Việc Thanh Luyện Các Linh Hồn

0
1363


 

Việc Thanh Luyện Các Linh Hồn

(Trích từ Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập XIV, Hà Nội: Tôn giáo, tr. 348-378)

 

 

Trong các sách giáo lý, đề tài này thường đặt tên “luyện ngục” hay “luyện tội”. Chúng tôi muốn tránh từ “luyện ngục” bởi vì nó không phải là một cái “ngục” (một nơi giam giữ); từ “luyện tội” cũng không chỉnh lắm, xét vì mục tiêu không chỉ là thanh luyện khỏi tội lỗi mà còn thanh luyện khỏi các khuyết điểm nữa. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo trong bản dịch tiếng Anh đặt tựa đề ở số 1030 là The Final Purification, or Purgatory, và tiếng Pháp là La purification finale ou Purgatoire.

Thanh luyện (hay luyện ngục) thuộc về “cánh chung trung thời”, bởi vì nó sẽ không tồn tại sau ngày tận thế nữa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu đề tài này theo ba điểm: Thánh kinh, truyền thống Giáo hội, suy tư thần học.

I. Thánh kinh

Ông Luther không chấp nhận đạo lý về luyện ngục vì ông cho rằng thiếu cơ sở trong Thánh kinh. Vì thế, thần học Công giáo cố gắng tìm ra các bản văn Thánh kinh để xác nhận niềm tin của mình. Chúng ta hãy nghiên cứu hai bản văn thường được trưng dẫn hơn cả để xét giá trị của chúng và sau đó bổ túc với những đường hướng khác.

A. Những bản văn Thánh kinh

Hai đoạn văn thường được nhắc đến là 2Mcb 12,39-46 và 1Cr 3,10-15. Một bản văn thuộc Cựu ước, một thuộc Tân ước.

1. Sách Macabê II

Quyển II Macabê được viết vào khoảng năm 124 TCN, đánh dấu nhiều bước tiến trong mặc khải cánh chung. Ở chương 7, chúng ta đã gặp thấy chứng tích về niềm tin vào sự sống lại dành cho các vị tử đạo. Sang đến chương 12, chúng ta lại thấy chứng tích về việc cầu nguyện cho người đã qua đời được thúc đẩy bởi niềm tin vào sự phục sinh. Bản văn sau đây vẫn còn được sử dụng trong Thánh lễ cầu hồn:

Ngày hôm sau, vào lúc phải làm, quân của ông Giuđa đi thu các tử thi những người bị giết chết và đưa về chôn cất với những người thân trong mộ tổ tiên. Nhưng bên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta tìm thấy lá bùa của tượng thần ở Giamnia: đó là điều luật cấm; vì thế ai cũng thấy rõ bởi lý do nào những người ấy đã bị giết chết. Vậy mọi người chúc tụng Đức Chúa, vì Người là thẩm phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn. Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm. Vị anh hùng Giuđa khuyên nhủ toàn quân giữ mình sạch tội, vì họ đã nhìn thấy nhãn tiền những việc đã xảy ra là do tội của những người đã bị giết chết. Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi (2Mcb 12,39-46).

Đang khi đi thu xác của các chiến binh tử trận, người ta thấy họ mang lá bùa kính các thần. Đây là một điều mà luật cấm. Ông Giuđa tổ chức một cuộc lạc quyên để lấy tiền xin dâng “hy lễ xá tội” cho họ. Tác giả Sách Thánh đã khen ngợi cử chỉ này vì biểu lộ niềm tin vào sự sống lại dành cho những kẻ đã chết vì đức tin.

Bản văn không nói gì đến một “chỗ” giam giữ những người mắc tội nhẹ chưa được lên thiên đàng và không bị sa hoả ngục, mà chỉ nói rằng những người đã phạm tội (vì việc đeo bùa được xếp vào tội thờ ngẫu tượng, là một tội trọng chiếu theo Đnl 7,25) có hy vọng được sống lại, khi cái chết của họ giống như tử đạo (x. 2Mc 7,9.14). Ông Giuđa Macabê xin dâng hy lễ xá tội cho họ, ngõ hầu niềm hy vọng đó được thành tựu.

Một cách gián tiếp, tác giả chấp nhận rằng có thể áp dụng giá trị xá giải cho những người đã qua đời. Thực vậy, các nghi thức xá tội vốn được thiết lập cho những người sống (xem sách Lêvi, chương 4-5) thì ở đây lần đầu tiên được nhìn nhận là có giá trị cho cả những người đã qua đời nữa. Do đó, mặc dù tác giả không nói tới sự hiện hữu của “luyện ngục”, nhưng khi nêu bật giá trị của việc cầu nguyện cho người qua đời, nó đặt cơ sở cho đạo lý về việc có thể được xá tội sau khi chết.

Nên biết rằng, vào thế kỷ I TCN, Rabbi Shammai (50 TCN – 30 sau CN) đã rút ra hệ luận như sau: Vào lúc phán xét, sẽ có ba hạng người: một số người sẽ được sự sống vĩnh cửu; một số khác gồm những kẻ dữ sẽ bị hổ thẹn nhục nhã muôn đời; một hạng ở giữa, không hoàn toàn tốt mà cũng chẳng hoàn toàn xấu sẽ xuống hoả ngục (gehenna) để được thanh luyện, rồi sau đó họ sẽ được đưa lên trời.

2. Thư thứ nhất Côrintô

Đoạn văn thứ hai thuộc về Tân ước, trích từ thư thứ nhất thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô (3,10-17). Bản văn này nói đến lửa thanh luyện.

Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa (1Cr 3,10-17).

Bản văn này nằm trong bối cảnh của sự chia rẽ giữa các phe phái tại Côrintô, núp bóng đằng sau các lãnh tụ Phêrô, Phaolô, Apôlô. Thánh tông đồ nhắc nhở rằng tất cả các lãnh tụ đều chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa mà thôi, mỗi người góp phần của mình vào việc xây dựng ngôi nhà của Chúa. Vì thế, mỗi người hãy ý tứ trong việc tìm vật liệu xây cất, kẻo vào ngày tận thế, công trình của họ sẽ bị lửa hủy diệt. Tác giả sánh ví “Ngày của Chúa” như là lửa (câu 13): nếu vật liệu tốt, thì công trình sẽ tồn tại và người thợ được thưởng; nếu vật liệu xấu thì công trình bị tiêu hủy và người thợ sẽ bị phạt. Tuy vậy, còn có hạng thứ ba được cứu nhưng phải băng qua lửa.

Đoạn văn này đã được sử dụng để nói đến sự phân biệt ba hạng người sau khi chết: a/ Những người lành được lên thiên đàng; b/ Những người xấu phải xuống hỏa ngục; c/ Hạng người thứ ba được cứu rỗi nhưng cũng cần được thanh luyện bằng lửa, tức là lửa thanh luyện.

Tuy nhiên, nhiều nhà chú giải không nghĩ như vậy. Theo họ, thánh Phaolô đang nói đến “Ngày của Chúa” nghĩa là sự phán xét chung (chứ không phải là phán xét riêng sau khi chết). Thế nhưng, sự luyện tội thì chỉ diễn ra ở “trung thời” chứ đâu còn sau ngày tận thế!

