Bối Cảnh Đương Thời Của Giáo Hội Học (2)

0
729


BỐI CẢNH ĐƯƠNG THỜI CỦA GIÁO HỘI HỌC

 Tác giả: Michael A. Fahey

 Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

***

***

NHỮNG NGUỒN CỘI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN SƠ KHAI CỦA GIÁO HỘI

Viết tắt:

GH: Giáo Hội

LG: Lumen Gentium

GS: Gaudium et Spes

I. ĐỨC GIÊSU VÀ GIÁO HỘI
 
Vai trò của Đức Giêsu trong việc “thành lập” GH là một xác tín cốt lõi của đức tin Kitô giáo mặc dù biến cố không được biệt loại trích dẫn trong những kinh nguyện như là Kinh tin của Nicea. Những chất liệu huấn giáo các người công giáo sử dụng thường nói rằng Đức Giêsu “thiết lập” các bí tích và bằng sự nới rộng ra, hạn từ được áp dụng cho chính GH. Đức Giêsu được mô tả như đã thiết lập hay thành lập GH đang lúc sinh tiền. Bằng chứng về ý hướng trực tiếp của Đức Giêsu là thiết lập GH đã được cung cấp bằng cách nại tới đoạn Tin mừng Matthêu trong đó Đức Giêsu ban chìa khóa cho Phêrô và hứa rằng: “trên đá này, thầy sẽ xây GH của thầy” (Mt 16:18). Bản văn bằng chứng tân ước này được hỗ trợ hơn bằng cách trích dẫn những lời của Đức Giêsu hiện ra sau phục sinh cho Phêrô trong đó Đức Kitô phục sinh dạy ông phải chăn dắt và nuôi nấng chiên của ngài, sau khi đã hỏi Phêrô ba lần (“Simon, con Giona, con có yêu mến thầy không?”).
 
Khoa chú giải hiện đại cho thấy rằng thực thế, có thể, ngay cả rất có thể, lời hứa của Mt 16:18 xẩy ra sau phục sinh và được dọi chiếu lại do các tác giả phúc âm vào trong tác vụ công khai của Đức Giêsu. Người ta áp dụng phương pháp luận phê bình-lịch sử cho việc khai sinh hình thức thành văn của những thuật trình tin mừng; qua đó họ lý luận rằng một vài biến cố được trình bày trong các tin mừng như xẩy ra trước phục sinh có thể được xoay đổi ở đó theo ánh sáng của niềm tin vững chắc của các tác giả về căn tính sâu xa nhất của Đức Giêsu. Cách đọc tin mừng này đã dẫn đến một sự trân trọng hơn nữa đối với sự có khả năng của việc thành lập GH trong những giai đoạn khác nhau. Viễn ảnh này không chỉ thừa nhận sự tăng trưởng nơi ý thức của Đức Giêsu về sứ mệnh của ngài suốt khi sống trên trần, nhưng cũng nhấn mạnh như là quyết định, đối với việc thành lập GH, thời kỳ sau phục sinh, cũng như kinh nghiệm lễ Ngũ Tuần khởi đầu với Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ tụ họp trong Căn phòng trên lầu (nhà Tiệc Ly), một biến cố được gọi thích hợp là “ngày sinh” của GH. Từ viễn cảnh này thật khó khăn hơn để minh chứng rằng Đức Giêsu đã có một kế hoạch toàn bộ (master-plan) để xây dựng GH trước khi chết.
 
Một sự bất lợi của việc mô tả Đức Giêsu có ý định thành lập GH trong khi rao giảng ở Giudea và Galilê là bằng cách nhấn mạnh quá nhiều đến đời sống công khai của Đức Giêsu như những năm hình thành của việc thành lập GH, người ta lãng quên vai trò của Thánh Thần suốt lễ Ngũ Tuần và những năm theo sau của thời kỳ tông đồ. Có cần phải tất cả mọi yếu tố thành lập trong việc trồi hiện của GH đều trực tiếp liên hệ đến lúc sinh tiền của Đức Giêsu không? Sự kiện rằng một số tác vụ trong GH ở vào một tình trạng của sự phát triển suốt thời kỳ tông đồ là không thể chối cãi. Ta cũng không thể bỏ qua rằng việc soạn thảo quy điển Tân ước ở trong tiến trình suốt một vài thế hệ, và Tân ước chỉ dần dần được sưu tập thành một toàn thể. Cả hai biến cố này là “những biến cố thành lập” GH dưới sự linh hứng của Thánh Thần.
 
Đức Giêsu đảm nhận chăm sóc việc huấn luyện nhóm Mười hai và các tông đồ khác như những vị thầy và người rao giảng tin mừng; điều ấy rõ ràng bộc lộ rằng Đức Giêsu muốn sứ điệp của mình có một giá trị trường tồn. Thậm chí có thể rằng Người kỳ vọng những môn đệ thân tín nhất của mình học thuộc lòng những bản tóm của giáo lý ngài và nằm lòng những chỉ thị chẳng hạn Lời Kinh Chúa dạy. Việc thành lập Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu chỉ thị các môn đệ “phải làm để nhớ đến Ngài” hàm ý Người ước muốn rằng nghi thức này tiếp tục giữa cộng đoàn các môn đệ Người.
 
Trong nhân tính, Đức Giêsu có hiểu hay không từ ban đầu của thời kỳ công khai của ngài rằng sứ mệnh của ngài phải trải rộng vượt xa những người Do thái để bao gồm cả những dân ngoại thì không hoàn toàn rõ ràng từ các Tin mừng. Một số học giả TƯ kết luận rằng từ đầu Đức Giêsu hiểu sứ mệnh của mình được liên kết cách riêng với Israel mà thôi, và chỉ dần dần và hướng tới cuối đời, dưới ảnh hưởng của ân sủng và qua sự phân định cá nhân, nhất là sau khi thất bại để chiếm được nhiều người ủng hộ hơn từ giữa những người Do thái, Người đã nới rộng sự áp dụng của nó để bao gồm cả dân ngoại. Dựa vào tính chất của những Tin mừng được viết [thành văn] thật khó để biết chắc chắn Đức Giêsu nghĩ gì về những vấn đề như thế.
 
