Tính Dục Trong Tình Yêu

2
4735


Trúc Bạch, OP.

 

 

“Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không phải chỉ là một cái gì thuần sinh lý mà còn liên quan đến cả thực tại thâm sâu của con người nữa. Nó được thể hiện một cách thực sự nhân bản chỉ khi nào nó là nguyên tố của một tình yêu khiến con người nam nữ hoàn toàn hiến thân cho nhau suốt đời”.[1]

Dẫn nhập

Chuyện kể rằng: có một chú bé sống cùng một vị sư phụ từ lúc mới sinh, ở trên núi xa cách với cuộc sống trần tục. Đến khi chú trở thành một vị sư trẻ ở độ tuổi thanh niên, sư phụ liền đưa chú xuống núi để thử xem đã dứt khỏi được những ước mơ trần tục hay chưa. Trên đường, hai thầy trò gặp một cô gái trẻ đang đi giặt đồ ở triền sông trở về. Sư trẻ hỏi sư phụ: “Thầy ơi, con gì đó?”. Sư phụ chợt nghĩ đến mối nguy của người nữ với đức khiết tịnh của bậc tu hành nên buột miệng trả lời: “Con ơi, cọp đấy, đừng đến gần”. Từ lần xuống núi ấy, vị sư trẻ lúc nào cũng thẫn thờ mất hồn đến mức sư phụ phải la lên: “Con làm sao mà như bị mất hồn vậy?”. Vị sư trẻ trả lời: “Thưa sư phụ, con thấy nhớ con cọp hôm nọ quá sức, chịu không được!”.

Câu chuyện trên không hẳn chỉ là khôi hài, nhưng nó diễn tả một sự thật nơi con người: bản năng tính dục có ở mỗi người; hay nói cách khác, con người luôn có một sự cuốn hút phái tính lẫn nhau; và đó chính là khởi điểm của tình yêu. Nhưng tình yêu là gì thì rất khó giải thích, chỉ biết rằng, khi quý mến ai, thì lúc gặp gặp người ấy lòng xao xuyến, và khi cách xa thì lại bồi hồi ngẩn ngơ:

“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ.

Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai”.

(Ca dao Việt Nam, Khuyết Danh).

Người ta thường gọi tâm trạng ấy là “trồng cây si”, hay nói cách khác là “đã yêu”, và cuộc đời trở nên dường như vô nghĩa nếu thiếu vắng người yêu.

Vậy, làm sao để tìm ra một định nghĩa đúng về “tình yêu”, một trong những hạn từ bị lạm dụng nhiều nhất? Người ta dùng chữ “tình yêu” để chỉ những rung động đầu đời, cũng như những cuộc tình đến trọn kiếp; tình yêu được dùng để nói đến những mối tình cao đẹp, cũng như về sự phản bội xấu xa;… đó là chưa kể đến nhiều người còn dùng “tình yêu” để chỉ sở thích: yêu hoa cỏ, vật nuôi, yêu thiên nhiên,…

Nhiều học giả, nhà tâm lý, nhà thơ, nhà văn,… đã cố gắng tìm ra một một cách hiểu nào đó, nhưng không thống nhất, bởi thế nó dẫn người ta đến những lầm lẫn về tình yêu: lầm lẫn giữa phải lòng và tình yêu, tình yêu và sự chiếm đoạt, tình yêu như cuộc trao đổi sòng phẳng,… Và đặc biệt ngày nay, nhiều bạn trẻ có sự lầm lẫn giữa tình yêu và tương giao tính dục (tình dục, quan hệ tình dục); một lầm lẫn kéo theo những hệ lụy về luân lý khá nan giải. Bởi vậy, một quan niệm đúng về tính dục và tình yêu là một điều cần thiết cho các bạn trẻ giai đoạn tiền hôn nhân.