B. Tư tưởng Thánh kinh

Dù sao, khi nghiên cứu Thánh kinh, chúng ta không nên chỉ tra tìm từng bản văn cụ thể, nhưng nên mở rộng đến toàn thể tư tưởng của Thánh kinh, đến bối cảnh tổng quát của mặc khải. Dưới khía cạnh này, có thể biện minh sự hiện hữu của việc thanh luyện tội lỗi sau khi chết với ba lý chứng sau đây: 1/ Sự thanh sạch cần thiết để được đến gần Chúa; 2/ Trách nhiệm cá nhân trong việc đền tội; 3/ Giá trị của sự cầu nguyện cho người qua đời.

1. Sự thanh sạch

Thánh kinh không ngừng đòi hỏi sự “thanh sạch” để xứng đáng đến gần nhan Chúa. Vào những giai đoạn sơ khai, sự thanh sạch được hiểu về các nghi thức tẩy uế (x. Xh 29,4; Lv 11 và kế tiếp), dần dần được chuyển qua nghĩa luân lý: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24,3-4). Trái lại, những ai không thanh sạch thì không thể nào được vào thành Giêrusalem cánh chung (Is 35,8; 52,1). Tư tưởng này được nhấn mạnh hơn trong Tân ước: “Phúc cho ai có lòng thanh sạch vì họ sẽ được thấy Chúa” (Mt 5,8); “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). “Không gì ô uế sẽ được vào Giêrusalem mới” (Kh 21,27).

2. Trách nhiệm cá nhân

Tư tưởng thứ hai của Thánh kinh là trong tiến trình cứu độ, con người phải góp phần vào sáng khởi hoà giải của Thiên Chúa, qua việc chấp nhận những hậu quả do tội mình gây ra. Một trường hợp điển hình là vua Đavít: sau khi phạm tội, ông đã thống hối và được Chúa tha tội; tuy vậy ông cũng phải “làm việc đền tội”, để sửa chữa những rối loạn mà tội đã gây ra (x. 2Sm 12,13-15).

3. Truyền thống cầu nguyện cho người qua đời

Hai nguyên tắc vừa rồi cho thấy rằng người nào đến lúc chết mà chưa đạt đến độ cao thánh thiện để có thể kết hiệp với Chúa, thì phải chịu sự thanh luyện. Chúng ta có thể thêm một nguyên tắc thứ ba nữa, đó là thói tục cầu nguyện cho người qua đời. Tục lệ này được chứng nhận trong Cựu ước với đoạn sách Macabê đã nói trên đây (2Mc 12,40 tt), và trong Tân ước với hai bản văn trong thư thánh Phaolô (1Cr 15,29 và 2Tm 1,16-18).

Trong 1Cr 15,29 thánh nhân nhắc đến việc rửa tội cho người chết. Các nhà chú giải đã tranh luận rất nhiều về đối tượng của tập tục này (rửa tội cho người dự tòng đã chết trước khi lãnh bí tích? Thân nhân rửa tội thay cho người chết để những người này được hưởng nhờ ơn ích?). Điều đáng nói là các Kitô hữu tiên khởi đã có tập tục cầu nguyện cho người qua đời.

Trong thư 2Tm 1,16-18 thánh Phaolô nhắn nhủ ông Timôthê hãy cầu nguyện cho ông Ônesiphorô, một người đã giúp đỡ Phaolô rất nhiều tại Êphêsô, ngõ hầu ông ta (nay đã qua đời) sẽ được Chúa xót thương trong “Ngày ấy”.

Như vậy, việc cầu nguyện cho người qua đời, vốn được thực hành trong đạo Do thái, nay được các Tông đồ chuẩn nhận, dựa trên hai tiền đề đã nêu trên đây. Ta có thể coi đó là cơ sở Thánh kinh về sự thanh luyện sau khi qua đời. Đạo lý này sẽ được khai triển thêm trong dòng lịch sử của Hội thánh.

II. Lịch sử Hội thánh

Sự tiến triển về giáo lý Thanh luyện trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử Hội thánh. Vào thời các giáo phụ, các tín hữu tiếp tục thói quen cầu nguyện cho những người đã qua đời. Sang thời Trung cổ, người ta bắt đầu suy tư về lý do và ý nghĩa của tập tục đó, và dẫn tới đạo lý về Thanh luyện dưới hình thức “luyện tội” và “luyện ngục”. Tuy nhiên, đạo lý này không được các Giáo hội Chính thống và sau này các Giáo hội Tin lành chấp nhận. Chúng ta hãy theo dõi chi tiết các giai đoạn vừa nói.

A. Thời giáo phụ

Trước hết, cần ghi nhận tục lệ cầu nguyện cho người chết đã có từ thời các Tông đồ, vẫn được tiếp tục duy trì trong suốt lịch sử Hội thánh. Chứng tích về tập tục này có thể gặp thấy nơi các hầm mộ, nghĩa trang, cũng như nơi nhiều tác phẩm của các giáo phụ.

1. Truyền thống cầu nguyện cho các tín hữu qua đời

Ông Tertullianô (+ sau 220) đã bình phẩm tập tục tổ chức những buổi cầu nguyện phụng vụ nhân ngày giáp năm qua đời.[1] Ngoài ra, ông cũng cho biết rằng ngoài các buổi cầu nguyện chung, người ta còn cầu nguyện riêng tư nữa, chẳng hạn như bà goá kia đã cầu cho chồng mình.[2]

Thánh Ephrem khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho các tiên nhân đã lìa trần vào dịp giỗ 30 ngày, bởi vì lời cầu nguyện của ta giúp ích rất nhiều cho những người qua đời. Ngài dẫn chứng bằng đoạn văn trong sách Macabê quyển II như đã trình bày ở trên.[3]

Thánh Cyrillô Giêrusalem tuyên bố rằng các Kitô hữu tin vào hiệu lực của lời cầu nguyện của cộng đoàn cho người chết, đặc biệt là Thánh lễ. Để trả lời cho những ý kiến chống đối tập tục này, thánh Cyrillô so sánh với thí dụ nhà vua tha thứ cho các phạm nhân nhờ lời chuyển cầu của những cận thần.[4] Như vậy, chúng ta nói là trong bốn thế kỷ đầu tiên, tập tục cầu nguyện cho người qua đời được phổ biến cả nơi các Giáo hội bên Đông (Syria, Giêrusalem) lẫn bên Tây phương (Rôma, Bắc Phi). Cách riêng, phụng vụ luôn nhắc đến tên những người ly trần và cầu nguyện cho họ trong các buổi cử hành Thánh lễ.

