Thánh Benoĩt: Tổ Phụ Dòng Tu Bên Tây Phương (470/480 – 547)

0
805


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG V

THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC

(431 – 750)

***

PHẦN II

CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG

***

ĐOẠN III

THÁNH BENOĨT: TỔ PHỤ DÒNG TU BÊN TÂY PHƯƠNG

(470/480 – 547)

 

I. BỘ LUẬT CỦA THÁNH BENOĨT: SỰ NGHIỆP VINH QUANG CỦA NGÀI

Những tài liệu đầu tiên và chính yếu chúng ta có được về Thánh Benoĩt (Benêdictô, Biển Đức) là do Thánh Gregorius Le Grand cung cấp trong bộ “Dialogues” (Đối thoại), nhất là cuốn II; tức là một nửa thế kỷ sau khi Thánh nhân qua đời. Thánh Gregorius quả quyết đây là những chứng từ của vị kế vị và ba người bạn của Benoĩt.

Benoĩt de Nursie sinh phỏng năm 470/480 tại nước Italia. Ngài bắt đầu sống đời ẩn sĩ trong miền đồi núi xứ Sabine, rồi sau đến ở Subiacus, nơi đây tuy không chủ ý, nhưng do sức thu hút của Ngài, một cộng đồng tu trì đã được thành hình xung quanh Ngài. Sau cùng, dưới sự bảo trợ của Thánh Martin, năm 529 Ngài đã thiết lập tại Mont-Cassin một đan viện theo đúng nghĩa của nó. Đan viện này sẽ có một tương lai sán lạn phi thường.

Chính cho đan viện này mà Ngài đã soạn một Bản Quy luật đan tu lừng danh nhất của Tây Phương Latin, một mẫu mực của thể loại văn chương này, và cũng sẽ là sự nghiệp vinh quang của Ngài. Quy luật mang danh “Bộ luật của Thánh Benoĩt” (La Règle de Saint Benoĩt) này đã được khởi hứng bởi nhiều bản quy luật khác: như bản “Quy luật của vị Thầy” (La Règle du Maĩtre) được biết tiếng ở vùng Romanus, vào đầu thế kỷ IV, “Quy luật của Thánh Basile” (Tổ phụ dòng tu Đông Phương), “Luật của Thánh Augustin”“luật của Jean Cassien”,.v.v…

Theo bản Quy luật, thì Cộng đồng có một tổ chức chặt chẽ nhưng sống rất huynh đệ, đặt dưới quyền một Đan Viện Phụ được bầu và giữ chức đến mãn đời. Đan Viện Phụ vừa là người điều hành vừa là vị thầy dẫn đường thiêng liêng với khả năng biện biệt và sự khôn ngoan rất mực. Nhờ vậy Ngài có thể sửa đổi phần nào các đòi hỏi về tu đức và thiêng liêng cho phù hợp với khả năng và tính cách của mỗi thành viên. Kinh Thần Vụ (Opus Dei) là trung tâm mọi sinh hoặt “để Thiên Chúa được tôn vinh trong mọi sự”. Thời gian còn lại làm việc tay chân. Khẩu hiệu của Đan viện là: “Ora et labora” (Hãy cầu nguyện và lao động). Đan Viện phải tự túc, và cho dù là một Dòng tu kín, phải luôn mở rộng cửa để đón tiếp và chia sẻ với bên ngoài. Điều tiên quyết được đòi hỏi ngay khi vừa bước vào đan viện là “vĩnh cư” (stabilité définitive). Nhân đức được nhấn mạnh nhất là lòng khiêm nhường được chia làm 12 cấp độ, mà chúng ta có thể trưng dẫn ra đây cấp độ thứ 12 là cấp độ khiêm nhường thẳm sâu nhất:

“Cấp độ thứ 12 của đức khiêm nhường đó là, người đan sĩ không chỉ bằng lòng với sự khiêm tốn trong tâm hồn, mà còn không ngừng biểu lộ nó ra bên ngoài thân xác, trước mặt những người khác, nói khác đi, biểu lộ sự khiêm nhường khi cử hành Thần vụ, khi ở nguyện đường, nơi đan viện hay ở ngoài vườn, khi đi dạo hay lúc ở ngoài đồng nghĩa là ở khắp nơi, dù ngồi, đi hay đứng, người đan sĩ hãy luôn cúi đầu, mắt nhìn xuống đất và trong mọi giây phút, luôn nghĩ mình là kẻ có tội, nghĩ mình như đã ra trước tòa phán xét công thẳng và đồng thời không ngừng nhủ thầm lời mà người thu thế trong Tin Mừng đã nói, mắt nhìn xuống đất : Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, con không xứng đáng ngước mắt nhìn lên trời. Và cùng với vị tiên tri, hãy nói : “Thân con oằn sâu và chịu xỉ nhục đến cùng độ”.

