Thời Bút Chiến Về Kitô Học: Théodoret De Cyr Và Chiến Thắng Đầy Gian Nan Của Antioche Ở Chalcédoine

0
2595


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG V

THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC

(431 – 750)

***

PHẦN I

CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA ALEXANDRIE VÀ ANTIOCHE

***

ĐOẠN II

THÉODORET DE CYR

VÀ CHIẾN THẮNG ĐẦY GIAN NAN CỦA ANTIOCHE Ở CHALCÉDOINE

 

Con người đi qua, nhưng tư tưởng vẫn còn. Jean d’Antioche qua đời năm 442, cháu là Domnus lên kế vị, rồi đến Maxime. Ở Alexandrie, Cyrille mất năm 444, nhường lại cho Dioscore, còn tại Constantinople, sau Proclus (446) tới Flavius, rồi Anatole. Dioscore d’Alexandrie sẽ tiếp tục cầm lấy ngọn đuốc của Cyrille, nhưng với ngọn lửa cháy dữ dội hơn, do sự lôi kéo của một đan viện trưởng ở Constantinople là Eutichès, nhưng trên đường chạy, Dioscore đã bị một vị Antioche rất tầm cỡ chặn đường, đó là Théodoret de Cyr.

I. MỘT GIÁM MỤC NHIỆT THÀNH

Théodoret sinh ở Antioche vào năm 393. Được giáo dục trong bầu khí đạo đức, và đã hấp thụ được một nền văn hóa đạo đời tốt đẹp của cả Syrie lẫn Hy Lạp. Năm 323, ngài được chọn làm Giám mục thành Cyr, ở Syrie (mạn sông Euphrate), gần Antioche. Ngài cai quản Giáo phận với tất cả trí tuệ và tâm huyết.

Trong thành phố quê mùa và lạc hậu này, Théodoret đã phải bảo vệ các lợi ích vật chất của giáo dân kể cả việc đứng ra nhận thầu các công trình công cộng. Nhưng trước hết, ngài là người nổi tiếng trong việc đem người khác trở lại đạo, quan tâm đến người ngoại giáo và người Do Thái. Chính vì muốn giúp họ mà ngài đã soạn cuốn “Phương pháp trị các căn bệnh Hy Lạp hay chân lý Phúc Âm được chứng minh bằng triết học Hy Lạp” (Thérapeutique des maladies helléniques ou la vérité des Évangiles prouvée par la philosophie grecque). Đây là tác phẩm hộ giáo cuối cùng và có lẽ là tác phẩm hộ giáo vĩ đại nhất của Kitô giáo cổ thời, trong đó tác giả chứng minh sự thua kém của ngoại giáo về mọi phương diện. Với tư cách là Giám mục, trong nhiều tác phẩm nay đã thất lạc, Théodoret đã bác bỏ các lạc thuyết của Ariô, Eunome, Macédonie (Pneumatique), Marcion.

Trước năm 430, ngài cũng đã viết tác phẩm “Trình bày đức tin chân thực” (exposé de la vraie foi) và một khảo luận về “Mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh và tác sinh và về Mầu nhiệm Nhập thể của Chúa” (De la Sainte et vivifiante Trinité et de l’Incarnation du Seigneur); đây là hai tác phẩm bộc lộ rất rõ khuynh hướng của Antioche, trong đó, cùng với phần khá lớn tư tưởng truyền thống, ngài thường nói đến nhân tính, trong ngôi vị độc nhất (Prosopon) của Đức Kitô, bằng những từ ngữ cụ thể: “Con người hữu hình”, “Con người hoàn hảo”, “Sự hoàn hảo của con người được đảm nhận” (l”homme assumé). Đức Kitô là “Ngôi Lời đảm nhận với con người được đảm nhận” (Le Christ, c”est le Verbe assumant avec l”assumé), mỗi bản tính vẫn giữ các đặc tính riêng của mình, không thay đổi, không lẫn lộn. Người ta có cảm tưởng rằng, nơi Théodoret, từ “Prosopon” chỉ đến con người cụ thể, rõ ràng bên ngoài (Personnage) hơn là một ngôi vị (Personne) theo nghĩa hữu thể luận.

