Tôi Tin Xác Ngày Sau Sống Lại (2)

0
830


ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI

Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V

***

 

***

 

A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ

I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ SỐNG

II. ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA – ĐẤNG PHỤC SINH

III. CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

Chúa Thánh Thần – vị “Thiên Chúa bị lãng quên” nhưng Ngài là vị Thiên Chúa chẳng lãng quên con người chút nào. Ngài là vị Thiên Chúa ẩn giấu, mà chính nhờ Ngài, Thiên Chúa hiện diện sâu thẳm trong ta hơn cả chính ta vì Ngài là Thần Khí” (Augustin).

1. Chúa Thánh Thần–Đấng ban sự sống trong Công Trình Sáng Tạo

Ngay ở câu thứ hai của Thánh kinh, vị “Thiên Chúa ẩn giấu” này cũng được nói đến một cách hết sức “ẩn giấu”, “và Thần khí là là trên mặt nước” (St 1, 2), ở đây Ngài đã được nối kết một cách tinh tế với Nước: Một biểu hiện của sự sống. Chính “Hơi thở Người làm trời trong sáng” (G 26, 13) và cũng chính nhờ Ngài mà “con người đã thành mạng sống” (St 2, 7) nên vũ trụ con người nói chung và Gióp nói riêng đã ý thức được điều đó: “Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí Shadday đã cho tôi sự sống” (G 33, 4). Vì vậy, “Nếu Người rút về làm hơi thở của Người thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi” (G 33, 14-15) “Lời và hơi thở của Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiện hữu của sự sống mọi thụ tạo” (GLCG 703). Chữ “cho” ở G 33, 4b đã nói lên một chân lý quan trọng: Thần khí – Đấng ban sự sống – đây cũng là lời tuyên tín của công đồng Nicêa–Constantinopel.

2. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong sự phục sinh của Đức Giêsu

Biến cố nhập thể đã được “quyền năng của Đấng Tối Cao” bao phủ (Lc 1, 35), nên “Thần khí Chúa ở trên tôi” (Lc4, 18), Đức Giêsu đã dùng quyền năng-“ngón tay” (Lc 11, 20) của Thiên Chúa trong khi thực thi sứ vụ của Ngài. Trên đồi Golgotha, khi Ngài “hiến dâng mình trong Thần Khí vĩnh cửu” (Dt 9, 14), thì có sự tuôn trào của ba thực thể: Thần Khí – Nước và Máu; so với St 1, 2, ở đây: Một thực thể khác xuất hiện: Máu – một biểu tượng về sức sống mới nơi cuộc tạo dựng này. Chính khi “gục đầu xuống, Đức Giêsu phó thác Thần khí” (Ga 19, 30): Cho thấy: Trong cuộc khổ nạn này, “vị Thiên Chúa ẩn giấu” như cũng bị đóng đinh một cách “giấu ẩn” để rồi “ngày thứ ba” Đấng Phục Sinh đã “nhờ quyền năng của Thiên Chúa phục sinh từ cõi chết” (Rm 8, 11), , “về Chúa Thánh Thần ta có quyền nói rằng Người là Thần Khí của sự chết của Đức Giêsu, cũng như ta gọi Người là Thần Khí ban sự sống, là quyền năng vô biên của việc làm cho Đức Giêsu sống lại”[1]. Đây là kỳ công lớn nhất của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ được thực hiện trong Thần khí. Từ đó, “cả con người Đức Giêsu, nhờ sự phục sinh, được đưa vào sự nhiệm sinh vĩnh hằng (Rm 1, 4). Từ nay, Ngài không còn chết nữa, sự chết không cầm giữ được Ngài nữa”[2]. Theo thánh Phaolô thì Thiên Chúa Cha là nguồn gốc của tác động phục sinh, song tác động này là bởi Thần khí của Thiên Chúa (Rm 6, 4). “Vì mọi người, Ngài đã chết và đã sống lại” (2Cr 5, 15) trong Thánh Linh. Tuy nhiên, theo thánh Gioan, biến cố tử nạn và phục sinh chỉ được hoàn tất bằng việc Đấng Phục Sinh hiện ra “thổi” hơi và ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20, 22). Như vậy, trong cuộc tạo dựng “” Thánh Thần như chỉ là Đấng ban cho con người sự sống thể lý, còn trong cuộc tạo dựng mới trong Lời, con người được ban Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, và như thế đó là bảo chứng về sự sống lại cho nhân loại.

3. Chúa Thánh Thần – Đấng Phục Sinh thân xác con người

Trong Thông điệp về Chúa Thánh Thần, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên vai trò của Ngài trong đời sống con người: “con người sống nhờ sự thật và tình yêu, nên con người hướng về Ngài là Thần Khí sự thật và tình yêu, và nếu không có Ngài là nguồn của sự thật và tình yêu thì con người không thể sống được” (số 67).

Vì thế, “trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng công trình sáng tạo là hồng ân của Thiên Chúa ban cho con người, nhưng hồng ân cứu chuộc và thánh hóa còn cao cả hơn” (GLCG 692). Ngay lúc được kêu gọi làm người, mỗi con người đã được “Thánh Thần cấy vào con người mầm giống của Thiên Chúa” (1Ga 3, 9), và mầm giống này được phát triển trong đời sống của mỗi người, nhờ ân sủng của Thánh Thần cho con người tham dự vào sự sống Thiên Chúa (GLCG 1997), “Chính Thánh Thần đã đặt nơi con người mầm sống bất tử, từ đó trào vọt lên sự sống mới, là sự sống của con người nơi Thiên Chúa ” (ĐGM Bùi Văn Đọc- Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống, tr. 179). Nhờ ơn công chính–là một công trình còn lớn lao hơn cả việc tạo dựng đất trời (GLCG 1994), mầm giống ấy trong mỗi người sẽ nảy nở và trở nên sự sống thần linh (2Pr 1, 4)-sự sống của Chúa Thánh Thần (GLCG 1997).

