Thánh Phêrô Canisiô

0
1920

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 390-399.

 

Đây là một tu sĩ dòng Tên, một thần học gia vĩ đại đã đóng góp rất lớn trong công cuộc cải tổ Giáo hội thời cận đại. Điểm nổi bật trong linh đạo của Phêrô Canisiô là tình bằng hữu cá vị với Đức Giêsu. Ngài có những lời cầu nguyện thân tình tuyệt đẹp với Chúa Giêsu Kitô. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 09 tháng 02 năm 2011 để giới thiệu những nét chính trong cuộc đời và tư tưởng của thánh nhân.

*****

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi xin chia sẻ về thánh Phêrô Canisiô, một nhân vật rất nổi tiếng trong Giáo Hội Công Giáo thế kỷ XVI.

Thánh nhân chào đời ngày 18 tháng 05 năm 1521, ở Wijimegen, Hà Lan. Thân phụ của ngài giữ chức Thị trưởng thành phố. Thuở là sinh viên của trường Đại học Cologne, Phêrô thường đến thăm các đan sĩ dòng Chartreux tại tu viện thánh Barbara, một trung tâm cổ võ mạnh mẽ đời sống Kitô hữu, và cũng đến giao liên với những tín hữu nhiệt thành khác nữa, những người đã khởi xướng môt linh đạo được gọi là “lòng đạo đức thời hiện đại.”

Phêrô gia nhập dòng Tên ngày 18 tháng 05 năm 1543, tại Mainz, sau khi tham dự một khoá linh thao dưới sự hướng dẫn của chân phước Pierre Favre (vị này là một trong số những bạn đồng hành ban đầu của thánh Inhaxiô Loyôla).

Phêrô được truyền chức linh mục ở Cologne. Khoảng một năm sau, tháng 06 năm 1546, thánh nhân tham dự Công đồng Trento với tư cách là thần học gia tháp tùng đức hồng y Otto Truchsess von Waldburg, giám mục giáo phận Ausburg. Tại Công đồng này, thánh nhân làm việc với hai người người anh em khác nữa cùng dòng là Diego Laínez và Alfonso Salmerón. Năm 1548, thánh Inhaxiô đã tạo điều kiện cho ngài hoàn tất chương trình đào tạo tâm linh ở Rôma, rồi tiếp đó, sai đến trường đại học Messina để đảm trách những nhiệm vụ khiêm tốn trong dòng.

Phêrô Canisiô lấy bằng tiến sĩ thần học ở Bologna vào ngày 04 tháng 10 năm 1549, rồi được bề trên của ngài là thánh Inhaxiô uỷ thác nhiệm vụ hoạt động tông đồ ở Đức. Cũng năm đó, ngày 02 tháng 09, thánh nhân đến diện kiến đức giáo hoàng Phaolô III ở CastelGandolfo, rồi đi hành hương cầu nguyện ở Đền thờ thánh Phêrô. Chính tại đây, ngài khẩn cầu hai vị thánh tông đồ Phêrô và Phaolô phù giúp, để phúc lành tông đồ hiệu quả mãi mãi cho sứ vụ mới trong tương lai của mình. Thánh nhân đã ghi lại vài lời về lần cầu nguyện này trong quyển nhật ký tâm linh của mình. Ngài viết như sau: “Trong giây phút ấy, con cảm nhận một nguồn an ủi lớn lao và sự hiện diện của ân sủng trào tràn trong con, nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Tông đồ. Các ngài phù hộ, nâng đỡ sứ vụ của con và dường như đã uỷ thác cho con làm tông đồ nước Đức. Lạy Chúa, Ngài biết rõ, bằng nhiều lần nhiều cách, vào ngày hôm ấy, Ngài đã trao phó nước Đức cho con. Đây là vùng đất mà sau này con phải luôn quan tâm và phải gắn bó cho đến khi nhắm mắt lìa đời.”

Anh chị em thân mến, hãy nhớ rằng, chúng ta đang nói về những vấn đề có liên hệ mật thiết với phong trào cải cách của Lutherô. Vào thời kỳ ấy, niềm tin Công Giáo ở những quốc gia nói tiếng Đức đang chết dần chết mòn, vì phải đối diện với sức lôi cuốn và tác động của phong trào cải cách này. Nhiệm vụ của Phêrô Canisiô là phải tái sinh và canh tân niềm tin Công Giáo ở những quốc gia này, và xem chừng như điều đó không thể thực hiện.

