40 Ngày dưới chân thánh giá

0
1173

Nguyên tác: 40 Days at the Foot of the Cross
Tác giả: John Paul Thomas
Dịch giả: Phêrô Nguyễn Năng, O.P.
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

—————————

Mục lục

Dẫn nhập . . . . . . . . . . . . . . 9
1. Tình yêu của người mẹ . . . . . . . 17
2. Sức mạnh của Trái tim Vô nhiễm . . . . 21
3. Đường lối suy tư của Mẹ Maria . . . . 25
4. Tình bằng hữu thiêng liêng . . . . . . 29
5. Dâng hiến tất cả. . . . . . . . . . 33
6. Nhớ về niềm vui sướng . . . . . . . 37
7. Người nữ tỳ hèn mọn của Tiên Chúa . . 41
8. Trung thành với mọi sự . . . . . . . 45
9. Tế giới khước từ . . . . . . . . . 49
10. Lưỡi gươm đau khổ . . . . . . . . 53
11. Sống cảnh tha hương . . . . . . . 57
12. Sẻ chia nỗi khổ đau . . . . . . . . 61
13. Suy tư của Mẹ. . . . . . . . . . 65
14. “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” 69
15. Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa . . . 73
16. Những phép lạ vĩ đại . . . . . . . 77
17. Vào thành Giêrusalem . . . . . . . 81
18. “Đây là Mình Tầy…Đây là Máu Tầy” 85
19. Nỗi đau đớn trong vườn Giếtsimani . . 89
20. Con Chiên vô tội. . . . . . . . . 93
21. Sự tra tấn và nhạo báng . . . . . . 97
22. “Đây là vua các người!” . . . . . 101
23. Bản án tử hình . . . . . . . . 105
24. Ánh mắt của Đức Giêsu và Mẹ Người 109
25. Đức Giêsu ngã xuống đất . . . . . 115
26. Những người phụ nữ thánh thiện
và bà Vêrônica . . . . . . . . 119
27. Sự nhục nhã – Áo xống Người
bị đem chia chác . . . . . . . 123
28. Đôi bàn tay và đôi chân của Đức Giêsu 127
29. Đức Giêsu bị treo lên Tánh giá . . 131
30. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết
việc họ làm” . . . . . . . . . 135
31. “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi
trên Tiên Đàng” . . . . . . . 139
32. “Tưa bà, đây là con của bà…
Đây là mẹ của anh” . . . . . . . 143
33. “Lạy Tiên Chúa, lạy Tiên Chúa của con,
sao Ngài bỏ rơi con?” . . . . . . 147
34. “Ta khát” . . . . . . . . . . 151
35. “Tế là đã hoàn tất” . . . . . . . 155
36. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con
trong tay Cha” . . . . . . . . 159
37. Trái đất rung chuyển . . . . . . 163
38. Ngọn giáo của người lính . . . . . 167
39. Đức Mẹ sầu bi. . . . . . . . . 171
40. An nghỉ trong ngôi mộ . . . . . 175
Những lời cầu nguyện . . . . . . . . . 179
Mẹ đứng đó . . . . . . . . . . . . 181
Lời cầu nguyện cho Mùa Chay . . . . . 185

—————————————–

Dẫn nhập

Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô nói rằng: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thánh giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ Thánh giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thánh giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6,14) Thánh Phaolô đã nhận ra cách sâu sắc rằng: Thánh giá Đức Giêsu Kitô phải là trọng tâm duy nhất trong đời sống của thánh nhân.

Theo khía cạnh thuần túy trần gian, Thánh giá không mang lại ý nghĩa gì. Vậy giá trị của đau khổ và sự chết là gì? Việc đối xử tàn bạo với Con Thiên Chúa thì có giá trị gì? Làm thế nào mà một sự việc khủng khiếp như thế lại được xem là một điều gì đó tốt đẹp, hay chỉ để khoe khoang đời sống của người đó?

Đây là những vấn đề khó khăn, và nếu chỉ nhìn từ chiều kích trần gian, thì không thể trả lời. Tuy nhiên, nhìn từ chiều kích ân sủng và chân lý, từ góc nhìn của chính Thiên Chúa, câu trả lời là mọi điều thiện hảo đều phát xuất từ Thánh giá. Thánh giá là ngai tòa của mọi ân sủng và lòng thương xót, đồng thời chỉ từ nơi đó, một sự sống mới được tuôn trào. Không có nguồn mạch nào khác hơn có thể bày tỏ quyền năng chuyển hóa của Thiên Chúa hơn là Thánh giá.

