GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
SUY TƯ THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU
Chuyển dịch: Ngô Minh
***
***
II. NỀN TẢNG TRONG KINH THÁNH
1. Luận Đề 1
Cho dù có phải nhận dạng các Giáo Hội Địa Phương trong Tân Ước bằng địa danh, thì điều chủ yếu được nêu bật chính là sự việc Dân Thiên Chúa đang ở tại một nơi nhất định. Hội Thánh là công trình hiện tại hóa ngay ở giữa lòng lịch sử, của mầu nhiệm Thiên Chúa trong Đức Kitô; là mầu nhiệm được thực hiện ở nơi mỗi Giáo Hội Địa Phương. Các Giáo Hội Địa Phương trong Tân Ước thì đa dạng. Hình ảnh “Thân Thể Đức Kitô” được dùng để chỉ Hội Thánh, cho thấy rõ sự kiện này là: Hội Thánh Hoàn Vũ là mối hiệp thông giữa các Giáo Hội Địa Phương.
1.01 Cho dù trong các thư của Phaolô và Sách Công vụ Tông đồ (1Cr 1,2; Gl 1,2; 1Tx 1,1), các Giáo Hội có phải được nhận dạng qua một địa danh cụ thể, thì điều chủ yếu được nêu bật hẳn chính là sự việc Dân Thiên Chúa đang ở tại một nơi nhất định . Công thức: “gửi về các Giáo Hội miền Galata”, dùng trong Thư gửi tín hữu Galata, cho thấy rõ là có thể có nhiều Giáo Hội cùng ở trong một miền đất nhất định, và các Giáo Hội trong vùng thường có những mối tương giao với nhau. Thế nên, không phải là một Hội Thánh duy nhất được chia ra thành nhiều Giáo Hội, và ngược lại, cũng không phải là tổng số các Giáo Hội đã làm nên Hội Thánh.
1.02 Tân Ước tỏ ra không mấy tán đồng cách phân biệt thông thường giữa “Hội Thánh Hoàn Vũ” được coi như là “Hội Thánh của Thiên Chúa”, và các Giáo Hội Địa Phương được hiểu là như những cộng đoàn địa phương (tức như là những phần tử hoặc bộ phận) làm thành phần của Hội Thánh Thiên Chúa. Thành ngữ “Hội Thánh của Thiên Chúa” có thể được dùng để chỉ một (1Cr 1,2; 10,35;15,9) hoặc nhiều cộng đoàn giáo hội (1Cr 11,16; 1Tx 2,14). Thế nên, văn bản Tân Ước cho phép xác định rằng công trình hiện tại hóa ngay ở giữa lòng lịch sử, của mầu nhiệm Thiên Chúa trong Đức Kitô, đã được thực hiện ở nơi mỗi Giáo Hội Địa Phương.
1.03 Trong thời Tân Ước, ý niệm về Giáo Hội Địa Phương mang tính cách loại suy hơn là đơn nghĩa, và có thể chỉ một cuộc tập họp dân chúng địa phương, một cơ sở thị thành, hoặc là các Giáo Hội trong vùng, hay là các Giáo Hội họp tại nhà riêng, v.v… Cũng vì thế mà các Giáo Hội Địa Phương trong thời Tân Ước mang những hình thái đa dạng đến độ cần phải nghiên cứu từng sách một trong Tân Ước thì mới có thể biết được Giáo Hội có mặt ở trong đó là thuộc mẫu Giáo Hội nào.
1.04 Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (Cl 1,24; Ep 1,22). Đức Kitô và Hội Thánh cũng được đặt kề cạnh nhau trong những lần được nhắc tới (Ep 3,21; 5,22). Như vậy, trong một ý nghĩa nào đó, Đức Kitô và Hội Thánh được coi như là một. Là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, các kitô hữu sống trong một mối liên hệ đối với nhau (1Cr 12,12-27), và mối liên hệ ấy nằm ở nơi Đức Kitô. Cho nên, đó không phải chỉ là một thứ tình đoàn kết thuần túy nhân loại mà thôi, song là một mối hiệp thông nẩy sinh từ sự việc được sáp nhập vào trong Đức Kitô nhờ đức tin và phép rửa (Gl 3,26-28).
