Lý Học Về Thượng Đế: Sự Dữ Và Vấn Đề Thượng Đế

0
10916


LÝ HỌC VỀ THƯỢNG ĐẾ

(THẦN LUẬN HAY THƯỢNG ĐẾ LUẬN)

Lm. G.B. Nguyễn Đăng Trực, OP.

***

***

CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ THƯỢNG ĐẾ

MỤC II: SỰ DỮ VÀ VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ

 

Sự dữ và đau khổ là những vấn đề có liên quan mật thiết với nhân sinh luôn làm cho tâm trí con người bối rối, cả về phương diện thần học lẫn triết học. Mặc dầu người ta thường bảo Kito giáo có một hệ thống thần học và niềm tin rất chặt chẽ, mạch lạc, hợp lý, nhưng đứng trước vấn đề sự dữ và đau khổ nó cũng không thoát khỏi cảm giác chông chênh.

Phản ứng lại trước những gai chướng của sự ác diễn ra mỗi ngày trong xã hội, đã hình thành một thái độ phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế vốn được cho là một thực tại toàn năng, toàn thiện. Chủ nghĩa vô thần luân lý (moral atheism) xuất hiện cũng từ đó.

Có muôn vàn vấn nạn đã được đặt ra. Ở đây chỉ trích dịch hai vấn đề điển hình ngày nay vẫn thường được nhắc tới mỗi khi con người phải đối mặt với sự dữ và đau khổ: “sự hòa điệu” và “cho phép” là nguyên nhân sự dữ hoành hành khắp nơi.

 

– Sự hòa điệu hay hài hòa: Elie Wiesel, người sống sót của trại tập trung Đức Quốc Xã Auschwitz trong tác phẩm “Người Do Thái và người Kito hữu sau sự hủy diệt hàng loạt” (Jews and Christians after the holocaust) xuất bản năm 1982 viết: “Làm sao có thể hòa giải đấng Tạo Hóa với sự thiêu hủy cả triệu trẻ em Do Thái? Tôi đã nghiên cứu các câu trả lời, các giả thuyết, tôi đã đọc các cách hóa giải sự dữ của khoa thần học nhưng vấn nạn vẫn là vấn nạn. Chẳng có một giải đáp thỏa đáng nào”. Nền văn chương hiện đại cũng phản ánh rất rõ các tâm trạng này. Nếu Thiên Chúa hiện hữu làm sao Ngài có thể là Đấng toàn thiện, toàn năng, nếu Ngài không ngăn chặn sự khổ đau đặc biệt của những người vô tội. Đau khổ của những người vô tội đã và đang là vấn đề khó khăn nhất cho niềm tin vào Thiên Chúa. Dostoievsky đã đặt vào môi miệng anh em nhà Karanrazov câu nói sau đây: “Nhưng… đây là những đứa trẻ, tôi phải giải thích với chúng ra sao? Nếu mọi người phải đau khổ để mua lấy sự “hài hòa” vĩnh cửu bằng sự khổ đau của mình thì những đứa trẻ có liên quan gì với sự hài hòa ấy? Làm ơn hãy nói cho tôi hiểu đi? Tôi không muốn có sự hòa điệu đó, vì tình yêu đối với con người, tôi không muốn điều đó. Đó không phải là Thiên Chúa. Tôi không chấp nhận điều đó. 

 

 

 

– Và trong một vở kịch, nhân vật Beckmann từ chiến trường trở về nói với một cụ già được mọi người gọi là “Vị Thiên Chúa nhân từ” nhưng chẳng còn ai tin tưởng vào ông nữa.

 

+ Beckmann: “Xin nói cho tôi biết đi Đức Chúa nhân lành, Ngài đã nhân lành từ lúc nào? Phải chăng Ngài đã tỏ ra nhân lành khi cho phép một quả bom nổ làm banh xác đứa con tôi mới đầy 1 tuổi. Ôi, con tôi! Nó đã bị một quả bom làm tan xác! Có lẽ Ngài đã tỏ ra nhân hậu khi Ngài cho phép con tôi bị sát hại? Ôi, Thiên Chúa nhân lành, Ngài là thế ấy à?”.

 

+ Thiên Chúa: “Ta đâu có làm cho nó chết?”.

 

+ Bec: “Không phải Ngài, đúng vậy, Ngài chỉ cho phép làm thôi. Ngài đâu có nghe tiếng con tôi kêu la và tiếng bom nổ nhưng xin nói cho tôi biết, lạy Thiên Chúa nhân lành, Ngài đang ở đâu khi bom nổ”.

 

Có hai loại sự ác: sự ác vật lý (physical evil) và sự ác luân lý (moral evil).

Sự ác vật lý phát sinh độc lập, không có liên hệ với hành vi nhân linh (con người) như thiên tai, khuyết tật bẩm sinh v.v… Chúng xảy ra nơi chất thể của sự vật, chúng chỉ là sự khiếm khuyết cái tốt vốn là đặc tính cố hữu của sự vật hay hữu thể nào đó, bản thân sự dữ không phải là những hữu thể độc lập hay bản thể.