1. Tính dục: Một bản năng gắn liền với con người

Không ít người lầm lẫn giữa “tính dục” với “tình dục”. Trong khi “tình dục” là khái niệm phản ánh quan hệ tính giao giữa nam nữ, thì “tính dục” là một khái niệm có nội hàm rộng hơn. Tính dục vừa phản ánh quan hệ tính giao giữa hai cá thể khác giới (trong đại đa số trường hợp), vừa chứa đựng những yếu tố tạo nên phần hữu hình và cả phần vô hình của một cá thể người. Tính dục cũng là một trong những thành phần làm nên những phẩm chất tâm lý đặc trưng ở một con người, thể hiện ra bằng hành vi ứng xử trong cuộc sống.

Trong phạm vi bài này, người viết xin “giới hạn tính dục” trong phạm vi là “xu hướng tình dục”, nghĩa là là sự hấp dẫn về mặt tình cảm và thể chất với một đối tượng thuộc giới nào đó (đa số là xu hướng tình dục khác giới). Tính dục được nhận biết khi biểu hiện ra “là toàn bộ những hiện tượng có thể cảm biết được khi nam nữ ước muốn vận dụng bản năng giới tính của mình, để tiếp xúc, quan hệ, gặp gỡ”.[2]

Tính dục là một nhu cầu thuộc bản năng gắn liền với con người. Đối với những người dù sống độc thân hay sống đời sống hôn nhân gia đình, thì sự đòi hỏi của tính dục là một điều gì thu hút, hấp dẫn. Đặc biệt, “tính dục đối với người đàn ông có một ảnh hưởng rất lớn trên tình cảm, hạnh phúc hôn nhân và tình cảm của họ”.[3]

Theo những kết quả khảo nghiệm của nhà nghiên cứu Terri Fisher và các cộng sự của mình tại Đại học bang Ohio, Mỹ, với phương pháp “lấy mẫu trải nghiệm”, thì: Một người đàn ông trung bình nghĩ về tình dục mười chín lần trong một ngày, phụ nữ trung bình mười lần trong một ngày.[4]

Tính dục không chỉ gắn liền với con người, mà còn ảnh hưởng nhiều đến tâm tư tình cảm và cuộc sống của con người: lắm lúc là một sự thích thú, nhưng đôi khi cũng là những nỗi phiền toái, những mối nguy. Nhà thơ Trần Tế Xương có viết:

“Một trà, một rượu, một đàn bà.

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.

Chừa được cái gì hay cái nấy.

Có chăng chừa rượu với chừa trà!”.[5]

Với nhà thơ, những “thứ lăng nhăng”, thứ nào cũng khó chừa, nhưng sự cuốn hút của “đàn bà” vẫn là cái khó nhất. Thực tế chứng minh từ xa xưa nhiều bậc vĩ nhân, vua quan, tướng lĩnh, nhà chính trị,… đã thân bại danh liệt vì “thứ lăng nhăng này”. Ngay cả những vị tu hành lâu năm tưởng rằng đã “đắc đạo” nhiều khi cũng không thoát khỏi những quyến rũ của cái “thứ lăng nhăng” đó. Bởi vậy, những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình, cần có một cách hiểu đúng và ý thức trưởng thành về tính dục, và sử dụng nó một cách “đúng phạm vi” để đem lại hạnh phúc cho chính mình, cho người bạn đời, cho gia đình và xã hội.

2. Tính dục: Món quà Thiên Chúa tặng ban

Nhiều nhà khoa học đồng ý với quan điểm rằng, xu hướng tính dục đã hình thành rất sớm trong con người, ngay từ khi còn nhỏ tuổi, và những tác động qua lại phức tạp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội. Thế nhưng, tìm ra một nguồn gốc sâu xa thì thật là khó khăn. Dưới con mắt đức tin, chúng ta biết rằng, tính dục là một hồng ân, là món quà Thiên Chúa ban tặng. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI giải thích:

“Con người một cách nào đó không trọn vẹn, nên phải đi tìm kiếm nơi người khác phần nào đó cho sự toàn vẹn của mình, nghĩa là con người chỉ trong sự hiệp thông với phái tính khác mới có thể trở nên “trọn vẹn”, đó chính là điều tìm thấy trong Kinh Thánh”.[6]

Bởi vậy, “con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Thế nên, Thiên Chúa đã sáng tạo ra người đàn bà và dẫn đến với người đàn ông để “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Như vậy, ngay từ thuở ban đầu, con người được tạo dựng để yêu nhau và để rồi tiến tới mối liên kết mật thiết trong hôn nhân. Nghĩa là người nam và người nữ được quyền yêu và được yêu, cũng như biểu lộ tình yêu ấy trong sự kết hợp thân mật của đôi bạn. Điều đó làm Thiên Chúa hài lòng, và Người thấy “mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31).

