Tôi Tin Xác Ngày Sau Sống Lại (1)

0
1188


ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI

Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V

***

 

***

 

Dẫn nhập

Họ vẫn tranh luận với nhau: “Sống lại từ cõi chết nghĩa là gì?” (Mc 10, 9), một trong số họ quả quyết rằng: “Làm gì có kẻ chết sống lại?” (1Cr 15, 12). Ngoài ra, “họ vừa nghe đến việc người chết sống lại, thì cười nhạo và nói: “Chúng tôi mong được nghe lại khi khác về điều ấy” (Cv 17, 32), một cách mạnh mẽ hơn: “những người thuộc nhóm Sa-đốc là những người nói không có sống lại” (Mt 22, 23).

“Chẳng có điều nào trong đức tin Kitô giáo lại bị chống đối mãnh liệt dai dẳng, trường kỳ và say mê như niềm tin vào sự sống lại phần xác. Thực ra, các triết gia ngoại giáo cũng đã nói nhiều tới linh hồn bất tử. Trong nhiều tác phẩm, họ đã nhắc đi nhắc lại rằng tinh thần con người sẽ trường sinh bất tử. Thế nhưng, khi đề cập tới sự sống lại phần xác, là họ không ngần ngại phản đối công khai ngay. Điểm trước tiên họ phản đối, như họ thường cho biết, đó là thân xác đời này không thể nào bay lên tới trời cao được”.[1] Nhiều nhà duy tâm duy thiêng cũng không màng tới chuyện thu hồi thể xác của họ, họ không quan tâm tới vấn đề thân xác sống lại (như chính Augustinô).

Vì thế, “có những nhà thần học cách đây 30 năm chỉ coi sự phục sinh của Đức Giêsu như là một thứ trang sức bởi vì cái chết và đau khổ của Ngài đủ để cứu “các linh hồn” (Rey mermet), nên lời cuối của kinh Credo: tin xác loài người sống lại, chắc xa lạ với nhiều người thời đại chúng ta[2], vì: “Con người trong văn minh hiện tại ít cảm thấy về những sự cuối cùng. Lý do là, một đàng phong trào và chủ nghĩa tục hoá với thái độ tiêu thụ tham hưởng mọi của cải trần tục; đàng khác, những “hỏa ngục dưới thế” do thế kỷ này gây nên cũng đã khiến người ta “quên”[3]. Họ chỉ muốn: “Nhặt chút hương tĩnh lặng, uống chén trà vô vi, thế gian không hỏi nữa, sinh tử có làm chi.” (Lý Bạch).

Phản ứng của các Tông Đồ, tín hữu Côrintô, người Hy lạp, nhóm Sa-đốc và những người đồng thời với thánh Augustinô cũng là những phản ứng của nhiều người trong thời đại hôm nay, và những vấn nạn mà họ đặt ra mang chiều kích mới và nhọn bén hơn, bị chi phối do khoa học kỹ thuật và nền “văn minh sự chết”.

Bất chấp mọi chống đối thờ ơ thường gặp phải, người Kitô hữu vẫn tuyên tín: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”.

“Ngay từ đầu, tin kẻ chết sống lại đã là điều cốt yếu của đức tin Kitô giáo” (GLCG 991). Giáo phụ Tertulianô đã nói một cách chính xác: “Niềm hy vọng của người kitô đặt ở nơi sự kẻ chết sống lại, chính vì tin như thế, mà chúng ta mới là kitô hữu[4], và thánh Phaolô quả quyết: “Nếu không có chuyện kẻ chết sống lại thì Đức Kitô cũng đã không sống lại, và việc anh em tin cũng hão huyền”. (1Cr 15, 13–16).

Đó cũng là cố gắng tìm một chỗ đứng cho tín điều này trong toàn bộ cơ cấu đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, đức tin là một tổng hợp, trong đó các tín điều cần được tìm hiểu trong tương quan với nhau, chứ không phải riêng rẽ biệt lập, chỉ có cái nhìn toàn diện về đức tin mới có thể giúp có được những câu trả lời cho lý trí và con tim về những thắc mắc thuần lý cũng như tình cảm chống lại tín điều này.

Toàn bộ Kinh Tin Kính, trong cái nhìn lịch sử, mang tính “chiều ngang” thì tín điều: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” như là hệ quả tất yếu những “tôi tin” của những tín điều trước và nó như là vết son, đỉnh điểm, cùng đích và hy vọng của người kitô hữu cũng như biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này có vẻ mang hình thức “vụ lợi”: Sau khi con người đã thi hành những “bổn phận” tin đối với Thiên Chúa thì bây giờ đến lúc Thiên Chúa “phải làm”, “thực hiện” sự công bằng như là một phần thưởng: “trả công” cho con người.

Quả thực, dưới cái nhìn của chủ nghĩa thực dụng, như Wiliam James: “sự thật, đó là sự lợi ích” thì con người quan niệm: “tôn giáo nào hữu hiệu nhất để an ủi con người thoát khỏi những khổ đau của cuộc đời, để làm cho con người thảnh thơi chờ đợi giây phút chót của cuộc hành hương trần thế này của họ, chính tôn giáo đó mới là tôn giáo thật, và nó thật, bởi nó hữu hiệu. Từ đó, tôi tin vì đó là sự lợi ích, hữu hiệu”[5].

Vì thế, cái nhìn của Hans Urs Von Balthasar về con búp bê Nga có chiều hướng tích cực hơn: “Con búp bê của người Nga. Bạn hãy gỡ nó ra, bạn sẽ thấy một con búp bê thứ hai giống y như trước, tuy nhỏ hơn. Hãy gỡ tiếp lớp thứ ba ra, bạn sẽ thấy con thứ ba. Bạn hãy cứ tiếp tục làm như thế cho đến con búp bê cuối cùng nhỏ tí xíu, và bây giờ bạn hãy trổ tài nghệ của bạn: góp gộp lại tất cả những lớp đã được tách gỡ ra đó cho thật khéo, làm sao cuối cùng lại trở về được tình trạng như ban đầu cũng chỉ có một con búp bê duy nhất mà thôi mang trong mình tất cả những con búp bê khác”[6]. Cách nào đó, mối tương quan giữa các tín điều cũng gần như con búp bê Nga “những chân lý Kitô giáo hàm chứa lẫn nhau, cái này nằm trong cái kia và ngược lại” (Balthasar). “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” đã được “ôm ấp” bởi những tín điều, những “tôi tin” trước đó. Vì thế, “phải ghi nhận rằng trong các bản tuyên xưng có nhiều câu tín lý chứa đầy tính hiện thực về chủ đề thân xác phục sinh”[7].