1.05 Trong hình ảnh”Thân Thể Đức Kitô”, có thể nhận ra được cách thức minh họa về mối liên hệ giữa Hội Thánh Hoàn Vũ và các Giáo Hội Địa Phương. Đức Kitô được coi như đồng nhất hóa với mỗi Giáo Hội Địa Phương; vì thế, mỗi Giáo Hội Địa Phương là Thân Thể Đức Kitô. Khủng bố Giáo Hội tại Giuđêa, tại Galilêa và Samaria là Saolô cũng đã khủng bố chính Đức Kitô (Cv 9,1-6). Mầu nhiệm Đức Kitô đã được thực hiện ở nơi mỗi Giáo Hội Địa Phương thế nào, thì mầu nhiệm Hội Thánh cũng được thực hiện như vậy. Mỗi Giáo Hội Địa Phương là Hội Thánh một cách toàn diện (wholly the Church ), nhưng không phải là Hội Thánh toàn thể (not the whole Church ). Hễ càng hiệp thông với Thần Khí của Đức Giêsu, càng biết đâm rễ sâu vào trong Tin Mừng cũng như trong đời sống chung nơi Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, và hễ càng biết mở lòng giao hảo với các Giáo Hội Địa Phương khác trong cùng một Lời và một Thần Khí, thì một Giáo Hội Địa Phương càng tiến xa trong công trình thực hiện mầu nhiệm Hội Thánh. Như vậy, nhờ chính các thực tại đã làm cho mình nên Hội Thánh và hiệp thông, mà Giáo Hội Địa Phương mang được tính chất hoàn vũ. Còn đằng khác, có ở trong và nhờ các Giáo Hội Địa Phương, thì Hội Thánh Hoàn Vũ mới mang được tính chất hoàn vũ. Hội Thánh Hoàn Vũ không có được một cuộc hiện hữu cụ thể nào cả ngoài các Giáo Hội Địa Phương. Do đó, Hội Thánh Hoàn Vũ chính là niềm hiệp thông của các Giáo Hội Địa Phương.
2. Luận đề 2
Vì loan truyền Tin Mừng là bản sắc sâu thẳm nhất của Hội Thánh, thế nên, nhân tố quyết định trọng yếu nhất làm phát sinh nên Giáo Hội Địa Phương, là việc loan báo Lời (biến cố Đức Kitô). Là động lực trong công tác loan báo Lời, Thần Khí giữ vai nguyên lý của hiệp nhất cũng như của dị biệt, và do đó, làm cho Hội Thánh có khả năng đón nhận mọi hình thái văn hóa vào trong mối hiệp nhất của mình mà không mảy may xóa bỏ các dị biệt của chúng, và đồng thời có khả năng giữ cho tính chất hoàn vũ của mình được luôn luôn cụ thể.
2.01 Ngay từ lời mở đầu của sách Công vụ Tông đồ (Cv 1,6-8), như một thần học gia chuyên về Hội Thánh, thánh Luca đã phác ra những nét đại cương cho đường hướng thần học của ngài. Trong đó, chúng ta thấy thời đại của Hội Thánh được miêu tả như là thời gian nằm giữa thời Đức Kitô và thời Chung cục. Tiêu đích của thời đại ấy là làm chứng về Đức Kitô cho đến tận chân mây cuối trời của thế giới; đó là sứ mệnh của cộng đoàn các môn đồ do các tông đồ dẫn dắt và được sức mạnh của Thánh Thần yểm trợ cho trong khi làm chứng. Vì vậy, Hội Thánh là một cộng đoàn môn đồ làm chứng cho Chúa Phục Sinh và cho Tin Mừng của Ngài. Bởi thế, tiến trình loan truyền Tin Mừng là lý do hiện hữu của Hội Thánh. “Loan truyền Tin Mừng” thật sự là ân sủng, là ơn gọi riêng và là bản sắc sâu thẳm nhất của Hội Thánh. Hội Thánh có hiện hữu, thì chính là để loan truyền Tin Mừng” (vangelii Nuntiandi14 ).
