Ý Niệm Về Hữu Thể

0
10592


Lm. Nguyễn Đăng Tuệ

 

I. TỪ NGỮ

– Tiếng Pháp dùng từ Étre. Étre vừa là động từ vừa là danh từ.

Là động từ, Étre chỉ sự hiện hữu, tương đương với exister. Dieu est = Dieu existe = Thiên Chúa hiện hữu.

Là danh từ, Étre chỉ một bản chất hiện có sự hiện hữu, tức là một cái gì đó, một hữu thể. Dieu est l’Étre suprême : Thiên Chúa là hữu thể tối cao.

 
Người ta còn dùng tiếng Étant để thay thế danh từ Étre. Étant là một hữu thể nghĩa là một vật bao hàm sự hiện hữu, tham dự vào sự hiện hữu. Một hòn bi đang lăn là một động tử, bao hàm động tác chuyển động, tham dự vào sự chuyển động.
– Tiếng Đức dùng từ Seiende, như Étant. Heidegger viết : Con người là Seiende ở giữa các hữu thể khác (hữu thể hay hiện sinh thể).
 
– Tiếng Latinh dùng từ esse có nghĩa là hiện hữu (id quod aliquid est : cái mà nhờ đó một vật hiện hữu). Danh từ ens có nghĩa là hữu thể; đó là một vật thể chủ thể nghĩa là cái gì mà hiện trạng là có, hoặc có thể có (id cui competit esse, vel essentia cum suo ordine ad esse). Ens giống như étant, seiende.
– Tiếng Hy lạp dùng từ tò óv, nghĩa như ens của Latinh.
– Tiếng Anh dùng to be có nghĩa như exister, esse. Còn danh từ being tương đương với Étre và Ens.

II. Ý NIỆM HỮU THỂ

Đối tượng của siêu hình học là hữu thể. Khởi điểm của siêu hình học là lời khẳng định “có một cái gì “ (aliquid est) : có trời, có đất, có sông núi, có con người, có vật, có vui, buồn, sướng, khổ, có tốt, có xấu, có đúng, có sai… Nhận thức của tôi bắt đầu với kinh nghiệm. Kinh nghiệm khách quan đặt tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài và kinh nghiệm nội tâm giúp tôi ý thức về chính sinh hoạt của chính mình, của bản ngã, tức là cái nguyên lý làm phát sinh sinh hoạt ấy. Trong bất cứ kinh nghiệm nào, tôi cũng đạt tới hữu thể, vì mọi kinh nghiệm đều là kinh nghiệm về hữu thể : nó có, nó hiện hữu. Ý niệm hữu thể bao trùm được tất cả. Nhưng hữu thể do kinh nghiệm đầu tiên còn là hữu thể hời hợt, mơ hồ; vì thế, cần phải đào sâu.
1. Hữu thể là đối tượng thứ nhất của trí khôn
 
Khi ta biết cái gì thì cái đó ở trong trí khôn ta, nó đến trong trí khôn ta. Tôma viết : “Cái lọt vào trí khôn ta trước tiên là hữu thể” (Id quod primo cadit in intellectu est ens). “Cái gì mà trí khôn ta quan niệm trước tiên  như điều biết được rõ nhất và như điều mà mọi ý niệm phải quy vào là hữu thể (Illud quod primo intellectus concepit quasi notissimum et in quo omnes conceptiones resolvit est ens).

Khi một vật trở thành đối tượng nhận thức ta, ta biết nó là cái gì, nhưng căn bản hơn ta biết nó có, nó hiện hữu. Chính vì nó có mà nó có thể làm đối tượng cho trí khôn nhận thức. Cái hư vô, cái không có, thì không thể đến trong trí khôn được. Ta có thể lầm lẫn về bản chất của sự vật nhưng hoàn toàn chắc chắn về sự hiện hữu của nó một khi nó trở thành đối tượng nhận thức cho ta. Một vật có thể được biết dưới nhiều mặt; nói cách khác, trí khôn có thể ngắm nhìn nó bằng nhiều cách, đưa tới những ý niệm; chẳng hạn ta nói về quả cam ấy là vàng, chua, lớn… nhưng tất cả các ý niệm ấy chung quy đều đưa ta về cái căn bản là sự hiện hữu của nó.

2. Ý niệm hữu thể
Ý niệm hữu thể là ý niệm phổ quát.

