Hiểu Sống Đức Tin: Có Gì Khác Nhau Giữa “Chức Vụ Linh Mục” Và “Tác Vụ Linh Mục”?

0
733


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam loan báo: vào  ngày 6 tháng 8 năm 2013 sẽ có lễ “trao tác vụ linh mục” cho mười tu sĩ. Tại sao không nói “truyền chức linh mục”?  Có lý do gì để thay đổi từ ngữ?

Sự thay đổi từ ngữ phản ánh sự thay đổi quan niệm về các chức vụ trong Hội thánh kể từ công đồng Vaticanô II. Tiếc rằng những bản dịch tiếng Việt chưa diễn tả được nội dung của các từ ngữ trong nguyên bản Latinh. Cụ thể khi nói đến “chức vụ linh mục” hay “tác vụ linh mục”, chúng ta thấy rằng cả hai đều có chung một tiếng “vụ”, và chỉ khác nhau ở chỗ một bên là “chức” và bên kia là “tác”. Cả ba từ đều gốc Hán và không khác nhau bao nhiêu. “Chức” tự nó có nghĩa là “trách nhiệm, nhiệm vụ” (chẳng hạn như “chức năng, chức phận”). “Tác” có nghĩa là: làm, làm nên (chẳng hạn như: sáng tác, tác tạo; rồi từ đó mới có tác giả, tác phẩm). “Vụ”ï có nghĩa là việc. Đó là xét theo tầm nguyên. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nói đến “chức” linh mục, người ta dễ liên tưởng đến chức quyền địa vị; do đó khi nghe nói đến lễ “truyền chức, phong chức” thì họ dễ nghĩ đến chuyện thăng quan tiến chức. Có người đã giải thích “linh mục triều” bắt nguồn ở tên gọi “linh mục quan triều”, bởi vì đời xưa người ta đồng hóa việc phong chức linh mục như là lãnh nhận tước làm quan của triều đình.

Trong bối cảnh này, tránh dùng “chức linh mục” (truyền chức, phong chức) thật là hợp lý. Tiếc rằng từ “tác vụ” vẫn chưa diễn tả  nội dung thần học muốn nói.  Thật vậy, “tác vụ” dùng để dịch từ “ministerium” tiếng Latinh, có nghĩa là “sự phục vụ, hầu hạ”. Có lẽ nói đến “phục vụ, dịch vụ”, thì dễ hiểu hơn là “tác vụ”! Dù sao, chúng tôi không muốn tranh luận vấn đề từ ngữ cho bằng nêu bật vài ý nghĩa quan trọng của thần học về ministerium.

1.  Trước hết, ministerium (tác vụ, dịch vụ, phục vụ) muốn nêu bật tinh thần phục vụ. Nên lưu ý là điều này không chỉ áp dụng cho các linh mục mà thôi, nhưng còn cho tất cả các chức sắc trong Giáo hội, nghĩa là kể cả giám mục, giáo hoàng nữa. Kểø từ thời đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, người ta không còn nói đến “lễ đăng quang giáo hoàng” nữa, nhưng là lễ “khai mạc tác vụ Phêrô” (ministerium petrinum). Việc thay đổi từ ngữ muốn nhớ lại lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu với các tông đồ: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).

2. Một lý do khác không kém phần quan trọng là sửa đổi hình ảnh cơ cấu Giáo hội, và sửa đổi tương quan giữa linh mục và giáo dân.

Dĩ nhiên, không ai được phép sửa đổi cơ cấu của Giáo hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập; nhưng chúng ta cần phải sửa đổi những lệch lạc méo mó trải qua dòng thời gian. Có những căn nhà được xây cất rất nguy nga tráng lệ, nhưng mà vì nhu cầu, phải ngăn phòng cho thuê, cho nên đã phải dựng lên nhiều bức tường chắn, hoặc bít mấy cửa sổ để người ở căn phòng này không nhòm sang phòng khác. Lịch sử của Giáo hội phần nào cũng tương tự như vậy.

a) Khi đọc các thư của thánh Phaolô, người ta nhận thấy rằng tại các cộng đoàn tín hữu thời ấy có rất nhiều đặc sủng, chẳng hạn như trong thư thứ nhất gửi Corintô: “Trong Hội thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1Cr 12,28). Nói cách khác, trong cộng đoàn Hội thánh có rất nhiều “dịch vụ” (hoặc công tác), hoặc là do Chúa Thánh Thần ban, hoặc là do cộng đoàn đặt lên. Trong bối cảnh này, công tác quản trị chỉ là một trong nhiều công tác khác của cộng đoàn. Tình trạng còn kéo dài qua nhiều thế kỷ.

b) Thế nhưng, kể từ thế kỷ IV trở đi, chúng ta thấy bộ mặt Giáo hội dần dần biến đổi, dựa theo khuôn khổ của cơ cấu Nhà Nước Rôma, đó là có sự phân biệt giữa “quan” (ordines) với “dân” (plebs). Các công tác (được hiểu như chức vụ, chức quyền) được tập trung vào các quan; còn dân thì hoàn toàn thụ động, không còn nắm giữ công tác nào hết. Đó là sự phân biệt giữa các giáo sĩ và giáo dân. Cấu trúc này đã được duy trì suốt bao nhiêu thế kỷ cho đến công đồng Vaticanô II.