Quả thực, “tất cả quyền lực của con người trở nên bất khả đối với việc mang lại ơn cứu độ” (Ratzinger), con người không thể tự mình cứu mình hay làm cho mình sống lại được, nó có tồn tại, hiện hữu, sống lại là nhờ bởi Ai đó. Nên: tín điều sau cùng “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” đã được “khơi nguồn, bao bọc, ôm ấp” bởi tín điều đầu tiên và ngoài cùng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.” Niềm hy vọng “xác loài người ngày sau sống lại” đã trở thành cần thiết như là hậu quả nội tại của đức tin vào Thiên Chúa sáng tạo con người trọn vẹn cả hồn và xác. (GLCG 992).

A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ

I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ SỐNG

1. Thiên Chúa là Cha toàn năng – Đấng tạo hóa

“Lời khẳng định đầu tiên của bản tuyên xưng đức tin cũng là lời căn bản nhất… Tất cả các tín điều trong Kinh Tin Kính đều tùy thuộc vào tín điều thứ nhất” (GLCG 199). Vì thế, “Huấn giáo về sáng tạo có một tầm quan trọng cơ bản, liên quan đến chính nền tảng của đời sống nhân bản và đời sống kitô hữu, vì nêu rõ câu trả lời của đức tin Kitô giáo cho câu hỏi căn bản mà con người của mọi thời đại thường đặt ra cho mình: “Chúng ta từ đâu tới”, “Chúng ta đi đâu?”, “nguồn gốc của chúng ta là gì?”, “cùng đích của chúng ta là gì?”,… hai câu hỏi về nguồn gốc và cùng đích không tách rời nhau” (GLCG 282).

Dù đề tài sáng tạo đang có những vấn nạn từ phía khoa học, từ vấn đề sự dữ, đau khổ, song nó cũng là điều mà con người mọi thời đại và các Thánh ký quan tâm. Trong Thánh kinh, hai truyền thống Gia vit và Tư Tế đã tường thuật về họat động này của Thiên Chúa, từ đó đưa đến một chân lý: “Thiên Chúa không có lý do nào khác để sáng tạo ngoài tình thương và lòng nhân hậu của Người.” (GLCG 293). “Ngài không cần một thứ gì có trước hoặc một sự trợ giúp nào để sáng tạo… Thiên Chúa sáng tạo từ hư không” (GLCG 296). Chính vì thế: “không có gì mà Ngài không làm được” (Gr 32, 17), “Người làm tất cả những gì người muốn” (Tv 115, 3), “Những điều mà đối với loài người thì không thể, nhưng không phải đối với Thiên Chúa” (Mt 19, 26) nên Đức Maria đã phải thốt lên: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu” (Lc 1, 49). Do vậy, “Không có gì làm cho chúng ta tin tưởng và hy vọng vững mạnh cho bằng xác tín: không có gì mà Thiên Chúa không làm được. ” (GLCG 271). Bởi vì: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng.

Dù toàn năng hay quyền năng chứ không phải quyền lực, thì đức tin của người kitô hữu vẫn khước từ vị Thiên Chúa toàn năng đó để tin vào Đấng là Cha trước khi là vị Thiên Chúa toàn năng.

Cha: hiểu theo nghĩa thông thường là người đã tác sinh trong tình yêu và yêu thương đứa con với trách nhiệm, bổn phận của mình. Điều này cho thấy: Ngay chính hành vi tạo dựng của mình với lý do duy nhất: yêu thương, thì vị Thiên Chúa toàn năng kia cũng chính là Cha toàn năng, vì thế: “Thiên Chúa là Cha toàn năng, chức năng làm Cha và quyền năng của Người soi sáng cho nhau” (GLCG 270).

Nếu St 3, 15 được coi là “Tin Mừng đầu tiên”, thì vào lúc khởi thủy ấy, “Tin Mừng về hiện hữu”, “Tin Mừng về sự sống” đã được “loan báo bằng lời-hành động”: “Chúa phán” đối với toàn thể tạo vật khiến Jean Rostand cho đến Teilhard de Chardin và Huxley đã phải kinh ngạc thốt lên lời ngưỡng mộ trước “phép lạ” sự sống đó, và “Tin Mừng về hiện hữu”, “Tin Mừng về sự sống” này đến với con người vào “ngày thứ sáu” ấy có cái gì đó rất đặc biệt: Con người được dựng nên “Theo hình ảnh như họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26). Chính Ngài đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai, “Người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành mạng sống” (St 2, 7). Sự gần gũi giữa Thiên Chúa và con người đã được thiết lập (nắn), “nụ hôn tình yêu và sự sống” đã được trao ban (hà hơi), nên “khi tạo dựng con người, Thiên Chúa bước vào tri giao với họ bằng một giao ước phụ tử” (FX Durrwell), và “theo ý muốn đầy nhân hậu của Người, Người đã tiền định cho ta “làm nghĩa tử” nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 5), “Nhờ đó ta kêu lên Abba, lạy Cha! chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 15-16); vì thế, theo thể thức Người dạy chúng ta dám nguyện rằng: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời”.

2. Sự sa ngã-chết và Tin Mừng Cứu Độ

Thế rồi, ngay trong cảnh thiên đường của vườn địa đàng, vấn nạn ý nghĩa cuộc sống, sự chết đã được đặt ra chiếm những trang đầu tiên trong Thánh kinh và Thánh kinh trả lời: Thiên Chúa không muốn cái chết cho con người, “Thiên Chúa không làm ra cái chết” (Kn 1, 13) “vì chưng Thiên chúa đã dựng nên con người để được bất họai” (Kn 2, 23), “chính do sự ghen tuông của ma quỷ mà sự chết lọt vào thế gian” (Kn 2, 24), chết là hậu quả của tội (Rm 5, 12), bởi vì: chính Ngài đã “cho từ đất mọc lên mọi thứ cây cối sướng mắt và ăn ngon lành và cây sự sống ở giữa vườn cùng cây biết tốt xấu” (St 2, 9). Trong tự do, với cám dỗ, con người như từ khước “cây sự sống”, mà chọn một sự duy lý chất chứa tính hão huyền: biết tốt xấu (St 3, 6). Xa lìa nguồn cội, khước từ cây sự sống, điều tất yếu dành cho con người: Chết!

