Thánh Albertô Cả

0
4174

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi xin chia sẻ về một trong những bậc thầy vĩ đại của thần học thời Trung cổ, đó là thánh Albertô Cả. Tước hiệu “Cả” hay “Vĩ đại” (Magnus), mà thánh nhân được biết đến trong lịch sử, cho thấy giáo huấn của thánh nhân có một tầm mức sâu rộng, kèm theo đó là một đời sống thánh thiện. Tuy nhiên, những người đương thời đã không ngần ngại quy gán thêm nhiều danh hiệu xuất sắc khác cho thánh nhân. Một trong những môn sinh của ngài, Ulric Strasbourg, đã gọi thánh Albertô là “sự kỳ diệu và phép lạ trong thời đại chúng ta.”

Albertô được sinh ra ở Đức vào đầu thế kỷ XIII. Khi còn trẻ, ngài đã đến Italia, rồi đi Pađua, là nơi có một trong những trường đại học nổi tiếng nhất của thời Trung cổ. Ngài đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu bộ môn “nghệ thuật tự do” (artes liberales): Văn phạm, Hùng biện, Phép biện chứng, Số học, Hình học, Thiên văn học và Âm nhạc, nói chung là các môn học văn hoá, điều đó cho thấy ngay từ sớm, Albertô đã rất quan tâm đến các ngành khoa học tự nhiên và nó trở thành lĩnh vực ngài yêu thích nhất. Trong suốt thời gian ở Pađua, ngài đã đến tham gia sinh hoạt ở Nhà thờ của các anh em Đa Minh, sau đó chính thức gia nhập dòng qua lời khấn tu trì.

Nhiều nguồn sử liệu về các vị thánh cho biết, Albertô cứ dần đi đến quyết định này, chứ không phải nhanh chóng, tức thời. Mối tương quan khăng khít với Thiên Chúa, mẫu gương về sự thánh thiện của các tu sĩ Đa Minh, được nghe các bài giảng của chân phước Giorđanô Saxony (người kế nhiệm cha thánh Đa Minh làm Tổng quyền của dòng Anh Em Giảng Thuyết), là những yếu tố quyết định giúp Albertô vượt qua mọi nghi ngờ, và thậm chí là vượt qua sự ngăn cản của gia đình để đến với dòng. Thiên Chúa thường nói với chúng ta trong những năm tháng còn trai trẻ và chỉ ra cho thấy dự phóng cuộc đời của chúng ta. Điều đã đúng đối với Albertô thì cũng đúng cho tất cả chúng ta: tâm tình cầu nguyện cá nhân, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, thường xuyên lãnh nhận các bí tích và sự hướng dẫn của các vị thông thái, tất cả những điều đó là phương tiện giúp con người khám phá và bước theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Albertô lãnh nhận tu phục từ chân phước Giorđanô Saxony.

Sau khi thụ phong linh mục, bề trên đã sai cha Albertô đến giảng dạy tại nhiều trung tâm nghiên cứu thần học khác nhau thuộc các tu viện của Anh Em Ða Minh. Năng lực và trí tuệ tuyệt vời đã giúp cha Albertô hoàn thiện các nghiên cứu thần học của mình tại đại học Paris, là trường đại học nổi tiếng nhất thời kỳ đó. Từ đó trở đi, cha Albertô bắt đầu sự nghiệp viết lách mà ngài theo đuổi suốt cuộc đời.

Cha Albertô đảm nhận nhiều chức vụ danh giá. Năm 1248, ngài được giao nhiệm vụ thiết lập một học viện thần học ở Cologne, một trong những thủ phủ quan trọng nhất của Đức, và ngài đã sống ở đó nhiều lần khác nhau, đến nỗi thành phố Cologne trở thành một vùng đất thân quen với ngài. Cùng đi với cha Albertô từ Paris đến đây, có một sinh viên đặc biệt, đó là Tôma Aquinô. Chỉ riêng việc là thầy dạy của thánh Tôma Aquinô, cũng đủ để chúng ta ngưỡng mộ thánh Albertô đến mức nào. Giữa hai nhà thần học này có mối tương quan bằng hữu rất thân tình và cả hai luôn kính trọng nhau, từ đó làm triển nở quan điểm của cả hai vị, giúp ích cho bước phát triển thần học. Năm 1254, thánh Albertô được bầu làm bề trên tỉnh dòng Teutoniae. Tỉnh dòng này bao gồm các cộng đoàn nằm rải rác khắp lãnh thổ rộng lớn ở Trung và Bắc Âu. Chính ngài đã tỏ ra rất sốt sắng khi đảm trách chức vụ này, thăm viếng các cộng đoàn và liên tục nhắc nhở các anh em về lòng trung thành với giáo huấn và gương sáng của thánh Đa Minh.

