Xin Cứu Chúng Con Cho Khỏi Sự Dữ!

0
903


Phương Anh, OP.

 

Đó là một phần của lời cầu nguyện “Kinh Lạy Cha” duy nhất được Đức Giêsu dạy cho các môn đệ (Xc Mát-Thêu 6,9-13 & Luca 11,2-4). Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện phổ thông và thịnh hành nhất trong Ki-tô giáo (Chính Thống, Công Giáo, Tin lành, Anh Giáo), và cả nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Người Ki-tô hữu tuyên đọc mỗi ngày, thậm chí nhiều lần trong một ngày. “Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ” là câu kết – như một lời cầu nguyện cần thiết cho con người lữ hành dương gian vốn bị muôn ngàn Sự Dữ vây quanh.
 

Sự Dữ, một thách đố!?

Đứng trước biết bao trận động đất, lũ lụt, mưa gió bão tố…, con người buột miệng thốt lên: “trời làm đành chịu vậy”. Sự Dữ trong tự nhiên đã hủy diệt vô số sinh linh, đã tàn phá vô số công trình do bàn tay con người kiến tạo, và thậm chí cả chính cuộc sống nữa… Làm sao “chinh phục” đuợc  con quái vật tự nhiên khủng khiếp đây??!! Cùng lắm thì chỉ là “bỏ của chạy lấy người “vậy thôi!! Đến là nhọc. “Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ trong tự nhiên này”…

Nhưng còn có những Sự Dữ do con người gây ra cho nhau; đời sống của họ được phô bày ra không chỉ qua sự lao khổ, mệt nhọc, mà còn qua sự mâu thuẫn vĩnh tồn với những gì đem lại hạnh phúc cho họ và tha nhân. Khi “lòng chai dạ đá”, thù hận, ghen ghét lên ngôi, khi tâm hồn con người chất chứa biết bao những toan tính nhỏ nhen, dục vọng thấp hèn …, thì những trò lừa đảo, khủng bố, giết chóc, chiến tranh, đàn áp…. vẫn cứ diễn ra như cơm bữa mỗi ngày. Sự Dữ chính là họa tai, họa tai và bắt nguồn từ bên trong con người vậy. (Xc Mt 12,35). Hơn nữa, chiến tranh là một bằng chứng rõ nhất cho thấy Sự Dữ là có thật. Trong suốt chiều dài của lịch sử xã hội loài người, không thời nào mà không có chiến tranh, không có chém giết và đổ máu. Hình ảnh những phụ nữ bị làm nhục, những trẻ thơ vô tội bị chém giết và bị vùi dập dưới bom đạn, khói lửa… vẫn không ngừng diễn ra trên thế giới, hàng ngày, hàng giờ,. “Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ trong kiếp nhân sinh  này”…

Quả là một thách đố cho niềm tin hữu thần: làm sao có thể tin được rằng Thượng đế là Đấng quan phòng, rằng Ngài quan tâm, chăm sóc  mọi sự, rằng Ngài công bằng, khôn ngoan và toàn năng; cũng như Gióp, người ta muốn chất vấn Thiên Chúa về những lý do tại sao có đau khổ, sự dữ (G 23,2-9), nhưng rồi cũng như Gióp, người ta không biết Thiên Chúa đang ở đâu và, sao Ngài vẫn mãi thinh lặng. Liệu những bi kịch như thế có khiến người ta nghi ngờ về lòng nhân từ của Thiên Chúa hay không?. Hoặc khi đứng trước cái chết – vốn là Sự Dữ khủng khiếp nhất, liệu con người còn đủ “can đảm” để “tuyên xưng đức tin” không?.