II. TỪ CYRILLE TỚI EUTYCHÈS

Là nhà tư tưởng theo truyền thống Antioche như thế, Théodoret không thể không nhạy cảm đối với cuộc tranh cãi giữa Cyrille và Nestorius. Théodoret minh nhiên chủ trương “tính duy nhất và độc nhất” của Con Thiên Chúa. Nhưng ngài bác bỏ sự hiệp nhất hai bản tính trong ngôi vị theo kiểu Cyrille và tỏ ra dè dặt về sự chuyển thông các đặc tính giữa hai bản tính. Ngài tuyên bố điều đó vào năm 431 qua tác phẩm “Réfutation des XII Anathèmes” (bác bỏ 12 án vạ). Trong tác phẩm này, ngài cho Cyrille là kẻ theo thuyết của Apollinaire, và điều này đã khiến Cyrille trả đũa lại bằng cuốn “Chống Théodoret”. Cũng với tư tưởng đó, năm 431-432, ngài đã viết cho 161 đan sĩ Syrie mạn Euphrate, một khảo luận gồm năm cuốn “Pentalogos”, nhằm chống lại Giám mục Alexandrie (tức là Cyrille). Tuy nhiên, Théodoret là con người nghĩa khí, trung thực đối với người khác; đồng thời, lại mềm mỏng với các diễn ngữ (expressions). Ngay giữa cuộc tranh luận tại Công Đồng Ephèse, chỉ mình Théodoret thuộc phái Antioche đã nhìn nhận một công thức của Cyrille là chính thống, mặc cho sự bực tức của bạn hữu. Chính ngài đã soạn thảo một lời tuyên tín rất tinh tế, tuyên xưng hai bản tính (Diphysite) mà hầu chắc đã được dùng làm nền tảng cho công thức liên hiệp [đôi khi còn được gọi là tín biểu Éphèse-Symbole d’Éphèse] được thỏa thuận năm 433 giữa các nghị phụ Đông Phương và Cyrille, vị đứng đầu Alexandrie. Đối với Théodoret, công thức liên hiệp (l’acte de paix, formule d’union) không phải chỉ là sự kết án cá nhân Nestorius, ký nhận bản văn đó hẳn sẽ bao hàm cả việc truất chức kẻ lạc giáo, dưới mắt của Cyrille và sau đó là Hoàng đế. Vì áy náy lương tâm và nghĩ ngợi với bạn bè, Théodoret đã do dự một thời gian dài trước khi ký. Vào năm 436-437, do Hoàng đế Théodose đòi hỏi và dưới áp lực của Đức Thượng Phụ Jean, ngài đã tự tay ký nhận, trong khi Alexandre de Hiérapolis (Mabbourg), vị Tổng Giám mục của ngài vẫn kiên quyết chống lại “một bản tính nơi Đức Kitô” và chấp nhận lưu đầy. Cũng trong thời kỳ này, những cuộc đụng độ khác nổ ra, và lần này thì Diodore de Tarse và Théodore de Mopsueste cả hai đều đã qua đời, lại là nạn nhân. Năm 348, Cyrille viết cuốn “Chống Diodore và Théodore”, Théodoret trả đũa lại bằng tác phẩm “Bênh Diodore và Théodore” (nay đã thất lạc). Đây có lẽ là lúc cuộc đối đầu giữa Alexandrie và Antioche lộ rõ hơn cả. Tuy nhiên, các mối liên hệ giữa Théodoret và Cyrille về sau đã trở nên hòa dịu.

Riêng với Théodoret, chín năm sau, ngài lại lao vào cuộc chiến chống lại một đan viện trưởng ở Constantinople, đó là ngài Eutychès rất đáng kính, đạo đức hơn là thông minh, có con đỡ đầu là Chrysaphe rất thần thế ở bên cạnh vua Théodose II. Là người theo Cyrille, nhưng với một đầu óc trì độn, Eutychès giảng dạy rằng: “Chúa Giêsu có hai bản tính trước khi kết hiệp, nhưng sau khi kết hiệp thì chỉ có một bản tính; nhân tính bị tan biến trong thần tính”. Chủ trương nhất tính (monophysisme) này đã lan rất xa ra ngoài thủ đô, đặc biệt ở Alexandrie và Ai Cập, với sự trợ lực của Hoàng đế và Dioscore, người kế vị Cyrille; chính Dioscore đã dựng lại chủ trương “Đức Kitô một bản tính”. Vào năm 447, Théodoret soạn bộ “Eranistès” (kẻ ăn xin) hay “Polymorphos” (Nhiều hình thái) gồm bốn cuốn. Ba cuốn đầu viết theo thể đối thoại giữa một người Kitô hữu chính thống và một người ăn xin (eranistès), và trên thực tế, đó là kẻ theo nhất tính thuyết, đi góp nhặt đủ thứ hình thái lạc giáo (“polymorphe”) của bốn thế kỷ đầu. Cuốn thứ tư là phần kết luận được viết bằng một ngôn ngữ đối thoại có tính sư phạm rất cao. Tác phẩm này trình bày cách rất chặt chẽ, chính xác về tính bất khả thụ nạn (impassibilité) của thần tính, và do đó, tính bất biến của Ngôi Lời trong Đức Kitô. Như thế, ngài loại bỏ chủ trương Ngôi Lời chịu khổ nạn. Théodoret nhấn mạnh đến hai bản tính, “bản tính đảm nhận và bản tính được đảm nhận” (l’assumant et l’assumé), gạt bỏ mọi pha trộn giữa hai bản tính, nhưng đồng thời tuyên bố chỉ có một Người Con, và chấp nhận ngay cả “sự hiệp nhất thể lý” (unité physique) [physique = réel, substantiel, véritable] được thực hiện ngay trong chính hành vi “đảm nhận” (assomption); hơn nữa, vì nhân tính không hiện hữu trước khi phối hợp [Nhân tính được đảm nhận ngay khi hiện hữu]. Đây là tác phẩm tín lý quan trọng nhất của Théodoret, dựa vào 238 câu trích dẫn từ 88 nguồn tài liệu khác nhau. Chính Cyrille cũng đã dựa vào các tài liệu của các Giáo Phụ trước ông để biện hộ cho chủ trương của mình, nên người ta có thể nói rằng, truyền thống thực sự đã trở nên một chứng lý thần học trong Giáo Hội vào thế kỷ thứ V.

III. CUỘC XUNG ĐỘT Ở CHALCÉDOINE

Một cuộc tấn công dữ dội bùng lên chống lại Théodoret và cả Ibas d’Édesse, người đã biện hộ cho các Giám mục Đông Phương ở Công Đồng Ephèse năm 433 trong một lá thư gởi Giám mục Ba tư là Maris, và đã bênh vục Théodore de Mopsueste năm 438. Ibas và Théododret đã bị kết án theo lạc thuyết Nestorius. Tháng 2 năm 448, Hoàng đế Théodose đã nhúng tay vào: quản thúc Théodoret tại gia và bắt Ibas đi dầy. Với sự giúp đỡ của Domnus, Giám mục Antioche, Théodoret đã xin Flavien, người kế vị Proclus ở Tòa Thượng Phụ Constantinople nhưng vô hiệu, mặc dù Flaviens là người theo chủ trương hai bản tính cách xác tín. Tuy nhiên, cuộc họp Hội Đồng Giám Mục thường kỳ ở Constantinople năm 448 đã tuyên xưng: “Sau khi Nhập thể, Đức Kitô có hai bản tính trong một cá vị (hypostase) và một ngôi vị (personne)”, tuyên bố Eutychès là lạc giáo và cho phép Ibas trở về.