Khái niệm cốt lõi trong lời rao giảng của Đức Giêsu theo tiếng Aram được dịch ra trong các tin mừng được soạn thảo bằng tiếng Hy lạp là: basileia tou theou hay basileia ton ouranon. Những cuốn sách được viết về hạn từ này, vốn đã có một lớp nền Do thái (substratum) và thông thường được dịch sang tiếng Anh là “Nước TC” hay “Nước Trời”. Nhà chú giải Công giáo Đức là Rudolph Schnackenburg nhấn mạnh trong công trình nghiên cứu quan trọng của ông về basileia rằng một chuyển dịch tốt hơn nên là “sự cai trị” của TC hơn là “vương quốc” vì khái niệm ấy tiên vàn không phải là một khái niệm địa dư nhưng là khái niệm thần học. Mới đây những từ ngữ tiếng Anh khác được đề xướng để dịch chữ basileia: “sự thống trị”, “triều đại”, “Kế hoạch TC cho tương lai”, hay “sự hiện diện đặc biệt”.
 
Những người chú giải về cách sử dụng basileia của Đức Giêsu nhấn mạnh sự kiện rằng nó có một ý nghĩa phức tạp, biện chứng vốn mô tả những giai đoạn khác nhau của cùng một xác tín tôn giáo liên tục như nhau, đang khi vẫn tùy vào bối cảnh. Trong lời rao giảng của Đức Giêsu, basileia của TC không phải “đã hiện diện đầy đủ” vào lúc Người nói (“cánh chung học đã hiện thực”) cũng không hoàn toàn vắng diện và mong chờ sự thành tựu trong một tương lai gần (“chủ thuyết cánh chung luận”). Đúng hơn vương quốc TC bao gồm những chiều kích một phần hiện diện, một phần tương lai (“đã có đó” cũng như “chưa”). Đức Giêsu cầu nguyện trong kinh Lạy Cha liên quan đến vương quốc TC: “Nước Cha trị đến” [theo một cách thức chưa được hiện thực] Nhưng trong những câu nói khác Người xác minh một cách vững chắc rằng vì nơi những việc chữa lành và những việc diệu kỳ được Người thực hiện mà vương quốc đã hiện diện: “Nếu tôi dựa vào Thần khí của TC mà trừ quỷ, thì quả là triều đại TC đã đến giữa các ông” (Mt 12:28; x. Lc 11:20).
 
Từ một quan điểm thần học, người ta có thể nói rằng Đức Giêsu, bằng việc được tỏ lộ là Chúa trong sự phục sinh, trở thành sự nhân cách hóa của vương quốc vào một thời khắc quyết định của tiến trình của nó. Các Kitô hữu tin rằng triều đại TC đã đi vào trong một giai đoạn chung cục và dứt khoát với sự nhập thể của TC nơi Đức Kitô. Điều này không chút chê bai hay loại bỏ giao ước với Israel, nhưng đối với các Kitô hữu nó thêm một chiều kích khác vốn xây trên giao ước thứ nhất, nhưng không đánh bật nó.
 
Ta phải nhấn mạnh bột yếu tố khác nữa là triều đại hay vương quốc này không khởi sự lần đầu tiên một mối liên hệ giao ước đặc biệt giữa TC và nhân loại. Những GƯ sơ khai hơn được bắt đầu với Ađam, Noê, Abraham và Israel vẫn còn hiệu lực. Điều mà hạn từ vương quốc TC hàm ẩn trên môi miệng Đức Giêsu là vào điểm đó trong thời gian TC đã bắt đầu hiện diện đặc biệt và mãnh liệt (mà các Kitô hữu rốt cục mô tả là giao ước mới) mà các Kitô hữu biểu thị Đấng Mesia và Lời nhập thể của TC là chính Đức Giêsu.
 
Cộng đoàn trồi hiện từ lời rao giảng, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, [tức] GH, không thể được đồng nhất hoàn toàn và đơn giản với vương quốc TC, basileia. GH đúng hơn là một chốn ưu tuyển cho TC tiến tới cai trị, một sự cai trị vẫn còn phải được hiện thực. Một vài văn sĩ Công giáo hiện đại diễn tả GH như khí cụ của triều đại TC. Lối diễn đạt này một cách tiềm thể có thể làm ta lạc lối nếu nó đề xướng rằng triều đại TC xẩy ra nhờ vào những nỗ lực của chúng ta, khi rõ ràng nó xẩy ra do chính TC can thiệp nhân từ và tự do. Đứng giữa GH trong hiện tại và vương quốc trong tương lai là quyết định của TC vốn sẽ được hiện thực trong phán xét (coi dụ ngôn về lưới thả xuống biển [Mt 13:47-50] và cỏ lùng [Mt 13:24-50]). Vương quốc TC không tùy vào những hành động của chúng ta nhưng là công trình cánh chung được TC hứa ban.
 
Trong tiền bán thế kỷ này khá thường xuyên những nhà giảng thuyết Công giáo nói từ giảng đài như thể những dụ ngôn trong Tân ước về “vương quốc TC” thực sự là những miêu tả về GH công giáo. Ngay cả ngày nay, một số GH nói như thể GH đặc thù của họ thực sự đồng nhất với vương quốc, và họ làm thế mà không có bất kỳ loại nhuận sắc nào.
 
Những thần học gia của thế giới thứ ba nhấn mạnh rằng vương quốc này của TC không được tinh chế thành một khái niệm “thuần túy tôn giáo” vốn hàm ẩn rằng việc xây dựng vương quốc TC không liên quan gì đến trật tự chính trị và xã hội. Điều này sẽ hoàn toàn làm ta sai lạc, đúng như nó sẽ lý luận rằng TC trao ban sự tự do khỏi nô lệ và cho ta thừa hưởng đất hứa không có những hàm ẩn chính trị hay xã hội cho Israel.
 