Là tình yêu của Thiên Chúa (Rm. 5, 5), Thánh Thần là nguồn mạch sự sống. Ngài là “Thần khí tác sinh, Thần khí sự sống (Rm 8, 2), xác thịt thì không ích gì” (Ga 6, 63), “Nếu sống theo xác thịt, sẽ chết, nhưng nếu nhờ Thần khí, con người giết chết việc vàn của thân xác và sẽ sống” (Rm 8, 13). Không có Ngài, xác thịt như “những bộ xương khô nằm la liệt trên cách đồng và khô đét cả” (Ed 37) trong sự bất lực của mình: “Con người hỡi, các xương ấy có hồi sinh được không” (Ed 37, 3). Sự chỗi dậy của những bộ xương khô hoàn toàn phụ thuộc vào Thần khí của Đức Giavê. Chỉ trong đoạn ngắn Ed 37, 5-10 từ “Thần Khí” được lặp đi lặp lại bảy lần. Dù trên các xương đã có gân, thịt mọc lên” nhưng khi chưa có Ngài thì chưa có sự hồi sinh, chỉ khi “Ngài nhập vào các xương chúng mới hồi sinh và chúng đã đứng dậy trên chân của chúng” (Ed 37, 10). Đây cũng chỉ là niềm tin chưa rõ ràng của dân Israel vào sự phục sinh trong quyền năng của Thần khí.

Trong khi khai triển chủ đề Kinh Tin Kính, sách Giáo Lý Công Giáo, phần về Chúa Thánh Thần đã không có: Đấng ban sự sống; tuy nhiên, nếu coi phần ba của Kinh Tin Kính được bắt đầu bởi tín điều về Chúa Thánh Thần thì có thể hiểu: Tín điều cuối cùng của phần này: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” được gắn kết chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, và nó cũng như xác quyết “ngầm”: Chúa Thánh Thần–Đấng ba sự sống, Đấng Phục Sinh con người, bởi vì: Lời tuyên tín tiên khởi của các Tông đồ tuyên xưng: “Tôi tin vào Chúa Thánh Thần trong Hội thánh Công giáo để đạt được sự sống lại trong thân xác” [3].

Người ta có thể thán phục những phép lạ, sự khôn ngoan của Đức Giêsu, song người ta như không thấy được “ngón tay” của Thiên Chúa đang hành động. Nếu những điều kỳ diệu được phát sinh bởi sự âm thầm, thì vai trò của vị “Thiên Chúa ẩn giấu” này rất quan trọng trong sự phục sinh thân xác con người.

Theo thánh Gioan, nguyên lý sống của Đức Giêsu chính là Thần khí, nên cái chết của Ngài là sự “phó thác Thần Khí“. Vì thế, khi phục sinh trong Thần khí, Ngài đã ban cho các Tông đồ cũng như nhân loại chính Đấng đã tác sinh sự phục sinh của Ngài. Chính Thần khí được trao ban trong Đấng Phục Sinh là bảo chứng chắc chắn cho sự phục sinh của con người trong Đấng Phục Sinh, “ngõ hầu đồ chết dở này được vùi trong sự sống. Đấng làm ta được như thế là chính Thiên Chúa, là Người đã ban bảo chứng Thần khí cho ta” (2Cr 5, 4-5).

Vì: là “Đấng được trao ban“, Chúa Thánh Thần lưu lại nơi con người và ở trong con người (Ga 14, 17) nên Ngài cư ngụ trong thân xác mỗi con người (1Cr 6, 19), và “thấu lòng dạ con người” (Rm 8, 27), Ngài chứng thực cho mỗi người là con cái Thiên Chúa (Rm 8, 16) và hướng dẫn con người sống bằng luật của Thần khí sự sống trong Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi luật của sự tội và sự chết (Rm 8, 1). Như thế, “con người được hưởng khai ân của Thần Khí“, nhờ thế con người rên siết nơi mình, trông đợi phúc nghĩa tử, sự cứu chuộc thân xác con người (Rm 8, 23), “Nhờ Thánh Thần cuộc đời kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô ngay từ đời này” (GLCG 1002), “Nhờ Thần khí mà cái chết của các tín hữu trở nên sự sinh thành trong chức làm con, họ khởi đầu vào cái tận cùng đó, nó chính là điểm hẹn đưa vào cuộc hiệp thông toàn diện” [4], nên “gieo xuống là thân xác có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 44), “theo thánh Phaolô, thì thân xác thần khí ở đây có nghĩa là được chuyển đổi nhờ ảnh hưởng của Thần Khí chứ không phải chỉ do linh hồn” [5], Vì: “Chỉ có một Thánh Thần duy nhất, mà Thánh Thần ấy là Thần khí phục sinh, chính Thánh Thần phục sinh của Đức Kitô họat động nơi chúng ta, nên Ngài tác động trên con người như một sức mạnh phục sinh, một quyền năng, một sức mạnh làm cho sống. Chúng ta luôn sống động nhờ Thánh Thần phục sinh. Nếu chúng ta có sự chết đó là vì không có Thánh Thần phục sinh trong ta. Có Thánh Thần là có sự sống[6], “ai không sinh bởi Nước và Thần khí thì không thể vào Nước Thiên Chúa” (Ga 3, 5).

