Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.
Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem,
và phụ trách các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Thánh Địa.
***
VII. NHẬN ĐỊNH CỘNG ĐOÀN
(Phần này lấy lại bài đã soạn cho giới tu sĩ TPHCM)
Tiếp sau đây chúng ta sẽ xem thánh I-Nhã và nhóm bạn đầu tiên của ngài đã ứng dụng những nguyên tắc này vào cuộc nhận định cộng đoàn thế nào. Từ đó học lấy cách ứng dụng vào việc nhận định cộng đoàn của chúng ta hiện nay, trong thời kỳ canh tân thích nghi đời tu, thời kỳ mà các hội dòng chúng ta đang cố gắng biên soạn hoặc áp dụng hiến chương mới, đang cố gắng làm sao cho cuộc sống của cộng đoàn, của từng người trong cộng đoàn đáp ứng sát hơn với ơn gọi của mình cũng như với xã hội hiện thời, với những người mình phục vụ, với những hoàn cảnh cụ thể mà vẫn giữ đúng mục tiêu của mình là sống ơn gọi phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh, phục vụ anh chị em, phục vụ đồng bào của mình. Sự nhận định và lựa chọn đúng đắn, đó là yếu tố quyết định cho tương lai của mỗi cộng đoàn tu sĩ chúng ta.
Nói về nhận định cộng đoàn, đây không chỉ là danh từ theo mốt, cũng không chỉ là một phương pháp tâm lý, bởi vì kinh nghiệm trong Linh thao cho thấy việc nhận định và chọn lựa không thuần túy là một kiểu chọn lựa theo máy tính, nhưng là sự vận dụng toàn thể con người đặt tất cả con người của mình trước một thực tế, trước một vấn đề mình phải chọn lựa và phải chọn lựa thế nào để thực hiện được đúng mục đích cuối cùng của đời mình, tức là ngợi khen, tôn kính, phụng sự Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình. Ở đây chúng ta đặc biệt nói về cộng đoàn tu sĩ là cộng đoàn gồm những người đã chọn một con đường sống theo và trong Thánh Thần. Có những lúc chúng ta cũng cần phải cùng nhau nhận định, cùng nhau đi đến những quyết định cụ thể. Dĩ nhiên có thể có người nói đã có Bề trên, cứ để Bề trên nói gì thì nghe vậy, khỏi phải vất vả. Nói như vậy cũng tốt, nhưng chúng ta thấy rằng nhất là từ sau Công Đồng Vatican II, tinh thần cộng đoàn đó trong Giáo Hội sống lại mãnh liệt hơn.
Trở lại lịch sử Giáo Hội (x. phần đầu), chúng ta thấy ngay từ thời các tông đồ, Công Đồng Giê-ru-sa-lem đã là một cuộc nhận định cộng đoàn đầu tiên, ở đó tất cả các tông đồ, các kỳ mục họp nhau dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để quyết định về nếp sống phải đặt ra cho những người gốc dân ngoại tin Chúa Ki-tô và xin chịu phép rửa. Họ phải sống như thế nào? Vấn đề là họ có phải trở thành người Do-thái cùng một lúc với việc trở thành Ki-tô hữu hay không? Trong Giáo Hội, Công Đồng chính là hình thức nhận định cộng đoàn của toàn thể Giáo Hội. Vậy trong cộng đoàn tu sĩ chúng ta, nhiều khi cần phải đi đến nhận định cộng đoàn, không phải vì không tin tưởng vào bề trên, cũng không phải vì sự vâng phục không đủ để linh hoạt một cộng đoàn, nhưng đó là đường lối của Thiên Chúa, đường lối nhập thể của Người đối với chúng ta. Đó là một nhu cầu vừa vượt qua được những giới hạn tất hữu của từng cá nhân, đồng thời cả cộng đoàn cùng nhau đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su hứa: “Khi có hai, ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18:20). Chính sự hiệp thông trong Thánh Thần làm nên sự hiệp nhất trong cộng đoàn, và khi tất cả cùng nhau đặt mình dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần thì sẽ tạo được sự đồng tâm nhất trí.
Nói rằng vâng lời mà làm thì cũng được, nhưng khi tất cả cùng nhau đồng tâm nhất trí để mọi người vâng phục một cách trọn vẹn thì những công việc chúng ta làm sẽ đạt kết quả tốt hơn để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Chính sự cọ sát các ý kiến giúp chúng ta khách quan hơn, biết chết đi với chính mình, bớt quan trọng hóa chính mình, giúp khiêm tốn hơn. Khi đã cùng nhau nhận ra ý Chúa thì việc thi hành cũng sẽ dễ hơn. Bởi vì vấn đề đặt ra ở đây là những cách tiến hành giúp cho một cộng đoàn có thể đi tới một quyết định theo đúng ý Chúa và giúp cho cả nhóm cũng như từng thành viên dấn thân vào một hoạt động phục vụ tốt hơn. Tất nhiên khi đã nói đến nhận định và chọn lựa thì những nguyên tắc thánh I-Nhã đã nêu lên cho từng cá nhân ở trong Linh thao cũng sẽ ứng dụng cho việc nhận định cộng đoàn, nhưng để dễ hiểu và để có một kinh nghiệm làm mẫu thì không gì bằng chúng ta lấy chính kinh nghiệm của thánh I-Nhã và nhóm bạn đầu tiên của ngài.
1. Kinh nghiệm của Thánh I-Nhã và các bạn
Vào mùa Xuân 1539, lúc đó nhóm gồm có mười người và phải nhận định để đi đến một quyết định quan trọng. Đó là chính việc chọn lựa dẫn tới việc quyết định thành lập Dòng Chúa Giê-su. Để giúp hiểu được vấn đề, trước hết xin giới thiệu một vài nét lịch sử về cuộc thảo luận này, sau đó sẽ đọc biên bản cuộc thảo luận còn lưu lại cho Dòng Tên. Tiếp theo chúng ta sẽ phân tích để rút ra một phương thức áp dụng nguyên tắc nhận định và chọn lựa mà thánh I-Nhã đã đề ra trong Linh thao nhắm áp dụng vào các cộng đoàn chúng ta ngày hôm nay. Một vài phương thức áp dụng cho cộng đoàn không chỉ để nhận định những việc chung của toàn thể Dòng, mà từng cộng đoàn địa phương cũng có thể áp dụng để đi đến sự đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi lãnh vực.
Vậy lai lịch việc nhận định đầu tiên của thánh I-Nhã và nhóm bạn vào mùa xuân 1539 như thế nào? Khi học tại Paris, ngài đã đem kinh nghiệm Linh thao ở Manresa giúp cho một số bạn sinh viên tĩnh tâm và nhận định. Trong số những người theo hướng dẫn làm Linh thao, rất nhiều người đã bỏ con đường danh vọng, dâng mình phụng sự Chúa trong nhiều Dòng khác nhau. Có người vào Dòng Chartreux, có người vào Dòng Phan-xi-cô. Nhưng có sáu người chọn cùng một ý hướng với thánh I-Nhã. Lúc đó ngài còn là một sinh viên thường, lớn tuổi, chưa làm linh mục. Ý hướng là hiến thân phụng sự Hội Thánh chứ cũng chưa đặt vấn đề vào một dòng tu nào.
Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1534, nhóm bảy người bạn này, trong đó có thánh I-Nhã, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê và một linh mục duy nhất trong nhóm lúc đó là Phê-rô Favre (sau này được phong chân phước), đã tới nhà thờ Montmartre ở Paris để tuyên khấn. Nội dung lời khấn của họ là: sống độc thân để phục vụ Hội Thánh, sống khó nghèo và sau khi học xong sẽ đi hành hương tới Giê-ru-sa-lem, ở lại đó để giúp ích cho các linh hồn. Nhưng vì việc đi Giê-ru-sa-lem lúc ấy luôn bất trắc nên họ đã đưa ra một khoản phòng hờ là nếu sau khi học xong và chờ đợi một năm mà không thể đi Giê-ru-sa-lem hoặc đi mà không được phép ở lại, thì họ sẽ quay về Roma, đến trình diện Đức Giáo Hoàng và xin ngài tự do xét dụng, sai họ đi làm việc phục vụ Hội Thánh ở bất cứ nơi nào ngài xét thấy có ích lợi.
Vậy năm 1537, nhóm đã tới Ý, rồi tới Roma, xin phép Đức Giáo Hoàng để đi viếng Thánh địa và ở lại đó phục vụ. Đức Giáo Hoàng không những đã cho phép họ đi mà còn cho cả lộ phí, mặc dù khi đến Roma, họ đi với tinh thần khó nghèo, có nghĩa là vừa đi vừa xin ăn. Đồng thời ngài cũng cho phép những người nào trong nhóm họ chưa làm linh mục thì được chịu chức do bất cứ giám mục nào. Vì lý do họ đã học đủ và đã khấn sống khó nghèo. Họ chờ đợi từ giữa năm 1537 tới giữa năm 1538, không có tàu để đi Giê-ru-sa-lem, vì sự cắt đứt bang giao giữa Cộng hòa Venitia với Thổ-nhĩ-kỳ. Thời ấy một phần Địa-trung-hải từ nước Ý sang Thánh địa do hải quân Thổ-nhĩ-kỳ kiểm soát, nên nếu không có sự giao hảo thì không thể đi được. Kết quả là họ phải thực hiện điều khoản phòng hờ ở Montmartre, nghĩa là họ kéo nhau về Roma để ra mắt Đức Giáo Hoàng và xin ngài tùy ý sử dụng họ để phục vụ Hội Thánh.
Lúc này nhóm đã có thêm bạn mới. Bỗng dưng đuợc một nhóm mười người bạn xuất thân từ Đại học Paris, sống đời linh mục gương mẫu, nhiệt thành giảng dạy, ban các bí tích và sống khó nghèo, Đức Giáo Hoàng rất ưng ý, nên ngài bắt đầu sai họ đi rao giảng trong các nhà thờ ở thành phố Roma. Có người được sai đi giảng dạy tại Đại học Roma. Nhưng chẳng bao lâu, vào đầu năm 1539, Đức Giáo Hoàng muốn sai họ đi xa hơn, nhằm lúc vua Bồ-đào-nha xin người sang Ấn-độ và chính Đức Giáo Hoàng cũng muốn sai trong nhóm mười người này. Như vậy, đứng trước viễn tượng được sai đi, mỗi người mỗi ngả, nhóm bạn này sẽ tan rã. Lúc đó nhóm chưa phải là một dòng tu, họ chỉ là một nhóm bạn muốn hiến thân phụng sự Hội Thánh, tuy tất cả đã chịu chức linh mục. Trước khi tới Roma, mười người này tạm trú ở phía Bắc nước Ý. Trên đường đi về Roma, họ đã quyết định với nhau, nếu có ai hỏi họ là nhóm nào thì tự xưng là đoàn Giê-su, bởi họ nghĩ rằng chính Chúa Giê-su đã quy tụ họ qua kinh nghiệm gặp gỡ Người trong Linh thao, nên chẳng có tên nào khác đẹp hơn là “đoàn Giê-su”. Bây giờ Đức Giáo Hoàng bắt đầu sai mỗi người mỗi ngả để phục vụ Hội Thánh, họ băn khoăn, đặt vấn đề là như thế nhóm đến đây là tan, hay là sẽ phải tiếp tục giữ một sự hiệp nhất nào đó. Cuộc thảo luận vào mùa xuân năm 1539 đã kéo dài từ tháng 3 đến lễ thánh Gio-an Tẩy Giả năm đó.
