Vũ Văn An
Trong diễn văn khai mạc khóa thứ hai CÐ Vaticanô II (1962-1965), Ðức Phaolô VI đưa ra định nghĩa sau về GH: “Giáo Hội là một mầu nhiệm. Ðó là một thực tại thấm nhuần sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa”.
I. GIÁO HỘI NHƯ MỘT CỘNG ĐOÀN: VIỆC THÀNH LẬP GIÁO HỘI TRONG THẾ KỶ THỨ NHẤT
Hình ảnh cây nho nói lên tính cộng đoàn của Giáo Hội trong đó các thành viên (ngành) tiếp nhận sức sống từ cây nho (Chúa Giêsu) và chỉ sinh được hoa trái nhờ bám vào thân nho. Hình ảnh ấy nhấn mạnh đến tình hiệp thông (fellowship) chung của mọi tín hữu được kết hợp với nhau trong đức tin nhờ Chúa Thánh Thần.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kêu gọi Giáo Hội vào một cộng đoàn và lịch sử thế kỷ thứ nhất cho ta thấy Giáo Hội đã cố gắng ra sao trong việc kết hợp thành Thân Thể Chúa Kitô. Ðôi lúc sự hợp nhất và tình yêu thương trong cộng đoàn này hết sức hiển nhiên. Nhưng cũng có lúc có những thách đố đến đe dọa sự hợp nhất ấy một cách nghiêm trọng.
Giáo Hội được thiết lập nhân danh Chúa Giêsu khi Thánh Linh xuống trên các Tông Ðồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Các thành viên cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau bẻ bánh, cùng nhau chia sẻ của cải. Trong những ngày đầu tiên ấy, Thánh Phêrô giảng rằng Chúa Giêsu Nadarét là Ðấng Thiên Sai, đã chịu khổ hình và chết cho mọi người và đã sống lại. Thánh Phêrô cũng giảng về nhu cầu phải thống hối và rửa tội nhân danh Chúa Giêsu. Như thế, nền tảng Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô. Người là người xây dựng cộng đoàn, luôn ở với cộng đoàn trong phép Thánh Thể, biểu tượng vĩ đại nhất của yêu thương và đoàn kết. Không có sự sống lại của Chúa Giêsu, không có Giáo Hội.
Hai mối đe doạ đầu tiên xẩy đến cho cộng đoàn Giáo Hội liên quan đến việc đối xử thích đáng đối với các góa phụ Kitô hữu gốc Do Thái nói tiếng Hy Lạp, và phải đối xử ra sao với người ngoại đạo (không phải Do-Thái). Vấn đề thứ nhất được giải quyết bằng việc bổ nhiệm các phó tế; vấn đề thứ hai được giải quyết tại Công Ðồng Giêrusalem khi Thánh Linh hướng dẫn các nhà lãnh đạo cộng đoàn đưa ra quyết định không cần phải là Do-thái mới trở thành Kitô hữu.
Việc bách hại các Kitô hữu gốc Do-Thái nói tiếng Hy Lạp buộc họ phải rao truyền Tin Mừng tại các thị trấn bên ngoài Giêrusalem. Thánh Phaolô thành Tarsus, với sự trợ giúp của các nhà truyền giáo Kitô hữu khác như Barnabas, dấn thân thực hiện ba cuộc hành trình lớn để rao truyền Tin Mừng khắp Ðế Quốc Rôma. Ðến cuối thế kỷ thứ nhất, Kitô Giáo đã được thiết lập vững vàng trong thế giới Rôma.
Các tín hữu Chúa Giêsu Kitô được gọi là Kitô hữu lần đầu tại Antioch, Syria. Sau Chúa Giêsu, Thánh Phaolô là khuôn mặt quan trọng nhất thời Tân Ước. Xuất thân là một Biệt Phái, ngài trở lại Kitô giáo trên đường đi Damascus lúc cảm nghiệm được Chúa phục sinh. Ngài thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo, làm nhiều người ngoại giáo trở lại và đã chủ động trong việc lôi kéo được Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê ủng hộ lập trường bênh người ngoại giáo tại Công Ðồng Giêrusalen năm 50. Ngài viết nhiều thư thần học quan trọng làm thành một phần quan trọng của Tân Ước. Sau cùng, ngài bị chém đầu tại Rôma, dưới thời Neron, năm 68.