2. Cuộc thanh luyện bằng lửa

Ngoài các chứng tích về việc thực hành, các giáo phụ cũng sớm giải thích ý nghĩa của việc cầu nguyện cho người qua đời. Thánh Cyprianô viết:

Chờ đợi để được ơn tha thứ là một chuyện, còn được hưởng vinh quang là chuyện khác; bị tống vào ngục và phải trả nợ cho đến đồng xu cuối cùng thì mới được ra là một chuyện, còn được lãnh phần thưởng vì lòng tin và các nhân đức khác là chuyện khác; được thanh luyện (emundari) khỏi tội lỗi với những hình phạt lâu dài và bằng lửa là một chuyện (purgari diu igne…), được xá tội do việc tử đạo (passio) là chuyện khác; sau cùng, chờ đợi cho đến ngày Chung thẩm của Chúa là một chuyện, còn được lãnh triều thiên ngay tức khắc là chuyện khác.[5]

Bản văn này được viết trong bối cảnh cuộc bắt đạo (khoảng năm 250), trong đó một số tín hữu đã bỏ đạo (lapsi) nhưng sau đó trở lại và phải làm việc đền tội công khai. Trong thời gian này, họ không được lãnh nhận bí tích. Tuy nhiên, thánh Cyprianô cho rằng thời kỳ đền tội có thể rút ngắn lại, để các hối nhân được hoà giải, ngõ hầu trong cơn bắt đạo, họ có thể được các bí tích nâng đỡ. Tác giả còn thêm rằng nếu các tín hữu chưa được thanh luyện trước khi chết thì vẫn còn có “lửa thanh luyện” (ignis purificatorius)[6] nữa. Từ ngữ này trở thành khởi điểm của đạo lý về sự thanh luyện sau khi chết.

Từ giữa thế kỷ III trở đi, đề tài “luyện tội” được nhiều giáo phụ bàn đến, cả bên Tây (cách riêng là thánh Augustinô) lẫn bên Đông (cách riêng là các giáo phụ Cappađôxia: Basiliô, Grêgôriô Nazianzô, Grêgôriô Nyssa). Hơn thế nữa, ông Origene đòi hỏi rằng hết tất cả mọi người đều phải trải qua sự thanh luyện bằng lửa;[7] việc “rửa tội bằng lửa” (baptismus ignis) nhằm thanh tẩy linh hồn khỏi các khuyết điểm không thể nào tránh khỏi, trước khi vào thiên đàng.[8]

3. Hình phạt đền tội

Trong khi bên Đông phương, ông Origene nói đến sự “thanh luyện” (catharsis), thì các giáo phụ bên Tây phương nhấn mạnh đến sự “đền tội” (expiatio), chẳng hạn như các thánh Ambrôsiô, Giêrônimô, Augustinô. Theo thánh Augustinô, sự đau khổ của các linh hồn không phải chỉ do sự nóng lòng chờ đợi được sống lại vào ngày tận thế, nhưng ở chỗ họ phải lãnh hình phạt đền tội sau cuộc phán xét riêng. Các tín hữu tuy không mắc tội trọng vào lúc chết, nhưng còn bám víu vào những của phù vân hoặc các thú vui khoái lạc (cho dù hợp pháp) thì vẫn cần nhờ đến lòng thương xót của Chúa: họ được cứu rỗi “trải qua lửa” (per ignem).[9] Cần nói thêm là thánh Augustinô hiểu “lửa thanh luyện” (purgatorius, emendatorius ignis) khi thì theo nghĩa bóng lúc thì theo nghĩa đen. Nghĩa bóng: Các thú vui đó sẽ bị thiêu đốt bằng lửa của gian truân, thiếu thốn và những cơ cực khác (ad quem ignem pertinent et orbitates et quaecumque calamitates).[10] Nghĩa đen: “Tôi không tìm ra lý chứng chống lại niềm tin rằng các linh hồn phải chịu khổ sở vì lửa này, có lẽ tại vì thực đúng như vậy” (Si hoc temporis intervallo spiritus defunctorum eiusmodi ignem dicuntur perpeti … non redarguo, quia forsitan verum est”.[11] Sau thánh Augustinô, đạo lý về lửa luyện tội được khai triển nhờ thánh Grêgôriô Cả.

Sang thời Trung cổ, với khuynh hướng kinh viện chú trọng đến bản chất của các hữu thể, tính từ “thanh luyện” (purgatorius) xưa nay vốn đi kèm với một danh từ (lửa, hình phạt: ignis purgatorius, poena purgatoria) trở thành một danh từ và ám chỉ một nơi: Purgatorium (luyện ngục).[12] Thực ra, tư tưởng về một “tù ngục” đã xuất hiện từ thời ông Tertullianô (De anima, 58,8) khi chú giải Mt 5,25-26. Đối với thánh Tôma Aquinô, đạo lý về luyện ngục thuộc về đức tin.[13]

B. Cuộc tranh luận với các Giáo hội Đông phương

Một trong những lý do gây ra sự chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống (Constantinopolis) là đạo lý về luyện ngục. Những vấn nạn về phía các giáo hội Hy lạp được đưa ra trong các phiên họp công đồng hiệp nhất.

1. Tại công đồng Lyon II (1274), cuộc tranh luận cho thấy các Giáo hội có những lối giải thích khác nhau:

– Tây phương nhấn mạnh đến “nơi (locus) thanh luyện” (luyện ngục); còn Đông phương thì chú trọng đến “trạng thái” (status) thanh luyện.

– Tây phương nhấn mạnh đến việc đền tội; Đông phương thích nói đến thanh luyện tiến tới sự trọn lành (trên tiến trình “thần hóa).

– Tây phương hiểu “lửa” theo nghĩa đen và có nguy cơ rơi vào thuyết “hỏa ngục lâm thời” (chứ không vĩnh viễn) của Origene.

2. Công đồng Firenze (1439-1445) tìm cách đạt tới sự thoả hiệp với các giáo hội Hy lạp (Decretum pro graecis: 6/7/1439). Các quyết định được tóm lại vào ba điểm:

– Các tín hữu nào chưa được thanh luyện hoàn toàn thì cần phải thanh luyện. Công đồng tránh dùng danh từ “purgatorium” mà chỉ dùng động từ “purgari”; như vậy là muốn nói đến “tình trạng” hơn là “nơi”.

– Sự thanh luyện này có tính cách hình phạt (“poenis purgatoriis”) chứ không phải chỉ thánh hóa. Tuy nhiên, công đồng không đi sâu vào bản tính của hình phạt, nghĩa là không muốn nói tới lửa.

– Lời cầu nguyện của những người còn sống có thể giúp ích cho người chết.

C. Cuộc tranh luận với Luther

Trong cuộc tranh luận tại Leipzig năm 1519, ông Luther nói rằng đạo lý về luyện ngục không có trong Thánh kinh (ông không nhận quyển II Macabê trong sổ quy thư), nhưng ông vẫn tin bởi vì dựa theo truyền thống các giáo phụ. Tuy nhiên, một năm sau, mệnh đề của ông bị Giáo hoàng Lêô X luận phi trong sắc chỉ Exsurge Domine (15/6/1520) bởi vì ông viết rằng đạo lý về luyện ngục không có trong Thánh kinh, và những người ở trong luyện ngục không nắm chắc phần rỗi linh hồn (luận đề số 37-40: DS 1487-1490).