Chúng ta đọc lại biên bản cuộc nhận định và phân tích xem thánh I-Nhã cùng các bạn của ngài đã đặt cuộc đời mình trước mặt Chúa trong kinh nghiệm Linh thao thế nào để chọn hướng đi phục sự Chúa và phục vụ Hội Thánh. Nhóm đã áp dụng những nguyên tắc nhận định và chọn lựa để làm một cuộc nhận định cộng đoàn và đi đến một hướng đi chung cho đoàn Giê-su thế nào?
Sau đây là biên bản cuộc thảo luận từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1539 (những chỗ dùng chữ ngả là do tôi đưa vào để giúp người đọc).
1. Trong mùa Chay vừa qua, khi thấy đã đến lúc phải chia tay nhau và phân tán đi, cũng chính là lúc mà chúng tôi vẫn hết lòng mong ước để mau chóng đạt tới cùng đích mà từ lâu lắm rồi chúng tôi đã nhắm tới và đã tự xác định. Vậy chúng tôi quyết định tụ họp nhau trong nhiều ngày trước khi chia tay nhau và cùng nhau thảo luận về ơn gọi của chúng tôi. Chúng tôi đã thảo luận điều này nhiều lần, nhưng nhóm chúng tôi gồm những người Pháp, Tây-ban-nha, Savoie, Bồ-đào-nha… Chúng tôi có những ý kiến khác nhau, liên quan đến cách sống của chúng tôi. Trong khi chúng tôi vẫn có cùng một ý nghĩ và cùng một ý muốn là tìm kiếm ý Chúa “tốt đẹp và hoàn hảo” theo con đường ơn gọi Người đã ban cho chúng tôi; nhưng về các phương thế thích hợp nhất và hữu hiệu nhất đối với bản thân chúng tôi cũng như đối với người khác thì chúng tôi có nhiều ý kiến khác biệt. Chẳng ai phải ngạc nhiên về những sự khác biệt quan điểm giữa chúng tôi là những người hèn yếu, bởi lẽ chính các tông đồ là những vị lãnh đạo và cột trụ của Hội Thánh cùng nhiều nhân vật rất thánh thiện khác mà chúng tôi chẳng dám sánh ví một chút nào, cũng đã có những ý kiến khác biệt nhau, thậm chí đôi khi đối ngược nhau. Và các vị ấy đã để lại bút tích về những sự đối ngược ấy của họ.
Chúng tôi cũng đã phán đoán khác nhau vì chúng tôi đều chú tâm và lo lắng làm sao tìm ra một con đường hoàn toàn rõ rệt, dẫn chúng tôi đến việc hiến thân làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa, bằng cách đặt tất cả mọi lợi ích của chúng tôi vào việc ngợi khen, tôn kính Người. Cuối cùng chúng tôi nhất trí xác định sẽ cầu nguyện, cử hành Thánh lễ và suy niệm sốt sắng hơn bình thường, và sau khi đã hết sức chăm lo việc ấy, thì phó thác mọi nỗi âu lo của chúng tôi cho Thiên Chúa, với niềm hy vọng rằng Người là Đấng Chí Nhân và quảng đại, không từ chối ban Thần trí tốt lành của Người cho bất cứ ai lấy lòng khiêm nhượng đơn sơ mà cầu xin Người, nhưng ban ơn Thần trí của Người một cách quảng đại cho mọi người mà không hối tiếc, thì Người cũng không từ chối chúng tôi mà còn trợ giúp chúng tôi với lòng nhân hậu rộng rãi vượt xa những gì chúng tôi có thể cầu xin hay mong ước.
2. Vậy chúng tôi bắt đầu tung hết nỗ lực từ phía chúng tôi và đặt ra một vài câu hỏi phải xem xét kỹ lưỡng và tìm tòi nghiêm túc. Chúng tôi suy nghĩ đắn đo về những điều ấy suốt ngày; việc cầu nguyện cũng là một phương thế cho chúng tôi tìm kiếm. Đến tối, mỗi người chúng tôi trình bày trước anh em cách giải quyết mà mình cho là tốt hơn và có lợi hơn; chúng tôi muốn nhờ đó để cùng nhau đón nhận ý kiến chính đáng nhất, ý kiến này phải xuất phát từ một cuộc thảo luận chung và dựa trên những lý do vững chắc nhất.
3. Trong cuộc họp buổi tối đầu tiên, chúng tôi đưa ra câu hỏi sau đây: Một khi con người và cuộc sống của chúng tôi đã được chính chúng tôi tự dâng hiến cho Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và Đấng đại diện đích thực và hợp pháp của Người ở dưới đất để ngài sử dụng chúng tôi và sai chúng tôi đi đến nơi nào mà ngài xét thấy việc tông đồ của chúng tôi sẽ được phong phú hơn, hoặc đến nơi người Thổ-nhĩ-kỳ hoặc là đất Ấn-độ, hay đến với những người lạc giáo hoặc giữa bất cứ dân tộc nào khác có đạo hay ngoại đạo, thì nên chọn đàng nào hơn: liên kết với nhau một cách chặt chẽ làm thành một thân thể duy nhất, không một sự ngăn cách bên ngoài nào dù lớn đến đâu có thể khiến chúng tôi lìa nhau, hay là làm ngược lại? Một thí dụ soi sáng vấn đề: Đức Thánh Cha sắp gởi hai người trong chúng tôi đến Sienna; chúng tôi có phải giữ một sự nhất trí với nhau hay là chẳng giữ một sự gắn bó nào với họ hơn là với những người bên ngoài Đoàn?
Chúng tôi kết thúc bằng một quyết định giữ sự gắn bó với nhau. Bởi lẽ chúng tôi nghĩ Chúa đã đoái thương lấy lòng nhân từ và thương xót của Người mà tụ họp chúng tôi là những con người hèn yếu nhất, xuất phát từ nhiều xứ khác nhau với những tập tục khác nhau như thế, để liên kết chúng tôi chặt chẽ với nhau, thì chúng tôi không được phá vỡ sự hiệp nhất của Nhóm do Chúa đã tác thành, nhưng phải tiếp tục củng cố và duy trì sự hiệp nhất ấy bằng cách làm nên một thân thể duy nhất. Một sự quan tâm đến nhau và một sự nhất trí hoàn toàn với nhau sẽ đảm bảo đem lại hoa trái dồi dào hơn cho các linh hồn: những sức lực kết hợp lại thì có sức kháng cự và năng lực để thực hiện những công việc lớn lao khó khăn hơn là khi chia rẽ và phân tán nhau. Tuy nhiên, trong tất cả những điều vừa trình bày, xin hiểu cho đúng: Chúng tôi hoàn toàn không đưa ra điều gì do sáng kiến riêng hoặc do ý riêng của chúng tôi, nhưng chỉ đưa ra những gì mà Chúa soi sáng và Tòa Thánh phê chuẩn, dù kết quả ra sao đi nữa.
4. Sau khi giải quyết dứt khoát vấn đề thứ nhất này, chúng tôi đề cập một vấn đề khác khó hơn nhưng cũng không kém phần đòi hỏi phải suy nghĩ và xem xét. Tất cả chúng tôi đã tuyên lời khấn khiết tịnh trọn đời và lời khấn khó nghèo trong tay vị Sứ thần Tòa Thánh khi chúng tôi ở Venise. Có cần phải tuyên lời khấn thứ ba là lời khấn tuân phục một người trong chúng tôi không? Điều này cốt để hoàn thành ý Chúa trong mọi sự một cách thuần khiết hơn hầu ngợi khen Chúa hơn và được công phúc hơn, đồng thời thực hiện ý muốn tự do và chỉ thị của Đức Thánh Cha bởi chúng tôi đã hết lòng dâng chính mình chúng tôi, ý muốn, trí hiểu, hành động cho ngài.
5. Sau khi đã mất nhiều ngày để cầu xin tha thiết và suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề này mà không thấy được điều gì thỏa đáng, chúng tôi đã đặt hết hy vọng vào Chúa và bắt đầu bàn với nhau xem có cách nào giải quyết được thỏa đáng hơn nỗi nghi ngờ của chúng tôi. Trước hết liệu có nên cùng nhau lui vào một nơi tĩnh mạc nào đó và ở đó ba mươi hay bốn mươi ngày mà lo việc suy gẫm ăn chay và hãm mình để được Thiên Chúa chấp nhận những ước nguyện của chúng tôi và đoái thương đặt chắc chắn vào tâm trí chúng tôi cách giải quyết vấn đề này? Hoặc là ba hay bốn người trong chúng tôi có nên thay mặt cho mọi người đến đó vì cùng một mục đích? Hoặc không ai phải đi đến nơi tĩnh mạc ấy? Chúng tôi có thể cứ ở lại Roma, nhưng dành nửa ngày chỉ để lo việc của chúng tôi mà thôi? Như vậy việc suy gẫm, suy nghĩ và cầu nguyện có thể được thực hiện một cách thuận lợi hơn và lâu giờ hơn, nửa ngày còn lại chúng tôi vẫn sử dụng vào việc tông đồ quen thuộc là giảng dạy và giải tội.
6. Cuối cùng, sau khi đã bàn cãi và xem xét các điều này, chúng tôi đã quyết định tất cả phải ở lại Roma, nhất là vì hai lý do sau đây:
a) Một là để tránh những lời đàm tiếu và gương xấu trong thành phố và trong dân là những người có thể xét đoán, suy nghĩ. Con người vẫn có khuynh hướng phát biểu một cách nhẹ dạ, cho rằng chúng tôi chạy trốn hoặc âm mưu một cái gì mới, hoặc thiếu cương quyết và bền vững trong công việc ban đầu của chúng tôi.
b) Hai là không để cho sự vắng mặt của chúng tôi gây thiệt hại cho mùa gặt mà chúng tôi thấy thật đáng kể trong việc giải tội, giảng dạy và các việc thiêng liêng khác, đáng kể đến nỗi dù cho chúng tôi có đông gấp bốn lần cũng không thể thỏa mãn nhu cầu của mọi người, như hiện nay chúng tôi cũng không thỏa mãn nổi.
Phương thế thứ hai mà chúng tôi bắt đầu thảo luận để tìm ra con đường đi tới giải pháp là đề nghị cho tất cả và từng người thực hiện được trong tâm hồn mình ba thái độ sau đây:
– 1/ Mỗi người phải chuẩn bị và chăm lo việc cầu nguyện dâng Thánh lễ và suy gẫm như thế nào để cho mọi nỗ lực của mình hướng tới việc tìm thấy niềm vui và bình an trong Thánh Thần về vấn đề vâng phục bằng cách làm hết sức để nghiêng chiều ý muốn của mình về đàng vâng phục hơn là về đàng được quyền ra lệnh, nếu nhờ đó sẽ phát sinh vinh quang và lời ngợi khen Chúa như nhau.
– 2/ Thái độ bề trong thứ hai là không ai nói chuyện với người khác trong nhóm về vấn đề này, cũng không hỏi người nào về những lý do của người ấy, như vậy sẽ không ai bị ảnh hưởng do ý kiến của người khác mà nghiêng chiều về sự vâng phục hơn là không vâng phục, hoặc ngược lại mỗi người chỉ tìm kiếm điều gì nhờ cầu nguyện và suy gẫm thấy được là có ích hơn.