Dưới một nhãn quan khác thì cái chết có vẻ rất bình thường. Chết là một trong những lẽ tất yếu của cuộc đời: sinh – lão – bệnh – tử. Chết là một trong những quy luật muôn thủa của thế giới sinh vật và loài người. Cũng như bông hoa sớm nở chiều tàn thì cuộc đời con người nay còn mai mất, có gì đáng để bận tâm đâu? Điều quan trọng là tôi đang sống. Một số triết gia hiện sinh cho rằng, không thể có ý niệm tôi chết được. Cái chết không thuộc về hiện sinh của ta. Hay như với Epicure: “Khi ta sống thì có cái chết, khi cái chết đến thì ta không còn nữa. Như vậy, cái chết không có đối với kẻ sống cũng như đối với kẻ chết”. Và ông kết luận rằng: “Sự Dữ kinh khủng nhất là cái chết lại không lạ gì cả đối với chúng ta”. Tuy nhiên, khi phải đối diện với thực tại đó, con người lại cảm thấy cái chết là một điều hết sức phi lý. Cuộc sống con người không thể đồng nhất với các sinh vật khác được. Các sinh vật khác có thể sớm nở chiều tàn, nay còn mai mất… nhưng chúng không hề và cũng không thể ý thức về tính hiện hữu và sự hư vô hoá của chúng. Chỉ có con người mới có ý thức về chính hiện hữu của mình. Chỉ có con người mới ý thức về cái chết.

Sự Dữ, một xì-căng-đan!?

Sự Dữ là một tiếng kêu ai oán gây vấp phạm. Tiếng kêu con người thốt lên không chỉ bởi nhận thấy những trục trặc của vũ trụ, những mâu thuẫn trong bản chất của các sự vật, nhưng còn bởi những kinh nghiệm thương đau trong cuộc sống. Không chỉ là vấn đề Sự Dữ nữa, mà còn là vấn đề đau khổ. Sự Dữ không những buộc chúng ta phải thừa nhận đó là một thực tế hiển nhiên, mà còn cho chúng ta cảm nhận cách trực tiếp, và đôi khi, với sự tàn bạo, khiến con người nổi loạn. Than ôi, tất cả thế giới đều biết thế nào là những thử thách ghê gớm của niềm tin và sự quan phòng: chiến tranh (“nếu như có một Thượng đế tốt lành thì không thể có chiến tranh”), đau khổ của trẻ em (xc. Dostoievski, Anh Em Nhà Karamazoz), cái chết của những em bé, những bệnh nhân quằn quại trong đau đớn, những tâm hồn rách nát, bầm dập vì bị chà đạp, những số phận hẩm hiu: cuộc đời trước mắt toàn là một màu đen, tất cả đẩy con người vào ngõ cụt và đi tới chỗ tuyệt vọng, dẫu rằng cũng có nhiều người đã vượt thắng được những thử thách ghê gớm như thế. Tuy nhiên, cuộc đời vẫn còn đó bao nỗi đau của phận người mỏng manh, bao xót xa vì tình đời bạc bẽo, và rình rập đâu đây bao nguy cơ, bao đe doạ của thiên nhiên vốn rất gần gũi, rất hài hoà nhưng cũng vô cùng hung hãn, khắc nghiệt. Khi phải chứng kiến những đau khổ tột cùng của phận người, M.Guyau chua xót khi phải thốt lên rằng: “Hẳn tôi đã tan nát vì những dòng lệ, nếu như tôi là Thiên Chúa”.