Trong sách Giảng Viên, Thiên Chúa đã chúc lành cho vợ chồng trong việc hưởng dùng ân huệ tính dục: “Cùng với người vợ yêu thương, bạn hãy hưởng trọn cuộc đời, hết mọi ngày trong kiếp sống phù du đã được ban cho bạn dưới ánh mặt trời, vì đó là phần bạn đáng được hưởng trong cuộc đời” (Gv 9,9).

Lời ca của Vua Salomon cũng là lời thì thầm của đôi lứa yêu nhau: “Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng ! Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu” (Dc 1,2). Và qua lời ngọt ngào ấy, “Chàng đã đưa tôi vào phòng tiệc, cho tôi uống rượu nồng, đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu” (Dc 2,4). Qua hành động kết giao của tính dục, người chồng và người vợ mới trở thành “một xương một thịt” cách trọn vẹn.

Hơn nữa, trong đời sống hôn nhân, tương giao tính dục lại còn là “một trách nhiệm”: “Người làm chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ” (1Cr 7,3-5).

3. Nhầm lẫn giữa tình yêu và tương giao tính dục: Mối lo của xã hội

Ngày nay, do ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, mạng lưới công nghệ thông tin (Website, The Social network, Movie,…) và nền văn hóa ngoại lai cổ xúy cho một thứ tình yêu cuồng vội, lãng mạn, nặng tính xác thịt, người trẻ có nguy cơ “đồng hóa tình yêu với tương giao tính dục”, “tình yêu đồng nghĩa với tình dục”.

Người ta ít còn cảm thấy ngạc nhiên khi thấy những cô cậu học trò đang tuổi cắp sách đến trường rủ nhau vào nhà nghỉ để “thể hiện tình yêu” của mình cho nhau. Có em còn lý luận rằng, “không đi nhà nghỉ với nhau thì chứng tỏ chưa phải yêu nhau”. Do vậy, chẳng hiếm những bạn trẻ mới khoảng chừng mười tám đôi mươi mà đã có một “kinh nghiệm dày dạn về Sex”. Điều đáng lo hơn nữa là những hiện tượng này không phải diễn ra đơn lẻ, hiếm hoi, mà ngày càng phổ biến, đến mức báo chí phải gọi là “trào lưu tình dục thoáng”. Đặc biệt ở lứa tuổi sinh viên, công nhân, nhân viên, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân lại càng phổ biến hơn.

Trong những năm gần đây, ở các khu Công nghiệp, nhà trọ sinh viên đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: những cặp nam nữ sống chung như vợ chồng, mà không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, còn nếu thấy không phù hợp, thì sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật, khỏi làm phiền đến gia đình hai bên. Lối sống này được gọi là “sống thử” trước hôn nhân. Thực trạng ấy đã đang là mối lo của xã hội, không chỉ là mối ưu tư về sự phát tán “căn bệnh thế kỷ”, về nạn phá thai, nhưng đó còn là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức xã hội, một sự “tầm thường hóa” đời sống tình dục, tầm thường hóa tình yêu vốn dĩ rất thiêng liêng cao đẹp đối với con người.

Với sự nhầm lẫn giữa tình yêu và tương giao tính dục, tình yêu bị đã giảm thiểu, giản lược, đồng hóa với một thứ tình cảm lãng mạn, hay quan hệ thuần túy xác thịt đến nỗi chi phối mọi cách ứng xử trong những quan hệ tình yêu. Nhiều đôi bạn ra tòa ly dị với lý do rất đỗi tế nhị: không hòa hợp trong việc chăn gối; đối với họ, có lẽ được thỏa mãn về tình dục thì mọi sự sẽ nên tốt đẹp. Chính những lệch lạc đó làm cho người ta dễ hụt hẫng và nghĩ rằng, hôn nhân của mình không hạnh phúc và bị cám dỗ tìm kiếm bù trừ qua việc quan hệ ngoài hôn nhân, hay mặc cảm về khả năng tình dục của mình, hoặc khinh thường, hất hủi người bạn đời của họ. Dần dần, họ đưa cuộc hôn nhân mình vào ngõ cụt, thay vì nghĩ đến việc thăng hoa tình dục và quan tâm đến những chiều kích khác của đời sống hôn nhân.