Vậy khi đã bước qua mọi cấp độ của đức khiêm nhường, người đan sĩ sẽ đạt tới tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu hoàn hảo và loại bỏ mọi sự sợ hãi. Nhờ tình yêu này, tất cả những gì mà trước kia người ấy giữ với lòng sợ hãi thì bây giờ anh ta bắt đầu tuân giữ một cách tự nhiên, theo thói quen, không hề phải gồng mình gắng sức, không còn phải sợ hỏa ngục nữa, nhưng vì lòng mến Đức Kitô, vì chính thói quen làm điều lành, và vì niềm vui mà các nhân đức mang lại. Đối với người thợ đã được thanh luyện khỏi các nết xấu và tội lỗi, Chúa sẽ đoái thương cho đạt tới trạng thái đó, nhờ Thánh Thần”.[1]

Chính Thánh Benoĩt đã nêu gương về nhân đức khiêm nhường này: Ngài nói về bộ luật của Ngài như “quy luật rất nhỏ bé dành cho những khởi sinh” và nhiệt thành khuyên đọc thêm những bộ luật khác… Bản quy luật liên quan tới “dòng dõi rất can đảm” của những tu sĩ sống cộng đoàn (cénobites), nhưng còn vươn xa hơn nữa, nhắm tới sự cô tịnh của lối ẩn tu (anachorétisme, tu rừng).

Dần dần, bộ luật được áp dụng ở khắp Tây Phương bên cạnh bộ luật của Thánh Augustin là bộ luật thiết thân với các Giáo sĩ. Nó cũng đã có dịp cọ sát với bộ luật khắc khổ của Thánh Colomban, vị đan sĩ Iceland, người cũng đã đến Italia và xứ Gaule lập Dòng. Đôi khi hai bộ luật này kết hợp với nhau. Đức Giáo Hoàng Gregorius Cả, người đã hết lời ca tụng Thánh Benoĩt trong tác phẩm “Dialogues” của Ngài, dường như đã chấp nhận bộ luật của Thánh Benoĩt. Chính Ngài là người đã du xuất bộ luật sang Anh quốc cùng với 40 đan sĩ để rao giảng Tin Mừng cho nước này. Còn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thì ca ngợi Thánh Benoĩt, vì qua những ảnh hưởng hết sức đa dạng, Ngài đã cho bình minh của một kỷ nguyên mới ló dạng trên lục địa Âu Châu, và vì thế đã xứng đáng được nhận là Vị Quan Thầy chính của toàn Châu Âu vậy:

“Vị sứ giả hòa bình, người kiến tạo hiệp nhất, Vị Thầy của nền văn minh, và trên tất cả, người rao truyền đạo Chúa Kitô và đấng sáng lập đời sống Đan tu ở Tây Phương, đó là những tước hiệu chứng minh vinh quang của Thánh Benoĩt Đan viện Phụ. Trong khi Đế quốc Romanus sụp đổ, và đã đến hồi tàn vong, trong khi nhiều vùng đất của Âu Châu đang chìm vào bóng tối và nhiều vùng đất khác còn chưa biết đến ánh sáng văn minh và các giá trị tinh thần, thì chính Ngài, bằng nỗ lực kiên trì và cần mẫn, đã làm cho bình minh của một kỷ nguyên mới ló dạng trên lục địa chúng ta. Chính Ngài và các con cái Ngài, với cây Thánh Giá, quyển sách và cái cày đã mang sự tiến bộ Kitô giáo đến cho các dân tộc trải dài từ Địa Trung Hải đến Bắc Âu, từ Iceland đến các bình nguyên xứ Ba Lan”.[2]

KẾT LUẬN: Những lý do thành công của Bộ Luật Thánh Benoĩt

Tất cả đều tóm lại trong hai chữ “chừng mực” (modération, trung dung). Chừng mục về ba điểm sau đây:

1. Chừng mực trong những khổ hạnh thể xác

Không dùng những cách hãm mình phạt xác giả tạo: áo nhặm, dây đánh tội,.v.v… ăn uống tương đối đầy đủ, ngủ nghỉ phải chăng, y phục tao nhã. Luật dạy Bề Trên phải lưu ý đến của ăn làm sao để khỏi có tiếng xì xào chính đáng về điều này.