2.02 Trong tất cả các Phúc Âm, mệnh lệnh đi truyền giáo được gắn liền với các trình thuật kể lại những lần nhóm Mười Hai gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh (16,14-16; Mt 28,18-20; Lc 24,47-49; Ga 20,19-23). Như thế, nhân tố quyết định trọng yếu nhất trong tiến trình thành hình của một Giáo hội Địa phương, là sự việc được dự phần vào trong kinh nghiệm của các tông đồ về Đức Kitô, qua trung gian tác vụ tuyên bố Lời (1Ga 1,1tt). Ngay sau khi được ban cho đầy Thần Khí, các tông đồ đã tức tốc bắt đầu tuyên bố Tin Mừng Đức Kitô (Cv 2,4). Những người đón nhận Lời các ngài công bố cũng chính là những người đã được rửa tội và làm nên Giáo Hội Địa Phương tại Giêrusalem (Cv 2,41). Vai trò số một của các tông đồ là tiếp tục phục vụ cho Lời (Cv 6,2-4). Hễ có cơ hội thuận tiện là thành viên nào của Giáo Hội cũng cố nắm lấy để công bố Lời (Cv 4,34; 8,4). Từ đó, Hội Thánh sống nhờ Lời và nhận ra bản sắc của mình ở nơi công tác phục vụ Lời.
2.03 Thần Khí là động lực thôi thúc Hội Thánh phục vụ Lời. Theo Ga 20,21-22, thì lúc phái gửi các tông đồ đi, Đức Kitô cũng đã ban Thần Khí cho họ. Còn Lc 24,49 thì nhắc lại sự việc Đức Giêsu khuyên dặn các môn đồ hãy ở lại trong thành (Giêrusalem) cho đến khi nhận được quyền năng từ trời ban xuống. Cũng vậy, chính hiện tượng tuôn đổ tràn đầy Thần Khí trong ngày lễ Ngũ tuần đã đánh dấu biến cố khánh thành Hội Thánh (Cv 2,1-47). Là phần tử của Hội Thánh, tất cả những ai đã được sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Vậy, Thần Khí chính là trụ cột của Hội Thánh, và là Đấng truyền sức sinh động cho Hội Thánh.
2.04 Kinh nghiệm Hiện xuống đã tiên báo về bản chất đích thực của Hội Thánh đang lớn lên, trong đó Thần Khí giữ vai nguyên lý của hiệp nhất và của dị biệt. Trong Hội Thánh, có thể gặp thấy “người đến từ mọi dân nước trong thiên hạ” dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Tin Mừng mà “mỗi người nghe được trong tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,5-12). Đó là lời Thần Khí mời gọi mọi người đón nhận mọi tiếng nói và mọi hình thái văn hóa vào trong niềm hiệp nhất của Ngài, mà không mảy may hủy diệt mất đi những đặc nét cá biệt và những màu sắc khác nhau của chúng. Đó cũng chính là lời mời gọi hằng vọng lên, cũng như hằng được đáp ứng suốt theo dòng lịch sử Hội Thánh, và đã làm nẩy sinh nên không biết bao nhiêu là Giáo Hội Địa Phương. Như thế nghĩa là Thần Khí hằng ban cho Hội Thánh một mối hiệp nhất có khả năng hấp thu những khác biệt mà không tiêu hủy chúng đi, và một tính phổ quát luôn luôn cụ thể. Do đó, đà phát triển đích thực của Hội Thánh là một đà sinh trưởng được phối hợp hài hòa với những lối diễn đạt đức tin bằng nhiều cách thức cá biệt mà mỗi Giáo Hội Địa Phương thừa kế được từ các thế hệ tiền bối: đó là những lối diễn đạt đã từng tỏ ra thích hợp đối với hoàn cảnh cụ thể cũng như đối với nhu cầu và nguyện vọng tôn giáo của dân tộc sống trong địa phương ấy.
