Giáo Phụ Học – (Thần Học Của Các Giáo Phụ)

0
2767


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

NHẬP ĐỀ

Giáo – Phụ – Học là phần lịch sử văn học Kytô giáo liên hệ đến những tác giả cổ thời đã có công khảo cứu về thần học,  gồm các tác giả chính giáo và lạc giáo, giáo sĩ và giáo dân.

“Patres” Ecclesiae không đồng nghĩa với “Doctores” Ecclesiae”. “Giáo phụ” khác với “Tiến sĩ” Giáo hội.

Người ta thường phân biệt “Giáo Phụ Học” (Patrologie), nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của các Giáo phụ với “Khoa học về tư tưởng các Giáo phụ” (Patristique) nghiên cứu các tác phẩm của các Giáo phụ về mặt văn chương và giáo thuyết. Nhưng bình thường là cả hai phải đi đôi và liên kết chặt chẽ với nhau.

Trên thực tế, khoa Giáo Phụ Học bao trùm tất cả văn chương Kitô giáo của những thế kỷ đầu, kể cả các tác phẩm vô danh và bên lề, chính thống và phi chính thống (ngoại thư và ngụy thư), nghĩa là mọi tư liệu văn chương về Giáo Hội cổ thời.

– Từ ngữ “Patrologia” xuất hiện năm 1653, nguồn gốc Tin Lành, với cuốn “Patrologia” ( Iéna 1653) của Jean Gerhard. Bao hàm 3 ý niệm :

Lịch sử văn học Kytô giáo liên hệ đến thần học.

Lịch sử văn học Kytô giáo kể từ nguồn gốc.

Lịch sử Thánh truyền (Traditio) diễn đạt qua tư tưởng các Giáo  Phụ.

I. LỊCH SỬ VĂN HỌC KITÔ GIÁO LIÊN HỆ ĐẾN THẦN HỌC

A. Thời Thượng cổ

* Eusèbe de Césarée (265 ? – 340) : Bộ “Histoire Ecclésiastique”,

* Thánh Jérôme : cuốn “De viris illustribus” (392 Bethléem)

* Gennade : De viris illustribus” (480)

* Isidore de Séville :  “De viris illustribus” (615-18)

* Ildephonse de Tolède (+667) : “De viris illustribus”

B.  Thời Trung cổ

*  Photius (891?) : Tóm lược một “thư viện” tư gồm 280 bộ sách đạo đời.

* Sigebert de Gembloux (+1112) : OSB, “De viris illustribus”.

* Honoré d’Autun :”De luminaribus Ecclesiae”, 1122

* L’Anonyme de Melk :” De scriptoribus eccle- siasticis”,1235.

* Jean Trithème :” De scriptoribus ecclesiasticis”, 1494, về 964 văn sĩ (một số không phải thần học gia).

C. Thời Phục Hưng và Cận Đại : 

– Cải cách Tin Lành

– Công đồng Trente

* Hồng Y Bellarmin (Thánh) : viết năm 1613 : “De scriptoribus ecclesiasticis liber unus” tới năm 1500.

* Jean Gerhard : cuốn “Patrologia”, 1653 (Iéna, ÑĐức)

* Le Nain de Tillemont “: bộ Mémoires pour servir à l’Histoire ecclésiastique des six premiers siècles”, gồm 16 cuốn, xuất bản tại Paris 1693 – 1712.

* (Dom) R. Ceillier, OSB., “Histoire générale des auteurs sacrés et ecclésiastiques” gồm 23 cuốn về các văn sĩ Kytô giáo trước năm 1250, xuất bản tại Paris 1729-1763.

D. Thời Hiện Đại.

A. Harnack : “Histoire de la littérature chrétienne ancienne jusqu’à Eusèbe”, gồm 3 cuốn, xuất bản 1893-1904).

O. Bardenhewer : “Histoire d’ancienne littérature ecclésiastique”, 5 cuốn, xuất bản 1913-1932.

B. Altaner : “Précis de Patrologie”, 1938…, 1958. Ed. Salvator

J. Quasten : Bộ “Initiation aux Pères de l’Église”, 4 cuốn, bản dịch Pháp văn do J. Laporte, sách giáo khoa.

Hans Von Campenhausen :  Les Pères Grecs, livre de vie, n. 95, Ed. de l’Orante.

Hans Von Campenhausen : Les Pères Latins, Livre de vie n. 95, Ed. de l’Orante.