Nhưng, thực tế, điều đó đã có thể, nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Điều đó đã có thể chỉ nhờ một điểm cốt yếu, đó là tình bằng hữu cá nhân sâu sắc với Đức Giêsu Kitô, một tình bằng hữu với Đức Kitô trong thân thể của Người là Hội Thánh. Tình bằng hữu ấy phải được liên tục nuôi dưỡng nhờ Thánh Thể, nơi có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô.

Vâng lời đảm trách sứ vụ theo lệnh truyền của thánh Inhaxiô và đức giáo hoàng Phaolô III, Phêrô Canisiô đến nước Đức. Trước tiên, ngài đi đến vùng Bavaria, rồi ở đó vài năm, thi hành sứ mạng của mình.

Làm trưởng khoa, giám học và phó hiệu trưởng của trường đại học Ingolstadt, Phêrô Canisiô chăm lo cho đời sống khoa bảng của viện đại học này và cũng chú tâm đến việc canh tân đời sống đạo đức và tôn giáo của người dân. Ở Vienna, cha Phêrô đảm trách việc coi sóc giáo phận trong một thời gian ngắn, thi hành công tác mục vụ trong các bệnh viện và các nhà tù, ở thành phố cũng như miền quê, và chuẩn bị xuất bản một quyển sách Giáo Lý. Năm 1556, thánh nhân thành lập trường đại học Prague. Tới năm 1569, ngài đảm trách chức vụ Bề trên Giám tỉnh dòng Tên ở Nam Đức. Trong cương vị này, ngài cho thiết lập một mạng lưới dày đặc các cộng đoàn dòng Tên ở các vùng nói tiếng Đức, và nhất là còn cho xây dựng thêm nhiều trường đại học khác nữa. Đó là những bước khởi đầu của cuộc cải cách Công Giáo, nhằm canh tân đời sống đức tin.

Cũng trong thời gian đó, Phêrô Canisiô tham dự cuộc hội đàm ở thị trấn Worms với nhiều nhà thần học thuộc phe Phản kháng, trong đó có Philip Melanchthon (1557); ngài còn giữ vai trò là Đặc sứ của giáo hoàng ở Ba Lan (1558); đồng thời cũng tham dự vào hai nghị viện ở Augsberg (1559 và 1565); tháp tùng đức hồng y Stanislaw, Đặc sứ của giáo hoàng Piô IV, đến gặp hoàng đế Ferdinand; và cũng tham dự khoá họp cuối cùng của Công đồng Trento, ở đó ngài phát biểu về vấn đề hiệp lễ dưới hai hình và danh mục các sách cấm (1562).

Năm 1580, thánh Phêrô Canisiô rút về Fribourg, Thuỵ Sỹ, ở đó, ngài dành hết tâm lực cho việc giảng thuyết và viết lách. Thánh nhân qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 1597. Đức giáo hoàng Piô IX phong chân phước cho ngài năm 1864. Năm 1897, đức giáo hoàng Lêô XIII tuyên bố ngài là vị “Tông đồ thứ hai của nước Đức.” Đức giáo hoàng Piô XI ghi danh ngài vào sổ bộ các vị hiển thánh và tuyên phong tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh” năm 1925.

Phêrô Canisiô đã dành phần lớn cuộc đời để liên lạc, gặp gỡ những nhân vật quan trọng nhất thời bấy giờ, tạo được ảnh hưởng rộng lớn qua những tác phẩm của ngài. Ngài là người biên tập, xuất bản các tác phẩm của thánh Syrilô Alêxandria và thánh giáo hoàng Lêô Cả. Ngài còn biên tập các lá thư của thánh Giêrônimô và những lời cầu nguyện của thánh Nicolas. Ngài xuất bản nhiều sách đạo đức dưới nhiều thứ ngôn ngữ, cùng vài tập truyện về cuộc đời các vị thánh của Thuỵ Sỹ, và khá nhiều tập bài giảng khác nhau.