– 3/ Thái độ thứ ba là mỗi người phải tự coi mình như là một kẻ xa lạ đối với nhóm và như thể không bao giờ sẽ được nhận vào nhóm này. Nhìn vấn đề như thế thì không một tình cảm nào sẽ làm cho họ nghĩ và phán đoán thiên về một bên nào, nhưng có thể nói là với tư cách một người ngoài cuộc, người ấy sẽ tự do bộc lộ ý kiến của mình về kế hoạch vâng phục hay không vâng phục, và cuối cùng lấy sự phán đoán của mình xác nhận và chấp thuận phía nào mình thấy sẽ phục vụ Thiên Chúa hơn và bảo đảm hơn cho sự duy trì Đoàn lâu dài.
7. Chính trong những thái độ bề trong đã chuẩn bị trước như thế, chúng tôi quyết định gặp nhau ngày hôm sau, khi mọi người đã sẵn sàng, để mỗi người phát biểu những vấn nạn có thể đưa ra chống lại sự vâng phục. Tất cả mọi lý do thấy được và mỗi người đã khám phá ra trong suy nghĩ, suy gẫm và cầu nguyện, đều lần lượt được mỗi người trình bày. Chẳng hạn người thì nói: đối với dân Ki-tô hữu, “danh từ Dòng tu” hay vâng phục không còn cái tiếng tốt lẽ ra phải có là do sự thiếu nhân đức và do tội lỗi của chúng ta. Người khác nói: “Nếu chúng ta muốn sống vâng phục, có lẽ chúng ta sẽ bị Đức Giáo Hoàng bắt phải sống theo một luật Dòng nào đã có sẵn và đã được thiết lập, hậu quả sẽ là chúng ta chẳng còn dịp cũng chẳng còn phương thế để làm việc cho phần rỗi các linh hồn, mà sau phần rỗi của chúng ta thì phần rỗi các linh hồn là mục đích duy nhất chúng ta nhắm tới, như vậy mọi ước vọng của chúng ta sẽ hỏng hết, thế mà chúng ta lại có đủ lý do để tin rằng những ước vọng ấy đã được Thiên Chúa là Chúa chúng ta chấp thuận”. Người khác nữa lại nói: “Trong trường hợp chúng ta vâng phục một người thì số người mà Dòng chúng ta quy tụ được để làm việc trong vườn nho của Chúa với lòng nhiệt thành, chân thật sẽ bị giảm, mà mùa gặt thì nhiều và những thợ gặt đích thật thì ít, vì theo quy luật của sự yếu đuối và dòn mỏng của con người, phần đông lo tìm lợi ích riêng và ý riêng mình hơn là những lợi ích của Đức Giê-su Ki-tô và sự từ bỏ mình hoàn toàn”. Người khác lại nói điều khác nữa, rồi người thứ tư, thứ năm và cứ như thế, chúng tôi lần lượt trình bày chi tiết những vấn nạn gặp thấy chống lại sự vâng phục.
Một thời gian rất ngắn sau đó, vào một ngày khác, chúng tôi thảo luận về quan điểm ngược lại, bằng cách đưa ra tất cả những lợi ích của sự vâng phục như mỗi người thấy được nhờ cầu nguyện và suy gẫm. Mỗi người lần lượt trình bày kết quả sự suy nghĩ của mình, khi thì bằng cách đặt ra một giả thuyết không thể thực hiện được để dẫn tới điều mình muốn nói, khi thì bằng cách khẳng định trực tiếp. Chẳng hạn có người đưa tới sự phi lý và sự không thể làm được bằng cách sau đây: “Giả thử nhóm chúng ta được trao phó một công việc tông đồ mà không có sự trợ giúp của ách vâng phục, thì chẳng ai sẽ thực sự chịu trách nhiệm cả, mỗi người sẽ đẩy gánh nặng cho người khác như chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều lần về việc ấy. Cũng vậy, giả thử không có quyền bính ở trong nhóm chúng ta, thì nhóm không thể duy trì hay tồn tại lâu dài; điều ấy đi ngược với ý hướng ban đầu của chúng ta là duy trì đoàn chúng ta mãi mãi, vì không gì có thể duy trì nhóm hơn là sự vâng phục.
Sự vâng phục cần thiết, nhất là đối với chúng ta là những người khấn sống khó nghèo vĩnh viễn và chúng ta liên lỉ chìm ngập trong những công việc thiêng liêng và thế tục ít thuận lợi cho việc duy trì đoàn chúng ta. Một người khác tiến hành theo khẳng định, anh nói: “Vâng phục là mẹ của mọi hành động và mọi nhân đức anh hùng bền bỉ. Do thực sự sống theo vâng phục thì hoàn toàn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh được đề ra cho mình, dù mệnh lệnh ấy có khó khăn hoặc phải làm trò cười trước mắt thiên hạ khiến cho mình bối rối; chẳng hạn như người ta bắt tôi phải đi ra phố và những nơi công cộng mình trần hay mặc những thứ áo quần kỳ cục. Dù chưa bao giờ có một mệnh lệnh như thế được ban ra, nhưng khi người ta sẵn sàng thi hành mệnh lệnh ấy, từ bỏ mọi phán đoán riêng và ý muốn riêng, thì người ta sẽ luôn luôn ở trong một tình trạng anh hùng, bao giờ cũng có công hơn”. Hoặc người khác nói: “Không gì bẻ gãy tính kiêu ngạo và tự phụ hơn là sự tuân phục. Người kiêu ngạo hết sức yêu mến việc theo phán đoán riêng và ý muốn riêng của mình, không chịu nhường ai. Người ấy bước đi trên những con đường tìm sự cao sang hào nhoáng vượt sức mình. Sự vâng phục chiến đấu theo hướng ngược hẳn lại, bởi vì bao giờ cũng nghe theo phán đoán không phải của mình và theo ý muốn của một người khác. Người vâng phục thì vâng phục mọi người và gắn bó với sự khiêm nhường là kẻ thù của sự kiêu ngạo”.
8. Vậy sau nhiều ngày bàn luận theo nhiều hướng về rất nhiều điểm liên quan đến cách giải quyết vấn đề, cân nhắc và xem xét những lý do nghiêm túc nhất và mạnh mẽ nhất trong khi chúng tôi vẫn giữ thói quen chăm lo cầu nguyện, suy gẫm và suy xét; cuối cùng nhờ Chúa ban ơn giúp sức, chúng tôi đã đạt được kết luận không phải là theo đa số phiếu, nhưng là sự nhất trí tuyệt đối: Chúng tôi vâng phục một người trong anh em, đó là điều rất đáng chọn và rất cần thiết cho chúng tôi. Như vậy, những ước muốn ban đầu của chúng tôi là hoàn thành ý Chúa trong mọi sự, sẽ được thực hiện tốt hơn và chính xác hơn; đồng thời cũng bảo đảm hơn cho việc duy trì Đoàn. Và sau hết, chúng tôi có thể lo liệu khôn khéo hơn cho từng chi tiết của việc thường ngày về những mặt thiêng liêng cũng như thế tục.
9. Trong khi tuân thủ cùng một cách thức bàn luận và tiến hành đối với tất cả những vần đề khác và bao giờ cũng xét đến hai quan điểm đối ngược, chúng tôi đã lưu lại trên các vấn đề này và các vấn đề khác gần ba tháng trời, từ giữa mùa Chay cho đến lễ thánh Gio-an Tẩy Giả. Hôm ấy mọi sự đã kết thúc dứt khoát trong niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn của tâm hồn anh em. Đi trước sự bàn định dứt khoát này không thiếu những buổi canh thức, những giờ cầu nguyện và những nỗi mệt nhọc tinh thần cũng như thể xác.
2. Một vài nhận định từ bản báo cáo
Trở lại từ đầu bản báo cáo này, chúng ta cố gắng nhận ra tiến trình và những điều kiện của Linh thao. Bởi vì chính kinh nghiệm này có thật và là một kinh nghiệm đi tới quyết định rất quan trọng là chính việc khai sinh ra một dòng tu, thiết nghĩ nó có giá trị để soi sáng, làm mẫu cho chúng ta nghiên cứu để biết cách thực hiện những cuộc nhận định cộng đoàn hiện nay (cụ thể nhất là việc áp dụng hiến chương mới của dòng Mến Thánh Giá, bởi vì tuy có Hiến Chương chung, nhưng ai cũng biết rằng việc áp dụng vào từng Hội Dòng, từng cộng đoàn ở mỗi địa phương chắc chắn có nhiều điều khác nhau, nên cần phải nhận định và chọn lựa).
Trước hết trong phần mở đầu, chúng ta thấy biên bản nêu rõ hoàn cảnh, tức là đã tới lúc chia tay nhau và phân tán đi. Từ trước đến giờ, các bạn cũng chỉ mong điều đó, tức là được Đức Giáo Hoàng sai đi phục vụ Hội Thánh, và như thế là thể hiện được những điều họ đã khấn nguyện ở Montmartre. Nhưng đứng trước viễn tượng phải chia tay, họ lại muốn cùng nhau thảo luận về chính ơn gọi của họ. Họ đã thảo luận nhiều lần mà chưa đi đến kết quả. Họ chỉ thấy tình trạng trong nhóm gồm những người thuộc nhiều quốc tịch: hai người Pháp, năm người Tây-ban-nha, hai người xứ Savoie và một người Bồ-đào-nha. Đó là nói về quốc tịch, còn nói về cá tính thì trong mười người này, cá tính cũng rất khác biệt nhau. Chẳng hạn người Bồ-đào-nha duy nhất là Simon Rodriguez, rồi người Tây-ban-nha lúc đó là Bobadilla, đúng là hai cái gai ở trong nhóm. Bởi vì hai con người này cá tính rất độc đáo, khó mà nhượng bộ ai. Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Ông nào cũng có cá tính mạnh, ông nào cũng là cựu sinh viên Sorbonne.