2. Chừng mực trong việc từ bỏ ý riêng

Thánh Benoĩt nhấn mạnh rất nhiều đến việc từ bỏ. Tuy nhiên Ngài luôn nhắc phải liên minh với ý riêng hơn là hủy diệt nó.

3. Chừng mực trong tình ái tự nhiên

Trong điểm này Thánh Benoĩt ít nghiêm khắc hơn các vị đan tu Ai Cập và núi Carmel rất nhiều. Ngài nói: “Tất cả đều phải học để yêu thương nhau trong mối tình âu yếm giữa huynh đệ với nhau”.

Chính “Bộ Luật của Thánh Benoĩt” đã là khởi điểm cho việc xưng hô Chúa Kitô là “Cha”. Vị Đan viện Phụ được gọi là “Cha” (Abbé, Abba) vì Ngài giữ vai trò của Chúa Kitô, người Cha đích thực trong đan viện.

***

PHỤ LỤC

 

1.- Thánh Benoĩt: “Bổn mạng của toàn Châu Âu”

Vị Sứ giả hòa bình, người kiến tạo hiệp nhất, Vị Thầy của nền văn minh, và trên tất cả, người rao truyền đạo Chúa Kitô và đấng sáng lập đời sống Đan tu ở Tây Phương, đó là những tước hiệu chứng minh vinh quang của Thánh Benoĩt Đan viện phụ. Trong khi Đế quốc Roma sụp đổ, và đã đến hồi tàn vong, trong khi nhiều vùng đất của Âu Châu đang chìm vào bóng tối và nhiều vùng đất khác còn chưa biết đến ánh sáng văn minh và các giá trị tinh thần, thì chính ngài, bằng nỗ lực kiên trì và cần mẫn, đã làm cho bình minh của một kỷ nguyên mới ló dạng trên lục địa chúng ta. Chính ngài và các con cái ngài, với cây Thánh Giá, quyển sách và cái cày, đã mang sự tiến bộ Kitô giáo (progrès chrétien) đến cho các dân tộc trải dài từ Địa Trung Hải đến Bắc Âu, từ Iceland đến các bình nguyên xứ Ba Lan.

Với cây Thánh Giá, nghĩa là với Lề Luật của Đức Kitô, Ngài củng cố và phát triển việc tổ chức đời sống của cộng đồng và của mỗi người. Cũng nênnhắc lại rằng, với “Opus Dei”, nghĩa là kinh nguyện phụng vụ, và việc cử hành kinh nguyện đó cách chuyên cần, ngài đã dạy cho người ta biết phải dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa một vị trí ưu tiên trên tất cả. Chính vì thế, mà ngài đã tạo được sự thống nhất tinh thần cho Châu Âu và nhờ sự thống nhất đó mà các dân tộc, với ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa khác nhau đã ý thức được việc cùng làm nên biểu hiệu của dân Thiên Chúa; một sự thống nhất đã trở thành nét đặc trưng của thời Trung Cổ, nhờ vào nỗ lực kiên trì của các đan sĩ, đi theo bước chân của một bậc thày hết sức lỗi lạc. Và như thánh Augustin từng khẳng định, sự thống nhất đó là “mẫu mực của mọi vẻ đẹp”. Tiếc thay, nó đã bị những thăng trầm của lịch sử làm tan vỡ và hôm nay tất cả những người thiện chí đang ra sức tái lập sự duy nhất đó.[3]

2.- Tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô

Tiên vàn, bạn hãy đem lời khẩn cầu tha thiết mà xin Thiên Chúa hoàn thành bất cứ công việc tốt lành nào bạn đã khởi sự, ngõ hầu Đấng đã thương kể chúng ta vào số các con cái Người, sẽ không lúc nào phải phiền lòng vì những hành vi xấu xa của chúng ta. Thật vậy, trong mọi lúc, chúng ta phải dùng các ơn lành Thiên Chúa đã ban để phục vụ Người. Như thế, Thiên Chúa sẽ không như một người cha nổi giận truất quyền thừa kế của con cái. Người cũng không như một ông chủ đáng sợ, bực tức vì các việc xấu xa ta đã làm mà bắt chúng ta phải chịu hình khổ đời đời như những tên đầy tớ gian ác nhất đã không muốn đi theo Người vào chốn vinh quang.

