Giám mục, bởi vì họ chỉ nhìn nơi chức Giám mục nguyên một sự uỷ thác những quyền năng lấy ra từ “đỉnh tháp” của cơ cấu phẩm trật Giáo hội.

Cho đến thế kỷ XIX, một số học giả muốn khám phá lại chiều kích nội tâm và huyền nhiệm của Giáo hội. Tuy nhiên, có thể nói rằng những nỗ lực như thế chỉ mang tính phản ứng và phòng vệ hơn là tuyên bố cách vui tươi khoáng đạt về “mầu nhiệm” ẩn giấu qua nhiều thế kỷ và được mạc khải trong Đức Kitô. Do đó, cần phải suy tư lại về Giáo hội, khởi từ nguồn mạch của đức tin, để khám phá ra những phong phú tiềm ẩn trong đó.

“Thế kỷ của Giáo hội” – như người ta vẫn thường gọi thế kỷ XX như thế – mở đường cho những canh tân cần có khởi đi từ những cơn khủng hoảng do thế chiến thứ nhất gây ra. Việc chẻ vụn đức tin thành các định chế, những nỗi đau cảm thấy và ước muốn sống đời nội tâm vừa đẩy con người tới chỗ khám phá lại chiều kích xã hội (như phát triển những nghiên cứu xã hội học, những hiệp hội quốc tế, v.v…), vừa thức tỉnh những khát vọng tôn giáo của con người. Nhưng những gốc rễ sâu xa hơn và quyết liệt hơn cho việc canh tân Giáo hội học lại thuộc về lãnh vực thiêng liêng: đó là thừa nhận “việc thực hành” siêu nhiên, được gợi lên bởi phản ứng chống phong trào cấp tiến, bởi phong trào phụng vụ, bởi việc nhiệt thành sùng kính phép Thánh Thể, bởi việc trở về với những nguồn mạch Kinh thánh và Giáo phụ, bởi việc khám phá lại vai trò chủ động của người giáo dân, và bởi những xung động mới manh nha của phong trào đại kết: tóm lại, “đó là sức thúc đẩy thuộc lãnh vực thiêng liêng, vốn được người ta sống điều đó trước khi được định thức” (Yves Congar).

Viễn tượng Giáo hội học mới mẻ đã dần dần mang ý nghĩa “một cuộc khám phá lại những yếu tố siêu nhiên và huyền nhiệm của Giáo hội, một nỗ lực khiêm tốn và đạo hạnh để xét mầu nhiệm Giáo hội trong chiều sâu thần thiêng của nó” (Y. Congar).

Việc canh tân này – đặc biệt khơi nguồn từ nền thần học các Giáo phụ và Kinh viện – đã khôi phục những chiều kích Thánh Linh và Kitô học của thực tại Giáo hội: nền thần học về Giáo hội như nhiệm thể Chúa Kitô đã khai mở và phát triển mạnh mẽ. Tất nhiên, cũng có những cường điệu, những kháng cự, những phòng thủ, để rồi sau cùng khiến Huấn quyền phải can thiệp: thông điệp Mystici Corporis (29 tháng 6 năm 1943) cố gắng giải quyết mối nguy từ một nền Giáo hội học Nhiệm Thể, mà thực chất đó là muốn giản lược Giáo hội vào chuyện thuần tuý nội tâm, qua việc khẳng định rằng Nhiệm Thể thì đồng nhất với Giáo hội Công giáo Roma. Nhưng theo lối đó, thì một đằng thông điệp khẳng định sự toàn thắng của chính khái niệm, đồng thời cũng cho thấy những hạn chế của nó, làm thui chột những khởi đầu của việc canh tân Giáo hội học, nhưng cũng khiến nó khai triển xa xôi hơn.

