Thiên Chức Làm Mẹ Của Đức Maria Trong Phạm Vi Ân Sủng

0
971


J. Galot, S.J.

 

Khi nói về thiên chức làm Mẹ của Đức Maria, hiển nhiên, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) đã thận trọng đặt thiên chức này trên bình diện siêu nhiên. Khi kể ra những công việc của Mẹ đã thực hiện, Hiến chế cho thấy rằng: chính thái độ tâm hồn của Mẹ đã đem lại cho những công việc đó một giá trị cao siêu: “Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh, và cùng đau khổ với con mình chết trên thập giá. Đức Maria đã cộng tác rất đặc biệt trong công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người thật là Mẹ chúng ta.” (LG 61).

Chúng ta thấy thiên chức làm Mẹ (thiêng liêng) của Đức Maria trong phạm vi ân sủng được thiết lập như thế nào?

Không đơn thuần chỉ bằng những hành vi tự nhiên của tình từ mẫu, nhưng là bằng thái độ nội tâm kết hợp linh hồn Mẹ với Thiên Chúa: đó là đức tin, đức cậy, đức ái, đức tuân phục. Thậm chí đức tuân phục còn được đưa lên hàng đầu, mặc dù nhân đức đó thường không được kể vào số các nhân đức đối thần, nhưng thực tế, nó bảo đảm sự lệ thuộc đối với Chúa Giêsu, Đấng làm cho thiên chức làm Mẹ thiêng liêng của Đức Maria trở thành điều có thể. Thiên chức này, hệ tại việc thông chuyển ân sủng, phải múc lấy chất bổ dưỡng cho mình nơi chính Thiên Chúa và tiếp nhận từ Người tất cả những gì mà thiên chức đó chuyển lại. Thiên chức làm Mẹ của Giáo Hội cũng theo cách thức đó, được đặt nền trên sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Hiến chế tiếp tục mô tả thiên chức làm Mẹ trên phạm vi ân sủng: “Trong kế hoạch ân sủng, Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ, từ khi Người tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Người đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Người trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Người vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình mẫu tử, Người chăm sóc những người anh em của Con của Người đang lữ hành trên đường dương thế và đang gặp bao nguy hiểm thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời.” (LG 62)

Vậy, Giáo Hội phải có một thiên chức làm Mẹ như thế đi theo mình trong suốt dòng lịch sử, hầu giúp Giáo Hội đạt tới sự trưởng thành viên mãn trong ngày cuối cùng, ngày quy tụ tất cả những người được chọn. Thiên chức làm Mẹ này hàm chứa một sự ân cần đầy tình mẫu tử, hằng quan tâm tới những nhu cầu thiêng liêng của con người và một sự cầu bầu liên lỉ để thông chuyển ân sủng cho họ. Hơn nữa, nó còn nói lên sự cộng tác của Đức Maria vào việc sinh ra các tín hữu và nhân đó chứng tỏ rằng: đó là chức làm mẹ đích thực. Hiến chế đã ghi nhận điều này xa hơn: “Mẹ đã sinh ra người Con mà Thiên Chúa đã đặt làm trưởng tử giữa nhiều anh em” (Rm 8,29), nghĩa là trong các Kitô hữu mà Người cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ. (LG 63). Người Mẹ là người đàn bà sinh con, sau khi đã sinh Chúa Con, Đức Maria đã cộng tác vào việc sinh hạ những anh em của Con của Người.

Trong Đức Maria, thiên chức làm mẹ của Giáo Hội bắt đầu được phác họa. Để mô tả điều này, Hiến chế dùng những từ ngữ nhấn mạnh sự tương tự giữa Mẹ Giáo Hội và Mẹ Chúa Kitô: “Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Đức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội, vì trung thành lãnh nhận Lời Thiên Chúa nên cũng được làm Mẹ; thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép rửa, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt.” (LG 64)

Như thế, thiên chức làm Mẹ của Giáo Hội nối dài và họa theo thiên chức làm Mẹ của Đức Maria: đón nhận Lời trong sự vâng phục và trung tín, thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, sinh ra do Chúa Cha.