Các nhân vật trong nhóm mười người này có thể nói được toàn là những nhân vật sừng sỏ, cá tính độc đáo. Vậy mà họ lại muốn tìm ra những phương thế thực hiện cùng một mục đích. Họ muốn cùng nhau thảo luận để tìm ra nếp sống cho mình. Trong biên bản chúng ta thấy họ xác định rõ là: “Khi chúng tôi có cùng một ý nghĩ và cùng một ý muốn là tìm kiếm ý Chúa tốt đẹp và hoàn hảo theo con đường ơn gọi Người đã ban cho chúng tôi”. Như vậy chúng ta thấy họ đã nhất trí được với nhau về hai điểm. Một là về ơn gọi Chúa đã ban cho họ mà họ đã nhận ra từ ở Paris và đã khẳng định khi tuyên khấn ở Montmartre, rồi khi họ tuyên khấn trong tay vị đại diện Đức Giáo Hoàng ở Venezia. Và sau khi đã được Đức Giáo Hoàng chấp nhận và sai đi, về phương diện ơn gọi họ không có gì phải thắc mắc, đặt lại vấn đề. Họ cũng thống nhất với nhau cùng một ý nghĩ và ý muốn là chỉ tìm ý Chúa để thực hiện ơn gọi phục vụ Hội Thánh dưới quyền Đấng đại diện Chúa Ki-tô. Như vậy, chúng ta thấy rằng họ đã có một mục đích và tất cả đều đạt được thái độ “bình tâm” trong phương pháp Linh thao của thánh I-Nhã. Đó là thái độ tiên quyết đối với mọi nhận định và lựa chọn, bởi vì phải thoát khỏi mọi quyến luyến lệch lạc mới có thể có được sự bình tâm mà thánh I-Nhã nói giống như một cái kim trên bàn cân để sẵn sàng đón nhận sự thôi thúc của Chúa. Động lực duy nhất của sự thôi thúc đó là vinh quang Chúa và cứu rỗi linh hồn mình. Hai là họ còn muốn tìm kiếm ý Chúa tốt đẹp và hoàn hảo để thực hiện ơn gọi, tức là phương thế để sống ơn gọi đó. Tuy họ có được thái độ căn bản là sự bình tâm, vì họ chỉ muốn tìm kiếm ý Chúa, nhưng về các phương thế thích hợp nhất và hữu hiệu nhất đối với bản thân mình cũng như đối với người khác thì anh em có nhiều ý kiến khác nhau. Họ không ngạc nhiên vì sự khác biệt đó, mà phải tìm một sự nhất trí.
Nếu chúng ta đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ chương 15, cũng thấy có vấn đề tương tự, tức là sau khi nghe nói có những người ngoại đạo, những người không phải gốc Do-thái, cũng đã được ơn để tin vào danh Chúa Giê-su, thì tất cả đều vui mừng. Nhưng điều làm cho các tông đồ và giới lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem không đồng ý kiến với nhau, đó là chuyện có nên bắt họ theo tất cả những quy định của Do-thái giáo hay không. Trong cuộc họp này, ở Giê-ru-sa-lem người ta bắt đầu bằng cách tranh luận, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Cuối cùng thánh Phê-rô chủ động thay đổi phương pháp làm việc : lần lượt mỗi người trình bày và tất cả mọi người lắng nghe. Bắt đầu là thánh Phê-rô trình bày, sau đó đến thánh Barnabe và thánh Phao-lô trình bày những gì các ngài đã chứng kiến về những việc Chúa làm cho Dân ngoại. Cuối cùng thánh Gia-cô-bê phát biểu, rút kết luận từ những gì 3 vị trước đã chia sẻ. Sau đó tất cả đi đến sự nhất trí để soạn bức thư chung và chọn hai người đáng tín nhiệm là Phao-lô và Barnabê để đi công bố bức thư đó. Cùng đi với Phao-lô và Barnabê thì có ông Giu-đa. Chúng ta lưu ý: bức thư của các tông đồ và các lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem nói rằng: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định không áp đặt cho anh em những gánh nặng nào khác ngoài những gì không thể giảm bớt được”. Vậy chúng ta thấy trong nhận định của Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem rõ ràng là một sự nhận định thiêng liêng, – nghĩa là nhận định dưới ánh sáng của Thánh Thần để biết Thánh Thần thúc đẩy về hướng nào – và trong bức thư, các đại biểu đã khẳng định: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”.
Ở đây chúng ta thấy rằng mở đầu biên bản nói thánh I-Nhã và các bạn lúc đó đã nhiều lần thảo luận với nhau mà vẫn còn những ý kiến khác biệt. Bây giờ vì khao khát muốn tìm những phương thế thích hợp nhất và hữu hiệu nhất đối với bản thân mình và đối với người khác để sống ơn gọi mà họ xác tín đã nhận được từ Paris, họ quyết định làm một cuộc nhận định thiêng liêng, đó là cuộc nhận định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Từ trước đến giờ họ bàn luận với nhau nhưng chưa phải là cuộc nhận định thiêng liêng, nhận định trong Thánh Thần, trong cầu nguyện. Như vậy tất cả đều cùng chú tâm lo lắng tìm kiếm con đường phải đi, nhưng sự phán đoán của mỗi người vẫn khác nhau. Bây giờ họ bắt đầu chuẩn bị cho việc nhận định thiêng liêng như sau: “Chúng tôi nhất trí quyết định sẽ cầu nguyện, cử hành Thánh lễ và suy niệm sốt sắng hơn bình thường và khi đã hết sức chăm lo việc ấy thì phó thác mọi âu lo cho Chúa với lòng hy vọng rằng Người là Đấng chí nhân và quảng đại không từ chối ban Thần khí tốt lành của Người và trợ giúp chúng tôi, với một lòng nhân hậu, rộng rãi vượt xa những gì chúng tôi cầu xin hay mong ước”. Đây là điểm thứ ba mà thánh I-Nhã đã nói trong phương pháp lựa chọn thứ nhất: “Xin Thiên Chúa, Chúa chúng ta đoái thương đánh động ý muốn và đặt vào linh hồn điều tôi phải làm đối với sự việc đã được đề nghị để ngợi khen và làm vinh danh Chúa hơn.
Nhưng để có thể nhận định thì tất nhiên phải đặt vấn đề rõ ràng. Biên bản ghi lại: “Vậy chúng tôi bắt đầu tung hết nỗ lực từ phía chúng tôi và đặt ra một vài câu hỏi đòi phải xem xét kỹ lưỡng và tìm tòi nghiêm túc”. Điều này dễ hiểu, bởi vì không có thể nào chia sẻ, thảo luận, trao đổi với nhau, không có thể nào cùng nhau nhận định nếu vấn đề không được đặt ra một cách rõ ràng. Vậy để làm một cuộc nhận định cộng đoàn, trước hết phải cầu nguyện để có sự bình tâm, rồi đặt câu hỏi rõ ràng, liên quan đến cộng đoàn. Trường hợp của nhóm bạn thánh I-Nhã có liên quan tới tất cả hiện tại và tương lai của nhóm mười người và những người sẽ theo đường lối của họ sau này.
Sau khi đã xác định được vấn đề rõ ràng và mọi người đã hiểu đúng vấn đề, họ bắt đầu bước thứ nhất của tiến trình nhận định. Thánh I-Nhã nói: “Suốt ngày chúng tôi suy nghĩ về những điều ấy. Việc cầu nguyện cũng là một phương thế cho chúng tôi tìm kiếm”. Đấy mới là vấn đề nhận định thiêng liêng, liên quan đến toàn thể con người, là một vấn đề thuộc về tác động của Chúa Thánh Thần, nên mỗi người phải đích thân đến trước mặt Chúa và điều mình suy nghĩ phải ăn sâu vào tất cả con người mình. Thánh I-Nhã gọi đó là Chúa“đánh động ý muốn” và “đặt vào linh hồn tôi”, nghĩa là làm sao để mình hoàn toàn cảm nhận được điều ấy đúng như ý Chúa, không phải do tình cảm. Ở đây chúng ta không thể hiểu được quan điểm này nếu chúng ta không đặt mình trong nhãn giới đức tin và tác động của Chúa nơi con người chúng ta.
Về phương diện nhân bản, thánh I-Nhã cũng có một cái nhìn rất sâu sắc về tâm lý con người. Con người không chỉ có lý trí và ý muốn mà thôi. Lý trí và ý muốn không thể hành động biệt lập vì con người là duy nhất. Nhưng cũng không chỉ có ý chí và lý trí mà cả nhân vị, cái mà chúng ta gọi là toàn thể con người dấn thân khi cảm nghiệm được rằng đây là lời mời gọi của Chúa. Việc nhận định thiêng liêng đưa đến quyết định sâu xa, đó là đón nhận tác động của Chúa. Tại sao? Vì khi đó chúng ta sống điều mà thánh Gio-an gọi là “sự tự do của con cái Thiên Chúa”, tức là để cho Chúa chiếm ngự cõi sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta gắn bó với Người đến mức chỉ muốn đi tìm thánh ý Người.
Cũng như Chúa Giê-su đã nói rằng: “Tinh thần thì mau mắn, nhưng xác thịt thì nặng nề”, tức là trong cái cảm nhận của chúng ta, không phải cái gì cũng rõ ràng, nhưng có cái gì đó xuất phát từ trung tâm ánh sáng, là sự tự do của con cái Thiên Chúa. Nó còn có cả một lãnh vực mờ ảo, trong đó cái tôi còn mạnh lắm. Đó là những đam mê, những sở thích, những khuynh hướng riêng đã lấn át con người. Đi vào nhận định thiêng liêng tức là làm sao thoát ra khỏi cái tôi đó để sống kết hiệp thực sự với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế phải suy nghĩ đắn đo, đồng thời phải cầu nguyện.
Bước thứ hai là đến tối, mỗi người trong nhóm trình bày với anh em cách giải quyết mà mình cho là tốt hơn, có lợi hơn. Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình đối với tất cả cộng đoàn và cộng đoàn cũng phải tiếp nhận mỗi người với tất cả cá tính của người đó. Vấn đề khó khăn là làm sao mỗi người dám bộc lộ mình trước mặt cộng đoàn, và cộng đoàn phải có thái độ lắng nghe như thế nào để mỗi người cảm thấy mình được tôn trọng và mình có thể nói lên được tất cả. Nếu phản ứng của cộng đoàn làm cho một số người không dám phát biểu, không dám nói, thì lúc đó sẽ không có nhận định cộng đoàn, lúc đó sẽ là áp lực của một nhóm làm người khác không dám chia sẻ. Nhờ việc mỗi người đều phát biểu những gì mình cảm nghiệm, cộng đoàn có thể cùng nhau đón nhận ý kiến chính đáng nhất. Ý kiến này phải xuất phát từ một cuộc thảo luận chung và dựa trên những lý do vững chắc nhất, bởi vì chúng ta thấy rằng mỗi người trình bày trước anh em, đó là bước thứ nhất. Nhưng còn có bước thứ hai là thảo luận chung về những lý do, những động lực mà mỗi người đã đưa ra. Đây không phải là vấn đề tranh cãi, vì đi đến tranh cãi thì lại có kẻ thắng người thua. Mục đích thảo luận là để cùng nhau suy nghĩ, đánh giá những lý do mỗi người đưa ra, để cuối cùng ý kiến nào dựa trên những lý do vững chắc nhất sẽ được coi đó là ý kiến tốt hơn, có lợi hơn và cùng nhau đón nhận. Cũng như trong sự nhận định riêng, mỗi người phải sẵn sàng chấp nhận điều nào là thích hợp nhất để mà ngợi khen, tôn kính, phụng sự Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Chúng ta để ý chữ “hơn”, tốt hơn và có lợi hơn chứ không đặt vấn đề một cách tuyệt đối được.
Nhóm thực hiện phương pháp làm việc đó cụ thể như thế nào? “Trong cuộc họp buổi tối đầu tiên, chúng tôi đưa ra ý kiến sau đây: Khi con người và cuộc sống của chúng tôi đã được chính chúng tôi tự dâng hiến cho Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và Đấng đại diện đích thực và hợp pháp của Người ở dưới đất để ngài sử dụng chúng tôi, và sai chúng tôi đi đến những nơi mà ngài xét thấy việc tông đồ của chúng tôi sẽ được phong phú hơn, hoặc đến nơi người Thổ-nhĩ-kỳ hoặc là đất Ấn-độ, hay với những người lạc giáo hoặc bất cứ dân tộc nào khác có đạo hay ngoại đạo, thì nên chọn đàng nào hơn, tức là bây giờ tiếp tục liên kết với nhau chặt chẽ, làm thành một thân thể duy nhất, không một sự ngăn cách bên ngoài nào dù lớn đến đâu có thể khiến chúng tôi lìa nhau, hay là chọn mỗi người đi mỗi ngả và chấm dứt quan hệ của nhóm.”