“Là Cha kẻ cơ bần, Đấng ban ân huệ, là niềm an ủi trong lúc lệ rơi, Đấng chữa lành nơi thương tích,… “. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho con người “được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời” [7] bằng cách phục sinh thân xác con người, vì làm sao Ngài có thể để “Đền Thờ” của Ngài phải hư nát trong phần mộ, bởi: “Thân xác mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần“. Vì thế, “Ngài phán: Phải! họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn và các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14, 13).

Bức họa nổi tiếng của Michelangne đã phản ánh: Không có Thiên Chúa và sức sống của Chúa Thánh Thần, con người chỉ là một bàn tay thiếu sức sống, yếu đuối, run rẩy,… Chỉ khi được tiếp xúc và nối kết với bàn tay của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa- thì con người mới có sức sống nhờ vào sức sống đã được truyền trao, nên cha Fx. Durrwell cảm nghiệm điều đó và nói: “họat động của Thần khí hoàn toàn “vị tha” như một người mẹ chỉ biết phục vụ sự sống”.

Là Đấng ban sự sống, “Phải tin rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm phục sinh cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi” (GS 22). Hơn nữa, “Nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô ngay từ đời này” (GLCG 1002). Như đã làm cho Đức Kitô phục sinh vinh hiển, Chúa Thánh Thần cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của con người được sống lại vinh quang (Rm 8, 11). Thân xác con người không còn nô lệ cho sự hư nát, nhưng sẽ sáng láng vinh hiển, thông phần sự sống bất diệt của Thiên Chúa (1Cr 15, 42-45), là “thân xác có thần khí” (1Cr 15, 44).

Như vậy, “từ sự phục sinh của Đức Kitô trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa có một con người” (R. Guardini); vì là Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa Cha là Nguồn Sự Sống; Đức Kitô – Đấng là Sự Sống và Chúa Thánh Thần – Đấng ban Sự Sống, nên “cũng như sự phục sinh của Đức Kitô, sự sống lại của chúng ta là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi” (GLCG 989; Rm 8, 11).

IV. TÌNH YÊU VÀ GIAO ƯỚC

Ý tưởng giao ước là ý tưởng căn bản trong Thánh kinh, nó diễn tả việc con người gặp Thiên Chúa trong tình yêu. Đây là sáng kiến hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa ban tài sản, sự sống của Ngài cho dân Ngài. Vì là tình yêu, là Đấng trung tín, qua Giao ước, Thiên Chúa đã nối kết Ngài với họ.

Con đường đưa đến Giao ước chính là tình yêu, và ngược lại, dấu chứng của tình yêu là Giao ước. Tình yêu của Đức Giavê đã cứu thoát Noê; đã chọn và hướng dẫn Abraham và giải thoát Isaac, niềm hy vọng lẽ sống của đời ông; và Ngài đã giải phóng Israel để đưa họ đến sự sống.

Kinh nghiệm của Israel cho thấy: Mỗi lần ký kết giao ước với con người, thì trước đó Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu giải phóng và cứu độ họ thoát khỏi sự nô lệ, tội lỗi, cái chết đưa họ đến sự sống. Khi tạo dựng con người, kết giao với họ một giao ước phụ tử (Fx. Durrwel) và nhờ giao ước đầu tiên này, con người đi vào hiện hữu và sự sống.

Sau Giao ước không phải là “mồ chôn của tình yêu” mà là tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người – Chính sự bất trung của con người đưa đến sự chết. Tình yêu, Giao ước, sự bất tuân, cái chết, và tình yêu ân sủng lớn lao của Thiên Chúa đã được dân Israel kinh nghiệm cách sâu sắc. Bức tranh mang tính hiện sinh của những chương đầu Sáng thế ký đã được Israel sống và cảm nghiệm.

Giao ước được đặt trên nền tảng tình yêu và sự trung tín của Đức Gia vê. Giao ước đã nối kết gần như chặt chẽ Ngài với con người. Ngài ở giữa họ, sống với họ, gắn kết Ngài với họ trong từng bước thăng trầm: “Hòm giao ước đãnghenhững tâm sự nguyện vọng của dân. Cùng lang thang với họ và cũng như dân, cũng từng bị bắt và lưu đày” nơi dân ngoại (1Sm 2, 11). “Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người. Đừng nói gở” (Rm 11, 1). Trong cảnh khốn cùng của mình, Israel đã cậy dựa vào Giao ước để xin Đức Giavê giải cứu, Ngài đã nghe tiếng họ và giải thoát.

“Tình yêu không còn là tình yêu khi có sự thay đổi” (W. Shakespeare), vì thế, Thiên Chúa của Giao ước đã nhớ lại Giao ước, dù sự bất trung của dân, nhưng trước cảnh đau thương của họ, với một tình yêu vượt trên cả người mẹ, khiến Ngài thổn thức: “Hỡi Ephraim, làm sao ta có thể quên ngươi được”, “Dù mẹ nào có quên con thì Ta cũng sẽ không quên ngươi”. Vì thế, Ngài quyết định: “Không! Ta không thể hủy diệt” và đã đưa tay cứu sống. Tình yêu và Giao ước của Thiên Chúa đã là lý do tồn tại, sự sống còn của cả một dân tộc Israel trong dòng lịch sử dù còn mang nặng tính thể lý, song cũng “chính trong viễn tượng sáng tạo và giao ước, dân Chúa bắt đầu bày tỏ niềm tin vào sự phục sinh” (GLCG 992), lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Israel đã phác họa nên những nét về sự phục sinh thân xác nơi Ed 37; Đn 12, 2; 2Mc 7;12;14…