Tuy nhiên, sau vụ sa ngã, Adam đã không bị Thiên Chúa nguyền rủa. Trong ba nhân vật gây nên tội phạm thời nguyên sơ, chỉ một mình con rắn là bị nguyền rủa (St 3, 14). Trái lại, con người đầu tiên đã được Thiên Chúa xót thương: không phải chết ngay sau khi phạm tội, nhưng đã sống tới 930 tuổi (St 5, 5) và tiếp tục sống còn trong hậu duệ của mình (St 5); nên cuộc sống của loài người, khởi đầu với Adam vẫn còn tiếp diễn, chưa chấm dứt. Ân sủng và tình yêu của Đấng Tạo Hoá vẫn luôn bao bọc Adam biểu hiện qua một cử chỉ tượng trưng: Thiên Chúa trao ban áo da cho ông. Rõ ràng: dù bị kết án và chọn lựa cái chết, và bị những Kêrubim với gươm hảo hào trấn đóng ngăn cản, điều đó cho thấy, tự thâm tâm, con người vẫn hướng về sự sống. Điều quan trọng là cây sự sống trong vườn địa đàng vẫn còn đó, không bị phá hỏng: để làm gì? Không phải là để ban lại cho con người sự sống dồi dào sao? “Chính cây sự sống đó sẽ đơm quả 12 lần, tháng nào sinh quả nấy, và là cây dùng để chữa lành” (Kh 22, 2). Hơn nữa, “Tin Mừng khởi nguyên” (St 3, 15) đã được chính Thiên Chúa loan báo.

Đến đây, vấn nạn được đặt ra: “Số phận đời đời của Adam sẽ ra sao?”. Dù bị kết án: “là người đưa tội lỗi và sự chết vào trong thế gian ” (Rm 5, 14; 1Cr 15, 22) thì trong khi “Sem và Sét đã được vinh hoa, nhưng trên hết mọi sinh linh, thì có vinh dự của Adam” (Hc 49, 16) và ông còn có vinh dự là “hình ảnh của Đấng sẽ đến” (Rm 5, 14). Tín điều xuống ngục tổ tông cũng đã nhắc đến ông một cách gián tiếp trong mầu nhiệm Vượt Qua: “Đức Giêsu đã đi tìm Adam, tổ phụ đầu tiên của chúng ta, con chiên lạc. Ngài đã muốn thăm mọi người đang ngồi trong bóng sự chết”[8]. và Giáo Lý Công Giáo đã nói đến: “Ngày Chúa Nhật, ngày cửa thiên đàng rộng mở đón Adam và tất cả những kẻ bị lưu đày” (số 1167). Hơn nữa, Adam sống là dấu hiệu thần chết bị tiêu diệt, bởi vì: “Nếu chính con người từng bị thần chết đặt ách thống trị lên đầu lên cổ trước ai hết, lại không được giải thoát, bởi vì cứu thoát người ấy có nghĩa là tiêu diệt thần chết. Vậy, nếu Thiên Chúa đã làm cho con người, tức là Adam sống, thì rõ ràng là thần chết đã thực sự bị tiêu diệt”[9].

3. Thiên Chúa là Cha toàn năng trong ý định và hành động ban sự sống và sự sống lại cho con người

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, “con người là thụ taọ duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (GLCG 356) đã ý thức được phẩm giá của mình: “quí hơn chim sẻ” rất nhiều lần (Mt 6, 26) và cảm nghiệm tình thương mà Thiên Chúa dành cho họ như tình thương của một người cha đối với con cái mình (Hs 11, 1tt). Vì thế, trước những khát vọng, nhất là khát vọng sống của con người, Thiên Chúa là Cha hiểu rõ nhu cầu của họ (Mt 6, 36). Trước cái chết, con người xao xuyến thốt lên: “Người được lợi gì nơi huyết mạng tôi, lúc tôi sa xuống hố, họa chăng bụi đất sẽ ngợi khen Người” (Tv 29, 10). Chẳng lẽ: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động” lại bị “tắt phụt” trước nấm mồ, trước cái chết? “Vậy ra điều tốt lành đã nên cái chết cho con người? Đừng nói gở” (Rm7, 13).

“Thiên Chúa toàn năng là Đấng yêu thương, Người là Cha chúng ta” (GLCG 268) đã “yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31, 3) cho dù “Núi có dời, có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54, 10), một tình yêu vượt trên mọi tình yêu của mọi người mẹ: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi” (Is 49, 15), với tình yêu mãnh liệt: “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người” (Ga 3, 16). Vì thế, trước tội bất trung, nọc độc của sự chết: “Ngài lôi kéo chúng với dây tình người, với thừng chão yêu thương” (Hs 11, 4) để đưa con người đến gần Ngài với “quả tim ta thổn thức” và một quyết định: “Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi, hỡi Ephraim, không, Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim. Vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải phàm nhân” (Hs 11, 8-9) – Ngài sẽ “không để con người sa chước cám dỗ và sẽ cứu họ cho khỏi sự dữ”.

Vì thế, vị Thiên Chúa làm người đã trấn an: “Lòng các ngươi đừng xao xuyến! hãy tin vào Thiên Chúa, mà cũng tin vào Ta” (Ga 14, 1), “vì Người sẽ không thí bỏ mạng (con người) cho âm phủ, Người sẽ không để kẻ thành tín phải thấy mồ chôn” (Tv 15, 10). Người Irael đã ý thức sâu xa “Giavê tác tử, Người cũng tác sinh” (1Sm 2, 6; Đnl 32, 39; Is 26, 19).

Thế nên, “Đức Giavê phán với các xương ấy: Này Ta sẽ đem Thần Khí đến trên các ngươi. Ta sẽ cột gân vào. Trên các ngươi, Ta sẽ cho thịt mọc, trên các ngươi Ta sẽ căng da. Ta sẽ ban Thần khí xuống trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống…” (Ed 37, 5-6), rồi “Thần Khí đã nhập vào các xương. Chúng đã hồi sinh, chúng đã đứng dậy trên chân của chúng. Một đạo binh lớn, rất lớn” (Ed 37, 10), “trong những kẻ nằm ngủ trong đất bụi, nhiều người sẽ thức dậy” (Đn 12, 2).