Đáp lại, Hoàng đế Théodose triệu tập một Công Đồng (cũng tại Ephèse) vào ngày 1 tháng 8 năm 449. Đức Giáo Hoàng đã gởi các vị đại diện đến, kèm theo một lá thư gởi cho Flavien, mà sử sách gọi là “Tome de Léon à Flavien”. Lá thư này trình bày Kitô Học của Roma và kết án Eutychès là “ông già dốt nát”. Thế nhưng, những vị được mời và được quyền bỏ phiếu lại đã được Hoàng đế lựa chọn trước, còn Théodoret và các bạn bị loại bỏ. Hoàng đế giao cho Dioscore d’Alexandrie chỉ đạo, chính Dioscore đã dùng đến vũ lực tại Công Đồng, đó là: “trò bất lương Ephèse” (brigandage d’Éphèse), nói theo từ ngữ của Đức Giáo Hoàng Léon. Trong khi Eutychès được phục chức thì Theodoret, Ibas và Flavien lại bị truất chức.

Flavien de Constantinople, sau đó là Théodoret đã xin Đức Giáo Hoàng triệu tập một Công Đồng mới. Marcien, người kế vị Théodose II, chồng của nữ hoàng Pulchérie, đã triệu tập các Giám mục đến Nicée vào ngày 1 tháng 9 năm 451. Các phe phái đã thay đổi. Nếu Alexandrie vẫn trung thành với Eutychès thì Constantinople, Antioche và Roma đã xích lại gần nhau. Công Đồng gồm khoảng 350 Giám mục khai mạc ở Chalcédoine ngày 8 tháng 10 năm 451. Marcien đã yêu cầu Théodoret đến dự Công Đồng và sau đó cách chức Dioscore. Trong các cuộc thương thảo kéo dài, các nghị phụ đã phối hợp “Thư gởi Flavien” (Tome à Flavien) và các biểu thức của Cyrille, ngoại trừ biểu thức về “một bản tính độc nhất”; và ngày 22 tháng 10 năm 451, đã đưa ra một định tín thời danh về Đức Kitô, định tín này loại bỏ sự lẫn lộn các bản tính theo kiểu Eutychès, loại bỏ sự phân chia hai bản tính như chủ trương của Nestorius, nhằm bảo toàn sự duy nhất cũng như sự phân biệt giữa hai bản tính:

“Chỉ một và cùng một Đức Kitô, là Con, là Chúa, là Con độc nhất, trong hai bản tính (en duo physesin), không lẫn lộn, không biến đổi, không phân chia, không tách biệt, trong một cá vị duy nhất (hypostase), một ngôi vị duy nhất (persone, Prosopon)” [kể từ Công Đồng Chalcédoine, trong Kitô Học, hai từ “hypostase” và “Prosopon” được coi là tương đương].

Vấn đề còn lại là các nhân vật. Théodoret dù được Đức Giáo Hoàng phục hồi nhưng luôn bị nghi ngờ có cảm tình với Nestorius, nên khó khăn lắm mới được Công Đồng phục chức sau khi phải tuyên xưng đức tin thêm một lần nữa, và Công Đồng hiển nhiên quan tâm tới mối nguy Nestorius hơn là những lệch lạc của nhất tính thuyết. Vị Giám mục vĩ đại này (Théodoret) lẽ ra phải đóng vai trò chủ tọa như một bậc thầy, nhưng trong các Công Đồng, ngài chỉ tìm thấy chỗ đứng trong hàng các nạn nhân. Tình trạng đó kéo dài cho tới năm 553, khi các tác phẩm của ngài bị kết án. Sau Công Đồng Chalcédoine, ngài vĩnh viễn lui về Giáo phận nhỏ bé của mình, qua đời 15 năm sau đó, khoảng năm 466.

IV. MỘT TÁC GIẢ ĐÁNG NỂ TRỌNG VỀ MỌI MẶT

Mặc dầu phần lớn công trình của Théodoret đã mất vì bị kết án là lạc giáo, người ta vẫn nhìn nhận ngài là một nhân vật lớn về rất nhiều lãnh vực trong Giáo Phụ Học. Là nhà hộ giáo, như ta đã gặp ở trên qua tác phẩm “Phương pháp trị các căn bệnh Hy Lạp”, ngài còn là tác giả của mười diễn từ “Về sự quan phòng”, và có thể coi đây là mẫu tuyệt vời về khoa giảng thuyết của ngài. Ta cũng thấy nhà thần học xông vào trận chiến, là người thuộc trường phái Antioche, tự căn bản chủ trương “hai bản tính” (diphysite), nhưng khi cần cũng biết hòa dịu trong các cách diễn tả. Trước đây, Richard, một chuyên gia về vấn đề, đã chứng minh cho thấy, cả đến việc sau khi hòa giải với Cyrille, Théodoret đã tự ý bỏ, không còn sử dụng một số công thức có thể làm người ta hiểu là có sự phân chia hai bản tính. Ngài chủ trương Đức Trinh Nữ là “Mẹ con người” (génératrice d’homme) nhưng vẫn chấp nhận người ta gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” (génératrice de Dieu, Theotokos). Xuyên qua việc nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Kitô, Kitô Học của Antioche bộc lộ một niềm tin vào con người (foi en l’homme), phẩm giá và khả năng sáng tạo của con người. Cũng vì thế, không phải ngẫu nhiên mà phía Latin xem tư tưởng của Théodore (de Mopsueste) và sau đó là của Théodoret, mang dấu hiệu của thuyết bán Pélage (semi-pélage). Vị Giám mục hiển nhiên tin rằng, tội nguyên tổ đã đặt bản tính nhân loại dưới ách sự chết và lôi kéo con người về phía tội lỗi. Thế nhưng, chúng ta không mắc tội, cũng không bị kết án. Nếu chúng ta có bị đặt dưới án chết thì chỉ là do tội riêng của mình. Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta được thông dự vào những sức mạnh mới chứ không phải xóa tội, ơn bí tích là thiết yếu nhưng cũng cần có sự cộng tác của con người.

