GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
***
***
CHƯƠNG IV
THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI
(325 – 430)
***
PHẦN I: CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG
***
ĐOẠN II
CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCE
THÁNH BASILE GIÁM MỤC CÉSARÉE (329 – 379)
A. – THÂN THẾ
Basile sinh năm 329 tại Césarée thuộc Cappadoce nay là Thổ Nhĩ Kỳ trong một gia đình vốn dòng đạo gốc. Ông ngoại ngài sinh quán miền Pont-Euxin đã bị tịch thu gia sản khi Dioclétien cấm đạo, và đã cùng cụ bà lẩn trốn suốt bảy năm trời trong một cánh rừng hoang ở vùng núi ven bờ Hắc Hải. Khi Basile chào đời cuộc bắt đạo đã ngừng. Gia đình lại trở nên xung túc. Ông thân, cùng tên Basile, là một tay phú hộ, đã chiếm ghế luật sư và giáo sư khoa hùng biện (tu từ học) tại Césarée, ông giữ đạo sốt sắng nhưng rất đam mê văn chương. Bà thân mẫu là Emmélie, tính hiền từ đạo hạnh, phải săn sóc một gia đình 10 người con: 5 cô 5 cậu. Basile là trưởng nam. Trong số các chị em Ngài ta phải nhắc tới thánh Macrine người chị cả đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống tinh thần và tôn giáo của ngài, và người em trai là thánh Grégoire sau làm Giám mục thành Nysse, một tư tưởng gia thời danh nhất bên Giáo Hội Đông Phương. Thêm cậu Pierre, em út, sau sẽ làm Giám mục tại Sébaste.
Từ bé Basile bắt đầu học văn phạm ở nhà với cha, lúc niên thiếu khởi sự học khoa hùng biện (tu từ học) và triết lý tại Césarée, đô thị chính của tỉnh Cappadoce. Thời đó văn minh công giáo cổ điển Hy lạp ăn sâu trong những miền tiểu Á và Pha Lệ Tinh. Césarée gần như toàn tòng công giáo. Tuy đạo mới được tự do kể từ 30 năm, thế mà việc phượng thờ ngoại giáo trong thành hình như biến mất: nhiều đền miếu bị phá hủy.
Là một học sinh chăm chỉ và thông minh lỗi lạc, Basile (khác hẳn với Augustin) đã có một tuổi trẻ bình lặng và đạo đức. Tuy nhiên tới lúc mãn kỳ học tập tại Césarée, Basile vẫn chưa chịu phép rửa tội vì thời đó ngay trong những gia đình công giáo sốt sắng người ta cũng quen đợi đến tuổi trưởng thành mới xin rửa tội.
Hồi thế kỷ IV người ta thường xuất ngoại tìm học hỏi tại các trường Đại học và các Giáo Sư thời danh trong thế giới Hy lạp, nên Basile bỏ quê nhà tới Constantinople, thủ đô đế Quốc La mã Đông Phương, rồi sang học văn chương triết lý tại Athènes chừng 5 năm. Ở đây ngài kết thân với một sinh viên khác là Grégoire quê ở Nazianze (Giám mục tương lai), và hai tâm hồn bạn này sẽ tha thiết với nhau suốt đời. Tại Athènes họ sống chung một nhà. tuy cả hai chưa chịu phép rửa tội nhưng đều biết tránh những lạc thú sa đoạ và những quyến rũ của văn chương ngoại giáo đang tràn lan khắp thành Athènes. Đời sống hai ngài rất mực thước, phân chia thành giờ học và giờ tĩnh tâm. Vì chưa Rửa Tội nên cả hai không được dự lễ: chỉ đi nhà thờ nghe Sách Thánh, nghe giảng và đọc kinh với giáo dân, rồi đến phần dâng lễ thì phải rút lui khi thầy phó tế ra hiệu.
Cũng tại Athènes hai ngài gặp Julien trẻ là bạn đồng môn, sau sẽ chiếm ngai Hoàng đế và lưu danh sử sách với cái tên Julien Bội giáo (Julien l’Apostat).
Khi rời Athènes trở về quê nhà năm 356, Basile 27 tuổi. Cha ngài đã qua đời trong lúc ngài vắng nhà. Mẹ ngài sau khi đã lập gia đình cho 4 cô con gái liền lui về tại Annesi gần Néocésarée, ở đây cùng với Macrine con gái cả trước đã có đính hôn nhưng không may vị hôn phu chết, và cô quyết dạ thủy chung ở vậy với mẹ săn sóc các em.
Basile đỗ nhiều bằng nên vừa đặt chân tới Césarée đã được mời giữ chức giáo sư khoa tu từ trong tỉnh. Suốt mấy năm trường ngài say sưa với những hư danh thế tục mà nghệ thuật hùng biện đã hiến cho ngài. Nhưng Macrine, người chị cả đạo đức là sứ giả của Chúa quan phòng vẫn luôn để ý đến em, bà không chịu để em mình ở trong tình trạng luân lý và thiêng liêng tầm thường như vậy. Nhờ lời cầu nguyện và cảnh cáo của chị, Basile đã nghe tiếng Chúa gọi trở về đường trọn lành.[1]
Bỏ ghế giáo sư, Basile sống nghèo nàn để thực hành Phúc âm. Có lẽ giờ này ngài mới chịu phép Thánh Tẩy. Quyết tâm xa lánh cuộc đời, nên ngài khởi sự một cuộc hành trình nhiệm nhặt và vất vả qua Ai cập, Palestine, Syrie và miền Lưỡng hà Châu để viếng thăm các vị ẩn tu và tìm hiểu những kiểu tu hành trong thế giới công giáo Hy lạp thời đó.
Về tới quê nhà, ngài liền bắt chước cách sống của các vị tu hành mà ngài đầy thán phục[2], nhưng khác với kiểu biệt tu của họ, ngài ưa lối sống chung trong cộng đồng nhỏ có Bề trên hướng dẫn. Ngài chọn vị trí ở một nơi hẻo lánh và nên thơ trên bờ sông Iris[3] rồi qui tụ một số bạn bè lại để sống thành tu viện. Chương trình thường nhật gồm: Kinh nguyện, hãm mình, học Sách Thánh, thực hành bác ái, sống khó nghèo và lao động chân tay.
Năm 358, Grégoire de Nazianze đến viếng tu viện và ở lại với Basile một thời gian. Hai vị cùng nhau soạn ra cuốn Philocalie, một tập tuyển những tác phẩm của Origène, và hai cuốn quy luật (Regulae) sẽ ảnh hưởng một cách quyết liệt trong việc phổ biến lối sống viện tu và đem lại cho Basile danh hiệu nhà “lập pháp” đời sống đan viện Hy lạp.