Một đe dọa khác xẩy đến cho cộng đoàn Kitô Giáo diễn ra tại Côrintô khi một số Kitô hữu không nhìn nhận sự hiện diện của Chúa trong người anh em đồng đạo của mình khi cử hành Thánh Thể.
Tổ chức Kitô giáo tiên khởi gồm tóm mọi người vào trong sứ vụ. Các Tông đồ được chính Chúa Kitô cử nhiệm với Thánh Phêrô đứng đầu. Một số người là ngôn sứ, thầy dạy, ngườì chữa bệnh và làm phép lạ. Một số khác có thể nói các thứ tiếng lạ; và có những người có khả năng phiên dịch các thứ tiếng lạ kia. Ðến cuối thế kỷ thứ nhất, các giám mục – những người thừa kế các tông đồ – trở thành tiêu điểm đoàn kết trong Giáo Hội. Các linh mục và phó tế trợ giúp các ngài. Giám mục Rôma (giáo hoàng) giữ vị thế trổi vượt trong hàng giám mục và càng ngày càng được tìm đến để lãnh đạo, nhất là từ thế kỷ thứ hai trở đi.
Nhiều cuộc bách hại người Kitô hữu đe doạ sự sống còn của Kitô giáo. Có lúc Rôma tỏ ra khoan dung; có lúc, nhất là dưới thời các hoàng đế Neron, Domitian, Marcus Aurelius, Decius và Diocletian, các cuộc bách hại nổ lớn. Thánh Inhaxiô thành Antioch là đại biểu cho lý tưởng tử đạo, sẵn sàng chết cho Chúa Giêsu Kitô.
II. NGƯỜI LOAN BÁO: GIÁO HỘI RAO GIẢNG TIN MỪNG TỪ NĂM 100 ĐẾN NĂM 800
Hình thánh giá với bốn cuốn sách ở bốn góc nói lên sự kiện Giáo Hội được ủy thác việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô ra khắp bốn phương thiên hạ.
Việc ủy thác này xẩy ra ngay trước khi Chúa Giêsu lên trời, lúc Người truyền cho các Tông Ðồ phải đi khắp muôn phương rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho muôn dân biến họ thành môn đệ Người. Có ba yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc rao giảng này: những bậc thầy nổi danh tức các nhà hộ giáo và các giáo phụ, việc hợp pháp hóa Kitô giáo và sự hợp tác giữa nhà nước và Giáo Hội, phong trào đơn tu.
Các nhà hộ giáo, mà người nổi tiếng hơn cả là thánh Justin Tử Ðạo, lên tiếng bênh vực Kitô giáo chống lại các nhà trí thức ngoại đạo, những người cho rằng Kitô giáo là man ri, vô thần và làm gián đoạn cuộc sống trong Ðế Quốc Rôma. Còn các giáo phụ thì lo chống đỡ nền giáo huấn chính thống bằng cách phản công các nhóm lạc giáo. Các giáo phụ nổi danh gồm có Thánh Irenaeus, Thánh Anathasius, thánh Gregory thành Nyssa, thánh Basil, thánh Cyril thành Alexandria, Thánh Giáo hoàng Leo I, thánh Augustine, thánh Ambrose, thánh Jerome, thánh John Chrysostom và thánh Giáo hoàng Gregory Cả.
Các nhóm lạc giáo chính trong giai đoạn này gồm:
* Phái Novatianô (Novatianism: do Novatian 200?-?) dạy rằng tội trọng không thể nào tha được, ngược với giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng tội nào cũng được tha miễn hối nhân hối hận thực sự. Lạc giáo này bị kết án tại Công Ðồng Nicaea năm 325.
* Phái Ðônatô (Donatism, do Ðônatô 313-347) cho rằng để bí tích thành sự, linh mục phải thánh thiện trong khi Công Đồng Arles (314) dạy rằng các bí tích chuyên chở ơn thánh không lệ thuộc sự thánh thiện của linh mục.
