Kim Thao, OP.
Một trong những chương thần học được viết lại liền sau khi công đồng Vaticano II bế mạc là Giáo-hội-học (=GHH). Thực vậy, xem ra tất cả những văn kiện của Vaticano II được soạn ra nhằm trả lời cho câu hỏi: Hỡi Giáo hội, ngươi nói gì về mình, hướng nội và hướng ngoại (Ecclesia, quid dicis de teipsa, ad intra et ad extra)? Các bản văn Công đồng nhằm trình bày cho ta thấy không những là bản chất nội tại của Giáo hội (=GH) qua các Hiến chế về Mạc khải, về Giáo hội, về Phụng vụ, các sắc lệnh về Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân; nhưng còn trình bày các tương quan đối ngoại, với các Giáo hội ly khai, với các tôn giáo, với thế giới hiện đại, đặc biệt qua hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”. Chúng ta có thể quả quyết rằng không có chương nào trong thần học có ảnh hưởng trực tiếp tới hành động của chúng ta cho bằng GHH, vì nó liên can đến tổ chức, cơ cấu, cũng như những hoạt động tông đồ của chúng ta. Vì thế mà không lạ gì khi thấy việc nghiên cứu, bàn luận về GHH thường lôi cuốn sự chú ý kể cả của dư luận thế giới. Chỉ cần nêu một thí dụ điển hình: vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đã thành “tít” của không biết bao bản tin nhật báo và đài truyền thanh truyền hình. Trong bài hôm nay, chúng tôi chỉ nêu lên vài vấn đề nổi bật về bản chất và tổ chức nội bộ của Giáo hội(=GH).
Phải thú nhận rằng bản chất của GH trước sau vẫn là một, nhưng những cách diễn tả thì bị chi phối với tâm trạng, kinh nghiệm của thời gian và không gian. Trải qua giòng lịch sử, kể cả trong thời đại chúng ta đang sống, không thiếu lần chúng ta mang áp dụng vào GH những hình ảnh của xã hội chính trị đương thời; tỉ như tại những nơi đã quen với nếp sống dân chủ, thì người ta cũng muốn rằng các phần tử của GH cũng được tham gia vào các công việc chung nhiều hơn qua các cơ quan bàn luận và sự bầu cử. Sự so sánh giữa các thể chế giữa bộ giáo luật 1917 và 1983 cho thấy rõ điều đó. Có thể nói rằng thể chế của GH đã thay đổi từ quân chủ sang dân chủ hay không? Thực ra, đó không phải là mối bận tâm chính của công đồng Vaticano II. Trước khi bàn về việc canh tân các thể chế, công đồng muốn tìm hiểu chính bản chất của mình, dựa vào Thánh kinh và Thánh Truyền. Việc suy niệm ấy đã đưa lại những kết luận mà chúng ta đọc thấy trong Hiến chế “Ánh sáng muôn dân”. Công đồng đã vượt lên bộ mặt xã hội và pháp lý của GH, được nhấn mạnh trong các sách hộ giáo, để đi lên tới khởi điểm của GH từ Mầu nhiệm cứu độ, từ chương trình của Chúa Cha muốn thông ban ơn cứu độ cho nhân loại qua đức Kitô trong Chúa Thánh Thần.
Kế đó, khi bàn về cấu tạo của GH, công đồng đặt chương về Dân Thiên Chúa trước chương về hàng phẩm trật, nhằm nêu bật rằng cộng đồng các tín hữu (trong đó mọi người đều bình đẳng với nhau trong ơn gọi và sứ mạng), đi trước sự phân chia các chức vụ. Trong nhãn giới ấy, các tác vụ được đặt lên nhằm phục vụ cho toàn thể các tín hữu, chứ không nhằm để thống trị. Một điểm son khác của Vaticano II là vạch ra chiều kích Giáo hội của rất nhiều thực thể thần học, từ các bí tích cho đến đức Maria, từ đời sống tận hiến của các tu sĩ cho đến ơn gọi nên thánh. Ngoài ra, như đã nói ở đầu, công đồng không dừng lại ở các tương quan nội bộ của Giáo hội mà thôi, nhưng còn mở tầm mắt đến các Giáo hội ngoài Kitô giáo, các tôn giáo khác, các nền văn hóa của nhân loại, với những ưu tư và băn khoăn của con người thời đại. Không ai có thể chối cãi là công đồng Vaticano II đã đánh dấu một bước tiến lớn trong lịch sử GHH. Tuy nhiên đó chưa phải là đích điểm. Một đàng công đồng còn để nhiều vấn đề bỏ ngỏ, đàng khác một số quan điểm GHH của Vaticano II đã bị chỉ trích là thiếu sót. Những thiếu sót ấy đã được bù đắp với những GHH từ các lục địa khác mang tới.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ BỎ NGỎ
Công đồng không phải là một Đại học thần học, và vì vậy không muốn đi sâu vào những vấn đề còn tranh luận. Tựa như là mối tương quan giữa Thượng quyền (Primatus) của Đức Giám mục Rôma với tập đoàn (collegium) Giám mục; sự liên hệ giữa chức tư tế phổ quát của các tín hữu với chức tư tế thừa tác của các giáo sĩ.