Đức giáo hoàng Alexander IV chú ý đến những tài năng và ân huệ đặc biệt của cha Albertô, một lần kia đã muốn ngài cùng đồng hành đến Anagni (đây là nơi các vị giáo hoàng ở Rôma vẫn thường đến và ở Viterbo) để được nghe những lời cố vấn về thần học. Đồng thời, đức giáo hoàng cũng chỉ định thánh Albertô làm giám mục Regensburg, một giáo phận rộng lớn và nổi tiếng, nhưng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Từ năm 1260 đến năm 1262, thánh Albertô nhiệt thành chu toàn trách vụ giám mục, cống hiến không mệt mỏi, khôi phục lại hòa bình và trật tự trong thành phố, tái tổ chức các giáo xứ và tu viện, đồng thời tạo động lực mới cho các hoạt động bác ái, từ thiện.

Trong những năm 1263-1264, thánh Albertô đi giảng thuyết ở Đức và ở Bohemia, theo lời yêu cầu của đức giáo hoàng Urbanô IV. Sau đó, ngài trở lại Cologne và đảm nhận vai trò là giảng viên, học giả và văn sĩ. Vì thánh nhân là con người của cầu nguyện, của khoa học và lòng bác ái, nên dân chúng hoan nghênh những việc can thiệp đầy uy tín của ngài vào các sự kiện khác nhau của Giáo Hội cũng như xã hội thời kỳ đó: trên hết, thánh nhân là con người của hòa giải và bình an ở Cologne, nơi mà đức tổng giám mục đang xung đột nghiêm trọng với những thiết chế của thành phố. Thánh Albertô đã cố gắng hết sức tại Công đồng Lyon II vào năm 1274, do đức giáo hoàng Grêgôriô X triệu tập, nhằm cổ võ sự hợp nhất giữa các Giáo Hội Latin và Hylạp sau cuộc ly khai với Giáo Hội Đông phương vào năm 1054. Thánh nhân cũng giải thích và bào chữa cho tư tưởng của thánh Tôma Aquinô, lúc ấy đang bị người ta phản đối và kết án bất công.

Thánh Albertô qua đời trong căn phòng nhỏ của mình tại tu viện Thánh Giá, ở Cologne, vào năm 1280, và sớm được các anh em trong dòng tôn kính. Giáo Hội đã chuẩn nhận cho các tín hữu tôn kính ngài qua việc phong chân phước cho Albertô vào năm 1622, tuyên phong hiển thánh vào năm 1931, và đức giáo hoàng Piô XI đã tuyên phong tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh.” Đây chắc chắn là một nhận thức đúng đắn về con người vĩ đại của Thiên Chúa, một học giả lỗi lạc, không chỉ nổi bật về đức tin chân thật, mà còn về tầm mức lớn lao trong nhiều lãnh vực tri thức khác nhau.Thực tế, nhìn thoáng qua tựa đề rất nhiều tác phẩm của thánh Albertô, chúng ta nhận thấy rằng có một điều gì đó kỳ diệu về tri thức văn hoá của thánh nhân, và cũng nhận thấy rằng, mối quan tâm bách khoa không những đã dẫn ngài đến việc tìm hiểu triết học và thần học như những người đương thời khác, mà còn dẫn ngài đến việc tìm hiểu với môn học khác, từ Vật lý đến Hóa học, từ Thiên văn đến Địa chất, từ Thực vật đến Động vật. Vì lý do này, đức giáo hoàng Piô XII đã đặt ngài làm Bổn mạng của những nhà đam mê Khoa học Tự nhiên và cũng gọi ngài là vị“Tiến Sĩ Phổ Quát,” bởi những mối quan tâm và kiến thức sâu rộng trong nhiều lãnh vực.