* Phái Ariô (Arianism, do Arianô 250-336) cho rằng Chúa Giêsu không thực sự là Thiên Chúa. Công đồng chung (cho toàn thế giới) đầu tiên họp tại Nicaea (325) dạy rằng Chúa Giêsu có cùng bản tính như Thiên Chúa. Thánh Anathasius biện hộ chống lại phái Ariô. Công đồng Constantinople (381) tái khẳng định giáo huấn của Nicaea và công bố bản tuyên tín nổi danh mà nay ta dùng trong Thánh Lễ.
* Phái Nestôriô (Nestorianism do Nestôriô ?-451) cho rằng Chúa Giêsu có hai ngôi vị và Đức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Cyril thành Alexandria và Công Ðồng Êphêsô (431) dạy rằng Chúa Giêsu chỉ có một ngôi vị đó là Ngôi Hai Thiên Chúa và Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa.
* Phái nhất tính luận (monophysitism) chủ trương rằng Chúa Giêsu chỉ có bản tính Thiên Chúa, chứ không có bản tính nhân loại. Quan điểm này bị thánh giáo hoàng Lêô Cả và Công Ðồng Chalcedon (451) lên án. Các vị dạy rằng Chúa Giêsu Kitô là ngôi vị Thiên Chúa với hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại.
* Phái Pêlagiô (Pelagianism do Pêlagiô 354-418) đả phá học thuyết tội nguyên tổ và nhu cầu phải có ơn thánh mới được cứu độ. Lạc giáo này bị thánh Augustine đánh bại. Thánh nhân dạy rằng con người cần sự trợ giúp siêu nhiên của Chúa mới có thể được cứu độ.
Việc truyền bá Tin Mừng cũng được trợ giúp nhiều bởi việc trở lại của Hoàng Ðế Constantine là người đã ban hành Sắc Lệnh Khoan Dung vào năm 313. Ðến năm 380, dưới thời hoàng đế Theodosius, Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Ðế Quốc. Nhờ thế, việc rao truyền Tin Mừng được tự do. Khi Charlemagne được đức Lêô III tấn phong hoàng đế vào năm 800, Giáo Hội và nhà nuớc liên kết với nhau thành một liên minh gây ảnh hưởng then chốt cho suốt thời kỳ Trung Cổ sau này.
Việc xâm lăng của người Hồi Giáo đã đem lại mất mát nhiều cho sự hiện diện của Kitô giáo tại Syria, Palestine, Ai-Cập, Phi Châu và Tây Ban Nha. Thực tế nó cô lập Âu Châu và hạn chế việc truyền bá Kitô giáo trong hơn 5 thế kỷ.
Tuy nhiên, phong trào đơn tu (monasticism) đã góp công lớn trong việc rao giảng Tin Mừng. Thánh Anthony được coi như đan sĩ đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Pachomius được coi là người sáng lập ra các đan viện đầu tiên. Thánh Benedict thành Nursia là vị đan sĩ quan trọng nhất trong thời gian này. Ðược tôn kính là quan thầy của Châu Âu, Luật của ngài được rất nhiều cộng đoàn đan viện noi theo trong thời Trung Cổ. Các đan viện trở thành các trung tâm “hành quân” đi rao giảng Tin Mừng cho người man ri. Chúng cũng là những trung tâm học hành và tạo ổn định trong thời Ðen Tối (Dark Ages) vì đã cung cấp lý tưởng linh đạo cho các Kitô hữu và đào tạo nhiều giám mục cho Giáo Hội.
III. GIÁO HỘI NHƯ ĐỊNH CHẾ: THỜI TRUNG CỔ VÀ VIỆC XÂY DỰNG ĐỊNH CHẾ
Giáo Hội cũng được miêu tả dưới biểu tượng chiếc chìa khóa, tượng trưng cho thẩm quyền tha tội, dạy dỗ và điều khiển nhiều cơ quan và hoạt động nhân danh Chúa. Nói cách khác chiếc chìa khóa chỉ về một định chế. Giáo Hội quả là một định chế, với cơ cấu và phẩm trật được tổ chức để rao truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu và thi hành công việc của Người nơi trần gian.