Sự ác luân lý phát sinh từ tâm địa gian ác, nghĩa là do ý muốn quay lưng lại với những luật đạo đức của Thiên Chúa hay xã hội. Chúng cũng chỉ là sự khiếm khuyết, lệch lạc, hư đốn, những hành vi trái với lương tâm, trái với thiên lý hay nguyên lý đạo đức. Tóm lại cả hai loại sự ác không phải là những thực thể, nghĩa là không có bề dày hiện hữu nào hết. Dĩ nhiên hai loại sự ác này thường diễn ra đan xen lẫn nhau. Nhiều sự ác vật lý phát sinh do hành vi sai trái của con người, ngày nay thường diễn ra trong lãnh vực môi sinh. Đàng khác khi đối mặt với sự ác luân lý phát sinh từ ác ý của lòng người nhưng con người thường níu kéo Thiên Chúa vào cuộc, qui trách nhiệm cho Ngài. Thậm chí đi đến phủ nhận sự hiện hữu của Ngài.

Hóa giải sự dữ

Trước vấn nạn: Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, đấng sáng tạo vũ trụ thế thì tại sao thế giới có nhiều sự ác đến thế? Phải chăng Ngài bất lực? Như thế Ngài đâu còn là đấng toàn năng? Ngài được tuyên xưng là đấng toàn thiện nghĩa là không còn một kẻ hở nào cho sự ác. Vậy sự ác do đâu? Đàng nào Ngài cũng phải chịu trách nhiệm về sự ác đang tồn tại trong thế giới?

Để sống chung với sự ác, hoặc để bênh vực Thiên Chúa, nhiều lối hóa giải đã được đề xuất.

 

I. HÓA GIẢI SỰ DỮ THEO NHÃN QUAN DUY TÂM
 

 

Nhãn quan duy tâm cho rằng chỉ từ khi có ý thức, con người mới nói đến sự dữ và đau khổ. Vật chất không biết đến sự dữ và đau khổ. Một cuộc động đất tự nó không tốt cũng không xấu, đó chỉ là hiện tượng vận động của trái đất. Nó chỉ trở thành sự dữ khi đối diện với ý thức con người, thông qua những tàn phá nó gây ra. Do đó, họ giản lược sự dữ thành một sản phẩm thuần túy của ý thức và từ đó hóa giải sự dữ bằng ý thức. Nếu đau khổ là của ý thức thì ý thức có khả năng vô hiệu hóa sự dữ hay đau khổ bằng cách coi nó như không có, không quan trọng hóa nó, cứ thản nhiên hoặc điều chỉnh ý thức cho ăn khớp với môi trường hay hoàn cảnh xung quanh.

Lối hóa giải này thường biểu thị theo hai khuynh hướng.
 

 

– Đối với khuynh hướng khắc kỷ (Stoicism) vốn cho rằng thông qua ý thức, con người có thể đạt tới hạnh phúc, do đó, với trường phái này, không có sự dữ tự thân, chỉ có sự dữ do một cái nhìn hay một thái độ nào đó của con người.

 

 

 

Một giai thoại chung quanh các triết gia khắc kỷ nói lên điều đó: Epictète, nô lệ của Epaphrodite. Một hôm ông chủ đùa giỡn bằng cách vặn chân anh nô lệ. Anh nô lệ chỉ lạnh lùng bảo trước người chủ: Nếu cứ tiếp tục như thế này thì ông sẽ làm gãy chân tôi đấy. Ông chủ càng bẻ mạnh hơn và làm gãy chân Epictète thật. Nhưng Epictète vẫn thản nhiên nói: Đấy, tôi đã bảo mà.

 

– Đối với nhà Nho bên Đông phương cũng vậy. Không có gì có vẻ bình thường như cái chết. Cái chết xem ra không thành vấn đề gì hết. Nhà Nho ý thức cái chết là một lẽ tự nhiên, đó là nhịp sống của con người, cũng như nhịp sống của cây cỏ. Con người chỉ việc bình thản trước cái chết.
 

 

Cho hay mọi sự vuông tròn,
Quan tài sẵn đó chết chôn ngại gì.
(Nguyễn Khuyến)

Tuy nhiên, thực tế nhiều khi không phải ý thức tiêu hao được sự dữ mà chính sự dữ nuốt chững ý thức… Lại nữa, nhiều khi ý thức luân lý không cho phép rập khuôn với hoàn cảnh và môi trường chung quanh. Đó là vấn đề lương tâm Kito giáo trong xã hội hôm nay.
 

 

II. NHÃN QUAN DUY VẬT

 

Có lẽ khó tìm thấy nơi các nhà tư tưởng Maxit cũng như chính nơi Marx một chuyên đề về sự dữ. Đối với họ, chỉ có vấn đề kinh tế, xã hội và lịch sử. Có thể nói rằng đối với Marx, tính bi đát của thân phận con người là tính bi đát thuộc bình diện kinh tế, xã hội. Đó là sự bóc lột con người bởi con người. Chấm dứt được sự bóc lột đó thì cũng chấm dứt bi kịch cuộc sống con người. Mọi giằng co căng thẳng đều thuộc bình diện kinh tế xã hội chứ không có tính chất hiện sinh hay siêu hình.

Để hóa giải bi kịch cuộc sống, cần vận dụng sức lao động và thay đổi mối tương quan xã hội (xem Chùa Đàn, Nguyễn Tuân).
 