Giao ước cũ được thay thế bằng giao ước vĩnh cửu (Ed 16) trong một “Tình yêu vĩnh cửu, muôn đời”. Giao ước vĩnh cửu này cũng là giao ước mới trong Đức Kitô: Vị Thiên Chúa – người, là Emmanuel, “Nơi Đức Giêsu, nơi mà thực tại cả hai cùng hiện hữu và giao ước của cả bên đạt tới tình trạng toàn bích đã được giới thiệu cho chúng ta” (Bultmann- Xứ sở thần học, tr. 62). Trong tình yêu và Giao ước , tính đơn nhất trọn hảo không phải là đơn nhất của con số một , mà là đơn nhất của tình yêu: Thiên Chúa đến và sống với con người và liên kết trao ban mình cho họ, “Ngài không là một người thân (Toi) không bao giờ có thể trở thành kẻ xa lạ (Lui)” (G. Marcel). Ngài sống trong chính cuộc sống và trong con người của mỗi người (Gl 2, 20) như thánh Augustinô thốt lên: “Đến bây giờ con mới biết Thiên Chúa ở trong con” và Fx. Varillon quả quyết: “Ngài là kẻ khác nhưng không phải là một kẻ khác (Ngài không thể là kẻ thứ ba). Ngài là tôi hơn cả tôi, Ngài ở trong những đối thọai mà tôi đã thực hiện với chính tôi, với các sự vật và với những người khác”[8]. “Ngài cảm thông những yếu đuối của chúng ta” (Dt 4, 15). Nơi Đức Giêsu: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Người” (Ga 3, 16). Như vậy, Đức Giêsu – tình yêu của Thiên Chúa đã thể hiện một cách tuyệt đỉnh đối với con người – ban Con một Người cho con người, chẳng lẽ Thiên Chúa lại không thể ban cho con người được sống sao? “Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của kẻ sống“.

Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu, Ngài “chạnh lòng xót thương”– đây có thể được coi là điệp khúc của Thánh kinh và nhất là của Tân Ước. Ngài thương dân chúng bơ vơ không người chăn, không nỡ để con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất. Ngài cảm thông những người bệnh tật và khóc thương trước cái chết của Lajarô, “Ngài đã gánh lấy các bệnh tật và đã vác lấy các nỗi đau thương của con người” (Mt 8, 17), nên Ngài đến “mang Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo năm hồng ân” (Lc 4, 18-19), và “để phục vụ và hiến thân làm giá chuộc muôn người”, “ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời của Ngài” (GLCG 607).

“Khi trao nộp con của Người vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa đã cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng ta” (GLCG 604), và Thần khí tạo ra Giao Ước mới, bởi chính Ngài là Lề Luật (Fx. Durrwell). Như vậy, trong Giao ước mới, được ký kết trong máu Đức Giêsu: Có thể nói như Nietzsche: “Thiên Chúa đã chết”, nên “Thiên Chúa là một vật tặng nhưng cũng có thể tự hiến. Chính tình yêu đã đưa Ngài đến Giao ước mới để qua cái chết của Ngài mọi người được tha tội và được sống.

Trước cái chết, Ngài cũng xao xuyến, (tuy nhiên, cần hiểu: Nhân tính của Đức Giêsu (và cả Đức Maria) cũng như của chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để sống đời đời, nhưng khác với chúng ta, nhân tính này hoàn toàn không có tội, mà tội mới gây nên sự chết GLCG 612). Ngài ý thức: Qua cái chết tự hiến của Ngài, Giao ước mới được ký kết và Ngài sẽ phục sinh “trong quyền năng của Thiên Chúa – Thần khí tình yêu, từ sự phục sinh của Ngài, Ngài ban sự phục sinh cho con người, chính vì để cho con người được phục sinh mà Ngài đã sống lại” (1Cr 15, 12-17) và đưa con người đến hạnh phúc bất diệt.

“Tình yêu và hiện hữu chỉ là một”, không có tình yêu chung chung không đối tượng. “Nếu bảo người yêu ta chết là hết thì ta đã phụ người yêu rồi” (G. Marcel), “vì nói với ai đó: “Anh (em) yêu em (anh)”, tức là nói với người đó: “Em (anh) sẽ không chết” [9]; “Yêu nhau không chỉ nhìn vào nhau mà còn cùng nhìn về một hướng”. Tình yêu hướng về tương lai, về sự sống.

Cả triệu người trên thế giới đã xúc động vì chàng “Leo” trong bộ phim Titanic, dù nội dung phim chẳng có gì mới: Tình yêu. Rõ ràng, “tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu giả dối, hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa”, người ta có thể chết vì người mình yêu để cho người đó được sống. Người mẹ chỉ là mẹ khi sẵn sàng liều mình vào ngọn lửa để cứu đứa con.

Trong “Hỏa ngục một vấn đề”, Balthasar đã trưng dẫn lời nguyện của Raymond thành Capoue: “Lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng rằng dù chỉ là một trong những người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài như con, lại thoát khỏi tay Chúa và mất linh hồn? và ngài đặt vấn đề: Nếu từ trời tôi nhìn thấy mẹ tôi hoặc người bạn thân nhất của tôi muôn đời bị hành hạ, thì sao? có còn là hạnh phúc? con người đau khổ khi người thân của mình đau khổ, chết là tìm mọi phương cách cứu chữa, chẳng lẽ Thiên Chúa để kẻ hiếu trung hư nát trong phần mộ” mà vui thích trước nỗi đau khổ chết chóc của con người?