Tất nhiên, những phương pháp khoa học mà Thánh Albertô Cả sử dụng trong thời Trung Cổ không phải là những phương pháp được hình thành trong những thế kỷ sau này. Phương pháp ấy đơn giản là quan sát, mô tả và phân loại các hiện tượng mà ngài đã nghiên cứu, nhưng theo cách này, ngài đã mở đường cho những nghiên cứu trong tương lai.

Thánh Albertô vẫn còn rất nhiều điều bổ ích để dạy chúng ta. Trên tất cả, thánh nhân cho thấy không có sự đối nghịch giữa đức tin và khoa học, dẫu có một số thời kỳ bị hiểu lầm còn lưu lại trong lịch sử. Là một con người của đức tin và cầu nguyện, thánh Albert nỗ lực cổ võ việc nghiên cứu các bộ môn Khoa học Tự nhiên và sự tiến triển trong kiến thức vi mô và vĩ mô, khám phá các quy luật riêng phù hợp với từng lãnh vực, bởi lẽ, tất cả những lãnh vực này đều góp phần thúc đẩy con người khát khao và yêu mến Thiên Chúa. Kinh Thánh nói với chúng ta về công trình sáng tạo như là ngôn ngữ đầu tiên, mà qua đó Thiên Chúa là Trí Tuệ Siêu Việt, là Logos mạc khải cho chúng ta về chính Người. Ví dụ, sách Khôn Ngoan nói rằng các hiện tượng tự nhiên, được phú ban cho nét kiều diễm và kỳ vĩ, tựa như các tác phẩm của một họa sĩ mà qua đó, chúng ta (theo lối loại suy) có thể biết Tác Giả đã sáng tạo nên chúng.[1]

Với một nét tương đồng cổ điển ở thời Trung Cổ và thời Phục hưng, người ta có thể sánh ví thế giới tự nhiên với một quyển sách được Thiên Chúa viết ra, để chúng ta đọc theo những lối tiếp cận khoa học khác nhau.[2] Trong thực tế, có nhiều nhà khoa học, theo gương thánh Albertô Cả, đã thực hiện nghiên cứu của họ, lấy cảm hứng từ sự kinh ngạc và thái độ tri ân đối với thế giới này, mà theo các học giả và các tín hữu, thế giới này là công trình tốt lành của một Đấng Sáng Tạo đầy khôn ngoan và tình thương! Thế nên, việc nghiên cứu khoa học được chuyển biến thành một bài Thánh thi ca ngợi Đấng Sáng Tạo.

Enrico Medi, một nhà vật lý thiên văn lỗi lạc trong thời đại chúng ta (hiện nay, người ta đã xúc tiến án phong Chân phước cho nhà khoa học này) đã viết: “Ôi những giải thiên hà bí ẩn… Tôi nhìn thấy các bạn, tôi đo đạc các bạn, tôi hiểu được các bạn, tôi say mê nghiên cứu và tìm hiểu các bạn, tôi nhìn thấu và tổng hợp các bạn. Từ các bạn, tôi nắm lấy ánh sáng và nhận thức về nó, tôi nắm bắt được sự chuyển động và hiểu ra nguyên lý của nó, tôi nắm bắt được những màu sắc lấp lánh và sáng tác nên những vần thơ tuyệt đẹp về nó, tôi nắm các vì tinh tú trong bàn tay và, đang khi run rẩy trong tính độc đáo của hữu thể mình, tôi nâng các bạn lên cao và dâng lời cầu nguyện cùng Đấng Sáng Tạo, rằng chính qua tôi, mà các bạn, những vì tinh tú có thể thờ phượng Thiên Chúa.”[3]

Thánh Albertô Cả nhắc nhớ chúng ta rằng có một mối tình bằng hữu giữa khoa học và đức tin; qua ơn gọi nghiên cứu tự nhiên, các nhà khoa học có thể bước vào con đường thánh thiện thực sự và đầy thú vị.

