Việc Quản Trị Trong Hội Thánh và Nhận Định Thiêng Liêng (1)

0
671


Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.

Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem,

và phụ trách các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Thánh Địa.

***

***

I. QUẢN TRỊ HÀNH CHÁNH VÀ QUẢN TRỊ HỘI THÁNH

Trong lịch sử, từ sau khi thoát khỏi cuộc bách hại của đế quốc Roma, Giáo Hội vẫn đòi quyền được coi là một xã hội hoàn hảo, nghĩa là một xã hội với đầy đủ mọi yếu tố cấu tạo, do đó ngang hàng với bất cứ xã hội trần thế nào khác, có guồng máy quản trị riêng, luật lệ riêng. Rồi từ chỗ đòi quyền ngang hàng với mọi xã hội trần thế, Giáo Hội còn vươn lên đặt mình trên mọi xã hội trần thế, trở thành người ban phát quyền lực cho mọi bậc quân vương ở châu Âu. Hệ quả của quan niệm này là Giáo Hội trở thành một tổ chức quá giống với xã hội trần thế, đồng thời sự khẳng định tính cách thánh thiêng làm cho mọi cơ cấu tổ chức và luật lệ của Giáo Hội trở thành những cái tuyệt đối không gì lay chuyển được. Việc quản trị trong Giáo Hội thì có vẻ hoàn toàn hành chánh như xã hội trần thế: cứ theo cơ chế, cứ theo luật lệ mà thi hành, còn tính cách thánh thiêng trở thành cái áo giáp bảo vệ cho cơ chế và luật lệ.
 
Thực trạng này đòi chúng ta phải suy nghĩ và tự hỏi: Nếu Giáo Hội có tính thánh thiêng thì cái thánh thiêng ở đâu? Nó có ảnh hưởng gì đến vấn đề quản trị không? Việc quản trị trong Giáo Hội có thể hoàn toàn theo lối quản trị hành chánh không? Những câu hỏi này không chỉ đặt ra với Hội Thánh phổ quát, mà ở mọi cấp cộng đoàn Hội Thánh, trong đó có cộng đoàn giáo phận, giáo xứ và cả cộng đoàn tu sĩ, bởi vì ở cấp độ nào thì cộng đoàn cũng là một cách thể hiện hay tham dự bản chất của Hội Thánh.
 
Để trả lời những câu hỏi trên đây, tôi đề nghị chúng ta hãy trở về nguồn, nhìn lại giai đoạn hình thành của Hội Thánh như sách Công Vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô trình bày để xem tính thánh thiêng ở đâu và nó ảnh hưởng thế nào đến việc quản trị trong Hội Thánh.

II. CỘNG ĐOÀN HỘI THÁNH TỰ Ý THỨC VỀ MÌNH NHƯ THẾ NÀO?

Ngay trong bức thư thứ nhất gởi Hội Thánh Thê-xa-lo-ni-ca, được coi là văn bản sớm nhất của sách Tân Ước, thánh Phaolô Tông Đồ đã dùng một kiểu nói vừa mượn từ Cựu Ước vừa mang tính mới mẻ của Tân Ước để nói về Hội Thánh: (tạm dịch sát bản văn Hy Lạp) Hội (thánh) gồm (của) những người dân Thê-xa-lo-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha và ở trong Chúa Giêsu Kitô.
 
Cần xem xét từng từ một : Hội Thánh (ecclesia), Cựu Ước đã dùng kèm theo Danh Thiên Chúa để nói về cộng đoàn Dân Thiên Chúa, tức là dân It-ra-en, nay là Hội Thánh gồm những người dân Thê-xa-lo-ni-ca. Cái gì làm cho họ là Hội Thánh, dù họ không phải là dân It-ra-en? Ở trong Thiên Chúa Cha và ở trong Chúa Giêsu Kitô.
 
Nếu chúng ta hỏi tiếp : cái gì làm cho họ ở trong Thiên Chúa Cha và ở trong Chúa Giêsu Kitô?
 
Thánh Phaolô trả lời cho chúng ta trong thư gởi tín hữu Ga-lat ch.4 và thư gởi tín hữu Rôma, ch. 8 : Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của Đức Kitô ở trong chúng ta. Chính Thần Khí làm cho chúng ta kêu lên Abba, Cha ơi (Gl 4,4; Rm 8,15) và hướng dẫn chúng ta sống làm con Thiên Chúa. Cũng chính Thần Khí làm cho chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (x.I Cr 12,3).
 
Như vậy chúng ta thấy rõ ý nghĩa và hệ quả của của Phép Rửa “Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chính sự thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi tới mức ở trong Chúa Cha, ở trong Chúa Con và ở trong Chúa Thánh Thần làm cho Cộng đồng tín hữu trở thành Hội Thánh của Thiên Chúa. Chính Thánh Thần là sự hợp nhất giữa Cha và Con làm cho chúng ta đuợc ở trong Thiên Chúa Cha và ở trong Chúa Giêsu Kitô. Chính Thánh Thần làm cho chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha bằng cách gọi thân mật nhất, Abba và dẫn dắt chúng ta sống làm con Thiên Chúa (x.Rm 8,14). Chính vì Thánh Thần nối kết mỗi người đã chịu Phép Rửa nhân danh Ba Ngôi với Chúa Cha và Chúa Con nên cũng chính Thánh Thần nối kết họ với nhau đề làm nên Hội Thánh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc lại một đoạn trong thư gởi tín hữu Ephesô sẽ thấy rõ điều này : Nhờ Người (Đức Kitô) cả đôi bên (Do Thái và Dân ngoại), chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha… Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Ep 3,18.22).
 