Như cha Fx. Varillon viết: “nếu xảy ra chuyện Thiên Chúa Ba Ngôi lại dửng dưng với quan hệ của bạn với Thiên Chúa, thì điều này quả đáng sợ… mối tương giao của một con người với Thiên Chúa sẽ ra sao nếu Thiên Chúa lại là nhà lập pháp? Tôi sẽ không có lỗi gì đối với Thiên Chúa đó. Lỗi duy nhất của tôi, đó là không yêu Đấng đang yêu tôi, không yêu Ngài bằng hành động và bằng sự thật”. [10]

Chẳng lẽ, vị Thiên Chúa ra lệnh truyền trong giao ước của con người: không được phân ly, chính Ngài lại phân ly sao?, và “sự đau khổ của Thiên Chúa” trên thập giá (Luther), “sự đau khổ của Ngài trước những đau khổ của một dân tộc, của con người (Kazo Kitamori) và một vị “Thiên Chúa là tình yêu” lại thua tình yêu con người? Không! “giá như thiên hạ biết cho rằng, Thiên Chúa đau khổ với chúng ta, và còn đau khổ nhiều hơn chúng ta, vì mọi sự dữ tàn phá trái đất” (J. Maritain); vì thế, “Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài” (Rm 8, 32). Giao ước cũ được ký kết bằng máu súc vật song nó cũng chứa đựng sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Trong Giao ước mới được ký kết bằng máu của Đức Giêsu và Ngài ban cho con người Thần khí và tình yêu của Ngài. Altizer trong sự chia sẻ “nỗi oán giận” của Nietzsche về Thượng Đế, ông ta đã loan báo “Tin Mừng về cái chết của Thượng Đế”. Quả thực, nơi Đức Giêsu, cái chết của Thượng Đế tình yêu là một Tin mừng đối với nhân loại, vì “thập giá đã trở nên cây sự sống, thập giá là cây đã trổ sinh hoa trái của tình yêu, mà tình yêu thì mạnh hơn sự chết” (DC 8, 6-7), và khi phục sinh Đức Giêsu, Thánh Thần cũng phục sinh thân xác của con người, ban cho họ sự sống đời đời (Rm 8, 11), nên “sự cứu độ cho phép chúng ta khám phá ra sự cao thẳm của tình yêu này, không lùi bước trước hy tế diệu kỳ của Người Con để làm nổi bật sự trung tín của Đấng Sáng Tạo và là Cha đối với con người được dựng nên theo hình ảnh Người mà “ngay từ ban đầu” đã được chọn trong Con của Người để hưởng ân sủng và vinh quang” [11].

Nơi hiu quạnh của sự chết, con người được Thiên Chúa trấn an: “Đừng xao xuyến”, bởi vì như Cha Fx. Durrwell: “Quy luật phải chết là dấu chỉ và là lời hứa ơn cứu độ”, ” Người là Cha giàu lòng tư bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thửu thách” (2 Cr. 1, 3-4) vì “Thiên Chúa còn tỏ mình ngay trong giọt lệ của đứa bé đau khổ chứ không phải trong thế giới biện minh cho giọt lệ này” (Berdiaff) và “bất cứ ở đâu có khổ đau của con người, thì dù có ý thức hay không, người khổ đau cũng được “ấp ủ” ở trong tình yêu khổ đau của Thiên Chúa, bởi vì chính con Thiên Chúa đã từng chịu đóng đinh ở ngoài cửa thành (Dt 13, 12)[12]; hơn nữa, Ngài còn đồng hóa với người đau khổ, đói khát, bị bắt bớ, tù ngục một cách thể lý (Mt. 25; Cv. 9, 4tt); cùng với con người, Thiên Chúa lâm cảnh ngặt nghèo (Tv. 91, 15). Nên trong tình yêu, “Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 38-39). Ngài “muốn Ngài ở đâu con người cũng ở đó với Ngài để được ngắm vinh quang Ngài” (Ga 17, 34) và “các kẻ Cha đã ban cho Ngài, Ngài đã không thể để hư đi mất một người nào” (Ga 18, 9)vì “Ta sống và các ngươi cũng sẽ sống” (Ga 14, 19).

“Cái chết đã được biến đổi nhờ Đức Giêsu Kitô, từ lời nguyền rủa trở thành lời chúc phúc” (GLCG 1009). Từ đó khi đối diện với cái chết, con người có thể hát bài ca khải hoàn (1Cr 15, 54-55) và xác quyết: “Tôi không chết nhưng đang bước vào cõi sống” (GLCG 1011), cái chết không còn là một sự cô đơn, tuyệt vọng nữa, mà trong cái chết, con người chết trong cái chết của Ngài để con người vẫn tràn đầy niềm tin yêu hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa, vì như B. Pascal nói: “Đức Giêsu đã nghĩ đến mỗi người trong cơn hấp hối của Ngài, và Ngài đã đổ những giọt máu đó vì họ”, nên “Ngài nói với bạn: Bạn sẽ không chết bởi vì Tôi đã yêu bạn” [13]. Sức mạnh của tình yêu thì mạnh hơn sự chết, “tình yêu đã yêu thương chúng ta, cuối cùng đã chiến thắng” (Gustave Martelet).

Từ Giao ước mới đến giao ước trên trời [14], khi đó, “Thiên Chúa ở cùng họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và Người sẽ lau sạch nước mắt họ, chết sẽ không còn nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không có nữa, vì các điều cũ đã qua đi, Người sẽ ban sự sống nhưng không!” (Kh 21, 3. 4. 6).