Người ta sẽ thấy ngay rằng: có cái gì mang tính chất phụ nữ sâu xa nơi khía cạnh này của Giáo Hội. Thiên chức làm mẹ không phải là yếu tố phụ thuộc, ngẫu nhiên, mà nó nằm ngay trong thực tại cốt yếu của Giáo Hội, bởi vì nó liên hệ tới việc thông ban ân sủng và sự sống thần linh cũng như việc hạ sinh các Kitô hữu. Nhưng người ta chỉ hiểu được thế nào là thiên chức làm Mẹ trong khuôn mặt của người phụ nữ, thậm chí, tình mẫu tử thiêng liêng cũng không giống với tình phụ tử, vì tình Mẹ thì mang những sắc thái riêng của người phụ nữ.

I. Ý NGHĨA THIÊN CHỨC LÀM MẸ TRONG MẠC KHẢI

Tại sao Giáo Hội lại mang một khuôn mặt một người phụ nữ trong việc chuyển thông ân sủng của Thiên Chúa như thế? Bởi vì thiên chức làm Mẹ đã được ủy thác cho Giáo Hội theo tình phụ tử của Thiên Chúa. Người ta sẽ có thể tự hỏi tại sao ở đây chúng ta lại phải đề cập tới một thiên chức làm Mẹ thiêng liêng? Sự sinh sôi nảy nở của Giáo Hội phải chăng không được biểu thị đầy đủ trong hình ảnh người nam đầy tình phụ tử hay sao?

Lý do trước hết có sự hiện diện của khuôn mặt người nữ với sự sinh sôi nảy nở thiêng liêng trong Giáo Hội, nằm ngay trong tương quan chặt chẽ giữa cái phát nguyên và cái tương tự, giữa thiên chức làm mẹ của Đức Maria và của Giáo Hội như ta vừa thấy điều đó trong bản văn của Hiến chế. Giáo Hội là Mẹ, bởi vì Đức Maria là Mẹ. Đức Kitô đã không có người cha nhân loại, nhưng Người đã có một người Mẹ, người Mẹ này, trước tiên là Đức Trinh Nữ Maria và sau đó là Giáo Hội.

Lý do thứ hai có sự hiện diện của khuôn mặt phụ nữ trong thiên chức làm Mẹ, đó là vì Giáo Hội, trước tiên, là Hiền Thê của Chúa Kitô, và vì phẩm cách của người vợ sẽ dẫn tới phẩm cách của người Mẹ. Là Hiền Thê, Giáo Hội bổ túc cho hoạt động của Chúa Kitô bằng một sự gắn bó riêng tư là một đặc điểm riêng của người phụ nữ. Đóng vai một người Mẹ, Giáo Hội có thể được hiểu như một sự bổ túc khác, nhưng lần này là một sự bổ túc trong việc mạc khải Chúa Cha trên trời. Thực ra, Chúa Cha mang nơi mình cả tình cha lẫn tình mẹ, Người thể hiện đồng thời nơi chính mình cả tình phụ tử lẫn tình mẫu tử. Nhưng sự biểu lộ cụ thể mà nhờ đó chúng ta biết được Người là sự biểu lộ của tình phụ tử, và tất nhiên, tình phụ tử này mặc vẻ bề ngoài của một người nam. Chúng ta gọi và phải gọi Người là Cha. Ngay cả khi chúng ta biết rằng: nơi Người có cả sự dịu hiền và lòng khoan dung của người Mẹ, thì theo cái nhìn của chúng ta, Người vẫn mang một khuôn mặt của người cha, và Người sẽ giữ mãi như thế đối với các Kitô hữu.

Từ đó, khuôn mặt hiền mẫu là điều đáng mong ước trong Giáo Hội để mang lại cho việc thông ban ân sủng một khía cạnh bổ túc cho khía cạnh phụ tử của Thiên Chúa. Hoặc nếu muốn, người ta có thể nói: là để tình phụ tử của Thiên Chúa có thể trở thành hoàn toàn hiểu được đối với con người, và tình phụ tử đó có thể được mạc khải cho họ trong ân huệ được tham dự vào sự sống thần linh, thì tình phụ tử này, một đàng phải được biểu lộ như tình của người cha, đàng khác, phải được phản chiếu trong sự hiện diện của người mẹ. Sự liên kết giữa hai khía cạnh này sẽ cho ta thấy thực tại tối thượng của Thiên Chúa Cha.

Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria là phản ảnh tình phụ tử của Thiên Chúa. Do sự kiện chúng ta có một người Mẹ trong lãnh vực ân sủng, chúng ta hiểu rõ hơn một số khía cạnh của tình phụ tử nơi Thiên Chúa đang chảy tràn trên chúng ta.

Phải hiểu đúng ý nghĩa của sự bổ túc này. Hẳn nhiên là Chúa Cha, do sự hoàn hảo thần linh của Người, không cần và không thể có sự bổ túc nào. Tình phụ tử của Người chứa đựng cách trổi vượt tất cả những đặc điểm mà chúng ta khám phá thấy nơi tình cha và tình mẹ nhân loại. Tình phụ tử do đó sung mãn vô cùng. Nhưng trong việc mạc khải chính mình và trong sự ban ơn cho con người, Chúa Cha đã muốn có sự cộng tác của một tình mẹ nhân loại. Tình mẫu tử này bổ túc cho hình ảnh mà Người đã ban cho chúng ta trực tiếp hơn về tình phụ tử của Người. Hơn nữa, tình mẫu tử đó hoàn toàn phát sinh từ tình phụ tử của Thiên Chúa và nhằm thể hiện tình phụ tử này đến nỗi không hề có chút cạnh tranh.

Đó là một trong những lý do cho thấy: trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Kitô vừa là con Thiên Chúa, vừa là con Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm này vén mở cho con người thấy tình phụ tử của Thiên Chúa nhưng kèm theo một tình mẫu tử nhân loại. Tình mẫu tử này hoàn toàn được tiếp nhận từ tình phụ tử của Thiên Chúa, nhưng nhằm bổ túc cho sự thể hiện tình phụ tử đó. Không có Đức Trinh Nữ Maria, các Kitô hữu sẽ hiểu rất ít những sắc thái của tình phụ tử của Thiên Chúa.

Thực vậy, người nào đã có kinh nghiệm về sự hiện diện và âu yếm của người mẹ, nhất là trong thời thơ ấu của mình, thì càng thấy rõ rằng: tình mẫu tử là điều không thể thay thế, bởi vì nó có cả một sự phong phú độc đáo và những phẩm cách nổi bật mà người ta không thể đơn thuần thay thế bằng một tình cha. Xét về mặt thể lý và tinh thần, người mẹ gần gũi với đứa con hơn. Do tình mẫu tử, bà hòa hợp với con cách sâu xa, thường bị thu hút và san sẻ nhiều hơn người cha trong tình phụ tử. Hơn nữa, cách thức yêu thương, suy nghĩ và hành động của người phụ nữ cũng khác.

Trong phạm vi ân sủng, sự đóng góp của tình mẫu tử, trước tiên được bảo đảm là nhờ Đức Trinh Nữ Maria, sau đó là nhờ Giáo Hội. Sự đóng góp này giúp chúng ta thấy được tình phụ tử của Thiên Chúa gần gũi với chúng ta hơn, đó là một ân huệ trọn vẹn hơn của Chúa Cha trong sự chăm sóc liên lỉ, trong sự dịu hiền, khoan dung và thương xót hơn đối với sự khốn cùng của chúng ta. Như thế, Mẹ Giáo Hội cũng như Mẹ Maria Nữ Trinh, làm sáng tỏ mầu nhiệm tối cao chi phối toàn bộ chương trình cứu độ, mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha. Về phương diện này, người phụ nữ cần thiết cho sự mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.

II. NÉT PHONG PHÚ TRONG SỰ THÁNH THIỆN CỦA NGƯỜI NỮ

Thiên chức làm Mẹ thiêng liêng của Giáo Hội không còn trừu tượng nữa. Sau khi đã mặc lấy hình thức cụ thể đầu tiên nơi Đức Trinh Nữ Maria, tình mẫu tử đó tiếp tục được cụ thể hóa trong thiên chức làm Mẹ thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho người phụ nữ trong cộng đồng Kitô giáo.

Trong hôn nhân, người ta khẳng định rằng, do địa vị làm mẹ, người phụ nữ tự bản chất, được hoàn chỉnh hơn người đàn ông với tình phụ tử.