Tuy nhiên, những tác phẩm phổ biến rộng rãi nhất của thánh nhân là ba quyển “Sách giáo lý” do chính ngài soạn thảo từ năm 1555 đến 1558. Quyển giáo lý đầu tiên dành cho học trò, giúp các em nắm bắt vài ý niệm thần học căn bản; quyển thứ hai dành cho tất cả các bạn trẻ, là những lời hướng dẫn sơ khởi về niềm tin tôn giáo; quyển thứ ba dành cho một số bạn trẻ được đào tạo khoa bảng ở thời Trung cổ mức độ trung cấp và phổ thông. Thánh nhân giải thích đạo lý Công Giáo bằng những lời hỏi thưa, ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, chất chứa nhiều thuật ngữ Tin Mừng và không có giọng điệu luận chiến.

Ít nhất có khoảng hai trăm ấn bản của bộ Sách giáo lý này trong thời đại của thánh nhân, và hàng trăm các ấn bản khác vẫn tiếp tục ra đời đến thế kỷ XX. Như vậy, cho đến những người thuộc thế hệ thân phụ của tôi ở Đức, người ta vẫn gọi quyển giáo lý ấy là quyển “Giáo lý Canisiô.” Thánh nhân thực sự là một giảng sư giáo lý của nước Đức, vì đã xây dựng và củng cố đức tin cho dân chúng qua hàng thế kỷ.

Chúng ta có thể nhận thấy một điểm đặc biệt nơi thánh Phêrô Canisiô: đó là khả năng kết hợp hài hòa, vừa đảm bảo trung thành với các nguyên tắc tín lý vừa tôn trọng nét riêng của mỗi người. Thánh nhân phân biệt rất rõ thế nào là cố tình chối đạo, và thế nào là mất đức tin không do lỗi của mình, tùy theo trường hợp. Thêm vào đó, ngài khẳng định với Toà thánh Rôma rằng: phần lớn dân Đức, những người bị lôi cuốn đi theo Tin lành đều không có lỗi. Trong một giai đoạn lịch sử với nhiều tranh chấp giữa các hệ phái, thánh Canisiô vẫn giữ mình không rơi vào cảm xúc tức giận, tránh được những lời mắng nhiếc thô thiển, (và đây là điều hiếm lạ trong những cuộc tranh luận giữa các Kitô hữu thời bấy giờ) và chỉ nhắm tới một mục đích duy nhất là trình bày những cội rễ tinh thần và khôi phục niềm tin trong Giáo Hội. Có lẽ, chính tri thức sâu rộng về Kinh Thánh và về các vị Giáo phụ đã giúp cho ngài giữ được tinh thần như thế trong các cuộc tranh luận. Cũng những tri thứ ấy thực sự nâng đỡ mối tương quan cá vị của ngài với Thiên Chúa, đồng thời, củng cố một nền linh đạo khắc khổ mà thánh nhân đã hấp thụ từ phong trào “đạo đức thời hiện đại” (Devotio Moderna) và trường phái thần bí vùng sông Rhin (Rhenish).

Điểm nổi bật trong linh đạo của thánh Phêrô Canisiô là tình bằng hữu cá vị với Đức Giêsu. Xin đưa ra một ví dụ về điểm này. Ngày 04 tháng 09 năm 1549, thánh nhân đã viết trong nhật ký mấy lời thưa chuyện với Chúa Kitô như sau: “Cuối cùng, lạy Chúa, vì chính Ngài đã mở rộng Trái Tim Cực Thánh cho con, và dường như, con đã nhìn thấy Trái Tim ấy ở ngay trước mặt. Ngài đã truyền cho con phải uống lấy muôn phúc lành từ mạch suối ấy. Ngài vẫn hằng mời gọi con hãy kín múc nguồn nước ơn cứu độ từ mạch suối vô biên của Ngài. Ôi! lạy Đấng Cứu Độ của con.” Thế rồi, thánh nhân nhìn thấy Đấng Cứu Độ trao cho ngài một chiếc áo với ba mảnh ghép lại là Hoà bình, Yêu thương và Trung kiên. Với tấm áo ấy, thánh Canisiô đã thực hiện sứ mạng canh tân tinh thần Công Giáo. Tình bằng hữu với Đức Giêsu, vốn là cốt lõi căn tính của thánh Phêrô Canisiô, được nuôi dưỡng không ngừng nhờ lòng yêu mến Kinh Thánh, yêu mến bí tích Nhiệm Mầu và yêu mến các vị Giáo phụ. Rõ ràng, tình bằng hữu này gắn liền với ý thức mình là người tiếp nối sứ mạng của các Tông đồ trong Giáo Hội. Điều này nhắc nhớ chúng ta rằng, một nhà truyền giáo đích thực phải luôn là khí cụ gắn kết mật thiết với Đức Kitô cũng như Giáo Hội của Người và nhờ thế, làm trổ sinh hoa trái cho sứ mạng cao cả này.