Hơn bất cứ thời nào khác, Trung cổ (năm 800 đến năm 1500) được coi là đã rèn nên Giáo Hội định chế như ta thấy ngày nay. Mấy điểm chính yếu về thời kỳ này:
a. Thời Kỳ Ðen Tối (Dark Ages): các thế kỷ 9 và 10 được mệnh danh là Thời Kỳ Ðen Tối với các biến cố: việc chia năm sẻ bẩy đế quốc của Charlemagne, việc ra đời của chế độ phong kiến, các cuộc xâm lăng mới của man ri và việc nhà nước càng ngày càng kiểm soát Giáo Hội. Ðức giáo hoàng Nicholas I và các đan viện phụ của Cluny khích lệ các cố gắng canh tân Giáo Hội trong thời kỳ này, nhất là liên quan đến 3 lạm dụng: buôn thần bán thánh (simony), giáo dân lãnh thánh chức (lay investiture) và các linh mục không giữ luật độc thân.
b. Công lớn của các vị Giáo hoàng: Sở dĩ Giáo Hội có thể đương đầu với những can thiệp bất chính của nhà nước là nhờ công lớn của những vị giáo hoàng vĩ đại. Sau đây là bảng liệt kê các vị giáo hoàng chủ chốt và các thành quả của các ngài:
Giáo Hoàng
Nicholas II| Thiết lập Hồng Y đoàn (1059) để bầu giáo hoàng
Gregory VII| Dictatus Papae (Phán quyết của Giáo Hoàng 1075) và thắng Hoàng Ðế Henry IV trong vụ tranh chấp trao ban thánh chức. (bốn phán quyết quan trọng: a) chỉ giáo hoàng mới có quyền truất phế giám mục, b) chỉ giáo hoàng mới được dùng huy hiệu hoàng đế, c) không ai có quyền phê phán giáo hoàng, d) Giáo hoàng có quyền truất phế các hoàng đế và giải thoát các chư hầu khỏi lệ thuộc các hoàng đế tội lỗi).
Urban II| Kêu gọi Ðệ Nhất Thập Tự Chinh (1097-1099)
Alexander III| Nhiều chiến thắng chính trị quan trọng chống lại Frederick Barbarossa và Henry II của Anh
Innocent III| Chiến thắng chính trị tại Ðức, Pháp và Anh; Công đồng Lateran thứ Tư (triệu tập tại Rôma năm 1215, ấn định con số bí tích là 7; ấn toà giải tội; xưng tội năm một lần và rước lễ mùa phục sinh; tín điều transubstantiation).
Các vị giáo hoàng thời Trung Cổ tăng gia uy thế tại Âu Châu nhờ việc dùng đến vạ tuyệt thông (excommunication) và lệnh đình chỉ hiệp thông (interdict), ban hành các sắc thuế và khai triển hệ thống giáo luật, thành lập các liên minh chính trị, tổ chức pháp đình tôn giáo (Inquisition) và Thập Tự Chinh, cũng như triệu tập các công đồng Giáo Hội.
c. Ly giáo: Cuộc Ly khai của Phương Ðông xẩy ra năm 1054 và là hậu quả của nhiều thế kỷ khác biệt giữa các Giáo Hội bên Ðông và bên Tây. Cuộc tranh chấp Photian (Photius thượng phụ Constantinople 820-891, vì không được Rôma công nhận nên chỉ trích nặng nề thần học cũng như luân lý phương Tây, trong đó có việc Phương Tây ăn chay Thứ Bẩy và dùng chất sữa trong Mùa Chay) và các vụ việc liên quan đến Michael Cerularius, Thượng phụ Constantinople (1043-1058) (trong đó có việc phương Tây dùng bánh không men khi cử hành Thánh Thể), là các biến cố chủ chốt góp phần đưa tới vụ phân ly.
d. Thời Ðại Kitô trị (Christendom): Thời Trung Cổ được mệnh danh là thời Kitô trị (Age of Christendom) theo nghĩa Giáo Hội ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người dân. Các cuộc Thập Tự Chinh, việc thành lập các dòng khất thực, việc xuất hiện các đại học, việc triển khai chủ nghĩa kinh viện (scholasticism) và xây dựng các nhà thờ chính tòa đều là đặc trưng của thời này.
e. Mùa thu Trung cổ: các thế kỷ 14 và 15 được coi như mùa thu của Trung cổ bởi lẽ uy thế của ngôi vị giáo hoàng bắt đầu xuống dốc, tinh thần quốc gia bắt đầu khởi động đi lên. Cảnh lưu đầy của Giáo Hội (giáo hoàng cư ngụ tại Pháp) và vụ ly giáo vĩ đại tại ngay phương Tây càng góp phần tạo ra sự bất kính đối với ngôi vị giáo hoàng. Trận dịch Hắc Tử Thần (Black Death) giết hại nhiều giáo sĩ. Các lạc giáo nổi lên. Tinh thần Phục Hưng (Renaissance) nhấn mạnh đến đời này hơn là đời sau cũng góp phần làm giảm ảnh hưởng của Giáo Hội.