Mầu nhiệm Thánh giá rốt cuộc chỉ là: một mầu nhiệm. Thực chất, đó là mầu nhiệm sâu thẳm nhất. Nơi Thánh giá, chúng ta nhìn thấy sự kinh hoàng khủng khiếp nhất được chuyển hóa thành điều tốt đẹp cao cả nhất. Chúng ta nhìn thấy sự chết trở thành nguồn mạch sự sống. Đau khổ trở thành nguồn mạch chữa lành. Gông cùm trở thành nguồn mạch tự do.

Chỉ có Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan và quyền năng vô cùng của Người, mới có khả năng biến đổi những sự dữ đó thành ân sủng tinh tuyền. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được những gì mà lý trí con người không bao giờ có thể hiểu được, đó là dùng cái chết đau khổ hầu cứu độ nhân loại.

“40 ngày dưới chân Thánh giá” được viết dưới hình thức lời cầu nguyện hằng ngày, qua đó mời gọi độc giả chiêm ngắm mầu nhiệm sâu thẳm nhất này trong niềm tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi đến dưới chân Thánh giá và nhìn lên Đấng chịu đóng đinh với tâm hồn mở ra trước mầu nhiệm cái chết của Người. Khi thực hiện điều đó, chúng ta hãy yên tâm rằng Đức Giêsu có nhiều điều chỉ dạy và tỏ lộ về những đau khổ của chính Người. Những bài học ấy sẽ được giảng dạy bằng chính lời chứng và hành động cứu độ yêu thương. Chúng ta được mời gọi đi vào hành động của tình yêu hiến tế này và hợp nhất chính mình một cách sâu xa hơn với sức mạnh và chân lý của hành động đó.

Các bài suy niệm trong quyển sách này được trình bày từ cái nhìn của người môn đệ tuyệt vời nhất của Đức Kitô: Thân Mẫu Yêu Dấu của Người. Mẹ Maria là người đã đối diện với Thánh giá của Con Mẹ với một tâm hồn rộng mở, một đức tin, một tình yêu và một lòng sùng mến hoàn hảo. Lòng trung thành mà suốt cuộc đời Mẹ dành cho Người Con của mình thì luôn vững vàng, và không hề lay chuyển. Khi Mẹ đứng dưới chân Thánh giá suốt ba giờ đồng hồ, thì lòng trung thành của Mẹ cũng không hề ngưng lại.

Quyển sách thiêng liêng này cố gắng giúp người đọc suy ngẫm về những điều mà Đức Mẹ đã suy ngẫm trong suốt ba giờ đồng hồ đó. Mẹ đã suy nghĩ gì khi đứng chiêm ngắm cái chết của Con Mẹ? Những ký ức nào đã đi qua trong tâm trí của Mẹ? Những cảm xúc và cảm nghĩ nào đã tràn ngập trái tim Mẹ khi chứng kiến hành động cuối cùng này của tình yêu?

Kinh Thánh không cho thấy nhiều về những suy ngẫm trong nội tâm Đức Mẹ trong suốt ba giờ đó, nhưng Kinh Thánh đã thực sự mặc khải cho chúng ta nhiều cuộc gặp gỡ giữa Mẹ và Con Mẹ. Bởi vì Thánh giá là đỉnh cao trong cuộc đời của hai Mẹ Con, cho nên sẽ thật đẹp khi đưa tất cả những trải nghiệm mà cả hai vị đã cùng nhau chia sẻ suốt cuộc đời dương thế vào khoảnh khắc đau khổ ấy nơi Thánh giá. Đó là cảm hứng để nối kết tất cả những gì mà các ngài đã làm và nói vào thời điểm đó, vì tất cả đã được chuẩn bị cho khoảnh khắc này.