Qua biên bản cuộc thảo luận của “Đoàn Giê-su”, chúng ta thấy họ đã xác định điểm chung đó là ơn gọi, không có gì để bàn cãi nữa. Bây giờ chỉ bàn cãi để chọn lựa nên duy trì và củng cố một sự liên kết chặt chẽ, làm thành một thân thể duy nhất, không gì phá vỡ được, hay là chấm dứt quan hệ nội tại của nhóm. Họ đưa ra một vấn đề cụ thể là Đức Thánh Cha sắp phái hai người trong đoàn đến Sienna thì liệu có phải giữ một sự nhất trí với nhau hay là chẳng giữ một sự gắn bó nào với họ hơn là với những người bên ngoài đoàn. Nếu hai người được Đức Giáo Hoàng sai đi Sienna thì nhóm sẽ giữ sự quan hệ với họ thế nào hay là cắt đứt quan hệ với họ. Đấy là vấn đề được đặt ra rất rõ ràng, chỉ chọn một trong hai. Một là củng cố sự duy trì và hợp nhất của nhóm, hai là kể như tan.
Họ giải quyết vấn đề thứ nhất như thế nào? Đọc trong biên bản, chúng tôi có cảm tưởng rằng vấn đề thứ nhất được giải quyết khá nhanh và hình như đã được giải quyết theo điều mà thánh I-Nhã gọi là thời kỳ thứ hai để làm việc chọn lựa tốt. Thánh I-Nhã phân biệt ba thời kỳ có thể làm việc chọn lựa tốt. Thời kỳ thứ nhất là khi được Chúa đánh động và lôi kéo, thí dụ như thánh Phao-lô trên đường Damas hay thánh Mát-thêu đang ngồi ở bàn thu thuế, nghe Chúa gọi là bỏ dậy đi ngay. Thời kỳ thứ hai là khi nhận được đủ ánh sáng và hiểu biết bởi kinh nghiệm những an ủi và sầu khổ, bởi kinh nghiệm phân biệt thần tốt và thần xấu. Vậy trong biên bản nói sao? Điểm thứ nhất là có nên duy trì và củng cố sự hợp nhất của nhóm hay là chấm dứt ở đây? “Chúng tôi kết thúc bằng một quyết định giữ sự gắn bó với nhau”. Những động lực nào thúc đẩy họ đi đến quyết định đó? “Bởi lẽ chúng tôi nghĩ Chúa đã đoái thương lấy lòng nhân từ và thương xót của Người mà tụ họp chúng tôi là những con người hèn yếu, xuất phát từ nhiều phía với những tập tục khác nhau. Do đó, chúng tôi không được phá sự hợp nhất của nhóm do Chúa đã tác thành, nhưng phải tiếp tục củng cố và duy trì sự hiệp nhất ấy”. Họ trở lại kinh nghiệm đã cùng sống với nhau từ 1534 đến 1539: họ đã sống trong tinh thần gắn bó và nâng đỡ nhau phụng sự Thiên Chúa, họ đã cảm nhận được đó là ân huệ lớn lao như thế nào. Một lý do khác là sự quan tâm đến nhau và sự nhất trí hoàn toàn với nhau sẽ đảm bảo mang lại hoa trái dồi dào hơn cho các linh hồn. Đây cũng là điều họ đã cảm nghiệm trong cả quá trình sống với nhau, không phải chỉ là sự suy luận theo kiểu “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Chính kinh nghiệm họ đã cảm nghiệm được khi cùng nhau phụng sự Chúa. Những sức lực kết hợp lại có sức đề kháng và năng lực để thực hiện những công việc lớn lao và khó khăn hơn là khi chia rẽ phân tán. Vậy tất cả đều dựa trên kinh nghiệm về việc họ đã liên kết với nhau để phụng sự Chúa, họ thấy đó là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa và là một điều đem lại hoa trái dồi dào cho việc tông đồ, vì thế họ quyết định phải duy trì sự gắn bó với nhau.
Nhưng ở đây biên bản cũng có một sự dè dặt để khỏi bị hiểu lầm: trong tất cả những điều vừa trình bày hay sẽ trình bày, phải hiểu cho đúng. “Chúng tôi hoàn toàn không đưa ra điều gì do sáng kiến riêng hoặc do ý riêng của chúng tôi, nhưng chỉ đưa ra những gì mà Chúa soi sáng và Tòa Thánh phê chuẩn, dù kết quả ra sao đi nữa”. Câu cuối cùng này quan trọng, “dù kết quả ra sao đi nữa” có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận điều gì Chúa soi sáng và Tòa Thánh phê chuẩn. Điều họ nói Chúa soi sáng cho họ thì có thể chủ quan, nhưng có một tiêu chuẩn khách quan là Tòa Thánh phê chuẩn. Đó là sự bình tâm hoàn toàn ở cấp độ cộng đoàn và họ ý thức rõ ràng họ không đưa ra điều gì do sáng kiến riêng, hoặc ý riêng của họ, mà chỉ đưa ra những gì Chúa soi sáng và Tòa Thánh phê chuẩn. Như vậy vấn đề thứ nhất, chúng ta thấy họ giải quyết được khá nhanh và hoàn toàn đồng tâm nhất trí với nhau ở trong vấn đề này, vì tất cả họ đã cảm nghiệm ân huệ đó, cảm nghiệm niềm an ủi thiêng liêng trong cuộc sống, cùng nhau phụng sự Chúa, gắn bó với nhau trong tình bạn, trong tình huynh đệ rất mật thiết. Phải đọc lại tất cả những trang sử của giai đoạn đó thì mới hiểu được họ thân thiết với nhau, yêu thương nhau như thế nào.
Vậy sau khi giải quyết dứt khoát vấn đề thứ nhất, chúng tôi đề cập đến một vấn đề khác khó hơn, cũng không kém phần đòi hỏi phải suy nghĩ và xem xét.
Câu hỏi được đặt ra: Có cần tuyên khấn lời khấn thứ ba là vâng phục một người trong chúng tôi không? Lời khấn thứ ba là vâng phục, tức là thành một dòng tu. Từ trước đến giờ họ chỉ có hai lời khấn: sống khiết tịnh trọn đời và sống khó nghèo. Bây giờ thêm lời khấn thứ ba là vâng phục một người được bầu làm Bề trên. Điều này cốt để hoàn thành ý Chúa trong mọi sự một cách thuần khiết hơn, để ngợi khen Chúa hơn và được công phúc hơn. Biên bản ghi nhận: “Sau khi đã mất nhiều ngày để cầu xin tha thiết và suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề mà không thấy được điều gì thỏa đáng, chúng tôi đã đặt hết hy vọng vào Chúa và bắt đầu bàn luận với nhau xem có cách nào giải quyết được thỏa đáng hơn nỗi nghi ngờ của chúng tôi”. Vậy có thể ví đây là hiện tượng mà thánh I-Nhã ở trong Linh thao gọi là gặp sầu khổ và thấy tối tăm mù mịt, không còn thấy đàng nào mà đi nữa.
Chúng ta thử xem lại nguyên tắc thánh I-Nhã nói phải xử sự thế nào trong lúc gặp sầu khổ, thì sẽ hiểu được cách mà các bạn của ngài làm ở đây. Thánh I-Nhã định nghĩa sự sầu khổ thiêng liêng là tất cả những gì trái ngược với sự an ủi thiêng liêng, như sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục.Ở nguyên tắc tiếp theo, thánh I-Nhã nói về cách phải xử sự trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi nhưng hãy cương quyết bền vững trong những điều quyết định và dốc lòng đã có trước khi bị sầu khổ hoặc trong điều dốc lòng đã có khi được an ủi trước đây. Và nguyên tắc tiếp theo, trong cơn sầu khổ nếu như không nên thay đổi các điều đã quyết định thì cũng rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm, xét mình nhiều hơn và gia tăng những sự hãm mình theo cách nào thích hợp hơn. “Trước hết liệu có nên cùng nhau lui vào một nơi tĩnh mạc và ở đó 30 hay 40 ngày mà lo việc suy gẫm, ăn chay và hãm mình để được Thiên Chúa chấp nhận những ước nguyện của chúng tôi và đoái thương đặt chắc chắn vào tâm trí chúng tôi một cách giải quyết vấn đề này. Hoặc 3 hay 4 người có nên thay mặt cho mọi người trong nhóm đến đó vì cùng một mục đích, hoặc không ai phải đi đến nơi tĩnh mạc ấy nên chúng tôi có thể cứ ở lại Roma, nhưng dành nửa ngày để chỉ lo việc của chúng tôi mà thôi. Như vậy việc suy gẫm và cầu nguyện có thể được thực hiện một cách thuận lợi hơn và lâu giờ hơn, nửa ngày còn lại chúng tôi vẫn sử dụng vào việc tông đồ quen thuộc là giảng dạy và giải tội”.