Xét chung, thời Trung Cổ đã góp phần vào việc xuất hiện ra Giáo Hội định chế như ta biết ngày nay. Giáo Hội ấy được tổ chức theo cung cách giúp cho công trình của chúa Kitô tiếp tục nơi trần gian. Nó cũng là một định chế mạnh mẽ, với giáo hoàng là thủ lãnh giáo huấn tối cao, chứng tỏ một hiệp nhất trong đức tin và sống đạo là những điều thật quan yếu trong việc lôi kéo người khác về với Chúa.
IV. NGƯỜI LỮ HÀNH: PHẢN ĐỐI, CANH TÂN, VÀ KHỦNG HOẢNG- GIÁO HỘI CÁC THẾ KỶ 16 – 19
Giáo Hội cũng được hình dung như chiếc thuyền trên biển đang thực hiện một cuộc lữ hành sóng gió. Hình ảnh này thật thích hợp để diễn tả Giáo Hội trong thời kỳ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 trong đó Giáo Hội gặp khá nhiều nguy hiểm lớn lao nhưng đã vượt qua sóng gió hiểm nghèo.
Những điểm sau đây vốn được coi như những nguyên nhân chính dẫn đến phong trào Canh Tân Thệ Phản: Phong trào Phục hưng, lòng đạo đức xuống thấp, và nền thần học phản trí thức, việc xuất hiện chủ nghĩa quốc gia, việc đồng hóa căn tính Giáo Hội với nền văn minh Tây Phương và ảnh hưởng của một vài nhân vật chủ chốt.
Bốn lãnh tụ phong trào Thệ Phản là Martin Luther, Ulrich Zwingli, John Calvin và Vua Henry VIII. Luther chủ trương rằng công chính hóa chỉ có nhờ đức tin mà thôi. Ông công kích niềm tin của Công Giáo vào việc làm tốt và những thực hành như ân xá. Zwingli chủ trương một thứ luật lệ dân chủ trong Giáo Hội. Calvin cho rằng con người hoàn toàn sa đọa vì tội nguyên tổ và tin vào học thuyết tiền định (predestination). Vua Henry VIII ít có tranh cãi về học thuyết với Giáo Hội. Ðúng hơn vì những khúc mắc luân lý liên quan đến vấn đề ly dị, ông tự tuyên bố là thủ lãnh của Giáo Hội tại Anh quốc. Thệ phản tại Anh mang danh là Anh giáo và được lên khuôn bởi Thomas Cranmer và Nữ hoàng Elizabeth Ðệ Nhất.
Còn nhóm Tái Thanh Tẩy (Anabaptists-xuất hiện tại Thụy Sĩ khoảng năm 1552) cho rằng rửa tội cho trẻ em là không thành vì chúng chưa đủ trí khôn, nên khi chúng trưởng thành cần phải được rửa tội lại.
Giáo Hội Công Giáo chính thức phản ứng bằng cách cải tổ chính mình qua công đồngTrent. Các phán quyết của Công Ðồng này bao gồm: a) tái khẳng định quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và giáo thuyết hóa thể (transubstantiation), b) việc làm tốt có tạo ra công phúc và việc xưng tội là cần thiết để tội trọng được tha, c) có luyện ngục và ân xá có giá trị. Công đồng cũng liệt kê 7 bí tích, lên án các lạm dụng của hàng giáo sĩ, và thiết lập ra các chủng viện để đào tạo các linh mục.
Việc Canh Tân trong Giáo Hội Công Giáo được đẩy mạnh rất nhiều nhờ Dòng Tên do thánh Inhaxiô thành Loyôla sáng lập. Các cha Dòng Tên nổi tiếng trong công việc truyền giáo, giáo dục, giảng thuyết, viết văn, giải tội và bênh vực giáo hoàng.