Vì vậy, nói theo cách của Lev Tolxtoi trong tiểu phẩm “Con người sống bằng gì?”, ông đã trả lời với câu kết: “Con người sống bằng tình yêu “, và Platon nói: “Chỉ có kẻ đáng được yêu mới đáng hiện hữu”; từ đó, trong tình yêu và Giao ước của Thiên Chúa, con người sẽ sống mãi, được phục sinh với Ngài nhờ Thánh Thần tình yêu (Rm 8, 11), “vì thương yêu, Ngài đã cho con người khả năng hưởng phúc vĩnh cửu” (GLCG 356).

V. TỘI – THA TỘI

“Tôi tin phép tha tội, tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”, hai tín điều này được đặt gần nhau có lẽ không phải là ngẫu nhiên. Giữa tha tội và thân xác loài người ngày sau sống lại có một sự tương quan, có thể nói, thân xác loài người sống lại là hệ quả của tha tội. Tất cả các tín điều trên như được “kết đọng” lại nơi tín điều tha tội, bởi qua đây, Thiên Chúa biểu lộ quyền năng và tình yêu của Ngài.

Có nhiều cách giải thích về cái chết của con người: M. Heidegger cho rằng: Tính thể của con người là chết, là tạo vật, con người trở nên một hữu thể-dành –cho- sự chết (FX Durrwell) và Paul Tillich trong cách nhìn như thế cũng cho rằng: Con người là hữu hạn trong cái vừa có vừa không nên nó chết; bởi vì linh hồn thoát khỏi “tù ngục” thân xác (Platon); vì bản chất của con người là hữa hạn, hay coi cái chết là quy luật chung (Kn 7, 1; Hc 41, 4)… Tuy nhiên, theo Kitô giáo thì ” chết làhậu quả của tội lỗi”, giả như con người không phạm tội thì đã không phải chết. (GLCG 1008).

Có nhiều quan niệm về tội: Tội lỗi là sự bất tuân mệnh lệnh, lề luật, bất trung đối với Giao ước, là sự bất công của xã hội… và quan niệm này có thể thay đổi theo các thời kỳ. Tuy nhiên, điều hệ trọng là khi quan niệm về tội thì luôn luôn được quy chiếu về Thiên Chúa, khi con người mất ý thức về Thiên Chúa thì cũng tất yếu là mất ý thức về tội[15].

Tính biến hóa của tội được biểu trưng bằng “con rắn”, nơi nào nó xuất hiện là nơi đó có “nọc độc”, khổ đau, ảo tưởng, giả dối, và tác hại lớn nhất nó gây ra mà con người nhận thấy: Chết! nên “Tử thần có độc là vì tội lỗi” (1Cr 15, 56).

Vì thế, Sáng thế ký đã đưa nên vấn đề này ngay ở những trang đầu tiên, để trả lời cho con người: Tội là gì? Khi gắn kết giữa tội với tác hại ghê gớm nhất của nó là sự chết thì tội chính là một hành vi con người chống lại Thiên Chúa và từ đó xa với nguồn sự sống đích thực của mình.

Tội lỗi khi đã xuất hiện và thâm nhập thì công trình tạo dựng của Thiên Chúa như bị đảo lộn, phá hủy, bắt đầu từ con người trong chính bản thân, trong các mối tương quan, đến đất đai, lao động, và “người sẽ trở về bụi đất” (St3, 19): Chết! như thánh Phaolô đã viết: “nọc độc của tội là sự chết” (Rm 5, 12) và “lương bổng mà tội lỗi trả cho con là cái chết” (Rm 6, 23).

“Song ở đâu tội đã gia tăng, thì ơn đã siêu bội, ngõ hầu cũng như tội đã ngự trị bằng sự chết, thì ơn cũng ngự trị nhờ sự công chính cho đến sự sống đời đời” (Rm 5, 21). Đoạn trình thuật về sự kiện Ađam và Eva sa ngã cho thấy một sự liên hệ giữa: tội và ơn cứu độ. Trước khi kê ra các hình phạt tương ứng với tội phạm Thiên Chúa đã nghĩ đến số phận của loài người. Ngài đã thoáng cho thấy cả một phương án cứu độ với lời hứa ban ơn cứu độ. Như thế, phương cách cứu độ đưa dẫn loài người vào trong một trạng huống tốt hơn lúc sa ngã.

Cựu ước đã dùng hai hình ảnh cụ thể để diễn tả sự tội nơi con người. Đó là sự phản bội (ngoại tình) và từ chối Cha mình. Ở Tân ước, hình ảnh “người con hoang đàng” đã diễn tả sâu sắc hơn chiều kích của tội: Từ khước tình yêu của Thiên Chúa.

Dân Israel đã cảm nhận được: xúc phạm đến Giao ước là phạm tội và hậu quả là khổ đau, lưu đày, chết chóc, khi quay trở về với Giavê thì đồng nghĩa với sự hưng thịnh của dân tộc, đất nước; cũng như “người con hoang đàng” khi “đã trót phạm tội đến trời và đến Cha” thì hậu quả là một tình trạng sống cũng như chết, chỉ khi anh quay trở về nhà Cha, trong tay của Người, thì cuộc sống thực sự trở lại với anh. Nên “Thiên Chúa biểu dương sự toàn năng của Người khi giúp con người bỏ đàng tội lỗi và nhờ ân sủng tái lập con người trong tình thân với Người, khi Chúa thương xót và thứ tha là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả (GLCG 277).

Không có sự thứ tha của Thiên Chúa thì cả thành Ninivê đã bị tiêu hủy (Sách Giôna); không có sự thứ tha thì dân Israel cũng khó tồn tại sau biến cố ở chân núi Sinai và trong các biến cố sau này. Như Mauriac nói: “Để tồn tại con người cần đến sự thứ tha, con người đói sự thứ tha hơn là đói cơm bánh” [16].