Cuộc đời an bình trầm tĩnh đó mới chỉ kéo dài được năm năm thì năm 362. Eusèbe tân Giám mục Césarée triệu Basile về tỉnh để làm cộng sự viên của ngài. Lúc đó Giáo Hội bỗng lâm vào tình trạng rất bi đát. Ngoài những tại hại do lạc thuyết Ariô gây ra, lại thêm một Hoàng đế bội giáo mới lên ngự trị ngai vàng, đó chính là Julien, bạn đồng môn xưa với Basile thành Athènes. Nhà vua truy nã Kitô giáo với một lòng căm thù sẵn có, và cuộc bách hại lại tái diễn ác liệt. Để trợ giúp mình một cách đắc lực hơn, Giám mục Eusèbe truyền chức Linh mục cho Basile vào năm 364 và đặc biệt giao cho ngài nhiệm vụ giảng thuyết. Không bao lâu danh tiếng cha Basile lẫy lừng khắp Césarée làm cho chính Giám mục Eusèbe phát ghen, nên cha phải bỏ Địa phận rút lui về tu viện cũ một thời gian.
Julien tử trận trong cuộc viễn chinh chống quân Ba Tư vào năm 365 và nhờ đó tình hình Giáo Hội bớt gay go hơn. Grégoire de Nazianze liền can thiệp và Giám mục Eusèbe lại triệu hồi Basile. Một trong những công việc chính của ngài là giúp đỡ Giám mục Eusèbe chiến đấu với lạc giáo Ariô vừa tái sinh với tân Hoàng đế Valens. Khi làm việc với Giám mục để bảo vệ đức tin, Basile đã tỏ ra khéo léo, tế nhị và kín đáo. Ngài đã trở thành vị phụ tá của Giám mục tuy ngài không chính thức nhận chức đó, người ta đã viết về việc này như sau: “Giám mục cai trị dân chúng, nhưng Basile âm thầm hướng dẫn Giám mục”.
Trong suốt năm năm hoạt động, ngoài việc giảng thuyết và luôn luôn lo lắng giữ cho đức tin được tinh tuyền khỏi ảnh hưởng Valens, Tân Hoàng đế theo phái Ariô, Basile vẫn tiếp tục ban những huấn dụ để hướng dẫn các tu sĩ thuộc dòng ngài. Hơn nữa ngài còn giữ một địa vị quan trọng trong việc tổ chức phụng vụ, đến nỗi một nghi thức phụng vụ ảnh hưởng nhất hiện hành ở Đông Phương nay còn mang tên ngài, đó là “phụng vụ Byzantine của thánh Basile”.
Năm 370, Giám mục Eusèbe qua đời và Basile được chọn lên kế vị tại Césarée. Trong suốt mười năm làm Giám mục (370-379) ngài sẽ đặc biệt chú trọng đến hai vấn đề sau đây:
– Tổ chức bác ái và
– Đương đầu với lạc giáo Ariô
Ngoài ra, cả sau khi lên làm Giám mục, Basile vẫn còn tìm ra được thời giờ để tiếp tục viết ra nhiều tác phẩm đáng lưu danh hậu thế cả về mặt tư tưởng thần học lẫn giá trị văn chương. Ngài qua đời vào ngày 01 tháng 01 năm 379, lúc mới 49 hoặc 50 tuổi.
B. – SỰ NGHIỆP
I. TỔ CHỨC BÁC ÁI TẠI CÉSARÉE
Đây là công việc đã được Basile khởi đầu ngay trước khi làm Giám mục nhân một nạn đói xảy ra tại Césarée năm 368. Dịp đó ngài tổ chức những “bữa cơm bình dân” phát không cho người nghèo. Grégoire de Nysse em ngài đã viết về việc này như sau: “Basile đã dành cả cho những trẻ em người Do thái cùng những quyền lợi như cho các trẻ em khác…”[4].
Khi lên làm Giám mục, ngài liền dựng một “cư xá bác ái” mà sau này tại thế kỷ thứ V thiên hạ sẽ gọi là “Basiliade” vì lòng tôn kính Basile. Sau khi Basile từ trần cư xá này đã trở thành quan trọng đến nỗi trong khoảng thế kỷ V ngưới ta đã dần dần chuyển trung tâm thành phố Césarée về vùng cư xá này. Đây đích thực là một thị trấn mới nằm ngay cạnh Césarée. Thị trấn mới này được dành cho người nghèo trong đó có đủ mọi tổ chức để phục vu bần dân: nhà thờ, toà Giám mục, nhà giáo sĩ, lữ quán cho khách thập phương, nhà dưỡng lão, nhà thương và trại cùi.
Thêm vào các cơ sở chính nói trên, còn có các cư xá dành cho y sĩ, y tá, các người giúp việc và thợ đủ nghề. Người ta cũng thấy trong đó đủ mọi thứ xưởng, có cả trường kỹ thuật và công nghiệp nữa.
Tổ chức đại qui mô và đồ sộ này đôi khi đã làm cho Chính quyền phải ghen tương, họ trách Basile đã lấn át Nhà Nước. Thực ra đây là một lời trách cứ vô bằng cớ và không chính đáng, vì thời ấy ngoài Giáo Hội công giáo ra Chính phủ không hề để ý gì đến việc săn sóc các bệnh nhân và người nghèo khổ. Bức thư 94 Basile gởi vị thị trưởng Césarée có thể là để trả lời cho những dị nghị nói trên:
“Khi người ta xây kính Thiên Chúa một ngôi thánh đường và gần đó dựng một nhà xứ với vài nhà khác cho các người giúp việc phụng tự, thế là làm hại Chính phủ à? Các ông có thể ở đấy với cả bọn tùy tùng của các ông – nếu các ông đến viếng thánh đường đó. Khi dựng những lữ quán cho khách thập phương – lập dưỡng đường nhận người đau ốm và săn sóc họ – như thế thì chúng tôi làm thiệt hại đến ai? Xây nhà ở cho y sĩ, y tá, khán hộ, người làm và dựng nhà để xe ngựa mà các ông bảo là điều ác sao? Những ngôi nhà ấy tất nhiên cần đến thợ để lo vấn đề trật tự và tiện nghi. Vậy phải cất xưởng và nhà ở cho thợ. Các công cuộc đó góp phần vào việc phát triển nền thịnh vượng ở đây. Chắc chắn điều đó không thể không làm cho vị cầm quyền tỉnh này thêm danh tiếng”.
Ngoài tổ chức bác ái trung ương ra, Basile còn muốn rằng trong mỗi địa hạt thuộc quyền ngài phải có một “viện tế bần” làm chỗ trú ngụ và phát thuốc cho các dân làng trong địa hạt. Đâu đâu Basile cũng tỏ ra là một vị ân nhân đích thực của người nghèo khổ và đau ốm vậy.