Người ta cũng nhấn mạnh nhiều đến bốn đặc điểm làm dấu chỉ của Giáo Hội Chúa Kitô: duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Giáo Hội là duy nhất theo nghĩa các tín hữu tin cùng một học thuyết, chấp nhận cùng một bí tích, một Thánh Lễ, và suy phục cùng một thẩm quyền. Trong các thế kỷ từ 17 đến 19, tính duy nhất này bị nhóm Gallican (Gallicanism – xuất hiện tại Pháp thế kỷ 17) đe dọa. Nhóm này chủ trương rằng: a) Giáo Hội là một đoàn thể thông thường thuộc về quốc gia, đương nhiên do giám mục điều khiển; b) công nhận quyền chủ tịch của giáo hoàng, tuy nhiên chỉ khi nào phối hợp với giám mục, giáo hoàng mới được rộng quyền. Những đe doạ khác chống lại tính duy nhất này bao gồm cuộc Cách Mạng Khoa học, Phong Trào Ánh Sáng (Enlightenment) và nhiều cuộc cách mạng chính trị khác, nhất là cuộc Cách Mạng Pháp.
Giáo Hội thánh thiện theo nghĩa Giáo Hội là sự hiện diện của Chúa Giêsu và trong tư cách ấy đã được thánh hiến và dâng hiến cho Thiên Chúa. Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô và qua đầu của thân mình ấy, Chúa Giêsu tiếp tục thánh hóa trần gian. Những ý niệm sai lạc về sự thánh thiện như của nhóm Jansen (Jansenism do C.O. Jansen 1585-1638) đã đe doạ sự thánh thiện này. Dị thuyết này chủ trương ý chí con người không thể thực hiện được việc lành đạo đức, hành động con người hoặc do ham muốn hoặc do ơn thánh thúc đẩy; những người tuân theo sự thúc đẩy của ơn thánh sẽ được cứu rỗi, họ chỉ là số ít, và cần đến một nền đạo hạnh hết sức khắc khổ. Các thánh chỉ cho dân lữ hành của Chúa ý nghĩa thực sự của thánh thiện. Thế kỷ 17 sản sinh ra nhiều vị thánh lỗi lạc: Thánh Francois de Sales, thánh Vincent de Paul, thánh Jean-Baptist de La Salle, thánh Jane Frances de Chantal, thánh Margaret Mary Alacoque.
Giáo Hội là Công Giáo – phổ quát – theo nghĩa dành cho mọi người, mọi nơi, mọi thời. Giáo Hội là Công Giáo cũng còn có nghĩa tiếp tục giảng dạy tất cả những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy lúc còn tại thế. Các cố gắng truyền giáo của Giáo Hội trong thế kỷ 16 và 17 đã trải rộng tín thư của Chúa Kitô khắp Ðông Tây. Bất hạnh thay, các nhà truyền giáo đôi khi quá liên hệ đến các âm mưu thuộc địa và Rôma đôi lúc cưỡng lại tính đa dạng lành mạnh trong một vài thực hành tôn giáo tại các xứ truyền giáo.
Giáo Hội là tông truyền vì sống đức tin của các Tông đồ. Giáo Hội vẫn là cộng đoàn đức tin do các Tông Đồ thiết lập; do các đấng kế nhiệm các Tông Ðồ cai quản; và vẫn tiếp tục rao giảng điều các Tông Đồ rao giảng. Thế kỷ 19, giáo thuyết giáo hoàng vô ngộ do Công Ðồng Vaticanô I ấn định là để chống lại lối tư duy quá tự do của thời ấy. Giáo thuyết này dạy rằng Chúa gìn giữ Đức Giáo Hoàng khỏi sai lầm khi ngài long trọng giảng dạy toàn thể Giáo Hội về các vấn đề đức tin và luân lý.
V. GIÁO HỘI NHƯ BÍ TÍCH: DẤU CHỈ THẾ KỶ 20
Giáo Hội đôi khi được vẽ như cây nến bẩy ngọn rực sáng biểu tượng của bí tích, của dấu chỉ. Công đồng Vaticanô II nói về Giáo Hội như sau: “Giáo Hội như một bí tích hay dấu chỉ sự kết hợp thân mật với Chúa, và sự liên kết của nhân loại. Giáo Hội cũng là dụng cụ thực hiện sự kết hợp và liên kết kia” (HCVGH số 1).