Từ những điều trên đây chúng ta đã có thể kết luận rằng Thánh Thần không chỉ hướng dẫn mỗi người sống làm Con Thiên Chúa mà còn hướng dẫn cả cộng đồng tín hữu sống làm Dân Thiên Chúa, Hội Thánh của Thiên Chúa.

III. SÁCH TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ VÀ MÔ HÌNH QUẢN TRỊ HỘI THÁNH SƠ KHAI

Sách Công Vụ cho chúng ta chiêm ngắm cộng đồng Hội Thánh trong bước hình thành và phát triển, từ đó chúng ta có thể nhận ra nhiều điều liên quan tới ý thức của cộng đồng về chính mình và mô hình quản trị hình thành từng bước dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.
 
Từ đầu đến cuối sách Công Vụ chúng ta thấy sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần bao trùm tất cả. Từng bước chân của các Tông Đồ trong sứ mạng đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới đều như được Thánh Thần trực tiếp dẫn đưa. Từng cộng đoàn luôn được Thánh Thần điều khiển, dắt dìu.
 
Tác giả cho chúng ta thấy ngay từ đầu sự khác biệt trong cách điều hành trước và sau khi cộng đoàn nhận được quyền năng Thánh Thần. Trong thời gian chờ đợi, việc chọn người thay thế ông Giu-đa được tiến hành theo cách thức của Cựu Ước là cầu nguyện rồi rút thăm. Sau này không thấy có lần nào sách Công Vụ hay các sách khác trong Tân Ước nói đến việc rút thăm nữa. Từ khi Thánh Thần xuống trên cộng đoàn chúng ta thấy mọi hoạt động, di chuyển đều do Thánh Thần chỉ đạo và tiêu chuẩn chọn người phục vụ cộng đoàn bao giờ cũng phải là người đầy Thánh Thần.
 
Tác động đầu tiên của Thánh Thần là các tông đồ, (những người đã từng bỏ chạy và chối Chúa trong đêm Chúa bị bắt, rồi sau khi Chúa phục sinh, vẫn còn ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái) có thể đứng lên làm chứng về Chúa Giêsu trước đám đông gồm những người thuộc mọi dân mọi nước tuôn về Giêrusalem, cũng như khi (hai tông đồ Phêrô và Gioan) bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng: “bấy giờ ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ…” (Cv 4,8).
 
Sau khi hai ông được tha về và kể lại mọi chuyện cho cộng đoàn, “họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa…” và khi “họ cầu nguyện xong thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,24.31). Như vậy là Thánh Thần mở miệng cho họ nói lời Thiên Chúa và cũng Thánh Thần làm cho lời Thiên Chúa tiếp tục vang lên mà không quyền lực trần gian nào có thể dập tắt được. “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (4,20).
 
Chương 5 của sách Công Vụ bắt đầu cho chúng ta thấy sự hiện diện của Thánh Thần trong việc điều hành cộng đoàn. Khi hai vợ chồng Kha-na-ni-a và Sa-phi-ra âm mưu lừa dối các tông đồ, thánh Phêrô nói với người chồng: “anh lừa dối Thánh Thần”, và nói với bà vợ : “Sao anh chị đồng lòng với nhau để  thử thách Thần Khí Chúa”. Thánh Thần hiện diện trong cộng đoàn Hội Thánh và bảo tồn sự thánh thiêng của cộng đoàn bằng cách loại trừ ngay những kẻ muốn “qua mặt Thánh Thần”. Cũng may là chuyện này chỉ xảy ra một lần và được ghi lại như một lời cảnh cáo, một lời nhắc nhở và mời gọi tôn trọng sự thánh thiêng của cộng đồng Hội Thánh vì là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa (x.Ep 2,20-22).
 
Chương 6 của sách Công Vụ cho chúng ta thấy một cuộc khủng hoảng cơ cấu của cộng đồng Hội Thánh và cách giải quyết. Sự hiện diện của hai nhóm có văn hóa và quyền lợi khác nhau chưa được tôn trọng đúng mức dẫn tới cuộc khủng hoảng. Cách trình bày ở đây giản lược hóa vào chuyện các bà góa của nhóm tín hữu thuộc văn hóa Hy Lạp bị bỏ quên trong việc cấp phát nhu yếu phẩm hàng ngày. Nhưng đọc kỹ phần tiếp theo có thể nhận ra đây là một cuộc khủng hoảng về cơ cấu. Ở các chương 2,4,5 chúng ta thấy nhóm 12 bao thầu hết mọi việc, từ việc công bố Tin Mừng, làm Phép Rửa, dạy dỗ cộng đoàn hàng ngày đến việc quản lý và phân phát lương thực và các nhu cầu vật chất. Chính việc chọn nhóm 7 người phụ tá toàn là những người thuộc văn hóa Hy Lạp hé mở cho chúng ta thấy vấn đề cơ cấu quản trị chưa đáp ứng thành phần cấu tạo của cộng đoàn.
 
Khi vấn đề được đặt ra, chúng ta thấy các tông đồ đưa ra giải đáp rất nhanh, không thấy hội họp bàn bạc chi cả. Nhưng đọc kỹ cách giải đáp, có thể thấy rằng đã có một cuộc nhận định rất chi tiết và sáng suốt.
 
Trước hết là phân định lại xem trong những việc nhóm 12 vẫn bao thầu từ trước tới nay, việc gì có thể giao cho người khác, việc gì là của riêng nhiệm vụ tông đồ, không thể giao cho người khác.
 
Đọc câu đầu tiên trong lời phát biểu của nhóm 12, ta thấy hai loại công việc: rao giảng Lời Chúa và phục vụ bàn ăn. Bây giờ phải chọn một trong hai thì nhóm 12 chọn việc rao giảng Lời Chúa, đó là nhiệm vụ riêng của các ngài. Nếu thế thì việc còn lại là phục vụ bàn ăn có thể giao cho người khác.
 