Bây giờ họ tạm ngưng thảo luận về chính vấn đề, mà thảo luận về phương pháp tiến hành. Về phương pháp tiến hành, chúng ta thấy rõ ràng qua những lời vừa đọc, đó chính là áp dụng nguyên tắc phải xử sự thế nào khi gặp sầu khổ. Vậy các bạn nghĩ bây giờ làm sao gia tăng việc cầu nguyện và hãm mình. Có thể tất cả cùng nhau đi vào một nơi thanh vắng theo như họ đã làm trước đó một lần tại Bắc Ý ngay sau khi chịu chức linh mục. Vào năm 1537, họ đã chia thành nhóm hai, ba người đi đến một nơi thanh vắng, rồi hằng ngày đến thị trấn nào đó xin ăn và rút vào nơi thanh vắng mà suy gẫm, ăn chay, hãm mình. Có thể tất cả cùng đi. Hoặc ba, bốn người đại diện đi theo cách đó. Hoặc không ai đi, tất cả cứ ở Roma, nhưng sắp đặt lại cách tiến hành là dành nửa ngày lo riêng việc của nhóm và nửa ngày tiếp tục làm công việc tông đồ quen làm là giảng dạy và giải tội. Cuộc bàn cãi cũng ngã ngũ mau, bởi lẽ họ thấy được các lý do không nên nghĩ đến chuyện rời bỏ Roma. Lúc này nhóm đã bắt đầu làm việc và đã được nhiều sự chú ý. Nhưng cũng có nhiều người nghi ngờ họ bằng cách nói xấu thế này thế khác, hoặc cho họ là nhóm cải cách hay là nhóm rối đạo. Do đó, họ thấy rằng cả nhóm cần phải ở lại. “Vì hai lý do: một là để tránh những lời đàm tiếu và gương xấu đối với dân chúng là những người có thể xét đoán. Bởi vì con người vẫn có khuynh hướng phát biểu một cách nhẹ dạ, cho rằng chúng tôi chạy trốn hoặc âm mưu điều gì mới hoặc thiếu cương quyết hay bền vững trong công việc ban đầu của chúng tôi”. Như vậy vì vấn đề thanh danh của nhóm này là nhằm mưu ích cho các linh hồn, phục vụ Hội Thánh, cho nên không đem ra bán rẻ hoặc đánh đổi được. “Hai là vì nhu cầu tông đồ hiện thời rất nhiều, giải tội, giảng dạy, các việc thiêng liêng khác nhiều đến nỗi dù nhóm chúng tôi có đông gấp bốn lần cũng không giải quyết hết”. Vậy nhóm sử dụng con đường thứ hai, tức là dành một nửa ngày cho việc cầu nguyện suy nghĩ và nửa ngày vẫn tiếp tục công việc tông đồ quen thuộc. Nhưng phải xác định mục tiêu cho việc dành một nửa ngày cho việc cầu nguyện, suy nghĩ đó. “Chúng tôi bắt đầu thảo luận để tìm con đường đi tới giải đáp và đề nghị cho tất cả từng người thực hiện được trong tâm hồn mình ba thái độ sau đây:
– Thái độ thứ nhất là mỗi người phải chuẩn bị và chăm lo việc cầu nguyện, dâng thánh lễ và suy gẫm như thế nào để mọi nỗ lực của mình hướng tới việc tìm thấy niềm vui và bình an trong Thánh Thần. Làm hết sức để nghiêng chiều ý muốn của mình về vâng phục hơn là được quyền ra lệnh, nếu do đó mà phát sinh vinh quang và lời ngợi khen Chúa như nhau. Cần giải thích thêm là trong Linh thao, thánh I-Nhã nói đến ba bậc khiêm nhường. Bậc thứ nhất vì yêu mến Chúa thì thà chết không phạm một tội trọng. Bậc thứ hai vì yêu mến Chúa thì dù phạm một tội mọn để đổi cả thế gian cũng không đổi. Và bậc thứ ba là yêu mến Chúa Giê-su khó nghèo, vác thập giá, chịu sỉ nhục đến nỗi nếu như giữa hai đàng, hoặc là được vinh quang, hoặc là phải chịu sỉ nhục mà cũng làm vinh danh Chúa như nhau, thì mình sẽ chọn chịu sỉ nhục, bởi vì nó làm cho mình giống Chúa Giê-su là Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Ở đây, thánh I-Nhã và các bạn cũng áp dụng bậc khiêm nhường thứ ba đó vào mục này. Ngài nói rằng: vâng phục hay là không vâng phục, nếu sống vâng phục trong dòng tu hay sống tự do theo ý mình mà cả hai đều đem lại vinh quang Thiên Chúa và ngợi khen Chúa như nhau, thì mình sẽ chọn sự vâng phục.
– Thái độ thứ hai là mỗi người phải tìm kiếm ý Chúa và mỗi người chịu trách nhiệm hoàn toàn, không ai ảnh hưởng trên ai, mỗi người đặt mình dưới tầm ảnh hưởng của Thiên Chúa mà thôi, tức là mỗi người chỉ dựa vào cầu nguyện, suy gẫm riêng để xem điều nào ích lợi hơn và như vậy để loại bỏ tất cả những ảnh hưởng của người khác, không phải do Thánh Thần tác động trong tâm hồn.
– Thái độ thứ ba là để tạo sự khách quan, đây là áp dụng cách thánh I-Nhã nói trong Linh thao: cách thứ hai để làm việc chọn lựa tốt trong thời kỳ thứ ba là thời kỳ mỗi người phải bình tĩnh suy xét, thì ngài nói rằng: tưởng tượng ra một người mà tôi chưa bao giờ gặp và cũng chẳng quen biết với lòng ước ao cho họ được hoàn thiện toàn vẹn, suy xét điều tôi sẽ mách họ làm và lựa chọn để sáng danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta, hơn cả và làm cho linh hồn họ nên trọn lành hơn, rồi tôi cũng làm như vậy, tuân theo quy tắc tôi đặt cho người khác. Thánh I-Nhã và các bạn áp dụng điều đó cho tập thể của mình. Mỗi người phải tự coi mình như một kẻ xa lạ đối với nhóm và như thể không bao giờ được nhận vào nhóm này. Nhìn vấn đề như thế thì không một tình cảm nào làm cho họ nghĩ và phán đoán thiên về một bên nào, nhưng có thể nói là với tư cách một người ngoài cuộc, người ấy sẽ tự do bộc lộ ý kiến của mình về kế hoạch vâng phục hay không vâng phục. Cuối cùng, lấy sự phán đoán của mình để xác nhận và chấp thuận phía nào mình thấy sẽ phục vụ Thiên Chúa hơn và bảo đảm hơn cho sự duy trì đoàn lâu dài. Ở đây đặt vấn đề là nên khấn lời khấn vâng phục hay không, và tiêu chuẩn duy nhất nhằm để chọn khấn hay không khấn.
Sau một thời gian gia tăng việc cầu nguyện, hãm mình vì mục đích đã định để đạt được ba thái độ trên, các bạn bắt đầu đi vào việc nhận định. Họ hẹn ngày gặp nhau để mỗi người phát biểu những vấn nạn có thể đưa ra nghịch với sự vâng phục.
Trong phương pháp thứ nhất để làm việc lựa chọn trong Linh thao, thánh I-Nhã nói điểm thứ bốn là “suy xét xem sự được chức vụ hay bổng lộc nói trên đây sẽ sinh thuận tiện và ích lợi cho tôi bao nhiêu. Ngược lại, cũng theo cách thức ấy, suy xét những bất tiện và nguy hiểm bởi sự được chức vụ hay bổng lộc. Trong phần thứ hai cũng làm như vậy, nghĩa là xét những thuận tiện và ích lợi hoặc những bất tiện và nguy hiểm bởi sự không được điều ấy”. Vận dụng vào trường hợp này, giai đoạn thứ nhất các bạn bắt đầu bằng việc đưa ra những vấn nạn chống lại việc khấn vâng phục và trở thành một dòng tu. Tất cả mọi lý do mỗi người đã khám phá ra trong suy nghĩ và cầu nguyện được lần lượt trình bày theo cách tiến hành cũng như lần trước. Biên bản kể lại một số lý do đã được đưa ra, chẳng hạn người thì nói tốt nhất đừng khấn vâng lời, đừng trở thành một dòng tu, vì khi nói tới danh từ dòng tu, vâng phục, đối với dân Ki-tô hữu không còn giá trị, bởi thực trạng sa sút của đời tu lúc đó ở nhiều nơi làm cho người giáo dân khi nhìn thấy một người mặc áo dòng hay một linh mục thì không còn kính trọng quý mến như trước và như vậy không có lợi gì cho việc phụng sự Thiên Chúa. Người khác đưa ra một lý do khác, nếu chúng ta muốn sống vâng phục, có lẽ chúng ta sẽ bị Đức Giáo Hoàng bắt phải sống theo một luật dòng nào đã có sẵn và chúng ta chẳng còn phương thế để làm việc cứu rỗi các linh hồn. Như vậy mọi ước vọng của chúng ta hỏng hết, mà chúng ta có đủ lý do tin rằng những ước vọng đó đã được Thiên Chúa, Chúa chúng ta chấp thuận. Để thấy rằng điều họ lo sợ ở đây không phải là sợ hão, chúng ta nói trước một chút hồi kết: khi đã quyết định khấn vâng phục và xin trở thành một dòng tu, thì nhóm giao cho thánh I-Nhã và một vài bạn soạn bản đề cương hay gọi là thể thức sống (sau gọi là định thức) của dòng mới thành lập và đưa lên Đức Giáo Hoàng duyệt. Đức Giáo Hoàng đọc xong là muốn duyệt liền. Nhưng khi chuyển sang Thánh bộ dòng tu để làm văn kiện chính thức phê chuẩn, lúc đó lại bị chống đối, bởi vì người ta viện lý do đã có sắc lệnh của một Công Đồng từ thế kỷ 13 nói không nên cho lập thêm dòng tu mới, mà chỉ có bốn luật dòng đã được nhìn nhận lúc bấy giờ, ai muốn tu thì theo những luật dòng đó thôi.
Khó khăn thứ ba rất thực tế là nếu thành một dòng tu thì sẽ có ít người gia nhập vì phải lệ thuộc vào một Bề trên và khuôn khổ của luật dòng, trong khi đó họ muốn trở thành những người nhiệt thành, muốn có nhiều người cùng chí hướng với họ để phụng sự Chúa, để làm việc trong vườn nho Chúa.
Giai đoạn thứ hai là mỗi người lần lượt trình bày kết quả suy nghĩ của mình, tức là nêu lên những lợi ích của sự vâng phục. Nếu khấn vâng phục, nếu thành một dòng tu thì sẽ được những ích lợi nào. Mỗi người mỗi cách. Trong biên bản đưa ra mấy thí dụ thôi. Có người đặt vấn đề: “giả thử nhóm chúng ta được trao phó một công việc tông đồ mà không có sự trợ giúp của tinh thần vâng phục thì chẳng ai sẽ thực sự chịu trách nhiệm, mỗi người sẽ đẩy gánh nặng cho người khác như chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều lần về việc ấy. Thêm nữa, nếu không có quyền bính trong nhóm thì nhóm không thể tồn tại lâu dài như ý hướng ban đầu đã đặt ra”. Sau khi từng người trình bày xong những thuận lợi và bất lợi, tiếp đến giai đoạn thảo luận cân nhắc vấn đề. Đây là điểm thứ năm trong cách lựa chọn thứ nhất mà thánh I-Nhã trình bày trong Linh thao là sau khi đã suy nghĩ, cân nhắc về mọi khía cạnh và xem lý trí nghiêng về phía nào thì lựa chọn theo phía đó, chứ không theo sự thúc đẩy của tình cảm.
Qua quá trình cân nhắc và xem xét các lý do đã được nêu lên, lợi cũng như bất lợi, thì dần dần các bạn đã đi đến được kết luận “Cuối cùng nhờ Chúa ban ơn giúp sức, chúng tôi đã đạt được kết luận không phải là theo đa số phiếu nhưng là sự nhất trí tuyệt đối. Chúng tôi vâng phục một người trong anh em, đó là điều rất đáng chọn và rất cần thiết cho chúng tôi”. Vì ước muốn ban đầu của các bạn là hoàn thành ý Chúa trong mọi sự để phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh vì họ thấy rằng nhờ lời khấn vâng phục và trở thành một dòng tu, họ sẽ có thể thực hiện tốt hơn và chính xác hơn. “Đồng thời cũng bảo đảm hơn việc duy trì đoàn và sau hết chúng tôi có thể lo liệu khôn khéo hơn cho từng chi tiết của việc thường ngày về những mặt thiêng liêng cũng như thế tục”.