Dù sao, chính tại cuộc gặp gỡ tại Augsburg năm 1530 mà ông Luther đã bãi bỏ hoàn toàn đạo lý về luyện ngục (Em Widerruf vom Fegfeuer: Xét lại luyện ngục). Ngoài vấn nạn đạo lý thanh luyện thiếu cơ sở trong Thánh kinh, ông còn vạch ra một khuyết điểm nữa, đó là con người tìm cách cứu rỗi do sức năng của mình (đền tội) chứ không dựa vào công trạng của Đức Kitô. Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta nơi Đức Kitô, và đã chuyển ơn công chính của Đức Kitô cho hết mọi người chúng ta: do đó tất cả mọi tội lỗi dù nặng đến mấy đi nữa cũng đã được tha thứ rồi.

Công đồng Trentô bàn đến luyện ngục cách gián tiếp trong sắc lệnh về ơn nên công chính.[14]

Xét về nội dung đạo lý, không có gì mới so với công đồng Firenze; chỉ khác là lần này được lồng trong khung cảnh của tiến trình tha tội và thánh hóa: Con người được trở nên công chính nhờ chính sự công chính của Thiên Chúa; tuy nhiên sự thông dự vào ơn công chính có thể vẫn còn bất toàn, vì thế con người cần được thanh luyện.

Xét về phương diện kỷ luật, công đồng Trentô chấp nhận vài chỉ trích hữu lý của Tin lành, và yêu cầu rằng khi trình bày đạo lý hãy tránh việc khiêu khích tính tò mò, thay vì tìm cách xây dựng lòng đạo đức; đồng thời cũng nên thận trọng đối với những hình thức đạo đức bình dân pha lẫn dị đoan mê tín.

D. Thời hiện đại

1. Công đồng Vaticanô II

Công đồng Vaticanô II bàn đến tình trạng thanh luyện sau khi chết trong chương VII của Hiến chế Lumen Gentium. Ở số 49, công đồng nhìn nhận rằng có những tín hữu “đã qua đời và đang được thanh luyện” (alii hac vita functi purificantur). Ở số 50, đạo lý về sự thông hiệp giữa hết mọi phần tử Hội thánh được dựa trên thói tục bắt nguồn từ thuở ban đầu Kitô giáo về việc tưởng niệm người chết và cầu nguyện cho họ. Bản văn trưng dẫn 2Mcb 12,46 theo bản dịch Vulgata “quia sancta et salubris est cogitatio pro defunctis exorare ut a peccatis solvantur” (bởi vì việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho người qua đời để họ được khỏi tội là một điều thánh thiện và hữu ích). Chúng ta lưu ý rằng công đồng dùng từ purificare (thanh luyện, làm cho nên thanh sạch) hơn là purgare (tẩy luyện), expiare (xá tội). Cuối cùng, trong phần kết thúc chương VII trình bày về đường hướng mục vụ, công đồng tái khẳng định đạo lý cổ truyền của Giáo hội như sau:

Thánh công đồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải thanh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệch của thánh công đồng Nicea II, Firenze và Trentô (LG 51a).

2. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo

Sách GLCG bàn đến Thanh luyện ở các số 1030-1032, tóm lại trong các điểm sau:

– Các linh hồn cần được thanh luyện để hoàn tất sự thánh thiện cần thiết để được vào thiên đàng (số 1030). Sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một “nơi chốn”, lại càng không thể nói đến “thời gian” bao lâu.

– Các linh hồn có thể được chúng ta giúp đỡ bằng lời cầu nguyện (số 1032).

– Luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn (số 1031): luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục.

– Sách GLCG trích dẫn cụm từ “lửa thanh luyện” (x. 1Cr 3,15; 1Pr 1,7) nhưng không nói là phải hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng (số 1032).

III. Suy tư thần học

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng cần phải sửa chữa vài quan niệm sai lầm về luyện ngục.

Thứ nhất, luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn! (Thậm chí có người ví lửa hoả ngục và lửa luyện ngục giống như nhau). Luyện ngục và hoả ngục khác biệt nhau một trời một vực: hoả ngục dành cho những ai đã quay lưng lại với Chúa và không bao giờ hy vọng sẽ được kết hiệp với Chúa. Trái lại, những người ở trong luyện ngục vẫn kết hiệp với Chúa nhờ đức mến, và họ chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng nhan Chúa sau thời kỳ thanh luyện (x. GLCG 1031).

Thứ hai, qua những cuộc trao đổi với các Giáo hội Đông phương, công đồng Firenze chấp nhận rằng sự thanh luyện (purificatio) được hiểu như là một tình trạng (status) hơn là một chỗ, một nơi nào (locus).

Mặt khác, tuy khẳng định sự cần thiết của việc thanh luyện, nhưng Huấn quyền không xác định đối tượng và bản chất của nó. Các nhà thần học đã đưa ra nhiều ý kiến chung quanh hai điểm này.

A. Đối tượng thanh luyện

Khi nói đến sự thanh luyện, thần học Công giáo quen nhấn mạnh đến khía cạnh “đền tội”. Việc “luyện tội” được hiểu như thanh luyện khỏi những tàn tích của tội lỗi, đó là các tội nhẹ, khuynh hướng chiều theo tội lỗi và các “hình phạt tạm thời” do tội gây ra.

Văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế giải thích như sau (số 8.1):

Hội thánh khẳng định rằng bất cứ vết nhơ nào cũng làm ngăn trở việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và với Đức Kitô. Điều này được hiểu không những về những vết nhơ làm đổ vỡ và phá tan tình bạn hữu với Thiên Chúa, và vì thế, nếu ở lỳ trong sự chết sẽ khiến cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa dứt khoát không bao giờ thực hiện được nữa (tội trọng). Nhưng còn về những vết nhơ làm lu mờ tình bạn hữu ấy cũng cần phải được thanh luyện, ngõ hầu cuộc gặp gỡ có thể diễn ra được. Các vết nhơ này thuộc về những “tội hàng ngày” hay được gọi là tội nhẹ, và những vết tích của tội lỗi còn lưu lại trong con người đã được nên công chính sau khi được tha thứ ¼ Chỉ khi nào chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta mới có thể được thông hiệp với Thiên Chúa (x. Rm 8,29).

1. Các tội nhẹ

Các tội nhẹ cũng là “tội”, nghĩa là làm mất lòng Chúa tuy chưa đến nỗi làm ngăn trở phần rỗi. Dù sao, tội nhẹ làm ngăn trở lòng mến Chúa hoàn hảo và vì thế cần được Chúa tha thứ. Theo thánh Tôma Aquinô, tội nhẹ có thể được tha thứ bằng một hành vi mến Chúa cách trọn vẹn. Thế nhưng, khi còn sống trên đời này, hành vi mến Chúa mang tính cách “tự nguyện” và có giá trị đền tội. Khi đã chết, thì hành vi đó mang tính cách “thụ hình”, “chịu đựng”…[15] Dù sao, dựa theo lập luận này, “thời gian luyện tội” không thành vấn đề, bởi vì rất có thể chỉ diễn ra trong chớp mắt, vào chính ngay lúc chết, nhờ một hành vi yêu mến cực độ (do chính Chúa ban).