Thế chiến thứ hai tái khẳng định cơn khủng hoảng của thế chiến thứ nhất một cách nghiêm trọng hơn: vì hơn thế nữa, thế chiến thứ hai còn khơi lên việc chạy đua về kỹ thuật và việc kỹ nghệ hoá trong nỗ lực tái thiết thời hậu chiến, nhưng do đó cũng nâng cao khoảng cách giữa những quốc gia phát triển về mặt kinh tế và những nước thuộc “thê giới thứ ba”. Chưa khi nào như những năm đó, đã nảy sinh vấn đề mối tương quan giữa Giáo hội – thế giới trước sự tăng triển vô bờ bến của “đô thị trần thế” và những vấn đề phát triển và đói kém: lịch sử đã triệt để chất vấn Giáo hội. Bên trong suy tư Giáo hội học, với việc khám phá việc mầu nhiệm về đời nội tâm của Giáo hội trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, vấn đề được đặt ra là suy tư lại cộng đoàn Giáo hội như một thực tại lịch sử, một khía cạnh có phần nào bị bỏ qua trong lúc khởi sự việc canh tân, mà điều gì cũng dễ hiểu nếu ta ghi nhận phản ứng chống lại quan điểm hữu hình quá trớn thời quá khứ. Lối tiếp cận mầu nhiệm Giáo hội theo “diện lịch sử” cũng là một yêu cầu qua việc nảy sinh những nghiên cứu Thánh kinh trong thời kỳ này, và phần nào qua phương pháp mới trong việc nghiên cứu các Giáo phụ dẫn tới việc đọc các tác phẩm và ý tưởng của các vị trong bối cảnh lịch sử thời các vị. Như vậy, lịch sử chất vấn Giáo hội không chỉ trong cách thức Giáo hội tiếp cận thế giới, nhưng còn trong chính lối Giáo hội suy tư về chính mình. Từ đó, đã nảy sinh những ý tưởng coi Giáo hội như “bí tích”, “Dân Thiên Chúa”, coi Giáo hội như “một hiệp thông” các ngôi vị và các Giáo hội: Vatican II tiếp nhận tất cả những khái niệm trên, phủ nhận bất cứ lập trường nào giản lược cộng đoàn Giáo hội thành một thực tại thuần tuý thiêng liêng hay một thực tại thuần tuý hữu hình, hơn thế nữa còn đề cập đến “mầu nhiệm” nảy sinh từ Chúa Ba Ngôi và hướng về Chúa Ba Ngôi: một dân tộc đang trên bước đường giữa “điều đã có” trong cuộc ngự đến lần thứ nhất của Chúa Kitô, vốn đã tụ tập dân tộc này, và “điều chưa đến” của việc Người tái lâm, vốn làm cho dân tộc này chứa chan niềm hy vọng phấn khởi.

II. VATICAN II – CÔNG ĐỒNG VỀ GIÁO HỘI

Ngay từ đầu, Công đồng Vatican II, đã được biết đến như Công đồng về Giáo hội: “Công đồng phải là một công đồng ‘de Ecclesia’, và được phân biệt làm hai phần: de Ecclesia ad intra – de Ecclesia ad extra” (Hồng y. L. J. Suenens). “Giáo hội là gì? Đâu là sứ vụ của Giáo hội? Đó chính là hai điểm trọng yếu mà chúng ta đưa vào mọi vấn đề của Công đồng nay” (Hồng y Montini). Do đó, cấu trúc của công đồng nổi lên như một khối đơn giản và chắc chắn: hai cột trụ của Công đồng chính là Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium) và Hiến chế về Giáo hội trong thế giới hôm nay (Gaudium et Spes) Hiến chế thứ nhất xét Giáo hội nơi chính mình, và cố gắng khám phá mầu nhiệm của Giáo hội; hiến chế thứ hai xét Giáo hội trong thái độ đối với trần thế. Những tài liệu khác của Công đồng không làm gì hơn là giải thích và đào sâu những gì mà hai hiến chế trên đã đề cập đến với một tầm nhìn tổng hợp. Toàn bộ sứ điệp của Công đồng như thể là đã thấm đậm mối suy tư Giáo hội học: Công đồng chấp nhận ngỏ lời với chính mình về những yêu cầu cho một cuộc canh tân những gì Giáo hội ý thức về bản thân và về trách nhiệm của mình trong lịch sử.