Nhiều người tưởng rằng, sự khác nhau giữa tương giao tính dục và tình yêu là vấn đề thuần lý trí, nhưng không, ta có thể tìm thấy một quan niệm đúng đắn nơi Kinh Thánh.[7] Trước hết, Kinh Thánh cho ta biết, “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4,16), nhưng Người không có phái tính, không phải là một nam thần hay một nữ thần như trong thần thoại Hy Lạp. Như thế có thể nói, tình yêu là một thực tại thần linh trong khi phái tính; tính dục là một thực tại hoàn toàn có tính nhân loại. Tình yêu thì bất diệt, nhưng tính dục rồi sẽ qua đi cùng với thân xác.

Thiên Chúa không hiện hữu trong một ngôi vị đơn độc, Người hiện hữu với Ba Ngôi Vị trong một tình yêu tương hỗ. “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26). Do vậy, con người không thể sống đơn độc, nhưng luôn có khuynh hướng sống cuộc sống xã hội, quy tụ thành gia đình, đoàn thể, xã hội. Adam và Eva đều là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng mỗi cá nhân không phải là hình ảnh trọn vẹn. Bởi thế, khi hai người được liên kết với nhau để tạo nên một đôi lứa yêu thương nhau, họ trở thành hình ảnh trọn vẹn của Thiên Chúa. Mặc dù tình yêu và tính dục dẫu là hai thực thể khác nhau, nhưng không bao giờ tách biệt nhau. Tình yêu và tính dục phải luôn đi đôi với nhau: tính dục là phương tiện, là ngôn ngữ để diễn đạt tình yêu. Người nam, người nữ không thể có tương giao tính dục với nhau mà không có tình yêu; nhưng thú vật thì lại khác, chẳng cần đến tình yêu. Do vậy, khi con người “quan hệ” với nhau mà không có tình yêu, tức là tự hạ mình xuống một đẳng cấp thấp hơn. Nơi các loài thú vật, dục tính nhằm để sinh sản và có tính tự động khó cưỡng; thế nhưng nơi loài người, Thiên Chúa đã phú ban cho con người tự do và ý chí. Bởi vậy, tương giao tính dục nơi con người có thể là nơi chốn của một gặp gỡ sung mãn, của trao ban và đón nhận lẫn nhau, nhưng cũng có thể là sào huyệt của sa đọa và trụy lạc.

Như vậy, người ta không thể phỉ báng tính dục, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của tương giao tính dục trong đời sống hôn nhân. Trong tình yêu thường có yếu tố dục tính và trong tình yêu hôn nhân luôn bao hàm tình dục; thế nhưng, tình dục không đồng nghĩa với tình yêu. Trong tình nghĩa vợ chồng, sự “kết hợp” giữa đôi bạn không chỉ ở phương diện thể xác, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác của đời sống, với sự liên kết với nhau trong tư tưởng, hành động, tâm hồn,…

Phải chân nhận rằng, tính dục tự bản chất không bao giờ thỏa mãn được. Sau đỉnh cao của sự “phối hợp” nên một, sau sự hiệp thông trọn vẹn, mỗi người thuộc đôi bạn được trả về lại với sự khác biệt của mình, một cái gì đó rất riêng và cô đơn. Mặt khác, một ai đó cho dù bản lĩnh, khỏe mạnh đến đâu cũng không thể đáp ứng mọi nơi mọi lúc, không bao giờ có thể hoàn toàn thỏa mãn ham muốn tình dục cho bạn tình của mình được, vì khả năng của con người thì hữu hạn nhưng ham muốn dường như lại vô hạn. Ngoài ra, con người không chỉ có nhu cầu bản năng ấy để thỏa mãn vì còn có nhu cầu khác như: tinh thần, tâm linh,…