Trong phạm vi ân sủng, người nữ cũng sẽ tìm thấy sự hoàn tất của mình trong thiên chức làm Mẹ thiêng liêng. Nếu bản chất của người nữ là hướng đến chỗ làm mẹ, thì họ càng rất thích hợp để tham dự vào chức làm Mẹ của Giáo Hội và trong sự tham dự này, họ sẽ đạt tới một sự triển nở sung mãn về mặt thiêng liêng.

Người ta phải nói về chính Giáo Hội rằng: Giáo Hội là vợ để làm mẹ. Giáo Hội được kết hợp với Chúa Kitô để đón nhận từ Người khả năng sinh nở, để rồi sinh ra những con cái của Thiên Chúa, đồng thời làm cho ân sủng phát triển trong họ.

Những dữ kiện khác nhau mà nhờ đó chúng ta nói lên tính chất đời sống Giáo Hội, là những đặc trưng của một tình yêu hướng tới chỗ sinh hoa kết quả.

Một khi người phụ nữ chấp nhận những dữ kiện này trong cách sống của mình, và họ cố gắng sống bằng một tình yêu của người vợ, bằng một sự gắn bó riêng tư với Chúa, họ sẽ đón nhận từ Chúa Kitô khả năng sinh sản thuộc lãnh vực siêu nhiên trong sự thông phần với toàn thể Giáo Hội.

Nếu người phụ nữ, đặc biệt được mời gọi vào đời sống thân mật với Thiên Chúa, họ sẽ không bị đóng kín trong đó, bởi vì một tình yêu sâu kín nhất hướng về Chúa Cứu Thế sẽ mặc lấy một chiều kích Giáo Hội, dưỡng nuôi Giáo Hội và tỏa ra cho những phần tử khác của nhiệm thể Chúa Kitô.

Khả năng sinh sản này, tự bản chất, là vô hình, bởi vì nó thuộc lãnh vực siêu nhiên và hệ tại việc ban phát và làm phát triển sự sống thần linh nơi các linh hồn. Dù giác quan không đạt thấu, nhưng một thiên chức làm mẹ như thế lại càng sâu xa hơn.

Đặc ân cao cả này đã được ban tặng cho Đức Trinh Nữ Maria để Người đem đến cho thế giới này chính nguồn sống cải tạo mọi sự. Đặc ân ấy được thông ban thực sự, tuy có giới hạn cho bất kỳ người phụ nữ Kitô giáo nào biết mở rộng lòng đón nhận sự sống Chúa Kitô, chỉ cần người phụ nữ này bắt chước thái độ của Đức Maria khi được ban tặng cho thiên chức làm mẹ. Hiến chế tuyên bố: “Bởi lòng tin và vâng phục, Người đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian.” Chức làm mẹ trong phạm vi thể xác này tuyệt đối độc nhất, nhưng trên bình diện siêu nhiên, nó được san sẻ với mức độ nào đó cho bất kỳ một phụ nữ nào tin và vâng phục theo gương Đức Maria. Một thiên chức làm mẹ ban Chúa Kitô cho thế giới, và tuôn đổ sự sống của Người cho nhân loại được đặt nền trên lòng tin và sự thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Ở đây, người ta có thể nhớ lại lời tuyên bố của chính Chúa Giêsu: “Mẹ và anh em Ta là những người lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa.” Một khi đã công nhận: người phụ nữ được mời gọi cách mãnh liệt hơn tham dự vào sự sống tiềm ẩn trong Giáo Hội, người ta có thể nghĩ rằng họ ít gây được ảnh hưởng và hiệu năng hơn. Trái lại, nếu lòng tin và sự vâng phục được kèm theo một thiên chức làm Mẹ thiêng liêng, người ta sẽ hiểu rõ hơn rằng: sự thánh thiện của người phụ nữ là một sự phong nhiêu tuyệt diệu, họ đóng góp cách mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của Giáo Hội và làm phát triển sự sống Chúa Kitô trong nhân loại, dù thế giới không hề biết đến, cũng như lòng tin và sự vâng phục của Đức Maria cũng không hề được biết đến.

III. THIÊN CHỨC LÀM MẸ TRONG NHỮNG VIỆC BÁC ÁI

Cùng với thiên chức làm mẹ vô hình, hệ tại những hoa trái tinh thần và sự giải chiếu kín ẩn của sự thánh thiện, còn có một thiên chức làm mẹ khả giác hơn. Cách thức cảm kích nhất của thiên chức này hệ tại các việc bác ái. Những công việc này đàn ông cũng có thể làm, nhưng thường thì sự tham gia của phụ nữ thì đáng kể hơn. Những công việc này làm tỏ hiện sự trung thành và tình cảm làm mẹ của người phụ nữ.