Là Công đồng về Giáo hội, Vatican II đã trở nên một biến cố của Giáo hội, một cảm nghiệm về hiệp thông và tạ ơn (công đồng được cử hành!) để trong đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, toàn thể Giáo hội được đặt trong thái độ lắng nghe Lời Thiên Chúa, hầu khám phá lại chính bản thân mình khi đối diện với những khát vọng của con người thời đại chúng ta. Trung tín với Thiên Chúa của mình cũng như với lịch sử, Giáo hội trong Công đồng đã muốn nối kết hai tính trung tín trên, bằng việc tuân phục Đấng mà ngay trong ngôi vị của mình đã là cuộc gặp gỡ giữa hai thế giới, thế giới hiện tại và thế giới tương lai: Đức Giêsu Kitô, Đức Chúa của Giáo hội, là ánh sáng muôn dân. Ý hướng này đã được diễn tả sáng tỏ ngay từ những lời lẽ đầu tiên của Constitutio de Ecclesia: những lời trên cho thấy ba mối ưu tư là trung tín với căn tính của mình vốn nảy sinh từ Đức Kitô (viễn tượng Kitô học), trung tín với nhân loại mà Giáo hội có mục tiêu là phục vụ (viễn tượng nhân học), và việc gặp gỡ giữa hai thứ trung tín trên trong mầu nhiệm giao ước vốn là Giáo hội (viễn tượng bí tích): “Đức Kitô là ánh sáng muôn dân, và Thánh Công đồng này, được nối kết với Chúa Thánh Thần, hết sức mong mỏi để ánh sáng của Đức Kitô, vốn soi sáng bộ mặt của Giáo hội, cũng sẽ chiếu sáng toàn thể nhân loại qua việc loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo (xc Mc 16,15) (viễn tượng Kitô học). Vả lại, trong Kitô học, Giáo hội nên như một bí tích hay một dấu chỉ và là dụng cụ để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất với toàn thể nhân loại, nên Giáo hội muốn tỏ bày một cách rõ nét cho tín hữu của mình và cho toàn thể thế giới biết bản chất của Giáo hội cũng như sứ vụ phổ quát của mình (viễn tượng bí tích). Những hoàn cảnh của thời đại chúng ta khiến Giáo hội có trách nhiệm khẩn trương đem mọi người kết hiệp trọn vẹn với Đức Kitô, vì ngày nay nhân loại được nối kết với nhau mật thiết hơn khi xưa, qua những nhịp cầu xã hội, kỹ thuật và văn hóa (viễn tượng nhân học)” (LG 1).

Sự gắn bó sâu sắc giữa ba viễn tượng trên đã sáng tỏ trong bản văn, cho thấy làm thế nào việc Giáo hội trung tín với căn tính của mình trong Đức Kitô và Giáo hội quan tâm đến việc phục vụ nhân loại chiếu theo hoàn cảnh lịch sử của mình, thì không thể chọn một bỏ một, hoặc có thể tách rời nhau. Đúng hơn, chúng cùng song hành với nhau trong Giáo hội mà, để có thể trở thành sự hiện diện cứu độ của Đức Chúa giữa dân của Giáo hội, thì Giáo hội phải là nơi chốn của giao ước (foederis arca), hoàn toàn trung thành với trời và cũng hoàn toàn trung tín với đất, hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, đồng thời cũng sống trọn vẹn cho nhân loại. Việc gặp gỡ giữa hai mối trung tín đó, cả hai đều là cần thiết, đòi hỏi Giáo hội học phải vượt qua tinh thần giản lược: tinh thần giản lược thế tục, vốn coi Giáo hội như một hiện diện khác giữa những hiện diện lịch sử, và chỉ xét đến những khía cạnh lịch sử hữu hình của Giáo hội; và chủ trương giản lược thiêng liêng vốn đề cao chiều kích vô hình của thực tại Giáo hội đến độ phải hy sinh nét cụ thể nhân loại của Giáo hội.