II. ĐƯƠNG ĐẦU VỚI LẠC GIÁO ARIÔ
Đây thật là mối vinh quang của Basile ở địa vị chủ chăn. Chúng ta đang sống vào năm 370, hầu như toàn thể Giám mục đoàn đã chấp nhận và chuẩn y công thức “homoios” của Hội đồng Rimini – Constantinople[5] công thức rối đạo ở những điều không nói ra hơn là ở những điều được diễn đạt. Công thức này quả quyết “Chúa Con giống (omoioV) Chúa Cha”. Nhưng nói thế có nghĩa là phủ nhận và loại bỏ công thức “homoousios” (omoousioV) của Nicée, và một trật cũng loại bỏ luôn cả kiểu nói “homoios kata panta” (giống trong mọi sự) bị coi là thừa. Lập trường này đã trở thành thần học chính thức bên Đông Phương và được Hoàng đế Valens nhiệt liệt đỡ đầu. Vị Hoàng đế theo lạc giáo Ariô này từ ngày lên ngôi tại Đông Phương đã quyết tâm tiêu diệt công giáo và buộc cả Đế quốc theo lạc giáo Ario. Vua đi kinh lý các đô thị lớn và việc đầu tiên là tới đâu vua liền đòi buộc Giám mục và giáo sĩ ở đó phải ly khai với giới công giáo và theo phái Ariô. Ở đâu có phản kháng thì ở đó có tù đầy, nhiễu hại, tịch thâu tài sản, tàn sát, đốt phá thánh đường. Tại Constantinople chẳng hạn 80 linh mục bị bắt vì can tội phản đối Hoàng đế, bị bỏ xuống thuyền chở ra biển, và sau khi bọn thủy thủ rời thuyền bằng xuồng thì thuyền bị phóng hoả thiêu sống 80 linh mục đó và một số tù phạm. Vị ác vương báo tin sẽ tới Césarée, Giám mục Basile bình tĩnh và can đảm chờ đợi. Trước khi vào thành, Hoàng đế cử một phái đoàn trong đó có mấy giám mục bội giáo đến thuyết phục Basile tuân lệnh nhà vua. Công việc thất bại, Hoàng đế lại phái các viên chức Nhà Nước độc dữ và hung bạo, trong đó có chính Modestus vị quan đã hạ lệnh hoả thiêu 80 linh mục Constantinople nói trên, với khẩu lệnh cho Basile phải phong tước Giám mục cho Modestus. Grégoire de Nazianze có mặt lúc đó đã ghi lại cuộc đối thoại đanh thép giữa Giám mục Basile và quan Modestus trong bài diễn văn 43 của ngài (Or, 43, MG 36). Modestus đã gặp gỡ Basile nhiều lần nhưng vô hiệu quả.
Thấy thanh thế lớn lao của Giám mục trước mặt dân chúng Valens ngần ngại không dám bạo động, nhưng vì quá nóng lòng vua liền lập kế: đúng ngày lễ Hiển Linh vua vào nhà thờ. Giám mục Basile chủ lễ. Lúc dâng lễ vật, vua cũng lên theo dân chúng, trước sự ngần ngại của thầy Phó tế, Basile ra hiệu cứ nhận lễ phẩm của vua, nhưng lúc cho rước lễ, ngài khước từ không trao Mình Thánh cho Hoàng đế bội giáo. Xấu hổ và tức giận, vua không biết tìm cách nào để chấm dứt sự phản kháng của Basile, liền hạ lệnh phát lưu ngài nhưng dặn phải bí mật bắt ngài ban đêm kẻo dân nổi loạn. Lệnh ban ra chưa được thi hành thì… Valens lại đích thân bãi bỏ rồi rời Césarée đi bách hại nơi khác. Sau biến cố này ít lâu Basile đã có thể viết: “Tôi khác nào một tảng đá. Những làn sóng lạc giáo đã tan tành khi xô vào đó; đúng hơn, tôi giống một hạt cát nhỏ mà ý Chúa đã đặt để ngăn cản cơn thịnh nộ của biển cả mênh mông”.
Thất bại và phải bỏ đi, Valens nghĩ ra một kế khác không kém hiểm độc. Năm 371 vua chia tỉnh hạt Cappadoce thành hai, Cappadocia Prima với Césarée là thủ phủ như xưa, và Cappadocia Secunda với Tyane là tân thủ phủ. Giám mục tại đây là Anthime, một người trung thành với vua, lấy danh nghĩa là Giám mục thủ phủ của tỉnh hạt mới liền bổ nhiệm và thiết lập một số Giám mục trong miền. Hơn thế, Anthime còn đòi quyền kiểm soát một số địa hạt tới nay vẫn trực thuộc quyền hành Tổng Giám mục Césarée. Trước thái độ đó, Basile phản ứng mãnh liệt, ngài tuyên bố không thừa nhận tỉnh hạt Cappadocia Secunda về mặt giáo quyền, và để bảo tồn đức tin chính thống ngài liền đặt một số người thân tín lên làm Giám mục tại những địa điểm then chốt có thể xảy ra tranh chấp. Vì thế mà ngài chỉ định Grégoire em ruột ngài làm giám mục tại Nysse, và Grégoire de Nazianze, người bạn thân tình của ngài, làm Giám mục tại Sasime, một trạm tiếp vận quan yếu của thời đại. Nếu việc bổ nhiệm thứ hai đã hoàn toàn thất bại, bởi vì Grégoire de Nazianze đã không hề đặt chân đến Địa phận mới, thì việc bổ nhiệm thứ nhất có thể được coi như thành công.
Ngoài việc đương đầu với Hoàng đế Valens, Basile còn hoạt động ráo riết để đem toàn thể Giám mục đoàn cả Đông lẫn Tây đến chỗ chấp nhận công thức đức tin Nicée thay thế công thức Rimini – Constantinople, một công thức hoàn toàn chính trị và rối đạo. Trong hành động này ngài vấp phải một vấn đề tiên quyết đầy chông gai: Ai là Giám mục đích thực của Antioche: Mélèce hay Paulin? Dầu rất thiện cảm với Mélèce, ngài không muốn quyết định một mình về vấn đề này. Ngàiviết một bức thư rất khôn khéo hỏi ý Athanase và một trật đề nghị với vị Giám mục Alexandrie liên lạc với các Giám mục Tây Phương để mời các ngài sang chính Antioche quan sát tận mắt tình trạng bị đát của Giáo Hội Đông Phương và cùng nhau xác nhận sự thống nhất trong đức tin Nicée. Một trật ngài cũng viết thư cho Giám mục Roma, là Giáo Hoàng Damase, về vấn đề này. Nhưng cố gắng đầy thiện chí của ngài đã rất ít được đền đáp.
– Về phía Alexandrie: Athanase cho Basile còn quá trẻ người non dạ. Nếu cần thì chính Athanase sẽ hành động đâu đến lượt Basile? Ngài chấp nhận ý kiến Basile là kêu gọi đến các Giám mục Tây Phương, nhưng ngàisẽ làm việc đó với danh nghĩa là Athanase, chứ không do sự chỉ bảo của Basile.
– Về phía Roma: Athanase gởi một phái đoàn đi Roma, nơi đây uy thế của ngài rất lớn. Ngài lại ủng hộ Paulin chống lại Mélèce (ngay cả sau khi đã làm hòa với vị này rồi). Vì thế giáo Hoàng Damase ngả theo ý kiến của Ngài, liền phái một linh mục tên Evagrius sang Césarée mang theo một công thức đức tin với lệnh cho Basile phải ký vào mà không được sửa đổi mảy may.