Như vậy: “Đấng tạo thành vũ trụ, Đấng đã nắn ra con người khi sinh ra, và đã sáng kiến làm ra mọi sự khi chúng được sinh thành, Người sẽ trả lại cho chúng con, trong lòng lân mẫn của Người, sinh khí với sự sống” (2 Mcb 7, 23).

Niềm tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng phục sinh thân xác con người rõ ràng, chắc chắn hơn khi chính Con Một Ngài xác quyết: Ngài là “Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt. 5, 7), “Sẽ đến giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Ngài mà đi ra (Ga 5, 28) vì như Cha làm cho kẻ chết sống lại và tác sinh” (Ga 5, 21), thì kẻ tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời… ngang qua sự chết mà vào sự sống (Ga 5, 24). Ngài long trọng tuyên bố: “Này đây ý của Đấng đã sai Ta, là: phàm sự gì Người đã ban cho Ta, thì Ta không được để hư điều gì, song ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại. Vì ý của Cha Ta là: “ai trông thấy Con và tin vào Ngài thì có sự sống đời đời, và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (Ga 6, 39-40).

Từ niềm tin vào Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô quả quyết: “Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em” (Rm 8, 11), “Người phục sinh chúng ta tất cả làm một với Đức Kitô” (Ep 2, 5). Như vậy, ” Sự chết được đưa vào chương trình tạo dựng và cứu độ, và không hề là định mệnh đối với những người được tạo dựng trong Đức Kitô, Đấng từ cõi chết sống lại. Được tạo dựng như thế nào, họ là những người con bất tử cho đến trong cái chết. Sự sống lại sẽ mãi mãi là căn bản, sự chết là để phục vụ cho sự sống lại, bởi vì việc phục sinh Chúa Con là khởi nguyên phổ quát”[10].

Rõ ràng, việc sáng tạo được mô tả rất sống động, nó như một dự phóng không đóng kín, nhưng mở rộng cho tương lai, vì: “Mọi sự đều tốt đẹp” (St 1), và “sáng tạo là tương quan lệ thuộc về hữu thể” (thánh Tôma). “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Người. Người không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Người còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích” (GLCG 301). Vì thế, sống là một dự án, là một ý muốn hiện hữu và hiện hữu tốt đẹp hơn, chứ không phải là kết quả của sự tình cờ (F. Jacob). “Thiên Chúa xuất hiện ra như là cái quyền lực bẻ gãy những giới hạn của con người, và như vậy, Ngài nâng con người đến tình trạng đích thực của riêng nó” (Bultmann).

Như thế: “chính vì cùng đích sau cùng của nó mà thế giới đã được Thiên Chúa tạo dựng, vì chỉ từ cùng đích này mới xác định được đâu là ý nghĩa đích thực của các sự vật và của các thực thể mà ngày nay chúng ta đang quan hệ với. “Tất cả mọi cái ngẫu nhiên tình cờ đều đến góp phần vào trong những cái hiện tại, vì chúng đều khởi phát từ tương lai cuối cùng của chúng, mà có thể nói đấy là “nơi” của công trình sáng tạo của Thiên Chúa” (Wolfhart Pannrenberg). Ý định của Thiên Chúa là Cha Toàn Năng – Đấng Tạo Hóa – Nguồn sự sống là “không để hư đi điều gì”, “Ngài mời gọi con người hướng đến cuộc sống vĩnh cửu” (ĐGH Gioan Phaolô II). Nói mạnh ra, theo Dietrik Bonhoeffer: “Dù đó là một thế giới đã trở nên rộng lớn hơn, tự cảm thấy mình đầy đủ và chẳng cần gì tới Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không thể nào không quan tâm tới dù đó là một thế giới không Thiên Chúa”. Do đó, “Sáng tạo là nền móng của mọi ý định cứu độ của Thiên Chúa”, “khởi đầu của lịch sử cứu độ mà Chúa Kitô là tuyệt đỉnh” (GLCG 280), mà “cùng đích tối hậu của sáng tạo là Thiên Chúa được muôn loài suy phục” (1Cr 15, 28; GLCG 294) trong đó “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động và sự sống của con người là được thấy Thiên Chúa ” (Irênê). “Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa sáng tạo” (GLCG 1008). Thiên Chúa đã quyết định cho tất cả sự viên mãn đậu lại trong Ngài” (Cl 1, 19).

“Một người cha sinh con cốt để cho con được sống, nếu Thiên Chúa tạo dựng loài người do bởi Thiên Chúa vốn dĩ là Cha, thế mà Người lại tạo dựng họ rồi đây phải chết, thì ta có thể kết luận rằng chính cái chết thật sự không phải là chết chóc. Người tạo dựng con người với mục đích cho họ sống, vậy nếu Người bắt họ phải chết, ắt hẳn có ý dùng sự chết để đưa họ tới sự sống viên mãn[11]. Hơn thế nữa, theo Romano Guardini, con người ý thức: “Tất cả chúng ta đã chìm sâu trong thực tại Thiên Chúa”.

“Chính vì lẽ này Ta đã cho con người chỗi dậy, ấy là để nơi ngươi, Ta tỏ bày quyền năng của Ta, và để danh Ta đồn vang ra khắp mặt đất” (Rm 9, 17).“Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sự chết sẽ không còn nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không còn nữa, vì các điều cũ đã qua đi” (Kh 21, 4), “Ngài sẽ ban cho con người triều thiên sự sống” (Kh 2, 10), “Thiên Chúa không phải Thiên Chúa những kẻ chết, song Thiên Chúa những kẻ sống” (Mt 12, 26). Vì vậy, khi việc làm cho sống lại dàn trải theo mọi chiều kích, quyền năng của Thiên Chúa đồng hóa với phụ tính của Ngài, và tỏ hiện như việc trao ban sự sống vô tận”[12].

4. Sự tương quan giữa hai tín điều

Với tín điều “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” mà kiểu nói “xác sống lại” như thế đã bắc một nhịp cầu giữa việc sáng tạo và việc hoàn tất sáng tạo. Trong đó, “thân xác” với “tất cả xương thịt” như là thụ tạo diện đối diện với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình. Việc sống lại của thân xác minh chứng rằng Chúa trung thành với thụ tạo của Ngài. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên niềm hy vọng xác tín rằng: Thiên Chúa không bao giờ bỏ bê, nhưng trái lại, sẽ hoàn tất việc sáng tạo của Ngài. Nhưng niềm tin đó còn dựa trên một lý do khác không thể bỏ qua, đó là trong ngày phán xét, trước tòa thẩm phán “tất cả những gì có xương thịt” đều phải tính sổ với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình, chẳng có gì đã được Thiên Chúa tạo dựng mà có thể ra ngoài khỏi chương trình cứu độ và phán xét của Ngài, kể cả thân xác chúng ta, vì: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng hoàn tất toàn bộ công trình sáng tạo.

