GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
***
***
CHƯƠNG IV
THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI
(325 – 430)
***
PHẦN I: CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG
***
ĐOẠN IV
THÁNH EPHREM NGƯỜI SYRIE
(306? – 375)
Ephrem sinh khoảng năm 306 gần Nisibe, ở miền biên giới mạn Syrie, tỉnh Mésopotamie thuộc Roma. Ngài sống trong một nhóm khổ tu, chịu nhiều ảnh hưởng của Giám mục Jacques mà ngài coi như một vị thánh, ngài trở thành phó tế. Để giúp Giáo Hội thuộc ngôn ngữ Syrie này, ngài làm việc trí thức và cống hiến những bài giảng thuyết, thường theo thể văn vần, và những bài thánh thi mà chính ngài đã áp dụng với trẻ em hoặc với các nữ đan sĩ trong các buổi phụng vụ. Ngài nâng đỡ dân chúng bằng các việc từ thiện khi xảy ra những cuộc xâm lăng của người Ba Tư và trong trận động đất năm 358. Năm 363, sau thất bại của Julien, Jovien nhường Nisibe cho người Sasaniens, Ephrem lánh sang Edesse, lúc đó vẫn còn thuộc Roma. Với các tác phẩm và những bài giáo huấn, chủ yếu nhằm chống những kẻ lạc giáo, ngài đã biến Edesse thành một trung tâm văn hoá lớn. Cũng trong thời gian này, như ngài thường nhắc lại, ngài tấn tới trong đời sống thân mật với Thiên Chúa trong niềm kính sợ. Ngài mất năm 375, lừng danh đến nỗi Epiphane de Salamine đã gọi Ngài là “bậc hiền nhân của người Syrie”.
Công trình của Ephrem rất đồ sộ, nhưng trong số các tác phẩm được lưu truyền lại, tác phẩm bằng tiếng Syrie chỉ còn lại rất ít:
– Một phần nhỏ được viết bằng văn xuôi:
+ Cuốn “Chú giải Phúc Âm hợp dẫn” (Commentaire de l’Évangile concordant) là tác phẩm nghiên cứu Phúc Âm hợp dẫn, bốn Phúc Âm hợp lại thành một do Tatien soạn, có lẽ bằng tiếng Syrie, vào khoảng những năm 175-180.
+ Cuốn “Những phản bác” (Réfutations) bằng văn xuôi, tố giác triết học của người Hy Lạp như là nguồn sinh ra các lạc giáo, và một số bài giảng đích xác là do ngài soạn.
– Số lớn tác phẩm được viết bằng văn vần, mang hai nội dung giáo lý hoặc phụng vụ, nhưng hai nội dung này thường pha trộn với nhau:
+ Có 16 bài giảng lễ (Homélies) soạn theo vần điệu
+ Những bài thánh thi mang tính giáo huấn: 15 bài về Thiên Đàng, 56 bài chống các lạc giáo, về Marcion, về Bardesane và về Mani, 52 bài về đức trinh khiết, 87 bài về đức tin trong đó có nói đến những người Ariô, 4 bài chống Julien, 1 bài hát dài về Giáo Hội, và cuốn sưu tập lớn những “Bài thơ miền Nisibe” nhắc lại những kỷ niệm của ngài về Nisibe, Edesse, Hanran.
+ Những bài thánh thi khác dành cho các dịp lễ: 25 bài lễ Giáng sinh, 13 bài về lễ Hiển linh, những bài thánh thi về lễ Phục sinh có những tựa đề khác nhau.
Tầm vóc của công trình và sự nổi tiếng của ngài khiến tác phẩm của ngài lập tức được dịch rất nhiều: dịch sang tiếng Hy Lạp (từ thế kỷ IV) và từ đó, qua tiếng La Tinh và các ngôn ngữ khác, sang cả tiếng Arménie (thế kỷ V-VI), Slave, Copte, Arabe, Syro-Palestine. Uy tín của ngài lớn đến nỗi người ta liệt vào di sản của ngài cả những bản văn gợi hứng từ ngài hoặc hoàn toàn xa lạ với ngài. Phần tác phẩm được gọi là “Ephrem Hy Lạp” (Ephrem greece) chẳng hạn, đây là phần phong phú nhất, nhưng cần phải được nghiên cứu thật tinh tường mới có thể tìm ra được những yếu tố họa hiếm đích thực là của Ephrem hoặc chịu ảnh hưởng của Ephrem. Hơn nữa phần tác phẩm này chủ yếu trình bày người đan sĩ, bậc thầy về khổ chế, một khía cạnh thứ yếu đối với Ephrem lịch sử.