Sự cởi mở phi thường nơi thánh Albertô cũng được biểu lộ trong một kỳ công văn hoá mà ngài đã thực hiện, đó là tiếp nhận và hấp thụ giá trị tư tưởng của Aristotle. Thực vậy, trong thời của thánh Albertô, rất nhiều tác phẩm của nhà triết học Hylạp vĩ đại này (sống khoảng thế kỷ IV trước Chúa Giáng Sinh) đang lan truyền trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức học và siêu hình học. Chúng cho thấy sức mạnh của lý trí, giải thích rõ ràng ý nghĩa và cấu trúc của thực tại (tính hữu lý của nó), đồng thời làm sáng tỏ giá trị và mục đích các hành động của con người.

Thánh Albertô Cả mở lối cho sự chấp nhận hoàn toàn tư tưởng triết học của Aristotle vào hệ thống tư tưởng triết học và thần học thời Trung cổ, và sau đó đã được thánh Tôma Aquinô định hình cách dứt khoát. Việc tiếp nhận một hệ thống triết học ngoại giáo tiền Kitô giáo là một cuộc cách mạng văn hóa đích thực trong thời đó. Nhưng thực tế, lúc đó, nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo lo sợ triết học của Aristotle, một triết lý không phải của Kitô giáo, đặc biệt hơn, lại do các nhà chú giải người Ả Rập trình bày (như người ta diễn giải theo cách như vậy), ít là ở một số điểm nhất định, dường như không thể dung hòa với đức tin Kitô giáo. Do đó, nảy sinh một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: liệu rằng đức tin và lý trí có xung đột nhau hay không?

Đây là một trong những công trạng to lớn của thánh Albertô: bằng phương pháp khoa học chính xác, ngài đã nghiên cứu các tác phẩm của Aristotle, và cho thấy rằng tất cả những gì thực sự hợp lý đều tương thích với đức tin được mạc khải trong Sách Thánh. Nói cách khác, thánh Albertô Cả đã đóng góp vào việc hình thành một nền triết học độc lập, tách biệt với thần học và chỉ liên kết, hiệp nhất với thần học trong tính duy nhất của chân lý. Vì vậy, vào thế kỷ XIII, đã có một sự phân biệt rõ ràng giữa hai ngành tri thức, triết học và thần học, vốn có thể cộng tác hài hòa nếu đối thoại với nhau, để cùng khám phá ơn gọi đích thực của con người, khao khát chân lý và hạnh phúc: và trên hết là, thần học chỉ ra cho con người biết ơn gọi của họ là hướng đến niềm vui vĩnh cửu, một niềm vui tuôn trào cách trọn vẹn khi gắn chặt với chân lý.

Thánh Albertô Cả có khả năng truyền đạt những khái niệm này một cách đơn giản và dễ hiểu. Là một người con đích thực của cha thánh Đa Minh, ngài luôn sẵn sàng thuyết giảng chân lý cho cộng đoàn Dân Chúa, những người được lời nói và gương sáng đời sống của ngài thuyết phục.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa không bao giờ để cho Hội Thánh thiếu những thần học gia thông thái, khôn ngoan và nhiệt thành như thánh Albertô Cả. Hãy cầu xin thánh nhân trợ giúp để chúng ta cũng biết sống “công thức thánh thiện” mà chính ngài đã theo đuổi suốt cuộc đời: “Ước mong sao tất cả những gì tôi muốn hầu vinh danh Thiên Chúa, cũng như Thiên Chúa hằng mong cho vinh quang của Người tất cả những gì Người muốn.” Nói cách khác, chúng ta hãy luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, và rồi hãy làm tất cả mọi sự để vinh danh Người mà thôi.

[1] Kn 13, 5.

[2]Address to the participants in the Plenary Meeting of the Pontifical Academy of Sciences, 31 October 2008; L’Osservatore Romano English edition, 5 November 2008, p. 6.

[3]Le Opere. Inno alla creazione.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here