II. GIÁO HỘI TRONG TÂN ƯỚC
 
Hạn từ Tân ước dành cho GH, ekklesia, là một hạn từ mà đã xuất hiện trong bản dịch Hylạp của Cựu Ước (bản Bẩy Mươi) ở đó nó được dùng khoảng 100 lần để dịch chữ Do thái qahal, cộng đồng Israel hay cộng đoàn Israel dưới tiếng gọi của TC. Trong các tin mừng, hạn từ GH (ekklesia) không được đặt trên môi miệng Đức Giêsu trừ ra trong hai đoạn (Mt 15:18 và 18:17); như đã ghi nhận, hai đoạn văn này nay chung chung được coi như những sự giải thích mà vị thánh sử viết lại từ bối cảnh nguyên thủy của chúng sang thời kỳ hậu phục sinh của Đức Giêsu. Luca không dùng hạn từ ekklesia trong tin mừng của ông, nhưng hạn từ này lại thường xuyên trong Công vụ ở đó nó đầu tiên chỉ tới cộng đoàn ở Giêrusalem (Cv 5;11), rồi các cộng đoàn truyền giáo (8:1; 14:23) và rồi đến cộng đoàn địa phương (9:31) và GH tập thể, rải rắc (8:3).
 
GH Công giáo Roma chia sẻ với những GH Kitô hữu khác niềm xác tín rằng một thần học về GH được đâm rễ trong TƯ được diễn đạt không chỉ từ các tin mừng, cách riêng những lời nói của Đức Giêsu, nhưng cũng hiển nhiên được dựa trên những bản văn khác nhau thuộc quy điển KT vốn trồi hiện từ những bối cảnh địa dư, văn hóa-tôn giáo khác nhau. Nó là một cám dỗ để nhấn mạnh khía cạnh này hoặc khía cạnh khác mà xao nhãng các khía cạnh khác nữa. Những nhóm GH khác nhau trong quá khứ thường làm thế, và tới một mức nào đó giải thích những khuôn mẫu khác nhau về GH vốn nằm ở tận nền của những khác biệt về hệ phái niềm tin trong thời mới. Trong TƯ chúng ta có những khía cạnh khác nhau được giữ lại cùng nhau trong một thế căng thẳng sáng tạo; những căng thẳng này tự chính chúng không phải là những dấu hiệu của sự phân mảnh nhưng của sự năng động mà tinh thần nội tại của nó vẫn là một. Toàn TƯ là một sản phẩm của một tiến trình trưởng thành hóa lâu dài. Phaolô thành Tarso, một cách biện luận là thần học gia Kitô hữu đầu tiên, đóng một vai trò chủ chốt trong sự diễn đạt của khoa giáo hội học mà chúng ta liên kết với TƯ. Oâng diễn tả những quan điểm của mình về GH trong những lá thư lớn, mặc dù miêu tả một thuật trình lý thuyết về GH học không phải là một trong những quan tâm mục vụ đệ nhất của ông.
 
Thông thường người ta nói như là hiển nhiên trong những tóm tắt thần học của học thuyết về GH của Phaolô mà ngài trước tiên chỉ quan tâm đến các giáo hội địa phương trong những nơi chốn biệt loại mà thôi và chỉ sau này (như trong Ep 5:25; Cl 1:18) ngài hay những đồng nghiệp thân cận của ngài mới tập trung vào GH vượt quá vùng rải rắc khắp Địa Trung Hải. Trong một bài nói chuyện được loan đi vào năm 1981 cho Hội Thần Học Công Giáo của Hoa Kỳ, nhà chú giải Công giáo Raymond Brown duyệt lại những dữ kiện ẩn dưới sự giả định chung này và lý luận cần phải nhuận sắc nhiều hơn là thường được sự khôn ngoan theo tục lệ về vấn đề này đã cống hiến. Ông ghi nhận, đúng thật là Phaolô trong những lá thư của ông nói về “Giáo hội của dân thành Thessalonica” (1 Tx 1:1), “các GH tại Galat” (Gl 1:1), “GH của TC ở tại Giudea” (1 Tx 2:14). Nhưng Brown lý luận, có những đoạn văn bộc lộ rằng Phaolô cũng có một quan niệm rộng lớn hơn về GH. Chẳng hạn, khi Phaolô nói trong 1 Cr 12:28, “Trong Hội thánh, TC đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ,” thì rõ ràng rằng ngài không chỉ nghĩ tới GH địa phương của Corintô. Đôi khi Phaolô cũng chuyển mau lẹ từ số ít sang số nhiều; trong Gl 1:13 ngài nói về đã bách hại “GH của TC”, nhưng ở Gl 1:22 ngài nói “các hội thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi.” Trong 1 Cr 14:34 Phaolô nói rằng “phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp [giáo hội, churches] nhưng rồi tiếp tục trong câu kế tiếp nói rằng “phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn [giáo hội] thì không còn thể thống gì.” Tóm lại, trong cách dùng của Phaolô không có một sự tiến triển rõ ràng nào từ nhiều tới một. Cùng điều ấy cũng đúng trong những tác phẩm khác của Tân ước. Sự quy chiếu ở Mt 16:18 đến “GH của thầy” bao quát hơn một GH địa phương, đang khi đó Mt 18:17 từ ngữ GH một cách biệt loại chỉ tới một cộng đoàn địa phương.
 
Brown tìm thấy trong những bút tích của Phaolô cùng một sự hàm hồ mà chúng ta tìm thấy ngày nay trong việc sử dụng những hạn từ địa phương hay đặc thù liên quan đến GH. Khi Phaolô nói về những giáo hội Galat hay Á châu, ông có lẽ quy chiếu đến một GH gắn liền trong những ranh giới địa phương của một miền chính trị. Nhưng ông cũng có thể nghĩ đến ngay cả những giáo hội địa phương nhỏ hơn, nghĩa là, “những giáo hội gia đình” mà có thể có một vài cộng đoàn, cách riêng trong những thành phố lớn hơn. Trong một địa phương như Antiokia hay Ephêsô vào khoảng năm 90, như Brown ghi nhận, có thể đã có nhiều GH gia đình khác nhau do từ những cuộc truyền giáo khác nhau của Kitô hữu mà ra: một GH gia đình của những người Do thái Kitô hữu vẫn còn gắn bó với Luật Môsê và đối với họ Đức Giêsu là đấng Mesia nhưng không phải là thần linh (TC) trong nguồn gốc; một giáo hội gia đình của những Kitô hữu gốc Do thái và Dân ngoài xuất phát từ việc truyền giáo được liên kết với các tông đồ ở Giêrusalem và tôn vinh nhóm Mười Hai như những vị sáng lập; một giáo hội gia đình khác từ sứ mệnh của Phaolô, bao gồm hầu hết là các người ngoại giáo thấy mình tự do khỏi luật Do thái; và ngay cả một giáo hội gia đình có khởi hứng của Gioan, mà không dùng tước hiệu tông đồ, nhưng lại coi tất cả như các môn đệ và nhìn nhận Đức Giêsu như đang hiện diện qua đấng bầu cử. Xem có  bất kỳ “việc đi ngang qua “ của các tín hữu từ một GH gia đình  tới một cái khác đã xẩy ra hay không thật không rõ ràng; trong một vài trường hợp  một sự chuyển từ GH này đến GH kia đã thường rất khó khăn.
 