Khi nói tới xuất xứ của xì-căng-đan Sự Dữ, chúng ta phải thừa nhận rằng, mầm mống của Sự Dữ nhiều khi phát xuất từ thiên nhiên: một trận động đất, vốn dĩ chỉ là một hiện tượng địa chất, không tốt cũng chẳng xấu, nhưng khi nó gây ta cảnh tang tóc, đổ nát, những cái chết thê thảm của động vật và con người thì nó lại trở thành một Sự Dữ thực sự. Tuy nhiên, bên cạnh những đau khổ và Sự Dữ có mầm mống từ thiên nhiên, chúng ta thấy có rất nhiều đau khổ và Sự Dữ bắt nguồn từ con người từ những hành động tự do tự quyết của chính mình…. Có một điều nghịch lý là tự do vốn tự nó là tốt bởi lẽ nó là tặng phẩm của Thượng đế ban cho con người, vậy tại sao từ một điều tốt lại dẫn đến một hậu quả xấu là Sự Dữ? Xì-căng-đan là ở chỗ: con người đã sử dụng tự do cách đồi bại. Đúng hơn, có thể nói như nhà văn Bernanos: “xì-căng-đan của thế giới không phải là đau khổ, mà chính là tự do. Thiên Chúa đã dựng nên thụ tạo tự do, đó là xì-căng-đan lớn nhất, và  mọi xì-căng-đan đều xuất phát từ đó” (G. Bernanos, “la liberté, pour quoi faire?”, Paris, Gallimard, coll. “Idées”, 1972, P.224). Đứng trước bức tranh đen tối vẽ lên bằng bao hành vi xấu xa bởi tự do con người, người ta có lẽ hơi “hối tiếc”: phải chi Thượng đế tạo ra một thế giới nô lệ hơn là tạo ra một thế giới có tự do ngự trị! Trong thế giới nô lệ ấy, có lẽ con người sẽ cảm thấy hạnh phúc vì  không phải sử dụng  tự do của mình !!!. Còn khi tạo nên con người có tự do, hẳn Thượng đế phải chấp nhận nguy cơ này là:  con người sẽ lạm dụng sự tự do ấy. “Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ Xì-căng-đan  này”…

Sự Dữ, phi hữu thể!?

Các triết gia đã từng đặt vấn đề về thực tại của Sự Dữ. Sự Dữ là một “thực tại”. Điều này rất hiển nhiên. Khi suy tư về Sự Dữ xét nơi chính nó, có thể nói: Sự Dữ không hiện hữu như một thực tại độc lập. Mọi bản tính đều ước muốn sự hiện hữu và hoàn hảo riêng của mình, tức những sự thiện. Và như vậy, Sự Dữ không thể là hữu thể hoặc bất kỳ một mô thể hay bản tính nào. Sự Dữ chỉ là sự khuyết mất hiện hữu, tức là khuyết mất sự thiện.

Thật vậy, Sự Dữ quả là thực hữu, nhưng không phải là một hữu thể. Sự Dữ đơn thuần “đội lốt” một thực tại, vì bất cứ điều gì ở trong thực tại đều là hữu thể. Do khi nhảy qua hào, tôi bị hụt chân nên bị gãy cẳng, và bởi vậy từ nay về sau tôi phải đi khập khiễng. Bước nhảy của tôi tự thân là tốt, chỉ có điều là nó thiếu mười xăng-ti-mét mà thôi. Chân của tôi tự thân là tốt, chỉ có điều là nó đã thiếu sự ăn khớp hoàn toàn giữa những khớp xương thôi… Cũng vậy, chiến tranh là một Sự Dữ, tuy nhiên những gì cấu thành nên nó lại có tính thiện tự thân; những thiết bị như máy bay, bom đạn…, xét như nguồn năng lượng, tất cả chúng đều tốt; bởi chính năng lượng của chúng mà người ta dùng để gây ra chiến tranh cũng có thể sử dụng cho thiện ích. Chỉ có điều là tất cả đã không được sử dụng vào mục đích xây dựng cuộc sống con người.

Hơn nữa, một điều tự thân là dữ thì không thể là điều “tự nhiên”  đối với vật nào cả: bởi vì Sự Dữ là khuyết mất điều tự nhiên nội tại- vốn là thiện hảo và phải có đối với vật ấy. Vậy, Sự Dữ vì là khuyết mất điều tự nhiên [phải có], cho nên không thể là điều tự nhiên đối với vật nào cả. Bởi vậy, phàm cái tự nhiên nội tại nơi mỗi vật đều là điều thiện, và điều ác là thiếu mất [điều tự nhiên đó]. Thành thử không có yếu tính nào tự thân là dữ. Có những điều xấu thực, nhưng Sự Dữ không phải là một “sự vật”thực. Sự vật có xấu thì không phải bởi điều chúng có nhưng là bởi điều chúng thiếu, không có, khi đáng lẽ ra chúng phải có (khuyết phạp). Như thế Sự Dữ không phải là hữu thể, nó là một “lỗ thủng” nơi hữu thể, một thiếu hụt. “Sự Dữ không phải là hữu thể; nó cũng không phải là một mô thể hay bản tính nào” (St.Thomas Aquinas, ST Ia. Q.48.a.1)

Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ “thiếu hụt” này”…

Sự Dữ, một thứ “phá đám”!?

Con người vốn nghĩ rằng Thượng đế là Đấng toàn năng và toàn thiện, nhưng Sự Dữ lại hiện hữu trong thế giới. Như vậy hoặc: Thượng đế không thể ngăn cản Sự Dữ, trong trường hợp này, Ngài không phải là Đấng toàn năng; hoặc Thượng đế không muốn khử trừ Sự Dữ, trong trường hợp này, Ngài không phải là toàn thiện. Dù trong trường hợp nào, Thượng đế cũng không hiện hữu hoặc bị hiểu sai.

Thật ra không có mâu thuẫn nào giữa khẳng định rằng có một Thượng đế toàn năng và toàn thiện với khẳng định có Sự Dữ. Nhưng nếu ngay từ đầu, chúng ta thêm vào những tiền đề hợp lý ấy rằng: sự thiện thì đối nghịch với Sự Dữ, theo đó, một hữu thể toàn thiện thì phải loại trừ Sự Dữ chừng nào có thể, và không thể có giới hạn điều mà hữu thể toàn năng có thể làm. Như vậy, chúng ta lại tự mâu thuẫn. Hữu thể toàn thiện, toàn năng phải loại trừ hoàn toàn Sự Dữ. Nếu thực sự có Sự Dữ thì không thể có hữu thể nào như thế. Vấn đề Sự Dữ, theo nghĩa chúng ta đang sử dụng ở đây, thiết yếu là vấn đề luận lý: nó đòi người hữu thần phải minh giải và, nếu có thể, hóa giải niềm tin mà họ đang theo đuổi là thật.

Như vậy, ai chủ trương rằng có Thượng đế, theo một nghĩa nào đó, chỉ là một Thượng đế không toàn thiện, hoặc dẫu rằng Ngài quyền năng nhưng không toàn năng, thì đương nhiên họ sẽ cảm thấy ‘thoải mái’ hơn. Cũng vậy, ai chủ trương rằng không có gì thực sự là điều dữ theo nghĩa điều dữ đối nghịch với điều thiện – vốn phát xuất từ Thượng đế -, thì Sự Dữ không còn là vấn đề đối với họ nữa. Dù thế nào đi nữa, Sự Dữ có muốn ‘phá đám’ thì rồi cũng sẽ bị chặn lại bởi chính niềm tin vào Thượng đế, Đấng toàn năng, toàn thiện. “Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ này”…

Sự Dữ, một nghịch thường cần thiết!?

Có thể nói những sự vật mà tự chúng là xấu vẫn có thể đóng góp vào sự thiện trong một “toàn thể hữu cơ”. Như vậy, thế giới này xét như một toàn thể, với một vài Sự Dữ trong đó, thì tốt hơn là khi không có Sự Dữ nào. Ý kiến này có thể được khai triển theo nhiều cách. Điều này có thể được xác nhận bằng phép loại suy theo nguyên tắc thẩm mỹ, quả thực sự tương phản càng làm tăng thêm vẻ đẹp. Chẳng hạn như trong một nhạc phẩm, những nốt nghịch âm, cách nào đó, làm tăng thêm vẻ đẹp của tác phẩm xét như một toàn thể. Theo thánh Thomas, một sự đối lập sẽ được nhận biết nhờ một đối lập khác, như bóng tối được nhận biết nhờ ánh sáng. Cũng vậy, chúng ta nhận biết Sự Dữ  nhờ sự thiện.