Bí tích là một huyền nhiệm, một dấu bên ngoài chỉ cho thấy một cái gì nằm sâu hơn, một thực tại vô hình. Lịch sử Giáo Hội trong thế kỷ 20 được coi như một lịch sử trong đó Giáo Hội cố gắng trở thành cái dấu bề ngoài ấy cho thế giới hiện đại nhìn ra Thiên Chúa.
Kỹ nghệ hóa đem lại nhiều cải thiện cho cuộc sống con người; bất hạnh thay, nó cũng đem lại khá nhiều vấn nạn xã hội. Chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa cộng sản cố gắng đương đầu với những hoàn cảnh mới mẻ này.
Thoạt đầu, Giáo Hội như một toàn thể phản ứng rất chậm đối với sự thay đổi trật tự xã hội. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, Giáo Hội bắt đầu khai triển một giáo huấn về công bình xã hội nhằm bảo vệ phẩm giá mọi người, đàn ông, đàn bà cũng như trẻ em. Giáo huấn này được trình bày trong một số tài liệu thời danh mà sau đây là những tài liệu chính yếu: Rerum Novarum (Tân Sự-1891), Quadragesimo Anno (Bốn Mươi Năm – 1931), Mater et Magistra (Mẹ và Thầy – 1961), Pacem in Terris (Hoà Bình trên Thế Giới – 1963), Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (1965), Phát Triển các Dân Tộc (1967), Octagesima Adveniens (80 Năm – 1971), và Lao Công Con Người (1981).
Công bình xã hội áp dụng giới răn yêu thương của Chúa Giêsu vào các cơ cấu, các hệ thống và định chế của xã hội.
Phái Tân Thời (Modernists-cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) đi quá trớn trong việc cập nhật hóa Giáo Hội. Họ chủ trương phê phán Thánh Kinh, phê phán cả Chúa Kitô; coi giáo lý và nghi lễ có tính cách tượng trưng chân lý. Nhóm này bị Ðức Piô X lên án. Cuộc khủng hoảng này làm chậm bước tiến của nền học thuật Công Giáo đến một thế hệ.
Tuy nhiên, một vài làn gió thay đổi đã giúp chuẩn bị cho Công Đồng Vaticanô II. Trong số đó phải kể đến các phong trào phụng vụ, thánh kinh, đại kết, truyền giáo, Công Giáo Tiến Hành và công bằng xã hội cũng như canh tân thần học.
Thế kỷ 20 cũng được chúc lành nhờ một số giáo hoàng ưu tú. Ðức Gioan XXIII đặc biệt đã can đảm đối diện với thời đại mới bằng việc triệu tập Công Ðồng Vaticanô II.
Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đóng một vai trò chủ yếu trong Giáo Hội. Ðược tôn phong Mẹ Giáo Hội, ngài là Kitô hữu tiêu biểu, một biểu tượng của đức tin, đức cậy và đức ái Kitô giáo. Lòng sùng kính Mẹ đích thực dẫn ta tới liên hệ gần gũi hơn với Chúa Giêsu, con ngài.
Vaticanô II công bố 16 văn kiện. 7 trong số ấy được coi có ảnh hưởng hơn cả và phản ảnh các chiều hướng mới trong Giáo Hội:
Hiến Chế về Giáo Hội – Giáo Hội như Dân Thiên Chúa, bí tích, lữ hành.
Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay – Giáo Hội như đầy tớ cho thế giới
Sắc Lệnh về Ðại Kết – một huấn lệnh phải hành động cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh – Mọi người tham dự đầy đủ qua ngôn ngữ bình dân
Hiến Chế về Mạc Khải – mạc khải chủ yếu là việc Thiên Chúa tỏ mình ra; học hỏi Thánh Kinh được khuyến khích.
Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo – nhân phẩm có nghĩa phải đảm bảo quyền tự do thờ phượng.
Tuyên Ngôn về Liên hệ giữa Giáo Hội và các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo – mọi hình thức bách hại và kỳ thị tôn giáo phải bị lên án.