Khi đọc qua những bài suy niệm sắp được trình bày sau đây, hãy cố gắng đọc trong một khung cảnh cầu nguyện. Hãy để bản thân mình được lôi cuốn vào tâm trí và trái tim Đức Mẹ, và hãy cố gắng để hiểu cách thức Mẹ chiêm ngắm Thánh giá của Con Mẹ. Khi làm như thế, chúng ta cũng hãy mang những thánh giá của riêng chúng ta ra và nhìn vào chúng bằng cái nhìn của Người Mẹ yêu dấu này. Hãy để cho cái nhìn của Mẹ thâm nhập vào những thánh giá của chúng ta, đồng thời mặc khải tầm quan trọng của việc hiểu rõ cách trọn vẹn về ý nghĩa của các thánh giá ấy. Hãy bước vào mầu nhiệm này với đức tin và để cho đức tin ấy kết hợp trọn vẹn hơn với Thánh giá Đức Kitô, để cùng với thánh Phaolô, Thánh giá của Chúa sẽ trở thành “niềm hãnh diện” chính yếu trong cuộc đời.

Cấu trúc và chỉ dẫn

Quyển sách cung cấp 40 ngày suy niệm về Thánh giá Đức Kitô qua đôi mắt từ mẫu của Đức Maria. Đây cũng là quyển sách dùng để suy niệm và cầu nguyện trong các hoàn cảnh sau đây:

Quyển sách này dùng trong việc suy niệm Mùa Chay để chúng ta từng bước tiến sâu mãi vào mầu nhiệm Thánh giá. Nếu chúng ta cẩn trọng dành thì giờ cho việc suy niệm và cầu nguyện trong Mùa Chay dựa trên những trang sách này, thì ngày Tứ Sáu Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh sẽ mang lại ý nghĩa cho chúng ta nhiều hơn. Mùa Chay gồm 40 ngày, không tính các Chúa Nhật hay Tam Nhật Thánh. Nhưng nếu tính, Mùa Chay thực sự có tới 46 ngày, từ thứ Tư lễ Tro tới Chúa Nhật Phục Sinh. Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu những bài suy niệm hằng ngày này bất cứ lúc nào trong vòng 6 ngày đầu mùa Chay, để có thể hoàn thành tất cả trước Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, mục đích là không phải kỹ lưỡng như thế, mà là sử dụng những bài suy niệm này theo cách thức giúp chúng ta tiến sâu vào mầu nhiệm Thánh giá của Chúa chúng ta trong suốt Mùa Chay.

Quyển sách này cũng giúp thêm ý tưởng cho những ai đã và đang chịu đau khổ với thánh giá nặng của riêng mình. Thiết tưởng, thánh giá đó là sự ra đi của người thân yêu, là mối tương quan gia đình bị tan vỡ, là những gian khổ trong công việc và tài chính, là ốm đau thể xác, hay bất kỳ gánh nặng nào khác. Bằng việc dành 40 ngày nhìn vào Thánh giá Đức Kitô, độc giả được mời gọi hiệp nhất những đau khổ của mình với Thánh giá Đức Kitô và đón nhận từ nơi Người nguồn sức mạnh cần thiết để bày tỏ niềm tin và hy vọng.

Bởi Thánh giá Đức Kitô là mầu nhiệm trung tâm của đức tin chúng ta, nên quyển sách này là cuộc “tĩnh tâm” hiệu quả vào bất kỳ thời gian nào trong năm cho những ai sẵn sàng đi sâu hơn vào niềm tin của mình. Nội dung của quyển sách là cuộc thử luyện và mời gọi độc giả từng bước chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh trong suốt 40 ngày. Điều này đòi hỏi chúng ta một sự đoan chắc, nhưng đối với những ai sẵn sàng, thì hoa trái của những bài suy niệm này sẽ dư tràn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Có lẽ, chúng ta đang lên kế hoạch cho một tuần tĩnh tâm và đang tìm kiếm một tài liệu nào đó đủ hay cho việc suy niệm. Cho dẫu, thật không hữu ích để đọc hết quyển sách này chỉ trong một tuần, nhưng chúng ta cũng có thể được mời gọi đọc lướt qua nhiều bài suy niệm trong một ngày đó. Nếu gặp điều gì gây tác động mạnh mẽ tới chúng ta, thì nên dừng lại và suy ngẫm.

Thay vì đọc 40 ngày liền, chúng ta sử dụng quyển sách này trở thành nguồn suy niệm dồi dào. Nó có thể được sử dụng trong các giờ chầu của tuần thánh tại các nhà thờ hay lúc cầu nguyện riêng ở nhà.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here