Vấn đề tiếp theo : ai có thể đảm nhận công việc đó? 3 tiêu chuẩn vắn gọn được đề ra ngay : người được tiếng tốt trong cộng đoàn, đầy Thần Khí và khôn ngoan. Tiêu chuẩn thứ nhất dễ hiểu: muốn phục vụ cộng đoàn thì phải là người được cộng đoàn tín nhiệm. Tiêu chuẩn thứ hai va thứ ba đi với nhau, có vẻ khó hiểu : tại sao phục vụ bàn ăn mà cũng phải là người đầy Thánh Thần và khôn ngoan?
 
Nếu đọc tiếp cho đến chuơng 8, chúng ta có thể đặt vấn đề về chính cái gọi là “lo việc ăn uống”. Có vẻ như “nói vậy mà không phải vậy”, bởi vì ngay sau khi kể việc thiết lập nhóm 7 người thì chẳng thấy nói đến việc các ông này lo việc bếp núc, nhưng lại kể chuyện ông Tê-pha-nô giảng dạy, tranh luận và bị giết, rồi ông Phi-lip đi rao giảng cho dân Samari, thực hiện bước thứ ba trong chương trình Chúa Giêsu đã vạch ra cho hành trình làm chứng : Giêrusalem, Giuđê, Samari.
 
Như vậy tác giả để một khỏang trống cho người đọc tự đìền thêm! Nhưng tại sao tác giả không gỡ cho chúng ta cái khúc mắc này mà vẫn cứ nói công việc của nhóm 7 người là lo việc ăn uống, và tiêu chuẩn là phải đầy Thần Khí và khôn ngoan? Thiết nghĩ chỉ có thể hiểu là việc phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, dù là lo việc ăn uống thì cũng phải “đầy Thần Khí và khôn ngoan”, bởi vì cộng đoàn này do Thánh Thần nối kết và làm cho sống động, phát triển. Chúng ta thấy một hiện tượng tương tự trong sách Xuất Hành : người đứng đầu công việc xây dựng nơi thánh là người đầy Thần Khí của Thiên Chúa, còn người phụ tá và những người thợ được tuyển chọn là những người đầy khôn ngoan (x. Xh 31,1-8 và 35,30tt). Việc xây dựng Hội Thánh là công việc của Thiên Chúa được thực hiện bởi quyền năng Thánh Thần (x. Ep 2,20-22; I Pr 2,4-8).
 
Trở lại phần đầu chương 6, các tông đồ dành cho mình công việc : “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,4). Hai nhóm cùng lo việc xây dựng Hội Thánh: một bên lo phục vụ Lời Chúa và một bên lo phục vụ bàn ăn, bên nào cũng phải đầy Thánh Thần, vì là cộng tác viên của Thiên Chúa (x.I Tx 3,2; Mc 16,20; Cv 14,27).
 
Chúng ta có thể đặt thêm một câu hỏi nữa ở đây: tại sao việc phục vụ Lời Chúa lại gắn với cầu nguyện như một công việc duy nhât gồm hai thì, còn việc phục vụ bàn ăn thì không thấy gắn với cầu nguyện? Ngay ở chuơng 2, câu 42, chúng ta đã thấy các tín hữu cầu nguyện không ngừng, và hiệu quả của cầu nguyện là được Thánh Thần (x. Cv 4,31; Lc 11,13). Vậy thì có lẽ phải đặt vấn đề cách khác: tại sao việc phục vụ Lời Chúa lại gắn với cầu nguyện một cách đặc biệt đến mức làm thành một công việc duy nhất cho nhóm 12 ? Lời Chúa là phương thế đầu tiên để qui tụ và nuôi dưỡng cộng đoàn: nhờ nghe Lời Chúa người ta tin và chịu Phép Rửa để gia nhập cộng đoàn và toàn thể các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy (Cv 2,42). Việc phục vụ Lời Chúa có hai thì: nghe Lời Chúa và giảng Lời Chúa, cũng như việc đón nhận Lời Chúa có hai thì: nghe và giữ Lời Chúa. Người giảng phải nghe Chúa nói trong cầu nguyện, bởi vì Lời Chúa thì phải đến từ Chúa chứ đâu có thể rút từ trong bụng mình ra được.
 
Nhưng còn phải để ý tới một khía cạnh khác trong nhiệm vụ của nhóm 12: các ngài là những người lãnh đạo cộng đoàn thông qua việc giảng dạy Lời Chúa. Công việc của các ngài giống công việc của ông Môsê trong sách Xuất Hành : đứng ra thay mặt dân trước nhan Thiên Chúa: trình các việc lên Chúa, dạy cho dân các thánh chỉ, lề luật, đường lối phải đi và cách xử sự (x.Xh 18,19-20).
 