Thông thường, người ta có một ý niệm tổng quát bằng cách loại trừ những cái đặc thù, riêng biệt, và chỉ giữ lại cái chung. Ví dụ : ý niệm người được hiểu bằng cách xoá bỏ những gì cá biệt của Giáp, Ất…

Aùp dụng cho ý niệm hữu thể, ta sẽ nói rằng hữu thể là một ý niệm thượng đẳng (notion suprême), là cái khuôn mà ta có thể chụp lên bất cứ một cá thể nào, sự kiện nào, một nền tảng chung khả dĩ thâu nhận những định tính khác, chẳng hạn sự sống và ý thức khi nói về con người.
Quan niệm về hữu thể như vậy còn rất mơ hồ. Cần khai triển cách cụ thể, giải thích nội dung, tìm hiểu các định luật và điều kiện của hữu thể.

a. Không thể định nghĩa hữu thể

Trước hết phải nói ngay rằng ta không thể định nghĩa hữu thể được. Định nghĩa một vật là tách nó ra khỏi những cái khác, bao vây nó lại, phân biệt rõ các đặc thù của nó, vạch những ranh giới của nó so với những vật khác. Nói chung khi định nghĩa một vật, phải đặt nó vào giống (genre) và loại (espèce) của nó, nêu lên cái nó có chung với các vật khác trong giống đó và những cái riêng, cái cốt yếu của loại nó. Ví dụ : Con người là con vật có lý trí. Người thuộc giống vật, nhưng đồng thời lại khác hẳn các con vật vì thuộc loại có trí khôn. Lý tính là sự dị biệt thuộc loại (différence spécifique) của con người mà những con vật khác không có.
 

Vì thế, ta không thể định nghĩa hữu thể. Dù rất phổ quát, hữu thể vẫn không phải là một giống, cho dù là giống tối thượng, vì nó không bao trùm những loại hữu thể có những nét riêng, những sự dị biệt thuộc loại phân biệt các chủng loại đó với nhau, bởi vì cả những sự dị biệt đó cũng còn là hữu thể.
b. Tính siêu nghiệm

Triết kinh viện gọi tính phổ quát của hữu thể là tính siêu nghiệm (transcendental). Ý niệm hữu thể là siêu nghiệm nghĩa là có một phạm vi áp dụng vô giới hạn, bao trùm lấy tất cả những gì có : con người là hữu thể, con gà là hữu thể, bản thể là hữu thể, lý trí là hữu thể… Thực tại mà ý niệm hữu thể bao trùm là tuyệt đối, vô điều kiện, bởi vì toàn bộ thực tại không thể lệ thuộc vào cái gì hết; nếu còn một cái gì làm nguyên nhân cho toàn bộ thực tại ấy thì cái đó vẫn còn là hữu thể.
 

Vậy ý niệm hữu thể là ý niệm căn bản nhất xét theo chiều sâu và bao quát nhất xét theo chiều rộng. Không có gì mà không phải là hữu thể. Bản chất hay yếu tính của hữu thể chính là ở chỗ nó không có yếu tính, không có một bản chất nhất định.
      
c. Hữu thể là gì ?
 
Người ta đưa ra nhiều định nghĩa :
– Hữu thể là những gì không phải hư vô. Định nghĩa này còn rất bao quát.
– Hữu thể là bản thể (substance) nền tảng của những dữ kiện khả giác. Định nghĩa này rất thiếu sót vì tất cả những gì xảy tới cho một bản thể, người ta gọi cái đó là tuỳ thể cũng vẫn là hữu thể.
– Hữu thể là động tác của tư tưởng, là chính tư tưởng đang hoạt động. Đây là định nghĩa của phái duy tâm. Định nghĩa này cũng thiếu sót, vì động tác hay hoạt động cũng là hữu thể.
– Hữu thể là gía trị tối cao, là giá trị tại thân. Định nghĩa này cũng chưa đủ vì gía trị cũng chỉ là một hình thái của hữu thể.

3. Hữu thể là một ý niệm loại suy

a. Loại suy là gì ?
 