Nhất là với tính cách người phụ nữ, Giáo Hội đã mang lấy bộ mặt từ mẫu đối với những người nghèo, bệnh tật, mồ côi, già cả, xấu số và tất cả những ai cần giúp đỡ. Nếu một lúc nào đó, bằng suy tư, người ta loại bỏ đi hàng loạt những công việc bác ái được những cộng đoàn phụ nữ đảm nhận, thì người ta cũng làm biến mất ở nơi Giáo Hội khía cạnh cảm động nhất của thiên chức làm mẹ của Giáo Hội, dấu chứng cảm động nhất của Giáo Hội về tình yêu của Đức Kitô đối với nhân loại.

Trong các Tin Mừng, có một chi tiết cho thấy Mẹ Đức Giêsu đã bày tỏ lần đầu tiên lòng bác ái của một người Mẹ như thế nào.

Việc can thiệp của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana được thúc đẩy do ý muốn giúp đỡ những người nghèo. Hiến chế Lumen Gentium xác định: “Vì động lòng thương” nên lần đầu tiên Mẹ đã cầu xin đến “những dấu chỉ của Đức Giêsu Thiên Sai” (số 58). Trong những tranh luận về chủ đề này của bản văn, có một vài nghị phụ xin không nên nhấn mạnh đến lòng thương xót, vì lẽ trong trình thuật của Tin Mừng không có điều đó. Tuy nhiên, dụng ngữ: “Vì động lòng thương” vẫn được giữ lại, đó như sự giải thích đúng đắn ý định hiển nhiên của Đức Maria trong trường hợp đó. Đức Nữ Trinh đã động lòng vì thấy thiếu rượu, nói lên sự nghèo khó của đôi tân hôn. Và lòng trắc ẩn của Mẹ đã được chuyển thành một sự can thiệp có hiệu quả. Trong thái độ của Đức Maria, người ta thấy rõ sự ân cần thực sự của người Mẹ đối với những người yếu đuối, nghèo khổ, nghèo khó, bất hạnh, những người gặp khó khăn hay tai nạn, sự ân cần đầu tiên đó sau này mới được nhận ra do lòng sùng tín của người Kitô hữu.

Trong những việc bác ái, có một việc nhắc lại cách trực tiếp hơn một trong những chi tiết nói lên thái độ của Đức Giêsu ở giữa con người: sự chăm sóc bệnh nhân. Trong thời kỳ rao giảng, Chúa Cứu Thế đã biểu lộ lòng thương yêu đối với bệnh nhân, và để chữa họ, Người thực hiện nhiều phép lạ. Qua đó Người mạc khải ý định của mình là đến cứu chữa tất cả những người khốn khổ. Ý muốn chống lại cái xấu tinh thần là tội lỗi được thấy rõ trong những dấu hiệu khả giác của việc chống lại bệnh tật thể xác.

Ở đây, chúng ta sẽ thấy người phụ nữ đóng góp như thế nào vào mầu nhiệm Nhập Thể được kéo dài trong mầu nhiệm Giáo Hội. Tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện chữa lành kỳ diệu của Đức Kitô được thực hiện. Tình yêu đó tiếp tục được tỏ hiện trong rất nhiều cử chỉ tận tình của những phụ nữ đã nhân danh Đức Kitô, nghiêng mình trên những bệnh nhân. Ở đây, có một chức vụ đặc biệt dành cho nữ giới; vì nếu nghề thầy thuốc dành cách đặc biệt cho đàn ông, thì thông thường, việc săn sóc bệnh nhân chắc phải trao cho các nữ điều dưỡng. Sự săn sóc này phù hợp cách thâm sâu với bản tính làm mẹ của nữ giới. Trong phạm vi ân sủng, và trong đời sống Giáo Hội, chức vụ làm mẹ được kích thích bởi lòng bác ái Kitô giáo và dưới một thứ ánh sáng mới, chức vụ này sẽ làm người ta nhận ra lòng nhân từ của Đấng Cứu Thế đang khao khát làm giảm bớt và chữa lành những thân xác khốn khổ. Lòng nhân từ này, đích thực có cái gì là của phụ nữ và của người Mẹ, nó bổ túc cho sự thể hiện của tình yêu và là chứng tá của một số khía cạnh trong lòng thương xót mà Đức Giêsu, dù vẫn ý thức về bản tính nhân loại và sứ vụ của mình, cũng không mấy khi tỏ lộ.