3. Luận đề 3
Trong Hội Thánh, tác vụ loan truyền Lời được thi hành qua giáo huấn của các tông đồ, qua việc cử hành Lễ tạ ơn, qua cuộc sống cũng như đời hoạt động đượm nhuần Thần Khí, và qua việc công bố ơn cứu độ. Và đó chính là các nhân tố làm nẩy sinh nên và cấu tạo thành Giáo Hội Địa Phương. Nhưng chỉ khi nào được những nhóm người cụ thể chấp nhận làm của mình nhằm đáp lại Lời của Thiên Chúa, thì các nhân tố ấy mới thực sự có sức làm cho Giáo Hội Địa Phương nẩy sinh nên được. Thừa tác vụ của các tông đồ là một cấu tố làm nên Giáo Hội Địa Phương; Giáo Hội này phải được cấu tạo thế nào để có thể bảo dưỡng bản chất của chính mình, tức là bản chất của một cộng đoàn trong đó, hành động cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Kitô là trung tâm, hằng liên tục hiện diện
3.01 Trong Hội Thánh, tác vụ Lời Chúa được thi hành chủ yếu theo bốn cách thức như sau: qua giáo huấn của các tông đồ về Lời, đưa tới kết quả làm phát sinh ra một cộng đồng tín hữu (Cv 2,41-42); qua Lời vang vọng trong niềm vui mừng và tán tụng Thiên Chúa, làm nẩy sinh nên một cộng đoàn cầu nguyện và thờ phượng (Cv 2,41-42); qua Lời dẫn lối đưa tới cuộc sống mới trong hoạt động đượm nhuần Thần Khí của Hội Thánh, để từ đó làm nẩy sinh nên một cộng đoàn biết sống tinh thần chia sẻ và phục vụ (Cv 2,43-45); và cuối cùng, qua Lời, tức là Tin Mừng của Đức Kitô, mà Hội Thánh không ngừng loan báo giữa lúc thực thi sứ mệnh cứu độ của mình ở trong thế giới và cho thế giới (Cv 2,47).
3.02 Chỉ khi nào nhờ thừa tác vụ tông đồ, nhờ Lễ tạ ơn và mối hiệp thông yêu thương, nhờ sứ mệnh cứu độ ở giữa thế giới và cho thế giới, cũng như nhờ ân sủng và quyền năng của Thần Khí, có những người đạt tới chỗ cảm nghiệm được Lời hoặc biến cố Đức Kitô, thì lúc đó một Giáo Hội Địa Phương mới được khai sinh ra. Chính thế, Giáo Hội Địa Phương tại Giêrusalem đã sinh ra khi Lời các tông đồ rao giảng tiếp tục lưu ngụ ở giữa cộng đồng các tín hữu, nhờ thừa tác vụ các tông đồ, với ân sủng và quyền năng của Thần Khí (Cv 2,37tt)
3.03 Chỉ khi nào được những nhóm người đang sống ở một nơi và vào một thời rõ rệt, tiếp đón và chấp nhận làm của mình với tất cả lòng tin cậy mến cũng như với tinh thần hiệp thông và ý thức về sứ mệnh của mình, thì các cấu tố ấy mới thật sự tạo lập nên một Giáo Hội Địa Phương đích thực. “Vậy những ai đã đón nhận Lời Phêrô rao giảng, thì đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,41-42). Như vậy, trong quá trình hình thành Hội Thánh, “nơi chốn” là một nhân tố quyết định của tính chất hội thánh (ecclesiality ). Bởi vì, có được đón nhận làm của mình và được giải thích nhằm ứng đáp những thách đố do nơi chốn và thời đại, do các nền văn hóa và những hoàn cảnh cụ thể đưa ra, thì Lời Thiên Chúa mới có đủ điều kiện thiết thực để làm phát sinh nên Hội Thánh.