Đoạn cuối của biên bản cho chúng ta thấy: họ hoàn toàn nhất trí với nhau đi đến quyết định về hai điểm chính, là chọn khấn vâng phục và trở thành dòng tu. Nhưng sau đó họ còn phải tiếp tục bàn luận những vấn đề khác cụ thể và chi tiết hơn, tức là hình thành dòng mới này như thế nào? Vậy họ vẫn cứ theo phương pháp đưa ra ý kiến thuận hoặc chống, rồi cân nhắc chọn lựa trong suốt thời gian gần ba tháng trời, từ giữa mùa Chay cho đến lễ thánh Gio-an Tẩy Giả, họ cùng nhau nhận định cộng đoàn, đặt ra từng điểm. Nhưng ở những điểm sau đó thì họ không tìm sự nhất trí tuyệt đối nữa, mà họ bằng lòng với quyết định của đa số phiếu trong niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn của tâm hồn anh em. Đây là sự cần thiết nhất trong cộng đoàn tu sĩ của chúng ta. Nếu một cộng đoàn không có sự hòa hợp tâm hồn thì khó mà tránh được những rạn nứt. Nhưng trước khi kết thúc, biên bản cũng nói rằng: “Đi trước sự bàn định dứt khoát này, không thiếu những buổi canh thức cầu nguyện và những hy sinh, hãm mình”. Tóm lại, họ đặt những phương thế siêu nhiên lên trên. Khi nhận định ở cấp cộng đoàn, sự từ bỏ ý kiến riêng của mình cũng phải được đặt ra một cách dứt khoát. Mỗi người và toàn thể cộng đoàn phải hoàn toàn sẵn sàng đón nhận điều Chúa sẽ thôi thúc là điều thích hợp nhất. Mỗi người phải sẵn sàng chấp nhận quyết định cuối cùng, vì không phải là lúc nào cũng có thể đạt được tới sự nhất trí tuyệt đối. Có lúc phải quyết định bằng đa số. Nhưng thông qua việc cùng nhau nhận định thì lúc đó mọi người sẽ dễ dàng tuân phục hơn. Và dĩ nhiên trong trường hợp này cũng đừng quên ý kiến của thiểu số cũng quan trọng, bởi vì nó sẽ làm cho quyết định chung được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Phải làm sao để dù quyết định theo đa số nhưng mọi người đều đạt được niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn. Sau khi đã quyết định, những người đưa ra ý kiến thiểu số tất nhiên phải từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý kiến chung.
Ở trên chúng ta đã phân tích biên bản nhận định cộng đoàn của thánh I-Nhã và chín người bạn vào mùa Xuân 1539 đi đến quyết định thành lập Dòng Chúa Giê-su. Sau đây chúng ta tóm tắt lại những yếu tố rút ra được từ kinh nghiệm của thánh I-Nhã và chín người bạn. Chúng ta thử phác họa ra một sơ đồ tiến hành một cuộc nhận định cộng đoàn để đi tới điều mà trong bản báo cáo nói là “cùng nhau đón nhận ý kiến chính đáng nhất và coi đó như quyết định chung của cộng đoàn để rồi mọi người tuân theo”. Trước khi đi vào việc rút tỉa kinh nghiệm này, chúng ta cần bổ sung một điểm nữa. Trong phần phân tích chúng ta chưa đề cập đến, tức là trong phương pháp làm việc chọn lựa trong Linh thao gồm sáu điểm, thánh I-Nhã có nói trong điểm thứ sáu rằng: “Khi đã làm xong việc lựa chọn hay quyết định ấy, người đã lựa chọn phải mau mắn đi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và dâng cho Người lựa chọn đó, để Chúa chí tôn đoái nhận và xác chuẩn cho nếu điều ấy giúp phụng sự và ngợi khen Người hơn”. Đây là xin sự xác chuẩn của Chúa, mặc dù suốt tiến trình đã cầu xin và suy nghĩ trước mặt Chúa để cho mình được đón nhận ánh sáng của Chúa. Nhưng sau khi đã thấy rõ rồi thì một lần nữa lại cầu nguyện, vừa tạ ơn, vừa dâng chính điều mình đã quyết định đó cho Chúa, để xin Chúa cho mình cảm nghiệm được một sự bình an, một niềm an ủi, hân hoan nào đó như là dấu chứng Chúa chấp nhận lựa chọn của mình.
Vậy trong câu kết của biên bản cuộc nhận định, chúng ta thấy nói rằng: “Hôm ấy mọi sự đã kết thúc dứt khoát trong niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn của tâm hồn anh em”. Niềm vui và sự hòa hợp hoàn toàn của tâm hồn anh em ở đây chính là ơn an ủi Chúa ban để xác chuẩn chọn lựa của nhóm, vì chúng ta biết rằng trước đó nhóm đã ở trong một tình trạng khó khăn như thế nào. Họ mò mẫm mà chẳng tìm ra một giải đáp nào, giống như một tâm hồn ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng, cảm thấy khô khan, nguội lạnh, tối tăm, không còn hứng thú gì, không còn biết đường nào mà đi. Trước đây tuy rằng họ xác tín về ơn gọi chung của họ, nhưng khi bàn đến vấn đề cụ thể, về phương thức sống, thì ý kiến họ rất khác biệt nhau. Nhưng bây giờ họ đã đạt được sự đồng tâm nhất trí và được niềm hân hoan, sự hòa hợp hoàn toàn các tâm hồn. Tuy bản báo cáo không nói rằng anh em đã kết thúc bằng cầu nguyện như thế nào, nhưng điều đó đương nhiên chúng ta phải hiểu thôi, vì đối với thánh I-Nhã và nhóm bạn này là những người rất nhuần nhuyễn với phương pháp Linh thao nên không thể nào họ bỏ qua điểm thứ sáu đó được.
Riêng thánh I-Nhã sau này trong tất cả những quyết định mà ngài phải đi tới trong công việc soạn thảo nội quy của Dòng thì ngài luôn luôn dựa vào sự nhận định theo những an ủi và sầu khổ trong khi ngài cầu nguyện và dâng thánh lễ. Ngài dâng tất cả điều ngài phải quyết định và phải cân nhắc trước mặt Chúa. Chính những ơn an ủi Chúa ban đã giúp cho ngài chọn lựa, chọn lựa xong ngài lại dâng cho Chúa và thường là ngài được an ủi nhiều thì ngài thấy đó là dấu Chúa chuẩn nhận điều ngài đã quyết định.
Như vậy chúng ta thấy trong cuộc nhận định cộng đoàn này, thánh I-Nhã và các bạn đã vận dụng đầy đủ phương pháp của thánh I-Nhã trong Linh thao về cách thức nhận định và chọn lựa. Trong Linh thao thì phương pháp soạn để giúp cho chọn lựa cá nhân. Còn trong thực tế của cuộc thảo luận mùa Xuân 1539 thì họ áp dụng ở cấp cộng đoàn. Chúng ta cũng đã thấy cách họ thích ứng những điều soạn cho cá nhân vào hoạt động nhận định chung cả một cộng đoàn mười người như thế nào. Và ở đó cũng đã có kinh nghiệm để đối phó với sầu khổ cũng như đã áp dụng cả cách lựa chọn thứ hai của thánh I-Nhã, tức là gồm bốn quy tắc, tuy ở đây chỉ vận dụng quy tắc thứ hai tức là để tìm được sự khách quan thì đặt mình ở trong tư thế là một người ở ngoài, không liên hệ gì tới nhóm để có thể bộc lộ ý nghĩ của mình cách khách quan hơn.
Bây giờ chúng ta thử lược tóm lại những bước đường phải đi như thế nào để thực hiện được một cuộc nhận định cộng đoàn. Chúng ta có thể đi từ sự chuẩn bị, trước hết phải có ba điều kiện:
– Điều kiện thứ nhất là cộng đoàn phải thấy mình có vấn đề cần cùng nhau giải quyết, bởi nếu không thì chẳng ai muốn ngồi vào mà suy nghĩ, cầu nguyện hay thảo luận làm gì.
– Điều kiện thứ hai là cộng đoàn phải có sự đồng ý về mục đích chung mà mọi người phải nhắm tới, nếu không cuộc thảo luận sẽ không đạt kết quả.
– Điều kiện thứ ba là các ý kiến chỉ khác nhau về phương thế cần sử dụng thôi, còn ai nấy phải có quyết tâm tìm ra con đường đưa tới đích.
Đó là ba điều tiên quyết đã xuất hiện rõ ràng ngay ở phần đầu của bản báo cáo. Tuy ba điều kiện đó là tiên quyết, nhưng còn vấn đề khác cũng phải nói là tiên quyết tức là thái độ chung của cộng đoàn. Trong phương pháp nhận định và chọn lựa cá nhân, điểm thứ nhất thánh I-Nhã nói là phải đặt mình trước vấn đề phải chọn lựa. Nhưng vấn đề thứ hai là phải đặt mình trong trạng thái bình tâm, không có một quyến luyến lệch lạc nào. Theo quan niệm của thánh I-Nhã, bình tâm không có nghĩa là dửng dưng. Sở dĩ chúng tôi phải dịch chữ đó là “bình tâm” bởi vì chữ đó trong ngôn ngữ Âu Tây, trước thánh I-Nhã cũng không có nghĩa như là thánh I-Nhã dành cho nó đâu. Chữ “bình tâm” của thánh I-Nhã không phải là sự dửng dưng, nhưng là thái độ của một con người đã hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa, cho nên đối với tất cả mọi thọ tạo thì con người ấy không bị cái gì lôi kéo hết, nhưng chỉ tìm điều duy nhất là làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn, nhờ đó mà được tự do đối với tất cả mọi thọ tạo, mọi phương thế. Sự tự do này là thứ tự do nội tâm, chỉ gắn bó với kế hoạch của Thiên Chúa. Khi ứng dụng điều này vào một cuộc nhận định cộng đoàn thì phải thể hiện được sự tự do đó.
Chúng ta thấy trong bản báo cáo này các bạn chứng tỏ rằng họ có được sự tự do đó. Họ gắn bó hoàn toàn với kế hoạch phổ quát của Thiên Chúa và với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho cộng đoàn. Đối với từng thành viên tham dự cuộc nhận định cộng đoàn thì tất nhiên mỗi người đều được mời gọi đích danh với tất cả hiện tại và ân sủng mà họ đã lãnh nhận để thể hiện kế hoạch chung của Thiên Chúa. Mỗi người được cộng đoàn chấp nhận như hiện tại của họ đang có. Do đó, đòi hỏi cộng đoàn phải làm sao vượt qua được những nghi kỵ, những thành kiến để chấp nhận mỗi thành viên của mình. Khi chúng ta tự bộc lộ mình trước cộng đoàn, thì chúng ta dễ có mối âu lo và sự thiếu an toàn vì sợ mình bị chê cười, bị xét đoán. Chúng ta cũng bị thúc đẩy bởi ước ao tự nhiên là muốn được quý chuộng và yêu mến. Cho nên sự tự do ở đây không những chỉ là đối với đối tượng của sự nhận định, mà còn là ngay thái độ đối với nhau. Phải thoát khỏi mọi thành kiến nghi kỵ để chấp nhận nhau, tôn trọng nhau. Nhận ra mỗi người đều được Chúa mời gọi và tất cả những thành viên của cộng đoàn đều được Chúa mời gọi ngồi lại với nhau trong cùng một ơn gọi của cộng đoàn dòng tu.