Nhìn bề ngoài, sau một thời kỳ ngập ngừng nào đó mà từ ngữ dùng để đồng nhất thực tại cộng đoàn mới này, ekklesia trở thành hạn từ được ưa chuộng để chỉ cộng đoàn đi theo Đức Kitô. Hai hạn từ khác được dùng trong thời kỳ thành lập này có thể được giữ lại  để mô tả cộng đoàn Kitô hữu nhưng thực sự không phải là: “Đạo” (hodos, từ tiếng Do thái Derek) như được dùng trong Cv 24:14 để mô tả GH; hay “sự hiệp thông” (koinonia) như được dùng chẳng hạn trong Cv 2:42.
 
III. NHỮNG GIÁO HỘI TÂN ƯỚC BIỆT LOẠI
 
Trong giới học giả mới đây đã có một sự quan tâm đặc biệt trong việc cố gắng hiểu những GH khác nhau hay những cộng đoàn Kitô hữu vốn đã hiện hữu vắn vỏi sau khi đóng lại cái thời kỳ gọi là thời tông đồ. Raymond Brown nhận diện ba hình thức của những cộng đoàn của những cộng đoàn hậu-Phaolô với những đặc tính loại biệt (được phản ánh cách lần lượt trong những thư mục vụ, trong thư Ephêso và Colossê, và trong tin mừng Luca/ công vụ); (2) hai loại cộng đoàn Gioan; (3) một cộng đoàn liên hệ với 1 Phêrô; (4) cộng đoàn Matthêu; (5) một cộng đoàn liên hệ với thư của Giacôbê; và (6) những cộng đoàn khác liên kết với Marcô, thư Do thái, và Khải huyền, cũng như có lẽ với sách Didache và 1 Clement. Kiến thức về sự đa biệt của thực tại gọi là GH trong những thời kỳ sơ khai được thích ứng cách đặc biệt trong những cuộc thảo luận về tầm quan trọng thật sự hay tưởng tượng về sự phù hợp hoàn toàn với những cơ cấu của một giáo hội tân thời khi so với những cái khác.
 
Một tiêu điểm khác vốn có ảnh hưởng trên việc nghiên cứu tân thời về các GH địa phương đã là đồng nhất những trung tâm Kitô hữu lớn được gắn liền với những thành phố như Roma, Ephêsô, Giêrusalem, và Antiokia. Những sách vở và các khóa học hỏi liên tục đã ngập lên là kết quả của mối quan tâm này. Cũng có một sự trân trọng ngày một lớn lên về thực tại phức tạp được biểu thị bởi hạn từ Kitô giáo gốc Do thái / dân ngoại – trong hình thức đó của Kitô giáo, dân ngoại chia sẻ những nhấn mạnh thần học khác nhau của những Kitô hữu Do thái vốn đã hoán cải họ, và nhiều điều lệ thuộc vào những mối dây nguồn cội của những Kitô hữu Do thái đã có hay không có với Do thái giáo nói tiếng Do thái hay Do thái giáo nói tiếng Hy lạp hay không. Tất cả những sự phức tạp này về thực tại nguồn gốc phải làm cho một giáo hội đương thời rất cảnh giác đồng nhất cách hoàn toàn đơn giản cái chính sách của riêng mình với “ý Chúa” không thể tránh khỏi. GH thế kỷ thứ nhất là một thực tại phức tạp và khác biệt hơn rất nhiều so với cái thường được chấp nhận.
 
Điểm nhắm của điều này là đề xướng rằng những tuyên bố các GH cá lẻ ngày nay thực hiện về việc mình là GH độc nhất hợp pháp quả là phóng đại cách đáng kể. Trong tình trạng của những sự chia rẽ của GH người ta sẽ phải hỏi xem có hợp lý hay không đối với một GH để đòi buộc rằng những giáo hội khác phải bỏ đi nhiều cái của chính họ trước khi đi vào cuộc hiệp thông trọn vẹn với nó. Điều này đặc biệt đúng chỗ liên quan đến những GH mà căn tính của mình được nắn hình không phải trong phương Tây nhưng trong phương Đông suốt thiên niên kỷ đầu tiên. Nếu những GH Đông phương ngày nay được mời gọi để đi vào hiệp thông trọn vẹn với Roma, thì đòi buộc một mức độ như nhau với Roma vốn đã không bao giờ có thậm chí trong thiên niên kỷ đầu tiên đi nữa là chuyện đúng hay không?
 
Một quan tâm học vấn đương thời khác là khung cảnh xã hội của Kitô giáo sơ khai. Điều này chẳng hạn được suy tư trong công trình của John Gager, người Mỹ, nghiên cứu Kitô giáo sơ khai bằng cách so sánh với những nhà ganh đua về tôn giáo của thời đó, chẳng hạn như Mithraism, Do thái giáo, các trường phái triết học, và những tôn giáo Hy lạp. Người ta còn chú ý hơn nữa đến những khung cảnh tôn giáo của những khoa linh đạo cổ điển thuộc Địa Trung Hải trong thời thượng cổ muộn thời, cách riêng những khoa linh đạo Ai cập và Hy lạp-Roma. Sự quan tâm đến môi trường tôn giáo của thế giới Địa Trung Hải vào thời gian của cuộc rao giảng đầu tiên của Kitô giáo giúp chúng ta hiểu được lời mời gọi đặc thù của Kitô giáo.
 