Sự chăm sóc bệnh nhân có giá trị như những việc bác ái khác. Chúng hoàn tất hay kéo dài mầu nhiệm nhập thể, bằng cách làm cho tình yêu của Thiên Chúa đi đến với con người dưới hình thức đánh động nhất là sự âu yếm của người mẹ. Chúng cũng bày tỏ mầu nhiệm tình phụ tử của Thiên Chúa, như lòng thương xót của Đức Maria tại tiệc cưới Cana đã biểu lộ trong trái tim người nữ lòng “tốt tuyệt hảo” của “Cha đầy lòng thương xót.”

IV. TRONG VIỆC GIÁO DỤC

Chúng ta không cần phải trở lại với sự quan trọng của chức vụ dưỡng dục được trao phó cho Đức Maria, chức vụ chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế nhận lãnh sứ vụ của Người. Trách nhiệm giáo dục của Đức Maria là mẫu mực cho mọi sự giáo dục cho hậu thế: sự hình thành đời sống nhân loại của Đức Kitô, đó là đối tượng của thiên chức làm Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là đối tượng của mọi thiên chức làm Mẹ Kitô giáo.

Bí tích hôn nhân nhằm giúp chức làm mẹ nhân loại tham dự vào thiên chức làm mẹ của Giáo Hội. Sau khi đã đề cao sự hợp nhất vợ chồng như là mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, bí tích này siêu nhiên hóa sự sinh sản trong sự hiệp nhất bằng cách hội nhập nó vào mầu nhiệm sinh sản của Giáo Hội.

Do đó, tất cả mọi phụ nữ Kitô giáo, trong hôn nhân, trở thành mẹ và qua đó là dấu chỉ của thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Giáo Hội và được mời gọi để cộng tác vào sứ vụ giáo dục lớn lao của Giáo Hội.

Thực ra, giáo dục là một chức vụ của các cha mẹ và cũng thuộc về cha mẹ của đứa trẻ. Nơi người mẹ, thân xác đứa trẻ được hình thành và bà mẹ là người được trao cho trách nhiệm trực tiếp hơn để hướng dẫn sự phát triển của những năm đầu đời, để ý đến sự mở mang đầu tiên của tâm hồn. Bà mẹ có nhiệm vụ làm cho đứa trẻ tiếp xúc với Thiên Chúa, nhận biết Chúa Giêsu và Mẹ Người, bập bẹ những lời cầu nguyện. Những nghiên cứu về các yếu tố vô thức trong tâm lý học và về giai đoạn phát triển ý thức cho phép chúng ta thẩm định tốt hơn giá trị của việc giáo dục khởi đầu này. Khi hướng dẫn đứa trẻ vào thế giới tinh thần và làm cho nó tập nhiễm rất sớm những thói quen tôn giáo, người Mẹ in sâu vào trong nó một định hướng sống, đánh dấu cách sâu xa tất cả cuộc hiện sinh.

Trong những năm sau, ảnh hưởng của người mẹ tuy vẫn còn, nhưng ít tác dụng hơn. Vì bầu khí gia đình phần lớn do công người phụ nữ, nhưng người mẹ sẽ góp phần đặc biệt vào phẩm chất cho môi trường luân lý và tôn giáo, nơi đó đứa trẻ lớn lên và hình thành nhân cách của nó. Nhiều người có thể quả quyết rằng họ đã ơn Mẹ, nhất là những chuẩn bị về mặt tâm hồn.

Cùng với việc giáo dục của người mẹ trong gia đình, sự giáo dục Kitô giáo được trao cho các bậc tu hành, các giáo lý viên và các nhà giáo dục khác cũng không phải là sự biểu lộ không quan trọng thiên chức làm Mẹ của Giáo Hội. Biết bao tâm hồn tận tâm của người phụ nữ đã dấn mình vào con đường này. Khi hiến mình cho việc giáo dục tôn giáo, phụ nữ đã đưa đến cho những tâm hồn trẻ thơ hơn sự hăng say của niềm tin.