3.04 Có một số đoạn trong các Phúc Âm cho thấy là trong thời đó, đã có một thứ trật tự cộng đồng ở giữa những người tin vào Đức Giêsu. Đức Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai. Ngài tách riêng họ ra để khai mở cho họ hiểu về mầu nhiệm chịu khổ, chịu chết và sống lại của Người (Mt 20,17). Ngài dạy cho họ biết về cách lấy thái độ phục vụ với tinh thần khiêm hạ và yêu thương mà thi hành trách vụ lãnh đạo (Mt 20,20-28). Họ được tham dự vào bữa Tiệc Tạ ơn và được ban cho quyền tái diễn mầu nhiệm này. Ga 21,15-17 ghi lại sự kiện Phêrô được ủy thác cho việc chăm nom đàn chiên của Đức Giêsu.
3.05 Dù thừa tác vụ tông đồ là một trong những nhân tố cấu tạo Hội Thánh, thì Tân Ước cũng giới thiệu cho thấy cả một loạt những cơ cấu khác nhau trong Hội Thánh. Giáo Hội Giêrusalem có cơ cấu tập đoàn quy tụ chung quanh các tông đồ (Cv 2,42-43). Trong Cv 11,30, thì thấy là chính các niên trưởng làm đại diện cho quyền lãnh đạo trong Giáo hội Giêrusalem; trong khi đó, Cv 15,2,4-6 thì cho thấy rằng cả niên trưởng lẫn tông đồ đều có quyền lãnh đạo. Tại Antiôkhia, các ngôn sứ và các giáo sư giữ quyền lãnh đạo. Tại Ephêsô, các niên trưởng lãnh đạo Giáo hội (Cv 20,17); họ cũng được gọi là giám mục (Cv 20,28). Các Thư Mục vụ cho thấy có ba loại chức vụ: giám mục, niên trưởng và phó tế.
Vì thế, thừa tác vụ tông đồ trong Hội Thánh có thể mang nhiều hình thức cấu trúc thể chế khác nhau. Dù sao thì các cơ cấu ấy cũng cần phải có đủ khả năng để bảo toàn thực chất và bản thể của Giáo Hội Địa Phương là Hội Thánh của Thiên Chúa, trong đó, hoạt động cứu độ trường kỳ mà Thiên Chúa đã hoàn tất trong Đức Kitô, vẫn mãi hiện diện và tác động hữu hiệu nhờ Thần Khí.
4. Luận đề 4
Hội Thánh là đoàn ngũ các tín hữu Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà triệu tập: họ là những người đã được rửa tội trong Đức Kitô Giêsu, và sống theo Thần Khí. Đức Kitô là đầu dân riêng này của Thiên Chúa theo Giao Ước mới. Một khi đã được tập hợp dưới quyền lãnh đạo của những người kế nhiệm các tông đồ, thì chính nhờ bởi việc thực hiện ngay nơi bản thân mình, mầu nhiệm của ý định Thiên Chúa muốn liên kết toàn thể nhân loại và toàn bộ vũ trụ ở trong Đức Kitô, mà Hội Thánh trở thành bí tích phổ quát của Nước Thiên Chúa
4.01 Ekklesia là một từ Hy lạp dịch ra từ chữ Qahal của ngôn ngữ Hy pri, và đó là danh xưng được dùng để chỉ cộng đồng Ítraen, là dân tộc đã từng được Yahvê giải phóng khỏi ách nô lệ và dẫn đưa vào trong sa mạc để phụng thờ Ngài. Trong Tân Ước, danh xưng này chỉ về Hội Thánh trong tư thế là cộng đồng các tín hữu đã được Thiên Chúa dùng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô mà triệu tập để mạc khải và thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài ở trong thế giới (xem Ep 1,19; Rm 16,25tt; Ep 5,32).