Nhà thần học Théodoret còn là một sử gia bên cạnh Socrate và Sozème. Ngài là tác giả cuốn “Lịch sử Giáo Hội” viết tiếp cuốn lịch sử Giáo Hội của Eusèbe cho tới năm 428, nhưng không đề cập đến Nestorius. Tuy có khuynh hướng hộ giáo và không được độc sáng lắm, nhưng cuốn lịch sử này cung cấp nhiều tài liệu mà trong đó có những điều mà chúng ta không thể biết được nếu không có nó. Théodoret cũng đã soạn cuốn “Lịch sử các đan sĩ” (Histoires des moines) chủ yếu viết về chế độ đan tu trong môi trường Antioche thời bấy giờ, và cuốn “Lược tóm các lạc giáo” (Résumé des affabulations hérétiques) trong đó nói tới Nestorius và Eutychès, nhưng không đề cập đến Epiphane; cuốn thứ năm và là cuốn cuối cùng đối chiếu lạc giáo với Truyền thống của Giáo Hội.

Giám mục thành Cyr là một nhà chú giải Kinh Thánh phong phú. Có những tác phẩm gồm những câu vấn đáp xoay quanh các trang Kinh Thánh đã được chọn lựa, như trong cuốn “Các câu hỏi về Tám sách” (Questions sur l’Octateuque) [Tám sách = Ngũ Kinh, sách Yosua, Thẩm phán, Ruth] và cuốn “Về sách các Vua”. Có những tác phẩm chú giải bản văn cách liên tục: “Các sách Ký sự” (Sử Biên Niên), “Sách Thánh Vịnh”, “Sách Diễm Ca”, tất cả các sách Tiên Tri. Còn về Tân Ước, chỉ có cuốn “chú giải các thư Thánh Phaolô” là còn truyền lại đến ngày nay. Cả trong lãnh vực này, khuynh hướng Antioche bộc lộ rất rõ. Trước hết, ngài theo sát bản văn, nghiên cứu các chỗ dị biệt, và đối chiếu các bản dịch. Ngài trình bày nghĩa từ ngữ (sens littéral, nghĩa chữ) và nghĩa lịch sử, nhưng vẫn mời gọi vượt qua nghĩa đó khi tác giả thánh rõ ràng nhắm tới Đấng Mêsia hoặc Giáo Hội. Đối với các sách Tiên Tri, Théodoret thường sử dụng lối giải thích tiên trưng, điều được thực hiện một phần trong Cựu Ước, thì được thực hiện viên mãn trong Tân Ước. Nói chung, ngài hướng tới Tân Ước nhiều hơn các tác giả Antioche đi trước. Théodoret phê phán lối chú giải theo lối ẩn dụ cách tiên thiên, nhưng ngược lại cũng bài bác một thứ chủ trương duy sử (historicisme), coi những điều mà các Thánh Vịnh, các sách Tiên Tri nói tới chỉ là những chuyện quá khứ. Ngài thường công kích các nhà chú giải Do Thái về điều này. Nhiều lần, Théodoret tỏ ra dè dặt đối với Théodore de Mopsueste. Đặc biệt, ngài cáo giác việc Théodore áp dụng sách Diễm Ca vào hôn lễ của Vua Salomon với một Nữ Hoàng Ai Cập. Tuy Théodoret thường không theo hướng thần bí của Origène, nhưng cùng với Origène, ngài nhìn thấy nơi sách Diễm Ca lời loan báo về Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Mặc dầu không dám cho mình là độc đáo, nhưng Théodoret là một nhà chú giải rất lừng danh trong Giáo Phụ Học muộn thời, được người ta trích dẫn rất nhiều.

Cuối cùng, Théodoret là một văn sĩ hết sức quan trọng về thư tín, với khoảng 225 lá thư còn để lại, phẩm chất của ngôn ngữ và văn phong, sự đa dạng và tầm mức quan trọng của 115 bức thư, quan tâm văn hóa, lịch sử, xã hội và tín lý của các vấn đề được bàn đến.

V. VỊ GIÁM MỤC NHỎ BÉ THÀNH CYR: MỘT NHÂN VẬT VĨ ĐẠI CỦA GIÁO PHỤ HỌC

Vị Giám mục nhỏ bé thành Cyr đã xuất hiện như một nhân vật vĩ đại nhất của phía Antioche. Là người có tài về mọi thể loại văn chương Kitô giáo, nhưng lại khiêm tốn nói lên những giới hạn của mình: “Nơi rất nhiều tác giả đạo đức, tôi đã ăn xin được một chút xíu hiểu biết”. Là một mục tử hết sức tận tâm, vừa lo lắng cho đời sống đức tin hằng ngày, vừa lưu tâm đến cách diễn đạt đức tin đó trên bình diện thần học, nhưng không bao giờ cố chấp, khăng khăng với các công thức của riêng mình. Ngài biết nghĩ ra hoặc đón nhận các bản văn hòa giải, là những bản văn vừa bảo toàn được chân lý vừa duy trì sự hiệp nhất, dù có làm cho các bạn bè, các đồng minh hơn một lần phải tức bực, khó chịu. Từ năm 430 đến 450, tư tưởng của ngài có tiến triển, sửa đổi lại quan niệm quá bình quân (égalitariste) về hai bản tính của Đức Kitô, làm nổi bật hơn vị trí của Ngôi Lời. Qua toàn bộ tác phẩm của mình, ngài đã góp phần loại bỏ hiểm họa của thuyết nhất tính, cho dù Kitô Học của ngài vẫn còn có sự lờ mờ nào đó xung quanh các thuật ngữ “Prosopon”“Hypostasis”. Ngài đã giữ cho khoa chú giải Kinh Thánh của Antioche khỏi những thái quá mà các vị đi trước cũng như các đồng nghiệp của ngài đã rơi vào. Ý muốn đứng trong đức tin chính thống, óc mực thước và sự độc lập tinh thần, đã làm cho Théodoret trở thành một trong những khuôn mặt thanh cao nhất, dễ mến nhất của Giáo Phụ Học Hy Lạp.