Thiên Chúa sáng tạo tất cả mọi loài, vô hình cũng như hữu hình “trong họat động đó, mầu nhiệm hằng hữu bắt đầu dào dạt ra bên ngoài”. Niềm tin vào sự sống lại phần xác đặt nền tảng trên niềm thâm tín rằng: Tất cả những gì hiện hữu, dù tinh thần, thể chất, đều do Thiên Chúa tạo nên và đều đẹp ý Ngài. Do đó, không có một tác phẩm nào của Ngài sẽ hóa thành vô ích, hư đi. Nếu “Thiên Chúa sáng tạo mọi loài để làm vinh danh Ngài (GLCG 293), thì thân xác cũng được chỉ định để rao truyền vinh quang Ngài, và “trong chính hành vi Thiên Chúa sáng tạo con người hay chết, Ngài tạo ra sự vượt qua cái chết vào sự phục sinh. Ngài bẻ gãy chiếc vòng tử tính trong cùng một hành vi sáng tạo ra nó”[13].

Thánh Irênê cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ này. Tin vào Thiên Chúa sáng tạo là điều kiện tiên quyết để tin vào việc kẻ chết sống lại “chỉ để ý tới sự kiện bất lực của thân xác, mà không lưu tâm, tới sức mạnh của Đấng làm cho kẻ chết sống lại là khinh thường quyền năng Thiên Chúa… vì nếu Thiên Chúa không làm cho cái đã chết sống lại được, không dẫn cái hay hư nát tới cái bất họai được, thì Ngài đâu là toàn năng; và vì Ngài toàn năng trong mọi việc, nên chúng ta phải học để nhận biết quyền năng ấy ngay từ nguồn gốc chúng ta, tức là từ khi Ngài dùng bùn đất mà dựng nên loài người. Từ hư vô… là dựng nên một người đã có sẵn: bị tan rã vào trong lòng đất… rồi lại được tái tạo như mới”.

“Khi lý trí đón nhận tính điều Thiên Chúa là Cha toàn năng ở đầu Kinh Tin Kính thì chúng ta dễ dàng chấp nhận không chút do dự tất cả những tín điều theo sau là những điều trọng đại, khó hiểu nhất, cũng như những sự cao siêu nhất vượt trên tất cả những quy luật thông thường của thiên nhiên” (GLCG 274). Như vậy: Khởi điểm và chung cục đã gặp nhau. Đức tin vào Thiên Chúa sáng tạo là điều kiện để tin vào sự sống lại phần xác. Ngài đã tạo dựng vũ trụ và con người có hồn xác, sống ở trong vũ trụ ấy: Ngài đã tạo dựng làm sao, để họ có thể tham dự vào sự sống của Ngài; ngay cả thân xác hay chết cũng đã được dựng nên để sống đời đời. Với cái nhìn của con người, sự sáng tạo và sự cứu chuộc nối tiếp nhau, nhưng cái nhìn tiên tri của đức tin lại xem thế giới bắt đầu và ở trong sự viên mãn, ở đó mại cái bắt đầu (Eph 1, 4; 1Pr 1, 19) -“Thiên Chúa đã tạo dựng họ trong mầu nhiệm hòa giải và tạo dựng là mặt trong của công trình cứu chuộc, Ngài tạo dựng con người với tư cách là Vị Cứu Thế của họ” (Fx. Durrwell), “vì thương yêu, Ngài đã tạo ra con người; vì thương yêu, Ngài cho con người khả năng hưởng phúc vĩnh cửu” (GLCG 356).

Vì thế, Saint Exupery nói: “Trên trái đất không có cùng tận, chỉ có khai sinh”, nên “hãy dựa vào Thiên Chúa để chúng ta tồn tại” [14], và cũng tin rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20).

II. ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA – ĐẤNG PHỤC SINH

J. Ratzinger nói: “Cái gây vấp phạm và cao trọng của sứ điệp Kitô giáo chính là số phận của toàn thể lịch sử, số phận của tất cả chúng ta tùy thuộc vào một người duy nhất: Đức Giêsu Nazareth” [15].

Thực vậy, “Ngay từ buổi đầu, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của sáng tạo mới trong Đức Kitô ” (GLCG 280). Chính vì thế: “Mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (Gs 22), nên “đối với con người dưới bầu trời, không một tên gọi nào thiết yếu cho ơn cứu độ chúng ta hơn (CVTĐ 4, 12). Vì vậy: Tuyên tín vào Đức Giêsu Con Thiên Chúa là trung tâm niềm tin Kitô giáo, soi sáng những tín điều khác.

Chỉ qua cái chết thập giá và sự phục sinh: Đức Giêsu mới được “mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 11). Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Phaolô đã nối kết đức tin Kitô giáo với hai tín điều: kẻ chết sống lại và Đức Giêsu phục sinh, có thể nói theo Phaolô: hai tín điều này được gắn kết chặt chẽ với nhau làm nên một thực thể nền tảng cho đức tin và niềm hy vọng của người kitô hữu và xác định căn tính của họ: Là kitô hữu, nếu không có một trong hai tín điều này niềm tin cũng là vô ích. Rõ ràng, niềm hy vọng của con người (phục sinh thân xác) được đặt nơi “Đức Kitô – niềm hy vọng của chúng ta” (Rm 15, 13).

1. Đức Giêsu – Ngôi lời nhập thể trong công trình tạo dựng

“Trong Ngài vạn vật được tạo thành” (Cl. 1, 16). Ngay St 1, 3: Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất bằng Lời; trong nhập đề Tin Mừng của mình: “Lúc khởi nguyên” có thể nói thánh Gioan đã viết về cuộc tạo dựng trong Lời, để rồi Ngài xác quyết: “Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự và không Ngài thì không gì đã thành sự” (Ga 1, 3), “nơi Ngài là sự sống, và sự sống là sự sáng nhân loại” (Ga 1, 4). “Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15), trong cuộc tạo dựng mới này: con người được dựng nên giống hình ảnh của Lời nên “họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý xác thịt, nhưng do chính bởi Thiên Chúa mà được sinh ra” (Ga 1, 3).