IV. KITÔ GIÁO TIỀN NICEA
 
Học hỏi về GH sơ khai tăng trưởng không thể chỉ bị hạn chế vào Tân ước mà thôi. Một cách để đo lường mức độ phát triển của GH trong những thế kỷ đầu tiên là theo dõi sự tăng trưởng của nó trên một vài thế kỷ. Từ lúc Đức Giêsu chết (năm 30) tới năm 337 (cuối triều đại của Constantin, Hoàng Đế Roma đầu tiên trở thành một Kitô hữu) là một kỷ nguyên gồm chín thế hệ (hiểu mỗi thế hệ là 33 năm). Suốt chín thế hệ này dáng vẻ bên ngoài của Kitô giáo được vững chắc hóa và trải qua nhiều phát triển mà vẫn còn ảnh hưởng thậm chí cho tới ngày nay. Tôi đã nhắc đến thời kỳ và sự khai sinh của các bản văn TƯ. Suốt phần còn lại của ba thế kỷ này Kitô giáo trải qua một thời kỳ của những cuộc bách hại được địa phương hóa, đôi khi mãnh liệt, gây ra cái chết của nhiều Kitô hữu. Tới cuối kỷ nguyên này của các vị tử đạo xẩy ra điều mà được gọi là điểm ngoặt Constantin, được gây ra một phần do quyết định của Hoàng Đế rốt cục cho phép Kitô giáo trở thành một tôn giáo hợp pháp trong Đế Quốc. Sự khoan thứ này dẫn tới những thay đổi xã hội đáng kể trong đời sống của GH, cách riêng trong đường lối mà trong đó phẩm trật GH và nhà nước tương tác nhau. Cuối cùng với cuộc trở lại Kitô giáo của Constantin và việc ông ghi danh vào dự tòng, cái đầu tiên của điều mà sau này được gọi là các công đồng chung được triệu tập. Nhưng ngay cả trong thế kỷ II và III, những viên chức GH luôn tương tác với những cơ quan chính quyền, và Kitô giáo cả bên Tây lẫn bên Đông đảm nhận một vài đặc tính được thừa hưởng từ Đế Quốc Roma trần tục. Điều xẩy ra trong thời kỳ của chín thế hệ này liên quan đến phụng vụ, các việc thực hành bí tích, sự tăng trưởng trong một chức Giám mục (việc thực hành chỉ có một episkopos hay Giám mục/Giám quản cho mỗi GH đặc thù thay vì một sự cai quản của một hội đồng các niên trưởng) có thể tỏa sáng trên hình thái đang phát triển của GH.
 
Một ít cá nhân có kiến thức rộng cần thiết để hiểu tính chất thay đổi của các giáo hội địa phương trong những thế kỷ II và III. Người ta cần khiêm nhường và quân bình để nhận biết rằng nhiều điều được viết do những người Công giáo và không-Công giáo về thời kỳ này trong quá khứ mới đây thì một chiều và có tính chất hộ giáo/tuyên tín. Trong thế kỷ XX, những nhà thần học nhìn nhận rằng điều được coi trong GH là một khía cạnh của ius divinum (một nét có thể lần tới những chỉ thị biệt loại của TC được diễn tả do Đức Kitô hay do Thánh Thần cho các Tông đồ trong thời kỳ hậu-tông đồ) và điều thực sự là ius humanum (một quyết định của con người hay giáo hội về một khía cạnh của GH) có thể bị lu mờ một cách không cố ý. Ta cần phải học hỏi cẩn thận để quyết định điều gì hiện hữu trong GH do một ý muốn biệt loại, được diễn đạt cách thần linh được bộc lộ một cách chính thức qua mặc khải và điều gì là kết quả của “ý muốn” nhân loại hay GH, vốn là một yếu tố có cội nguồn của nó trong một quyết định minh nhiên hay mặc nhiên của cộng đoàn GH.
 
Để hiểu được sự tương tác giữa một GH thành đô với một GH khác (vì thực sự, Kitô giáo trước hết phần lớn được đặt nền trong các thành phố) thật là lợi ích để quy chiếu tới một số những dữ liệu lịch sử. Những giáo hội tách biệt này, những giáo hội rải rắc về mặt địa lý có cảm nhận chính mình được liên kết thành một thực tại vốn bao lấy toàn Địa Trung Hải không? Tới mức nào các giáo hội được liên kết trước cả Công Đồng Nicea (325)? Họ dùng phương tiện nào để diễn tả mối quan tâm của họ trong việc là phần thiết thân của GH có tầm rộng lớn khắp thế giới?
 
Nhu cầu để nhận diện những trào lưu của Kitô giáo là không tương hợp với Kitô giáo chính thống – những trào lưu như chủ thuyết ngộ giáo (Gnosticism), Montanism, và Marcionism – khiến các giáo hội trong thế kỷ II và III  phải mãnh liệt hóa những nỗ lực để giữ liên lạc với nhau. Dù vậy, mỗi GH địa phương được nhìn nhận có tất cả mọi điều cần thiết để hành sử như một GH. Một khi được tin mừng hóa và được trang bị bằng những vị giám quản và chủ sự, một khi cộng đoàn được khai tâm vào trong KT Kitô hữu và được dạy dỗ về những mầu nhiệm phép rửa và Thánh thể, một GH như thế được liên kết với một thành phố hay một phần của một thành phố có thể điều hành tự mình. Điều cần thiết phải được giải thích về GH sơ khai thì không phải cách thức mà một GH địa phương, được đặt nền trên thành phố, nhìn nhận chính mình là tự lập, song đúng hơn cách thức mà một GH địa phương chọn những dạng thái khác nhau để hiệp thông lớn rộng hơn. Đối với những GH Kitô hữu chính tự lập không bao giờ có nghĩa là sự tách biệt cằn cỗi.
 