 

III. HÓA GIẢI SỰ DỮ THEO THÁNH AUGUSTIN

 

Thánh Âutinh thời trai trẻ nổi loạn là thành viên của giáo phái Manikê. Chàng Âutinh luôn bị ám ảnh bởi vấn đề sự ác trong thế giới và và thuyết nhị nguyên Manikê đã làm thỏa mãn khối óc còn nghi ngại, dò dẫm của Âutinh lúc đó. Nhưng khối óc non nớt này chẳng bao lâu đã nhận ra quá nhiều mâu thuẫn trong giáo thuyết này. Sau cùng, chàng rời bỏ giáo phái, lao vào nghiên cứu triết học của triết gia Plotin. Cách tiếp cận vấn đề sự ác của Plotin khác với Manikê. Đối với Plotin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và tất cả vạn sự đều phát xuất từ Thiên Chúa như một dòng chảy xa dần nguồn cội. Càng xa nguồn cội, thực tại càng trở nên bất toàn. Cuối dòng chảy là thực tại vật chất. Vật chất này theo Plotin là gốc rễ của sự ác. Âutinh mãn nguyện với khái niệm Thiên Chúa duy nhất nhưng lại phải đối đầu với vấn nạn: phải chăng Thiên Chúa là tác giả của sự ác? Vì Ngài là tác giả duy nhất của dòng chảy? Sau nhiều tháng suy tư và nhờ Hồng Ân Thiên Chúa, Âutinh đã tìm được cách hóa giải vấn đề. Trong tác phẩm Enchiridion “cẩm nang giáo thuyết Kito giáo” viết năm 423, Âutinh khẳng định: Sự dữ không phải là một sự thể hay hữu thể hay một phẩm chất hiện hữu độc lập mà chỉ là sự khiếm khuyết cái tốt (absence of goodness) nơi hữu thể. Sự ác xuất hiện khi sự thiện nơi một thụ tạo bị hao hụt đi. Như vậy sự ác không phát sinh nơi Thiên Chúa mà xuất hiện nơi tạo vật. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, còn sự thiện hảo nơi thụ tạo là tương đối do đó là kẽ hở cho sự ác xuất hiện. Như vậy sự dữ chỉ là sự khiếm khuyết sự thiện do tính hữu hạn của hữu thể thụ tạo. Tự thân, sự dữ không là gì cả. Có thể nói sự dữ là phi hữu thể (confess c.7,11,18).

Đối với Âutinh, những gì tốt lành (tương đối) thì mới hư hỏng. Nếu chúng tốt lành tuyệt đối thì không thể hư hỏng được. Nếu không tốt lành chút nào thì cũng không thể hư hỏng được. Không phải là hữu thể thì không có gì để hư hỏng. Một cái mà mất đi tất cả cái tốt thì cũng tuyệt đối thôi hiện hữu. Vậy bao lâu một vật hiện hữu, bấy lâu nó tốt lành.

Nhưng người ta thắc mắc, tại sao Thiên Chúa toàn năng không lấy quyền năng của Ngài ngăn chặn không cho sự dữ xuất hiện. Âutinh trả lời: Vì một mục tiêu tốt đẹp nào đó Thiên Chúa để cho (hay cho phép) sự dữ xuất hiện, lúc đó do quyền năng, Ngài biến đổi sự dữ thành sự lành (Enchiridion, cl.11). Cho phép nghĩa là Thiên Chúa vẫn còn quyền kiểm soát sự dữ, nếu không Ngài không còn toàn năng nữa.

Sau này Thánh Toma Aquino diễn tả rõ ràng hơn: Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra trừ phi vì một sự thiện nào đó lớn hơn (S.T.Ia Q.2, a.3, ad1). Phần sau, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này qua lối hóa giải của Ngài.
 

 

1. Hóa giải sự dữ theo quan điểm loại suy thẩm mỹ (aesthetic analogy).

 

Kinh nghiệm thực tế về thẩm mỹ cho hay, tương phản thường làm cho thực tại tăng thêm vẻ đẹp như trong một bản nhạc đôi khi có những nốt nhạc không hòa điệu một cách nào đó lại có thể làm cho toàn bộ bản nhạc thêm phong phú. Hoặc như những bức tranh của họa sĩ Rembrant chúng nổi tiếng là nhờ sử dụng kỹ thuật tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Vậy nên ta bị “sốc” bởi sự bất hòa của vũ trụ. Đó là vì chúng ta không hiểu được bản giao hưởng của vũ trụ trong tổng thể của nó. Sở dĩ một chi tiết của một bức tranh làm chúng ta khó chịu, là vì chúng ta thiếu cái nhìn tổng quát vốn đem lại ý nghĩa cho từng chi tiết.

Tương tự, sự dữ làm phát ra vẻ rực rỡ của sự thiện. Nó là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới. Theo thánh Âutinh, sự dữ chỉ là cái gì tương đối trong sự vật riêng lẻ và không ăn nhằm gì tới trật tự chung vẫn thật tốt lành (Confess c.7, 13). Âutinh cũng minh họa cách hóa giải này bằng kinh nghiệm xem tranh. Khi xem một bức tranh, chúng ta không dừng lại ở những mảng màu rời rạc, nhưng nhìn bức tranh cách tổng thể. Những điểm tối và những mảng màu thô có thể làm tăng thêm những vẻ đẹp tổng thể của bức tranh.