Bị hất hủi nhưng không nản lòng, năm 375 Basile lại vận động một lần nữa để Giáo Hoàng Damase thừa nhận Mélèce. Lần này công lao của ngài đi tới thất bại hoàn toàn, Giáo Hoàng Damase trả lời dứt khóat Paulin là Giám mục hợp pháp của Antioche.
Basile qua đời ngày 1 tháng 1 năm 379, sau khi đọc câu: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa”. Tuy chưa được niềm vui thấy Giáo Hội trở thành một nhà hợp nhất trong đó anh em sống trong tình thông hảo huGah đệ, Ngài cũng được một an ủi rất lớn là chứng kiến giờ tàn tạ của lạc giáo Ariô, sau khi Valens bỏ mạng thê thảm trong cuộc giao tranh với quân Goths năm 378, và người công giáo Đông Phương sau 47 năm bị bắt bớ nay lại nhìn thấy cảnh thanh bình trở về.
III. CÁC TÁC PHẨM CỦA THÁNH BASILE
Về phương diện văn từ và bút pháp, Basile là một trong những văn gia Hy lạp Công giáo lỗi lạc và có lẽ là một văn gia thời danh nhất. Bút pháp của Ngài có hai đặc tính: Hoa mỹ và Tiết kiệm. Basile là một diễn giả tuyệt hảo, lời văn vừa tự nhiên vừa uyên bác, tuy hợp trí óc mọi người nhưng vẫn không tầm thường; đơn sơ nhưng vẫn hoa mỹ, vừa hấp dẫn vừa mạnh mẽ. Trí tưởng tượng của Ngài thật phong phú. Cũng như, các văn sĩ đương thời, Ngài quen dùng các kiểu tu từ (hùng biện) và ngụy biện cổ điển, nhưng Ngài không theo các kiểu ấy một cách nô lệ: Ta thường thấy có một sức sống mãnh liệt, một tư tưởng uyên thâm đặc sắc hiện ra sau những lối hành văn cổ điển kia.
Các bài diễn giảng của ngài ảnh hưởng tới thính giả rất mạnh. Thường chỉ là những bài ứng khẩu, vì ta thấy lối văn thân mật, có kiểu như đối thoại, đôi khi lại nói cả những truyện ngoài đề. Ngài luôn tiếp xúc thân mật với thính giả, ta khó mà tìm được một kiểu diễn giảng vừa hợp với những thính giả đơn sơ nhất, vừa phong phú về phương diện lý thuyết Phúc âm và Thần học như thế.
1. Tác phẩm Tín lý
Bỏ qua cuốn Philocalie, một tập tuyển về Origène, người đã ảnh hưởng rất lớn tư tưởng thần học của Basile và của Grégoire de Nazianze, chúng ta đề cập ngay đến những tác phẩm tín lý của Basile. Nên chú ý ngay rằng Basile là một vị chủ chăn, một thủ lãnh Giáo phận, một vị linh hướng giáo dân và tu sĩ. Ngài không phải là một nhà thần học chuyên môn: Những tác phẩm tín lý Ngài để lại đều có tính cách tùy thời, tùy hoàn cảnh: khi làm Giám mục, Ngài phải viết tín lý để đương đầu với những lạc giáo, nhất là phái Ariô. Đó không phải những bài trình bày lý thuyết thần học công giáo một cách hoàn bị, nhưng là những bài có tính cách bút chiến phần nào. Ít nhất Basile cũng đã viết 3 cuốn tín lý, nhưng nay ta chỉ còn giữ được hai cuốn chống lạc thuyết Ariô, cuốn thứ ba chống phái Mani đã thất lạc.
a/. Luận đề phản đối Eunome (Adversus Eunomium)
Sách gồm ba quyển viết vào năm 364. Eunome đồng hương với Basile, làm Giám mục một tỉnh nhỏ là Cysique, thuộc Cappadoce; vì tuyên bố theo lạc giáo Ariô, nên bị truất phế. Ông liền viết cuốn Apologia (361) để tự biện minh, trong đó ông trình bày Đức tin Ariô của mình. Ông cố gắng dung hòa Đức tin Công giáo về tín điều Thiên Chúa Ba ngôi với những tôn chỉ triết học duy lý Hy lạp. Đối với ông, yếu tính Thiên Chúa là sự “Bất sinh” (innascibilité). Ngôi Lời không thể coi là Thiên Chúa ngang hàng với Ngôi Cha. Hơn nữa, ông tuyên bố người ta có thể thấu triệt yếu tính thần linh của Thiên Chúa.
Trong ba cuốn “Adversus Eunomium” Basile phi bác lý chứng của Eunome một cách bình tĩnh, dè dặt, nhưng cương quyết, và Ngài phản đối từng câu một. Căn cứ vào Thánh Kinh, Basile quả quyết về thần tính Ngôi Con và quả quyết Ngôi Con “đồng bản tính” (omoousioV) với Ngôi Cha; một trật, Basile cũng nhấn mạnh đến thần tính của Thánh Thần.
b/. Luận đề về Chúa Thánh Thần (De Spiritu Sancto)
Cuốn này được viết vào năm 375. Basile bị chỉ trích đã dùng Kinh tổng kết (doxologie): “Ca tụng Ngôi cha với Ngôi Con và Thánh Thần” thay vì kinh thông thường: “Ca tụng Ngôi Cha nhờ Ngôi Con và trong Thánh Thần”. Ngài vịn vào Thánh Kinh để minh chứng rằng người ta phải kính thờ hai Ngôi kia bằng Ngôi Cha. Sách được tặng cho Amphiloque d’Iconium, một người bạn của Basile. Sáu năm sau, thánh Ambroise đã dùng cuốn sách này làm căn bản để viết ra cuốn “De Spiritu Sancto” và như thế đã quảng bá tư tưởng của Basile sang Tây Phương.
2. Tác Phẩm Tu Đức
Để huấn luyện các vị tu hành, Basile đã viết bảy cuốn sách thuộc loại này. Ta chỉ phân tách sơ lược 3 cuốn chính.
a/. Luân lý (Moralia)
Đây là cuốn thâu thập những bài Thánh Kinh, nhất là Phúc âm và Thư, xếp thành chương, rồi chương lại xết thành qui khoản. Sau mỗi bài trích lại kèm theo mấy lời giải nghĩa. Thực ra, cuốn sách này không những viết cho các tu sĩ dòng mà còn cho cả giáo hữu nữa.
b/. Những Đại Quy Luật (Regulae fusius tractatae)
Tác phẩm này viết từ năm 358 đến 362, thực sự không phải bộ luật dòng theo nghĩa chặt như bộ luật thánh Benedictô, nhưng chỉ là tóm tắt 50 bài huấn đức về đời tu cho các thầy dòng. Những huấn dụ đều thấm nhuần Thánh Kinh. Đó là những tôn chỉ sau này sẽ ảnh hưởng nhiều tới đời tu hành Đông và Tây Phương.
c/. Những Tiểu Qui Luật (Regulae brevius tractatae)
Tác phẩm gồm 313 lời khuyên vắn tắt có tính cách thực hành để giải đáp những thắc mắc về cuộc đời tu hành.