V. HIỆP THÔNG TRONG KITÔ GIÁO TIỀN NICEA
 
Từ đầu thế kỷ này học giả Đức Walter Bauer nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tập trung trên một cái quang phổ rộng lớn của các giáo hội địa phương hay vùng – bao gồm cả khu vực quanh Edessa, Alexandria, Antiokia, Tiểu Á phương Tây, cũng như Roma – để hiểu cách thức các giáo hội Đông Tây phát triển. Những sử gia khác về GH sơ khai như Ekkart Sauer, đã cố gắng tái cấu trúc lại đời sống GH đã phải là như thế nào trong Đông phương ở trong các cộng đoàn tại Giêrusalem, Antiokia, Alexandria, Constantinople, Seleucia và Ctesiphon, và trong Tây phương tại Lyons, Arles, Carthage, Trier, Barcelona, Ravenna, Milan, và Roma.
 
Thật nhiều thông tin để thấy cách thức các cộng đoàn Kitô hữu sau khi kết thúc thời kỳ Tân ước đã phát triển thành Kitô giáo tiền Nicea và cách thức họ cổ xuý sự chia sẻ tiếp tục. Dù không thể kiến tạo lại toàn thể thời kỳ, chúng ta có một số thông tin hữu ích về ít nhất sáu việc thực hành được các giáo hội địa phương sử dụng để cổ xuý một cảm thức về tình liên đới và sự hiệp thông giữa những cộng đoàn rải rắc: (1) cầu nguyện cho những cộng đoàn khác trong những buổi cử hành thánh thể và chia sẻ bánh thánh thể; (2) tấn phong các Giám mục mới bằng cách mời những Giám mục thuộc những giáo hội chung quanh đến thánh hiến họ; (3) triệu tập các công đồng miền; (4) các thư từ trao đổi và luân lưu; (5) chấp nhận những nỗ lực điều phối của các giáo hội Tây phương do Giám mục Roma; và (6) lụy phục những can thiệp trực tiếp do Hoàng Đế trong đời sống quản trị của GH.
 

1. Cầu nguyện cho những cộng đoàn khác trong những buổi cử hành thánh thể và chia sẻ Bánh Thánh Thể

Không ngạc nhiên gì, một số những mô tả nồng nhiệt nhất về cảm thức về tình liên đới giữa các giáo hội xẩy ra trong các lời kinh nguyện phụng vụ. Vào khoảng thế hệ thứ ba chúng ta có một đoạn văn nổi tiếng từ sách Didache mà có lẽ là một lời nguyện sơ khai hơn nữa: “Như tấm bánh được bẻ ra này được rải rắc khắp đồi núi, nhưng được mang về với nhau và trở nên một, thì xin cho GH của ngài được quy tụ lại với nhau từ khắp cùng trái đất thành vương quốc của ngài, vì vinh quang và uy quyền thuộc về ngài nhờ Đức Kitô Giêsu đến muôn đời” (9:4). Trong cùng một tài liệu, chúng ta đọc thấy lời nguyện tương tự: “Lạy Chúa, xin nhớ đến GH, đuổi xa khỏi GH muôn điều ác hại và làm cho GH nên hoàn hảo trong tình yêu ngài, và quy tụ GH lại trong sự thánh thiện từ bốn phương thành vương quốc của ngài mà ngài đã chuẩn bị cho nó” (10:5). Đây là những dấu hiệu rõ ràng rằng GH địa phương có những đối tác thân thuộc trong những phần khác của thế giới. Cuốn First Apology của Giustinô cũng ghi lại một viễn cảnh tương tự trong bối cảnh của phụng vụ thánh thể: “Vào ngày đó vốn được gọi theo mặt trời, tất cả mọi người ở trong các thành và vùng quê tu họp lại với nhau cho buổi cử hành cộng đoàn. Và rồi ký ức về các tông đồ hay những bút tích của các ngôn sứ được đọc lên, tuỳ thời gian cho phép. . . Đoạn ai nấy cầu nguyện chung. . . cho chính mình, cho những người mới rửa tội và cho tất cả những người khác bất kể họ ở đâu.”
 
Trong buổi cử hành thánh thể và theo một mức độ ít hơn có lẽ trong phép Rửa, có một tính năng động đang hoạt động dẫn các Kitô hữu nhận thức chính mình như thuộc về một dân được quy tụ lại để ca ngợi và tôn thờ TC. Có một thứ ý thức siêu nhiên về cộng đoàn đã được phác họa một cách kín đáo trong TƯ, nhưng tăng trưởng mạnh hơn – tức là những người tham dự trên bình diện địa phương vào một cuộc cử hành thánh thể lại can hệ vào sự hiệp thông liên chủ thể gần gũi với những tín hữu vốn ra đi vì chết trước những Kitô hữu còn sống.
 
Những thực hành thánh thể biệt loại mà đã diễn tả sự hiểu biết và tình yêu đối với những giáo hội chị em nảy sinh. Để hiệp thông với giáo hội khác hay một cách biệt loại với vị Giám mục/Giám quản của nó, các Kitô hữu gởi tới những giáo hội khác bánh hiệp thông được thánh hiến. Eusebius ghi lại việc thực hành này bằng cách trích dẫn một lá thư từ Irenê cho Victor, giám mục Roma, về cuộc tranh cãi lễ Phục sinh. Irenê bình luận rằng các Giám mục Roma trong thời sơ khai hơn không cho phép sự bất đồng về ngày cử hành Phục sinh để can thiệp vào việc thực hành là gởi bánh thánh thể cho những giáo hội khác như một dấu hiệu của tình liên đới.
 
Một phong tục khác liên quan đến thánh thể là việc thực hành gởi những mẩu bánh được thánh hiến cho những giáo hội chung quanh. Phong tục này dường như có nguồn gốc từ Roma, nhưng nó được thừa nhận do các Giám mục ở những thành phố khác. Vào những ngày lễ, như một dấu hiệp nhất, vị Giám mục thường gởi tới các linh mục hay Giám mục trong những vùng hẻo lánh một miếng bánh vừa được thánh hiến; khi tới nơi, tấm bánh đó được trộn lẫn vào trong chén của GH lãnh nhận như một dấu của hiệp nhất. Thực hành này tiếp tục cho tới thế kỷ IX và thậm chí còn lại một vài vết tích cho đến ngày nay trong phụng vụ Roma, như trong việc pha trộn mẩu bánh thánh vào trong chén rượu trước khi phân phát bánh thánh (hiệp lễ).
 