Với cái nhìn loại suy này, Âutinh cho rằng tội lỗi cũng là cơ hội làm nổi bật lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa (Ôi! Tội hồng phúc!). Theo Ngài, Thiên Chúa nhìn mọi sự như một tổng thể hài hòa trong đó sự ác chỉ mang màu sắc cục bộ và tương đối. Sự thiện của ơn cứu độ vượt xa sự ác của tội lỗi.
 

 

2. Những khó khăn của cách hóa giải này.

 

Quan điểm loại suy thẩm mỹ chỉ có giá trị giới hạn.

Khó chấp nhận quan điểm sự dữ là phương thế cần thiết để đạt tới sự hài hòa tuyệt mức của thế giới.

Trước biến cố sát hại hàng triệu người vô tội trong trại tập trung Đức Quốc Xã, người ta tự hỏi: Làm thế nào những kẻ như Hitler lại có thể dự phần vào sự hoàn hảo của thế giới? Và làm sao có thể chấp nhận quan điểm chủ trương hy sinh các thế hệ hiện tại nếu cần để giúp đạt tới những ngày mai tươi sáng, vì tham vọng của một số người hay một chế độ? Theo Kito giáo, con người là một giá trị mang tính chủ thể, không bao giờ là phương tiện, nên không bao giờ được phép coi con người như một bánh xe trong một cỗ máy để có thể thay thế hay hy sinh cho một tương lai còn mơ hồ. Mỗi một thời điểm đều được Thiên Chúa coi trọng và không thể biện minh cho những tiến bộ trong tương lai bằng cách lập luận rằng Thiên Chúa chủ yếu muốn sự đau khổ cho bất kỳ một người vô tội nào của ngày hôm nay. Do đó, Dostoievsky đã có lý khi nói qua miệng của một trong những người anh em Karamazov những lời này: “Ngay cả khi cái xưởng mênh mông này sẽ mang lại những điều kỳ diệu tuyệt vời nhất và điều đó chỉ phải trả bằng một giọt lệ duy nhất của một đứa trẻ thì tôi cũng phản đối”.

Lại nữa người ta cũng khó chấp nhận lối nhìn của kẻ bàng quan, đứng ngoài xem tranh. Thái độ đó không làm cho sự dữ tan biến mà còn là cơ hội cho sự dữ gia tăng gấp bội. Bergson đã nhận định: Các triết gia vẫn hài lòng với những lập luận kiểu đó, một mình trong bàn giấy, nhưng họ sẽ nghĩ sao trước cảnh một bà mẹ vừa mới chứng kiến con mình chết thảm khốc? Không, đau khổ là một thực tại kinh khủng và người ta thật quá lạc quan đến mức không chịu nổi khi định nghĩa sự dữ là sự lành ở mức độ nhỏ hơn (hai nguồn tôn giáo và luân lý).

Sau cùng cách hóa giải dành sự ưu tiên cho tính tổng thể của thực tại, có thể làm lu mờ khía cạnh Thiên Chúa luôn quan tâm tới con người cách cá vị hoặc tệ hại hơn có thể gây hiểu lầm con người chỉ là thành phần hay đơn vị có thể bị hy sinh vì lợi ích của tập thể, cách tùy tiện.

IV. CÁCH HÓA GIẢI SỰ DỮ THEO THÁNH IRÊNÊ

Lập trường cơ bản của thánh nhân là theo kế hoạch của Thiên Chúa thế giới này phải là môi trường phát triển của con người ngõ hầu con người có thể đạt tới tầm vóc sung mãn ơn gọi làm con Thiên Chúa. Sự phát triển này đòi hỏi một tiến trình lâu dài trong một môi trường thích hợp. Đó là môi trường hỗn hợp giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối, nhờ đó con người có thể vận dụng tự do của mình để thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Đó là lý do hiện hữu của sự dữ luân lý. Vì nếu chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là sự thiện phải được thực hiện bằng bất cứ giá nào thì Thiên Chúa có thể trang bị cho thế giới những con người hoạt động đồng bộ như những người máy (Robot) được lập trình hoàn hảo chỉ biết làm những điều thiện mà thôi. Nhưng những con người máy thì không bao giờ có thể phát triển tới tầm mức làm con cái tự do của Thiên Chúa trong mối tương quan tình yêu, con người phải biết vận dụng khả năng chọn lựa, đáp trả hay khước từ cách tự do lời mời gọi của Thiên Chúa, vì chỉ trong tự do, con người mới có thể thể hiện mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Đó là lý do biện minh tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ luân lý có mặt trong thế giới này. Do đó có thể nói chính tự do phải chịu trách nhiệm về sự dữ luân lý.

Những khó khăn của cách hóa giải này.

Không ai có thể phủ nhận tính hấp dẫn của khảo hướng này, nhưng như thế mặc nhiên chấp nhận Thiên Chúa trực tiếp dính líu vào vấn đề sự ác và đau khổ, là cớ cho con người phủi tay trước những sự ác do chính con người gây nên, nại vào lý do là chính Ngài tạo nên thế giới thiện ác như đấu trường trắc nghiệm thái độ con người trong khi Ngài đứng ngoài quan sát. Nhưng hình ảnh này thật xa lại với thái độ dấn thân cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Jesu Kito.