4.02 Phản ứng chống lại khuynh hướng đề cao quá độ chiều kích thể chế của Hội Thánh, Công đồng chung Vaticanô II đã phục hồi lại chỗ đứng trọng yếu ở trong giáo hội học cho các nhân tố siêu việt, là những nhân tố giúp cho thấy rõ được rằng Hội Thánh mang một bản chất đặc thù hoàn toàn khác hẳn với bất cứ một kiểu mẫu xã hội nhân loại nào khác. Sở dĩ có đoàn ngũ những người như thế, là vì Thiên Chúa đã kêu gọi họ qua Lời Đức Kitô và ân sủng của Thần Khí. Chính nhờ chịu phép rửa trong cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô (Rm 6,3-4) để trở thành Thân Thể trong đó họ đã được dìm vào qua phép rửa, “bất chấp họ là người Do thái hay là người Hy lạp, người nô lệ hay người tự do” (1Cr 12,13), mà những người, nam cũng như nữ, đã được gia nhập cộng đồng ấy. Và đó chính là cộng đồng đang sống nhờ việc tưởng niệm Đức Giêsu Nadarét theo truyền thống các tông đồ, và đang tuyên xưng cùng tán dương Ngài là Chúa tể và là Đấng Cứu Độ trong mối hiệp thông có các người kế vị các tông đồ đứng đầu, cũng như đang hy vọng trông chờ Ngài trở lại trong vinh quang. Việc tụ họp để cử hành Lễ Tạ ơn nói lên mẫu mực đời sống bên trong của cộng đồng: một đời sống thông dự vào trong mầu nhiệm Đức Kitô, cũng như cho thấy công đồng ấy thật là Dân Thiên Chúa và là niềm hiệp thông trong Thần Khí: đó chính là Hội Thánh phát sinh bởi Thiên Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate ).
4.03 Đức Kitô và Hội Thánh thì đồng tâm nhất trí với nhau. Công trình hòa giải và ban bình an của Đức Kitô đang tiến hành và thành tựu qua hoạt động của Hội Thánh (Cl 1,15-23). Hội Thánh là một thực tại đang tiếp tục lớn lên, lớn lên để trở thành Đức Kitô: Ngài là Đầu của Thân Thể là Hội Thánh (Ep 4,15-16). Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh Thân Thể mà Đầu là chính Đức Kitô (1Cr 12; Rm 12,4-5). Các tín hữu là “những người đã được hiến thánh nhờ kết hợp với Đức Giêsu Kitô, nghĩa là được kêu gọi nên thánh cùng với tất cả những ai, ở bất cứ nơi nào, kêu cầu danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1,2). Họ cũng được mô tả như là “những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12). Hội Thánh còn được giới thiệu như là “đền thờ của Thiên Chúa”, nơi Thần Trí cư ngụ (1Cr 3,16-17). Hội Thánh cũng là “gia thuộc (người nhà) của Thiên Chúa được xây dựng trên nền móng là các tông đồ và các ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu (Ep 2,20).
4.04 Được tập hợp dưới quyền lãnh đạo của mhững người kế nhiệm các tông đồ, Hội Thánh trở thành bí tích phổ quát, làm biểu tượng và dụng cụ của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm mang tính chất vừa cánh chung, nhưng cũng vừa hiện diện trong mọi thời. Cánh chung vì báo trước sự việc vương quyền Thiên Chúa sẽ tỏ rạng một cách hoàn toàn dứt khoát trong ngày tận thế. Những dụ ngôn nói về Nước Trời đã ám chỉ đến sự việc này (Mt 13,1-32). Nhưng đàng khác, Nước Thiên Chúa đã thực sự xuất hiện kể từ khi Đức Giêsu đến trong thế gian (Lc 17,20-21; Mt 11,4tt); Nước Thiên Chúa được đồng nhất hóa với chính Đức Giêsu Kitô (Ga 3,3-5; Mt 19,29; Lc 18,29).