2. Tấn phong các Giám mục mới bằng cách mời những Giám mục thuộc những giáo hội chung quanh đến thánh hiến họ

Thật khó khăn để xác định đúng ngày khi bắt đầu thực hành việc chỉ định chỉ một Giám mục (monos episkopos) cho mỗi GH thành phố miền Địa Trung Hải. Nhưng chắc chắn vào khoảng thế kỷ IV của Kitô giáo bất kỳ một sự thực hành khác nhau nào vốn có lẽ đã hiện hữu (chẳng hạn như quản trị một giáo hội bằng một kiểu hội đồng, mà dường như đã là lối thực hành nguyên thủy trong GH Roma) đều được thay bằng khuôn mẫu một Giám mục. Điều phát triển trong thế kỷ II là một sự tập trung quyền lực có tính cách quân chủ cho Giám mục. Cùng với điều đó là sự linh thiêng hóa nào đó chức vụ Giám mục. Như chúng ta thấy trong một lá thư của Cyprianô thành Carthage, cộng đoàn trong một GH địa phương được kỳ vọng để chọn Giám mục của mình.
 
Sự khai mào có tính bí tích thực sự vào trong chức vụ Giám mục được làm bằng việc đặt tay do các giám mục từ những giáo hội chung quanh. Hippolitus ở Roma trong cuốn Apostolic Tradition nhắc nhớ sự cần thiết phải có những giám mục khác hiện diện. Một ít trước khi công đồng Nicea, tại công đồng địa phương Arles (314), người ta định rõ nên có bẩy Giám mục có thể được, nhưng “nếu không có bẩy, người ta không dám phong chức nếu ít hơn ba Giám mục.” Điều này cho ta một ý thức chính xác về sự kiện rằng một giáo hội địa phương, dù tự lập, cần phải hiệp thông với ít nhất những giáo hội chung quanh.
 
Nhưng vào lúc này có hơn cả một việc mời những Giám mục chung quanh để thánh hiến những người được cử làm Giám mục đang tác động. Một mạng lưới đang hình thành nhằm thiết lập một trật tự của sự quan trọng giữa những giáo hội: nó vạch rõ những giáo hội xa xưa hơn và trẻ trung hơn. Mặc dù nói về những tòa thượng phụ trước năm 451 sẽ thật hấp tấp, thì một số giáo hội vẫn có những vai trò giám quản lớn lao phải thực hiện hơn những giáo hội khác. Uy tín đặc thù được đi kèm với một vài giáo hội miền hay địa phương vì những lý do khác nhau: cội nguồn tông truyền thực sự hay tưởng tượng, vị thế địa lý, quyền lực chính trị, tài lãnh đạo hiệu quả, v.v. Trong sự phát triển này dường như rõ ràng rằng hệ thống dân sự đang sử dụng giữa những người Roma cũng ảnh hưởng cách thức các Giám mục đảm nhận những chức năng.

3. Triệu tập các công đồng miền

Một thể chế thứ ba trong giáo hội tiền Nicea vốn cổ xuý sự trao đổi và điều phối giữa các giáo hội là việc triệu tập các công đồng miền gia tăng. Các công đồng hay synods (tiếng Hylap dùng cùng một chữ cho những biến cố này: synodos) được nhắc đến vào hậu bán thế kỷ II khi các Kitô hữu ở Á châu dẫn dắt một loại những phiên họp bỏ ngỏ để bàn đến những vấn đề của lạc thuyết Montanism. Các công đồng cũng nhân bội khi những giáo hội miền cố gắng để thảo luận giải quyết những khó khăn đi liền với việc chọn ngày lễ Phục sinh. Những công đồng này không được lập thành một cách độc hữu bằng các episkopoi mà thôi. Chẳng hạn chúng ta biết từ một công đồng được nhóm họp vào năm 256 tại Carthage liên quan đến cuộc tranh cãi về phép Rửa rằng “nhiều Giám mục gặp nhau tại Carthage cùng với những linh mục (presbyters) và các phó tế và một phần đáng kể của dân chúng [plebes]”.
 
Hơn nữa những công đồng chỉ thực thi một sức mạnh bó buộc mà từng các Giám mục muốn gắn bó với chúng. Cypriano làm rõ điều này trong một lá thư mà trong đó ngài tóm tắt công cuộc của một công đồng tỉnh: “không ai trong chúng tôi đặt mình như là Giám mục của các Giám mục, không ai trong chúng tôi buộc bằng sự khủng bố bạo tàn bất kỳ thành viên nào phải nhất thiết vâng phục, vì mỗi Giám mục, theo quyền tự do và uy quyền của chính mình, có quyền phán đoán, và không còn bị phán đoán do một ai khác hơn là chính mình có thể xét đoán người khác.” Một cách quan trọng nhất, những công đồng tỉnh này, nhất là vào nững thế kỷ VII, VIII, và IX của Kitô giáo, tạo thành những điều kiện đối với điều mà cuối cùng được biết như một công đồng đại kết.
 
4. Các thư từ trao đổi và luân lưu

Một yếu tố khác vốn mạnh mẽ trong việc thiết lập giao tiếp giữa những giáo hội chị em là việc thực hành trao đổi thư từ. Từ thời thánh Phaolô, các Kitô hữu đã quen thuộc với thực hành này. Giữa những người Kitô hữu, các thư thường chứa đựng những khóe nhìn của các nhóm, chứ không chỉ một cá nhân. Các thư có thể khuyến thiện và thông tin. Chúng không hoàn toàn đạo đức hay khởi hứng. Chúng có thể chứa đựng những bộc lộ nóng giận, đe dọa, và những ghi nhận châm chọc và chua cay. Điều thú vị là không chỉ sự kiện chúng được viết với sự phong phú như thế, nhưng chúng đã được cẩn thận gìn giữ, sao chép, và chuyển dịch khi cần, thậm chí lưu trữ để quy chiếu trong tương lai.
 