Người ta đã phải lưu tâm đến tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục này. Nó nhằm xây dựng Giáo Hội. Tất cả tương lai của Giáo Hội đặt hy vọng nơi thanh niên và trẻ thơ. Thời kỳ hình thành nhân cách cũng là thời kỳ lý tưởng để hình thành một người Kitô hữu. Đến tuổi trưởng thành, khi việc giáo dục nhân bản đã kết thúc trong những nét thiết yếu, lúc dó mới bắt đầu đi vào đời sống Kitô hữu là điều rất khó khăn, và có nguy cơ không định hình được cách đầy đủ những khuynh hướng sâu xa của nhân cách. Chắc chắn luôn luôn có hoán cải, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Việc Kitô giáo hóa một thế hệ bình thường, chỉ đạt được nhờ sự giáo dục thấm nhiễm toàn bộ sự tăng trưởng nhân cách và làm cho những nguyên lý Kitô giáo ăn sâu vào lứa tuổi có tâm hồn nhạy cảm, rất có năng lực hấp thụ đạo lý và luân lý, đồng thời cũng sẵn sàng để được giáo dục. Với tư cách này, việc giáo dục của phụ nữ là một trách nhiệm lớn lao trong việc kiến thiết Giáo Hội ngày mai.

V. SỰ HIỆN DIỆN VÀ SỰ GỢI HỨNG

Khả năng sáng tạo thường được gán cho các ông, nó không chỉ chống lại khả năng hòa đồng của phụ nữ: quả thật, người phụ nữ không chỉ tiếp nhận, nàng còn có sứ mạng gợi hứng. Nàng cũng rất thường là nguyên nhân cho những công việc do chính các ông điều khiển, không kể ảnh hưởng thầm kín của các nàng trên sự khởi đầu và diễn tiến của các công việc này. Do khiếu trực giác, nàng nhận ngay đường hướng phải theo, rồi do tài giao tiếp cá nhân, nàng giỏi đề nghị đường lối giải quyết và thúc giục hoạt động theo hướng này.

Trong trật tự siêu nhiên, khả năng gợi hứng của phụ nữ được Thiên Chúa tôn trọng và sử dụng để thực hiện công cuộc cứu độ. Ở đây, chi tiết của tiệc cưới Cana được sáng tỏ. Chúng ta tìm thấy ở đó kiểu mẫu cho sự gợi hứng của người phụ nữ. Đức Maria đã đề nghị Đức Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên. Từ ngữ được Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) dùng để thuật lại việc can thiệp của Đức Maria đáng được lưu tâm. Người ta đã dịch: Đức Maria đã “được nhận lời” vì sự cầu bầu của Người mà Đức Giêsu đã khai mở những phép lạ của Người. Nhưng từ “Obtenir” của tiếng Pháp không thể diễn tả hết những sắc thái của động từ “Induxit” trong La ngữ: Đức Maria đã giới thiệu (“induxit”) phép lạ đầu tiên. Động từ này biểu thị rằng người ta dàn xếp để một người nào đó làm một việc gì do sự thuyết phục hay khuyên dụ. Vì thế, nó phù hợp để nói lên tính chất gợi hứng của người phụ nữ cho một hành động.

Nếu nhớ lại trình thuật Tin Mừng, chúng ta thấy sự dịu dàng nơi Đức Nữ Trinh. Trong thái độ của Mẹ bên Chúa Giêsu, Mẹ không nói lên chính yêu cầu của Mẹ, mà chỉ bày tỏ hiện trạng: “Họ hết rượu rồi.” Mẹ để Chúa tự hiểu ước vọng của mình và đề nghị một phép lạ giải quyết vấn đề, nhưng không có sự giải thích nào hết, vì tôn trọng sự tự do và quyền tối cao của Đấng Cứu Thế; và Chúa đã đáp ứng qua lời Mẹ gợi ý. Mẹ tiếp tục bày tỏ cách kín đáo ý định của Mẹ khi đi về phía những người giúp việc căn dặn họ tuân theo lời Đức Giêsu, mặc dù Mẹ chưa nắm rõ ý định của con mình. Mẹ tỏ rõ tính cách tế nhị và tôn trọng khi tránh nài nỉ với Chúa Giêsu. Qua việc hoàn tất phép lạ, Chúa Giêsu chứng tỏ sự tán dương của Người về thái độ của Mẹ và làm nổi bật giá trị gợi hứng của người phụ nữ, nguồn gốc của hàng loạt những phép lạ trong cuộc đời công khai của Người.