Ephrem là vinh quang của Giáo Hội Syrie, nhưng chính Roma đã tôn phong ngài làm vị tiến sĩ của Giáo Hội toàn cầu. Ngài quả thực là một nhà chú giải, một nhà thần học và một thi sĩ. Nhà chú giải của “Commentaire de l’Évangile concordant” (chú giải Phúc Âm hợp dẫn) căn bản là người theo khuynh hướng Antioche, vì ngài nhấn mạnh nhiều hơn đến từ ngữ (lettre) và sử tính (historicité), nhưng nhất là vì ngài khẳng định tính duy nhất và sự đồng qui hoàn toàn giữa Cựu Ước và Tân Ước. Các cơ chế, các nhân vật, biến cố, tất cả đều là thực tại nhưng cũng là lời loan báo và là hình bóng của những điều Đức Kitô thực hiện, như Adam là hình bóng của Adam mới và Evà báo trước Đức Maria. Tất cả Cựu Ước qui hướng về Tân Ước, trong kế đồ chặt chẽ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ephrem không mắc phải chứng “sợ Origène” như những người láng giềng của ngài (Origénophobie). Nhờ có thi ca, tất cả đối với ngài đều là hình ảnh. Ngài viết: “Tôi đã rơi vào một đại dương biểu tượng”, còn Đức Kitô là Đấng “đến để thực hiện niềm chờ mong của mọi biểu tượng”.
“Nhà thần học” chủ yếu dựa vào Thánh Kinh, nhưng là Thánh Kinh đã nhập thể trong một truyền thống dài lâu trải từ Adam đến Đức Kitô, và do sự sắp đặt của Đức Kitô, truyền thống đó chuyển từ dân tộc Do Thái sang các Tông đồ, để rồi được sống trong Giáo Hội và phụng vụ phép Rửa của Giáo Hội. Tuy ngài cũng đọc ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên và đôi khi vươn tới những nhãn quan rộng lớn, bao quát thực tại, thế nhưng ngài vẫn “tố giác nọc độc, một thứ nọc độc tận căn để của khôn ngoan Hy Lạp”, kết án sự suy lý của trí tuệ, đặc biệt nơi những người ngộ đạo (gnostiques), nơi phái Arius, những kẻ thích tra vấn, “thích dò xét”, cho rằng mình thấu hiểu và biến Chúa Con thành một thụ tạo. Tuy chính ngài cũng dành một chỗ quan trọng cho mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thế nhưng tất cả các vấn đề mà tư tưởng Hy Lạp đặt ra xung quanh bản tính (nature) và các ngôi vị (hypostases) không làm cho ngài thắc mắc bận tâm. Ngài nhìn thấy nơi Thiên Chúa mặt trời và sức nóng. Thánh Thần là “hơi thở và lửa”: chúng ta cũng gặp thấy Người nơi thân mình Đức Kitô và trong bí tích Thánh Thể. Cả Thiên Thần lẫn con người đều không thực sự hiểu biết Thiên Chúa, vì giữa Đấng Sáng Tạo và mọi thụ tạo là cả một hố thẳm huyền nhiệm ngăn cách. Thiên Chúa “đã mở cho chúng ta cánh cửa vùng cao thẳm”, bằng cách tự thích ứng với chúng ta, trong tình yêu của Ngài, nhưng không thay đổi chút gì trong bản tính Ngài. Ngài vẫn là Đấng bất khả đạt thấu, là vị “Chúa của các biểu tượng mà chúng ta chiêm ngắm trong niềm tin để được cứu độ”. Khi tôn thờ Thiên Chúa, phương cách mà con người phải dùng đó là “phương cách của thinh lặng và của suy tư”: “Tình yêu thúc đẩy tôi đến gần bên Thiên Chúa, nhưng lý trí trách cứ tôi về sự táo bạo đó; và này tôi đứng ở giữa, vô phương tiến thoái, đứng giữa niềm kính sợ và lòng mến yêu”.
Ephrem có quan niệm bi quan về thế giới không? Là người chống ngộ đạo triệt để, ngài tin vào sự tốt lành tự bản chất của công trình tạo dựng và của con người, con người được đặt vào giữa vườn địa đàng, là hình ảnh của Thiên Chúa bởi tự do hơn là bởi lý trí của mình, Bardesane d’Edesse cũng khẳng định điều này mặc dù ông theo thuyết định mệnh (fatalisme). Ngài viết: “Adam đã có thể chiến thắng, nếu ông muốn”. “Ý chí tự do của chúng ta có thể làm mọi sự”. Ngài tin vào sự duy nhất của linh hồn và thân xác nơi con người: “Lỗi là lỗi chung vì tự do là tự do chung”. Ngài đề cao các việc làm, và dường như chính việc làm có thể đưa ta tới Thiên Đàng: con người là chủ của sự thiện và sự dữ. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền năng này của con người nằm trong khuôn khổ của Ơn Cứu Độ. Ephrem cảm nhận và mô tả một cách hiện thực khía cạnh bi thảm của một thế giới sa ngã đối diện với Thiên Đàng, miền đất nhân sinh là miền đất của thú vật và của tính dục, nơi Satan vung tay tàn phá. Nhờ Đức Kitô, Thiên Đàng lại trở thành chốn cứu độ, “con đường vương đế đích thực” dẫn từ cây tri thức (cây biết lành dữ) đến cây Thập Giá, từ Thập Giá đến Giáo Hội, từ Giáo Hội đến vương quốc cánh chung, là Thiên Đàng dành lại được. Trong khi các tiên tri và Gioan Tẩy Giả – những vị tiền hô của Đức Kitô – chỉ cho thấy con đường mà Adam mới khai mở, Đấng đã chiến thắng ác thần bằng cách mang lấy “giáp trụ của kẻ chiến bại”, thì những kẻ lạc giáo những tên ăn cắp, lại làm cho những cột mốc chỉ đường lệch lạc đi. Tuy nhiên, lối vào Thiên Đàng vẫn tùy thuộc phán quyết của Đức Kitô, Đấng vừa cômg minh vừa giầu lòng thương xót:
Cửa mở ra
Và Thiên đàng đón nhận vào lòng mình
Cánh cửa tra xét
yêu thương con người.