***

PHỤ TRƯƠNG

 

1. – Những mối lo toan của một Giám mục: Lòng thương xót những người nộp thuế

Khi còn sống trong đời đan tu, thì sự an tĩnh là điều tôi yêu thích hơn mọi của cải trần thế, và đó cũng chính là luật sống của đời tu trì. Nhưng kể từ ngày Thiên Chúa muốn tôi trở thành mục tử coi sóc các linh hồn, tuy dù tôi bất xứng, thì tôi thường phải lo nghĩ đến các công việc, những mối lo toan đó quả đè nặng lên tôi, nhưng đó là những gì đúng với trách nhiệm của mình và hữu ích cho các con chiên…

Qua thư này, tôi xin có lời chào ngài, và xin ngài cho vùng đất Sergithée (thuộc Giáo phận của tôi, và là vùng đất nộp thuế dưới quyền kiểm soát của ngài) được hưởng lòng khoan hậu của ngài.

Bởi lẽ, các nông dân trồng trọt trên vùng đất đó bị khánh kiệt vì số lượng dầu họ phải đổ ra, trong khi đất đai lại chẳng sinh hoa lợi gì, năm trước cũng như năm nay, mà nếu có thì cũng chẳng là bao… Tôi thiết nghĩ… ngài nên xét cho những người canh tác vùng đất đó được châm chước, nếu họ không có khả năng đóng số thuế ấn định: vì cũng như các giếng nước không thể cung cấp nước dồi dào, nếu không có các nguồn suối cung cấp. Nếu chúng tôi lên tiếng xin ngài điều đó cũng là vì các nông dân kêu nài chúng tôi rất nhiều lần. Khi ngài xem xét sẽ phải hành động như thế nào, và nhận ra những lời chúng tôi nói là có căn cứ, ước mong ngài cho chúng tôi, tôi tin chắc như thế, được hưởng lòng nhân từ đại lượng của ngài, như chính ngài cũng mong hưởng lòng khoan nhân của Thiên Chúa hoàn vũ.[1]

2. – Kitô Học hai bản tính từ những ngày đầu

Vì thế, về sau, khi (Thiên Chúa) muốn đem đến cho mọi người những phương dược cứu độ, Ngài đã không nhờ các Thiên Thần hay Tổng lãnh Thiên Thần, cũng không dùng tiếng nói phán từ trời để mọi người có thể hiểu, nhưng Ngài đã xây dựng cho mình một nơi cư ngụ nơi con người (x. Yn. 1,14) nơi một cung lòng trinh khiết mà từ đó Ngài sinh ra: đó là con người mà chúng ta nhìn thấy, và là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ: Đấng đã được sinh ra từ trước muôn đời từ bản thể Chúa Cha, cũng là Đấng đã nhận lấy từ Đức Trinh Nữ điều xuất hiện (cho chúng ta), Ngài vừa mới mẻ vừa vĩnh hằng. Quả thực, sự phối hợp đã không làm pha lẫn các bản tính, cũng không làm tác giả thời gian phải lụy phục thời gian, tuy nhiên, điều này không có ý nói rằng, điều đã được sinh ra trong thời gian lại có trước thời gian. Ngược lại, mỗi bản tính vẫn nguyên vẹn: nhân tính vẫn mang những yếu đuối của mình: Đói, khát, ngủ, mệt nhọc, thập giá, cái chết còn thần tính thực hiện những hành vi thần linh: làm các phép lạ cách tự nhiên dễ dàng, cho đôi chân khả năng đi trên biển, truyền khiến năm chiếc bánh đủ làm no thoả bao nhiêu ngàn người, hóa rượu ngon ngay trong tiệc cưới, chữa lành người tật nguyền, dùng bùn tạo nên đôi mắt mà thiên nhiên đã lỡ quên không tạo ra trong dạ mẹ, một lời truyền phán đủ làm những chi thể bại liệt thành cứng cát, mở cửa mồ để gọi dậy những kẻ ngủ yên trong đó, cho họ khả năng chạy đi, cuối cùng, đã thực hiện tất cả các hành vi khác mà những câu truyện trong Phúc Âm kể lại cho chúng ta.

Thiên Chúa đã yêu thương con người quá đỗi, đến độ các bạn và những người như các bạn, không thể tưởng nổi việc Con Độc Nhất của Thiên Chúa, Logos của Thiên Chúa (Lời), Đấng Tạo Hóa của vũ hoàn, lại mang lấy bản tính nhân loại, nhập thể và đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta.[2]

3. – Lời biện minh xứng đáng của một Giám mục bị vu khống

Các trình thuật trong Thánh Kinh là niềm an ủi vô vàn cho những người bị vu khống. Thật vậy, khi bị những miệng lưỡi bừa bãi vung lời dối trá hãm hại, chúng ta cảm thấy đau khổ khác nào những mũi nhọn đâm vào, và nhớ lại câu chuyện của Giuse đáng kính phục, nhớ tới David rất mực dịu hiền (…). Đàng khác, khi nhìn thấy chính Đức Kitô, vốn là Thầy, là Đấng Sáng Tạo nên các thời đại, Đấng Tác Tạo vũ hoàn, là Thiên Chúa thật, là Con Thiên Chúa thật, lại bị người Do Thái tội lỗi gọi là tên bịp bợm, thì chúng ta đón nhận được không chỉ là niềm an ủi, nhưng còn là niềm vui lớn lao vì ta được xét xứng đáng thông dự vào số phận của Thầy mình.