4. Trưởng thành trong tình yêu: Hãy làm chủ bản năng tính dục để sống thanh khiết

Tình yêu con người được dệt nên bởi nhiều yếu tố như: tính dục, nhan sắc, tài năng và những yếu tố khác. Dầu vậy, tình yêu không có nghĩa lúc nào cũng đi kèm với tương giao tính dục, nhưng tùy theo giai đoạn. Mặt khác, tình dục là một cám dỗ rất lớn đối với những người yêu nhau. Nó là một vấn đề thuộc bản năng con người, nó luôn thúc bách, lôi cuốn con người ta phải đáp ứng.

Tờ “Campus Life”, một tờ báo Kitô giáo dành cho các bạn trẻ Hoa Kỳ có đăng tải ở mục “Tình yêu, tính dục và nhân vị toàn diện” một thắc mắc của một bạn trẻ đã đính hôn với người yêu. Bạn trẻ đó đặt vấn đề: “Tại sao phải kiềm hãm tương giao tính dục trong khi hai người yêu nhau, có gì xấu đâu vì đã đính hôn rồi mà?”.

Ông Tim Stafford, người giữ mục “Gỡ rối tơ lòng” trong tờ Campus Life, đã trả lời bức thư của bạn trẻ ấy bằng ba lý do sau:[8]

– Thứ nhất, chỉ khoảng 50% số người kết hôn với người đã đính hôn trước đó, nghĩa là đính hôn chưa chắc chắn sẽ dẫn đến hôn nhân.

– Thứ hai, quan hệ tình dục không nhất thiết phải thành công ngay, kể cả khi đã kết hôn, nên có nhiều trường hợp, hai người phải kiên nhẫn trong nhiều năm mới đạt được sự hòa hợp trong việc chăn gối. Bởi vậy, việc “sống thử” xem có hợp sinh lý không thì hoàn toàn sai lầm.

– Cuối cùng, sự chờ đợi như vậy giúp đào sâu thêm mối tương giao và tình yêu. Quan hệ tình dục là một cách thức biểu lộ tình yêu, nhưng đó không phải là cách duy nhất, còn những phương thức khác nữa. Việc tập chờ đợi trong kiên nhẫn sẽ giúp đôi bạn tự tiết chế trong đời sống lứa đôi sau này.

Linh mục Alain Quilici, OP., đã ví giai đoạn yêu nhau trước hôn nhân như là “thời gian sa mạc, ở đó, người ta kinh nghiệm cái đói, cái khát”.[9] Các ẩn sĩ trong sa mạc là những người có kinh nghiệm “đói, khát” rõ nét, thể hiện qua các bút tích còn lưu lại. Trong Kinh Thánh, chúng ta không thấy Đức Giêsu có bị cám dỗ về mặt tính dục hay không, nhưng một điều ta biết là Người đánh giá cao nhân đức khiết tịnh, bởi vì chính Người đã được sinh ra bởi một người Mẹ đồng trinh, và Người được nuôi dưỡng bởi người cha nuôi thanh sạch. Có rất nhiều kẻ thù địch, căm ghét và vu cáo cho Đức Giêsu về những tội tày trời, nhưng không bao giờ họ dám tấn công Người trong lãnh vực của đức thanh khiết. Suốt cuộc đời, Người luôn qui hướng về Thiên Chúa Cha trên trời và thi hành chương trình cứu độ. Tuy thế, một cách nào đó, Đức Giêsu cũng đã từng trải qua kinh nghiệm sa mạc. Người bị cám dỗ bất tuân phục Thánh ý Chúa Cha để thỏa mãn nhu cầu ăn, một nhu cầu còn cấp thiết hơn nhu cầu của tính dục: “Ngài thấy đói” (Lc 4,2). Tuy thế, Người đã vượt qua cám dỗ ấy, để có thể nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Gương sáng của Đức Giêsu mời gọi các bạn trẻ sống theo Thánh ý Thiên Chúa, đó là giữ gìn sự trong trắng cho nhau khi chưa chính thức bước vào Giao ước hôn nhân.