Vấn đề tương quan giữa Đức Thánh Cha với Cộng đoàn Giám mục không phải chỉ là một vấn đề tương quan giữa những chủ thể của quyền bính tối cao trong GH, nhưng là tương quan giữa các Giáo hội địa phương với Giáo hội phổ quát.
Trong quá khứ, GHH bàn về GH phổ quát nhiều hơn, hay nói đúng hơn GH được quan niệm như một cộng đồng của các tín hữu (communio fidelium) dưới sự dìu dắt của một thủ lãnh; vì thế mà không lạ gì vai trò tối thượng của ĐTC được đề cao.
Sau công đồng, thần học về các Giáo hội địa phương được khai triển hơn, và từ đó GH phổ quát được quan niệm như sự thông hiệp giữa các GH địa phương (communio ecclesiarum). Vì vậy ngoài vấn đề tương quan giữa Đức Thánh Cha với tập đoàn Giám mục, lại còn vấn đề dung hợp giữa tính cách duy nhất của đức tin với tính cách đa diện của các GH nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau.
Thêm vào đó phải kể tới vấn đề đại kết: việc hợp nhất đại kết không có nghĩa là tất cả các Kitô hữu cùng phục tùng Đức Giáo hoàng, nhưng là các GH ly khai sẽ tiến tới chỗ thông hiệp trọn vẹn với GH công giáo, tuy vẫn giữ những sắc thái truyền thống của mình. Đó là lý tưởng; trên thực tế, phải xét tới những gì cần phải thống nhất và những gì có thể chấp nhận đa diện.
Dù sao chúng ta phải ghi nhận bước tiến của Vaticano II khi nhìn nhận rằng GH của Chúa Kitô rộng lớn hơn Giáo hội công giáo. Các bản dự thảo Hiến chế về Giáo hội đã đồng hóa GH công giáo với GH do Chúa Kitô thiết lập. Nhưng qua những cuộc bàn cãi, công đồng đã thay tiếng “est” bằng tiếng “subsistit”, nhằm nói lên rằng GH công giáo thực sự chứa đựng cách sung mãn những đặc tính mà đức Kitô đã muốn cho GH của Ngài; tuy nhiên các đặc tính ấy cũng hiện hữu ít nhiều trong các Giáo hội khác. Thực ra, khó có thể xác định biên cương của GH: thần học về các tôn giáo sau công đồng, lục lại đạo lý của các giáo phụ, đã thấy đôi khi các ngài quan niệm GH còn bao trùm hết tất cả những người công chính từ Abel (Ecclesia ab Abel) cho đến người cuối cùng được cứu rỗi. Vì vậy thay vì nói rằng “ngoài GH không có ơn cứu rỗi” (Extra Ecclesiam nulla salus), ta có đổi ngược: “hết tất cả những ai được cứu rỗi đều trở nên phần tử của Hội thánh”.
– Một khía cạnh khác còn để bỏ ngỏ là tác động của Chúa Thánh Thần và các đặc sủng trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần không những làm cho Giáo hội sinh động nhất các đặc sủng, nhưng còn qua những chứng nhân, những thánh nhân. Ngài cũng còn hiện diện và tác động trong các Giáo hội ngoài công giáo, các tôn giáo, các nền văn hóa khác. Chiều kích Thánh Linh chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn mới về GHH.
Khi nhìn lại GHH từ công đồng Vaticano II đến nay, chúng ta thấy một hình ảnh mới chỉ manh nha trong công đồng nhưng càng ngày càng phát triển, đó là sự “thông hiệp” (communio).
Hình ảnh Dân Thiên Chúa (hay gọi tắt là Dân Chúa) có lợi điểm là nêu bật sự liên hệ giữa GH (Dân Chúa trong Tân ước) với Dân Chúa trong Cựu ước, cả hai đều bắt nguồn từ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng khuyết điểm của nó là dễ bị lái theo nghĩa xã hội chính trị, với sự xuất hiện của Giáo hội nhân dân. Còn hình ảnh thông hiệp (communio) không những trình bày Giáo hội như một cộng đồng (communitas), nhưng còn móc nối với sự thông hiệp xuất phát từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói khác đi, nó vừa có chiều kích xã hội vừa có chiều kích thiêng liêng nữa: GH làm nên bởi nhiều phần tử, nhưng họ họp nhau lại thành một cộng đồng vì cùng thông hiệp, nghĩa là cùng chia sẻ một niềm tin, cậy, mến, dựa trên Lời Chúa và Thánh Thể, cũng như họa theo sự thông hiệp yêu mến liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa nên một, tuy không xóa bỏ những nét cá biệt của mỗi Ngôi vị.