Có thể nói toàn bộ Thánh vịnh vang vọng lời kêu xin: “Xin Chúa chuộc chúng tôi, Lạy Giavê, Lạy Giavê xin hãy ra tay cứu độ” (Tv 106, 47;118, 25). Israel đã ý thức được sự sống còn của họ tùy thuộc vào tình yêu, sự tha thứ và cứu độ của Đức Giavê.

Sự toàn năng của tình yêu là sự tha thứ, “trong ngày cứu độ, Thiên Chúa đã đáp cứu con người” (2Cr 6, 2). Chính vì tình yêu mà Đức Giêsu đã đến và giao hòa con người với Thiên Chúa (Rm 5, 10-11; Cl 1, 20); Đấng Cứu Độ là tên của vị Thiên Chúa – Người. “Giêsu, chính Ngài sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1, 21), “Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, lời rao giảng đầu tiên của Ngài là mời gọi con người “hãy sám hối!”, và Ngài đã thực hiện điều đó bằng cách chống lại những thế lực của tối tăm, của tội lỗi được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau: bệnh tật, chết,… Ngài đã dùng quyền năng để tha tội: “Tội lỗi con đã được tha” (Mt 9, 2) “chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội” (Mc 2, 7). Đây là lần đầu tiên trong dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa tuyên bố tha tội cho một con người và như thế, cho cả nhân loại. Rõ ràng, cơn nóng giận của Giavê đã không đến như Gioan Tẩy Giả nghĩ, trái lại hành động đầu tiên và công khai của con Thiên Chúa là đứng vào hàng ngũ các tội nhân, trong dòng nước sông Giodan để rồi sẽ thánh hóa họ trong Nước và trong Thần khí. “Chính Ngài đã mang lấy tội lỗi của con người để đóng đinh tội lỗi ấy vào thập giá cùng với thân xác Ngài, từ nay ở đâu có người tội lỗi, ở đó có mặt Ngài” [17]. “Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi” (Mt 9, 13).

Lịch sử Cứu độ được coi là một cuộc tìm kiếm của Thiên Chúa đối với con người, câu hỏi: “Ađam ngươi ở đâu?” như hiện sinh nơi mỗi người, Đức Giêsu đã thể hiện Thiên Chúa có mặt ở nguồn gốc của sự tìm kiếm; Thiên Chúa có mặt ngay trong sự tìm kiếm ảo vọng – khước từ Ngài của con người như người con hoang đàng. Hơn nữa, là nguồn gốc của sự tìm kiếm, Ngài “đi tìm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19, 10), và những người tội lỗi đã đến với Ngài, đã đi lại và ăn uống với Ngài (Lc 15, 1). Có thể nói: Thiên Chúa bạn của người tội lỗi (Mt 11, 19). Ngài lên án tội lỗi, song Ngài không kết án tội nhân. Qua Ngài, Thiên Chúa đã không chặt đi, nhưng còn bón thêm vào cho “cây vả” (Lc13, 6-9).

Những “kẻ phạm tội là thủ phạm và như là dụng cụ thực hiện những cực hình mà Chúa Cứu Thế phải chịu, vì tội lỗi xúc phạm đến chính Chúa Kitô” (GLCG 598). Thế nhưng, “trong Người, trước khi tạo thành trời đất, con người đã được mời gọi để trước thánh nhan Người họ trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1, 4), “trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa luôn ước muốn cứu chuộc loài người” (GLCG 609), nên “Ngay khi còn là tội nhân, con người đã được giảng hòa với Thiên Chúa bởi cái chết của Con của Người” (Rm5, 10). Như thế, Thiên Chúa là “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2Tm 2, 4).

Ứng với tội lỗi, Thiên Chúa đã biểu dương một tình yêu lớn hơn. Người đã yêu thương cách riêng tất cả những ai xúc phạm đến Ngài, đến độ đã phái gửi Con một của mình làm Đấng Cứu Độ đến với họ. Lẽ ra tội lỗi chỉ đáng cho Thiên Chúa phẫn nộ, nhưng không hiểu vì sao những tội nhân lại được yêu thương với một tình yêu sâu đậm đặc biệt bằng một thái độ vô vị lợi lạ lùng, làm cho trí óc loài người phải chưng hửng, không sao hiểu nổi. Phản ứng bằng cách yêu thương nhiều hơn, không mảy may có nghĩa là làm cho tội lỗi bớt xấu xa đi, hoặc để dung thứ hơn. Không phải tội lỗi, nhưng chính tội nhân là người được Thiên Chúa yêu thương và nhờ được yêu thương như vậy mà tội nhân được cứu thoát khỏi tội lỗi.

Trong tình yêu cứu độ, Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta (GLCG 601; Cv 3, 18), đã thiết lập giao ước mới trong Máu của Ngài để mọi người được ơn tha tội (Mt 25, 28). Chính khi hoàn tất Giao ước mới – giao ước tha tội, “trong Ngài, con người được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl. 1, 14), Ngài ban ơn cứu độ và sự sống đời đời cho con người, “và khi Đức Giêsu phục sinh, thì cái chết dù không mất đi tính chất là hình phạt của tội, thì cũng được ghi ấn tín của cuộc phục sinh của Đức Kitô, sự chết không còn “nọc độc” để chiến thắng con người nữa”[18].