Vậy, chúng ta hãy chỗi dậy như Kinh Thánh đã từng thúc giục chúng ta: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy”. Chúng ta hãy mở đôi mắt đón nhận ánh sáng thần hóa, hãy lắng tai nghe tiếng Thiên Chúa vẫn hằng ngày nhắc nhở: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: các ngươi chớ cứng lòng”. Và lời khác nữa: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh”.

Thần khí nói gì? “Các con ơi, hãy đến mà nghe, Ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa. Hãy nhanh chân bao lâu các con còn có ánh sáng của sự sống, kẻo bóng tối bắt chợt các con”.

Khi đến giữa đoàn dân đông đảo để di tìm thợ, Chúa còn nói thêm: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan”. Nghe như thế, bạn hãy thưa lại: “Dạ, con đây!”. Chúa bảo bạn: Nếu con muốn được sống đời sống thật và vĩnh cửu, con “phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa, hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà”. Khi các con làm như vậy, Ta sẽ để mắt nhìn các con và sẽ lắng tai nghe lời các con cầu nguyện. Và trước cả khi các con kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lại: “Này Ta đây!”.

Anh em thân mến, còn gì dịu ngọt đối với chúng ta hơn là tiếng nói của Chúa đang mời gọi ta? Bạn thấy đó, vì yêu thương, Người chỉ cho chúng ta con đường đưa tới sự sống.

Vậy chúng ta hãy lấy đức tin và các việc lành làm đai thất lưng, và nhờ Tin Mừng hướng dẫn, hãy tiến bước trong đường lối của của Chúa, để một ngày kia chúng ta đáng được nhìn thấy Chúa là Đấng đã gọi chúng ta vào vương quốc của Người. Nếu muốn có một chỗ ở trong vương quốc ấy, chúng ta phải ra công làm việc lành phúc đức thì mới mong đạt được.

Nếu có một thứ nhiệt thành xấu xa chua chát làm xa cách Chúa và đẫn đến hỏa ngục, thì cũng có một lòng nhiệt thành tốt đẹp làm xa rời thói xấu, dẫn đến cùng Thiên Chúa và sự sống đời đời. Vậy các đan sĩ phải lấy hết lòng yêu mến nồng nàn mà luyện tập lòng nhiệt thành tốt đẹp này, nghĩa là người này coi người khác trọng hơn mình; phải hết sức kiên nhẫn chịu đựng những yếu đuối của nhau, về thể xác hoặc về tinh thần; phải thi đua vâng lời nhau, đừng ai tìm kiếm điều mình xét thấy là lợi ích cho mình, nhưng nhắm lợi ích cho người khác thì hơn; phải thực thi tình bác ái huynh đệ trong sáng; phải đem lòng yêu mến mà kính sợ Chúa; phải đem lòng bác ái chân thành và khiêm tốn mà yêu mến viện phụ của mình; phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô, Đấng muốn dẫn đưa chúng ta đến hưởng sự sống đời đời.[4]

 

 

 


[1] Règle de Saint Benoĩt VII, 62-70: SC. N0 181, pp. 489-491, Trad. A. de Vogué.

[2] Pope Paul VI, Bref “Pacis nuntius” du 24 Oct. 1964, Doc. Cath. 15 Nov. 1964, No 1446.

[3] Pope PAUL VI, Bref “Pacis nuntius” du 14 Oct. 1954, Doc. Cath. 15 Nov. 1964, no 1446. Tiếp ngay sau đó, Đức Thánh Cha nói vắn tắt về hoạt động văn hoá và nông nghiệp của Thánh Benoĩt.

[4] REGULA – “Bộ Luật của Thánh Benedicto” – La Règle de Saint Benoĩt.