V. HÓA GIẢI SỰ DỮ THEO THÁNH TÔMA AQUINO

Thánh Toma đã sử dụng những khái niệm siêu hình về hữu thể học để xây dựng lý thuyết của mình và trình bày trong phần I chương 2 mục 48-49 trong Tổng Luận Thần Học của Ngài. Có những điểm tương đồng với cách hóa giải của thánh Âutinh.

Theo thánh Toma, sự dữ cũng không phải là một tạo vật hay một hữu thể chỉ là một sự khiếm khuyết sự thiện trong một tạo vật nào đó. Thiếu ở đây là thiếu điều phải có, nghĩa là sự thiện cố hữu hay thuộc bản chất của hữu thể đó. Nói cách khác là sự thiện nơi một hữu thể không còn nguyên vẹn. Đôi mắt là sự thiện hảo phải có của con người, nên người khiếm thị thường được gọi là người bất hạnh. Thiếu điều thiện hảo không thuộc về bản chất của mình thì không thể coi đó là sự dữ. Thiếu đôi cánh không thể được coi là bất hạnh đối với con người. Các hữu thể thụ tạo tự bản chất là bất toàn nên không thể tránh được sự dữ xuất hiện nghĩa là sự thiện hảo nơi hữu thể thụ tạo có thể hao hụt hay mất đi vì một lý do nào đó. Không thể có một hữu thể mà tự bản chất là xấu ác, vì hữu thể xét như là hữu thể phải tốt hay thiện hảo, tương ứng với bản chất riêng của nó. Còn sự ác là thiếu sự hoàn hảo.
 

 

1. Tiến trình hóa giải sự dữ theo Thánh Toma:


– Vấn đề: Người Kito hữu tuyên xưng một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện.

– Vấn nạn: Nếu toàn thiện nghĩa là không còn kẻ hở nào cho sự dữ có thể xuất hiện hay xen vào. Thế sao thế giới lại tràn ngập sự dữ.
 

 

– Toma: Nơi Thiên Chúa không có kẻ hở nào vì Ngài toàn thiện. Nhưng thụ tạo có kẻ hở vì thụ tạo bất toàn. Chính cái bất toàn là kẻ hở để sự dữ xuất hiện.
 

 

– Vấn nạn: Vậy nên Thiên Chúa toàn năng nghĩa là Ngài có khả năng ngăn chặn mọi sự dữ, sao Ngài lại để con cái Ngài bị đè bẹp dưới ách sự dữ và đau khổ? Bảo rằng Ngài cho phép ư? Cũng không thể chấp nhận, nhất là đối với những nạn nhân vô tội đặc biệt những trẻ em vô tội. Hoặc Ngài cho phép sự dữ xảy ra để có sự hài hòa trong vũ trụ ư? Với tội ác của Hitler, giết hàng triệu người vô tội, ông ta đã tạo nên sự hài hòa nào?
 

 

– Vấn đề: Thiên Chúa không phải là tác giả hay nguyên nhân sự dữ.
 

 

– Vấn nạn: Hãy thử xem xét một tam đoạn luận:


+ Thiên Chúa sáng tạo mọi sự (everything).

+ Sự dữ (something) cũng nằm trong số mọi sự đó.

 

+ Vậy Thiên Chúa sáng tạo nên sự dữ.
 

 

Lưu ý everything và something đều là thực thể tích cực, là hữu thể.

 

– Toma: Nếu công nhận cả hai tiền đề (1) + (2) thì đúng là Thiên Chúa là tác giả sự dữ.
 

 

Toma chỉ nhận tiền đề (1) Thiên Chúa sáng tạo mọi sự, không nhận tiền đề (2) Vì sự dữ không nằm trong số mọi sự, sự dữ không phải là thực thể tích cực, hữu thể hay bản thể mà chỉ là sự khiếm khuyết sự thiện hảo vốn có sẵn nơi sự vật nào đó, tùy theo bản chất riêng của sự vật đó.

Vậy theo Toma: Thiên Chúa không sáng tạo nên sự dữ mà sự dữ có nguồn gốc ở chính nơi sự vật thụ tạo.

 

2. Sự dữ là gì? Và phát sinh ra sao?
 

 

Trong thần học giản yếu (Compendium of theology) Toma diễn tả như sau: “Một sự vật được gọi là có sự dữ, nếu sự vật đó thiếu sự hoàn hảo mà theo bản chất sự vật đó phải có. Như người thiếu thị giác hay khiếm thị, người đó gặp sự dữ và trở thành bất hạnh. Trái lại hòn đá thiếu thị giác, không thể nói hòn đá đó gặp sự dữ vì tự bản chất hòn đá không có khả năng nhìn” (114, 125-126).

Như vậy phải có thực tại tích cực thì mới có khiếm khuyết tiêu cực của thực tại đó. Không có trái đất, không có thiên tai (sự dữ vật lý). Không có con người không có nhân họa (sự dữ luân lý). Sự dữ vật lý diễn ra nơi sự vật, sự dữ luân lý diễn ra nơi hành vi của chủ thế có ý chí tự do. Con người hữu hạn cả về lý tính lẫn vật tính nên có thể xuất hiện cả hai sự dữ.