Cũng như Sáng thế ký, trong cuộc tạo dựng mới này vấn đề sự sống và cái chết đã được đặt ra ngay ở câu đầu tiên. Dù có những “tối tăm”- sự chết, nhưng ý định của cuộc tạo dựng này là Lời sẽ ban cho con người: quyền làm con Thiên Chúa – những kẻ “tin vào danh Ngài” (Ga 1, 12), như thế, có nghĩa là con người sẽ được ban sự sống đời đời, sự phục sinh thân xác theo “Đấng là trưởng tử của mình” (Cl 1, 28).

Trong”ngày thứ sáu đầu tiên” của nhân loại (St1) con người được tạo dựng trong nước và bùn đất thì trong”ngày thứ sáu ấy” trên đồi Golgotha, con người được tái tạo và được tạo dựng trong Máu và Thần Khí của Ngài, để sau biến cố Phục sinh, thân xác họ là “Thân xác thần khí ” (1Cr 15, 44), và thân xác vinh hiển giống như Ngài (Pl 3, 21).

2. Đức Giêsu – Đấng Phục Sinh

Cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, có thể nói là được “điểm” bằng một chuỗi những phép lạ. Khởi đầu bằng biến cố nhập thể và đỉnh điểm là “phép lạ vĩ đại” phục sinh của Ngài. Giữa hai biến cố quan trọng đó, là những phép lạ trong cuộc đời công khai. Cho dù vẫn còn những tranh luận về tầm quan trọng của phép lạ trong việc loan báo Tin Mừng, thì đối với thánh Gioan, các phép lạ đó được coi là “dấu chỉ” để chỉ và hướng đến một “cái gì đó”, một thực tại, một Ai đó. Do vậy, các phép lạ: Nước biến thành rượu, hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, dẹp bão táp, biến hình, đi trên biển và cho kẻ chết sống lại,… nói lên quyền năng của Đức Giêsu- Con Thiên Chúa, đồng thời như dấu báo trước sự phục sinh của Ngài.

Bên cạnh đó, Ngài biết rằng: “như hạt lúa gieo xuống đất nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả” (Ga 12, 24). Ngài luôn ý thức: “Chính Ngài là sự sống” (Ga 14, 6), “Phục sinh và sự sống chính là Ngài” (Ga 11, 25). Do vậy, ba lần loan báo về cuộc tử nạn thì cả ba lần Ngài cũng loan báo về sự phục sinh: “Ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Đối với các Tông đồ: Lời loan báo tử nạn đã là một vấn đề khó chấp nhận. Tuy nhiên, điều đó hình như chỉ tạo nên sự phản ứng nơi một mình Phêrô: “Ông kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách Ngài” (Mt 16, 22), song “sống lại từ cõi chết” là một cụm từ quả là khó hiểu với tất cả các ông, làm cho “họ vẫn tranh luận với nhau: Sống lại từ cõi chết nghĩa là gì?” (Mc 9, 10).

Ngay trong biến cố tử nạn của Đức Giêsu, con người nói chung và thánh sử Mathêu đã thấy thấp thoáng một cái gì đó đang chuyển động làm đảo lộn mọi thứ: “đất động, đá nẻ ra, mồ mả mở toang ra, và xác của nhiều thánh đã yên nghỉ được sống lại. Họ ra khỏi mồ sau khi Ngài sống lại, mà vào thành thánh và đã hiện ra cho nhiều người” (Mt 27, 51–53).

Tuy nhiên, sứ điệp phục sinh mà thiên thần loan báo: “Ngài đã sống lại” (Mt 29, 7) vẫn chỉ là “lời nói sảng và họ vẫn không tin” (Lc 24, 11). Nhưng tất cả thực sự đã xảy ra sau “ngày thứ ba” đó: mồ trống! “Ngài đã đứng giữa họ và nói với họ: Bình an cho các con ” (Lc 24, 36). Kinh hoàng khiếp đảm, nhưng họ đã cùng nói: “Thực tế Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon” (Lc 24, 34).

Ngay cả kẻ cứng lòng tin Tôma cũng đã phải tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi” (Ga 20, 28), và tất cả các ông đã thấy Ngài và thờ lạy (Mt 28, 17).

Từ đây, bắt đầu sứ điệp của các chứng nhân của Đấng Phục Sinh và cũng là tiếng kêu reo đầu tiên của Giáo Hội trong ngày được khai sinh: “Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy” (CVTĐ 2, 32). Chính vị tông đồ dân ngoại Phaolô, sau biến cố Đamat đã viết: “Tin Mừng tôi đã rao giảng cho anh em… là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, Ngài đã được chôn cất, và Ngài đã sống lại ngày thứ ba” (1Cr 15, 3–4).

3. Trong Đấng Phục Sinh – thân xác con người được sống lại

“Cốt yếu của sự sống là truyền sự sống” (Henri Bergson). “Là sự sống và là sự sống lại”, Đức Giêsu ban sự sống cho những ai tin vào Người: đó có thể là sự sống thể lý như Lazarô, nhưng trên hết vẫn là sự sống đời đời và sự phục sinh thân xác. Tin Mừng về sự phục sinh như vẫn là “món quà” quá sức tưởng tượng của con người qua mọi thời đại. Dù sao, Tin Mừng phục sinh, “sự kiện dữ dội ấy” (Ch. Duquoc) đã được Đấng Phục Sinh thực hiện một lần cho tất cả đối với nhân loại. Lời loan báo sự sống lại thân xác của con người đã được chính Đấng Phục Sinh tuyên bố và vẫn vang vọng: “Ta là sự sống và là sự sống lại, ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời, dầu chết cũng sẽ sống và ngày sau hết Ta sẽ cho sống lại” (Ga 6, 40).

Ngài đến không phải để kết án và luận phạt, nhưng để “mang lửa xuống thế gian” (Lc 12, 49) và hiến thân làm giá chuộc muôn người và cho họ “sống và được sống dồi dào”, nên “khi được giương cao lên khỏi đất Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga12, 32). Lời tuyên xưng của thánh Phêrô như nhắc nhở mọi người: “Chỉ Ngài mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 7, 68), nên: “Nếu sự chết nên nguồn mạch cứu rỗi và sự sống cho ta, chính vì cái chết ấy đã đi tới vinh quang phục sinh” [16].