5. Hướng tới một tình yêu đích thực

Tình yêu đích thực chỉ có nơi con người, vì chỉ con người mới có lý trí, ý chí và sự tự do. Tình yêu lớn hơn nhiều so với lạc thú mà tình dục mang lại. Tình yêu cũng không phải là cảm xúc nhất thời theo kiểu “tiếng sét ái tình”, nhưng là một tình yêu dâng hiến và luôn phải có trách nhiệm đi kèm, phải hy sinh cho nhau, phải thánh thiện theo đúng nghĩa của tình yêu Thiên Chúa. Trong “hôn nhân bền chặt” luôn luôn có “tình yêu đích thực”, và “trong tình yêu đích thực” thì “không có chỗ đứng cho sự giả dối hay sự vị kỷ cá vị” (x. Rm 12,9), và trên hết, “tình yêu đích thực” chỉ có được khi xây dựng trên nền tảng “đức mến đích thực”: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-8a).[10]

Một cách cụ thể và dễ hiểu hơn, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phân chia tình yêu thành hai dạng thức: [11]

– Thứ nhất là “tình yêu vị kỷ” (Eros), nghĩa là chỉ biết yêu chính mình, sử dụng người khác như một phương tiện, đồ vật chiếm hữu, để nhằm thỏa mãn sự thôi thúc của bản năng tính dục hoặc một mục đích vị lợi nào đó; nhưng khi thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi bản thân vị kỷ xong, hoặc như không đáp ứng được những đòi hỏi vị kỷ từ bản thân theo như ý muốn thì chia tay, loại bỏ.

– Thứ hai là “tình yêu vị tha”, “hy hiến” (Agape), nghĩa là yêu người khác như chính bản chất vốn có của họ, sẵn sàng hy sinh tất cả để mang lại hạnh phúc cho người yêu.

Các bạn trẻ Kitô hữu luôn được Giáo Hội mời gọi yêu theo khuôn mẫu Agape, yêu như Thiên Chúa yêu; một tình yêu được thể hiện rõ nét qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm hy hiến trên Thập giá của Đức Giêsu; một tình yêu mẫu mực dấn thân trọn vẹn cho người mình yêu. Thánh Phaolô đã diễn tả cách tuyệt hảo về tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô dành cho con người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Một vị Thiên Chúa đã tự nguyện hủy mình chấp nhận trở thành một tôi tớ vì tình yêu với con người. Tình yêu ấy là mẫu mực cho một tình yêu đích thực, một tình yêu sẵn sàng chịu thiệt về phần mình để mang lại cho người mình yêu những gì tốt đẹp nhất.

Đỉnh cao của “tình yêu đích thực và chân thành” chính là ở chỗ dám dâng hiến chính mạng sống của mình vì người mình yêu. Đức Giêsu đã đến chia sẻ với con người tất cả, từ nỗi đớn đau bị tra tấn dã man đến việc phải trải nghiệm một cái chết kinh hoàng và nhục nhã, trong tình trạng thất vọng và bị bỏ rơi trên Thập giá. Bởi thế, không có gì đẹp hơn Tình yêu trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô, một mẫu mực cho tất cả tình yêu: Tình yêu được biểu đạt trong hành vi trao tặng, không chỉ là những vật chất bên ngoài, nhưng còn trong việc ban tặng chính mạng sống, là cái quý nhất của mỗi con người.

Kết Luận

Tính dục là một năng lực sáng tạo rất kỳ diệu nơi con người, nhưng tính dục cũng là một điều đáng sợ do sức mạnh tiềm tàng của nó. Bản năng tính dục thúc đẩy con người tìm cách duy trì nòi giống như bản năng tự bảo tồn đã thúc đẩy con người duy trì sự sống của mình bằng cách ăn uống. Thiên Chúa đã cho khoái lạc đi kèm với việc thoả mãn các bản năng ấy, nhưng lạc thú không phải là mục tiêu và cứu cánh của việc thể hiện các bản năng. Một khi tách rời tương giao tính dục ra khỏi tình yêu, con người sẽ vấp phải sai lầm và phải đối diện với sự dữ. Nếu con người biết đón nhận tính dục như món quà cao quý mà Thiên Chúa tặng và sử dụng tính dục một cách hợp lý, chính đáng, trong phạm vi cho phép, thì nó sẽ đem lại niềm vui, hoan lạc và hạnh phúc cho họ. Ngược lại, nếu con người sử dụng tính dục chỉ để thỏa mãn những đam mê dục vọng của mình, thì nó sẽ gây ra cho họ những hậu quả khó lường.