Dĩ nhiên cả hai loại sự dữ, vật lý và luân lý đều có thực chứ không phải là tưởng tượng. Có thật nghĩa là có hư hoại thật, thiếu hụt thật (real privation).

 

3. Nguyên nhân sự dữ.
 

 

Trong một bản thể thụ tạo có 4 nguyên nhân: a) nguyên nhân mô thể; b) nguyên nhân cứu cánh; c) nguyên nhân tác thành; d) nguyên nhân chất thể.

Sự khiếm khuyết không phải là bản thể, chỉ là sự thiếu hụt cái tốt nơi bản thể nên khiếm khuyết không phải là nguyên nhân của thay đổi. Tự thân nó chỉ là nguyên lý. Nguyên nhân có tính cách tích cực: một hữu thể phát sinh một hữu thể khác. Sự khiếm khuyết không đem lại một hữu thể nào tích cực, nó chỉ là điều kiện cần thiết để có sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi không diễn ra nơi chính mình nó vì nó không bao giờ tách rời chất thể của thực tại tích cực. Nó chỉ là nguyên lý ngẫu phát (accidentally) hay gián tiếp của sự thay đổi. Thánh Toma định nghĩa nguyên lý là cái bởi đó mà sự biến dịch khởi phát (that by which motion starts). Khiếm khuyết thiếu hụt (privation) là cái từ đó, một sự vật đang hiện tồn ra đi (that from which generation (existence) departs). (De principiis naturoe III, 21). Màu trắng không phải là nguyên nhân màu đen. Nó chỉ là nguyên lý. Đêm tối đang bao phủ, ánh sáng xuất hiện, đêm đen tan biến.
 

 

a. Nguyên nhân mô thể (formal cause), mô thể bản thể (substantial form) là cái làm nên sự hoàn hảo của sự vật. Sự dữ là thiếu sự thiện hảo do đó sự dữ thiếu mô thể (evil is the privation of form). Vì thiếu sự thiện hảo nên sự dữ không có nguyên nhân mô thể.

 

 

 

b. Nguyên nhân cứu cánh (final cause). Hoạt động của một bản thể luôn hướng về cứu cánh. Cứu cánh là sự thiện hảo đáng ước mong. Không ai hướng về cứu cánh nếu nó là sự dữ. Do đó sự dữ không có nguyên nhân cứu cánh vì không có sự thiện hảo.

 

 

 

c. Nguyên nhân tác thành (efficient cause). Sự thiện là nguyên nhân tác thành của sự dữ, nhưng sự thiện chỉ là nguyên nhân ngẫu phát (accidentally) hay gián tiếp chứ không phải là nguyên nhân tự thể (per se) hay trực tiếp vì không ai lại muốn làm điều xấu cho mình. Có thể nói sự thiện là nguyên nhân vì thiếu sự thiện hảo phải có (causa ut deficiente). Một tác nhân hoạt động hướng về đàng xấu vì nơi bản thân thiếu sự thiện cần thiết. Một tác nhân càng thiếu sự thiện hảo, càng có khuynh hướng làm điều xấu. Do đó có thể nói sự dữ không có nguyên nhân tác thành, chỉ có nguyên nhân thiếu sự thiện. Sự thiện có trước sự dữ vì nguyên nhân bao giờ cũng có trước hậu quả. Sự thiện gây nên sự dữ là vì sự thiện bất toàn.

 

 

 

d. Nguyên nhân chất thể (material cause). Sự dữ phải có sự thiện làm chủ thể. Sự dữ không đứng tự lập. Ở đâu mà sự dữ không có chủ thể nhận sự dữ thì sự dữ không thể có được. Nguyên nhân chất thể cũng phải hiểu cách ngẫu phát (aceidentally). Lại nữa nếu chất thể không được bố trí thích hợp thì sản phẩm thế nào cũng khiếm khuyết. Đá cứng quá thì không thể có tượng đẹp như ý muốn (De malo Ia, 1-3).

 

 

 

Cho tới đây mới chỉ thấy những nguyên nhân ngẫu phát hay gián tiếp. Vậy đâu là nguyên nhân trực tiếp hay tự thể (per se).
 

Vấn đề liên quan đến sự dữ luân lý.

Lý trí và ý chí con người là hai điều kiện tạo thành tự do chân chính và hành vi đạo đức. Lý trí trước tiên đưa tới nhận thức, sự việc hay vấn đề. Sự lựa chọn của ý chí đến tiếp theo đó. Nhưng lý trí con người hữu hạn nên có thể đưa tới nhận thức không chính xác. Do đó sự lựa chọn của ý chí tất nhiên cũng có hạn chế.

Và mặc dầu lý chí đưa tới nhận thức chính xác nhưng ý chí vẫn có thể bỏ thiện và hướng về sự dữ. Đó là ý nghĩa của ý chí tự do. Tuy nhiên, lý trí trong lãnh vực này chỉ là nguyên nhân gián tiếp còn ý chí mới là nguyên nhân trực tiếp. Lý trí truy tìm chân lý. Ý chí truy tìm sự thiện. Chính ý chí quyết định sự lựa chọn. Đó là những yếu tố dẫn tới phát sinh sự dữ luân lý nơi con người.