Hôm nay, tôi buộc phải viết cho ngài những điều đó sau khi đọc lá thư của ngài gởi cho Đức Domnus, vị Tổng Giám mục rất được Chúa yêu thương và rất mực thánh thiện của tôi. Bởi chưng, trong lá thư của ngài đặc biệt có đề cập đến việc một số người đã đến Thành phố lớn mà ngài cai quản, tố cáo chúng tôi phân chia Đức Kitô duy nhất, Chúa chúng ta, thành hai người con, nói tôi rao giảng giáo thuyết đó ở Antioche, nơi có cộng đoàn gồm hàng chục ngàn thính giả. Phần tôi, tôi đã khóc khi nghĩ đến việc những người đó đã dám thêu dệt lời vu khống rõ ràng như vậy: Thưa ngài, xin ngài thứ lỗi, nếu nỗi đau đớn có buộc tôi phải nói ra: tôi rất đau lòng khi ngài, một bậc thánh đức,… lại tin vào những lời dối trá của họ. Tuy nhiên, phía họ, họ chỉ có ba, bốn hoặc mươi lăm người, trong khi bên cạnh tôi có cả hàng chục ngàn thính giả có thể làm chứng lời giảng dạy của tôi là chính thống…

Tôi có nói như thế, chắc chắn không phải để tự tôn vinh mình, nhưng chỉ vì tôi buộc phải tự biện hộ, cũng không phải để chứng tỏ các bài giảng của tôi là lừng lẫy, nhưng chỉ để chứng minh sự chính thống của nó.

Về phần tôi, tôi ý thức nỗi yếu hèn, rất đỗi yếu hèn của mình, vì bị đè bẹp dưới muôn ngàn lầm lỗi. Nhưng nhờ đức tin,và chỉ đức tin mà thôi, tôi hy vọng vào ngày Chúa quang lâm, tôi được hưởng phần nào lòng khoan hậu của Chúa, bởi lẽ, bước theo vết chân của các Thánh phụ, đó là điều tôi đem hết tâm huyết, là điều tôi ước mong, và tôi đã ân cần gìn giữ giáo huấn Phúc âm trong sự tinh tuyền của nó, giáo huấn mà các nghị phụ họp ở Nicée xứ Bythinie truyền lại cho chúng ta trong kinh Tin Kính. Và cũng như tôi tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa là Cha, một Chúa Thánh Thần, thì tôi cũng tin chỉ có một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, là ánh sáng huy hoàng của vinh quang Ngài, là dấu ấn của bản thể Chúa Cha, đã nhập thể và làm người để cứu độ nhân loại, đã được sinh ra theo xác phàm bởi Đức Trinh Nữ Maria.[3]

4. – Kitô Học của Théodoret vào thời gian Công Đồng Chalcédoine sắp nhóm họp

Tự bản tính, Thiên Chúa là bất biến. Vì thế, Ngài không chấp nhận sự biến đổi, và nếu Ngài không chấp nhận sự biến đổi, thì Ngài luôn luôn đồng nhất với chính mình. Quả thực, đó là điều Ngài đã nói qua lời các tiên tri: “Ta là Đấng hằng hữu, Ta hằng hữu, và Ta không hề biến đổi”. Vua thánh David nói: “Còn Ngài, Ngài vẫn là Ngài, và những ngày đời của Ngài sẽ vô cùng vô tận”. Nếu bây giờ Ngài vẫn là Ngài, thì Ngài không hề thay đổi, và nếu Ngài không bị thay đổi không chịu sự biến đổi nào, thì Ngài không thể từ bất tử trở thành phải chết, từ bất khả thụ nạn trở thành khả thụ nạn. Vì chưng, nếu điều đó đã có thể xảy ra, thì Ngài hẳn đã không đảm nhận bản tính của chúng ta. Nhưng vì Ngài có một bản tính bất tử, nên Ngài đã đảm nhận một thân xác khả thụ nạn, và cùng với thân xác, Ngài đảm nhận linh hồn của một con người. Hơn nữa, khi gìn giữ thân xác và linh hồn khỏi các vết nhơ tội lỗi, Ngài đã dâng hiến linh hồn của Ngài để cứu các linh hồn phạm tội, và đã trao ban chính thân xác Ngài để cứu các thân xác phải chết. Và vì thân xác của Con Một Thiên Chúa, nên Ngài cũng mang vào mình đau khổ của thân xác. Tuy nhiên, không phải thần tính đã bị đóng đinh vào thập giá, nhưng là chính thân xác được đảm nhận (corps assumé), và đó là điều mà bốn tác giả Phúc âm đã minh chứng. Cả bốn thánh sử đều cho chúng ta biết rằng, Giuse Arimathia đã đi gặp Philatô để xin xác Chúa Giêsu, ông đã hạ xác Ngài xuống, quấn vào khăn liệm, và đặt xác Đức Giêsu vào ngôi mộ của ông, một ngôi mộ còn mới, rồi các phụ nữ cùng với Maria Magđala đến mộ tìm xác Đức Giêsu, và khi không gặp thấy xác Đức Giêsu, họ đã chạy về báo cho các môn đệ các điều đó.[4]

5. – Tội nguyên tổ, ân sủng và sự cộng tác của con người

(Về đoạn thư Philip 1,19-20, Théodoret vừa nói đến tự do của con người vừa khẳng định sự cần thiết của ân sủng. Điều này khác với tư tưởng của Augustin).