Một tiếng có thể là đơn nghĩa, đa nghĩa hay loại suy.
– Đơn nghĩa (univoque) là áp dụng cho nhiều sự vật theo một nghĩa hoàn toàn như nhau. Tiếng người áp dụng cho Giáp, Aát…tiếng ăn áp dụng cho mèo, gà, bé Thu…
– Đa nghĩa hay dị nghĩa (équivoque) là tiếng áp dụng cho nhiều sự vật theo nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Loại suy (analogie) là tiếng nằm giữa đơn nghĩa và đa nghĩa, áp dụng cho nhiều sự vật khác nhau nhưng có mặt giống nhau nào đó. Có hai thứ loại suy:
+ Loại suy quy thuộc (analogie d’attribution) là tiếng áp dụng cho nhiều sự vật khác nhau vì tất cả cùng quy về một sự vật chung. Thật ra chính tiếng ấy áp dụng đúng nghĩa nhất cho sự vật chung này. Lành mạnh là tiếng chỉ trạng thái nào đó của một cơ thể sống : Đồ ăn lành mạnh, khí hậu lành mạnh, nước da lành mạnh…Tiếng lành mạnh không được hiểu cách sát nghĩa, nhưng là loại suy vì đồ ăn, khí hậu, nước da đều quy về sức khoẻ.
+ Loại suy tỉ lệ (analogie de proportionalité). Là tiếng áp dụng cho nhiều sự vật khác nhau vì giữa chúng có một sự giống nhau tỉ lệ, đây là sự giống nhau về quan hệ (ressemnlance de rapports). Thường ta nói con mắt nhìn thấy. Theo nghĩa loại suy tỉ lệ, ta có thể nói trí khôn nhìn thấy, vì con mắt đối với thể xác thế nào thì trí khôn đối với linh hồn cũng tương tự : con mắt nhìn sự vật khả giác, trí khôn nhìn sự vật vô chất thể. Có hai thứ loại suy tỉ lệ: đích thực và hình bóng. Loại suy tỉ lệ đích thực là khi sự tương tự giữa hai quan hệ được dựa trên thực tại (ví dụ trên), còn khi sự tương tự đó chỉ có trong trí khôn, thì gọi là loại suy tỉ lệ hình bóng : chân núi, hoa cười.

b.  Hữu thể là một ý niệm loại suy

Ý niệm hữu thể không thể đơn nghĩa : Cọp là hữu thể và người là hữu thể. Nếu hiểu đơn nghĩa thì cọp và người như nhau.

Ý niệm hữu thể cũng không thể là đa nghĩa vì hữu thể là một ý niệm đơn nhất có thể quy tụ mọi hữu thể. Vậy ý niệm hữu thể phải là loại suy, và loại suy tỉ lệ đích thực, vì hai lý do :

– Vì mọi vật thể đều có tương quan tương tự với sự hữu, nên có caí gì chung với nhau.
– Vì tỉ lệ sự hữu của các vật khác nhau. Thiên Chúa có sự hữu cách khác, tuỳ thể và bản thể có sự hữu cách khác.
4. Hữu thể hiện có và hữu thể khả hữu
 
a. Hữu thể hiện có (actuel) = hữu thể được hiện thể hoá, được khẳng định trong hai loại :
– Phán đoán bất tất, nghĩa là liên quan tới những sự việc cá biệt, cụ thể như : cái đèn này sáng, anh A hát hay, con mèo ấy bắt chuột giỏi.
– Phán đoán liên quan tới Thiên Chúa là hữu thể mà bản chất là hiện hữu.
Loại phán đoán bất tất chỉ công bố những sự kiện đặc thù riêng biệt, không tất yếu; bởi đó tự nó không có tính khoa học. Loại sau chỉ có thể khẳng định tính hiện hữu trọn vẹn của Thiên Chúa mà thôi vì nơi Người bản chất và hiện hữu đồng nhất với nhau, không có sự phân biệt đích thực nơi những hữu thể hữu hạn.

Ngoài hai trường hợp nói trên, nghĩa là trong tất cả các phán đoán tổng quát, như : con gà đẻ trứng, lửa đốt cháy, người là một con vật có lý trí, bao giờ chúng ta cũng nói tới hữu thể khả hữu.

b. Khách thể siêu hình

Như vừa nói trên, hữu thể có thể hiện có và cũng có thể chỉ khả hữu mà thôi. Các yếu tính mà trí khôn ta trừu xuất từ những cá thể cụ thể, gọi là yếu tính khách thể siêu hình học, hay là bản thể đệ nhị, các yếu tính đó có trong những trí khôn quan niệm chúng, như một cái gì có thể được hiện thể hoá, nghĩa là có thể được đưa vào hiện thực. Chúng là những khả hữu thể.