Về sự dữ luân lý thánh Toma phân biệt thành sự dữ của tội hay sự dữ luân lý và sự dữ hình phạt hay sự dữ vật lý. Sự dữ luân lý tuyệt đối trái ý Thiên Chúa vì tội lỗi đối nghịch với sự thiện tuyệt đối của Ngài. Còn sự dữ hình phạt chỉ đối nghịch với sự thiện thụ tạo (xảy ra cho thụ tạo). Sự dữ hình phạt là do Thiên Chúa, nguyên nhân tác thành nhưng cũng chỉ là nguyên nhân ngẫu phát hay gián tiếp, cần thiết để duy trì trật tự và công lý. Nếu không có hình phạt, con người không nỗ lực hướng về sự hoàn thiện.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo số 311 khẳng định: “Thiên Chúa không bao giờ bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp là nguyên nhân của sự dữ luân lý. Tuy nhiên, Ngài cho phép điều đó và tôn trọng sự tự do của thụ tạo và một cách bí nhiệm, Ngài biến từ sự dữ dẫn tới điều thiện hảo”. Nói Ngài cho phép nghĩa là sự dữ không nằm ngoài sự kiểm soát của Ngài, nếu không như vậy sự toàn năng của Ngài sẽ bị giới hạn.

Cần phải luôn tâm niệm, do phẩm chất toàn thiện, Thiên Chúa không thể trực tiếp mong muốn bất cứ điều chi mà không phải là sự thiện hảo. Nếu Ngài cho phép xảy ra thì mục tiêu vẫn là “để biến sự dữ thành sự lành” (Âutinh) hay “nhằm đạt đến sự lành lớn hơn” (Toma). Sách Giáo lý Hội Thánh số 312 nêu ví dụ trong Cựu Ước: “Giuse nói với anh em, không phải anh em đã đưa đẩy tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa… Sự dữ mà các anh đã định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đã chuyển thành sự lành để cứu sống một dân đông đảo”. (St 45,8; 50,20). Hay trong Tân Ước: Từ việc Irael chối bỏ và hạ sát con Thiên Chúa, là sự dữ lớn nhất chưa từng có nhưng Thiên Chúa đã rút ra được sự lành lớn nhất: chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên sách Giáo lý nói tiếp: Không vì thế cái xấu trở thành cái tốt được.

Ngài cho phép nhưng sự cho phép của Thiên Chúa, không theo cách cho phép theo kiểu một bạo chúa muốn chứng tỏ quyền uy của mình. Một bạo chúa có thể cho phép sự ác diễn ra cách phi lý để làm trò tiêu khiển hay mua vui cho quần thần. Điển hình như vụ chém đàn ông Gioan tẩy giả hay Hoàng đế Nero đối với các Kito hữu thời Giáo hội sơ khai.

Lại nữa, theo thánh Toma, Thiên Chúa cho phép thụ tạo hành động theo bản chất riêng mà Ngài ban tặng cho mỗi loài. Con người hoạt động theo lý trí và ý chí tự do. Các thụ tạo khác cũng theo bản chất và quy luật riêng của chúng. Theo đó, Ngài cho phép thụ tạo có thể tác động lẫn nhau theo bản tính mỗi loài, vật này để lại những dấu ấn tốt xấu trên vật khác. Sét đánh… cây đổ… Thiên Chúa, đấng Tạo Hóa, Ngài là nguyên nhân đệ nhất của tạo vật. Tuy nhiên Ngài không muốn giữ độc quyền vai trò nguyên nhân tính của mình. Ngài đã chia sẻ nguyên nhân  tính cho thụ tạo. Từ đó thụ tạo trở thành nguyên nhân đệ nhị đối với nhau. Thụ tạo thực sự có nguyên nhân tính đích thực. Tự mình hành xử những nguyên nhân đó cách đối lập. Do đó Ngài phải mở ra khả năng thụ tạo có thể thất bại khi thực hiện nguyên nhân tính của mình. Ngài không can thiệp vào những thất bại vì tôn trọng tự do hay quy luật của chúng. Sét đánh, cây đổ hay sát hại các sinh linh khác. Cây cối sẽ không còn là cây cối nếu bị sét đánh mà không bị tổn thương. Ngược lại, tình huống sẽ bị thảm không kém nếu đấng Tạo Hóa lúc nào cũng trực tiếp can thiệp, ngăn chặn không cho thiên nhiên thể hiện nguyên nhân đệ nhị theo bản chất của chúng. Vì sự can thiệp như thế sẽ đồng nghĩa với việc phải loại bỏ mọi luật lệ trong thiên nhiên. Mỗi khi ngọn lửa bốc cháy, Ngài lại khiến chúng trở thành vô hiệu. Sự can thiệp như thế khiến cho thế giới không còn khả năng tiên liệu, khoa học không còn cơ may phát triển, một sự can thiệp tương tự trong lãnh vực đạo đức, luân lý khiến cho thế giới không còn những thách đố phải vượt qua tính cách luân lý không còn cơ hội phát triển, tình thương không còn môi trường bộc lộ, không còn chỗ cho sự tự hiến của những tâm hồn cao cả.