Thánh Phaolô đã nói đến các ơn Thiên Chúa ban, nói đến lòng tin và sự chiến đấu anh dũng. Ngài không loại bỏ ý chí tự do của linh hồn, nhưng dạy rằng, nếu thiếu ân sủng, linh hồn tự mình không thể thực hiện một hành vi ngay chính nào. Chúng ta cần tới cả hai: cần có sự khởi động của chúng ta (industria) và cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Với những ai không khởi động thì ân sủng của Chúa Thánh Thần không đủ, và ngược lại, nếu thiếu ân sủng thì hành động đó cũng không thể đón nhận được những phong phú của nhân đức.[5]

6. – Một lời giải thích về “Isaia” hoàn toàn hướng tới Tân Ước

Tất cả các tiên tri được linh hứng không chỉ bằng lòng mạc khải các biến cố phải xảy đến cho Israel mà thôi, nhưng còn tiên báo ơn cứu độ cho mọi dân nước, và báo trước ngày Chúa tỏ hiện. Nhưng trong tất cả các tiên tri, có tiên tri Isaia là đặc biệt nhận thấy mình được giao phó công bố lời tiên báo đó. Quả vậy, ngài đã tiên báo mọi sự cách rõ ràng: Lời chúc phúc của Thiên Chúa khởi đầu với Abraham và David, Đấng Cứu Thế sinh ra từ cung lòng một Trinh Nữ, việc thực hiện vô số phép lạ, những cách thức thuyên chữa, sự ghen ghét, phẫn nộ của người Do Thái, cuộc khổ nạn, cái chết, sự sống lại từ cõi chết, lên trời, việc chọn các Tông Đồ, và ơn cứu độ cho mọi dân nước. Ngài còn tiên báo cuộc tái lâm của Thiên Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta, ngài tiên báo người Do Thái sẽ bị phân tán, Đền Thờ sẽ bị phá hủy hoàn toàn, những cuộc chinh phạt người Do Thái của Assyrie và Roma. Ngài tiên báo cuộc hồi hương từ Babylon và ngày tàn của đế quốc Babylon. Ngài tiên báo những biến cố liên quan đến Ai Cập, Tyr, Damas và cả những người Moab, Ammon, Idumée, và ngài còn tiên báo nhiều điều khác nữa. Thế nhưng, điều ngài than khóc trước hết đó là sự tàn vong mà người Do Thái phải chịu để trả giá cho sự điên rồ của họ đối với Thầy Chí Thánh.

Nhìn chung toàn bộ các sách của ngài, có những cuốn sáng sủa, ý nghĩa rõ ràng, có những cuốn được trình bày cách bóng bảy và đòi phải giải thích. Vì thế, tôi sẽ cố gắng nói vắn tắt những cuốn đã có ý nghĩa rõ ràng và cắt nghĩa dài hơn những cuốn được viết cách bóng bảy; nhưng ngay cả trong trường hợp này, tôi sẽ cố gắng vắn gọn bao nhiêu có thể.[6]

7. – Một nhà chú giải Antioche ôn hòa: lịch sử và hình bóng

Mong đừng ai nghĩ rằng, tôi khó nhọc luống công vì cớ có những tác giả trước tôi đã giải thích như thế rồi. Tôi quả có gặp thấy nhiều sách chú giải khác nhau, và tôi nhận thấy một số tác giả sa vào lối giải thích ẩn dụ thái quá, và một số khác lại giản lược lời tiên tri vào các sự kiện lịch sử, đến độ lời cắt nghĩa hợp với người Do Thái hơn là với con cái đức tin. Vì thế tôi thiết nghĩ cần phải tránh sự thái quá của cả hai hạng người đó. Tất cả những gì hợp với lịch sử thời xưa (Cựu Ước) thì cả bây giờ cũng phải áp dụng cho lịch sử đó, những lời tiên báo liên quan đến Đức Kitô, Giáo Hội nẩy sinh từ dân ngoại, cộng đoàn Tin Mừng, lời rao giảng của các Tông đồ, thì không được áp dụng cho các sự kiện khác, đó là điều mà những người Do Thái thích làm, do sự xảo trá của họ, nhằm bênh vực chính mình.[7]

Thánh Tông Đồ viết: (có lắm điều) “ngụ ý” có nghĩa là “hiểu cách khác”. Vì ngài đã không loại bỏ lịch sử, nhưng ngài giảng dạy điều được biểu thị trước trong lịch sử.[8]

Thánh Phaolô rất mực khôn ngoan đã dạy chúng ta rằng Cựu Ước là hình bóng của Tân Ước. Ngài nói: “Tất cả những điều đó đã xảy ra cho họ trong hình bóng” (1Cor. 10,11).[9]

8. – Ta sẽ xoa dịu mọi thương tích của chúng

Đức Giêsu đã tự ý đi vào cuộc thương khó như Sách Thánh đã chép về Người. Chính Người đã nhiều lần báo trước cho các môn đệ và đã khiển trách ông Phêrô vì ông không sẵn lòng chấp nhận lời loan báo ấy. Cuối cùng, Người chứng tỏ rằng chính cuộc thương khó ấy đem lại ơn cứu độ cho thế gian. Vì thế, Người đã tỏ mình ra cho những kẻ đến bắt Người mà rằng: “Chính tôi đây là người các anh đang tìm”. Khi bị tố cáo, Người không đáp lại. Lúc có thể trốn đi, Người lại chối từ; dầu vậy, hơn một lần Người đã lánh đi, khi người ta gài bẫy định bắt Người.

Người khóc Jerusalem, vì thành này không tin mà đã chuốc lấy cảnh điêu tàn. Người tuyên bố đền thờ xưa kia rất nổi tiếng rồi đây sẽ hoàn toàn sụp đổ. Người kiên nhẫn để cho một con người hai lần nô lệ đập vào đầu. Người bị vả, bị người ta khạc nhổ, bị chửi rủa, chịu tra tấn, chịu đánh đòn và sau cùng chịu đóng đinh trên thập giá. Người chấp nhận cùng chịu khổ hình với hai tên trộm cướp; Người bị liệt vào hàng sát nhân và gian ác. Người uống dấm chua và rượu đắng chiết từ giống nho xấu; Người chịu đội mão gai thay vì vòng hoa chiến thắng; Người chịu khoác áo đỏ để làm trò cười, bị cây sậy đánh vào đầu, bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn, rồi sau hết được đặt trong mồ.