Công đồng đã quyết định xa lánh cả hai chủ trương giản lược khả dĩ nói trên, qua việc trình bày Giáo hội ngay từ đầu đã là “mầu nhiệm”: đây là quan niệm thánh kinh của Phaolô về chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện tiệm tiến nơi con người trong thời gian, và quan niệm về sự vinh quang đang ẩn giấu và đang tác động giữa những dấu chỉ của lịch sử. Giáo hội tự biến mình thành một nơi chốn gặp gỡ giữa sáng kiến của Thiên Chúa và nỗ lực của con người, như sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong thời gian và của thời gian trong Chúa Ba Ngôi, không thể giản lược vào sự hiện diện thuần tuý nhân loại, cho dầu đó là một Giáo hội gồm những con người đang sinh sống trọn vẹn trong lịch sử. Nét cứng cỏi mang tính pháp lý và hữu hình trong lược đồ chuẩn bị, vốn khởi đi với chương nói về bản chất của Giáo hội chiến đấu, đã cân bằng “Ecclesia Catholica Romana” và “Corpus Christi Mysticum”, và lần lượt đề cập đến những phần tử của Giáo hội chiến đấu, đến quyền bính và sự tuân phục, và những mối tương quan “ad extra” của chính Giáo hội, (nét cứng cỏi đó) đã bị vượt qua bằng sự bao phủ của chiều sâu Chúa Ba Ngôi nơi thực tại Giáo hội, nhưng vẫn không vì thế mà loại bỏ tính cách thân thể lịch sử của Giáo hội. Chương đầu của Lumen Gentium, “De Ecclesiae Mysterio”, mầu nhiệm vốn là Giáo hội, cho thấy ngay cách thức Giáo hội tiếp nhận những yêu cầu khởi đầu việc canh tân Giáo hội học trong thế kỷ XX, vốn hướng đến việc bao trùm chiều kích nội tâm và siêu nhiên của Giáo hội, cũng như những khai triển sau này của Giáo hội, diễn tiến xoay quanh việc nhìn nhận trong lịch sử thành quả sáng kiến của Chúa Ba Ngôi, đó là mối hiệp thông Giáo hội. “Mầu nhiệm” Giáo hội vừa vượt qua chủ trương duy hữu hình của phong trào Chống Cải cách, lại vừa bao trùm chiều kích lịch sử của Giáo hội trong “thời kỳ quá độ” (in-between time), nghĩa là thời kỳ ở giữa nguồn gốc Giáo hội trong những sứ vụ của Thiên Chúa và sự thành toàn trọn vẹn trong vinh quang của Thiên Chúa, Đấng là tất cả trong mọi sự. Như vậy, Công đồng về Giáo hội phục hồi cho Giáo hội học Công giáo sự tươi trẻ và chiều sâu trong mối tương quan với Chúa Ba Ngôi, đồng thời cũng đem lại khái niệm về một hữu thể sống trong lịch sử vốn không chỉ thuần tuý là một hữu thể của lịch sử.

III. GIÁO HỘI HỌC BA NGÔI CỦA VATICAN II

Với việc vượt qua những chủ trương giản lược có thể có, đồng thời với việc hiểu biết mới mẻ và đầy đủ về mầu nhiệm Giáo hội. Chìa khoá để hiểu được sứ điệp Giáo hội học của Công đồng, nằm ở chính lối đọc mang tính ba ngôi của Giáo hội: “một dân tộc được nối kết trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (St. Cyprian), Giáo hội được trình bày trong chương đầu của Lumen Getium, đến từ Chúa Ba Ngôi, được phác hoạ theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi, và đang rong ruổi tiến đến thành toàn lịch sử trong Chúa Ba Ngôi. Đến từ trên cao, “oriens ex alto” giống như Đức Chúa của mình (Lc 1,78), được tạo thành từ trên cao, và đang trong bước đường hành hương về quê trời, đến mức độ như “Regnum Dei praesens in mysterio” (LG 3), Giáo hội nằm trong lịch sử nhưng lại không thể bị giản lược vào những thuộc tính của lịch sử, tức là hữu hình và có thể bị huỷ diệt. Quan điểm nền tảng này, đến với chúng ta từ Kinh thánh và từ những suy tư của các Giáo phụ về niềm tin, đã được khai triển trong toàn bộ hiến chế De Ecclesia, vốn nghiên cứu nguồn gốc, thời hiện tại và tương lai của Giáo hội trong ánh sáng Chúa Ba Ngôi. Giáo hội xuất hiện khi nào? – Giáo hội là gì? – Giáo hội đi về đâu? Đó là ba câu hỏi nền tảng mà Công đồng muốn trả lời, dựa trên nguồn gốc, bản chất và vận mạng của hiệp thông Giáo hội mang nặng tính Ba Ngôi.