Giữa những hình thức chính của các lá thư là cái được gọi là litterae pacis, những lá thứ bày tỏ sự xá giải cho tội nhân, nhất là những người đã sa ngã trong thời gian bách hại. Có những litterae pacis ecclesiasticae, chứa đựng sự cho phép của một Giám mục được ban cho một các tín hữu đi thăm một người ở địa vị cao cả nào đó; litterae festales, chứa đựng thông tin về lịch và những cử hành phụng vụ; litterae circulares, những thông điệp nhắm đến thính giả rộng lớn; và cái gọi là contessaratio hospitalitatis, một thứ thông hành hay thẻ tín dụng cho phép một kitô hữu thăm viếng tiếp xúc với những cộng đoàn kitô hữu ở xa, một thứ lá thư về hạnh kiểm tốt lành làm cho người mang có chỗ trú ngụ miễn phí ở một giáo hội xa xăm, ít nhất trong một thời gian ngắn.
 
5. Chấp nhận những nỗ lực điều phối của các giáo hội Tây phương do Giám mục Roma

Một yếu tố khác vốn đóng góp hơn nữa để tiếp xúc giữa các giáo hội trong GH tiền Nicea, cách riêng trong phần phía Tây của Địa Trung Hải, là sự điều phối dần dần về một số chức năng do GH Roma. Roma được người ta nhìn xem là hưởng được một thứ potential principalis, một sự bá chủ của ảnh hưởng trên những giáo hội khác, cách riêng nhưng không độc hữu các giáo hội phương Tây. Như một giáo hội địa phương, nó được nhìn là chủ tọa trong tình yêu trên những giáo hội khác. Trước Công Đồng Nicea, không có một diễn đạt pháp lý nào về vai trò của Roma, càng ít [tài liệu] nói về sự tối thượng pháp lý hay về một thứ của tác vụ phổ quát của vị Giám mục đó. Một số yếu tố vẫn đóng góp vào sự hiệp thông gia tăng dưới sáng kiến của Roma. GH Roma can thiệp vào  việc tái thiết lập trong tình thế khó khăn của Corinto (x. 1 Clement); nó thực thi một sự chăm sóc mục vụ rộng rãi đối với những người gặp khó khăn về những thực hành sám hối (x. the Shepherd of Hermas); một Giám mục Roma đảm nhận những sáng kiến liên quan đến một số giáo hội Đông phương để dàn xếp những cuộc tranh cãi về ngày lễ Phục sinh; Roma có một danh sách về sự kế tục tông đồ và cuối cùng rút được những kết luận về GH từ danh sách ấy; một phần tử của GH Roma diễn đạt trong cuốn Apostolic Tradition những thực hành phụng vụ thích hợp; Roma đảm trách những hành vi bác ái đặc biệt, nổi bật sự nâng đỡ tài chánh đối với các giáo hội khác.
 
6. Lụy phục những can thiệp trực tiếp do Hoàng Đế trong đời sống quản trị của Giáo Hội

Một yếu tố cuối cùng để xét trong sự tìm tòi ở đây những yếu tố vốn cổ xuý sự hiệp thông trong các giáo hội tiền Nicea liên hệ đến những chính sách của Hoàng Đế Constantin, người cai trị từ năm 306 đến 337. Dù thường xuyên được hướng dẫn do những lý lẽ tôn giáo đơn giản, thì những chính sách của Constantin vẫn có những ảnh hưởng rộng lớn cho hình thái tương lai của GH. Hoàng đế ấy trong những năm sau này của mình đã bị ám ảnh do viễn ảnh về những giáo hội địa phương được điều phối và điều phối. Ông cố gắng hoàn thành mục tiêu của mình qua ảnh hưởng và những sáng kiến của ông và ông cố gắng dĩ nhiên, không thành công, để bàn với những người lạc giáo Donatist và Ario. Ông sắp xếp các công hội họp ở Roma (313) và tại Arles (314) trong việc tìm kiếm hòa thuận. Đối với Eusebio, sử gia GH và văn sĩ về những lời tán tụng không tiếc lời, hoàng đế Constantin là một “giám mục đối với phía bên ngoài”, ảnh hưởng của ông được cảm thấy do sự đỡ đầu của ông. Sự ưa thích của ông đối với các giáo hội Kitô hữu làm cho ông thành một ân nhân được ưa chuộng; vào cuối triều đại của ông, ông khôi phục những tòa nhà đã bị tịch thu và làm cho tài chính cho những tòa nhà giáo hội nên dễ dàng, hàng giáo phẩm được miễn một số bổn phận chính trị cũng như miễu thuế. Dù thật là hấp tập nói về một thứ hoàng triều Cesar (Caesaro-papism), điều mà Constantin khởi sự là cái nguyên mẫu cho sự pha trộn đặc biệt giữa giáo hội và nhà nước mà đã thống trị rất nhiều trong lịch sử giáo hội tại phương Tây lẫn phương Đông.
 
Sự cộng tác ngày một lớn hơn giữa các giáo hội trong thời kỳ trước công đồng Nicea là do nhiều yếu tố khác nhau. Một số yếu tố chính yếu là tôn giáo, chẳng hạn như việc cử hành Thánh Thể và sự nhậm chức theo bí tích của những Giám mục mới do những Giám mục chung quanh. Một số yếu tố mang tính chất tổ chức và xã hội, chẳng hạn sự triệu tập các công hội hoặc viết thư từ. Những yếu tố khác tập trung vào sự điều phối nơi một người hay một thể chế, dù là tòa Giám mục Roma hay tòa án hoàng đế của Roma mới. Đây là những phát triển của Tân ước và, mặc dù những giải pháp mới, được coi là những phát triển hợp pháp. Dĩ nhiên, ngay cả trong TƯ, có những quy chiếu đến những nỗ lực để nói cho nhu cầu đối với GH để điều chỉnh theo lịch sử thế giới.
 
Dựa vào sự sơ lược này về những phát triển từ TƯ và thời kỳ hậu tông đồ đến các giáo hội của thế kỷ II và III, hai câu hỏi then chốt được nêu lên là đây: những giáo hội ngày nay – nhất là khi quyết định điều gì cần để kh6i phục sự hiệp thông trọn vẹn – không tuyệt đối hóa những phát triển loại biệt, bất tất trong các chức của GH thuộc lịch sử hoặc trong những quyết định của công đồng hay sao? Và vì thế chúng đã không phải là những hàng rào cản trở không cần thiết được dựng nên cho việc khôi phục sự hiệp nhất hoàn toàn hữu hình giữa các giáo hội sao?