Nếu thánh Benedictô đã được gọi là “Ông tổ dòng tu Tây Phương”thì thánh Basile cũng có thể được coi là “Ông tổ dòng tu Đông phương”. Trước khi làm linh mục và Giám mục, Ngài đã sống tu hành, đã suy nghĩ và khuyên dậy nhiều về lý tưởng tu trì. Tuy hai cuốn qui Luật Ngài viết không thành hệ thống rõ ràng như qui luật của thánh Benedictô sau này, nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn ở Đông Phương và cả Tây Phương nữa. Ta có thể toát lược mấy tư tưởng chính của hai cuốn qui luật như sau:
– Sống đời khó nghèo: bán của cải bố thí cho người nghèo.
– Trinh khiết.
– Vâng lời.
– Không lập tu viện lớn, nhưng cũng không sống lẻ loi. Ngài muốn một kiểu tu viện vừa giống đời sống các vị ẩn tu lẻ loi, vừa giống đời sống các dòng lớn ở Ai cập. Ngài ưa lập những tu viện ít người, trong đó Bề trên có thể biết riêng từng người một.
– Bó buộc lao động chân tay: làm một nghề thông thường đủ sống, chỉ cần thế thôi.
– Cầu nguyện: Đọc hay hát kinh lúc nửa đêm, rạng đông, gờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín, và lúc hoàng hôn.
– Tu viện có thể trở lên trung tâm giáo dục công giáo bằng cách nhận những trẻ em sau này sẽ là học sinh nội trú, các em hấp thụ một nền giáo dục công giáo vững chắc. Basile là một nhà sư phạm, một nhà huấn luyện, Ngài viết: “Trong các tu viện ,việc giáo dục cần phải dịu dàng, vui tươi, làm cho trí óc thanh thản, liệu đưa các trẻ em tới đích mà không cưỡng bách, không làm chúng qúa mệt mỏi”.
3. Những bài giảng về Thánh Kinh và Diễn văn
Trong đời linh mục và Giám mục Basile đã giảng rất nhiều. Ta còn giữ được một số khá lớn các bài giảng của Ngài thuộc nhiều loại khác nhau.
a/. Giảng về “SÁU NGÀY” (hexaéméron)
Đây là bài chú giải mấy trang đầu sách Sáng thế ký về việc sáng tạo vũ trụ. Thời xưa, các bài giảng này được dân chúng hoan hô nhất. Bên Tây phương, thánh Ambroise đã dùng tác phẩm của Basile làm tài liệu giảng thuyết.
Với một lối văn bóng bảy, chứa rất nhiều hình ảnh, Basile đã tả cuộc sáng tạo thế giới trong 5 ngày đầu. Ngàiđề cập tới nhiều vấn đề triết học và khoa học liên quan đến nguồn gốc thế giới. Một số vấn đề triết học xưa đã khiến thính giả của Basile say mê thì nay không còn rung động nổi chúng ta nữa. Dù thế những bài giảng này vẫn còn giá trị sâu xa đặc biệt ở chỗ chúng nhấn mạnh về tính cách linh thiêng siêu việt của Thiên Chúa và hoạt động sáng tạo. Ngày thứ sáu đã được dành cho cuộc sáng tạo con nguời theo hình ảnh Thiên chúa, nhưng Basile đã không có thì giờ để bàn tới. Chính để kiện toàn tác phẩm của anh mình Grégoire de Nysse đã viết cuốn “De Hominis opificio” sau này.
b/. 13 bài giảng về Thánh Vịnh
Theo Basile, Thánh Vịnh chứa đựng những gì quí báu nhất ta có thể thấy trong các sách khác của bộ Thánh Kinh. Thánh Vịnh nói về tương lai, nhắc lại dĩ vãng, công bố nguyên tắc luân lý, đưa ra những lời khuyên thực hành. Tắt một lời, đó là một kho lý thuyết tuyệt diệu thỏa mãn nhu cầu con người.
Khi cắt nghĩa và chú giải Thánh Kinh, Basile đặc biệt chú trọng đến ý nghĩa luân lý. Ngài tìm trong Thánh Kinh những gương mẫu, những lời khuyến dụ về cuộc sống lương thiện. Ngài dùng Thánh Vịnh như khởi điểm để quảng diễn những đề tài thuộc phạm vi đời sống thần bí hoặc luân lý.
c/. Một bộ 24 diễn văn
Trong một số diễn văn, Basile đề cập đến vấn đề tín lý: về đức tin, về Ngôi Lời, có những bài phản đối Sabellius, Ariô và Eunome.
Nhưng thường Ngài hay giảng về Luân lý trong phạm vi đời sống hằng ngày. Với một lối văn đơn sơ, linh động nhiều hình ảnh, khi thì Ngài nói tới những vấn đề tổng quát trong đời sống luân lý như: sự thiện tuyệt đối, linh hồn, các tài năng, lương tâm, tội lỗi, thử thách, dịp tội, sự biết mình, sự chết,.v.v… Lúc khác, ngài lại bàn tới những vấn đề riêng biệt như huấn luyện trí khôn, ý chí, luân lý gia đình, vấn đề tư hữu, giầu, nghèo,.v.v… Ngài tả những nết xấu chính một cách rất cụ thể. Khi phân tách tâm hồn con người, ngài tỏ ra là một nhà tâm lý thật sâu sắc, đặc biệt trong những đoạn tả về tội hà tiện, kiêu ngạo, vô độ, dâm dục,…
Lập trường của Basile đối với tư sản, và nhiệm vụ xã hội của người Công giáo thực là mạnh mẽ và đặc sắc. Đối với Ngài hình như tư sản là một hậu quả do tội lỗi. Trong chương trình sáng tạo đầu tiên các của cải đều chung cho mọi người, ai nấy xử dụng tùy theo nhu cầu riêng của mình mà không nghĩ gì đến việc chiếm hữu. Vì thế Ngài nhấn mạnh điều này: Người có của không phải là sở hữu chủ thực sự, họ phải coi mình như quản lý của Chuá: Họ có nhiệm vụ quản lý của cải mà họ được giữ nhân danh Thiên Chúa để mưu ích chung. Đức bác ái ở đây không phải tùy thích muốn hay không cũng được nhưng là một bổn phận khẩn yếu, nhất là khi xã hội lâm cảnh túng cực Basile biết tùy cơ mà nhắc nhở lý thuyết Phúc âm một cách thật hăng hái.
“Ngươi sẽ trả lời vị Thẩm phán tối cao thế nào? Ngươi chỉ trang hoàng những tường những vách mà chẳng cho anh em áo che thân? Ngươi chỉ tô điểm cho những con ngựa mà chẳng nhìn đến anh em đang cực nhọc? Ngươi để lúa mục thối mà không cung cấp cho người túng đói? Ngươi chôn vàng chôn bạc mà chẳng giúp đỡ kẻ bị hà hiếp?