Khi đối chiếu công việc của các tông đồ với công việc của ông Môsê, chúng ta nhận ra nguyên tắc quản trị của người lãnh đạo Dân Chúa : dân là dân của Chúa, nên người thay mặt Chúa lãnh đạo dân phải đứng trước mặt Chúa thay cho dân, trình mọi việc lên Chúa và truyền đạt cho dân các mệnh lệnh của Chúa, ý muốn của Chúa. Dân là đàn chiên của Chúa và Chúa là mục tử, là Đấng chăn dắt It-ra-en. Môsê cũng như những người lãnh đạo chỉ như con chiên đầu đàn đi theo Chúa để cả đoàn chiên đi theo. Câu chuyện vua Đa-vit ra lệnh kiểm tra dân số cho thấy Chúa khẳng định quyền tuyệt đối của Ngài và vai trò của người lãnh đạo. Trong sách E-dê-khi-ên, chương 34, Thiên Chúa quở trách các mục tử Chúa đã đặt lên coi sóc It-ra-en vì họ chỉ lo ăn mà không lo cho sự sống và an toàn của bầy chiên, họ thống trị cách tàn bạo và hà khắc. Ở phần cuối chương này, ngôn sứ lại ví các mục tử tàn bạo như những con chiên mạnh, vừa ăn vừa đạp nát cỏ, khiến những con chiên yếu phải ăn cỏ giập, vừa uống vừa quậy đục nước khiến các con chiên yếu phải uống nước đục. Vây thì người lãnh đạo trong cộng đồng Dân Chúa cũng là chiên được Chúa dùng làm chiên đầu đàn để những chiên khác đi theo. Trách nhiệm của con chiên đầu đàn là phải đi theo đường của Chúa.
 
Đọc trong Cựu Uớc, chúng ta thấy những lúc bí, vua quan và dân chúng tìm đến các tư tế, các ngôn sứ để thỉnh ý Thiên Chúa. Câu chuyện vua Sa-un, lúc đi tìm con lừa cũng đến tìm ngôn sứ Sa-mu-ên để hỏi, rồi đến cuối đời, khi Sa-mu-ên đã chết còn nhờ bà đồng gọi hồn ông lên để hỏi ý Chúa. Câu chuyện vua A-kháp gọi các ngôn sứ để hỏi xem Chúa có cho đi đánh Ga-la-at hay không (x.I Vua, 22). Tình trạng bi đát lên đến tột cùng khi mà cả ngôn sứ cùng là tư tế, lang thang khắp xứ mà không hiểu biết gì (Gr 14,18).
 
Tất cả những minh họa trên đây giúp chúng ta thấy rõ hơn việc quản trị cộng đồng Dân Chúa không đơn thuần là quản trị theo kiểu hành chánh mà phải dựa vào việc tìm kiếm và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, tức là theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và hướng dẫn Dân Chúa.
 
Trở lại sách Công Vụ, đọc tiếp từ chương thứ 8, chúng ta sẽ thấy mỗi bước tiến quan trọng trong sự phát triển của Hội Thánh hay đúng hơn, của Lời Chúa, đều do Thánh Thần trực tiếp chỉ đạo như thế nào. Ông Philip (thuộc nhóm 7 người) được Thánh Thần thúc đẩy chạy theo xe của ông quan người E-ti-op, rồi sau khi rửa tội cho ông quan lớn này, Thần Khí lại đem ông đi và người ta gặp thấy ông ở At-đốt, và ông đi rao gỉang tại các thành phố ven biển cho tới Xê-da-rê. Tác giả cho chúng ta theo ông Phi-lip ngưng tại đây để chuẩn bị đón thánh Phêrô và theo ngài vào một bước thúc đẩy mới của Thánh Thần.
 
Trước khi kể câu chuyện tiếp theo xảy ra ở Xê-da-rê với thánh Phê-rô, tác giả giới thịêu cho chúng ta một nhân vật sẽ đi tiếp bước khai phá của thánh Phêrô, đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới, đó là ông Saolô, người có mặt và ủng hộ việc giết ông Tê-pha-nô, nay lại được Chúa chọn để đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới.
 
Kế hoạch Chúa Giêsu đích thân đề ra cho các tông đồ là phải làm chứng cho Chúa tại Giêrusalem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới. Nhưng sau khi đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông như chính vị Thượng Tế nhìn nhận (x.Cv 5,28), các ông vẫn chưa ra khỏi Giêrusalem. Chính cuộc bách hại mở đầu với cái chết của ông Tê-pha-nô làm cho mọi người tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri cùng với nhóm 7 người mới được thành lập, đi đến đâu họ loan báo Tin Mừng đến đấy. Thế là Chúa dùng một biến cố bi đát để thực hiện bước tiếp theo. Khi Tin Mừng đã tới Xê-da-rê, thành phố cảng rất thuận lợi cho buớc đi đến tận cùng thế giới, chúng ta lại thấy các tông đồ vẫn dậm chân tại vùng đất quen thuộc và lui tới với đồng bào Do Thái thôi. Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an… Ông Phêrô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt (Cv 9,31-32). Đọc những chương này chúng ta thấy thánh Phêrô và nhóm 12 chưa bao giờ chủ động đi một bước mới.
 
Bước ra khỏi Giêrusalem là do biến cố bách hại thúc đẩy và những người khác thực hiện. Chỉ khi Samari đã lãnh nhận Tin Mừng thì các tông đồ mới cử ông Phêrô và ông Gioan đến xác nhận bằng cách cầu nguyện và đặt tay trên họ để họ nhận được Thánh Thần. Sau khi Hội Thánh đã có mặt và đuợc bình an khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, ông Phêrô đi khắp nơi thăm viếng dân thánh, như để xác nhận là bước thứ nhất và bước thứ hai đã hoàn thành, nhưng không hề có dấu hiệu cho thấy ông có ý định đi xa hơn. Câu chuyện ở Xêdarê cho thấy ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đem Tin Mừng ra ngoài giới đồng bào Do Thái của ông. Nhưng Thánh Thần can thiệp cách quyết liệt bắt ông phải đi đến với người ngoài Do Thái. Thánh Thần đã gởi sẵn người tới đón và phải nói đến lần thứ ba ông mới chịu đi. Một chi tiết cần lưu ý là tại nhà ông Co-nê-li-ô thánh Phêrô giảng, rồi xác nhận rằng không ai có thể ngăn cản việc lấy nước làm phép Rửa cho những người này, bởi vì họ đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta. Thánh Phêrô cũng không tự tay làm phép rửa cho họ mà truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Giêsu.
 
Nhưng sau đó chúng ta lại thấy thánh Phêrô cũng chẳng đi xa hơn. Ngài trở về Giêrusalem đối diện với cộng đòan Hội Thánh tại đây, trả lời cuộc chất vấn: Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và ngồi ăn uống với họ. Người ta không chất vấn về việc làm phép rửa cho dân ngoại mà chất vấn về việc ông Phêrô vào nhà những kẻ không cắt bì và ngồi ăn uống với họ. Như vậy điều khúc mắc đối với cộng đoàn là làm sao người Do Thái có thể ở cùng nhà, ngồi cùng mâm với những kẻ không cắt bì, dù họ có chịu cùng một phép rửa chăng nữa. Ở chương 6, mới chỉ có hai thành phần Do Thái bản địa và Do Thái thuộc văn hóa Hy Lạp cùng ngồi ăn một mâm mà đã có chuyện không ổn, đến đây lại có cả những kẻ không cắt bì vào ngồi cùng mâm cùng bàn thì sẽ ra sao? Đó là vấn đề gai góc nan giải nhất vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Trong bản văn, thánh Phêrô trả lời bằng cách kể lại câu chuyện đã xảy ra, nhấn mạnh hơn vai trò của Thánh Thần bằng cách rút ngắn thời gian rao giảng của ông : tôi vừa mở miệng nói thì Thánh Thần đã ập xuống trên họ như đã xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Nghe thánh Phêrô biện minh rồi thì cả cộng đoàn ngộ ra một điều mới mẻ: Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống (Cv 11,18). Tuy nhiên nỗi khúc mắc của cộng đoàn Giêrusalem chưa phải đã được giải quyết xong. Chúng ta sẽ gặp lại vấn đề này ở chương 15 sau khi những kẻ không cắt bì gia nhập “đại trà”, nhờ sứ vụ của hai tông đồ Phaolô và Ba-na-ba.
 
Những chương tiếp theo lại cho thấy việc rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Do Thái vẫn do những người “di tản” thực hiện và gầy dựng cả một cộng đoàn ở An-ti-o-khi-a. Lần này thì không thấy các tông đồ được cử đến như ở Sa-ma-ri nữa. Chỉ có ông Ba-na-ba, người có tài an ủi được cử đi thăm viếng mà không cần trở về Giêrusalem tường trình.
 
Sau khi dân Sa-ma-ri chịu phép rửa thì vẫn chưa nhận được Thánh Thần (hiểu theo nghĩa sự biểu lộ quyền năng Thánh Thần giống như các môn đệ đã lãnh nhận ngày lễ Ngũ Tuần), phải chờ Giêrusalem cử hai tông đồ Phêrô và Gioan xuống cầu nguyện và đặt tay họ mới nhận được. Tại gia đình Co-ne-li-ô, ông Phêrô vừa mở miệng giảng thì Thánh Thần đã ập xuống trên họ như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Còn cộng đoàn An-ti-ô-khi-a, chưa thấy mặt vị nào trong nhóm 12 hay nhóm 7 có mặt, người đem Tin Mừng cho họ lại là mấy người gốc Síp và Ky-rê-nê, thế mà khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa. Ông là người tốt, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa (Cv 11,23-24).
 
Những chi tiết trên đây khiến chúng ta phải thắc mắc : tại sao Sa-ma-ri được một vị trong nhóm 7 rao giảng và làm phép rửa mà vẫn chưa nhận được Thánh Thần, phải chờ hai vị trong nhóm 12 tới cầu nguyện và đặt tay mới nhận được? Trong khi các cộng đoàn khác ở xứ Giuđê không thấy cần Tông đồ nào tới đặt tay. Thánh Phê-rô có đi xuống Lốt và Xê-da-rê là để thăm viếng thôi. An-ti-ô-khi-a là cộng đoàn gồm những người Hy-Lạp cũng không thấy phải chờ Tông Đồ nào tới đặt tay. Muốn hiểu điều này chúng ta phải trở lại các sách ngôn sứ. Sự chia rẽ giữa It-ra-en (Sa-ma-ri) và Giu-đa (Giêrusalem) vẫn là một vết nhơ trong lịch sử Dân Thiên Chúa, nên khi loan báo ơn cứu độ, các ngôn sứ thường loan báo sự hiệp nhất. Đặc biệt ngôn sứ E-dê-khi-ên, chương 37,15-28. Khi toàn thể It-ra-en hiệp nhất trong giao ước mới của Thiên Chúa, bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hoá It-ra-en. Sách Cv cho thấy lời ngôn sứ ứng nghịệm khi Giêrusalem và Sa-ma-ri hiệp nhất không phải trên bình diện chính trị, mà trong giao ước mới bằng việc đón nhận cùng một Thánh Thần, trước khi dân ngoại được nghe rao giảng Tin Mừng. Sự hiệp nhất giữa Giêrusalem và Sa-ma-ri là dấu hiệu, là bằng chứng để dân ngoại nhận biết Thiên Chúa. Như vậy chủ đề sự hiệp nhất của Dân Chúa như là bằng chứng để dân ngoại nhận biết Thiên Chúa mà Ga 17 khai triển thì sách  Cv đã vận dụng ở đây rồi. Đó là lý do tại sao sách Cv phân biệt giữa cách thức Sa-ma-ri và các cộng đoàn khác nhận được Thánh Thần.
 
Trở lại câu chuyện cộng đoàn An-ti-ô-khi-a và ông Ba-na-ba. Ông Ba-na-ba là người tốt, đầy lòng tin và Thánh Thần. Đó chính là lý do tại sao ông nhận ra ơn Thiên Chúa nơi cộng đoàn An-ti-ô-khi-a. Đó cũng là lý do khiến ông lập tức trở thành người lãnh đạo cộng đoàn, và sự hiện diện của ông kéo thêm được một đám rất đông theo Chúa (Cv 11,24). Ông lấy sáng kiến đi tìm ông Saulô về An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người (11,26). Đó là cách Thánh Thần chuẩn bị để An-ti-ô-khi-a trở thành bàn đạp cho việc đưa Tin Mừng đến tận cùng thế giới, và hai ông Ba-na-ba và Saulô trở thành hai người đuợc Thánh Thần đích thân sai đi đem Tin Mừng cho dân ngoại. Sách Công Vụ cho chúng ta cảm tưởng là cộng đoàn An-ti-ô-khi-a được Thánh Thần trực tiếp lãnh đạo thông qua các ngôn sứ và thày dạy (Cv 13,1-3).
 
Đến đây chúng ta hãy trở lại một sự việc ở đầu chương 8: hồi ấy Hội Thánh tại Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các tông đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Có cái gì như “ngược đời” ở đây : từ đầu tới giờ các tông đồ là đối tượng chính của các vụ bắt bớ, nay thì mọi người phải tản mác về các vùng quê còn các tông đồ ở lại Giêrusalem. Dường như tác giả dàn dựng để làm nổi bật vai trò của các Tông Đồ trong giai đoạn Hội Thánh phát triển ra ngoài Giêrusalem như chúng ta vừa lược qua. ĐHY C.M.Martini coi giai đoạn từ chương 6 đến chương 15 trong sách Cv là giai đoạn Hội Thánh chuyển mình để có thể đem Tin Mừng đến tận cùng mặt đất. Việc thiết lập nhóm 7 là bước chuyển mình về cơ cấu, cuộc bách hại sau cái chết của ông Tê-pha-nô là cơ hội giúp Tin Mừng ra khỏi một Giêrusalem đã “đầy giáo lý của các tông đồ” : những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa (Cv 8,4). Tác giả không quan tâm giải thích cho chúng ta tại sao cuộc bách hại dữ dội nổ ra mà các tông đồ ở lại Giêrusalem trong khi mọi người đều phải tản mác, nhưng suốt những chương tiếp theo tác giả cho thấy các tông đồ sẽ đóng vai trò “phê chuẩn” từng buớc của sự phát triển, bảo đảm tính thống nhất và duy nhất của Tin Mừng: dù được loan báo tại Giêrusalem, Sa-ma-ri, An-ti-o-khi-a hay Rôma thì cũng là một Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Đồ loan báo, cũng vì thế mà sau này mỗi chuyến đi truyền giáo của thánh Phaolô đều kết thúc tại Giêrusalem và lại bắt đầu từ Giêrusalem. Chuyến đi cuối cùng của thánh Phaolô cũng bắt đầu từ Giêrusalem trong tư thế một người tù.
 
Chúng ta hãy điểm lại những chặng chính. Cv 8,14: các tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón Lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Việc họ nhận được ThánhThần do lời cầu nguyện và cử chỉ đặt tay của hai tông đồ như một dấu ấn xác nhận quả thật Lời Chúa đã đến với Sa-ma-ri đúng như Chúa Giêsu đã chỉ thị, dù không phải do các tông đồ đích thân loan báo. Sự việc này cũng xác nhận rằng việc Phục Vụ Lời Chúa không phải là “độc quyền” của nhóm 12 nữa.
 
Cv 10,44-48: Ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa… Bấy giờ ông Phêrô nói rằng: Những người này đã nhận được ThánhThần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?  Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày. Tại Giêrusalem trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phêrô đã giải thích việc Thánh Thần ngự xuống trên các ông như là bằng chứng về việc Đức Giêsu đã được tôn vinh, được đặt làm Chúa. Tại nhà ông Co-ne-li-ô, ông giải thích việc Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người dân ngoại đang nghe lời Thiên Chúa như là bằng chứng Thiên Chúa chấp nhận họ cũng như đã chấp nhận người Do Thái. Ông không tự tay làm phép rửa mà truyền làm phép rửa cho họ. Ông Phêrô nhận định và giải thích tác động của Thánh Thần, rút ra kết luận. Việc ông Phêrô truyền làm phép rửa cho những người ngoại đầu tiên đón nhận Lời Thiên Chúa được nêu lên ở đây có giá trị xác nhận việc rao giảng Lời Chúa và làm phép rửa cho dân ngoại, đón nhận họ vào Hội Thánh. Sau này tại Công Nghị Giêrusalem (Cv 15), thánh Phêrô sẽ nhắc lại kinh nghiệm này và tự coi là người được chọn từ đầu để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi mà tin theo.
 
Ở chương 11, thánh Phêrô bị cộng đoàn Giêrusalem chất vấn, không phải về việc làm phép rửa cho người ngoại, nhưng về việc “vào nhà kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ”, ngài bình tĩnh kể lại đầu đuôi sự việc và giúp cho cả cộng đoàn đi vào tiến trình nhận định với ngài, kết quả là mọi người đều nhận ra tác động của Thánh Thần, cùng “à” lên một tiếng thoải mái.
 
Đến đây kinh nghiệm nhận định của thánh Phêrô và cộng đoàn Giêrusalem đã đủ để Hội Thánh Giêrusalem có thể chấp nhận cộng đoàn gốc dân ngoại An-ti-o-khi-a. Vì thế họ không cần phải cử các tông đồ đến đó, nhưng cử ông Ba-na-ba, người có tài an ủi, người truớc đây đã làm môi giới cho các môn đệ ở Giêrusalem chấp nhận ông Sau-lô (x.Cv 9,26-30). Sứ mạng của ông Ba-na-ba không phải là đi kiểm tra, bởi vì ông không trở về báo cáo cho Giêrusalem, mà trẩy đi Tac-xô tìm ông Sau-lô, mời về An-ti-o-khi-a để cùng nhau phục vụ cộng đoàn. Vậy thì ta có thể hiểu sứ mạng của ông Ba-na-ba đúng như cái tên các tông đồ đã đặt cho ông, là an ủi, khích lệ, củng cố cộng đoàn non trẻ này. Ông cũng khởi đi từ một sự nhận định: thấy ơn thiên Chúa như vậy…
 
Đến đây ta có thể nhận ra cung cách lãnh đạo của các tông đồ đã thay đổi như thế nào từ chưong thứ 6 trong sách Công vụ. Bước đầu là chia sẻ công việc cho nhóm 7 để có thể phục vụ tốt hơn, bước tiếp theo là nhận định và xác nhận tác động của Thánh Thần, giúp cộng đoàn nhận định và vâng phục Thánh Thần: mọi người đã đón nhận Tin Mừng đều có thể rao giảng Tin Mừng và mọi người đều có quyền được nghe loan báo Tin Mừng. Chúng ta có thể rút ra một hệ luận rất quan trọng liên quan tới vai trò của giáo dân trong Hội Thánh: sáng kiến của những người tín hữu phải tản mác khỏi Giêrusalem, đi tới đâu loan báo Lời Chúa đến đó, không những ở miền quê xứ Giuđê và Sa-ma-ri (x.Cv 8,1.4) mà cả Phê-ni-xi, đảo Síp và An-tio-khi-a, không những cho người Do Thái và cả người Hy-Lạp nữa (x.Cv 11,19-20), và họ thu được kết quả: vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa (Cv 11,21). Chúa xác nhận rằng việc họ làm là do Chúa thúc đẩy, các tông đồ hoặc người được cử đi như ông Ba-na-ba “thấy ơn Thiên Chúa… thì mừng rỡ” (Cv 11,23). Vậy thì trong Hội Thánh sáng kiến không chỉ đến từ người lãnh đạo mà cả từ phía gíao dân nữa. Thánh Thần tác động nơi mọi thành phần của Hội Thánh, nhưng người lãnh đạo phải nhận định xem có đúng là “bàn tay của Chúa” không.

IV. MỘT MÔ HÌNH NHẬN ĐỊNH CỘNG ĐOÀN

Công Nghị Giêrusalem sẽ là cơ hội cho chúng ta chứng kiến một cuộc nhận định mang tính cộng đoàn làm mô hình cho mọi cuộc nhận định cộng đoàn.
 
Đọc Cv 11 chúng ta có cảm tưởng vấn đề “đồng bàn” giữa tín hữu gốc Do Thái và gốc dân ngoại đã được giải quyết thỏa đáng và mọi người ở Giêrusalem đồng ý sau cuộc chất vấn thánh Phêrô, nhưng sau khi hai ông Phaolô và Ba-na-ba thực hiện cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ nhất, vấn đề lại trở nên sôi động ngay tại Antiokhia. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Ga-lát còn cho thấy ngay cả sau Công nghị Giêrusalem nó vẫn còn dai dẳng, lan cả tới vùng Ga-lát, và thậm chí bản thân thánh Phêrô cũng không còn tự tin như lúc bị chất vấn ở Giêrusalem (x.Gl 2,11-14). Một số người bảo thủ ở Giêrusalem vẫn cho rằng chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu chưa đủ để có thể “đồng bàn” với tín hữu gốc Do Thái, chưa đủ để được cứu độ, được làm Dân Thiên Chúa.
 
Những người bảo thủ từ Giêrusalem xuống Antiokhia gieo hoang mang. Phản ứng tức thời là tranh luận. Nhưng tranh luận cũng không giải quyết được gì hơn, vì những người gây hoang mang không phải là thành phần lãnh đạo và không được lãnh đạo cử đi, như bức thư của Công Nghị thông báo quyết định nêu rõ (Cv 15,24). Thái độ của những ngừơi gây rối này ngược hẳn với thái độ của ông Ba-na-ba, họ hành động theo sáng kiến riêng, họ không nhận ra ơn Chúa mà chỉ tìm cách áp đặt ý kiến của họ, vì thế không thể đối thoại với họ. Diễn biến của vụ việc đưa cộng đoàn Antiokhia tới quyết định (như vậy phải giả thiết là cộng đoàn này cũng đã qua một cuộc nhận định, tuy bản văn không nói trực tiếp) cử phái đoàn chính thức lên Giêrusalem “gặp các tông đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề đang tranh luận này”.
 
Trên đường từ Antiokhia lên Giêrusalem, phái đoàn đã có dịp kể cho các cộng đoàn ở Phê-ni-xi và Sa-ma-ri về “việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng”. Thêm một sự tương phản nữa. Những ai biết đón nhận ơn Thiên Chúa thì đều rất đỗi vui mừng. Còn những người theo ý riêng mình, không nhận ra ơn Thiên Chúa thì chỉ gây hoang mang. Phê-ni-xi và Sa-ma-ri đã được rao giảng Tin Mừng cùng thời với Antiokhia. Những người chống đối đều xuất phát từ Giêrusalem và không được các cộng đoàn khác chấp nhận. Còn giới lãnh đạo tại Giêrusalem thì sao?
 
Dấu hiệu tốt đẹp đầu tiên là: tới Giêrusalem, các ông được Hội thánh, các Tông đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông. Nhưng phe chống đối đã có mặt và lên tiếng tuyên bố lập trường. Thế là khỏi cần chờ đoàn đại biểu Antiokhia khiếu nại, các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau đề xem xét việc này.
 
Diễn biến cuộc họp này như thế nào?
 
Mở đầu vẫn là một cuộc tranh luận không có kết luận.
 
Phải đổi phương pháp làm việc. Thánh Phêrô là người khởi xướng. Thay vì tranh luận, hãy nghe và nhìn xem Thiên Chúa đã hành động như thế nào.
 
Thánh Phêrô đứng lên kể lại kinh nghiệm bản thân của mình như là người đầu tiên được chọn để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và đưa ra những kết luận:
 
1) Thiên Chúa đã chấp nhận dân ngoại cũng như người Do Thái, bằng chứng là Người đã ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta.
 
2) Thiên Chúa không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ (hiểu ngậm là cũng như chúng ta!) Sau này thánh Phaolô sẽ đẩy đến cùng hệ luận này : người ta được cứu độ là nhờ đức tin chứ không phải nhờ thi hành những việc Luật Môsê truyền.
 
3) Vậy thì đừng thử thách Thiên Chúa mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi.
 
4) Cuối cùng là một nguyên tắc tuyệt đối: Chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cũng một cách như họ.
 
Vậy thì người Do Thái cũng như người ngoại đều bình đẳng khi đón nhận ơn cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu và ân sủng Ngài đem tới. Sau này thánh Phaolô sẽ giải quyết khúc mắc : vậy thì có luật Môsê để làm gì (x. Gl,3).
 
Hiệu quả trước tiên và tức khắc của lời phát biểu của thánh Phêrô là kéo được toàn thể hội nghị vào thái độ lắng nghe, tạo điều kiện cho hai ông Ba-na-ba và Phaolô có thể đứng lên kể lại “các dấu lạ điềm thiêng TC đã dùng hai ông mà làm giữa các dân ngoại”. Nên chú ý tới kiểu nói “dấu lạ điềm thiêng”, là kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước để nói về ơn Chúa giải thoát It-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-Cập.
 
Đến lượt ông Giacôbê (người có uy tín nhất ở cộng đoàn Giêrusalem,  những người gây rối vẫn núp dưới tên ông) đứng lên tổng hợp những gì đã nhận ra sau khi nghe ông Phêrô, hai ông Phaolô và Ba-na-ba. Ông mở rộng tầm nhìn cho hội nghị: nhìn vào kế hoạch của Thiên Chúa. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. Ông Giacôbê viện dẫn lời ngôn sứ A-môt để chứng minh đó là kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo tự ngàn xưa. Ông Phêrô, ông Phaolô hay ông Ba-na-ba có được sai đi rao giảng cho dân ngoại, thì chỉ là để thực hiện kế hoạch ấy của Thiên Chúa. Vậy thì lãnh đạo của Hội Thánh phải làm gì? Không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với ThiênChúa, nói cách khác: đừng cản trở kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng phải chú ý tới những người gốc Do Thái, đừng gây “sốc” cho họ, bởi vì “từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Môsê đều có những người rao giảng: họ đọc lời của ông trong các hội đừơng mỗi ngày sa-bát”.
 
Thế là đã rõ, phải tìm một sự tương nhượng để Do Thái và dân ngoại có thể sống chung với nhau trong một Hội Thánh duy nhất. Đừng gây phiền hà cho người gốc dân ngoại bằng cách quàng vào cổ họ cái ách của luật Môsê mà chính người Do Thái không mang nổi, nhưng người gốc dân ngoại  cũng phải tránh làm những chuyện “chọc vào mắt” người Do Thái như ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng, ăn tiết canh, cháo huyết…
 
Bản văn không nói tới một cuộc biểu quyết nào. Mọi người như đã nhất trí, Công Nghị chuyển ngay sang việc cử một phái đoàn chính thức đi An-ti-o-khi-a để công bố quyết định của Công Nghị với văn bản rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Đó cũng là cách chấm dứt mọi tranh luận,  đồng thời chận bước và bịt miệng những kẻ gây rối.
 
Chúng ta hãy để ý đến lời công bố “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”. Công Nghị ý thức rõ ràng mình đã làm việc theo sự dẫn dắt của Thánh Thần và quyết đinh này vừa là của Thánh Thần vừa là của Công Nghị. Khi thánh Phêrô và các Tông Đồ đứng trước tòa, thánh Phêrô tuyên bố: về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người. Vậy thì việc làm chứng cho Chúa Giêsu cũng như vịêc quản trị cộng đoàn đều phải làm cùng với Thánh Thần và theo Thánh Thần.
 
Đọc lại trình thuật về Công Nghị Giêrusalem, chúng ta thấy rõ vai trò và cách thức nhận định cộng đoàn. Tranh luận không giải quyết được vấn đề, bởi vì mỗi người vẫn bênh vực quan điểm của mình. Chỉ khi cùng nhau tìm hiểu, chiêm ngưỡng kế hoạch của Thiên Chúa và tuân theo kế hoạch ấy người ta mới có thể đồng tâm nhất trí. Kết quả của tranh luận bao giờ cũng có kẻ thắng người thua nên khó đi tới sự đồng tâm nhất trí. Phải làm theo “phe thắng”, nhưng vẫn cứ muốn tìm người ủng hộ quan điểm của mình, mong cho công việc thất bại để chứng tỏ mình có lý : “tôi đã bảo mà!”, “thấy chưa?”. Và trong tâm trạng đó thì khó mà tích cực cộng tác để thực hiện những điều đã quyết định, nếu không phải là đi tới mức bất hợp tác, thậm chí “ phá thối”. Chỉ khi vâng phục Thánh Thần người ta mới có thể hết mình thực hiện điều đã quyết định.