Được chia sẻ nguyên nhân tính là một quà tặng cao cả của Thiên Chúa, đặc biệt phẩm giá con người được nâng cao khi thể hiện ý chí tự do của mình với tất cả ý nghĩa của nó, không lạ gì khi thánh Toma viết: “Nếu sự ác hoàn toàn bị loại trừ khỏi thụ tạo do sự can thiệp của Thiên Chúa thì biết bao điều thiện hảo không còn cơ may trở thành hiện thực” (Compendium of theology, 142).

Cũng cần lưu ý cách hành xử của nguyên nhân tính thần linh (devine causality) và nguyên nhân tính thụ tạo (created causality) theo Toma:

Các nhà thần học Hồi giáo (Kalam) phủ nhận nguyên nhân tính đích thực trong thiên nhiên vì chúng như muốn thách thức quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Đối với họ, mọi biến cố xảy ra trong thiên nhiên chỉ là cơ hội để Thiên Chúa hành động biểu lộ uy quyền của mình mà thôi.

Còn đối với Toma, thụ tạo là nguyên nhân đích thực mọi hành động của mình. Sự tự lập của thiên nhiên không thu giảm quyền năng Thiên Chúa, vì nguyên nhân tính thần linh và nguyên nhân tính thụ tạo thể hiện chức năng nguyên nhân của mình theo tầm mức khác nhau (different level). Theo đó, cùng một hiệu quả không được gán cho Thiên Chúa và thụ tạo như thể một phần do Thiên Chúa thực hiện, phần kia do thụ tạo. Nhưng cả hai thực hiện nguyên nhân tính của mình cách trọn vẹn theo tầm mức của mình, tương tự như cùng một hiệu quả được gán trọn vẹn cho dụng dụ và cho tác nhân chính (Summa contra Gentiles III, c.70, 8). Bản tuyên ngôn nhân quyền Manhattan, bảo vệ sự sống và gia đình, 20/11/2009, soi sáng cho vấn đề: “Chúng tôi sẽ trả cho Coesar cái gì thuộc về Coesar trọn vẹn, không phàn nàn. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi không trả cho Coesar cái gì thuộc về Thiên Chúa (sự sống)”.

Cho dù cách hóa giải sự dữ của thánh Toma nếu tránh được cho Thiên Chúa trách nhiệm tạo ra sự dữ và đau khổ nói chung. Người ta vẫn còn nghi ngại vấn đề sự dữ và đau khổ đối với người vô tội. Chính Toma trong phần dẫn nhập bình giải về sách Gióp cũng thú nhận: Không gì khó hóa giải cho bằng những đau khổ xảy ra cho người vô tội. Rốt cuộc vẫn cần soi vào con người Đức Jesu Kito trong Tin Mừng của Ngài.

Thái độ của người Kito hữu trước vấn đề sự dữ.

Trong viễn tượng thuần túy triết học sự dữ vẫn không giải thích được cách triệt để. Tôn giáo cũng không thể đưa ra những giải đáp thuần lý thực sự thỏa đáng. Phải chiêm ngưỡng và soi vào Đức Kito chúng ta mới tìm được cách hóa giải trọn vẹn.

Trong tác phẩm “Đêm đen” (Night) Wiesel nhớ lại cảnh một đứa trẻ vô tội đang bị treo cổ. Các bạn tù cứ rầm rì thầm hỏi: Thiên Chúa nhân lành, Ngài ở đâu trước nỗi khổ đau của đứa trẻ vô tư này? Wiesel đã không trả lời như triết gia hiện sinh Camus bằng thái độ phản loạn, nhưng bằng trực giác tôn giáo. Ông nhận ra được chân lý sâu xa: Thiên Chúa nhân lành ở đâu ư? Đó! chính Ngài đang bị treo cổ đó. Ngài đang đau khổ với chúng ta và trong chúng ta. Ngài tự đặt mình vào địa vị chúng ta để liên đới với chúng ta trong mọi sự. Ngài chia sẻ nhân tính với chúng ta qua cuộc khổ nạn thập giá để chứng tỏ rằng Ngài không phạm lầm lỗi khi tạo dựng nên chúng ta.

Trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng” đức Joan Phaolo II đã trả lời vấn nạn: Tại sao Thiên Chúa không loại trừ đau khổ ra khỏi thế giới mà Ngài đã tạo dựng và tại sao Ngài cứ nhất định không loại trừ nó? Vậy thì phải chăng người ta lại không được phép nói đến một thứ “bất lực của Thiên Chúa”? Phải, đức J.P. II trả lời, ta có thể nói là Thiên Chúa “bất lực” trước tự do của con người. Ta có thể nói một cách nào đó Thiên Chúa trả giá cho tất cả những gì Ngài ban tặng con người mà Ngài đã tạo dựng “theo hình ảnh và giống như Ngài” (St 1, 2b). “Ngài không đòi lại cái Ngài đã cho. Vì lý do ấy mà Ngài phải chịu để cho con người xét xử mình… Thiên Chúa luôn luôn có mặt bên những con người đang gặp đau khổ. Quyền năng của Ngài biểu lộ qua việc Ngài tự ý chấp nhận đau khổ. Nếu Thiên Chúa không hấp hối trên thập giá thì sự thật về Thiên Chúa là tình yêu sẽ chẳng bao giờ thật cả”.