4.05 Phép Thánh Tẩy chính là con đường khai tâm dẫn lối đến với lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, và đến với Nước Thiên Chúa. Vì vậy, một cách nào đó, Hội Thánh có thể được đồng nhất hóa với Nước Trời. Tuy nhiên, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa thì quảng mạc hơn tầm triển khai của Hội Thánh. Hội Thánh là bí tích của Nước Trời, tức là biểu hiệu có sứ mạng làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện một cách nhiệm mầu như là dấu chỉ và như là công cụ cứu độ thích ứng cho thời gian kể từ lúc Đức Kitô Chúa phục sinh cho tới ngày Ngài trở lại.
4.06 Nước Thiên Chúa mà Hội Thánh là hiện thân thì tự bản chất, thuộc lãnh vực thiêng liêng, và không nuôi một yêu sách trần tục hay là chính trị nào hết (Ga 18,36-37). Đức Giêsu là một nhà lãnh đạo tinh thần và là “hiến chương” của nước Trời. Bài giảng trên núi trước tiên là một lời mời gọi hãy trở nên hoàn hảo trong tình thương đặc thù của con cái Thiên Chúa, theo mẫu gương của Cha ở trên Trời (Mt 5,43-48). Để vào được Nước Thiên Chúa thì có một điều kiện thiêng liêng là: “cần phải hoán cải và trở nên giống trẻ thơ” (Mt 18,3), “cần phải được sinh ra bởi (nước và) Thần khí” (Ga 3,5). Vì thế, Nước Thiên Chúa là của những kẻ có tâm hồn nghèo khó (Mt 5,3).
4.07 Nhưng không phải vì bản chất của Nước Thiên Chúa là thiêng liêng mà Hội Thánh nhất thiết phải là vô hình, hoặc chẳng cần đếm xỉa gì đến các thực tại con người trên trần thế này. Trái lại, quyền năng Nước Thiên Chúa đang hoạt động ở trong Hội Thánh là một mãnh lức cách mạng có sức tác động đến mọi lãnh vực sinh hoạt của con người sống trên mặt đất. Những ẩn dụ nói về “thành trì xây trên núi” và về “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14-16), chỉ rõ về một Hội Thánh hữu hình, và có hiện hữu thì chính là để mưu ích cho thế gian.
4.08 Là đầu của Hội Thánh, Đức Kitô cũng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và là trưởng tử của mọi loài thọ tạo; chính nhờ Ngài và cho Ngài mà muôn vật được tạo dựng (Cl 1,15-18). Mầu nhiệm Đức Kitô là mầu nhiệm của ý định và của kế hoạch Thiên Chúa, đã biểu hiện cho chúng ta trong một cách thức hết sức khôn ngoan và sáng suốt (Ep 1,9). Đó là kế hoạch đã được vạch ra cho thời viên mãn, nhằm quy tập muôn vật trên trời dưới đất lại ở trong Ngài (Ep 1,10).
4.09 Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đang thành tựu ở giữa lịch sử của mọi dân tộc trên mặt đất, và đang tiến dần đến thời viên mãn, tức là eskhaton . Đó là điều Phaolô miêu tả một cách tài tình khi nói là: “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19) và “ngày được giải thoát, để không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà là được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Vì thế, chỉ khi nào biết lưu ý đến các chiều kích nhân loại học và vũ trụ học của nó, thì mới có thể thấu hiểu thực thể lịch sử của Hội Thánh, tức là công trình hiện thực hóa mầu nhiệm Đức Kitô, một cách đúng đắn được.