Ngươi nói rằng: tôi giữ những của cải tôi thì hại gì đến ai? Nào ngươi có của cải gì? Ai cho ngươi của ấy để dùng trên đời? thực khác nào một người sau khi đã chiếm một chỗ trong rạp hát rồi, lại cấm không cho kẻ khác vào, hắn muốn coi cái thuộc quyền xử dụng của mọi người như là riêng của hắn vậy. Những kẻ giầu sang cũng thế: họ chiếm hữu trước một của chung, nên tưởng mình có quyền lấy của ấy. Giả sử mỗi người chỉ dùng những sự cần còn bao nhiêu của dư dành cho người thiếu thì chắc chắn không còn kẻ giầu người ngèo nữa. Khi lọt lòng mẹ ngươi chẳng trần truồng sao? sẽ chẳng trần truồng trở về lòng đất ư? của cải ngươi có bây giờ, ai cho ngươi. Nếu ngươi trả lời rằng do tình cờ thì ngươi là kẻ bất lương chối bỏ Tạo hóa, không cám ơn vị ân nhân của mình. Nếu ngươi nhận là do Thiên Chúa, thì hãy nói tại sao ngươi được những của ấy? Phân chia những sự cần cho đời sống một cách chênh lệch như thế có phải là Chúa đã bất công chăng? Sao ngươi dư dật còn kẻ khác lại túng cực? Chẳng phải là để một ngày kia ngươi sẽ được phần thưởng vì sống nhân từ và đã quản lý trung thành còn kẻ nghèo khó sẽ lãnh triều thiên thưởng công lòng nhẫn nại của họ ư? Còn ngươi, nghĩ là mình không làm hại ai. Ai là người biển lận? Chính là người đã có đủ mọi sự mà còn chưa vừa lòng. Ai là người bóc lột? Chính là người lấy của chung làm của riêng. Chính ngươi là đứa biển lận bởi ngươi nhận những của để cai quản mà ngươi lại coi chúng như dành riêng cho mình ngươi. Ai lột áo của một người đang mặc thì gọi là trộm cướp, còn ngươi có thể, mà không mặc cho kẻ trần truồng thì đáng gọi bằng danh từ nào khác nữa? Bánh ngươi giữ là của người đói, áo ngươi cất trong rương là của kẻ trần truồng, giầy để mục trong nhà ngươi là của kẻ chân không, tiền bạc ngươi chôn giấu là của kẻ nghèo khó. Vậy ngươi làm hại cho tất cả những người ngươi có thể giúp đỡ (mà ngươi đã không giúp)”.[6]
Ngươi nhìn mọi sự như tìm vàng, ngươi đánh giá mọi sự theo giá vàng: Ngươi mơ vàng khi ngũ và mê vàng trước khi thức. Tâm hồn ngươi bị tính hà tiện ám ảnh nên ngươi thấy cái gì cũng là vàng là bạc cả, chẳng khác gì những kẻ bị trí mê sảng điều khiển, chúng đã tưởng tượng các vật không như chính các vật chúng xem thấy bèn là như các vật ám ảnh chúng. Ngươi thích nhìn vàng hơn là mặt trời. Ngươi ước ao chớ gì mọi sự biến tính ra vàng và ngươi đem hết sức nam nhi vào việc đó.
Còn việc gì mà ngươi chẳng làm cho được vàng? Đối với ngươi thóc lúa là vàng, rượu nho đông thành vàng, lông cừu hóa nên vàng, mọi việc công thương đều sinh sản vàng cho ngươi. Vì cho vay lấy lãi nên chính vàng lại đẻ ra vàng gấp bội. Nhưng vẫn chưa thỏa mãn, người ta vẫn không thấy lòng tham của ngươi có tận. Phần nhiều đối với những trẻ tham ăn, hễ chúng thích gì thì người ta cho chúng thứ đó để chúng no kềnh ra và vì no quá nên chúng lại ghét những thứ đó. Người biển lận thì không thế: Nhưng hắn càng có nhiều thì lại càng tham nhiều hơn. (Có lời rằng): “Nếu con có của cải đầy dẫy thì đừng để lòng con dính bén”. Nhưng ngươi giữ lại những của dư dật và ngươi đóng kín mọi lối giao thông. Những của tích trữ và tụ đọng ấy sẽ làm gì cho ngươi? Chúng sẽ bẻ khóa, và vì chúng bị giam cầm trái ý và chật ních nên chúng sẽ phá những kho lẫm của người giầu và theo kiểu cách một quân địch tấn công, những kho chứa lương thực của hắn sẽ bị san bằng”.[7]
4. Một tác phẩm giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên
Người ta thường xếp tác phẩm này vào loại các bài diễn văn số 22; thực sự nó là một bài khảo luận hơn là một diễn văn. Chủ đích là khuyến cáo các bạn trẻ phải cẩn thận khi dùng văn chương ngoại giáo thời đó. Loại văn chương này là môn chính của ban trung học và đại học. Basile viết tác phẩm nói trên cho các cháu Ngài là những sinh viên, trong đó ngài chủ trương dùng văn chương cổ điển ngoại giáo đẻ rèn luyện trí óc, với điều kiện là biết đề phòng những chất độc thường lẫn trong loại văn ấy. Ngài dặn các thanh niên phải bắt chước loại ong kiếm mật và tránh thuốc độc. Người ta có thể tìm thấy trong văn chương ngoại giáo, nhất là nơi các thi sĩ những thí dụ và huấn giới về nhân đức.
Trong vấn đề này Basile tỏ ra có tầm vóc rất quảng bác: Ngài táo bạo bắc một nhịp cầu giữa hai văn học Công giáo và ngoại giáo cổ điển. Thái độ ấy ảnh hưởng rất nhiều đến lập trường của Giáo hội sau này đối với văn học cổ điển. Ta hãy nghe Ngài nói:
“Phải bắt chước đàn ong, không phải bất cứ hoa nào cũng đậu xuống, không phải chúng công theo tất cả những gì chúng thấy trong các hoa mà chúng đã ghé thăm (chúng chọn lựa). Ta cũng vậy, nếu ta khôn ngoan thì chỉ hút trong những tác giả ấy cái gì ta xét rằng tốt vì am hợp với chân lý còn những cái khác phải bỏ lại. Khi hái hoa hồng ta phải tránh gai thì hãy biết hái trong các tác phẩm (ngoại giáo) phần hữu ích và gạt bỏ phần nguy hại.
Chúng ta phải nhờ nhân đức mà tiến tới sự sống, các thi sĩ đã bao phen ca tụng nhân đức, cả những sử gia nữa nhất là các triết gia vì thế ta phải lưu tâm đến các loại văn ấy”.
Còn phải chú ý rằng Basile không coi việc khảo cứu văn chương ngoại giáo là mục đích tối hậu, nhưng đối với người Kitô giáo, đó là một sự chuẩn bị cho nền văn hóa công giáo là nền văn hóa chỉ tìm nguồn hứng trong Thánh Kinh.