2. Khuynh hướng chiều theo tội lỗi

Các khuynh hướng chiều theo tội lỗi, quen gọi là “dục vọng” (concupiscentia). Tự bản chất, dục vọng không phải là tội lỗi. Nhưng khi ta còn sống trên đời này, chúng thường xúi giục ta hướng về tội lỗi, do những tập quán xấu hoặc những quyến luyến vào của cải phù vân. Cũng như đối với tội nhẹ, chúng có thể được thanh luyện nhờ một hành vi mến Chúa cách trọn vẹn, một điều khó xảy ra khi còn sống trên đời.

B. Hình phạt tạm thời của tội lỗi

Ngay từ thời Trung cổ, thần học kinh viện đã phân biệt tội lỗi (culpa) và hình phạt (poena). Khi “lỗi phạm” (culpa) đến Chúa, không những ta đánh mất ơn nghĩa với Ngài mà còn gây rối loạn trật tự trong vũ trụ hoặc ngay chính bản thân mình (vì quyến luyến với thọ tạo hơn Chúa). Vì thế ta cần phải được ơn tha thứ trong bí tích Hòa giải và phải chỉnh đốn những rối loạn cùng đền tội bằng các “hình phạt” (poena) hoặc ở đời này hoặc trong luyện ngục, mặc dù đã được tha tội rồi (thí dụ khi đã ăn cắp của ai thì phải trả lại, nếu không sẽ phải chịu “hình phạt tạm thời” (poena temporalis) trong luyện tội (x. GLCG 1459. 1472). Sự phân biệt này dựa theo tích truyện của vua Đavít, sau khi được Chúa tha tội, vua vẫn phải “đền tội” (2Sm 12,13-15).

Dựa trên sự phân biệt này mà nảy ra đạo lý về các ân xá (indulgentia): Nhờ lời chuyển cầu của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh, Hội thánh ban ân xá cho các tín hữu, nghĩa là giảm bớt “hình phạt tạm thời” cho họ. Nếu giảm hết mọi hình phạt thì gọi là “toàn xá” (indulgentia plenaria), nếu không thì chỉ là “ân xá bán phần” (partialis). Các ân xá có thể được “chỉ” cho các linh hồn đang được thanh luyện (x. GLCG 1471. 1479).

C. Bản chất của thanh luyện

Đạo lý Công giáo chỉ nói rằng các linh hồn cần phải được thanh luyện, nhưng không đi sâu vào bản tính của sự thanh luyện. Các tác giả đưa ra nhiều ý kiến: đau đớn do đền tội, thanh lọc trong tiến trình nên thánh. Truyền thống thường nói về hình phạt “lửa”; thiết tưởng ta nên hiểu theo nghĩa biểu tượng: nó biểu lộ vẻ uy nghi của Thiên Chúa, hoặc cơn thịnh nộ của Thiên Chúa; nhưng nó cũng là biểu tượng của sự thanh luyện và sự chấp nhận (lửa thiêu lễ vật); ngoài ra chúng ta đừng nên quên “lửa” của tình yêu (x. Dc 8,7).

1. Đau đớn để đền tội

Khi bàn về luyện ngục, nhiều tác giả chỉ lưu ý đến “lửa luyện tội” để nói lên sự đau đớn nhức nhối trong giai đoạn này. Thậm chí, người ta dễ dựa theo óc tưởng tượng để chế tạo các hình phạt tương ứng với các tội trước đây: ai mê ăn uống, bấy giờ sẽ khô ráo cổ họng; ai quen phạm tội về miệng lưỡi sẽ chịu đốt lưỡi! Hình ảnh này xem ra giống như địa ngục Phật giáo! Nên ghi nhận một số suy tư về “hình phạt” này.

a) Sự thanh luyện kèm theo một thứ đau đớn nào đó, nhưng thiết tưởng không hẳn phải là đau đớn về giác quan. Thánh Tôma cho rằng nguyên sự nôn nao muốn về thiên đàng cũng đã đủ tạo nên cực hình rồi.[16] Thực vậy, nếu các tội nhân hoả ngục đau đớn vì phải mãi mãi lìa xa Chúa, mất Chúa, thì các linh hồn đang bị thanh luyện phải trải qua một thứ cực hình khác: việc họ mong mỏi nao nức chờ đợi được về với Chúa đối tượng và nguồn mạch của tình yêu đích thực, đã đủ “thiêu đốt tâm can” rồi! Họ đau đớn vì tình yêu, vì trước kia chưa mến Chúa cho đủ. Việc xa cách Chúa tạm thời sẽ giúp cho họ trân quý tình yêu hơn, trở nên xứng đáng hơn, để có thể yêu Chúa đến vô hạn.

b) Mức độ thanh luyện. Sự thanh luyện không đồng đều cho tất cả mọi người như nhau. Cường độ thanh luyện thay đổi tùy theo mỗi người: kẻ nhiều tội kẻ ít tội, người mến nhiều người mến ít.

c) Thời gian thanh luyện. Các nhà thần học cũng đã một thời tranh luận về “thời gian” thanh luyện. Hồi thế kỷ XVI, cha Dominico Soto OP cho rằng tối đa là 10 năm, nhưng thời hạn này bị thánh Robertô Bellarminô SJ xét là quá ít. Trái lại, không thiếu phong trào đạo đức bình dân (chẳng hạn mang áo Đức Bà Carmêlô) còn rút ngắn thời hạn hơn nữa: họ sẽ được cứu thoát khỏi luyện ngục vào ngày thứ bảy liền sau khi qua đời. Ngày nay, người ta tỏ ra dè dặt hơn với các ý kiến đó, bởi lẽ khái niệm “thời gian” chỉ có giá trị khi còn sống trên đời này (hoặc ít là trong thái dương hệ này); một khi “bước sang bên kia thế giới” các ý niệm “ngày tháng năm” sẽ không còn giá trị như hiện nay nữa: “Đối với Chúa một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2Pr 3,8).

2. Tiến trình nên thánh

Thần học bên Đông phương chú trọng đến khía cạnh “tiến triển đức ái” hơn là “đau đớn đền tội”. Suốt cuộc đời Kitô hữu là tiến trình nhắm đến sự trọn lành giống như Cha trên trời hoặc “thiên hoá” (thần hoá). Ở trên trời này, khó lòng chúng ta đạt đến trình độ hoàn thiện. Vì thế cần phải tiếp tục tiến trình này sau khi qua đời.