J. Kelly :  Initiation à la doctrine des Pères de l’Église, Cerf, Paris 1968.

J. Liébaert : Les Pères de l”Eglise, Desclée, Paris, 1986.

M. Spanneut : Les Pères de l”Eglise, Desclée, Paris, 1990.

II. LỊCH SỬ VĂN HỌC KITÔ GIÁO KỂ TỪ NGUỒN GỐC

1. Tại sao phải đặc biệt chú ý đến thời nguyên thủy Kytô giáo ?

– Gần gũi với sự kiện Nhập thể (tiếng nói tuổi thơ của Kytô giáo).

2. Thời kỳ nguồn gốc chấm dứt ở đâu ?

– Tây phương (La ngữ) : tới thánh Grégoire le Grand (+604) hay Isidore de Séville (+636).

– Đông phương (Hy ngữ) : tới thánh Jean Damascène (+749) (thêm Copte và Syriaque).

III. LỊCH SỬ THÁNH TRUYỀN (TRADITIO) DIỄN ĐẠT QUA TƯ TƯỞNG CÁC GIÁO PHỤ.

Định nghĩa: Giáo phụ (Pater Ecclesiae) là những văn sĩ hay tác giả Kytô giáo đã được coi là có trách nhiệm về Phúc Âm trong những thế kỷ đầu của giáo hội và đã trung thành với Giáo Hội đến cùng.

Bốn tiêu chuẩn của một “Pater Ecclesiae”:

1. Giáo lý chính tông (doctrina orthodoxa)

2. Đời sống thánh thiện (sanctitas vitae)

3. Được Giáo hội công nhận (approbatio Ecclesiae)

4. Sống vào thời nguyên thủy của Giáo hội (antiquitas).

Nếu không, chỉ là những “Ecclesiae Scriptores” hay “Scriptores ecclesiastici” tức các văn sĩ Giáo hội (Tertullien chẳng hạn) nhất là những tác giả mới, như thánh Bernard, thánh Thomas d’Aquin, mặc dầu một số học giả kể các ngài như Giáo phụ.

“Pater Ecclesiae” cũng không đồng nghĩa với “Doctor Ecclesiae” (nhiều khi thiếu những điều kiện 1,2,3 nhưng lại thêm eminens eruditio và expressa Ecclesiae declaratio).

Các Giáo phụ được kể vào hàng egregii doctores Ecclesiae là :

* Tây phương (cf. Boniface VIII, 1298) :

1 – Ambroise

2 – Jérôme

3 – Augustin

4 – Grégoire le Grand.

* Đông phương  (chỉ nhận có 3) :

1 – Basile le Grand

2 – Grégoire de Nazianze

3 – Chrysostome

4 – Athanase (Giáo hội Roma thêm).
 
Để hiểu tính cách quan trọng và hiện đại của khoa Giáo Phụ Học, chúng ta hãy đọc những dòng sau đây của tác giả J. Liébaert trong cuốn “Giáo Phụ” (Les Pères de l”Eglise) trang 6-9 :

– Tính cách quan trọng :

Ngày nay, giữa lòng phong trào trở về nguồn Kitô giáo, một trong những nét phong phú của thế kỷ 20 này, nghiên cứu về các Giáo Phụ đã có một bước phát triển đáng kể. Việc trở về với các Giáo phụ đã đóng góp rất nhiều cho sự đổi mới trên bình diện thần học, phụng vụ trước và sau Công đồng Vaticano II và hiện nay nó đóng một vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo hội ly khai.

Bốn sự kiện sau đây đủ để cho thấy rõ hiểu biết về các Giáo phụ có tầm quan trọng như thế nào đối với việc thấu hiểu đức tin Kitô giáo :

a) Sự kiện đầu tiên là mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa Kinh Thánh, Cựu và Tân ước, và Giáo hội của các Giáo phụ. Thánh Kinh là điểm qui chiếu hàng đầu của đức tin, nhưng đó là Thánh Kinh đã được đón nhận, được đọc trong Giáo hội, cộng đồng các tín hữu, được đức tin của Giáo hội soi sáng và được Giáo hội giải thích. Làm sao chúng ta có thể biết được tác phẩm này của thế kỷ thứ I là thuộc Thánh Kinh, là lời được linh hứng chứ không phải tác phẩm kia mặc dầu được viết cùng thời gian đó, nếu Giáo hội thế kỷ II đã không ấn định “qui điển” của Tân ước nghĩa là xác định, ít là trong những gì chính yếu, đâu là những tác phẩm diễn tả đích thật sứ điệp tông đồ, đồng thời gạt ra những tác phẩm khác ?