Khi phục sinh, Đấng Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ và truyền lệnh trước tiên cho họ về việc tha tội trong quyền năng của Thánh Thần (Ga 20, 22). Điều này cho thấy: Ơn cứu độ là sự tha tội gắn kết với Đấng Phục Sinh – Sự Sống; Thánh Thần: Đấng ban sự sống. Do vậy: Tha tội là “Bí Tích của kẻ sống” đem lại sự phục sinh như Đấng Phục Sinh, bởi vì: “khi đã được giảng hòa rồi ta sẽ được cứu sống bởi sự sống của Ngài” (Rm 5, 10). Đấng Cứu Độ chỉ là Đấng Cứu Độ khi chính Ngài là Đấng Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho con người. Thời Cựu ước, ơn cứu độ được hiểu mang nhiều tính vật chất, thể lý trần tục. Từ sau biến cố phục sinh, ơn cứu độ là đề tài mà Giáo Hội sơ khai, các Tông đồ rao giảng. Trong tuyên ngôn phát biểu trước Thượng Hội Đồng Do Thái, Phêrô đã khẳng định Đức Giêsu là “Đấng Cứu Độ”, và nhờ Ngài mà ơn tha thứ tội lỗi đã được ban xuống cho toàn dân (Cv 5, 31). Trước đó thánh nhân đã tuyên bố: Đức Giêsu là Đấng ban ơn cứu độ cho nhân loại (Cv 4, 12), và họat động nổi bật nhất của các Tông đồ vào thời kỳ này là: làm phép rửa nhân danh Đức Giêsu để tha thứ tội lỗi, và con người sẽ được lãnh ơn Thánh Thần (Cv 2, 38). Điều này có liên hệ mật thiết với Ga 20, 22-23: Đấng Phục Sinh, Thánh Thần và tha tội- ơn cứu độ được kết liền nhau.

Như vậy, ơn cứu độ mà các Tông đồ rao giảng không còn quan niệm như trước nữa mà đã được gắn liền với Đấng Phục Sinh, và quyền năng của Đấng Phục Sinh vẫn hiện diện qua việc nhân danh Ngài, người què đi được (Cv 3, 1-9), bà góa sống lại (Cv 9, 36-43). Đối với các Tông đồ và các tín hữa sơ khai: ơn cứu độ chính là sự sống đời đời và sự phục sinh thân xác như Đấng Phục Sinh. Quan niệm về sự phục sinh thân xác nơi Giáo Hội sơ khai có thể chưa rõ ràng, mà chỉ sau này thánh Phaolô khai triển giáo lý người chết sống lại cho các tín hữa Côrintô. Tuy nhiên, qua những gì đã chứng kiến và tiếp xúc với Đấng Phục Sinh “được ở nơi đây thì tốt lắm” (Lc 9, 33), thì ơn cứu độ đã được các Tông đồ hiểu chính là sự phục sinh như Đức Kitô, phục sinh thân xác như lời tuyên tín tiên khởi của các ngài và cũng như chúng ta sau này: “Tôi tin sự sống lại trong thân xác”.

“Vậy nhờ Thanh Tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng được sống lại với Người, trở thành thụ tạo mới” (GLCG 1214). Đấng Phục Sinh và Thánh Thần, tội – tha tội, nhất là Thanh Tẩy và ơn cứu độ như là một sự tạo dựng mới mà con người trở thành thụ tạo mới”, sống sự sống Thần linh (2Pr 1, 4) mà bức tranh “Sự trở về của người con hoang đàng” của Rembrandt đã nói lên điều đó qua nhận xét của một người: “đây là đầu của một em bé vừa ra khỏi dạ mẹ, hãy nhìn xem nó vẫn còn ướt và gương mặt thì giống như mới sinh”. Theo Durrwell: Được tha thứ là được ơn cứu độ, được tác sinh trong Thần khí, và như thế, trở thành con của Thiên Chúa (Rm 8, 15) để cùng chết và cùng phục sinh với Đức Kitô.

Đối với con người, cũng như Dostoievski thì: “Tội ác và trừng phạt” gắn liền nhau. Trừng phạt là hệ quả tất yếu của tội. Thế nhưng trong “phản ứng” của Thiên Chúa – Đấng là tình yêu (1Ga 4, 8) thì tội lỗi đã được Đấng Cứu Độ xóa tội trần gian trong quyền năng tình yêu của Ngài là sự tha thứ, để ban ơn cứu độ, sự sống thần linh và sự phục sinh thân xác cho con người.


[1] Fx. Durrwell, Mầu nhiệm Thiên Chúa Cha, tr.373.

[2] ĐGM. Bùi Văn Đọc- Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống, tr. 389.

[3] Rey Mermet-Kinh Tin Kính, tr. 236.

[4] Fx. Durrwel, Đức Giêsu con người và cái chết, tr. 90.

[5] Ratzinger, Tài liệu của uỷ ban thần học quốc tế, số 5.4

[6] ĐGM. Bùi Văn Đọc – Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống, tr. 390

[7] Ca Tiếp Liên Lễ Hiện Xuống.

[8] Fx. Varillon -Vui sống vui tin yêu, tr. 181-82.

[9] Fx. Varillon -Vui sống vui tin yêu, tập 1, tr 120.

[10] Fx. Varillon -Người kitô hữu trước các Tôn giáo lớn, tr. 48.

[11] J. Ratzinger – Tài liệu của uỷ ban thần học quốc tế, số 10.2.

[12] HTTH, số 25-25,tr. 175.

[13] Fx. Varillon- Vui sống vui tin yêu-tập 1. Tr 126.

[14] J. Dheilly-Từ điển Thánh kinh II, tr 579.

[15] ĐGH Gioan Phaolô II- Thông điệp về Chúa Thánh Thần, số 47.

[16] Fx. Varillon Vui sống vui tin yêu, tập 1, tr. 95.

[17] Rey Mermet, Kinh Tin Kính 243.

[18] Lm. Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học, tr. 97.