Tình bằng hữu với Đức Kitô được ghi khắc nơi thánh Phêrô Canisiô trong môi trường tâm linh là Tu viện của dòng Carthusian, ở Cologne. Chính trong môi trường này, thánh nhân tương quan mật thiết với hai nhà thần bí, tên của họ trong tiếng Latinh gọi là Johann Lanspergio và Nicolas van Heschio.

Thánh nhân đã đào sâu kinh nghiệm về tình bằng hữu này nhờ việc chiêm niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô (các mầu nhiệm này cũng chiếm một phần lớn sách “Linh Thao” của thánh Inhaxiô). Đây là nền tảng cho lòng sùng kính mạnh mẽ của ngài đối với Thánh Tâm Chúa, đạt tới cực điểm khi Phêrô Canisiô tận hiến cho sứ mạng tông đồ ở Vương cung Thánh đường Vatican.

Linh đạo “quy Kitô” của Canisiô được bén rễ trong một niềm xác tín sâu sắc: không linh hồn nào khát khao đời hoàn thiện lại không thực hành cầu nguyện, suy niệm mỗi ngày, vì đây là phương tiện thông thường giúp người môn đệ của Đức Kitô sống tương quan mật thiết với Thầy Chí Thánh của mình.

Vì thế, trong các tác phẩm có chủ đích giáo dục đời sống tâm linh cho mọi người, thánh Phêrô Canisiô luôn khẳng định tầm quan trọng của Phụng vụ qua các bài chú giải Tin Mừng, giải thích ý nghĩa các ngày lễ, giải thích Nghi thức trong Thánh lễ và các bí tích; tuy vậy, thánh nhân cũng rất thận trọng chỉ cho người tín hữu thấy được nhu cầu cần thiết cũng như vẻ đẹp cao quý của việc cầu nguyện cá nhân, vốn cộng tác, thúc đẩy chúng ta tham dự việc tôn thờ chính thức của toàn thể Giáo Hội.

Lời cổ võ và phương pháp này vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt sau khi được Công đồng Vatican II chính thức nhắc đến trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium): đời sống Kitô hữu sẽ không triển nở nếu không được nuôi dưỡng nhờ thông dự vào các cử hành Phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ Chúa Nhật, và nhờ những lời cầu nguyện cá nhân và tương quan cá vị của chúng ta với Thiên Chúa.

Trong số hàng ngàn các hoạt động và các trò tiêu khiển khác vây quanh chúng ta, cần phải tìm cho mình những giây phút hồi tâm trước Thiên Chúa mỗi ngày, để lắng nghe Người nói với chúng ta và để chúng ta cũng biết thưa chuyện với Người.

Gương sáng mà thánh Phêrô Canisiô để lại cho chúng ta, không những qua các tác phẩm mà còn qua đời sống chứng tá của ngài, vẫn luôn có giá trị tới ngày hôm nay. Thánh nhân đã dạy chúng ta rằng: sứ mạng tông đồ sẽ hiệu quả và trổ sinh hoa trái ơn cứu độ, nếu nhà giảng thuyết thực sự trở thành chứng nhân của Đức Giêsu Kitô, trở thành một công cụ thi hành chương trình của Thiên Chúa, gắn kết mật thiết với Người nhờ lòng tin vào Tin Mừng, tin vào Giáo Hội của Người, nhờ lối sống đạo đức và lời cầu nguyện không ngừng với tâm tình yêu mến. Và đây là điều luôn đúng cho mọi Kitô hữu, những người ước mong sống gắn bó mật thiết với Đức Kitô, nhờ lòng cậy trông và trung tín mãi mãi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here