Từ đó, sự gợi hứng của phụ nữ vẫn tiếp tục đóng vai trò trong đời sống Giáo Hội. Nó được thực hiện ngay trong những lãnh vực thuộc các ông: trong những việc cai trị hay trong những quyết định thuộc phạm vi phụng tự. Ước gì người ta đừng hiểu lầm ý nghĩa của việc can thiệp này: đối với phụ nữ, không phải là thay thế đàn ông trong những chức vụ nhất định, cũng không phải là chia sẻ với người nam trong việc thi hành bổn phận của họ, nhưng đơn thuần chỉ là gây ảnh hưởng và khích lệ người nam thực hiện công việc trong đường hướng nhất định.

Chúng ta còn có thể đưa ra những mẫu gương gợi hứng của người phụ nữ: điển hình hơn hết là sự gợi hứng của thánh nữ Catharina thành Siena khi đứng trước Đức Giáo hoàng Grégorio XI để xin người rời khỏi Avignon trở về Rome. Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, nếu thánh Jérome đã tố cáo phụ nữ gây ảnh hưởng trong việc phổ biến các tà thuyết, thì cũng phải nhớ đến vai trò của họ trong công cuộc truyền bá niềm tin Kitô giáo và trong việc hoán cải các vua chúa hay những gia đình quyền thế, đặc biệt là vào thời huy hoàng của Kitô giáo trong thế giới La Mã. Ở Đông Phương, một số hoàng hậu đã đóng vai trò trong việc triệu tập hay trong những quyết nghị của các Công đồng: chẳng hạn hoàng hậu Irene đã thôi thúc thượng phụ Tarace triệu tập Công đồng Đại kết thứ 7, bàn về ảnh tượng và tình trạng các tu viện. Hoàng hậu Théodora đã gợi hứng cho thượng phụ Methode và Synode thành lập ngày lễ mừng chiến thắng của Chính Thống giáo năm 843. Vào thời đại chúng ta, trong số những trường hợp hiển nhiên của các văn kiện của Giáo hoàng, có sự gợi hứng ban đầu của phụ nữ. Chúng ta có thể nêu lên trường hợp thánh hiến thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (30/10/1942).

Qua những sự kiện lịch sử trên, chúng ta thấy được một sự thật hiển nhiên là: người phụ nữ đã không hoàn toàn vắng mặt dù trong những công việc không thuộc trách nhiệm của họ. Nhờ việc gợi hứng của mình, người phụ nữ có thể gây một ảnh hưởng đáng kể nào đó. Trong số những quyết định quan trọng về việc cai trị, về đạo lý hay phượng tự cũng có thể rất cần đến họ. Đó là một hình thức Giáo Hội thể hiện chức làm Mẹ của mình qua việc phát triển đời sống Kitô hữu.

Chúng ta sẽ còn khám phá ra một chân lý khác bên kia vai trò này của người phụ nữ, đó là sứ vụ gợi hứng của mình, mà phụ nữ là hình ảnh của Giáo Hội, nó gợi lên cho chúng ta sứ vụ của toàn thể Giáo Hội trong thế giới. Giáo Hội không những phải tự phát triển, mà còn phải làm cho đời sống nhân loại ngày càng tăng trưởng. Giáo Hội phải là người gợi hứng của thế giới. Dù trong lãnh vực Giáo Hội không có trách nhiệm trực tiếp như lãnh vực thuần túy về vật chất hay văn hóa, Giáo Hội cũng được mời gọi gây ảnh hưởng, sao cho cuộc sống của nhân loại ngày càng thấm nhuần những nguyên lý Kitô giáo. Giáo Hội gợi hứng cho các phong trào đấu tranh cho hòa bình, công bằng xã hội, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc hoặc thống nhất chính trị của nhân loại. Nhờ đó, Giáo Hội thể hiện một thiên chức làm mẹ không những chỉ có liên quan đến từng người con của mình, mà còn ảnh hưởng đến cả toàn thế giới.