Niềm tin của Giáo hội vào tín điều xuống ngục tổ tông đã nói lên tính phổ quát của Tin Mừng cứu độ: “Tin mừng cũng được loan báo cho cả kẻ chết” (GLCG 634), sự trao ban ơn cứu độ cho con người là kẻ phải chết hai lần, và hoàn cảnh nhân sinh và vì tội lỗi của mình (Norberto) và hiệu quả, sự sống từ cái chết của Đức Giêsu: Ngài đã “xuống ngục tổ tông để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Ngài đến” (GLCG 633), do đó “Ngài chết cho tất cả mọi người” (GLCG 605).

Như vậy, “sự cứu chuộc ở nơi Đức Kitô được sinh sôi nảy nở: không phải “sự ứng dụng những công trạng”, nhưng được làm toả lan trên thế giới từ Đức Kitô, giống như hiệu quả của lời cầu nguyện” [17], nên tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu là biến cố mang lại ơn công chính cho con người (Rm 4, 23) và Ngài không sống lại cho riêng mình, “bởi vì chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người” (Gs 22). Do vậy, “như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15, 22). Vì thế, sự sống lại của Ngài là khởi điểm, là nguyên nhân thể hiện sự sống lại chung của mọi người. Ngài đã chỗi dậy mở đường vào cuộc sống mới, mở đường cho những ai đã yên giấc ngàn thu (GLCG 654–655).

Ngay buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần ấy, một cuộc tái tạo, sáng tạo mới, và một sự sống mới đã được ban cho con người. Thánh Gioan đã đặt lần hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh với con người ở trong “vườn” và những giọt lệ khóc thương chứa đựng biểu tượng sự sám hối mà “con người đầu tiên” đã không có cũng đã được “đặt” vào trong khung cảnh này. Sự đàm thọai thay vì lời kết án ở khu vườn xưa giữa Thiên Chúa với con người đã được thiết lập lại; Đấng Phục Sinh đã thay đổi trạng huống của con người: từ buồn đau đến vui mừng vì “đã thấy Ngài” (Ga 18, 20). Như vậy, cái chết của con người từ vườn Eden đã được thay thế bằng sự sống ở ngôi mộ trống và khu vườn của Đấng Phục Sinh, một sự sống phục sinh như Ngài.

Bên cạnh đó, trong Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng Đấng Phục Sinh được nói lên lần đầu tiên bởi những Thiên Thần (Lc 24, 4–6; Mc 15, 5-6; Mt 28, 27). “Những Kêrubim canh giữ lối cây sự sống” (St 3, 24) nhằm ngăn cản con người tìm về sự sống, sự có mặt của họ như dấu chỉ của sự chết, thì lần này họ có mặt ở bên trong ngôi mộ của Đấng Phục Sinh với lời loan báo về Đấng đã sống lại từ cõi chết mà thánh Luca đưa ra câu hỏi mang nhiều ý nghĩa: “Làm sao các ngươi tìm Đấng đang sống giữa những người chết” (Lc 24, 5). Như vậy, “phận vụ” của các Kêrubim như đã được chấm dứt với biến cố phục sinh. Từ đây, giữa con người và cây sự sống không còn có sự ngăn cản, sự sống mới đã được trao ban cho con người bởi “thập giá đã trở nên cây sự sống” (DC 8, 6) và Sự Sống–Đức Giêsu: Đấng Phục Sinh.

“Biết bao kẻ được lĩnh ơn và lộc dư dật của đức công chính sẽ ngự trị trong cuộc sống vì cớ một người là Đức Giêsu Kitô” (Rm 5, 17) và B. Pascal nói: “Một trong các qui luật của Kitô giáo là những gì xảy đến với Đức Giêsu Kitô, thì cũng phải xảy ra trong linh hồn và thân xác mỗi người kitô hữu” vì khi Thiên Chúa tạo dựng con người đã nhắm tới vinh quang sáng tạo mới họ trong Đức Kitô (GLCG 280). “Trong Người, tất cả những cái hữu hạn đều chết đi, để qua đó Người phục sinh tất cả để hướng về Người và trong Người” [18], nên “Tất cả sự sống và cái chết, đều họat động cho cuộc phục sinh của Ngài” (Augustinô), Ngài “chết cho chúng ta” và “phục sinh cho chúng ta” (2Cr 5, 15); chính qua Tử nạn và Phục sinh, Đức Kitô sẽ “sáng tạo mới”- phục sinh con người. Do vậy, “Tỉnh giấc đi hỡi người còn đang ngủ, từ chốn tử vong chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi” (Ep 5, 14). “Vì sự sống lại tương lai của chúng ta là “trương độ sự phục sinh của Chúa Kitô” trên tất cả mọi người, nên sự Phục sinh của Chúa Kitô cũng là nguyên nhân sự sống lại của chúng ta, “vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết đuợc sống lại” (1Cr 15, 20-21) [19].

Vì thế, Đức Giêsu sống lại chứng tỏ sự sống chiến thắng sự chết và tội lỗi, cuộc chiến thắng này đã được quyết định nhờ sự sống lại của Đức Kitô, nơi “con người đã không làm được gì để tiêu diệt sự chết, trái lại, họ chỉ có khả năng tiêu diệt sự sống bằng các phương tiện giết người hiện đại, vì mọi người đều phải chết, nên khi Đức Giêsu chiến thắng sự chết, thì sự chiến thắng của Ngài không phải là của riêng Ngài mà là của tất cả mọi người”. Vì thế, con người đã có bài khải hoàn ca sự sống: “Sự chết đã bị vùi trong toàn thắng, tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu, tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu, (1Cr 15, 54-55). Dù cái chết vẫn cứ đến nhưng con người sẽ không bị quăng vào cõi tiêu diệt, mà được đưa đến sự sống vĩnh cửu nơi thân xác phục sinh[20]. Vì: “Chúa đã yên nghỉ trong mồ ba ngày hầu thánh hóa phần mộ của mọi tín hữu Chúa, để đang khi còn mang nặng thân xác bụi trần, họ cũng được thêm hy vọng sống lại, và Đức Giêsu cúi xuống tử thi của chúng ta, giơ tay cho người nằm đó, Người tiến đến cái chết như thu nhận tình trạng của tử thi và ban phúc cho bản chất nguyên lý của sự sống lại, nhờ qua thân xác của Người”. [21]

Bên cạnh đó, “Thân xác con người là chi thể của Đức Kitô” (1Cr 6, 15) nên Đầu phục sinh thì các chi thể cũng phục sinh. Vì “Đấng Phục Sinh sẽ không quên sót ai” (1Tx 4, 14), và “sức mạnh của sự phục sinh của Ngài làm cho thân xác khốn nạn của chúng ta nên giống như thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 2, 10). Vì thế, “sự sống của Đức Giêsu được biểu lộ nơi thân mình con người” (2Cr 4, 10) và chính Ngài – “Chiên Con sẽ làm cho con người không còn phải đau xót nữa, Ngài sẽ chăn dắt họ và dẫn đưa họ tới các nguồn mạch nước sự sống” (Kh 7, 16-17). Như vậy, “chúng ta sẽ sống lại như Người với Người và nhờ Người” (GLCG 995).

Giáo huấn của các Tông đồ cũng đã nhắc tới điều ấy bằng nhiều cách khác nhau. Như thánh Phaolô viết: “Quả thực, Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết: Ngài là hoa quả đầu mùa của những người đã chết. Vì nếu cái chết do bởi một người, thì sự sống lại của kẻ chết cũng do bởi một người. Như mọi người đã chết trong Adam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được sống lại trong Đức Kitô như vậy. Mỗi người đều theo thứ tự sắp sẵn cho mình. Trước hết là Đức Kitô, sau đó là những kẻ thuộc về Ngài trong ngày Ngài tái giáng” (1Cr 15, 20-24).

Như thế, Chúa Kitô là người “con đầu lòng giữa những kẻ đã chết ( Cl 1, 18). Sự sống lại chung cho hết mọi người đã khởi đầu qua sự phục sinh của Ngài” Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3, 15). Sự sống lại này sẽ được thể hiện công khai và trọn hảo trong ngày Ngài tái giáng. Sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là một sự kiện biệt lập, cũng như cái chết của Ngài trên thập giá không phải là một số phận hẩm hiu riêng lẻ. Cả hai sự kiện đều là những thời điểm chung quyết của lịch sử: “Giai đoạn cùng của các thời đại đã đến giữa chúng ta đây” (1Cr 10, 11), “việc đổi mới thế giới cũng đang tiến hành theo một chiều hướng không thể đảo ngược” (LG 48). Chỉ khi biết nhìn về sự kiện phục sinh với một nhãn quan như thế, chúng ta mới có thể hiểu được một số nét của niềm mong đợi sống lại theo Kitô giáo: Trước hết là vấn đề “mong đợi Chúa sắp đến”, rồi tiếp đó là quan niệm chúng ta đã được phục sinh với Chúa Kitô. Và niềm chờ mong chúng ta sẽ còn được phục sinh trong ngày Chúa Giêsu tái giáng.

Nếu biến cố phục sinh là hoàn tất của lời hứa, thì nó đồng thời cũng là khai mào một lời hứa mới cho thời “sẽ phải đến” (J. Moltmann). Vì thế, cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu được thánh Gioan qui hướng vào “Giờ” và Ngài coi “Giờ” đó như là khởi điểm của cuộc sáng tạo mới thực sự vào buổi sáng phục sinh. Khi chính Đấng Phục Sinh ” thổi hơi và ban Thần Khí cho họ ” (Ga 20. 22) và như thế, “họ không do máu huyết mà sinh ra, không phải do ý của xác thịt, nhưng chính do bởi Thiên Chúa và Thần Khí” (Ga 1, 13) nên: “Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Người cư ngụ trong anh em ” (Rm 8, 11).

“Trong phụng vụ dành cho người quá cố, Đức Kitô luôn là thực tại tối thượng cho sự sống lại của con người, và là hy vọng cuối cùng nằm trong việc loài người sẽ sống lại: “Đức Kitô, Người đầu tiên giữa các kẻ sống lại sẽ biến đổi thân xác phải chết của chúng ta giống hình ảnh thân xác vinh quang của Người,… Xin Người phục sinh thân xác họ trong ngày sau hết. Kinh nguyện Thánh Thể III cũng nhấn mạnh đến sự sống lại của kẻ đã chết liên hệ đến cuộc Phục sinh của Chúa Kitô: “Xin cho họ được chia sẻ vào sự Phục sinh của Người, ngày Đức Kitô cho kẻ chết sống lại, sẽ làm cho thân xác tội nghiệp của chúng con nên giống như thân xác vinh quang của Người” [22].

Chính như thế mà: Đức Kitô sống lại đích thực là “quê hương của kẻ sống” (O. Clement) và “trong Ngài, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha đứa con của ân sủng, và trong hy vọng gởi lại lòng đất hạt giống thân xác sẽ chỗi dậy vinh quang” [23].


[1] Thánh Augustino, Enarrationes in psalmos 88, II, 5 ( CCL 39, 1237,5665.

[2] Thành phố trên đồi, tr. 411

[3] đời sau ĐGH Gioan Phaolô II – Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng chương 28, trang 195

[4] De Resurrectione Carnis Pl 2795B.

[5] Fx. Varillon – Người kitô hữu trước các tôn giáo lớn, tr. 36.

[6] Xứ sở thần học, trang 112.

[7] J.Ratzinger-Tài liệu của Ủy ban thần học quốc tế, số 1.2.5.

[8] Bài giảng thứ bảy tuần thánh của Êpiphariô Salamina. HTTH số 12 trang 61.

[9] Irênê III, 23,7.

[10] Fx. Durrwell- Mầu nhiệm Thiên Chúa Cha tr. 189.

[11] Fx. Durrwell, Đức kitô con người và cái chết, trang 83-84.

[12] FX. Durrwell- Mầu nhiệm Thiên Chúa Cha, tr. 258.

[13] Fx. Varillon–Vui sống vui tin yêu II , trang 81.

[14] Lm Nguyễn văn Trinh, Cánh chung học, tr. 82.

[15] Chỉ một Chúa một đức tin , tr. 28.

[16] Fx Durrwell–Đức Giêsu Đấng Phục Sinh, tr. 56.

[17] Fx. Durrwell, Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong Thánh Thần, tr. 60.

[18] J. Ratzinger, Tài liệu ủy ban thần học quốc tế, số 1.2.3.

[19] J. Ratzinger, Tài liệu ủy ban thần học quốc tế, số 1.1.

[20] Rey Mermet – Kinh Tin Kính, tr. 163–164.

[21] J. Ratzinger, Tài liệu ủy ban thần học quốc tế, số 11.2 và 6.2.

[22] J. Ratzinger, Tài liệu của ủy bàa thần học quốc tế, số 11.2 và 11.3.

[23] GLCG 1683 – lễ an táng.