Chúng ta có thể gọi sự đau đớn của thể xác, bệnh tật, và những điều tương tự là Sự Dữ cấp thứ nhất; những điều tương phản với chúng, chẳng hạn như sự vui vẻ, hạnh phúc, được kể vào sự thiện cấp thứ nhất. Cứ thế, Sự Dữ và sự thiện song hành, tăng tiến với nhau. Cả hai – tuy đối lập –  không loại trừ nhau.

Hơn nữa, Thánh Augustinô là một trong những thần học gia đầu tiên tiếp cận vấn đề Sự Dữ dưới quan điểm thẩm mỹ học. Thánh nhân tìm thấy một nền tảng của hoà điệu đối nghịch nhau, “hoà điệu” – thậm chí giữa thiên đàng và địa ngục, cả hai đều được Thiên Chúa chăm sóc, quan phòng. Như thế, sự hài hòa hay hòa hợp – không phá hủy lẫn nhau, không làm phương hại đến nhau- giữa các thành tố xem ra đối nghịch nhau làm nên vẻ đẹp. Vị Thiên Chúa của thánh Augustinô được xem như một họa sĩ thời danh biết cách sử dụng những điểm tối để làm cho toàn bức tranh được đẹp, và vẻ đẹp trọn vẹn do sự chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa được xem như là tạm đủ để cân bằng giữa thực tại sắp đến và chiến thắng của cá nhân trên Sự Dữ trong lịch sử… Thiên đàng và địa ngục đều làm sáng lên vẻ đẹp trong vũ trụ của Thiên Chúa. Sự hoà điệu của vũ trụ được duy trì bởi nguyên tắc tương phản nhau. Sự tương phản giữa sự thiện và Sự Dữ sẽ làm nên vẻ đẹp phổ quát của vũ trụ. Thiên Chúa được xác tín không phải vì Sự Dữ nhưng bởi vì “do công lý của Người, mọi vật dù tốt hay xấu thì đều có chỗ riêng của nó”. Sự Dữ đi quá đà sẽ được cân bằng bởi hình phạt cho tâm hồn. Tự do là yếu tố đẩy Sự Dữ đi quá đà như Emmanuel Kant đã có lần phải thốt lên: “lịch sử của thiên nhiên bắt đầu bằng sự tốt lành, bởi vì nó là công trình của Thiên Chúa. Lịch sử của tự do bắt đầu bằng Sự Dữ, bởi vì nó là công trình của con người”. “Chính sự tự do của con người chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự dữ chứ không phải Thiên Chúa” (Thánh  I-rê-nê).

Tạm kết: Sự Dữ không phải là vấn đề để bàn luận, tranh cãi. Có tốn biết bao giấy mực, biết bao tư duy thì xem ra vẫn chẳng giải quyết được gì. Con người vẫn cứ ngụp lặn giữa bao cảnh khốn cùng của kiếp người, giữa biết bao Sự Dữ ngày càng đa dạng, biến hóa thiên hình vạn trạng. Dẫu thế nào, thì Sự Dữ thì vẫn cứ là một thách đố, một Xì-căng-đan, một phi hữu thể, một thứ phá đám và là một nghịch thường cần thiết.

 “Xin cứu chúng con cho khỏi mọi Sự Dữ” vẫn là lời cầu xin da diết khôn nguôi khi con người còn đang lữ hành về “Thành đô Thiên Chúa”. “Xin cứu chúng con cho khỏi mọi Sự Dữ” vẫn vang lên trong thánh đường trang nghiêm, hay rong ruổi trên khắp nẻo đường đó đây, nơi góc phố, trong bàn ăn, khi học hành. “Xin cứu chúng con cho khỏi mọi Sự Dữ” được thều thào trong tiếng người già cầu kinh, trong thanh âm trong trẻo, đơn sơ của các thiếu nhi… từ bây giờ và cho đến muôn thủa, muôn đời. Amen.