Nguồn gốc mang tính Ba Ngôi của Giáo hội được trình bày qua việc miêu tả nhiệm cuộc cứu độ: chương trình của Chúa Cha miễn phí và giấu ẩn, tức là được ban nhưng không và khôn tả, có mục đích là nâng con người lên đến việc thông dự đời sống Thiên Chúa qua việc hiệp thông với Chúa Ba Ngôi: “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Người đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh” (LG 2). Bất chấp tội lỗi, Chúa Cha đã thể hiện chương trình này vì Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, “được sinh ra trước mọi thọ tạo”, “trưởng tử giữa một đoàn em đống đúc”, có nghĩa là, trọng tâm của việc sáng tạo và cứu độ đều nằm trong một chương trình cứu độ duy nhất (xc Cl 1,15 và Rm 8,29). Việc con người hiệp nhất với Thiên Chúa và con người hiệp nhất với nhau, được thành toàn trong hành vi hoà giải của Ngôi Lời Nhập Thể, được thể hiện trong lịch sử nơi Giáo hội và sẽ được viên mãn trong vinh quang: “Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo hội. Từ nguyên thủy, Giáo hội được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Giáo phụ, mọi người công chính từ Adam, “từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” sẽ được tập họp trong Giáo hội phổ quát bên Chúa Cha” (LG 2), Ở đây Giáo hội được hiểu theo một nghĩa rất rộng – “Ecclesia ab Abel usque ad ultimum electum” – chiếu theo lập trường phổ quát (universalism) bắt nguồn từ thánh Phaolô (liên quan đến “Kitô học hoàn vũ” của Phaolô), vốn hiện diện rộng rãi nơi tư tưởng các Giáo phụ. Điều này không có nghĩa là cho rằng Giáo hội không còn cần thiết cho việc cứu độ: đúng ra nó khẳng định rằng Giáo hội, ngay trong vẻ hữu hình và lịch sử của mình, vẫn là bí tích, tức là dấu chỉ và dụng cụ được chọn lựa cho kế hoạch của Thiên Chúa kể từ ngày tạo dựng cho đến buổi tái lâm. Nói khác đi, Giáo hội là việc tham dự mang tính lịch sử vào sự hiệp nhất Ba Ngôi, việc hiện thể hoá bắt đầu dưới tấm màn của những dấu chỉ ơn cứu độ nảy sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa, Giáo hội là mầu nhiệm hay bí tích “cho sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1).

Chương trình hiệp nhất của Thiên Chúa được thể hiện vào lúc thời đã mãn với sứ vụ và công trình của Người Con: Người khai mở trên mặt đất này vương quốc thiên đàng, mà Giáo hội chính là sự hiện diện “trong mầu nhiệm” của vương quốc đó, đó là dấu chỉ và hạt giống vừa mạc khải lại vừa giấu kín, và nhờ quyền năng Thiên Chúa, tăng trưởng đến độ viên mãn (xc LG 3). “Sự khởi đầu và tăng trưởng này được ghi dấu bằng máu và nước tuôn trào từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (xc Ga 19,34), và đã được tiên báo qua những lời của Chúa liên quan đến cái chết của Người trên thập giá: ‘khi nào được đưa lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi’ (Ga 12,32)” (LG 3). Trong nước và máu tuôn tràn từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu đóng đinh, các Giáo phụ đã nhìn thấy ở đấy các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể: có nghĩa là từ Chúa Kitô Phục sinh, đã tuôn trào cơ cấu bí tích của Giáo hội. Bản văn của Gioan vừa trích dẫn (Ga 12,32) đã nêu lên tuyệt đỉnh nghi lễ thập giá: việc đưa lên cao, vốn là sự phục sinh vinh quang, vốn mang ý nghĩa sự chấp nhận của lễ về phần Chúa Cha, và kết quả là sự hoà giải giữa nhân loại với Chúa Cha và giữa con người với nhau. Như sứ vụ của Người Con, mà Giáo hội nối kết chặt chẽ vào đó, nằm ở trọng tâm chương trình của Chúa Cha, thì cũng vậy, mầu nhiệm Phục sinh, từ đó Giáo hội được sinh ra như một cộng đoàn những con người được hoà giải với Thiên Chúa trong Chúa Kitô và được hoà giải với nhau, (thì mầu nhiệm ấy) cũng nằm ở trọng tâm sứ vụ của Chúa Con.