Các Giáo phụ đã đón nhận Thánh Kinh từ Giáo hội các Tông đồ. Nhưng chính các ngài đã truyền đạt Thánh Kinh cho chúng ta, vì các ngài đã là những người đầu tiên học hỏi, chú giải và suy niệm Thánh Kinh. Khi chúng ta đọc, hiểu Thánh Kinh theo như Giáo hội trình bày cho chúng ta hôm nay, là chúng ta gắn bó với cách đọc, cách hiểu của Giáo hội cổ thời, vừa nối dài và làm cho thêm phong phú dưới ánh sáng của kinh nghiệm riêng của mỗi người. Mà đồng thời vẫn luôn lấy nó làm kim chỉ nam.

b) Chính Giáo hội của các Giáo phụ đã đem lại cho chúng ta những “tuyên tín” nền tảng của tất cả cộng đồng Kitô hữu trong các Công đồng chung đầu tiên : Nicée (325), Constantinople (381), Ephèse (431), Chalcédoine (451). Kinh Tin kính mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh lễ chính là bản tuyên tín của Công đồng Nicée, và được Công đồng Constantinople bổ túc, vì thế mỗi lần tuyên xưng là chúng ta được dìm và trong đức tin của Giáo hội thế kỷ IV. Là những vị đã hăng say bảo vệ và tuyên xưng đức tin lãnh nhận từ các tông đồ, với tất cả sự trong sáng và chính xác có thể có được, các Giáo phụ thực sự là những “người Cha trong đức tin” của chúng ta ! Không thể tách rời các Giáo phụ khỏi lời tuyên tín của Giáo hội, các ngài là kho tàng chung mà các Giáo hội Kitô quan trọng đều có quyền thừa hưởng, là những “tiến sĩ chung” của đức tin.

c) Giáo hội của các Giáo phụ cũng đã đặt ra những cơ cấu nền tảng cho Phụng vụ Giáo hội, chính vì thế mà mọi canh tân phụng vụ, mọi cải cách về phụng vụ khi cần thiết, đều phải thường xuyên tham chiếu Giáo hội của các Giáo phụ về khía cạnh này, Giáo hội không hề nghĩ rằng các hình thức cử hành phụng vụ phải giữ y nguyên, bất di bất dịch qua các thể kỷ, lịch sử về phụng vụ trong Giáo hội thời các giáo phụ, ngay từ đầu đã chứng minh điều đó, tuy nhiên có những cơ cấu nền tảng cần phải giữ gìn nguyên vẹn, những cơ cấu làm nền cho các truyền thống phụng vụ lớn ở Đông phương và Tây phương. Cả về điểm này Giáo hội của các Giáo phụ vẫn là người dẫn đạo thiết yếu.

d) Cuối cùng, chính giữa lòng Giáo hội, các Giáo phụ, mà cơ cấu các thừa tác viên chức thánh đã được thiết lập : Chức Giám mục, Linh mục, Phó tế. Cơ cấu này chưa được định hình rõ ràng trong Tân ước. Các Kitô hữu luôn luôn sống những thực tại mà Giáo hội của những thế kỷ đầu đã thiết lập, cũng vì thế Giáo hội cổ thời không phải là một thế giới xa lạ đối với các tín hữu hôm nay.

– Tính cách hiện đại

Nghiên cứu về các Giáo phụ tuyệt đối không phải là một môn khảo cổ. Tính hiện đại của các Giáo phụ là điều có thực không những vì, như chúng ta đã nói, ngày nay người ta quan tâm nhiều đến các ngài, mà, một cách sâu xa hơn, vì các ngài là những chứng nhân của một lịch sử sống động, một lịch sử mãi mãi liên quan đến chúng ta và đôi khi hoặc ngay cả thường khi chính chúng ta đang sống, đang trải qua lịch sử đó trong tư cách là người Kitô hữu.

Đàng khác, để có thể hiểu được Kitô giáo, điều quan trọng là phải có một kiến thức lịch sử tối thiểu, phải có một ý thức lịch sử, hay có thể nói : một ý thức sáng suốt về lịch sử ngõ hầu chúng ta tránh được hai điều : thứ nhất, tránh tuyệt đối hóa những điều mang tính chất đặc thù của một thời đại, hoặc những điều vẫn luôn xảy ra trong Giáo hội, vì Giáo hội chấp nhận những tiến triển, những thích nghi tùy theo sự tiến triển ngay cả của những nhu cầu mục vụ và những đòi hỏi truyền giáo. Thứ đến, tránh tương đối hóa những điều vốn luôn luôn mang tính chất nền tảng trong đức tin và trong đời sống Giáo hội, những điều làm nên nền móng bất diệt của Kitô giáo. Nghiên cứu các Giáo phụ sẽ giúp thực hiện sự biện biệt này.