Thực ra, ta cũng thấy nét tương tự nơi thần học huyền nhiệm (mystic theology) của thánh Gioan Thánh giá. Các tác phẩm nổi tiếng của thánh nhân nói đến việc tiến lên núi thánh. Trong tiến trình này, trước hết con người phải thanh tẩy khỏi tội lỗi và các tật xấu: đó là giai đoạn thanh luyện chủ động; tiếp đó, chính Thiên Chúa sẽ ra tay thanh luyện linh hồn, để nó được gột rửa khỏi sự quyến luyến và dính bén với loài thọ tạo và chỉ gắn bó với một mình Thiên Chúa “hết lòng hết linh hồn hết trí khôn”.[17]

Một cách tương tự như vậy, sử dụng một hình ảnh lấy từ sách Khải huyền: “Đầu Người tóc trắng như len trắng, như tuyết; mắt Người như ngọn lửa hồng; chân Người giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò” (Kh 1,14-15), cha Hans Urs von Balthasar giải thích rằng sự thanh luyện có thể ví như cuộc gặp gỡ giữa người tín hữu với khuôn mặt đầy lửa của Đức Kitô: Họ được kết hiệp với mầu nhiệm Vượt qua của Người; nhờ tiếp xúc với thập giá, các khuyết điểm của họ sẽ được thiêu đốt và tiêu hủy. Dĩ nhiên sự tham dự vào mầu nhiệm Thập giá bao hàm đớn đau, nhưng cũng chan chứa tình thương và hy vọng.[18]

3. Biểu lộ tình thương

Dù nhìn dưới khía cạnh đền tội hay dưới khía cạnh thánh hoá, chúng ta đừng nên quên tính cách “hai chiều” của sự thanh luyện: Đây không chỉ là “việc làm” của con người (đau khổ, cố gắng) mà còn là “việc làm” của Thiên Chúa nữa.

a) Sự thanh luyện nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài không chỉ trừng phạt cho hả giận, nhưng Ngài muốn cho chúng ta nên hoàn thiện, thanh sạch ngõ hầu xứng đáng chiêm ngắm nhan Chúa.

b) Sự thanh luyện nói lên tình yêu của Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta đến độ “ghen”, nghĩa là Ngài muốn cho chúng ta dành trọn cả mối tình cho Ngài, chứ không quyến luyến với thụ tạo nào.

Nhìn dưới lăng kính của tình yêu, ta có thể suy ra tâm trạng “mâu thuẫn” nơi các linh hồn đang chịu thanh luyện. Họ đau đớn do hình phạt đền tội, do sự khắc khoải vì chưa được lên thiên đàng. Nhưng họ vui sướng bởi vì chính tình yêu Chúa đang thanh luyện họ. Họ đang “tập yêu mến” cách trọn hảo hơn, cắt đứt những ràng buộc với thụ tạo. Họ cũng vui sướng vì được bảo đảm về phần rỗi, bởi vì họ chắc chắn rằng mình sống trong ân sủng và đức ái.

4. Cánh chung trung thời

Dù bàn dưới khía cạnh nào đi nữa, không ai bị “giam trong luyện ngục” đến mãn đại! Sau khi được thử luyện, họ sẽ được đưa về thiên đàng. Hơn thế nữa, theo ý kiến của các nhà thần học, “luyện ngục” cũng sẽ chấm dứt sau ngày cánh chung. Thánh Tôma[19] đưa ra ba lý do giải thích vì sao luyện ngục sẽ không tồn tại sau ngày tận thế:

– Bởi vì cuộc thanh luyện phổ quát và những cuộc bắt bớ vào thời cuối cùng sẽ có hiệu năng thanh luyện hết mọi người.

– Bởi vì nhờ những thanh luyện đã thực hiện trong giai đoạn lữ hành tại thế.

– Bởi vì sự kinh hoàng do biến cố Quang lâm gây ra khiến cho thời gian thanh luyện được rút ngắn lại.

Dù sao, đây chỉ là những ý kiến giải thích, chứ không phải là đạo lý buộc ta tin!

D. Vài hệ luận thực tiễn

Trong phần kết luận, chúng ta sẽ rút ra vài hệ luận thực tiễn cho đời sống đạo và bổ túc thêm vài điểm khác.

1. Sống đức ái trọn hảo

Trong quá khứ, người ta thường suy ngắm đến “hình khổ luyện ngục” để thúc giục ta xa lánh tội lỗi, dù chỉ là tội nhẹ hoặc khuyết điểm. Thiết tưởng, chúng ta nên có cái nhìn tích cực hơn: suy niệm sự thanh luyện để tiến hơn trong đức ái trọn hảo. Trong bối cảnh đó chúng ta chấp nhận sự “khổ chế” nhằm tăng trưởng thêm đức ái. Như chúng ta đã biết, các giáo phụ đã tổng hợp các việc “khổ chế” hoặc “hãm mình đền tội” vào ba công tác chính: cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái (x. GLCG 1434; 1969). Ba lời khấn dòng không những nhằm tới việc chế ngự ba “dục vọng” (x. 1Ga 2,15-17) mà còn giúp chúng ta đạt đến đức ái trọn hảo.[20]

2. Cầu nguyện cho các tín hữu qua đời

Một hệ luận khác của đạo lý về sự thanh luyện là thúc giục chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Tập tục này đã có từ cuối thời Cựu ước và suốt dòng lịch sử Giáo hội (x. GLCG 1032; 958; 1371; 1689). Ngoài những hình thức cầu nguyện riêng tư, ngay cả phụng vụ cũng khuyến khích tục lệ này, khởi đầu từ Thánh lễ nơi đó Hội thánh hiệp thông với các thánh trên trời cũng như với các linh hồn còn đang chịu thanh luyện. Hàng năm, ngày 2 tháng 11 được dành để cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đã qua đời tiếp sau lễ kính Các Thánh. Nguồn gốc của ngày kính nhớ các linh hồn là sáng kiến của cha Odilon, viện phụ Cluny (dòng Biển Đức) năm 998. Việc cầu nguyện cho các linh hồn (bằng sự cầu nguyện cũng như bằng các hình thức hãm mình, bác ái) là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với họ cũng như tình hiệp thông trong nhiệm thể Chúa Kitô.

3. Các tín hữu qua đời cầu nguyện cho ta?

Chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đang chịu thanh luyện. Chúng ta có thể xin họ cầu nguyện cho chúng ta không? Ý kiến các nhà thần học không đồng nhất. Nhiều người cho rằng các linh hồn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Nhưng thánh Tôma Aquinô nghĩ ngược lại: Các linh hồn còn phải thanh luyện chưa nhìn thấy nhan Chúa, vì thế họ không thể biết lời van nài của chúng ta.[21] Dĩ nhiên, khi nào lên thiên đàng, họ sẽ không quên ơn chúng ta đâu.

Vì không muốn giải quyết cuộc tranh luận thần học vừa nói, nên khi ban hành Hiến chế tín lý về Hội thánh, công đồng Vaticanô II đã cắt bỏ một câu nằm trong các lược đồ dự thảo tương đương với số 50a: “Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ những người đã chết, và đối lại, nhờ họ cầu nguyện cho mình (atque vicissim se orationibus eorum sedulo commendando)”.[22]

4. Việc chiêu hồn

Chúng ta biết rằng bên Phật giáo cũng có lễ cầu siêu hoặc lễ Vu Lan nhằm cầu xin cho vong hồn các người thân được thoát khỏi địa ngục. Thiết tưởng tục lệ này không có gì trái nghịch với truyền thống cầu nguyện cho các linh hồn mà chúng ta đang bàn. Tuy nhiên, Giáo hội không thể nào chấp nhận tục lệ “cầu hồn” theo nghĩa là cầu cơ, gọi hồn, chiêu hồn. Tục lệ này được đặt tên là spiritism hoặc necromancy trong các ngôn ngữ Âu châu.