5. Hữu thể trí thuộc (être de raison)

Có những đối tượng của tư tưởng chỉ có thể hiện hữu trong trí khôn mà thôi, chẳng hạn   các hữu thể luận lý học. Có hai loại hữu thể luận lý học :
– Những phủ định và những khiếm khuyết (privations) là cái thiếu đáng lẽ phải có, như khiếm thị, sự ác, hư vô tương đối.
– Những mối liên quan (relations).
Các đối tượng trên đây của tư tưởng không phải là những sự vật, mà cũng không phải là những yếu tính đúng nghĩa, vì yếu tính đúng nghĩa là khả năng hiện hữu thật sự. Nhưng đàng khác, chúng không phải chỉ là những điều tưởng tượng, nhưng hư cấu thuần tuý bởi vì chúng có một nền tảng trong thực tại, nghĩa là được xây dựng với những yếu tố rút ra từ thực tại.

Có những hữu thể trí thuộc hoàn toàn là tưởng tượng không có cơ sở trong thực tại, ví dụ : hình tròn bốn cạnh, người ngựa. Chúng không thể hợp thành một ý niệm được.

Khái niệm hư vô là một hữu thể trí thuộc, nhưng đây là một khái niệm phủ định, có thể nói là khái niệm âm mà ta có được nhờ phủ định hữu thể đã được biết trước.

Tương quan trí thuộc và tương quan hiện thực. Tương quan trí thuộc (relation de raison, esse ad) là mối liên quan ngoại tại của một đối tượng với một đối tượng khác mà nó không lệ thuộc, ví dụ mối liên hệ của Thiên Chúa sáng tạo với vạn vật. Nói chung đó là quan hệ của vật ban phát hiện hữu với sự nhận lãnh hiện hữu. Ngược lại quan hệ của vật nhận hiện hữu với vật ban hiện hữu là quan hệ hiện thực.

Các phổ niệm (universaux) có thể được xếp vào loại tương quan trí thuộc vì chúng quy chiếu về một hữu thể có thực và chỉ tồn tại thực sự nhờ sự quy chiếu đó.

6. Phân tích danh từ hữu thể

Ta có thể đào sâu khái niệm hữu thể bằng cách phân tích danh từ hữu thể.

Khi ta nói về một vật gì đó rằng nó là một hữu thể, ta nói tới hai điều :

– Một là hữu thể hay vật đó có, vật đó hiện hữu;
– Hai là hữu thể đó là nó chứ không phải là một hữu thể khác.
 
Nó hiện hữu . Đó là điều nó có chung với các hữu thể khác. Nó là nó, nghĩa là nó hiện hữu theo cách của nó, nó có một bản tính riêng, phân biệt nó với các hữu thể khác.

Điều nói trên cũng bao hàm trong chính danh từ hữu thể, dịch từ tiếng latinh ENS tương đương với tiếng Hy lạp Tò ov. Ens do bởi động từ esse (hiện hữu). Một số triết gia hiện đại dùng tiếng L’Étant như một danh từ, do bởi động từ Étre. (Das Seinde bởi động từ sein).

Ens là cái đang có, cái hiện có. Nghiên cứu từ này, ta thấy có hai yếu tố : một chủ thể tiếp nhận sự hiện hữu, tức là cái này, cái kia và  một động tác làm cho chủ thể đó hiện hữu (đang có). Thánh Tôma gọi yếu tố thứ nhất là essentia = yếu tính. Essentia est id quo aliquid est id quo est : bản chất hay yếu tính là cái mà nhờ đó một vật gì đó là nó chứ không phải là vật khác. Và yếu tố thứ hai là esse = hiện hữu. id quo aliquid est : cái mà nhờ đó một vật được hiện hữu.

Một vật thiết yếu phải có cả hai yếu tố nói trên. Nhưng khi nói đến hữu thể, người ta có thể nhấn mạnh đến một trong hai yếu tố. Tuỳ theo người ta nhấn mạnh đến yếu tố một hay yếu tố hai mà người ta sẽ nói rằng mình quan niệm hữu thể “ut nomen” như danh từ hay “ut participum hoặc verbaliter” như động từ.

Trong trường hợp thứ nhất, người ta đề cao yếu tính của sự vật : hữu thể là cái đang có, nhưng yếu tố thứ hai cũng không hoàn toàn vắng mặt.

Trong trường hợp thứ hai, sự hiện hữu lại được chú ý : hữu thể là cái đang có, đang hiện hữu, đang tham dự vào sự hiện hữu. Và dĩ nhiên yếu tố thứ nhất cũng không hoàn toàn bị loại trừ vì hiện hữu bao giờ cũng lệ thuộc vào cái gì; nói cách khác bao giờ cũng là cái gì hiện hữu. Như vậy hữu thể không thể tách biệt khỏi yếu tính (essentia) và hiện hữu (esse) được.