VI. GIÁO HỘI NHƯ NGƯỜI PHỤC VỤ: GIÁO HỘI NGÀY NAY
Giáo Hội cũng được vẽ dưới hình chiên chuộc tội theo hứng của câu Chúa Giêsu phán: “Con người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, và để hiến thân mình làm giá chuộc cho muôn dân” (Mt 20:28). Ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo Hội ý thức vai trò tôi tớ, kẻ hiến mình, kẻ rửa chân cho người khác theo chân Chúa Kitô.
Ðối nội, Giáo Hội phục vụ Dân Chúa bằng những chỉ dẫn cụ thể. Công đồng Vaticanô II cách mạng theo nhiều cách. Thí dụ, người giáo dân được mời gọi tiến tới một nền linh đạo chín chắn hơn bình thường so với lịch sử gần đây. Phong Trào Ðặc Sủng (Charismatic) là một hình thức linh đạo đang lôi cuốn khá nhiều người Công Giáo thời hậu Công Ðồng Vaticanô II. Các phong trào khác như học hỏi Thánh Kinh, dự bị hôn nhân, cursillos, canh tân giáo xứ, tĩnh tâm, suy niệm… cũng lôi cuốn rất nhiều người.
Vaticanô II cũng đem lại việc canh tân Thánh Lễ và bẩy bí tích, đẩy mạnh phạm vi đại kết, và nhấn mạnh nhiều hơn đến việc chia sẻ trách nhiệm.
Ðức Phaolô VI ra Tông Thư Sự Sống Con Người tái xác định giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về kiểm soát sinh đẻ. Tuy nhiên, tông thư này đã nẩy sinh nhiều chống đối đối với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.
Tuy nhiên, ngày nay, trong khi giáo dân tham dự nhiều hơn vào sinh hoạt Giáo Hội, thì số giáo dân tham dự Thánh Lễ lại giảm ở nhiều nơi. Số ơn gọi cũng giảm ở một vài nơi. Giáo Hội sau Công Đồng xem ra như bị phân hóa giữa hai khuynh hướng: người cho rằng Giáo Hội thay đổi quá nhanh, kẻ lại bảo Giáo Hội không thay đổi nhanh cho đủ.
Ðối ngoại, Giáo Hội phục vụ nhân loại qua việc bênh vực sự sống, chân lý và tình yêu. Thí dụ, để bảo vệ sự sống, Giáo Hội lên tiếng chống vũ khí hạch nhân và phá thai; để bảo vệ chân lý, Giáo Hội cam kết nhiều hơn vào việc phúc âm hóa và các cố gắng giáo lý; để bảo vệ tình yêu, Giáo Hội tái khẳng định các giá trị của đời sống gia đình và nhấn mạnh đến vai trò tuyệt đối chủ yếu của giáo dân trong việc rao truyền tin mừng của Chúa Kitô.
Giáo xứ là Giáo Hội thu nhỏ. Có nhiều thừa tác vụ trong giáo xứ. Một số thừa tác vụ đó chính thức được Giáo Hội nhìn nhận như là cần thiết để thực thi sứ mệnh của mình: cha xứ, cha phó, thầy sáu, giám đốc giáo dục tôn giáo, nữ tu dạy học, thừa tác viên âm nhạc, uỷ viên hội đồng giáo xứ, v.vv…
Là người Công Giáo ngày nay có nghĩa là ta phải khẳng nhận tin mừng của Chúa Giêsu, lịch sử phong phú của Giáo Hội, giá trị bẩy bí tích, người đồng đạo với mình, mọi tạo vật, sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm và trách nhiệm làm người rao giảng, làm kẻ tôi tớ và dấu chỉ sống động của nước Thiên Chúa.
Thực ra, lịch sử Giáo Hội rất chi tiết và phức tạp. Trên đây chỉ là những nét phác thảo dựa vào sáu biểu tượng. Những biểu tượng này thời nào cũng vẫn có trong lịch sử Giáo Hội. Áp dụng một biểu tượng vào một thời kỳ chỉ là vì thời kỳ ấy có nhiều nét nói lên biểu tượng ấy mà thôi. Kể cả khi ta xét lịch sử Giáo Hội dưới sáu biểu tượng cùng một lúc, thì Giáo Hội vẫn là một mầu nhiệm, nghĩa là vẫn vượt lên trên sự hiểu biết của ta.