Mầu nhiệm đó không đơn thuần là một biến cố của quá khứ: nó còn hiện diện trong việc tưởng niệm là phép Thánh Thể, đề hoà giải nhân loại ngay hôm nay trong lịch sử của họ – “Thánh Thể là việc tưởng niệm Chúa Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh, là dấu chỉ sống động và hữu hiệu hiến lễ của Người, được chu toàn một lần cho mãi mãi trên thập giá, và luôn hoạt động để phù giúp cho toàn thể nhân loại. “Mỗi lần hiến lễ thập giá, mà trong đó ‘Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu sát tế’ (1 Cr 5,7), được cử hành trên bàn thờ, thì công việc cứu độ chúng ta được hoàn tất. Cùng lúc đó, trong bí tích Thánh Thể, sự hiệp nhất của người tín hữu vốn làm nên một thân thể trong Chúa Kitô (xc 1Cr 10,17), (sự hiệp nhất đó) vừa được diễn tả, vừa được kiến tạo. Mọi người được kêu gọi đi vào hiệp nhất đó với Chúa Kitô, Đấng là ánh sáng trần gian: chúng ta đến từ Người, chúng ta sống nhờ Người, và chúng ta tiến về Người” (LG 3). Giáo hội, đang đứng ra cử hành phép Thánh Thể, được sinh ra từ phép Thánh Thể như Thân Mình Chúa Kitô trong lịch sử.

Sứ vụ của Chúa Con lên tới cao trào trong việc gửi Chúa Thánh Thần đến: Người khiến ta có thể tiến đến cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô. Cũng như Chúa Cha qua Chúa Con trong Thần Khí, thì con người cũng có thể đến với Chúa Cha trong Thần Khí qua Chúa Con: chuyển động đi xuống tương ứng với chuyển động đi lên, trong một vòng hiệp nhất mà pha vĩnh cửu chính là Chúa Ba Ngôi và pha tạm thời là Giáo hội. Chúa Thánh Thần ban sự sống (xc Ga 4,14; 7,38-39; Rm 8,10-11, được trích dẫn ở LG 4): Chúa Thánh Thần “ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn người tín hữu như trong một đền thờ (xc 1 Cr 3,16; 6,19) và trong họ Người cầu nguyện và làm chứng cho tử hệ thần thiêng (xc Gl 4,6; Rm 8,15-16,26). Người dẫn dắt Giáo hội đến sự viên mãn của chân lý (xc Ga 16,13), nối kết Giáo hội trong hiệp thông và phục vụ, ban cho Giáo hội những hồng ân theo phẩm trật và đặc sủng, nhờ đó Người hướng dẫn Giáo hội nên xinh đẹp nhờ hoa quả của Người (xc Ep 4,11-12; 1 Cr 12,4; Gl 5,22). Người làm cho Giáo hội được tươi trẻ với sức mạnh của Tin mừng, Người luôn canh tân Giáo hội và dẫn dắt Giáo hội đến việc kết hợp trọn vẹn với Phu quân của mình. Chúa Thánh Thần và Giáo hội nói với Chúa Giêsu: xin ngự đến! (xc Kh 22,17)” (LG 4).