Đàng khác, hiện hữu cũng có nhiều cách : hiện hữu có thể là một hiện hữu hiện tại và đích thực, gọi là ens actuale, hiện hữu ấy cũng có thể chỉ là một việc có thể, nhưng hiện thì chưa có (ens possibile). Ngoài ra, ta còn gặp một loại hiện hữu khác trong luận lý học, gọi là hữu thể trí thuộc: gọi như thế vì tuy nó có nguồn gốc nơi thực tại nhưng tính chất  của nó chỉ có thể hiện hữu trong lý trí con người mà thôi. Nó là một yếu tính (essentia) không kết hợp với sự hiện hữu (existentia). Ví dụ các mối quan hệ giữa chủ từ và thuộc từ trong một câu, hoặc giữa ý niệm phổ quát và các cá thể mà nó bao gồm. Nó không phải là đối tượng của siêu hình học. Đối tượng của siêu hình học là hữu thể hiện thực (réel) đang có hoặc có thể có trong thực tại.

7. Hư vô (néant, non-être)

Chiếu theo những nghĩa khác nhau của tiếng hữu thể, hiểu như là cái hiện hữu thế này thế kia hoặc như là cái gì hiện hữu hay không hiện hữu, tức là yếu tính và hiện hữu, ta có thể hiểu hư vô theo hai cách :
– Hư vô là không hiện hữu, là vô hữu. Nhấn mạnh vào khía cạnh hiện hữu, như khi ta nói Thiên Chúa dựng nên vạn vật từ hư vô.
– Hoặc hư vô là không hiện hữu như thế này hoặc như thế kia. Ở đây ta nhấn mạnh tới yếu tính, tới cách thế hiện hữu.
Từ đó, có thể phân biệt hư vô tuyệt đối và hư vô tương đối.
a. Hư vô tuyệt đối là khi một cái gì bị phủ định hoàn toàn; hoặc khi một cái gì đó không thể có vì mâu thuẩn nội tại, ví dụ hình chữ nhật ba góc.
b. Hư vô tương đối là khi một vật gì hiện hữu nhưng thiếu cái này cái kia. Cái thiếu đó được gọi là hư vô tương đối.
– Nếu cái thiếu đó là không cần thiết cho sự vật, thì thực ra nó chỉ là không có, chỉ vắng mặt thôi (simplex negatio). Ví dụ : người công nhân không mang giày, phòng không có máy lạnh…
 
– Nếu cái thiếu là cái đáng lẽ phải có, thì người ta gọi nó là một sự khuyết (privatio). Ví dụ : người cụt tay. Theo quan điểm hữu thể học, sự khuyết là một sự xấu vì hữu thể mất một cái gì mà nó phải có để được kiện toàn trong phạm vi của mình.

Tóm lại, điều mà ta gọi là hư vô vẫn luôn luôn có liên quan đến hữu thể. Hư vô chỉ là phủ định về một cái gì có, một hữu thể nhất định nào đó. Vậy hư vô là tương đối. Nếu hiểu theo như hư vô tuyệt đối theo nghĩa là sự phủ định tất cả mọi hữu thể để tuyệt đối không còn là gì nữa, thì đó là một điều vô lý, hư vô chỉ là một từ ngữ trống rỗng.

8. Huyền nhiệm hữu thể

Qua những phân tích trên đây, ta thấy hữu thể thật là lạ lùng.Người ta có thể nói hữu thể là một huyền nhiệm.

Gabriel Marcel đã đặt đối kháng giữa huyền nhiệm và vấn đề.

Vấn đề là dữ kiện khách quan đứng trước mặt ta như một chướng ngai, một thách thức cần phải chinh phục, hoặc giải quyết. Để giải quyết vấn đề, chỉ cần có một kỹ thuật đúng (un technique).

Còn huyền nhiệm là câu hỏi liên quan trực tiếp tới người nêu câu hỏi, bao hàm luôn cả người đặt câu hỏi, là câu hỏi mà chủ thể không thể khách thể hoá nó ra mà không làm cho nó bị biến đổi. Người ta chỉ có thể để mình chìm vào trong đó ngày càng sâu hơn bằng thiện cảm, tình yêu, bằng chiêm niệm và sự dấn thân vì nó.

Vấn đề thì liên quan đến cái biết nhiều hơn, còn huyền nhiệm liên quan đến toàn bộ cuộc sống. Câu hỏi về hữu thể chính là một huyền nhiệm tiêu biểu.