5. Thư từ
Ta còn giữ được một tập 365 thư mà người ta coi là của Basile. Có một số giả mạo, phỏng 35 lá. Các thư của Basile rất quí vì giúp ta hiểu tâm hồn Ngài, đồng thời biết cuộc sinh hoạt một Giáo phận Đông phương vào thế kỷ IV.
Tập thư gồm:
– Những thư tranh luận về Thần học
– Những thư khuyên răn về luân lý, tu đức, qui luật, thường gởi cho những vị tu hành
– Những thư an ủi trong dịp tang chế, thư phân ưu
– Những thư dặn bảo
– Những thư linh hướng
– Những thư thân mật gởi cho các bạn
Đọc những thư trên đây ta thấy lộ ra một vẻ cao thượng, một tư tưởng sáng sủa, một trí óc linh hoạt. Nhưng cái đẹp hơn cả và giá trị độc nhất chính lòng Bác Aí và đạo đức hằng thấm nhuần những thư đó. Ta thấy Basile chú ý cảm thương những ai đến với Ngài. Khác hẳn những thư từ của người đương thời, thư của Basile dù chải chuốt về phương diện bút pháp mà vẫn hồn nhiên. Ngài không dùng hoặc hoạ hoằn lắm mới dùng những phương pháp tu từ khoa (hùng biện) thông dụng thời đó. Nhiều lá thư chứng tỏ tình yêu của Basile đối với Giáo hội và tấm lòng Ngài ân cần săn sóc những Địa phận bị bách hại. Một số thư khác thực là những bài khảo luận vắn về thần học, luân lý, giáo luật. Đa số thư ngài viết nhằm mục đích bênh vực, can thiệp cho người nghèo, nâng đỡ an ủi người đau khổ. Ta thấy Ngài hoạt động dẻo dai và giao dịch rất rộng. Câu sau đây Basile đã viết và áp dụng cho một người bạn của Ngài thì ta cũng có thể áp dụng cho chính các thư từ của Ngài:
“Tôi đã thấy hồn bạn qua các thư bạn viết”, một tâm hồn cao thượng, cảm thương, một tính tình hoạt động, cương nghị, một trí óc rành mạch, nhất là một tấm lòng đượm nhuần bác ái huGah đệ và đạo đức.
6. Tác phẩm phụng vụ
Nay ta còn thấy phụng vụ Byzantine tự xưng là theo thánh Gioan-Kim khẩu và thánh Basile, trong đó có một kiểu thánh lễ thông dụng nhất gọi là “Lễ nghi thánh Gioan Kim khẩu”. Nhưng còn một lối khác chỉ dùng mỗi năm mươi lần trong những dịp đặc biệt như Lễ Sinh nhật, Hiển Linh, lễ thánh Basile v.v., gọi là“Nghi lễ thánh Basile”. Khó biết phần nào trong lễ đã do chính thánh Basile lập, lễ nghi ấy biến hóa qua các thời đại nhưng biết chắc điều này là thánh nhân đã giữ một địa vị thiết yếu trong cách tổ chức và điều khiển công cuộc thờ phụng ở thánh đường Césarée và trong toàn Giáo tỉnh thuộc quyền Ngài cai quản. Lối phụng vụ ấy đã ảnh hưởng khắp miền Đông phương thuộc Byzance. Như nghi lễ Byzantine, lễ nghi “Thánh Basile”, có thể dùng bất cứ ngôn ngữ nào cũng được.
IV. TƯ TƯỞNG THẦN HỌC CỦA THÁNH BASILE
Chúng ta chỉ ngừng lại phần tư tưởng thần học chính yếu của thánh Basile có liên hệ tới tín điều Nicée mà Ngài là một trong những người bênh vực đắc lực vào bậc nhất, ngang hàng với thánh Athanase, là nhà vô địch của đức tin chính thống. Nhưng cũng nên nhớ rằng ở đây, công lớn của thánh Basile à đã biết vượt quá Athanase bằng cách cố gắng tìm ra được một hệ thống từ ngữ thích hợp để diễn đạt mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như để dùng trong khoa Kitô luận.
1. Giáo thuyết về Ba Ngôi
Về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, sự nghiệp chính của Basile là đưa được phái Bán-Ariô về với Giáo hội và đã ấn định rõ rệt và vĩnh viễn ý nghĩa của hai từ ngữ OUSIA và HYPOSTASIS (ousia, upostasiV).
Các tác giả của Kinh Credo Nicée, kể cả Athanase, dùng OUSIA và HYPOSTASIS như là những tiếng đồng nghĩa. Athanase trong bức thư khá muộn của Ngài, Ad Afros, để biện minh trước lời chỉ trích dùng những từ ngữ không có trong Thánh Kinh, đã viết: “Hypostasis là Ousia, và không có nghĩa nào khác ngoài (nghĩa là) hữu thể”[8]. Đại hội đồng Alexandrie nhóm họp năm 362 dưới sự chủ toạ của Athanase hãy còn thừa nhận sự đồng nghĩa của hai danh từ và quyết định người ta có thể nói nơi Thiên Chúa có một Hypostasis hay có ba Hypostasis cũng được . Quyết định này sẽ lôi theo những hiểu lầm và tranh luận hầu như vô tận. Thánh Basile đã là người đầu tiên nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa Ousia và Hypostasis. ngài quả quyết trong Thiên Chúa chỉ có một Ousia và có ba Hypostasis và chỉ có một công thức duy nhất có thể chấp nhận được là công thức dưới đây:
– Mia ousia treV upostaseiV được ngài giải thích: Ousia có nghhĩa là hiện hữu (existence) hay yếu tính (essence) hay mối duy nhất về bản thể (unité substantielle) nơi Thiên Chúa; còn Hypostasis là hiện hữu theo một cách thức đặc thù, tức một kiểu hiện hữu riêng biệt của một ngôi vị . Ousia tương đương với Substantia trong La ngữ và tiêu biểu cho hữu thể mang bản thể mà Cha, Con và Thánh Thần cùng có chung. Trái lại – Basile định nghĩa – Hypostasis, là Cái được diễn tả bằng một sự chỉ định riêng tư: to idiwV legomenon, gồm một sự hạn định, một sự phân tách sánh với cái gì là chung, là tổng quát. Như vậy Hypostasis tương đương với Personna trong từ ngữ pháp lý của người La tinh.