Vào thời “văn minh” hiện nay, phong trào này được khơi dậy tại nhiều giáo phái và tại Việt Nam, đặc biệt là đạo Cao Đài. Họ nại đến những thế lực đen tối, bùa ngải và có khi chạy đến ma quỷ để cầu cơ, ếm chú nữa. Nhưng chúng được che chắn với những bức phông từ ngữ đầy hấp dẫn như một hình thức thuộc tín ngưỡng dân gian: “hầu đồng”, “lên đồng”, “sinh hoạt tâm linh” …

Việc chiêu hồn hay cầu hồn đã được thực hiện từ xưa tại nhiều nơi và đã bị Cựu ước nghiêm cấm (x. Lv 19,31; 20,6; Đnl 18,10-14; Is 8,19; 1Sm 28,1tt; 1Sbn 10,13-14). Thánh kinh phi bác việc vua Saul đi gặp bà đồng bóng để gọi hồn ông Samuel (‘obot) (1Sm 28,3-25)[23] và thậm chí còn gán cái chết của Saul là do việc tìm đến đồng bóng nữa (1Sb 10,13-14).

Sang thời Tân ước, các tông đồ cũng duy trì lệnh cấm này khi từ chối mọi loại ma thuật (x. Cv 13,6-12; 16,16-18; 19,11-20). Giáo hội Công giáo đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ tục lệ này vì nó chứa đựng nhiều điểm không phù hợp với đức tin Công giáo. Công đồng Vaticanô II cũng đã nhắc đến những văn kiện chính yếu của Huấn quyền “chống lại mọi hình thức gọi hồn”.[24] Sách GLCG liệt vào số những tội trái nghịch với giới răn thứ nhất (số 2117), bởi vì nó bộc lộ sự thiếu tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Giáo hội càng mạnh mẽ lên án những ai cầu cứu ma quỷ để dự đoán tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta cần xác định phạm vi mà Giáo hội can thiệp trong vấn đề này: khoa học, tín lý, luân lý và tâm lý.

a) Về khoa học

Giáo hội không xét vấn đề dưới khía cạnh khoa học, nghĩa là không tuyên bố cuộc gọi hồn là thực hay giả, người bị nhập có lành mạnh về tâm lý không, có bị bệnh tâm thần không. Trong khi đó, những trường hợp các phép lạ hiện ra và mặc khải tư, Giáo hội phải có một ủy ban điều tra với các quy chuẩn biện phân rõ rệt và có kiểm chứng khoa học.

b) Về tín lý

– Linh hồn những người đã chết đều tùy thuộc vào Chúa. Sau khi chết linh hồn phải đến trình diện trước nhan Chúa để chịu định đoạt theo số phận: phải chịu hình phạt đời đời, phải ở trong tình trạng thanh luyện hoặc được hưởng nhan thánh Chúa (x. GLCG 1022). Vì thế, chúng ta có thể nói rằng sau khi chịu phán xét, linh hồn sẽ không tự ý đi vất vưởng, lang thang quấy nhiễu người khác, tuy vẫn còn cái “tôi” tồn tại (không trở về hư vô).[25]

– Khi kêu cầu ma quỷ cứu giúp để gọi hồn và để thể hiện quyền lực của mình trên tương lai, người thực hành chiêu hồn đã xúc phạm đến niềm tin tưởng vào Thiên Chúa (GLCG 2117). Họ cũng xúc phạm đến quyền bất khả xâm phạm vào sự yên nghỉ của những người đã khuất, dù đó là một vong hồn lành thánh. Ngoài ra, gọi hồn còn bày tỏ niềm tin vào những “mặc khải” dù xác thực dù giả dối của ma quỷ và thuộc hạ của chúng. Chúng ta chỉ tin vào Thiên Chúa, chứ không được tin các “mặc khải” do các linh hồn hoặc ma quỷ tiết lộ!

c) Về luân lý và tâm lý

– Giáo hội cấm chiêu hồn vì trái nghịch với giới răn thứ nhất: thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa.

– Điều này cũng trái nghịch với sự tin tưởng nơi chính mình: họ ký thác tương lai cho may rủi hoặc ma quỷ, thay vì can đảm lãnh nhận trách nhiệm.

– Chiêu hồn rất nguy hiểm cho người yếu vía. Ý chí của người chiêu hồn và người bị nhập ngày càng trở nên yếu đi, thụ động, mất tự chủ, mất thăng bằng, luôn bị ám ảnh. Ngoài ra những lời phán truyền của họ thường khó hiểu, mâu thuẫn, gây hoang mang, lo lắng cho kẻ hầu đồng.

E. Phụ thêm: ngục lâm bô

1. Truyền thống Công giáo

“Luyện ngục” là nơi dành cho các linh hồn đang được thanh luyện trước khi được vào thiên đàng. Trong quá khứ, nó được trình bày như một cái ngục giam giữ các linh hồn. Ngoài luyện ngục (và hoả ngục), các sách thần học cổ truyền còn nói đến “ngục tổ tông” và “ngục lâm bô”. Cả hai đều được gọi bằng một danh từ La tinh Limbus (có nghĩa là: rìa, biên cương, lằn ranh), nhằm ám chỉ một chỗ nằm ở giữa thiên đàng và hoả ngục. Trên thực tế, có hai thứ “limbus”, một dành cho các tổ tông và một dành cho các em bé chết trước khi được rửa tội.

a) Ngục tổ tông (Limbus Patrum) được hiểu là nơi giam giữ những người công chính qua đời trước khi được Chúa Giêsu giải thoát nhờ mầu nhiệm Vượt qua (x. 1Pr 3,19; Hr 11,40; 12,23). Dĩ nhiên ngày nay, ngục này không còn nữa (x. GLCG 633-635).

b) Ngục lâm bô của các em bé (Limbus puerorum) là kiểu nói được thành hình vào cuối thế kỷ XII sang đầu thế kỷ XIII để chỉ “nơi chốn nghỉ ngơi”, “vùng ngoại biên” của miền bên dưới, nơi giam giữ các trẻ em qua đời khi chưa được rửa tội: các em còn mắc tội tổ tông. Nói rằng đó là cái “ngục” thì không đúng: các em không phải chịu hình phạt nào; chỉ có điều là các em không được hưởng nhan Chúa (hạnh phúc siêu nhiên).