c) Cấu trúc Giáo hội theo Vaticanô II

Thoạt tiên, xem ra không có gì thay đổi trong cấu trúc cổ điển về sự phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân: Hiến chế về Hội thánh tiếp tục trình bày hàng phẩm trật ở chương Ba, và các giáo dân ở chương Bốn. Tuy nhiên, trong chương Hai và trong chương Bốn, công đồng cũng nói rằng: tất cả các tín hữu đều tham dự vào ba chức vụ ngôn sứ, tư tế về vương giả của Đức Kitô. Điều này có nghĩa là ta không được phép coi các giáo dân hoàn toàn thụ động, và chỉ có các giáo sĩ mới là chủ động. Không, các giáo dân cũng giữ vai trò chủ động trong Giáo hội. Bởi vì họ được tham dự vào các chức vụ ngôn sứ tư tế vương giả của Đức Kitô, cho nên họ có nghĩa vụ và quyền lợi thi hành các chức năng đó. Từ đó, ta có thể kết luận rằng có rất nhiều tác vụ trong Giáo hội, chứ không phải chỉ có ba tác vụ: giám mục, linh mục, phó tế (được đặt tên là “tác vụ thánh”, sacra ministeria). Vài tác vụ trong cộng đồng có thể dễ nhận ra được, chẳng hạn như dạy giáo lý, chăm sóc bệnh nhân, phục vụ người nghèo, đó là chưa kể các tác vụ trong khi cử hành phụng vụ, tựa như: đọc sách, giúp lễ, ca viên. Trong một bối cảnh như vậy, quan niệm về tác vụ linh mục thay đổi rất nhiều. Trước đây, trong một giáo xứ, tất cả các công tác đều nằm trong tay linh mục quản xứ; linh mục quản xứ bao thầu tất cả mọi tác vụ, còn giáo dân hoàn toàn thụ động. Bây giờ, linh mục cần phân phối các công tác cho những người có khả năng: linh mục không độc quyền nắm giữ hết các tác vụ, nhưng tác vụ chính của ngài là biết phân phối các tác vụ trong cộng đoàn giáo xứ. Từ nhận xét về cơ cấu của một giáo xứ, ta có thể mở rộng ra cơ cấu của giáo phận và toàn thể Giáo hội: trong Giáo hội có rất nhiều tác vụ.

Việc xét lại cơ cấu như vậy sẽ mang theo ít là hai hệ luận đối với tương quan giữa linh mục và giáo dân.

1/ Thứ nhất, tương quan giữa linh mục với giáo dân không còn phải là giữa quan với dân, nhưng là giữa các tác vụ với nhau. Linh mục là một tác vụ trong số nhiều tác vụ trong cộng đoàn. Linh mục giữ vai trò điều phối các tác vụ khác nhau để nhằm tới công ích của giáo xứ.

2/ Thứ hai, như đã nhắc trên đây, linh mục không phải là một chức tước địa vị nhưng là một tác vụ, nghĩa là chú trọng đến việc phục vụ, như Chúa Giêsu đã dạy.

Kết luận: truyền chức hay trao tác vụ?

Cần phân biệt:

1/ Nói “truyền chức” là không đúng. Trong tiếng Latinh  ordinatio không phải là “truyền chức” mà là thâu nhận vào một “đẳng” (hay “đoàn). Ordo không phải là chức, nhưng là một đẳng, một đoàn ngũ, và vết tích còn duy trì đối với các bác sĩ (họp thành bác sĩ đoàn: ordre des médecins), luật sư (luật sư đoàn: ordre des avocats). Các giám mục, linh mục, phó tế họp thành ba “đoàn”, và ordinatio có nghĩa kết nạp vào đoàn ấy (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1537).

2/ Thần học cũng nói đến nhiều cấp “trao tác vụ”:

– Ba tác vụ giám mục, linh mục, phó tế được trao cách vĩnh viễn, cho dù người lãnh tác vụ đã ngưng thi hành công tác (không chỉ do chế tài đình chỉ công tác, nhưng có thể vì bệnh tật). Thần học nói rằng ba tác vụ này để lại một “ấn tích”.

– Những tác vụ khác có thể được ủy thác trong một giới hạn thời gian và lãnh thổ (chẳng hạn tác viên trao Mình Thánh Chúa).

3/ Một từ ngữ khác mang nội dung thần học sâu sắc là “thánh hiến” (consecratio) đặc biệt dành cho các linh mục và giám mục:  qua việc được đặt tay lên đầu và lời nguyện thánh hiến, đương sự được Thánh Linh cung hiến cho sứ mạng phục vụ Dân Chúa trong cương vị  mục tử, dẫn dắt  cộng đoàn Dân Chúa (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1538).