Do đó Giáo hội mà Chúa Cha mong muốn chính là thụ tạo của Người Con (“creatura Verbi”: thụ tạo của Ngôi Lời Thiên Chúa), luôn được sinh động bởi Chúa Thánh Thần: Giáo hội thực sự là “công trình của Chúa Ba Ngôi. Cũng như con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và phản ảnh hoạt động của Thiên Chúa qua việc con người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, thì cũng vậy, Giáo hội tiêu biểu cho Chúa Giêsu Kitô, cũng là sự biểu lộ đời sống Chúa Ba Ngôi trong thời gian. Do đó chúng ta có một cuộc hiển linh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, trong và qua nhân loại, và cuộc hiển linh của Thiên Chúa, là một trong Ba Ngôi, trong và qua Chúa Kitô và Giáo hội của Người. ‘Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con’ (Ga 20,21). Giáo hội là Giáo hội từ Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate). Thuật ngữ Latin ‘de’ gợi lên ý tưởng về mô phỏng cũng như việc tham dự. Chính từ sự hiệp nhất giữa các ngôi vị Thiên Chúa thì nảy sinh việc hiệp nhất với nhau, Dân Chúa thông dự vào một Hiệp Nhất khác; do đó mà đối với thánh Cyprien, sự hiệp nhất của Giáo hội không thể hiểu được nếu tách rời khỏi sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi. “Việc thông giao này trong mối hiệp nhất được viên mãn bởi cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phân ly, và tác động trong mối tương quan với Chúa Cha và với chương trình của Người, (mối thông giao đó) chính là Giáo hội trong viên mãn”. Lối đọc theo ý nghĩa Ba Ngôi về sự hiệp thông Giáo hội do đó mở rộng từ trình thuật nguồn gốc Giáo hội đến trình thuật về thời hiện tại và tương lai của Giáo hội: Chúa Ba Ngôi ban tặng chính mình như một đáp ứng phong phú và bất tận không chỉ cho câu hỏi “Giáo hội khai sinh từ khi nào?”, nhưng còn trả lời cho câu hỏi về bản chất và cứu cánh của Giáo hội. Điều này lộ rõ qua việc triển khai Lumen Gentium.

Giáo hội là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi Rất Thánh: có nghĩa là, Giáo hội được cấu trúc trong mối hiệp thông chiếu theo hình ảnh và sự tương tự như mối hiệp thông của Ba Ngôi: “Qua việc loại suy, Giáo hội có thể được ví như mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, bởi lẽ, như bản tính được mặc lấy đã phục vụ Ngôi Lời như dụng cụ sống động cho việc cứu độ, luôn luôn nối kết với Người, thì cơ thể xã hội của Giáo hội cũng phục vụ Thần Khí của Chúa Kitô. Đấng tác sinh cơ thể đó bằng cách xây dựng nên Thân Mình (xc Ep 4,16)” (LG 8). Do đó, theo lối loại suy, Giáo hội cũng giống như sự hiệp thông nơi Thiên Chúa, là một trong những sự đa dạng các ngôi vị qua sự trao đổi phong phú những mối tương quan. Vì “nơi các ngôi vị Thiên Chúa” tình yêu là sự phân biệt giữa các Ngôi Vị, và vượt lên trên những gì là riêng tư trong tính thống nhất của mầu nhiệm, thì nơi Giáo hội cũng vậy, tình yêu cũng là “sự phân biệt và vượt lên trên tính cách khác biệt” (Hegel). Các hồng ân và tác vụ khác nhau lại đồng quy trong sự hiệp nhất giữa dân Thiên Chúa, thì cũng giống như sự đã dạng giữa các Giáo hội địa phương đều thể hiện đầy đủ tính Công giáo ở một nơi và một thời nhất định, mỗi Giáo hội được kêu gọi để sống và diễn tả chính mình trong sự hiệp thông hỗ tương. Giáo hội, được cấu trúc chiếu theo kiểu mẫu Ba Ngôi, cũng duy trì cách biệt khỏi tính đồng bộ vốn làm mất đi tính chất độc đáo và phong phú của hồng ân Chúa Thánh Thần, và khỏi mọi mối bất hoà chia rẽ, vốn bất lực trong việc làm hài hoà trương lực giữa những đặc sủng và tác vụ khác nhau trong một sự chấp nhận sáng tạo hỗ tương giữa các ngôi vị và những cộng đoàn trong tính duy nhất của đức tin, đức cậy và đức ái (xc các chương II và IV của LG).

Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch và hình ảnh gương mẫu của Giáo hội, rốt cuộc lại trở thành chính mục tiêu của Giáo hội: sinh ra từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, hiệp thông Giáo hội lại qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, mà trở về cùng Chúa Cha, cho đến ngày mà tất cả qui phục Chúa Con, Đấng bắt mọi sự qui phục Chúa Cha, để “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1 Cr 15,28). Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và quê nhà mà đoàn dân hành hương tiến về: Chúa Ba Ngôi chính là “điều đã có” và “điều chưa đến” của Giáo hội, nguồn gốc quá khứ và lời hứa vị lai, là khởi đầu và cùng đích. Việc sau cùng đạt đến vinh quang như vậy, trong đó sự hiệp thông của nhân loại được chìm ngập mãi mãi trong đời sống thần thiêng, chính là nêng tảng cho tính cánh chung của Giáo hội lữ hành, được Vatican II tái khám phá và trình bày lại cho toàn thể Giáo hội được biết. Giáo hội không mong chờ sự thành toàn ngay trong đời này, nhưng hy vọng và chuẩn bị điều đó cho đến ngày Chúa tái lâm và tất cả được hoàn toàn thâu tóm nơi Người. Giáo hội luôn luôn là tiến triển, chẳng bao giờ kết thúc, do đó Giáo hội “semper reformanda” (luôn phải cải cách), cần thanh luyện liên lỉ và không ngừng canh tân, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần Đấng làm việc để những lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Giáo hội.

Do đó trong thời kỳ “quá độ”, kéo dài giữa việc Chúa Kitô đến lần thứ nhất và việc Người trở lại vinh quang, Giáo hội luôn trung tín với thế giới hiện tại và với thế giới tương lai, được che phủ bởi Chúa Thánh Thần, giống như Đức Trinh Nữ Maria, Đấng là chi thể tuyệt diệu và hình ảnh của Giáo hội, được nuôi dưỡng bởi những hồng ân ban cho Giáo hội để Giáo hội có thể tiến triển qua Mùa Vọng dài dòng của lịch sử hướng về điều chưa được hoàn tất nơi mình. Giáo hội “inter tempora” (đang trong thời gian) hành trình hướng về Chúa Ba Ngôi, qua lời cầu nguyện, tán tụng và phục vụ, dưới gánh nặng của những mâu thuẫn hiện nay nhưng lại phong phú với niềm vui vì những lời hứa (xc chương VII của LG về bản chất cánh chung của Giáo hội lữ hành, và chương VIII về Đức Trinh Nữ Maria Thiên Chúa Thánh Mẫu, trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội). “Giáo hội bước đi trong cuộc hành hương giữa những bách hại của trần gian và những an ủi của Thiên Chúa” (Thánh Augustin). Mạnh mẽ với lòng trung tín cùng Thiên Chúa của mình và được thử thách dưới gánh nặng những do dự và từ khước, Giáo hội trong cuộc lữ hành của mình hướng về sự viên mãn Chúa Ba Ngôi trong lịch sử.

Giáo hội đến từ Chúa Ba Ngôi, tiến về Chúa Ba Ngôi, và được họa theo hình ảnh của Chúa Ba Ngôi: tất cả những gì Công đồng nói về Giáo hội đều qui tụ trong việc ghi nhận nguồn gốc, bản chất, vận mệnh có tính cách Ba Ngôi trong hiệp thông Giáo hội. Chủ trương hữu hình cứng rắn của thời quá khứ chưa được vượt qua trong một hình thức triệt để: sự trung tín với lịch sử chưa được diễn tả với một sức mạnh lớn lao hơn. Tiếp theo chứng từ của Kinh thánh và các Giáo phụ, Giáo hội Công đồng là Giáo hội về Chúa Ba Ngôi, là “Ecclesia de Trinitate”.

(Bruno Forte, LA CHIESA ICONA DELLA TRINITÀ, Editrice Queriniana, Brescia, Italia 1984).