Trong thư 214 Basile viết: “Ousia sánh với Hypostasis như chung đối với riêng (tổng quát đối với đặc thù). Mỗi người trong chúng ta đều thông phần vào hiện hữu qua hạn từ chung Ousia, và là người này hay người kia do những đặc tính cá biệt của mình. Cũng thế tại đây, tiếng Ousia là chung và tiêu biểu cho hảo tính hay thần tính hoặc một thuộc tính nào loại đó, trái lại tiếng Hypostasis phải hiểu trong tính cách riêng biệt của phụ hệ, tử hệ hay quyền lực thánh hóa”. Basile ưa dùng từ ngữ Hypostasis hơn Prosopon. Vì từ ngữ sau đã bị Sabellius dùng để diễn đạt những đặc điểm có tính cách hoàn toàn nhất thời và ngoại diện nơi Thiên Chúa (hình thái thuyết). Ngài viết:Kể những gì khác biệt giữa các ngôi vị (prosopon) thì chưa đủ, còn phải thừa nhận rằng mỗi ngôi vị (prosopon) hiện hữu trong một hypostasis đích thực”.[9]
Như vậy với Basile, giáo thuyết về Ba Ngôi, đặc biệt là phương diện từ ngữ, ngữ thuật đã tiến một bước khổng lồ trên con đường đưa tới định tín của Công đồng Chalcédoine năm 451. Grégoire de Nazianze và Grégoire de Nysse sẽ bước theo gót Ngài bằng cách củng cố lập trường thần học của Ngài để rồi tựa vào đó tiến thêm những bước mới.
2. Từ ngữ Homoousios (OmoousioV)
Nhờ sự ấn định rõ rệt về ý nghĩa của hai tiếng Ousia và hypostasis Basile đã góp phần rất lớn vào việc thừa nhận bởi toàn thể Giáo Hội từ ngữ Homoousios của Công đồng Nicée, và đưa lập trường của các Giáo Phụ Cappadoce đến chỗ toàn thắng tại Công đồng Constantinople năm 381, tức hai năm sau ngày Ngài qua đời.
Như đã coi trên, Basile dựa vào những lý chứng của Thánh Kinh rồi đem ra những kết luận về Thần tính của Chúa Con và quả quyết Ngài đồng bản tính (Homoousios) với Chúa cha, mặc dầu Ngài vẫn có một ngôi vị tách biệt ngôi vị Chúa Cha.
Ở đây Basile đã luôn luôn ý thức và cảnh giác để khỏi rơi vào đa thần thuyết cũng như hình thái thuyết của Sabellius. Đây là lời Ngài viết trong thư 210 “kẻ không biết tuyên xưng tính cách cộng đồng trong yếu tính thì rơi vào đa thần thuyết”[10], và trong bài giảng 24 Ngài thêm: “hãy chỉ tuyên xưng một Ousia duy nhất trong cả Hai Ngôi (cha và Con) để khỏi rơi vào đa thần thuyết.[11]
3. Thánh Thần
Đã có nhiều người tố cáo Basile là theo thuyết Bán-Ariô, vịn lẽ trong cả cuốn De Spiritu Sancto không bao giờ Ngài đã minh hiên đặt cho Thánh Thần danh hiệu “Thiên Chúa”. Thánh Athanase[12] đã trả lời cho các tu sĩ thắc mắc về điểm này và khuyến cáo họ hãy chú tâm đến hậu ý của Basile: “Đối với những kẻ yếu đuối Ngài đã tự làm ra yếu đuối, hầu chinh phục được những kẻ yếu đuối”. Nhưng chính Grégoire de Nazianze[13] đã cho chúng ta biết lý do đích thực là vì một số Giám mục thù địch của Basile chỉ lăm le chờ ngài gọi “Thánh Thần là Thiên Chúa” để tố cáo ngài phạm thượng và rối đạo hầu truất phế ngài và chiếm đoạt lấy Giáo đoàn của ngài làm bàn đạp để phá đạo. Vì thế “dầu biết hơn ai hết về thần tính của Thánh Thần”, Basile đã hữu ý kiêng (oikonomia) không gọi Thánh Thần là Thiên Chúa, nhưng vẫn “tôn kính Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con, như là có cùng một bản thể và xứng đáng nhận những vinh dự như nhau”.
Những lời lẽ trên đây của Grégoire de Nazianze hoàn toàn phù hợp với sự kiện này là Basile đã dậy về thần tính và đồng bản thể của Thánh Thần một cách mặc nhiên trong các tác phẩm của ngài[14], dầu không đích danh áp dụng thành ngữ “đồng bản thể với Chúa Cha” cho Ngôi Ba trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Trong Ep. 189, 5-7, Basile diễn đạt tư tưởng mình một cách thật minh bạch:
“Vì lý do gì dành cho Thánh Thần cộng đồng tính với Chúa Cha và Con trong mọi từ ngữ khác mà chỉ loại trừ Ngài khỏi thần tính thôi?… nếu Ngài đã đáng thế dưới mọi khía cạnh khác thì dưới khía cạnh này (thần tính) Ngài cũng đáng nữa… Chúng ta bó buộc phải được hướng dẫn trong việc tìm tòi bản tính Thiên Chúa qua các hoạt động của Ngài… sự đồng nhất về hoạt động trong trường hợp Cha, Con và Thánh Thần minh chứng một cách hiển nhiên sự không thay đổi về bản tính bởi đó ngay cả trong trường hợp danh hiệu Thiên Chúa không diễn đạt bản tính ,thì cộng đồng về yếu tính cũng minh chứng rằng danh hiệu đó được áp dụng cách thật thích đáng cho Thánh Thần vậy”.[15]
Cũng như phần đông các giáo phụ Hy lạp, thánh Basile đã chấp nhận rõ rệt rằng Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con, rằng Thánh Thần từ Chúa Cha mà ra, dầu không do đường lối nhiệm sinh như Chúa Con. Thánh Thần là hơi thở phát xuất từ miệng Chúa Cha.[16] Người ta cũng gọi Ngài là Thánh Thần của Đức Kitô, nhưng điều quả quyết này không có nghĩa là Chúa Con là nguồn suối duy nhất của Thánh Thần như Eunome đã chủ trương[17], bởi vì Thánh Kinh coi Ngài là “Thánh Thần của Cha” và cũng là “Thánh Thần của Con”, Chúa Con có mọi sự cùng chung với Chúa Cha[18]. Vậy dầu không quả quyết một cách rõ rệt, Basile vẫn để ta hiểu rằng theo một ý nghĩa nào đó, Thánh Thần là EX PATRE ET FILIO, và phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con[19].
[1] cf. thư số 223
[2] Ibid.
[3] cf. thư 14
[4] P. G. P.47, col. 807
[5] Xc. GPH supra
[6] Bài giảng về vấn đề mê tham của cải: “Tôi sẽ phá lẫm cũ mà xây to hơn” (Lc 12,18)
[7] J. Rivière, Saint Basile, Evêque de Césarée, Paris, 1925, p. 235-236
[8] Ad Afros 4
[9] Ep. 210, 5
[10] Ibid.
[11] Hom 24, 3
[12] Xc. Ep 62 và 63
[13] Xc. EP, 58 và Orat, 68-69
[14] Adversus Eunomium 3, 4 và 3, 5 và De Spiritu Sancto 41-47, 50-64, 71-75
[15] MG. 32, 689C
[16] De Spiritu Sancto 46, 38
[17] Adv. Eunomium 2, 34
[18] De Spiritu Sancto 18, 45
[19] Adv. Eunomium 2, 32