Giáo hội cũng được nhìn trong tương quan của Ba Ngôi: không những từ những quan niệm “Dân Thiên Chúa” (Ngôi Cha), “nhiệm thể Đức Kitô” (Ngôi Hai), “Đền Thờ của Thánh Thần” (Ngôi Ba), nhưng nhất là mầu nhiệm thông hiệp nơi Ba Ngôi phải là khuôn mẫu của sự thông hiệp trong Giáo hội. Nơi Thiên Chúa, sự duy nhất về bản tính được kết hợp với sự đa diện của Ba Ngôi vị; trong Giáo hội cũng vậy, sự duy nhất về đức tin, cậy, mến không bóp nghẹt sự đa diện về chức phận, ngôn ngữ, văn hoá.
Cha Yves Congar có lần đã nêu ra nhận xét như sau:
Một Giáo hội lấy khuôn mẫu từ Nhiệm Thể Đức Kitô cũng đưa đến kết quả tương tư, nghĩa là hàng phẩm trật giữ vai trò lãnh đạo thay mặt Đức Kitô, còn các giáo dân chỉ biết tuân phục như những chi thể.
Một giáo hội lấy khuôn mẫu từ Thánh Linh thì sẽ tràn đầy sinh lực sống, vì nhận được bao linh ân, song lại có nguy cơ trở thành hỗn độn.
Vì vậy muốn có quân bình, Giáo hội học phải lấy khuôn mẫu tự sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy có thứ tự nhưng không phải là cấp bậc quân giai: có sức sống nhưng không phải là xô bồ hỗn tạp.
Ngoài ý niệm thương yêu, (ý hợp tâm đồng), sự thông hiệp còn nêu bật sự tham gia đóng góp vào việc chung nữa: theo cha Congar, căn nguyên của tiếng “communio” bởi “cum” (cùng) và “munus” (chức phận), cùng gánh vác trọng trách.
II. NHỮNG ĐIỂM CẦN BỔ KHUYẾT
Tuy rằng chưa bao giấ có một số đông nghị phụ ngoài ấu châu về Rôma họp công đồng như là Vaticano II, nhưng các bản văn soạn thảo là do các nhà thần học ấu châu viết ra trong bối cảnh của những vấn đề sôi bỏng của Tây phương. Phải chấ đến các phiên nhóm Thượng hội đồng Giám mục sau đó, hoặc các Hội nghị các Giám mục của Mỹ châu Latinh, Á châu, mới thấy tiếng nói của Thế giới thứ ba.
Một điểm mà công đồng Vaticano II bị chỉ trích là hình ảnh của thế giới trình bày trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” phản ánh cái xã hội kỹ nghệ khoa học, với nền kinh tế phát triển thuộc về văn hóa Tây phương, chứ không để ý đến thực trạng nghèo đói, bị bóc lột của các thế giới thứ ba.
Đối lại, các nước này muốn trình bày một Giáo hội phục vụ người nghèo, cùng cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời.
Tại Mỹ châu latinh, sự nảy sinh các cộng đoàn cơ bản chắc chắn đã đóng góp một phần lớn cho GHH. GH trở nên dấu chỉ và dụng cụ của ơn cứu rỗi khi chia sẻ kiếp sống của người nghèo, mang lại Tin mưng giải phóng cho họ, giúp họ ý thức giá trị nhân phẩm của mình. GH tiên vàn không phải là một cơ chế hành chánh, nhưng là gồm nên bởi những tín hữu cùng chia sẻ với nhau Lời Chúa và Thánh Thể, và đồng lòng mang Tin mừng vào đời sống thường nhật của họ, tham gia vào công cuộc giải phóng con người khỏi những cảnh nô lệ bất công.
Tại Á châu, chúng ta có thể nêu lên những đóng góp sau đây: GH như một đại gia đình. Đối với nền văn hóa Đông phương, đặc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng Khổng giáo, hình ảnh của GH như một gia đình rất là hấp dẫn: Thiên Chúa đã chẳng mạc khải như là Cha của chúng ta đó saoấ đức Kitô không phải là anh cả của gia đình nhân loại đó saoấ Tuy nhiên, xét lại cách thức tổ chức và sinh hoạt của GH tại Á châu trong quá khứ, người ta nhận thấy Giáo hội thường tỏ ra bộ mặt của các cơ sở bác ái, giáo dục, nếu chưa nói là quyền hành. Vì vậy mà vào nhiều cơ hội khác nhau, các Hội nghị các Giám mục Á châu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải biến đổi GH thành một cộng đồng đi vào con đường từ bỏ (kenosis) của đức Kitô để phục vụ; một cộng đoàn cầu nguyện (ashram), một danh từ tu đức Ấn độ để ám chỉ cộng đồng các tu sĩ khác khổ, cầu nguyện, suy tư, đàm đạo, đối thoại, chứng tá. Và như đã nói, GHH tại Á châu còn phải đi sâu hơn vào con đường đối thoại với văn hóa và tôn giáo cổ truyền.
Tại Phi châu, các Giám mục đã ghi việc thành lập các cộng đoàn cơ bản vào chương trình mục vụ. Các cộng đoàn ấy đáp ứng lại tâm thức của người địa phương đã quen sinh hoạt cộng đồng gia đình, làng xã, bộ tộc. Cũng trong các cộng đồng ấy mà thần học về các tác vụ được đào sâu thêm.
——————————–
Tài liệu: