Ðức Maria: Một Tấm Gương Cho Giáo Hội Trong Nhập Thể

0
1158


ĐỨC MARIA: TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI

(MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA)

Tác giả: Raniro Cantalamessa

Chuyển ngữ: Nhóm linh mục DaLat

***

***

DẪN NHẬP

ÐỨC MARIA: MỘT BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY CỦA THIÊN CHÚA

 

Thánh Phaolô để lại cho Giáo Hội biết bao nhiêu thư quý giá, nhưng đã cho chúng ta biết về sự hiện diện của một bức thư hoàn toàn khác: Một bức thư “không viết bằng mực nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên những bia đá, mà là trên bia lòng bia thịt”. Bức thư này “mọi người hết thảy đều nhận ra và đọc được”, đó chính là cộng đoàn Corintho, là Giáo Hội, đã đón nhận Lời Chúa và sống bằng Lời đó (x. 2Cr 3, 2-3).

Hiểu theo nghĩa này, thì Ðức Maria cũng là một bức thư của Thiên Chúa, vì Người là thành phần của Giáo Hội. Không những thế, Người là bức thư của Thiên Chúa theo một nghĩa hết sức đặc biệt và độc nhất, vì Người không chỉ đơn thuần là một chi thể như các chi thể khác, mà còn là chính hình bóng của Giáo Hội, là Giáo Hội trong tình trạng mới khai sinh. Ðức Maria quả thực là bức thư viết không phải bằng mực nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên bia đá như luật cũ, cũng không phải trên giấy da hay chỉ thảo, mà là trên tấm thân, là trong trái tim đầy lòng tin, trái tim của một người mẹ. Một bức thư mà hết thảy mọi người, hàng thông thái cũng như kẻ vô học, đều có thể đọc được, hiểu được. Truyền thống đã tiếp nhận ý tưởng đó khi nói về Ðức Maria như là “một bản sáp” (Giáo phụ Origène), “Một cuốn sách vĩ đại” và soạn giả duy nhất là Chúa Thánh Thần (Thánh Epiphane), hay như “cuộn giấy, trên đó Chúa Cha viết Lời của Người” (Phụng vụ Byzantine).

Chúng tôi muốn đọc bức thư này của Thiên Chúa với một mục đích thiết thực và “xây dựng”, nhằm vạch ra một con đường thánh hóa hoàn toàn dựa vào Mẹ Thiên Chúa như là mẫu mực. Vì thế, đây không phải là một khảo luận vể Thánh Mẫu học, cũng không phải là những bài nói chuyện về Ðức Maria, nhưng là một con đường lắng nghe và vâng phục Lời Chúa theo gương Mẹ Thiên Chúa. Quả thực, chúng tôi nghĩ rằng: Ðức Maria có thể nói với mọi người chúng ta điều mà thánh Tông Ðồ đã nói với các tín hữu Corintho: “Anh em hãy theo gương tôi, như tôi đối với Ðức Kitô” (1Cr 11,1).

Trong Tân Ước, Ðức Maria không được nói đến thường xuyên, nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Người đều hiện diện trong ba thời điểm chính yếu, cấu thành Mầu nhiệm Kitô giáo: Nhập Thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Nhập Thể, lúc chính con người Ðấng Cứu Thế là Thiên Chúa và là người được cấu thành; Mầu Nhiệm Vượt Qua, lúc Ðấng Cứu Thế hoàn thành công trình cứu chuộc chúng ta qua việc tiêu diệt tội lỗi và canh tân sự sống; và lễ Ngũ Tuần, lúc Thánh Thần, Ðấng làm cho Ơn Cứu Ðộ luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội được ban xuống. Ðức Maria đã hiện diện trong cả ba thời điểm đó. Người đã hiện diện trong Nhập Thể, bởi lẽ Nhập Thể được thực hiện nơi Người. Nói như các Giáo Phụ, cung lòng của Người là “máy dệt”, là “xưởng thợ” nơi Chúa Thánh Thần dệt cho ngôi Lời tấm hình hài nhân loại, là “giường cưới” nơi Thiên Chúa kết hiệp với con người. Người đã hiện diện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, vì như đã viết: “Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài” (x. Ga 19,25). Người đã hiện diện trong lễ Ngũ Tuần, vì như lời Kinh Thánh, các Tông Ðồ “hết thảy đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với Maria, Mẹ Ðức Giêsu” (x. Cv 1,14). Bước theo Ðức Maria trong mỗi giai đoạn căn yếu này, chúng ta sẽ tìm được sự trợ giúp trên con đường dấn bước theo Ðức Giêsu, một sự trợ giúp cụ thể và mang tính quyết định, giúp chúng ta sống lại tất cả mầu nhiệm của Ngài.

Trên con đường bước theo Ðức Maria, chúng ta tất phải đụng chạm đến các vấn đề liên quan đến Ðức Maria trên bình diện thần học và chú giải. Vì thế, tôi thiết nghĩ cần phải giải thích ngay từ đầu đâu là những tiêu chuẩn mà chúng tôi sẽ dùng để khai triển. Các đường hướng chính là những đường hướng Công Ðồng Vatican II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đã vạch ra trong chương nói về Ðức Maria. Trong bản văn này, Ðức Maria được đề cập đến với hai khía cạnh căn bản: khía cạnh là Mẹ và khía cạnh là hình bóng: Maria, Mẹ Ðức Kitô và hình bóng của Giáo Hội. Viễn tượng trong đó Ðức Maria được đặt trong suy tư về Giáo Hội, sẽ được sát nhập vào một viễn tượng khác, trong đó chúng ta sẽ cố gắng đọc cuộc đời Ðức Maria dưới ánh sáng của những điều Công Ðồng nói về Lời Chúa trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, Maria trước hết là một chương của Lời Chúa. Người được nói đến trong các sách qui điển Tân Ước. Vị trí chính yếu của Ðức Maria là Mạc Khải, nghĩa là Kinh Thánh. Về Mạc Khải, Công Ðồng vạch rõ một nguyên tắc mà nhiều người đã biết: Mạc Khải “được thực hiện bằng các lời nói và hành động”.[1] Như lời thánh Grégorio Cả: “Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta lúc thì bằng lời nói, lúc thì bằng hành động” vì lẽ, thánh Augustin giải thích: “Cả những việc làm cũng là những lời nói”.[2]

Suy tư về Ðức Maria trong vị thế chính yếu trong “Sitz im Leben”, là Kinh Thánh và mọi đào sâu đều khởi đi từ Kinh Thánh, dưới ánh sáng của Truyền Thống, đó là điều đặc biệt quan trọng. Quả đã đến lúc phải làm sao cho Ðức Maria không còn là một đề tài tranh cãi hay một cớ chia rẽ giữa các Kitô giáo nữa. Nhưng là một cơ hội đưa đến hiệp nhất và huynh đệ. Ðối với chúng ta, Ðức Maria xuất hiện như dấu chỉ của một Giáo Hội còn nguyên vẹn chưa bị chia cắt, ngay cả phân chia thành Giáo Hội của người Do Thái và Giáo Hội của dân ngoại. Ðó lại không phải là một trong những lời kêu gọi hiệp nhất mạnh mẽ nhất hay sao? Viễn tượng đại kết mà chúng tôi mong muốn theo đuổi trong những trang sách này sẽ có được chỗ dựa vững chãi, nếu chúng ta nhìn ngắm Ðức Maria khởi từ Kinh Thánh hơn là từ những nguyên lý hình thức, những luận đề thần học hay từ chính các tín điều. Các tín điều được đưa ra là để giải thích Kinh Thánh chứ không phải ngược lại, vai trò của chúng là minh giải chứ không phải là nền tảng. Khi coi tín điều là nền tảng còn Kinh Thánh đóng vai trò minh giải, thì người ta đưa khẳng định tín lý ra ngay từ đầu rồi sau đó tìm cách chứng minh bằng các bản văn trích từ Thánh Kinh, và những bản văn này thường là bị cắt tách rời khỏi văn mạch và bị đặt vào vị thế phụ thôi. Người ta dùng những bản văn đó làm chứng cứ “theo Kinh Thánh”. Còn khi Kinh Thánh là nền tảng thì ta khởi đi từ Lời Chúa, và để giải thích ý nghĩa của Lời Chúa, ta đi đến với tín điều, xét như là lời giải thích chính thực mà Giáo Hội đã đưa ra. Chúng ta sẽ đi theo con đường mà chính chân lý đã đi để đến với chúng ta chứ không đi theo con đường ngược lại.

Một trong những ngờ vực không phải là hoàn toàn vô lý khiến anh em Tin Lành xa cách Ðức Maria, đó là khi Giáo Hội nói về Người. Tôn dương vai trò của Người thực ra là Giáo Hội nói về chính mình, tôn dương chính mình. Khi chúng ta đọc cuộc đời Ðức Maria dưới ánh sáng Lời Chúa, thì mọi ngờ vực đó không còn lý do để tồn tại nữa: không phải Giáo Hội nói về chính mình mà là Thiên Chúa nói với Giáo Hội. Ðó là xác tín của chúng tôi khi đề cập đến hành trình hoán cải và thánh hóa theo chân Ðức Maria: qua Ðức Maria, chính Thiên Chúa nói với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Người là một Lời của Thiên Chúa, một Lời thật sự đầy đủ ý nghĩa. Người ta có thể và chỉ có thể nói về Ðức Maria mà thôi, rằng Người đã “mang lại Lời”, theo nghĩa cụ thể chứ không phải chỉ theo nghĩa bóng. Người còn là một Lời tràn đầy của Thiên Chúa theo nghĩa, các lời và các bản văn nói cho chúng ta về Ðức Maria trong các Tin Mừng là những lời, những bản văn mang đầy âm hưởng và súc tích đến lạ lùng. Ta có thể áp dụng cho Ðức Maria, theo nghĩa loại suy, phạm trù “Lời hữu hình” (Verbum visibile) mà thánh Augustin đã dùng cho dấu chỉ Bí Tích: một Lời Nhập Thể. Chính vì thế, như chúng ta sẽ thấy, cung cách sống của Người rất thiết thực và rất gần gũi với đời sống chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng cho Ðức Maria điều đã viết về Lời Thiên Chúa nói chung: “Nó không ở mãi trên trời để ngươi phải nói “Ai sẽ thay ta lên trời lấy xuống cho ta”. Nó cũng không ở mãi bên kia biển, vì Lời ở rất gần ngươi” (x. Tl 30,12-14).[3]

Tiêu chuẩn nhằm soi sáng con người và vị trí của Ðức Maria trong lịch sử cứu độ là tiêu chuẩn mà tôi gọi là “loại suy từ dưới” (l’analogie par le bas). Tiêu chuẩn này có mục đích tìm cách xác định vị trí của Ðức Maria, không phải khởi từ trên, từ các ngôi vị trong Ba Ngôi hay từ Ðức Kitô, để rồi sau đó áp dụng tất cả cho Ðức Maria theo nghĩa “giảm trừ” (re1duction). Mà ngược lại, khởi đi từ dưới, từ các biến cố, các khuôn mặt trong lịch sử cứu độ và các thực tại thuộc về Giáo Hội, để rồi sau đó áp dụng tất cả cho Ðức Maria theo nghĩa “mạnh nhất” (à plus forte raison). Nguyên tắc này sẽ sáng tỏ hơn khi chúng ta vận dụng nó cách cụ thể trong hành trình suy tư của chúng ta.

Ðể đi từ những suy nghĩ về Ðức Maria sang những suy nghĩ về Giáo Hội, ý tưởng theo đó Ðức Maria là “hình bóng của Giáo Hội” sẽ được dùng như điểm bản lề. Ý tưởng này vốn đã được các giáo Phụ sử dụng và được Công Ðồng Vatican II lấy lại, bao hàm và diễn tả hai khía cạnh, một khía cạnh đặt Ðức Maria “phía sau” chúng ta, như là khởi đầu và là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội và đồng thời, một khía cạnh khác đặt Ðức Maria “phía trước” chúng ta, như là khuôn mẫu và là mẫu gương hoàn hảo để noi theo. Phạm trù này không xa lạ gì với anh em Tin Lành, chính vì thế mà nó có một giá trị đại kết đáng kể. Khi chú giải đoạn Lc 2, 19 (“Maria giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”) trong bài giảng về lễ Giáng Sinh năm 1522, Luther viết: “Maria, đó là Giáo Hội Kitô. Giáo Hội Kitô giữ kỹ mọi Lời của Thiên Chúa trong lòng mình, nối kết các Lời đó lại với nhau, nghĩa là so sánh chúng với nhau và với Kinh Thánh”.[4] Như thế, theo Luther, Maria, kẻ giữ kỹ các lời của Thiên Chúa, là hình bóng của Giáo Hội.

Tôi thích dùng từ “tấm gương” hơn là từ “hình bóng” trong nhan đề cũng như ở những chỗ khác, bởi lẽ mọi người dễ hiểu hơn và đỡ bị gò bó vào thứ ngôn ngữ chuyên môn của khoa chú giải Kinh Thánh. Ðàng khác, từ ngữ này có nhiều gợi ý phong phú hơn và giúp cho ta như cảm được ý tưởng muốn diễn tả. Tuy nhiên ý nghĩa thì vẫn y như vậy. Ðức Maria là tấm gương cho Giáo Hội theo hai nghĩa: trước tiên, vì Người phản chiếu ánh sáng mặt trời; và tiếp đến, vì chính nơi Người mà Giáo Hội có thể và cần phải “soi mình”, nghĩa là ngắm bóng mình và tự so sánh để làm cho mình nên đẹp đẽ trước mắt Vị Hôn Phu Thiên Quốc. Như thế về khía cạnh này, điều chúng ta làm thực ra chỉ là áp dụng cho Ðức Maria, theo một nghĩa đặc biệt hơn, những gì mà Kinh Thánh nói cách tổng quát về Lời Chúa: Lời là một “tấm gương” (x. Gc 1,23).

Một cách cụ thể, tuyên bố Ðức Maria là hình bóng hay tấm gương của Giáo Hội là muốn nói rằng, sau khi suy nghĩ về một lời nói, một thái độ hay một biến cố trong cuộc đời Ðức Maria, chúng ta sẽ tự hỏi: Ðiều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Giáo Hội và đối với mỗi người chúng ta? Chúng ta phải làm gì để thực hiện điều mà Thần Khí muốn nói với chúng ta qua Ðức Maria. Sự đáp trả tích cực nhất của chúng ta, hẳn phải nằm trong sự “noi gương” Ðức Maria hơn là trong sự sùng kính Ðức Maria. Như thế, đây sẽ là một hành trình hết sức đơn sơ và rất thiết thực. Như một loại thực hành đời sống thiêng liêng do Ðức Maria hướng dẫn. Gọi là những “thực hành”, vì mỗi suy niệm sẽ đặt chúng ta trước một cam kết phải giữ và thực hiện chứ không phải chỉ hiểu mà thôi. Về Lời Thiên Chúa như là tấm gương, thánh Giacobe nói: “Ai nghe Lời mà không làm, thì như người soi gương xem mặt mày ra sao. Soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình như thế nào. Còn người cắm cúi vào luật hoàn hảo, luật tự do, một cách lưu luyến, không phải nghe đấy quên đấy, nhưng là thực thi bằng việc làm, thì phúc cho người ấy vì đã thi hành” (Gc 1,23-25). Tất cả những điều đó hoàn toàn phù hợp với lời hay “bức thư” đặc biệt của Thiên Chúa là Ðức Maria.

Ðể đọc bức thư này của Thiên Chúa, ngoài Kinh Thánh, các Giáo Phụ, truyền thống và thần học, chúng ta còn có được sự trợ giúp khá thường xuyên của các thi nhân. Tại sao như thế? Nói về Ðức Maria mà lại để buông cho trí tưởng tượng, cho tình cảm, lại không là điều nguy hiểm sao? Lý do thật đơn giản, các chân lý đức tin, thường đã mất đi giá trị vì bị sử dụng quá nhiều, các tước hiệu tín lý của Giáo Hội cổ thời, tất cả cần phải được đánh thức dậy, cần phải làm cho chúng lên tiếng nói, như lời của Kierkegaard: Những điều đó tương tự như những chàng hiệp sĩ, những nàng công chúa thiếp ngủ trong lâu đài thần tiên. Cần phải đánh thức để chúng chỗi dậy trong tất cả nét huy hoàng rực rỡ của chúng, và các thi sĩ là những người biết làm điều đó hơn bất cứ ai khác. [5] Những thi sĩ đích thực, cả họ nữa, đôi khi là những con người “được linh hứng”, như các ngôn sứ. Ngày nay, chúng ta hết sức cần đến một luồng sinh khí, một nguồn cảm hứng trong việc trình bày đức tin cũng như trong giải thích Kinh Thánh, để không bị rơi vào thứ suy lý vô hồn. Ðây cũng là trực giác của một số triết gia hiện đại. Heidegger, sau khi gắng công hoài sức nắm bắt hữu thể các sinh vật, đến một lúc đã từ bỏ dự định đó giữa đường và chú tâm đến các thi sĩ, vì như ông nói, chính nơi các thi sĩ mà hữu thể tự hiện lộ, dù chỉ là thoáng qua. Ðây là điểm mà cả chúng ta, những nhà thần học, cần phải suy nghĩ đến một cách nghiêm túc. Người ta đã tiếp nhận rất nhiều gợi ý của triết gia này trong thần học, nhưng điểm gợi ý phong phú nhất, bởi nó mở ra với giáo lý Kitô giáo về ân sủng, thì dường như chưa được đón nhận.

Việc chiêm ngắm một số “ảnh thánh” (icômes) về Mẹ Thiên Chúa cũng đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy dường như tất cả những điều mình dự định nói đều đã được chứa đựng nơi các ảnh thánh đó. Các bức tranh này thể hiện trước mắt chúng ta, trong tâm trí chúng ta, Ðức Maria ở ba thời điểm: Nhập thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Nhìn ngắm chúng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bức thư kỳ diệu mà Thần Khí Thiên Chúa đã viết, là Ðức Maria.

Tuy nhiên, sự trợ gúp hữu hiệu nhất, không phải do các thi sĩ vẻ ảnh thánh, mà là do Chúa Thánh Thần, Ðấng đã “viết” Lời nơi Ðức Maria và làm cho Người trở thành một Lời của Thiên Chúa ngỏ với Giáo Hội. Maria, xét là thành phần của Lời Chúa, được tượng trưng bằng cuốn sách “viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn” (x. Kh 5,1). Chỉ mình Chiên Con mở ấn nhờ Thần Khí của Ngài và mạc khải ý nghĩa của sách cho những ai Ngài muốn. Chúng ta hãy bắt đầu đọc Lời của Thiên Chúa là Ðức Maria trong niềm hy vọng và với lời nguyện xin: “Xin Thiên Chúa đoái thương mạc khải cho chúng ta điều mà Thần Khí hôm nay phán dạy cho các Hội Thánh” qua Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

***

PHẦN I

ÐỨC MARIA: MỘT TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ

***

CHƯƠNG I

“ÐẦY ÂN SỦNG”

ÐỨC MARIA DẪN GIÁO HỘI TỚI VIỆC KHÁM PHÁ RA ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA

 

I. “HIỆN TÔI CÓ LÀ GÌ LÀ BỞI ƠN THIÊN CHÚA”

Bức thư sống động của Thiên Chúa, Ðức Maria khởi đầu bằng một từ ngữ sâu xa đến nỗi nó đã manh nha chứa đựng tất cả đời sống của Người. Ðó là từ “ân sủng”. Khi bước vào nhà Maria, thiên thần nói: “Vui lên, hỡi đầy ân sủng!” và sau đó lại nói: “Maria, đừng sợ, vì Người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa” (Lc 1,28-30).

Trong lời chào, thiên thần đã không gọi tên Maria, mà chỉ gọi là “đầy ân sủng” hay “được đầy ân sủng” (kêkharitômênê). Thiên thần không nói: “Vui lên, hỡi Maria”, mà là “Vui lên, hỡi đầy ân sủng”. Ân sủng, đó là chân tính sâu thẳm nhất của Ðức Maria. Maria là người rất “quý giá” đối với Thiên Chúa (“cher” [quý giá] và “charité” [lòng mến, đức ái] đều phát xuất từ một gốc: charis, có nghĩa là ân sủng). Tất nhiên ân sủng nơi Ðức Maria tùy thuộc vào sứ mạng làm Mẹ Ðấng Mêsia mà thiên thần loan báo, nhưng điều đó chưa giải thích hết ân sủng nơi Ðức Maria. Maria không phải chỉ là một chức vị, mà trước hết, là một con người, và chính con người Ðức Maria là điều Thiên Chúa quý giá từ muôn thuở.

Như thế, Maria là lời công bố sống động và cụ thể rằng, ngay từ khởi thủy đã có ân sủng trong các mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Người. Ân sủng là mảnh đất, là nơi chốn thụ tạo có thể gặp được Ðấng dựng nên mình. Cũng thế, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như là Ðấng giàu ân sủng, nghĩa là đầy tràn ân sủng (x. Xh 34,6). Thiên Chúa đầy ân sủng theo nghĩa chủ động (actif) vì là Ðấng “đổ đầy” ân sủng, còn Ðức Maria cũng như với mỗi thụ tạo đầy ân sủng theo nghĩa thụ động (passif), bởi lẽ người “được đầy” ân sủng. Ðứng giữa là Ðức Kitô, Vị trung gian, Ðấng “đầy ân sủng” (Ga 1,14) theo cả hai nghĩa: nghĩa chủ động và nghĩa thụ động. Trong tư cách là Thiên Chúa và là Ðầu của Giáo Hội, Ngài ban ân sủng, còn trong tư cách là người, Ngài được Chúa Cha đổ đầy ân sủng và Ngài “lớn lên về ân sủng” (Lc 2,52). Chính qua ân sủng mà Thiên Chúa “nghiêng” mình cúi xuống trên các thụ tạo của Người. Ân sủng là mưa móc đầy tràn đong đầy hố thẳm khát khao Thiên Chúa của nhân loại. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8) và điều này đưa tới hệ luận: Bên ngoài đời sống Ba Ngôi là ân sủng. Thực vậy, chỉ trong lòng Ba Ngôi, trong các tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau thì tình yêu của Thiên Chúa mới là một tương quan thuộc bản tính, nghĩa là một sự tất yếu. Còn bên ngoài và trong mọi trường hợp khác thì tình yêu đó là ân sủng, nghĩa là ân ban (don). Cha yêu con, đó không phải là một ân sủng hay ân ban, mà là một đòi hỏi của tình phụ tử, và theo một nghĩa nào đó, thì đó là bổn phận. Còn việc Người yêu thương chúng ta thì hoàn toàn là ân sủng, là ân huệ mà Thiên Chúa tự do ban phát, còn chúng ta thì không xứng với ân huệ đó.

Thiên Chúa của Kinh Thánh không chỉ “ban” ơn, Người còn “là” ân sủng. Người ta đã nhận thấy câu 33,19 trong sách Xuất Hành: “Ta ban ơn cho kẻ Ta ban ơn” có cùng một cấu tạo như câu Xuất Hành 3,14: “Ta là kẻ Ta là”, rồi lời giải thích cũng tương tự như vậy. Trong Xuất Hành 34, 6 cũng thế: “Giavê đi qua trước mặt ông và hô: Giavê, Giavê, Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và giàu ân sủng”. Thiên Chúa của Kinh Thánh không chỉ là Ðấng “hiện hữu vì mình”, Người còn là Ðấng “hiện hữu vì chúng ta”, nói khác đi, Người là ân sủng.

Maria như một “Icône” sống động về ân sủng nhiệm mầu đó của Thiên Chúa. Khi nói về nhân tính Ðức Giêsu, thánh Augustin viết: “Con người đó, làm thế nào để xứng đáng được là con độc nhất của Thiên Chúa, được Ngôi Lời đồng vĩnh cửu với Chúa Cha đảm nhận trong sự duy nhất của một Ngôi Vị Thiên Chúa? Phần Ngài, Ngài đã làm được điều gì tốt lành trước khi xảy ra sự kết hợp đó? Trước đó, Ngài đã làm gì, đã tin gì, đã khẩn xin gì để đạt tới phẩm vị cao vời khôn tả như thế? Bạn hãy tìm công phúc, tìm sự công chính và hãy suy nghĩ xem hoặc bạn có tìm thấy điều gì khác hơn là ân sủng”.[6]

Những lời này dọi một tia sáng đặc biệt lên tất cả con người Ðức Maria. Về Ðức Maria, chúng ta càng phải nói mạnh hơn nữa: Maria đã làm gì để xứng đáng được đặc ân để xem lại nhân tính cho Ngôi Lời? Người đã tin, đã cầu xin, cậy trông hay chịu đau khổ như thế nào để được sinh ra thánh thiện và vô nhiễm? Ở đây cũng thế, bạn hãy tìm xem có công phúc, có sự công chính nào, tìm bất cứ điều gì bạn muốn, xem bạn có thấy nơi Người điều gì khác ngoài ân sủng ngay từ giây phút đầu. Ðức Maria có thể lấy lời của thánh Phaolô áp dụng cho mình cách hết sức đúng nghĩa: “Hiện tôi có gì là bởi Ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10). Ân sủng, đó là lời giải thích trọn vẹn về Ðức Maria, về sự cao trọng và vẻ đẹp của Người. Một thi sĩ (Ch. Péguy) viết: Sẽ đến lúc người ta không còn có thể bằng lòng với vị thánh quan thầy của mình, của thành phố mình, ngay cả đến những vị thánh quan thầy vĩ đại nhất, mà cần phải lên đến người đẹp lòng Thiên Chúa nhất, gần Chúa nhất. “Lên đến Ðức Maria, bởi Người đầy ân sủng”.[7] Những lời thật đơn sơ mà cũng thật sâu thẳm. Ðúng thế, Maria là Maria, bởi lẽ Người đầy ân sủng. Nói Maria đầy ân sủng đã là diễn tả trọn vẹn về Người.

II. ÂN SỦNG LÀ GÌ?

Vậy ân sủng là gì? Ðể khám phá ý nghĩa của ân sủng, chúng ta khởi sự từ ngôn ngữ thông thường mọi người đều hiểu được. Nghĩa thông thường nhất của ân sủng (grâce) là vẻ đẹp, vẻ duyên dáng đáng yêu (từ duyên dáng dễ thương, “charme”, trong tiếng Pháp phát xuất từ cùng một gốc với chữ “charis”, ân sủng). Nhưng đây không phải là nghĩa duy nhất của từ. Khi chúng ta nói về một người bị kết án tử hình rằng, anh ta được ân xá (gracié) và được ân huệ, phải chăng chúng ta muốn nói anh ta nhận được vẻ đẹp, vẻ duyên dáng hay sao? Chắc chắn là không. Tuyên bố anh ta được ân xá (gracié) là chúng ta muốn hiểu rằng anh ta được tha khỏi án phạt. Ðây thậm chí là nghĩa đầu tiên của từ.

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, người ta thường nhận thấy cùng một ý nghĩa như thế. Thiên Chúa phán: “Ta ban ơn cho kẻ Ta ban ơn, Ta thương xót kẻ Ta thương xót”. Ở đây, ý nghĩa của ân sủng rõ ràng là ân huệ hoàn toàn nhưng không, tự do, không vì lý do gì cả, cũng như trong Xuất Hành 34,6, Thiên Chúa được định nghĩa như là Ðấng “giàu ân sủng và tín thành, giữ nghĩa cho đến ngàn đời”. Thiên Chúa còn nói với Môsê: “Ngươi đã được nghĩa (đặc sủng) với Ta” (Xh 33, 12), và đó cũng chính là điều mà thiên thần nói với Ðức Maria: “Người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”. Ở đây, một lần nữa ân sủng có nghĩa là ân huệ, là sự đẹp lòng, vừa ý.

Trong Kinh Thánh, ân sủng còn có một nghĩa khác gần với nghĩa chính nói trên, ân sủng chỉ một phẩm chất gắn liền với tạo vật, đôi khi được xem như hậu quả của Ơn Chúa làm cho tạo vật nên xinh đẹp, hấp dẫn, đáng yêu. Chính theo nghĩa này mà người ta nói đến “ân sủng” (=diễm lệ) “ứa tràn nơi đôi môi” của vị quân vương, vô song tuyệt mỹ giữa thế nhân (x. Tv 45,3). Cũng thế, người vợ đoan chính được xem như “Nai tình yêu, nai tơ mỹ miều” (“gracieuse”, tính từ của “grâce” [Cn 5,19]).

Giữa hai nghĩa trên ta có thể đặt mối liên hệ, nếu không phải trong chính các từ ngữ thì ít là nơi thực tại được diễn đạt. Thiếu nữ tượng trưng cho Israel, sở dĩ “ngày càng thêm xinh đẹp” đến mức có một sắc đẹp tuyệt trần (x. Ed 16, 8tt), đó là do Thiên Chúa đến bên, đem lòng yêu thương và kết ước với nàng, nghĩa là, nhờ bởi ân sủng Thiên Chúa. Dù thế nào đi nữa, Kinh Thánh đã không hề nói điều ngược lại, nghĩa là không bao giờ nói rằng chính vẻ đẹp hay sự tốt lành của tạo vật đã khiến cho Thiên Chúa đem lòng sủng ái. Vẻ duyên dáng (grâce) của tạo vật tùy thuộc sự sủng ái (grâce) của Thiên Chúa chứ không phải ngược lại.

Trở lại với Ðức Maria, lời chào của thiên thần hàm chứa hai nghĩa của ân sủng mà chúng ta vừa làm sáng tỏ. Maria đã đắc sủng nơi Thiên Chúa: Các dòng suối đổ đầy biển khơi như thế nào thì ân sủng cũng đổ đầy tâm hồn của Maria như vậy. Sự đắc sủng của Môsê, của các tổ phụ hay các tiên tri nơi Thiên Chúa sánh sao được với sự đắc sủng của Ðức Maria? Có ai được Chúa “ở cùng” đến mức như Ðức Maria? Thiên Chúa ở nơi Người không chỉ bằng quyền năng, bằng sự quan phòng mà còn là sự hiện diện đích thân.

Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Ðức Maria mà còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. “Chúa ở cùng Người”. Lời nói với Ðức Maria ở đây có một ý nghĩa độc nhất vô nhị. Có sự tuyển chọn nào nhắm mục đích cao hơn sự tuyển chọn Ðức Maria, bởi lẽ nó liên hệ đến chính việc nhập thể của Thiên Chúa?

Bởi thế, Maria còn đầy ân sủng theo nghĩa thứ hai. Người rất đẹp, một vẻ mà ta gọi là sự thánh thiện. Mẹ “tuyệt mỹ” (Tota pulchra), đó là lời ca ngợi của Giáo Hội, mượn lời sách Diễm Ca (x. Dc 4,1). Bởi được sủng ái (gracié) nên Maria cũng thật yêu kiều (gracieuse). Trong bản văn được trích dẫn ở trên, thi sĩ (Péguy) đã nối kết hai nghĩa của từ ngữ đến mức thật tuyệt vời khi gọi Ðức Maria là “Người đầy duyên bởi Người đầy ơn” (Celle qui est pleine de grâce parce quelle est pleine de grâce). Nói khác đi, Người đầy duyên dáng, mỹ miều bởi Người được đầy tràn sự sủng ái, tuyển chọn của Thiên Chúa. Maria đẹp bởi Người được yêu.

Ân sủng theo nghĩa này, cũng chính là sự thánh thiện của Ðức Maria, và nó hàm chứa một nét đặc trưng, khiến Người trỗi vượt hơn bất cứ ai khác dù trong Cựu Ước hay Tân Ước, về khía cạnh này. Ðây là một ân sủng hoàn toàn thuần khiết mà Giáo Hội Latin diễn tả bằng tước hiệu “Vô Nhiễm” (Immaculée), còn Giáo Hội Chính Thống diễn tả bằng tước hiệu “Toàn Thánh” (panaghia). Một bên làm nổi bật yếu tố phủ định của ân sủng nơi Ðức Maria: Không hề vương tội lỗi, ngay cả nguyên tội; bên kia nhấn mạnh yếu tố khẳng định, nơi Người có mọi nhân đức và tất cả vẻ đẹp lộng lẫy phát xuất từ ân sủng.

Giáo Hội cũng được kêu gọi trở nên “quang vinh, không vết nhơ, không nếp nhăn, trái lại, thánh thiện và vô tỳ tích” (x. Ep 5,27). Nhưng, như thi sĩ (Péguy) còn nói: “Ðiều dành lại được, được bảo vệ từng bước, được khôi phục lại, lấy lại, thì không còn y như điều đã không hề bị hư mất. Một tờ giấy được tẩy trắng không phải là một tờ giấy trắng, và một miếng vải được trắng không phải là một miếng vải trắng”.[8] Giáo Hội được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, còn Ðức Maria thì được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ. Một bên có những nếp nhăn mà một ngày kia sẽ được xóa sạch, còn bên kia, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, không có gì để tẩy xóa.

Tôi không muốn dừng lại quá lâu ở nghĩa tùy phụ này của từ ân sủng. Ðiều mà người ta gọi là “chùm ân sủng” của Ðức Maria là do nghĩa này tạo nên. Quả thực, ngay cả việc rao giảng về ân sủng cũng cần được canh tân trong Thần Khí, và sự canh tân này nằm ở chỗ luôn biết đặt nghĩa gốc lên hàng đầu, mà nghĩa gốc của từ ân sủng liên hệ đến Ðấng ban ơn trước khi liên quan đến người nhận ơn. Canh tân ở tại việc “trả lại cho Thiên Chúa quyền của Người”. Khi nói đến tước hiệu “đầy ân sủng” mà thiên thần đã dành cho Ðức Maria, người ta rất dễ bị mập mờ trong việc nhấn mạnh đến ân sủng nơi Ðức Maria nhiều hơn là ân sủng Thiên Chúa. Ðầy ân sủng đã từng là khởi điểm được ưu tiên dùng làm nền tảng để xây dựng các tín điều. Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hồn Xác Lên Trời và hầu hết các đặc ân khác của Ðức Maria. Ðó là một tiến bộ đối với đức tin. Thế nhưng, một khi những điều đó đã được khẳng định vững chắc thì cần phải trở về ngay với nghĩa đầu tiên của ân sủng, nghĩa đó nói về Thiên Chúa nhiều hơn là Ðức Maria, nói đến Ðấng ban ân sủng hơn là người nhận ân sủng, bởi đây cũng là ước muốn của Ðức Maria. Nếu không nhắc nhớ điều này, thì ân sủng có thể dần dần đi đến chỗ chỉ điều ngược lại với nó, nghĩa là công phúc.[9]

Ơn Thiên Chúa mà Ðức Maria được đổ đầy là “ân sủng Ðức Kitô” (gratia Christi), “ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Kitô Giêsu” (x. 1Cr 1,4), là lòng nhân từ và Ơn Cứu Ðộ mà từ nay Thiên Chúa ban cho con người từ cái chết cứu chuộc của Ðức Kitô. Ðức Maria ở bên này chứ không ở bên kia chí tuyến. Dòng nước mà Người được nhuần thấm không chảy từ Moriah hay Sinai, nhưng là giòng nuớc chảy xuống từ đồi Golgotha. Ân sủng mà Người lãnh nhận là ân sủng của Giao Ước Mới. Ðức Maria được gìn giữ khỏi tội như Giáo Hội đã công bố trong định tín về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, là “do dự kiến những công phúc của Ðức Giêsu Kitô Cứu Thế sẽ lập”. Theo nghĩa này, Người quả thực là “con của Con mình” như Dante đã gọi.[10]

Nơi Ðức Maria, chúng ta chiêm ngắm sự mới mẻ của ân sủng Tân Ước so với Cựu Ước. Nơi Người, tất cả sự mới mẻ, xét về chất lượng, đã được thực hiện. Thánh Irênê nêu câu hỏi: “Ðâu là sự mới mẻ mà Chúa mang tới qua việc Ngài đến trong thế gian?”. Và thánh nhân trả lời: “Ngài đã đem đến tất cả sự mới mẻ khi mang đến chính mình Ngài”.[11] Ân sủng của Thiên Chúa không còn là ơn nào đó của Người, nhưng là chính hiện diện của Người. Ðây là sự mới mẻ đến mức có thể nói, nay “đã hiển linh rồi ân sủng của Thiên Chúa, nguồn Cứu Ðộ” (Tt 2,11), nhờ thế, sánh với ân sủng bây giờ, ân sủng trước kia không đáng được coi là ân sủng mà chỉ như một sự chuẩn bị.

Ðể đáp lại ân sủng Thiên Chúa, điều trước tiên tạo vật phải làm đó là dâng lên lời cảm tạ như thánh Phaolô, kẻ ngợi ca ân sủng, đã dạy: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em, vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 1,4). Con người phải tạ ơn để đáp ứng lại Ơn Thiên Chúa. Tạ ơn không phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp. Ai có thể đền bù lại cho Thiên Chúa? Tạ ơn, đúng hơn, là nhìn nhận ơn Chúa ban và đón nhận nhưng không ân sủng của Ngài, không dám mong “tự chuộc mình hay trả giá phục hồi cho Thiên Chúa” (Tv 49,8). Tạ ơn là một trong những thái độ tôn giáo căn bản nhất. Tạ ơn có nghĩa nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tùy thuộc và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa.

Ðây chính là điều Ðức Maria đã làm trong kinh Magnificat: “Hồn tôi tôn dương Chúa. vì Ðấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả”. Tiếng Hipri không có từ ngữ riêng để chỉ việc “cảm tạ” hay tạ ơn. Trong Kinh Thánh, khi một người muốn tạ ơn Thiên Chúa thì người đó cất lời tán tụng, tôn dương và công bố các kỳ công của Người với tất cả niềm phấn khởi hân hoan. Ðó hẳn là lý do tại sao chúng ta không tìm thấy từ tạ ơn trong kinh Magnificat mà chỉ thấy tôn dương, nhảy mừng. Tuy không có từ ngữ diễn tả nhưng tình cảm tương ứng thì đã được bộc lộ. Ðức Maria đã thực sự trả lại cho Thiên Chúa quyền của Người, và giữ lại cho ân sủng tất cả tính nhưng không của nó. Kỳ công thực hiện nơi Người, Người quy cho Thiên Chúa, cho ân sủng Thiên Chúa, không giữ lại cho mình bất cứ công trạng nào. Bức “Panaghia” hay “Toàn Thánh” (Rất Thánh), được tôn kính cách đặc biệt ở Nga, là bức ảnh diễn tả tất cả những điều nói trên cách tuyệt vời nhất. Mẹ Thiên Chúa đứng thẳng, đôi tay giơ cao, trong tư thế vừa đón nhận, vừa khai mở trọn vẹn. Chúa ở cùng Người dưới hình hài một vị vua nhỏ bé, nhìn thấy được, do sự trong suốt, ngay trước ngực Ðức Maria. Khuôn mặt đầy vẻ ngạc nhiên, trầm sâu trong thinh lặng và khiêm hạ, như thể Người muốn nói: “Hãy xem điều Chúa làm cho tôi, ngày Người đoái nhìn phận hèn tớ nữ của Người”.

III. “CHÍNH BỞI ÂN SỦNG MÀ ANH EM ĐÃ ĐƯỢC CỨU”

Lúc này chúng ta cần nhớ lại nguyên lý hướng dẫn đã được trình bày trong phần dẫn nhập, nguyên lý đó là: Ðức Maria là hình bóngvà là tấm gương của Giáo Hội. Cuộc đời Ðức Maria khởi đầu bằng từ “ân sủng”, điều đó có nghĩa gì đối với Giáo Hội và đối với mỗi người chúng ta? Ðiều đó có nghĩa là, đối với cả chúng ta, ngay từ đầu đã có ân sủng, đã có sự tuyển chọn tự do và nhưng không của Thiên Chúa, có lòng nhân hậu khôn tả của Người, Người đi đến với chúng ta và ban chính mình Người cho chúng ta hoàn toàn chỉ vì yêu thương. Ðiều đó có nghĩa là: ân sủng “là nguyên lý hàng đầu” của Kitô giáo.

Giáo Hội trinh mẫu (vierge mère) cũng được truyền tin, vậy Thiên Sứ đã chào thế nào khi bước vào nhà Giáo Hội: “Ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô”. Ðây là lời khởi đầu thư của các tông đồ, hầu như không đổi, thư của Phaolô cũng như thư của Gioan (x. 2Ga 1,3). Chúng ta hãy nghe một trong những lời chào thật tự nhiên này để có thể cảm nếm được tất cả sức mạnh và sự dịu ngọt của nó: “Phaolô, bởi ý định của Thiên Chúa đã kêu gọi làm Tông Ðồ của Ðức Kitô Giêsu, cùng với người anh em là Sosthênê, kính gửi Hội thánh của Thiên Chúa tại Corintho: ân sủng và bình an cho anh em do tự Thiên Chúa, Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Kitô” (1Cr 1,1-6).

Ân sủng và bình an không chỉ diễn tả một mong ước: những từ này còn nói lên một thực tại. Ðộng từ hiểu ngầm không phải chỉ là “chớ gì có” nhưng là “có”. Chúng tôi loan báo cho anh em biết rằng, anh em đang ở trong ân sủng, nghĩa là trong lòng nhân hậu của Thiên Chúa, rằng có bình an và ân sủng Thiên Chúa ban cho anh em, nhờ bởi Ðức Kitô! Phaolô loan báo không mệt mỏi ân sủng của Thiên Chúa cho các tín hữu và khơi dậy nơi họ ý thức mãnh liệt về điều đó. Ngài xem việc “đoan chứng giảng Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (x. Cv 20,24) như một nhiệm vụ mà Ðức Kitô đã giao phó cho ngài. Ân sủng là từ ngữ thâu tóm lại nơi một mình nó tất cả lời loan báo của Kitô giáo, tất cả Tin Mừng, vì Tin Mừng cũng đã được định nghĩa như là “Tin Mừng hay lời công bố về ân sủng của Thiên Chúa” (x. Cv 14,4; 20,32).

Ðể có thể tìm lại sự mới mẻ cũng như niềm an ủi trong tất cả sự phong phú súc tích của nó hàm chứa trong lời loan báo đó, chúng ta cần phải tái tạo cho mình một đôi tai hoàn toàn mới, như những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng. Thời đại của họ được coi là một “thời đại khắc khoải”. Người ngoại giáo tìm kiếm cách vô vọng một lối thoát cho cảm thức về thân phận bị kết án, bị đầy xa khỏi Thiên Chúa, một thân phận mà con người đang phải vật lộn, đang phải sống trong một thế giới bị xem như “tù ngục”. Họ tìm kiếm lối thoát nơi bao nhiêu tín ngưỡng, triết thuyết hết sức khác biệt nhau. Ðể có một ý niệm về điều này, chúng ta cứ nghĩ đến một kẻ tử tội, từ bao nhiêu năm tháng sống trong khắc khoải lo âu và mỗi tiếng chân vang bên ngoài xà lim là giật thót lên vì sợ. Tâm hồn anh ta sẽ cảm thấy như thế nào, khi một người bạn bất ngờ đến, vẫy tờ giấy kêu lên: “Ân xá, ân xá, anh được ân xá (grâce) rồi!”. Ngay lập tức, một tâm trạng mới nảy sinh nơi anh, cả trời đất cũng thay hình đổi dạng, anh cảm thấy mình được tái sinh. “Vậy bây giờ, án phạt không còn nữa cho những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu” (Rm 8,1), những lời hứa của thánh Tông Ðồ hẳn phải tạo một hiệu quả tương tự nơi người nghe. Thánh Phaolô nói đến ân sủng như một người thoát khỏi bão táp kinh hoàng, cuối cùng đã tìm được một hải cảng náu thân: “Nhờ Ngài (nghĩa là nhờ Ðức Kitô), bởi tin, ta được gia nhập ân sủng này, trong đó ta đã được thiết lập” (Rm 5,2).

Cũng như đối với Ðức Maria, ân sủng là cốt lõi sâu xa của thực tại Giáo Hội và là căn nguyên hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội có là gì thì đó là bởi ân sủng. Giáo Hội cần phải chân nhận: thân tôi có là gì là bởi ơn Thiên Chúa. Theo siêu hình học Kitô giáo đặt nền trên ý nhiệm ân sủng, thì “hiện hữu, đó là được yêu” (G. Marcel). Thụ tạo không có lời giải thích nào khác về hiện hữu của mình ngoài tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình và bởi yêu mà Ngài đã tạo dựng. Ðiều này cũng có giá trị cho dù nhiều người trước tôi đã khám phá, đã sống chân lý đó, hoặc tôi đã đọc những điều họ viết nó, chừng đó vẫn không đủ. Nếu tôi chưa hề cảm nghiệm nó nơi chính bản thân mình, nếu tôi chưa từng bị chói lòa, choáng váng bởi ánh sáng của chân lý đó, ít là một vài khắc khoải, thì chân lý đó vẫn như thể không có đối với tôi.

Tất cả là ân sủng, đó là điều mà Ðức Maria nhắc nhớ và công bố trước tiên là cho Giáo Hội. Ân sủng là yếu tố đặc trưng của Kitô giáo, nó khác biệt với mọi tôn giáo khác là bởi ân sủng. Trên bình diện học thuyết luân lý, tín lý hay việc làm của các tín hữu, thì người ta có thể tìm thấy những điểm tương tự, tương đồng, ít là một phần, với các tôn giáo khác. Những việc mà thành viên này hay thành viên nọ của các tôn giáo khác thực hiện có thể tốt hơn việc làm của rất nhiều Kitô hữu. Chính ân sủng mới tạo ra sự khác biệt, vì ân sủng không phải là một giáo thuyết hay một ý niệm, mà trước tiên nó là một thực tại, do đó, hoặc là có ân sủng hoặc là thiếu vắng ân sủng. Ân sủng quyết định phẩm chất của việc làm cũng như đời sống của một con người: nó xác định những việc làm đó là của con người hay của Thiên Chúa, thuộc thời gian hay thuộc vĩnh cửu.

Trong Kitô giáo, ân sủng hiện diện bởi lẽ có một nguồn mạch, một trung tâm tạo phát ân sủng: cái chết cứu chuộc của Ðức Kitô và sự giao hòa mà Người đã thực hiện. Các vị sáng lập tôn giáo dừng lại ở việc đưa ra một mẫu gương, còn Ðức Kitô không chỉ nêu gương, Ngài ban ân sủng. Nhìn bên ngoài, mọi sợi dây đồng đều giống nhau. Nhưng nếu bên trong những dây đó có dòng điện lưu chuyển thì bấy giờ nó sẽ khác với các dây khác như thế nào! Chạm đến nó là bị giựt, đó là điều mà các dây khác không tạo được dù bề ngoài giống y như vậy.

Lạc giáo lớn nhất mà cũng là sự điên rồ của con người vô tín hiện đại đó là quan niệm cho rằng mình không cần đến ân sủng. Trong nền văn hóa kỹ thuật mà chúng ta đang sống, chúng ta chứng kiến một sự loại bỏ chính ý niệm về ân sủng Thiên Chúa trong đời sống con người. Ðây là thứ chủ thuyết Pélage triệt để của não trạng hiện đại. Một trường hợp tiêu biểu đó là khoa phân tâm. Người ta nghĩ rằng chỉ cần giúp bịnh nhân nhận thức và đưa ra ánh sáng các chứng tâm bịnh hay mặc cảm tội lỗi của họ ra ánh sáng của lý trí là đủ để chữa lành, không cần đến ân sủng từ trên thuyên chữa và đổi mới. Phân tâm học, đó là phép hòa giải (giải tội) mà không có ân sủng. Nếu ân sủng là điều làm nên giá trị con người, và nhờ ân sủng mà con người vươn lên trên thời gian và sự hư hoại, thì một con người không có ân sủng và từ chối ân sủng sẽ là như thế nào? Ðó là một con người “trống rỗng”.

Con người hiện tại nhạy cảm trước những chênh lệch, khác biệt giữa kẻ giàu người nghèo, kẻ phủ phê người đói khổ;. đó là điều phải lẽ, nhưng lại không quan tâm bao nhiêu đến sự khác biệt còn bi đát hơn bội phần; khác biệt giữa người sống trong ân sủng Thiên Chúa với những người sống không ân sủng Thiên Chúa. Pascal đã đề ra nguyên lý về ba bình diện hay ba cấp độ mà chúng ta thấy được trong thế giới: bình diện thể xác; bình diện trí tuệ hay tài năng; và bình diện của thánh thiện và của ân sủng.[12] Giữa bình diện hay cấp độ của thể xác như sự giàu có, sắc đẹp, sức mạnh thể lý, với cấp độ của trí tuệ và của tài năng là cấp độ cao hơn, thì sự khác biệt là vô cùng. Cấp độ dưới không thể thêm vào hay làm mất điều gì của cấp độ trên nhưng, theo lời Pascal, sự khác biệt giữa cấp độ của trí tuệ với cấp độ của ân sủng lại là “vô cùng vô hạn”, trời cao hơn đất bao nhiêu thì cấp độ thứ ba này cũng vượt trên tất cả các cấp độ khác bấy nhiêu. Ðây là sự cao cả mà Ðức Maria, sau Ðức Kitô, vượt trên mọi thụ tạo khác. Theo nghĩa khách quan này, dựa trên sự cao vượt tuyệt đối của ân sủng trên tự nhiên, thì Ðức Maria là thụ tạo cao cả nhất trong các thụ tạo, sau Ðức Kitô.

Vì thế, khinh thường ân sủng hoặc nghĩ một cách ngu xuẩn rằng mình không cần đến ân sủng thì đó là tự khép mình trong sự bất toàn, là dừng lại ở cấp độ thứ nhất hoặc thứ hai của phàm nhân, còn cấp độ thứ ba cao vượt hơn nghìn trùng thì ngay cả sự hiện hữu của nó cũng không ngờ tới.

IV. TA CẦN TOÀN THỂ

Ðể ân sủng lại trở nên mặt trời chiếu sáng tất cả lời rao giảng của Kitô giáo, như đã từng như thế vào buổi đầu của Giáo Hội, thì ân sủng cần phải được khôi phục, trả lại cho chính nó, và điều này đòi hỏi một sự hoán cải sâu xa, như chúng ta sẽ thấy.

Trong một cuốn sách về linh đạo nổi tiếng thời Trung Cổ, người ta như nghe thấy một tiếng kêu vùng dậy. Ngỏ lời với tâm hồn đang tìm kiếm Thiên Chúa nhưng lại bị bó rọ trong chiếc lưới đan bởi trăm ngàn phân biệt, định nghĩa về Thiên Chúa, một tác giả vô danh khuyên tâm hồn đó hãy thét lên trong chính lòng mình: “Tôi không muốn biết gì về khía cạnh này hay khía cạnh khác của Thiên Chúa. Tôi cần toàn thể!”. Ðây chính là tiếng kêu mà chúng ta cần phải thốt lên về ân sủng.[13]

Trong dòng lịch sử Giáo Hội, ân sủng đã từng là đối tượng của những cuộc tranh cãi và phân rẽ bất tận, khiến cho nó như bị hao kiệt và chỉ còn là những mãnh vụn. Người ta nói đến hiện sủng và thường sủng, thánh sủng và túc sủng, đến “ơn chức phận” (grâce l’état)“tình trạng ân sủng” (état de grâce), tình trạng của người không để tội trọng nào đè nặng lương tâm vì không xưng tội.

Ân sủng bắt đầu mất đi ý nghĩa phong phú lạ lùng của nó trong Tân Ước, ngày mà người ta, do sai lầm Pélage, nói đến ân sủng chỉ như một trợ lực cần thiết cho ý chí hèn yếu của con người. Con người cần ân sủng để thực thi lề luật và để đừng phạm tội (“Ơn trợ giúp” – grâce adjuvante). Về sau, người ta có thói quen nói về ân sủng hầu như chỉ trong văn mạch một số những cặp đối lập, như ân sủng và tự do, tự nhiên và ân sủng, ân sủng và lề luật, ân sủng và công phúc. Ánh sáng tự phân tách thành đủ mọi màu sắc, và cũng vì thế, càng phân tách càng yếu dần.

Ðấy là kết quả của một sự phát triển tự nó là đúng đắn và một cách nào đó không thể tránh được: nó hữu ích trong việc đưa ra ánh sáng những sự phong phú, những kho tàng vô tận của ân sủng Ðức Kitô, vì trí óc con người chỉ có thể hiểu được ân sủng theo từng phần khác nhau nhờ những phân biệt. Quả vậy, đối với con người, việc phân biệt, phân tích cũng là điều tự nhiên, tương tự như một lăng kính phân tích ánh sáng và làm cho nó khúc xạ thành nhiều màu khác nhau. Thế nhưng, khi nhu cầu chiêm niệm lại nảy sinh, thì người ta cảm thấy cần thiết phải vượt qua sự chia cách, phân mảnh và tìm lại toàn thể, vì chiêm niệm chỉ có thể được khi đối diện với một toàn thể. Việc giải thích có khuynh hướng phân biệt các thành phần, trong khi chiêm niệm lại có khuynh hướng bao trùm lấy đối tượng trong một cái nhìn tổng thể. Ðiều có giá trị đối với chiêm niệm thì cũng có giá trị đối với việc rao giảng Tin Mừng, theo một cách khác. Chúng ta rao giảng Tin Mừng không phải bằng cách loan báo những phân biệt tế vi về ân sủng. “Tin Mừng về ân sủng” là điều hết sức khác với việc trình bày một loạt những ý kiến và những học thuyết về ân sủng!

Dầu nói lên tính duy nhất của ân sủng chính là từ ngữ “ân sủng”, nhưng cần phải hiểu theo nghĩa rộng lớn nhất, bao trùm nhất của nó, nghĩa Kinh Thánh. Cũng như dấu tuyệt vời nhất nói lên thực tại sống của Thiên Chúa đối với chúng ta là tiếng “Chúa” đơn sơ, khi nó được thốt lên trong kinh nghiệm với tất cả niềm yêu mến.

Nơi các Kitô hữu, có hai hướng chính giải thích về ân sủng, đã được hình thành và vẫn luôn tồn tại, chúng ta cần biết đến hai hướng này để vượt qua. Ðặc điểm của hướng thứ nhất là phân biệt giữa ân sủng nội tại và ân sủng ngoại tại. Các Giáo Hội truyền thống, Công Giáo và Chính Thống, quan niệm ân sủng là một tham dự thực sự vào bản tính và sự sống của Thiên Chúa. Các Giáo Hội cải cách thì ngược lại, quan niệm, ít hay nhiều cứng nhắc tùy mức độ, ân sủng là sự qui gán công chính, làm cho con người nên công chính dưới mắt Thiên Chúa chứ không phải nơi chính mình, con người vẫn ở nguyên trạng, vẫn là tội nhân (simul justus et peccator). Cách nhìn của anh em Tin Lành về ân sủng hầu như chỉ dừng lại ở nghĩa đầu tiên, nghĩa là một ân huệ nhưng không, một hành vi tối thượng và đơn phương của Thiên Chúa, trong khi người Công Giáo và Chính Thống lại quan niệm về ân sủng cả theo nghĩa thứ hai (và đôi lúc hầu như chỉ theo nghĩa này!): ân sủng theo nghĩa vẻ đẹp và là ơn thánh hóa tạo nên tình trạng ân sủng nơi con người.

Bất đồng thứ hai phát xuất từ sự phân biệt giữa ân sủng bất thụ tạo (grâce incrée) và ân sủng thụ tạo (grâce crée), và đây là điều khiến cho người Công Giáo và Chính Thống đối lập với nhau, bên trong cách nhìn chung mà chúng ta vừa phác họa. Ðối với thần học Ðông Phương, ân sủng thực tế là chính hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn, nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng biến đổi và thần hóa con người, trong khi đối với thần học Công Giáo, nhất là sau Công Ðồng Trento, ân sủng trước tiên là một phẩm tính thụ tạo – ơn thánh hóa, và chính ơn này mới là điều kiện cho chính Chúa Thánh Thần và cả Ba Ngôi có thể hiện diện nơi linh hồn. Tuy nhiên, khác biệt này chỉ liên quan đến cách nhấn mạnh, cách nhìn, chứ không đụng chạm tới nền tảng giáo lý chung của hai Giáo Hội về ân sủng, nhất là nếu chúng ta dựa vào những bậc thầy vĩ đại như thánh Thomas Aquinô.

Ngày nay, chúng ta cần phải tìm lại sự duy nhất nền tảng mà mọi phân biệt chỉ làm sáng tỏ một khía cạnh của ân sủng, và nó cần tới sự đóng góp của những khía cạnh khác để tránh khỏi những thiên vị, tránh khỏi những cái nhìn bất túc.

Ngày nay, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng, sự khác biệt trong cách giải thích, do các truyền thống Kitô giáo khác, về một số mầu nhiệm như mầu nhiệm Ba Ngôi, sự hiện diện thực trong Bí Tích Thánh Thể, không phải là một mối đe dọa đối với chúng ta, mà thường khi lại bổ túc, làm cho thêm phong phú, như có sự quan phòng của Thiên Chúa, miễn là người ta biết từ bỏ thái độ muốn giải thích cái “nguyên nhân mô thức” (raison formelle) cũng như cách thức chính xác theo đó các mầu nhiệm Kitô giáo được thực hiện. Trong khoảng thời gian một vài thập niên, sự thay đổi thái độ và cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu đã phá bỏ rất nhiều hàng rào ngăn cách về vấn đề ân sủng. Ngày mà chúng ta không còn chia rẽ nhau về vấn đề ân sủng, nhưng nhờ ân sủng mà hợp nhất với nhau bằng một mối dây bền chắc hơn, ngày ấy dường như không còn xa lắm. Nguyên lý của chính Luther “vừa là công chính vừa là tội nhân” (simul justus et peccator)có thể dung hợp với truyền thống Công Giáo và Chính Thống, miễn là người ta hiểu chữ “simul” theo nghĩa “đồng thời” chứ không theo nghĩa “dưới cùng một khía cạnh” hay “cùng một cách”. Khi hiểu như thế, nguyên lý đó sẽ hữu ích trong việc làm sáng tỏ một dữ kiện hiển nhiên trong kinh nghiệm người Kitô hữu, đó là sự tồn tại thường xuyên của cái tôi ích kỷ, tội lỗi như một nền đen trong tâm hồn, ngay cả nơi người đã được công chính hóa. Nguyên lý này không muốn nói lên điều gì khác hơn là: “con người cũ”“con người mới” trên thực tế sống chung với nhau, ở mức độ khác nhau, nơi người đã chịu Phép Rửa. Ðó là một sự thực.

Như đã nói, ánh sáng ân sủng phát tán thành các màu khác nhau, nhưng ánh sáng vẫn đẹp ngay cả khi nó bị phát tán như thế, miễn là các màu của nó vẫn liên kết với nhau, như nơi quang phổ hay cầu vồng. Ánh sáng của ân sủng vẫn có thể rực rỡ trong toàn thể cho dù mỗi một Giáo Hội Kitô nhấn mạnh tới một khía cạnh đặc thù. Miễn là Giáo Hội đó không coi thường và bác bỏ những khía cạnh mà các Giáo Hội Kitô khác quý chuộng.

Việc chiêm ngắm Ðức Maria giúp chúng ta hôm nay tìm lại được đức tin trong tính duy nhất và tổng hợp của nó. Người là bức tranh về ân sủng còn nguyên vẹn, chưa bị chia cắt. Như chúng ta đã thấy, nơi Ðức Maria ân sủng có nghĩa là sự tràn đầy ân huệ của Thiên Chúa đồng thời là sự đầy tràn thánh thiện của bản thân; ân sủng là chính hiện diện của Thiên Chúa cách hết sức mạnh mẽ, một hiện diện vừa thể lý vừa tâm linh, và cuối cùng ân sủng là hiệu quả của hiện diện đó, nhờ nó mà Maria là Maria, xét về hiệu quả do hiện diện của Thiên Chúa tạo ra. Không một ai khác được như Ðức Maria, dù người đó có cùng một Thần Khí thánh hóa linh hồn mình.

V. VẺ ĐẸP CỦA NÀNG CÔNG CHÚA

Việc tái khám phá vị trí ưu tiên của ân sủng vượt trên tất cả giúp chúng ta tìm ra thái độ đúng đắn đối với Giáo Hội. Nhiều người ngộ nhận hoặc bác bỏ Giáo Hội, vì dưới mắt họ, Giáo Hội hầu như chỉ là một tổ chức nhân loại, với những lề luật, nghi thức và những khiếm khuyết, bất nhất của các thừa tác viên. Tuy nhiên, khi cố gắng sửa đổi lại quan niệm sai lầm như vậy, thường chúng ta không làm gì khác hơn là tạo lại chính sai lầm đó, bởi lẽ chúng ta tự đặt mình trên cùng một bình diện với các đối thủ, vốn không phải là bình diện của ân sủng, mà chỉ là và luôn luôn là bình diện của việc làm. Tôi tin chắc rằng Giáo Hội đau khổ hết sức và hiện đang mất đi rất nhiều con cái, mất đi rất nhiều mối thiện cảm vì đã không được nhìn như Người Mẹ đầy ân sủng và mang trách nhiệm đưa ân sủng đến cho con người, nhưng bị xem như một tổ chức nhân loại bao gồm những nghi thức, luật lệ, các thừa tác viên vốn chỉ là những con người, và để lôi ra ánh sáng các lỗi lầm, khiếm khuyết của họ thì có lẽ phải dành ra cả đời người. Khi nhìn Giáo Hội như thế, người ta có ảo tưởng là đã biết được Giáo Hội, trong khi điều họ biết thực ra chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Sự mập mờ đó tiếp tục tồn tại đôi khi lại do chính những người con Giáo Hội. Trọng tâm các tranh luận của chúng ta trong Giáo Hội thực tế là gì? Phải chăng là ân sủng Thiên Chúa? Không phải! Rất nhiều khi trọng tâm của các tranh luận là những điểm tựa, những sắp xếp, liên kết bên ngoài. Khi suy nghĩ, nhận định về các biến cố, mỗi người cố tìm cách làm sao để một cách nào đó, luôn luôn rút ra được mấu cớ, một điểm tựa cho mình, cho hệ thống tư tưởng của mình, bấy giờ người ta quên hẳn đi ân sủng Thiên Chúa, và Giáo Hội trở thành mục tiêu cho bao nhiêu phê phán, chỉ trích tầm thường.

Có hai cách căn bản để trình bày Giáo Hội cũng như toàn thể đời sống Kitô giáo. Cách thứ nhất là “cách hộ giáo và luận chiến” (manière apologétique et polémique), bảo vệ Giáo Hội bằng cách đối đáp lại bất cứ lời kết án nào của các địch thủ. Cách thứ hai là “cách rao giảng” (manière kerygmatique). Cách loan báo này hệ tại ở việc loan báo Tin Mừng ân sủng cách thanh thản, với niềm tin chắc chắn rằng có một sức mạnh nội tại ở nơi chúng ta, một sức mạnh vượt trên chính con người chúng ta. Chỉ có sức mạnh đó mới có thể “triệt hạ các đồn lũy, các lý luận và mọi kiểu dương dương tự cao tự đại chống lại sự biết Thiên Chúa” (x. 2Cr 10,4tt).

Một ngôi Vương Cung thánh đường cổ có thể được chiếu sáng bằng hai cách, cũng thế, có hai cách làm sáng tỏ đời sống Kitô giáo. Chẳng hạn như đối với những kiến trúc lịch sử trong các thành phố, người ta có thể chiếu sáng từ bên ngoài bằng những đèn chiếu từ những góc độ thuận lợi nhất; người ta cũng có thể dọi sáng từ bên trong, bằng cách mở ra các cánh cửa chính, cửa sổ để cho ánh sáng bên trong xuyên ra ngoài. Cả hai cách đều hữu ích, nhưng nếu trong cách thứ nhất, người ta chỉ làm sáng tỏ yếu tố lịch sử và nhân loại của Giáo Hội – các bức tường của tòa nhà – thì theo cách thứ hai, người ta làm sáng tỏ thực tại thần linh, thâm sâu của Giáo Hội, đó là ân sủng. Không phải chỉ soi sáng cơ chế mà còn làm rạng nên huyền nhiệm của Giáo Hội. Hộ giáo là cần thiết và có cả những vị thánh hộ giáo. Không nên gạt bỏ khía cạnh đó, nhưng cần nhớ rằng, nếu chỉ có khía cạnh đó thôi thì không đủ.

Cách chiếu sáng thứ hai, là để cho ân sủng bên trong Giáo Hội, khả năng tha thứ cũng như sức mạnh thần linh của nó tỏ lộ ra bên ngoài, và điều này được thực hiện qua những phương thế đặc biệt: loan báo, cầu nguyện, tha thứ, tình yêu, sự hiền dịu. Cách thức này đòi hỏi phải có đức tin, vì cần phải tin Ơn Chúa đang hiện diện và tác động, ngõ hầu chúng ta biết dựa vào ân sủng chứ không cậy dựa vào chứng minh của riêng mình. Khi làm như thế, người ta thường có thể thấy được các hiệu quả của nó. Lời Chúa như lưỡi gươm xuyên thấu tâm hồn con người, khiến người đó phải quỳ gối thần phục, trong khi nói suốt cả ngày để chứng minh, thuyết phục về một chân lý nào đó nhiều khi chẳng đem lại kết quả nào.

Sự khác biệt giữa hai cách nhìn Giáo Hội cũng y như sự khác biệt giữa hai cách nhìn tấm kính ghép màu của một ngôi thánh đường thời Trung Cổ, nhìn từ bên ngoài, từ đường lộ, và nhìn từ bên trong, đối diện với ánh sáng. Trong trường hợp thứ nhất, người ta nhìn thấy những miếng kính sẫm đen ghép lại với nhau nhờ các khung bằng chì, cũng đen sậm như thế. Trong trường hợp thứ hai, cũng chính tấm kính ghép màu đó khi được nhìn từ bên trong, thì là cả một bức lung linh những màu sắc, hình thể và những nét hài hòa, khiến ta phải thốt lên ngạc nhiên thán phục: Ồ! Tôi đã từng một lần kinh nghiệm điều đó khi viếng nhà thờ Chartes.

Ngay từ ban đầu, các Giáo Hội đã áp dụng cho Ðức Maria và Giáo Hội câu Thánh Vịnh “Tất cả vẻ đẹp của nàng công chúa đều toát ra từ bên trong” (ab intus) (Tv 45,14) theo bản văn mà các ngài biết đến lúc bấy giờ. Giáo Hội được đầy ân sủng và là thừa tác viện của ân sủng, thế nên vẻ đẹp và sức mạnh của Giáo Hội cũng vậy, đều phát xuất từ bên trong, từ ân sủng đầy tràn nơi mình. Ân sủng Giáo Hội như hạt ngọc trong con ngọc trai. Tuy nhiên có một sự khác biệt: ở đây không phải con trai tạo nên ngọc trai nhưng là viên ngọc tạo nên ngọc trai. Không phải Giáo Hội sinh ra ân sủng mà là ân sủng sinh ra Giáo Hội.[14]

Vào đầu thế kỷ, người ta tìm thấy bia ký của một Kitô hữu sống vào thế kỷ II, tên là Aberens. Bia ký này được xem là “nữ hoàng các bia ký Kitô giáo”, trên đó Aberens ghi khắc lại những kinh nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời mình bằng những ẩn ngữ, vì đang là thời bách hại. Trong một chuyến đi, trong số rất nhiều chuyến du hành của ông, ông được Giêsu, Vị “Mục Tử vĩ đại” đưa tới Roma. Vậy ông đã nhìn thấy gì tại Roma khiến nơi tâm hồn ông, cho đến lúc qua đời, vẫn đọng mãi nỗi cảm xúc? Ông đã nhìn thấy “hoàng cung và hoàng hậu phục sức bằng vàng”. Ông đã thấy “một dân tộc mang ấn rực rỡ” là Phép Rửa. Ông đã nhìn ngắm mầu nhiệm Giáo Hội, nét duyên kín đáo của Giáo Hội một cách mặc nhiên, ông cũng đã áp dụng cho Giáo Hội Thánh Vịnh 45, là Thánh Vịnh nói về hoàng hậu vận xiêm y “dệt gấm thêu vàng” cùng với các trinh nữ hầu cận tiến vào “tận hoàng cung”, và vẻ đẹp của nàng toát ra từ bên trong. Chắc chắn trong Giáo Hội Roma lúc bấy giờ cũng có những điều tệ hại, khiếm khuyết của con người, nhưng Aberens đã không dừng lại ở đó.

VI. ÂN SỦNG LÀ KHỞI ĐẦU CỦA VINH QUANG

Ðức Maria dẫn đưa chúng ta đến việc tái khám phá ân sủng, và điều này không những làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về Giáo Hội nói chung, mà còn thay đổi cả cách nhìn về đời sống của chúng ta. Nó bao hàm một lời kêu gọi hoán cải hết sức khẩn thiết và trực tiếp với mọi người. Ðối với rất nhiều người, vấn đề tôn giáo chỉ còn là vấn đề biết có hay không có đời sau, có hay không có điều gì đó đằng sau cái chết. Ðiểm duy nhất khiến họ cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với Giáo Hội, với đức tin, đó là mối nghi ngờ: “Nếu quả thực có điều gì đó sau cái chết?”. Từ đó họ nghĩ rằng, mục đích chính yếu của Giáo Hội là dẫn đưa người ta về trời để gặp Thiên Chúa, nhưng chỉ sau khi chết mà thôi. Ðối với niềm tin kiểu như thế thì lời phê phán của những người xem chuyện đời sau chỉ là một thứ chạy trốn, một sự phóng chiếu ảo tưởng những khát vọng không được thoả mãn của con người chúng ta, sẽ đắc thắng dễ dàng. Nhưng, những lời phê phán như vậy khó có thể chống lại lời rao giảng đích thực, trình bày ân sủng không phải như một sự chờ đợi hạnh phúc mai sau nhưng như một hiện diện và một kinh nghiệm về Thiên Chúa. Giáo lý về ân sủng vì thế vẫn là điều duy nhất có thể làm thay đổi tình trạng đáng buồn này.

Chúng ta đã biết đến một nguyên lý thần học: “Ân sủng là khởi đầu của vinh quang”.[15] Theo nghĩa nào? Ân sủng làm cho đời sống vĩnh cửu, một cách nào đó, khởi sự ngay trong hiện tại; ân sủng cho chúng ta nhìn thấy và cảm nếm Thiên Chúa ngay từ cuộc đời này. Tất nhiên “chúng ta đã được cứu thoát nhưng là cũng còn trong hy vọng” (Rm 8,24), nhưng “trong hy vọng” trước tiên không có nghĩa là “trong chờ đợi”, “trong dự kiến”, mà còn là và nhất là, như những khai ân, những hoa quả đầu tiên (prémices). Hy vọng Kitô giáo không phải là cái nhìn của linh hồn về điều gì đó rất có thể xảy ra hoặc linh hồn khát mong điều đó xảy đến; mà là một hình thức chiếm hữu, tuy còn tạm thời và bất toàn. “Người có được bảo chứng của Thần Khí và niềm hy vọng phục sinh thì xem mình đã chiếm hữu được điều mình trông đợi”.[16]

Ân sủng, đó là hiện diện của Thiên Chúa. Hai kiểu nói “đầy ân sủng”“Chúa ở cùng Người” diễn tả hầu như một thực tại. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người từ nay được biểu lộ trong Ðức Kitô và nhờ Ðức Kitô: Quả thực chính Ngài là Ðấng Emmanuel, Vị “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Ân sủng của Tân Ước có thể định nghĩa như thánh Phaolô: “Ðức Kitô ở giữa anh em, mối hy vọng vinh quang” (Cl 1, 27). Khi hiểu ân sủng như thế thì đời sống Kitô hữu có thể tìm thấy một hình ảnh tương tự, một biểu tượng nơi thời gian đính ước của người Do Thái, nơi tình trạng của Ðức Maria vào lúc truyền tin. Maria lúc bấy giờ đã chính thức là hôn thê của Giuse, và không ai có thể hủy bỏ hôn ước hay chia lìa Maria khỏi hôn phu của mình. Tuy nhiên Maria vẫn chưa về chung sống. Mối quan hệ giữa thời ân sủng và thời vinh quang, giữa thời của đức tin và thời hưởng kiến cũng như thế: chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Ðức Kitô rồi, dù rằng chúng ta vẫn chưa về ở bên Ngài.

Ân sủng là khởi đầu của đời sống vĩnh cửu, đó là niềm thâm tín của cả truyền thống, cần phải làm sống lại niềm thâm tín đó trong dân Kitô giáo, để họ không chỉ bằng lòng sống trong niềm hy vọng hoặc trong mối nghi ngờ, về một thế giới mai sau. Như lời của thánh Basile: “Chúng ta đã có những hoa quả đầu tiên của đời sống đó (đời sống mai hậu trong Ðức Kitô) – Chúng ta đã ở trong đời sống đó, bởi lẽ chúng ta đang sống hoàn toàn bởi ân sủng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta”.[17] N. Cabasilas viết: “Ngay từ bây giờ, các thánh được ân ban không những chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu mà còn được sống và hoạt động trong đời sống đó”. Cũng chính tác giả này đã sánh ví đời sống ân sủng với đời sống của một chiếc phôi đang thai nghén trong dạ mẹ. “Thế giới này thai nghén con người nội tâm, con người mới, được tạo dựng theo Thánh Ý Thiên Chúa, cho đến mức một khi đã được nắn đúc, hình thành và nên thành toàn nơi trần gian này, con người đó sẽ được sinh ra trong thế giới hoàn hảo, không bao giờ già cỗi. Như chiếc phôi, tuy còn ở trong nơi lỏng bỏng, tối tăm, nhưng đã được thân nhân chuẩn bị cho đời sống tương lai, đời sống ánh sáng. Ðời sống các thánh là như thế”.[18] Trong tương quan với đời sống vĩnh cửu, người Kitô hữu còn hơn là một bào thai. Trong dạ mẹ, bào thai không nhận được một tia sáng nào từ thế giới bên ngoài, còn đối với chúng ta, đời sống tương lai đã như tỏa ra và hòa quyện vào đời sống hiện tại. Ðối với chúng ta, mặt trời công chính là Ðức Kitô đã mọc lên, dầu Thần Linh là Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống trên tâm hồn chúng ta, hương thơm của nó đã tỏa ngát, và Thánh Thể, bánh của các thiên thần đã được ban để nuôi dưỡng con người. Ðó là những gì mà nguyên lý ân sủng, khởi đầu của vinh quang nói lên.

Elisebeth de la Trinité (Ba Ngôi), một tiếng nói gần với chúng ta hơn, đã làm vọng lại tiếng nói của Ðông phương khi chị viết: “Tôi đã tìm thấy trời cao trên trần thế này, vì trời cao đó là Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang ngự trong linh hồn tôi. Ngày mà tôi hiểu được điều đó, tất cả đều sáng lên đối với tôi và tôi mong muốn nói ra bí ẩn này cho những người tôi yêu mến”.[19] Như chúng ta thấy, đây là một xác tín phổ quát, chung cho cả Giáo Hội Chính Thống lẫn Giáo Hội Công Giáo. Nhờ sức mạnh của ân sủng, “thế giới bên kia” đối với chúng ta là một “thế giới bên trong”.

Người vô tín nghĩ rằng tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng chứ không là thực tại. Ðối với họ, thực tại là những gì người ta có thể chứng nghiệm được. Họ không ngờ rằng Thiên Chúa lại có thể là thực, còn thực hơn muôn ngàn lần tất cả những thực tại mà chúng ta nhìn thấy được. Bạn hãy thử cầu nguyện, thử có lòng tin, thử đón nhận những đau khổ của bạn, thử sống trong sự hiệp thông với các anh em khác và có lấy một kinh nghiệm đức tin sống động. Sau đó, bạn nói cho tôi xem liệu đối với bạn, tất cả những điều đó có còn là một ảo tưởng nữa không, hay ngược lại, đấy là những gì còn thực hơn những điều mà bạn gọi là thực tại.

VII. ÐỪNG ĐỂ ƠN LÃNH NHẬN TỪ THIÊN CHÚA RA VÔ ÍCH

Việc tái khám phá ân sủng còn khơi lên lời kêu gọi hoán cải, đặt cho chúng ta câu hỏi: tôi đã làm gì với Ơn Chúa, tôi đang dùng Ơn Chúa để làm gì? Ðiều này khiến tôi nhớ lại câu hỏi mà một thiếu nữ Do Thái bị mù, trong một vở kịch của Paul Claudel, vừa có ánh sáng đức tin: “Các bạn là những người sáng mắt, thế các bạn đang dùng ánh sáng để làm gì?”.[20]

Thánh Phaolô kêu mời các tín hữu: “Bởi được cộng tác với Người, chúng tôi khuyên nhủ anh em: đừng để ơn nhận lãnh từ Thiên Chúa ra vô hiệu” (2Cr 6,7). Bởi chưng, người ta có thể để Ơn Chúa “không sinh hiệu quả nào”, để Ơn Chúa ra hư luống, đáng sợ thay, vì ân sủng kéo theo trách nhiệm. Ðiều này xảy ra khi chúng ta sống không tương ứng với ân sủng lãnh nhận; khi chúng ta không vun xới ân sủng để nó sinh hoa quả các hoa quả của Thần Khí, các nhân đức. Thánh Phaolô nói, khi bạn khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Thiên Chúa và không nhận biết rằng: lòng nhân từ của Thiên Chúa thúc giục bạn hối cải, thì bạn tích chứa cho mình kho thịnh nộ trong ngày phán xét (x. Rm 2,4-5).

Thời thánh Tông Ðồ cũng đã có một số người tưởng có thể vừa sống trong ân sủng vừa sống trong tội. Thánh Phaolô trả lời cho họ: “Vậy ta sẽ nói sao? Ta hãy ở lại trong tội để được ơn gia tăng ư? Ðừng nói gở!”. Ngài còn nói: “Vậy thì sao? Ta phạm tội đi! Bởi ta không ở dưới luật, song là dưới ân sủng? Ðừng nói gở!” (Rm 6, 1-2.15). Không thể như thế được, vì như thế là đáp lại Ơn Chúa bằng sự vô ơn, là muốn sự sống và sụ chết cùng đội trời chung, một điều quái gở.

Mức độ trầm trọng nhất của việc để Ơn Chúa ra vô hiệu, đó là để mất Ơn Chúa do sống trong tội, trong tình trạng thất sủng với Thiên Chúa. Ðây là hiệu báo khủng khiếp về cái chết đời đời. Nếu quả ân sủng Thiên Chúa là khởi đầu của vinh quang, thì sự thất sủng, mất ân nghĩa với Thiên Chúa đã là sống như kẻ bị sa phạt, đã là lãnh lấy án phạt đời đời, cho dù ta chưa nhìn thấy và cảm nghiệm được rằng một thiệt hại như thế sẽ không thể nào đền bù được. Ðừng sống trong tình trạng mất ân nghĩa với Thiên Chúa dù chỉ một đêm thôi. Ðó là điều quá nguy hiểm. Kinh Thánh nói: “Ðừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (2Pr 4,26), nhưng điều còn hệ trọng hơn nữa, đó là đừng để mặt trời lặn mà cơn giận của Thiên Chúa vẫn chưa nguôi. Thánh Gioan Bosco đã làm cho một cậu bé ăn năn hối lỗi bằng cách nhét dưới gối của cậu một tấm giấy với dòng chữ: “Nếu đêm nay em chết?”.

Sống trong tội lỗi, không có ân sủng Thiên Chúa, đó là chết cái chết thứ hai và, than ôi! Có biết bao nhiêu xác chết vẫn đi lại trên các nẻo đường, các công trường của chúng ta. Ðôi khi, thậm chí họ như là hình ảnh của sức sống, của tuổi thanh xuân, trong khi ngược lại họ là những kẻ đã chết. Một người vô thần nổi danh, ngày kia khi được hỏi, tân thâm tâm ông cảm thấy điều gì, có cảm giác như thế nào lúc cuối đời, ông đáp: “Suốt cuộc đời, tôi sống với một cảm giác lạ lùng của kẻ đi xe không vé”. Tôi không rõ điều ông ta muốn nói đích xác là thế nào, nhưng chắc chắn rằng câu trả lời của ông ta là đúng. Sống không có Thiên Chúa, do từ khước ân sủng của Ngài, đó là ra đi trong cuộc đời mà không có vé, giây phút nào cũng có nguy cơ bị bắt, bị buộc phải xuống khỏi xe. Những lời của Ðức Kitô về kẻ bị phát hiện không mặc y phục lễ cưới trong phòng tiệc, đã phải câm miệng và bị tống ra ngoài (x. Mt 22,11tt) có cùng một ý nghĩa.

Chính vì thế, chúng ta cần phải làm nảy nở trong tâm hồn mình ý thức kinh sợ đúng mức, trước trách nhiệm của chúng ta đối với Ơn Chúa. Không phải chỉ gìn giữ mà còn vun trồng, làm cho ân sủng lớn lên, vì chúng ta có thể “tấn tới về ân sủng” như lời Kinh Thánh nói về Ðức Giêsu. Sau khi nói: “Và ơn Người xuống cho tôi không ra hư luống” (1Cr 15, 10). Ngài đã làm cho ân sủng sinh hoa kết trái. Ngài không những là người rao giảng vĩ đại về ân sủng mà còn là nhà vun trồng ân sủng vĩ đại. Ngài chỉ cho tất cả các nhà giảng thuyết Kitô giáo thấy rằng lời loan báo đầu tiên của Kitô giáo phải là lời loan báo về ân sủng, nhưng để có thể loan báo ân sủng, cần phải có kinh nghiệm về ân sủng, cần phải sống trong ân sủng. Một nhà giảng thuyết mà lại sống trong tội lỗi, giả sử như thế, thì sẽ là kẻ “vô nghĩa”. Một Linh Mục muốn phân phát ân sủng cho người khác trong khi chính mình lại lãnh nhận Ơn Chúa cách hư luống thì sẽ là một thảm kịch cho Giáo Hội. Ðã đành là các Bí Tích tác động bằng chính sức mạnh riêng của nó, dù thừa tác viên bất xứng, nhưng kinh nghiệm cho thấy hiệu quả của các Bí Tích thường là rất hạn chế: thụ nhân không hoán cải, không thay đổi đời sống. Kẻ sống trong tội lỗi thì không thể giúp người khác thoát khỏi tội lỗi.[21]

VIII. THÁNH MARIA ÂN SỦNG

Lời loan báo ân sủng còn mang lại sự can trường và niềm an ủi. Chúng ta sẽ suy nghĩ về những điểm này để kết luận phần suy tư của chúng ta. Maria được thiên thần mời gọi hãy vui lên vì ân sủng và đừng sợ cũng vì chính ân sủng đó. Chúng ta cũng được mời gọi sống như thế. Nếu Ðức Maria là hình bóng của Giáo Hội thì lời mời gọi “vui lên, hỡi đầy ơn phúc” là lời nói với mỗi tâm hồn. Và cả lời này nữa: “Ðừng sợ, vì người đã đắc sủng!”.

Ân sủng là lý do chính yếu niềm vui của chúng ta. Trong tiếng Hy Lạp, thứ tiếng đã được dùng để biên soạn Tân Ước, hai từ “ân sủng” (charis)“niềm vui” (charà) hầu như lẫn lộn với nhau: ân sủng là điều đem lại niềm vui. Vui mừng vì ân sủng là muốn nói rằng: “Ðặt niềm vui của mình ở nơi Chúa” (x. Tv 37,4) chứ không đặt ở nơi ai khác ngoài Ngài hay không có ngài: không yêu quí điều gì hơn là lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa.

Ân sủng cũng là lý do khiến chúng ta can đảm. Trước lời than vãn của Thánh Phaolô vì một cái dằm đâm vào thân xác, Chúa trả lời: “Ơn Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9). Ân sủng hay ân nghĩa của Thiên Chúa quả thực không như ân nghĩa của con người, vì rất nhiều khi ân nghĩa con người mất đi chính lúc người ta cần đến. Thiên Chúa vừa “ân nghĩa vừa tín thành” (x. Xh 34,6). Sự tín thành của ngài “được thiết lập trên trời” (Tv 89,3). Mọi người có thể từ bỏ chúng ta, ngay cả cha mẹ – lời một Thánh Vịnh – nhưng Thiên Chúa thì luôn luôn tiếp đón chúng ta (x. Tv 27,10). Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói: “Phúc ân cũng nghĩa tín theo dõi tôi, suốt mọi ngày đời tôi” (Tv 23,6).

Tiếp xúc với Ơn Chúa trong chúng ta, đó là điều chúng ta cần phải hết sức quan tâm mỗi ngày. Vấn đề không phải là tiếp xúc với một cái gì đó hay là một ý tưởng, nhưng là với một ai đó, bởi lẽ ân sủng, như chúng ta đã thấy, không gì khác hơn là “Ðức Kitô trong chúng ta, niềm hy vọng vinh quang”. Nhờ ân sủng mà ngay từ đời này, chúng ta có thể có “một sự tiếp xúc thiêng liêng nào đó” với Thiên Chúa, một sự tiếp xúc thực hơn nhiều so với sự tiếp cận mà chúng ta có thể thực hiện qua suy luận thuần lý về Thiên Chúa. Mỗi người có giờ phút riêng, có cách thức riêng mà mình yêu thích để sống tiếp xúc với Ơn Chúa, như một con đường sâu kín chỉ riêng mình biết: đó có thể là một tư tưởng, một kỷ niệm, một hình ảnh trong tâm hồn, một lời Chúa, một mẫu gương nhận được. Và mỗi lần là như về lại với nguồn suối, với trọng tâm và cảm thấy ân sủng lại bùng lên ngọn lửa. Chính trong ý nghĩa này mà Thánh Phaolô đã mời gọi môn đệ của ngài là Timôthê “khêu lên lại ân sủng Thiên Chúa” nơi mình (x. 2Tm 1,6).

Trong phần dẫn nhập dành cho hành trình hướng về sự thánh thiện, chúng tôi đã có nói muốn nhìn ngắm “những bước” khác nhau mà chúng ta nhận thấy trong cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria, để sau đó thực hiện và noi theo những bước đi đó trong cuộc đời chúng ta, vì chúng ta muốn đi vào “những thực hành thiêng liêng” chứ không đơn thuần là những bài nói chuyện thiêng liêng. Vậy ở cuối bước thứ nhất này, tức là cuối chương về đời sống Ðức Maria, đời sống ân sủng, chúng ta còn phải thực hành điều gì? Cần “thực hành” lòng tin, lòng biết ơn và niềm thán phục. Chúng ta cần phải tin vào ân sủng, tin rằng Chúa yêu thương chúng ta, rằng Ngài thực sự sẵn lòng với chúng ta, rằng nhờ bởi ân sủng mà chúng ta được cứu, rằng Chúa “ở cùng chúng ta” như đã ở cùng Ðức Maria. Chúng ta cần đón nhận Lời Chúa phán qua vị tiên tri của Ngài như là những lời nói với mỗi người chúng ta: “Còn ngươi, Israel hỡi, tôi tớ của Ta, Giacob, kẻ Ta đã chọn. Ðừng sợ vì có Ta ở với ngươi, chớ hãi, vì Ta là Thiên Chúa của ngươi” (Is 41,8-10). Ðừng sợ, vì ngươi đã đắc sủng!

Chúng ta đã hiểu đâu là bổn phận trước tiên và thậm chí là điều cần thiết đầu tiên nảy sinh nơi người đã lãnh lấy ân sủng: bổn phận tạ ơn, điều mà trong Kinh Thánh được diễn tả bằng lời chúc tụng, tôn dương Ðấng ban ơn, bộc lộ niềm cảm mến nồng nàn đối với Ngài. Hãy hát lên bằng lời Thánh Vịnh: “Quý thay ơn huệ của Người, lạy Thiên Chúa” (Tv 36,8). “Ơn Người quý hơn mạng sống” (Tv 63,4). Chúng ta sẽ thực sự thực hiện được một khám phá lớn lao, thậm chí là một khám phá về cuộc sống chúng ta, một “thực hành” có giá trị, nếu qua phần suy niệm này, ít nhất chúng ta thấy được thế nào là ân sủng của Thiên Chúa.

Có nhiều, rất nhiều đền thờ, nhà thờ người ta dành tôn kính Ðức Maria dưới tước hiệu “Thánh Maria ban ơn” (Sainte Marie des grâces). Ðây là một trong những tước hiệu được dân Kitô giáo yêu mến nhất, trong một số dịp, họ lần lượt kéo đến trước một bức tranh hay một bức tượng Trinh Nữ “các ơn”. Tại sao trước khi cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria, rồi đốt nến, khấn hứa, hay làm tuần cửu nhật để được các ơn đó, thường chỉ là những ơn vật chất, cho đời sống trần thế này, đó là những điều mà Thiên Chúa ban cho con người biết tìm Nước Thiên Chúa trước đã, còn Nước Thiên Chúa mới là ân sủng. Chúng ta sẽ khiến Ðức Maria trên trời vui mừng biết mấy, và việc tôn kính Ðức Maria tiến bộ biết bao nhiêu nếu chúng ta, dù không coi thường tước hiệu “Thánh Maria ban ơn”, biết tôn kính và cầu khấn Người dưới tước hiệu mà chính Lời Chúa đã mạc khải cho chúng ta: “Thánh Maria ân sủng” (Sainte Marie de la grâce).

 

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, số 2.

[2]Saint Grégoire le Grand, Homélies sur les Évangiles, XVII, 1.

[3]cf. K. Barth, Dogmatique, Ecclésiastique I, 2.

[4]Luther, Kirchenpostille (éd. Weimar, 10, 1, p. 140).

[5]S. Kierkegaard, Journal II A 10.

[6]Saint Augustin, La prédestination des saints 15, 30 (Pl 44, 981); Sermons 185, 3 (Pl 38, 999).

[7]Ch. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, dans (Euvres poétiques complètes, Paris, Gallimard, 1975, pp. 573).

[8]Ch. Péguy, Le mystère des Saints Innocents, dans (Euvres poétiques, op. Cit, pp. 804).

[9]Denzinger Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, Herder, 1967. N. 2803.

[10]Dante Alighireri, Paradis, XXXIII, 1.

[11]Saint Irénée, Contre les hérésies IV, 34, 1 (Sch 100, pp. 846).

[12]P. Pascal, Pensées, n. 793. Brunschvicg.

[13]cf. Anonyme, Le nuage de l’inconnaissance, Paris, Seuil, 1977, p. 40.

[14]St Jérôme, Lettre 107, 7 (Pl 22, 874); St Augustin, Sur les Psaumes 44, 29 (CC 38, p. 515).

[15]St. Thomas d’Aquin, Somme théologique II – IIae, p. 24, a. 2.

[16]St. Cyrille d’Alexandrie, Commentaire sur la deuxième lettre aux Corinthiens 5, 5 (PG 74, 942).

[17]St. Basile le Grand, Homélirs 20, 3 (PG 31. 531).

[18]N. Cabasilas, La vie dans le Christ I, 1 – 2 (PG 150, 496).

[19]Bse Élisabeth de la Trinité, Lettre 107.

[20]P. Claudel, Le Père humilié, acte I, SC. 3, dans Théâtre, II, Paris, Gallimard, 1956, p. 506.

[21]St. Augustin, Sermon 52, 6, 16 (PL 38, 360).