Người chịu cực hình như thế đang khi đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Vì lẽ ra những ai làm nô lệ tội lỗi, thì phải chịu hình phạt của tội lỗi. Nhưng chính Người, Người không hề vướng mắc tội lỗi và đã sống một cuộc đời hoàn toàn công chính, thì lại nhận lấy hình phạt của tội lỗi, để nhờ thập giá, Người xóa bỏ án phạt của lời nguyền rủa xưa kia. Quả thật, như thánh Phaolô nói: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ”. Nhờ mão gai, Người chấm dứt hình khổ của Adam. Bởi vì sau khi phạm tội, Adam đã phải nghe lời này: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi và sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi”.

Khi uống rượu đắng, Người chuốc lấy mọi nỗi đắng cay, khổ cực của kiếp người phải khổ phải chết. Khi uống giấm chua, Người đã nhận lấy tình trạng sa đọa của loài người, để ban cho họ ơn tái sinh. Cái áo đỏ tượng trưng cho vương quyền của Người; còn cây sậy thì cho thấy quyền lực của ma quỷ thật yếu kém mong manh. Khi chịu vả vào mặt, tức là nhận lấy mọi nỗi nhuốc nhơ, mọi hình phạt và thương tích đáng lẽ chúng ta phải chịu, Người công bố chúng ta được trả lại tự do.

Cạnh sườn Người bị đâm thủng khiến Người nên giống ông Adam. Tuy nhiên, thay vì làm phát sinh một người nữ gây ra sự chết vì lỗi lầm của mình, Người khơi nguồn sống nuôi dưỡng nhân loại. Nguồn sống này có hai dòng chảy: một là dòng nước trong giếng Thánh Tẩy đem lại sự sống mới và mặc cho chúng ta sự trường sinh bất tử; hai là dòng sữa nơi bàn tiệc thánh nuôi dưỡng những người đã được tái sinh.[10]

9. – Người đã mang thương tích để chúng ta được chữa lành

Các khổ hình Đấng Cứu Thế đã chịu là phương thuốc chữa lành chúng ta.Đó là điều ngôn sứ I-sai-a đã dạy khi nói: “Chính Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị trừng phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Người đã chiụ sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu. còn Người thì như con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín bị đem đi xén lông!”.

Như người mục tử khi nhìn thấy đàn chiên tản mác thì nắm lấy một con và đưa vào đồng cỏ mình ưa thích, để những con khác nhìn thấy thế mà đi theo, cũng vậy, khi thấy loài người lầm đường lạc lối, Ngôi Lời Thiên Chúa đã mang lấy thân phận tôi đòi, để lôi kéo toàn thể nhân loại về với mình, và dẫn vào đồng cỏ Nước Trời những kẻ đang là nạn nhân của mục tử xấu và đang làm mồi cho sói dữ.

Chính vì vậy mà Đấng Cứu Tinh của chúng ta đã mang lấy bản tính loài người chúng ta. Chính vì vậy mà Chúa Kitô đã chấp nhận cuộc thương khó sinh ơn cứu độ. Người đã chịu chết và chịu mai táng trong mồ để đập tan ách thống trị ngàn đời của thần chết, đồng thời hứa ban ơn bất hoại cho loài người đang phải hư hoại. Khi tái thiết và dựng lại Đền Thờ đã sụp đổ, Người cho những kẻ đã chết mà trông đợi Người sống lại thấy rằng lời Người hứa là lời chân thật và chắc chắn.

Dường như Chúa muốn nói: “Bản tính nhân loại Ta nhận từ các ngươi vì được kết hợp với thần tính nên đã phục sinh; và sau khi cởi bỏ sự hư hoại cùng những khổ đau, bản tính ấy đã trở nên bất hoại và bất tử. Các ngươi cũng thế, các ngươi sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ tàn nhẫn của tử thần; và sau khi cởi bỏ sự hư hoại cùng những khổ dau, các ngươi sẽ được trường sinh bất tử”.

Vì thế, Chúa đã nhờ các Tông Đồ để gởi ân sủng là phép rửa đến cho mọi người. Người nói: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Phép Rửa là một hình ảnh và một kiểu mẫu về cái chết của Chúa. Thánh Phaolô viết: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ được nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại”.[11]

 

 

 


[1] Thư 18, Gởi Aréobindus, một chỉ huy quân đội SC no 40, p. 89-90- Lá thư có lẽ viết trước năm 434.

[2] Thérapeutique des maladies helléniques, VI, 79-82, SC no 57, pp. 283-284, trad. P. Canivet.

[3] Thư số 83, gởi cho Dioscore, Giám mục Alexandrie.

[4] Thư số 145, gởi cho các quân nhân (tháng 2 tháng 3 năm 451), SC số 111, tr. 163 (165, trad. Y. Azema. Trong đoạn văn này, người ta chú ý đến sự phân chia rõ ràng hai bản tính, và loại trừ sự chuyển thông các đặc tính).

[5] PG 82, 568CD.

[6] Commentaire sur Isaie, porjet. Sc no 276, pp. 143-145, trad. J.N. Guinot.

[7] Sur les psaumes, Préf. PG 80, 86DC.

[8] Sur Gal. 4, 21-24, PG 82, 489D.

[9] Sur Josué, PG 80, 457A..

[10] Khảo luận về Chúa Nhập thể, Nn. 26-27: PG. 75, 1466-1467.

[11] id. No 28: PG. 75, 1467-1470.