Đã có thời ở Phương Tây, do ảnh hưởng của triết học Hy Lạp (cụ thể là Platon), người ta tách biệt thể xác với linh hồn và xem nhẹ thể xác. Do vậy, nền Đạo Đức Kitô giáo một thời đã từng gạt vấn đề tính dục sang một bên, coi nó như một phương tiện bất đắc dĩ để bảo tồn nòi giống hoặc để xoa dịu cơn khao khát của tính dục mà thôi. Ở Việt Nam, cũng một thời ảnh hưởng của Đạo Nho, nên những chuyện sinh lý nam nữ, vợ chồng được coi là chuyện tục tĩu, chẳng nên nói tới. Bởi vậy, mới có câu thơ:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Ngày nay, vấn đề xem ra có vẻ ngược lại. Theo ngôn ngữ của báo chí, “cuộc cách mạng tình dục”, với sự trợ giúp của báo chí, phim ảnh, Internet, đã và đang cổ võ cho một lối sống buông thả, “tình dục thoáng”, dẫn đến quan niệm sai lạc: đánh đồng hoặc tách biệt tương giao tính dục với tình yêu, dẫn đến những hệ lụy luân lý nan giải.

Sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã có những quan niệm tích cực và khôn ngoan, “trình bày giới tính như một giá trị”,[12]“ân sủng lớn lao của Đấng Tạo Hóa”, “là sự phong phú của toàn bộ nhân vị”.[13]

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không phải chỉ là một cái gì thuần sinh lý mà còn liên quan đến cả thực tại thâm sâu của con người nữa. Nó được thể hiện một cách thực sự nhân bản chỉ khi nào nó là nguyên tố của một tình yêu khiến con người nam nữ hoàn toàn hiến thân cho nhau suốt đời”.[14]

 

 

 

 

 

 


[1] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2361.

[2] Xc. Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, “Chuẩn bị vào đời sống Hôn nhân và Gia đình”, Tài liệu Mục vụ, Giáo phận Cần Thơ, 2003, tr. 42.

[3] Slattery, J., Sex is Physical need. No more headaches, Tyndale House Publishers: 2009.

[4] Theo BBC/SK&ĐS, Đàn ông nghĩ tới tình dục bao nhiêu lần trong ngày? Truy cập ngày 23/1/2017: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/chuyen-phong-the/dan-ong-nghi-toi-tinh-duc-bao-nhieu-lan-trong-ngay-323144.html.

[5] Trần Tế Xương, Ba Cái Lăng Nhăng, NXB. Văn Hóa Thông Tin, 1998.

[6] Lm. Augustine Nguyễn Văn Dụ, Để Có Được Một Cái Nhìn Kitô Giáo Về Tính Dục, Tài liệu, Ban Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, tr. 61.

[7] Xc. Lm. Minh Anh, GP. Huế, “Quan niệm Kitô Giáo về Tình yêu vợ Chồng”, truy cập ngày 25/01/2017: http://tinmung.net/GIADINH/GiaDinhKitoHuu/CamNangHanhPhucGDKito/B14_QuanNiemKitoGiao.htm.

[8] Xc. Tim Stafford, unehistoire d’amour, EBV: 1981, tr. 16.

[9] Xc. Alain Quilici, OP., Thời Hứa hôn, Tài liệu, Thư viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, tr. 76.

[10] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, chương IV.

[11] Xc. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005. Xem thêm: Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, Chuẩn bị vào đời sống Hôn nhân và Gia đình, Tài liệu Mục Vụ, Giáo phận Cần Thơ, 2003, tr. 33.

[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 32.

[13] Ibid., số 37.

[14] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2361.