Trước đây, nhiều người tưởng rằng ngục lâm bô cũng thuộc về đạo lý Công giáo giống như luyện ngục. Thực sự đây không phải là tín điều của Giáo hội mà chỉ là một tư tưởng do thánh Augustinô khởi xướng trong khi chống lại giáo phái Pêlagiô (phủ nhận tội của Ađam truyền lại cho con cháu). Sau đó tư tưởng này trở thành chủ đề đáng chú ý của thần học La tinh suốt thời Trung cổ.[26]

2. Huấn quyền ngày nay

Quan điểm của GLCG đối với số phận các em bé chết trước khi được rửa tội mang tính cách bao dung, như đọc thấy ở số 1261:

Đối với các trẻ em chết mà không được rửa tội, thì Hội thánh chỉ biết ký thác các em cho lòng lân tuất Chúa ¼ Thực vậy, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được cứu rỗi, và lòng ưu ái của Chúa Giêsu dành cho các em bé khi nói: ‘Hãy để các em đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng’ khiến chúng ta hy vọng rằng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà không được rửa tội.

Ngày 19/1/2007, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chấp nhận một văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế trực thuộc Bộ Giáo lý Đức tin mang tên Niềm hy vọng được ơn cứu thoát đối với những em bé chết mà chưa được chịu Phép Rửa. Văn kiện khẳng định tình yêu vô biên của Ba Ngôi chí thánh muốn ban ơn cứu độ đến với hết mọi người, nhất là những người bé mọn. Người thể hiện mục tiêu đó vượt trên sự hiểu biết của chúng ta. Người có thể ban ân sủng của Phép Rửa mà không có bí tích, nhất là khi ta không thể nào làm Phép rửa được, bởi vì quyền năng và tình thương của Người không bị giới hạn vào các bí tích. Các em bé chết mà không được chịu Phép rửa sẽ lãnh nhận ơn cứu thoát từ Đức Kitô và được chiêm ngắm Thiên Chúa cách trọn vẹn (x. số 81-82) bởi vì các em được liên kết với Ngài bằng nhiều cách thế. Có thể kể ra 3 trường hợp (số 85-87): – Những em bé phải chịu đau khổ và chết. Trường hợp này các em được thông phần với cái chết cứu độ của Đức Kitô và cùng đồng hành với Người.

– Những em bé chịu đau khổ và chết vì là nạn nhân của bạo lực, của nạn phá thai. Trường hợp này giống như các thánh Anh Hài, các em nhận được Phép rửa bằng máu, cho dù các em không có ý thức đã chịu đau khổ và chết vì Đức Kitô.

– Trường hợp thứ ba là Thiên Chúa tự ban tặng hồng ân cứu thoát cho các em bé chưa được chịu Phép rửa, tương tự với hồng ân cứu thoát được ban cho các em bé đã được chịu Phép rửa.

Nói về sự hiện hữu của “ngục lâm bô”, chúng ta có thể nói cách ví von rằng ngục lâm bô mà truyền thống Công giáo đã xây lên để giam giữ trẻ em chết mà chưa chịu Phép rửa (chưa được tẩy xoá tội tổ tông), thì ngày nay, với văn kiện này của Ủy ban Thần học Quốc tế, cái ngục đó đã bị hạ xuống rồi. Lý do là vì giáo lý truyền thống về ngục lâm bô không có nền tảng rõ ràng trong mặc khải Thánh kinh; giáo lý này không cho thấy các linh hồn ở trong đó có mối tương quan với Đức Kitô, không quy chiếu về Đức Kitô; và giáo lý lâm bô đã phần nào giới hạn sự tràn đầy của ân sủng Thiên Chúa (số 90-91).

 

 


[1] X. Tertulliano, De corona 3: PL 2, 79.

[2] X. Tertulliano, De monogamia 10: PL 2, 942.

[3] X. Rouet de Journel, Enchiridion Patristicum, số 741.

[4] X. Cyrillô, Catechesis Mystagogica, 23, 9-10: PG 33,1116.

[5] Cyprianô, Epistola 55, ad Antonianum, 20,1: PL 3,786.

[6] Vào thời đó, nhiều giáo phụ cho rằng chỉ có những người tử đạo mới được lên thiên đàng lập tức, còn những người khác thì phải chờ đợi cho đến ngày tận thế.

[7] X. Origene, Homily on Exodus, 4, trưng dẫn 1Cr 3,15.

[8] X. Origene, In Lucam hom, 24: PG 13,1861-65.

[9] X. Augustinô, De civitate Dei 21,23: PL 41, 728; Enchiridion 69,109: PL 40, 265 ss.

[10] X. Augustinô, De Civitate Dei 21,36: PL 41,743.

[11] Augustinô, De Civ. Dei 21, 26: PL 41.

[12] X. Jacques Le Goff, La naissance du Purgatoire, Paris 1981.

[13] Xem Contra Gentiles IV, 91; IV Sent., d. 21. 45 (= Summa Theologica ad Supplementum tertiae partis, Appendix).

[14] Xem Decree on Justification: sess. VI; 13/6/1547: DS 1580.

[15] Xem IV Sententiae, d. 21, q. 1, a. 3; Quaestio disputata de Malo, cap. VII, 11; IV Contra Gentes, cap. 92. 94.

[16] X. IV Sententiae, d. 21, q.1, a.3.

[17] X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, Rôma 2003, tr. 318-319.

[18] X. Hans Urs Von Balthasar, Theo–Dramma, vol. V: The Last Act, Ignatius Press, San Francisco 1998, tr. 360tt.

[19] X. Summa Theologica, Suppl., q. 74, a. 8, ad 5.

[20] X. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Hồng ân cứu chuộc (1984), số 9.

[21] X. Summa theologica II-II, q. 83, a. 4, ad 3m; a. 11. ad 3m.

[22] Modi ad c. 7 De Ecclesia ad n. 50, modus 44: Acta Synodalia vol. III/8, tr. 145: “Ne dirimi videretur quaestio disputata de imploranda intercessione”.

[23] Các nhà chú giải Thánh kinh cảm thấy lúng túng khi giải thích đoạn văn 1Sm 28,3-25 kể về một bà đồng bóng gọi hồn ông Samuel do lời yêu cầu của vua Saul. Phải chăng thực là hồn của vua Saul? Cảnh này có thực hay chỉ là dàn cảnh? Trong nguyên bản Do thái, tác giả dùng từ obot (số nhiều của ob), khác với những danh từ ám chỉ linh hồn (chẳng hạn như nephesh, ruah, neshama, rephaim). Tuy nhiên, họ đều nhất trí rằng Thánh kinh đã không chấp nhận việc “gọi hồn” này. Xem Ủy ban Thần học Quốc tế, Một vài vấn đề hiện nay, số 7.2.

[24] Xem Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 49, ghi chú 2 về các văn kiện xưa của Giáo hội.

[25] Xem Bộ Giáo lý Đức tin, Vài vấn đề về cánh chung học, 17/5/1979, số 3; GLHTCG số 366.

[26] X. Augustinô, Sermo 244: PL 38,1337; De peccatorum meritis et remissione et de baptismo parvulorum ad Marcellinum: PL 44, 109-200; Ủy ban Thần học Quốc tế, Niềm hy vọng được ơn cứu thoát đối với những em bé chết mà chưa được chịu Phép Rửa (2007), số 15-21.