Nơi những bản văn này, chúng ta nhận ra: nhân chứng về một Giáo Hội đang còn rất gần với cội nguồn sêmít của mình, đang còn rất tinh khiết, chưa pha lẫn ảnh hưởng của Tây Phương hay của Địa Trung Hải, nói theo kiểu của Fr. Graffin.
Chúng ta còn nhận ra ở đó một thi sĩ, Ephrem là con người của hình ảnh, và chính cái bản năng giầu tưởng tượng cho ta hiểu về ngài có lẽ không kém gì môi trường sống của ngài. Một đà vươn bẩm sinh luôn đưa ngài vượt qua bên kia các thực tại tự nhiên, bên kia các sự kiện Kinh Thánh. Tất cả những gì ngài chạm tới đều trải rộng thành cảnh vực của thi ca, nơi mà sự khôn tả của mầu nhiệm Thiên Chúa có được khoảng không rộng lớn hơn là trong những khai triển dựa trên lý lẽ và khái nhiệm. Khi ngài mô tả cuộc đối đầu của Chúa-Satan và Tử Thần thì các chân lý tự nhiên mang một tầm vóc hùng tráng, vĩ đại. Người ta có thể tự hỏi, phải chăng chính khuynh hướng thi ca của Ephrem đã khiến ngài có được phương pháp về chú giải và về thần học hết sức hài hòa như thế. Tiếng kêu tạ ơn của ngài càng ngân rõ điều đó: “Chúc tụng Đấng đã biến tôi nên cây đàn lục huyền của Người”.
Dù thế nào đi nữa, ngài cũng đã phát huy tài năng của mình dựa vào những ngón tài tình nhất của khoa âm luật. Ngài gieo vần thơ dễ dàng với dấu nhấn trở đi trở lại đều đặn, khi thì sắp các câu thơ đều vần thành một chuỗi nối tiếp nhau, lúc lại gom thành những khổ thơ, xen giữa là một điệp khúc ngắn để thính giả lặp lại. Các bài thánh thi về “Thiên Đàng” gồm 3204 câu, chia thành 267 khổ, mỗi khổ thơ gồm 12 câu thơ 5 vần, trừ câu thứ tám chỉ có hai vần! Các kỹ thuật này thường là một phương thế sư phạm: qua sự tham gia của công chúng vào việc đọc và hát, tác giả truyền đạt các chân lý thần học, như truyền thống Giáo Hội Syrie vẫn làm, và cả Arius cũng áp dụng. Chúng cũng được vận dụng trong rất nhiều bài hát tôn giáo (chants religieux) và đôi khi trong các bài hát phụng vụ chính danh (chants liturgiques), chẳng hạn trong các thánh thi về lễ Giáng sinh, Hiển linh hay Phục sinh, là những thánh thi chiếm một vị trí quan trọng trong truyền thống Syrie. Đôi lúc chúng giúp nhà đại thần bí đưa lời Kinh riêng tư của mình vào trong “những cử hành phụng vụ thâm sâu”. Ảnh hưởng của Ephrem trong lãnh vực thánh thi rộng lớn đến nỗi rất nhiều bài thánh thi đã đội tên ngài, và ngài quả là người đã khởi hứng cho lối soạn thánh thi Byzantine.
Đối với Giáo Hội Syrie, Ephrem là “nhà tiên tri”, “vị tiến sĩ vũ hoàn”, là “hạc cầm của Chúa Thánh Linh”. Đối với chúng ta, thơ của ngài có vẻ phức tạp và hơi kiểu cách. Ngài sử dụng các hình ảnh theo một lối thẩm định không được vững vàng lắm. Thế nhưng, chúng ta cần nhớ lại rằng, thơ của ngài nhằm mục đích giáo huấn và dùng trong các ngày lễ. Thần học và lối chú giải của ngài lần lượt bị phê phán là sơ đẳng, là tưởng tượng quá nhiều, hoặc bị coi là đáng ngờ. Nhưng chúng ta biết rằng, tư tưởng của ngài được hình thành bên ngoài các lạc giáo và các phạm trù tư tưởng của Tây Phương. Quả thực, dưới mỗi tựa đề, chúng ta gặp thấy những trang tuyệt đẹp, phong phú, cảm động hoặc kỳ vĩ, thường giầu chất sống nội tâm, và tất cả công trình của ngài là lời ngợi ca sự uy hùng vĩ đại của Thiên Chúa. (cf. S.C. 80).