Chính sự quý trọng nhau trước mặt Chúa làm cho các thành viên khám phá ra cách Chúa Thánh Thần dẫn đưa mỗi người. Nhóm mười người bạn mà chúng ta nói đến ở đây thì ngay từ đầu bản báo cáo đã nhấn mạnh rằng họ là những người thuộc quốc tịch khác nhau và tính tình thật là khác nhau. Nhưng họ ý thức rằng tất cả đã được mời tham dự cùng một ơn gọi, nên họ tôn trọng nhau, chấp nhận nhau, để cho mỗi người được hoàn toàn tự do phát biểu và lắng nghe nhau. Không ai thành kiến với ai, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt trình độ. Tất cả đều được tự do phát biểu, vì tất cả đều được Chúa Thánh Thần tác động. Từ đó chúng ta thấy thái độ bộc lộ của mỗi người phải là trung thực với mình và với mọi người, tức là phải được phát biểu trong một tư thế hoàn toàn thư giãn, phát biểu cách đơn giản, tránh những phát biểu phức tạp và phải bình tĩnh. Phải được tạo điều kiện để có thái độ phát biểu bình thản, bởi vì lúc đó có cảm thấy mình được ai nấy lắng nghe, người phát biểu mới khỏi bị lúng túng. Vậy có thể nói đây là chỗ để rèn luyện tình huynh đệ sâu xa và chân thành, chấp nhận nhau hoàn toàn trước mặt Chúa để có thể lắng nghe nhau.
Nhưng muốn được thế, mỗi người cũng phải chấp nhận bị thử thách nhằm đạt tới sự hài hòa với mọi người, chấp nhận mình bị lộ chân tướng, bị đối kháng, bị đặt thành vấn đề, cả tới mức cảm thấy mình bị tấn công và thương tích. Vì đây là một cuộc nhận định cộng đoàn, nên đã gọi là nhận định cộng đoàn thì mỗi người phải đóng góp với tất cả những gì Chúa cho mình, đem tất cả con người của mình đến trước mặt Chúa trong trách nhiệm đối với cộng đoàn và bộc lộ cho cộng đoàn tất cả những gì mình cảm nghiệm thấy như Chúa tác động nơi mình. Qua đó, tất nhiên phải bộc lộ cả con người thật của mình, điều này đòi một sự khiêm tốn ở phía mỗi thành viên của cộng đoàn. Tất cả các thành viên đều phải lắng nghe Chúa Thánh Thần dạy bảo, bởi vì đã gọi là nhận định thiêng liêng tức là nhận định theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần và chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta tới sự hiệp nhất ngang qua những khác biệt cá nhân. Bởi lẽ Chúa Thánh Thần là nguồn duy nhất của mọi đoàn sủng nhằm thể hiện kế hoạch chung của Thiên Chúa. Mỗi cộng đoàn dòng tu có một ơn riêng là đặc sủng của dòng đó, cho nên trong việc nhận định cộng đoàn chính là Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thể hiện ơn Người đã ban, nên ai nấy đều phải lắng nghe Chúa Thánh Thần.
Như vậy, chúng ta thấy đòi hỏi căn bản là mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đoàn phải đạt được sự tự do nội tâm, không để điều gì lôi kéo mình, không để thành kiến nào chi phối mình. Sự tự do này là thành quả của lòng khao khát muốn tìm biết ý Chúa. Muốn thành công trong việc tìm biết ý Chúa thì lại đòi phải có lòng khao khát tìm biết ý Người. “Ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ được mở cho” (Lc 11:10). Nếu mỗi người không có sự khao khát tìm biết ý Chúa thì sẽ chẳng thể nào đem hết lòng đi tìm ý Chúa. Muốn hết lòng đi tìm ý Chúa phải có sự sẵn sàng làm theo điều mình tìm thấy. Tin tưởng vào Chúa chưa đủ, còn phải tin tưởng vào sự chân thành của các thành viên trong cuộc nhận định đó. Bởi vì, nếu không tôn trọng tự do, không tin ở sự thành thật của nhau thì cũng không thể có một cuộc nhận định cộng đoàn. Chúng ta thấy các lý do liên kết nhau như những mắt xích. Tin tưởng vào Chúa thì tất nhiên cũng phải nhận thức rằng Thánh Thần của Chúa như gió muốn thổi đâu thì thổi và thổi lúc nào thì thổi, cho nên cũng phải phó thác cho Chúa về vấn đề thời gian, đừng nghĩ rằng Chúa sẽ cho mình thấy ngay lập tức, nhưng phải có thời gian để mọi sự trở nên rõ ràng.
Sự tự do như đã nói là giữa các thành viên với nhau phải thoát ra khỏi mọi thành kiến, mọi nghi ngờ, để chấp nhận nhau. Và trong khi thảo luận đòi hỏi mỗi người luôn luôn kiểm điểm chính mình, kiểm điểm những thái độ, kiểm điểm chính việc cầu nguyện của mình để giữ cho tâm hồn mình tự do mà không buông theo những xung động nhất thời. Trong khi chúng ta suy nghĩ, chúng ta nghe ý kiến người khác thì chúng ta phải giữ được sự tự do trong tâm hồn. Có thể nói đó là những thái độ nền tảng vì nếu thiếu sự tự do nội tâm, thiếu sự chấp nhận nhau, thiếu sự lắng nghe nhau, thì không thể có nhận định cộng đoàn.
Đã gọi là nhận định cộng đoàn thì không có thể loại trừ nhau được. Một cộng đoàn không thể có nhận định cộng đoàn nếu mỗi người chỉ muốn người khác là đàn cừu để mình dẫn dắt. Ngược lại, cộng đoàn cũng không thể cùng nhau nhận định nếu một số thành viên vẫn cảm thấy rằng nhận định làm chi, điều gì rồi Bề trên cũng quyết định hết, nhận định cho có hình thức thôi. Nếu trong cộng đoàn còn sống với cảm tưởng đó, thì cũng không thể có nhận định cộng đoàn. Tóm lại, phải làm sao tạo được một bầu khí thật sự huynh đệ, yêu thương, kết hợp trong Chúa, tin tưởng nhau thì mới có thể là một cuộc nhận định cộng đoàn.
Sau đây chúng ta nói đến việc chuẩn bị đặt vấn đề. Câu hỏi được đặt ra dưới hình thức đưa đến việc chọn điều này hay điều kia, tức là câu hỏi phải được đặt ra rõ ràng, chọn một trong hai. Và câu hỏi cũng phải được đặt ra trong một ngôn ngữ của tự do, không có bắt buộc, tức là có nên chọn điều này hơn điều kia chăng. Bởi vì nếu nói điều này chứ không phải điều kia, thì lúc đó đặt người ta dưới một áp lực tinh thần rồi. Như thánh I-Nhã nói trong những điều chúng ta có thể chọn lựa là những điều hoặc không tốt không xấu, hoặc là tốt, thì về phương diện đời sống cộng đoàn cũng vậy, làm sao để việc chọn lựa thực sự khách quan, có thể chọn phía này hoặc phía kia. Nếu câu hỏi đặt ra làm cho các thành viên bắt buộc phải chọn phía này hoặc phía kia, thì khỏi cần phải nhận định cộng đoàn nữa. Vậy cần phải so sánh nên chọn bên nào hơn và câu hỏi phải có ba điều kiện:
– Phải chính xác như là các bạn của thánh I-Nhã đã đặt ra ở đây.
– Phải được mọi người hiểu cho đúng, bởi vì nếu tất cả mọi người không cùng hiểu câu hỏi hay vấn đề như nhau thì cuộc thảo luận cũng sớm đi đến chỗ ông nói gà bà nói vịt.
– Câu hỏi phải thuộc về việc nhận định thiêng liêng, tức là nó không dửng dưng với công trình của Thiên Chúa trên thế giới.
Trong quá trình nhận định có những lúc phải vận dụng những quy tắc phân biệt thần loại trong Linh thao, cụ thể là các bạn đã áp dụng những quy tắc để đối phó trong trường hợp gặp sầu khổ thiêng liêng, gặp tối tăm thử thách. Vậy trong phần chuẩn bị, sau khi đặt được câu hỏi rõ ràng cũng cần phải thâu thập các dữ kiện, nhất là đối với việc canh tân thích nghi đời tu. Những dữ kiện chúng ta phải thâu thập có thể là những gì người ta gọi là dấu chỉ của thời đại, nhờ đó chúng ta biết được nhu cầu của con người thời nay là gì, họ khát vọng gì, chờ đợi gì. Và vấn đề chúng ta đặt ra có liên quan gì với họ. Chẳng hạn như một cộng đoàn dòng tu muốn đặt lại vấn đề phải phục vụ họ đạo như thế nào, nên phục vụ theo hướng trước kia, chủ yếu là coi phòng thánh, giúp hội đoàn hay có một hướng nào mới mà mình nhận ra được từ nhu cầu cụ thể của địa phương đó. Khi đã tìm hiểu nhu cầu của họ, ta đem đối chiếu với ơn gọi của ta, rồi phải đặt vấn đề vào bối cảnh ơn cứu độ phổ quát, tức là cốt làm sao để phục vụ tốt hơn cho kế hoạch của Thiên Chúa.
Như vậy không chỉ là tìm kiếm những dữ kiện bên ngoài, mà còn phải thông qua suy nghĩ, cầu nguyện, chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể và đường lối của Chúa Giê-su, để đặt mình hoàn toàn vào bối cảnh của ơn cứu độ. Như chúng ta thấy các bạn của thánh I-Nhã đặt vấn đề làm sao để tìm hứng thú trong vâng phục hơn là có quyền ra lệnh, và chúng ta đã phân tích rõ ràng mục đích sâu xa để hướng tâm hồn về sự vâng phục chính là để nên giống Chúa Giê-su. Cũng phải đặt vấn đề trong sự liên đới với lịch sử của cộng đoàn, vấn đề của cộng đoàn nêu lên hôm nay phát sinh từ đâu, nó triển nở như thế nào để trở thành một đề tài thảo luận. Điều này nghĩa là bao giờ cũng phải đặt trong viễn tượng đặc sủng của dòng, ơn gọi của dòng. Ơn gọi của dòng là như thế nào và tại sao bây giờ chúng ta phải đặt vấn đề này. Nếu khi đối chiếu với ơn gọi của dòng, vấn đề đã bị loại trừ rồi thì khỏi cần phải đặt ra nữa. Chỉ có thể nhận định cộng đoàn khi một vấn đề được đặt ra vẫn ở trong phạm vi phương thế để thi hành ơn gọi của cộng đoàn thôi.
Sau khi đã chuẩn bị như thế, tức là chuẩn bị thái độ nội tâm, thái độ đối với nhau trong cộng đoàn, thì lúc đó có thể chính thức tiến tới giai đoạn nhận định. Chúng ta thấy trong giai đoạn nào cũng phải có cầu nguyện, và trong giai đoạn chính thức của việc nhận định thì việc cầu nguyện lại càng trở nên khẩn thiết hơn, bởi lẽ mỗi người chỉ phát biểu những gì mình đã cảm nghiệm trong cầu nguyện thôi, những gì mình đã nhận định trước mặt Chúa trong cầu nguyện, những gì mình thấy Chúa đánh động mình trong cầu nguyện. Phần này chúng ta cũng dễ theo, bởi vì trong biên bản nói khá dài về cách thức nhận định: Bước thứ nhất là tìm những lý do nghịch. Bước thứ hai là tìm những lý do thuận. Bước thứ ba và thứ tư sẽ là suy nghĩ và liệt kê những bất lợi và những thuận lợi… Chúng ta luôn luôn đặt ra hai con đường để chọn lựa mà ở đây chúng ta gọi là A và B. Nếu chọn A hoặc nếu chọn B thì gặp những bất lợi và những thuận lợi nào. Sau khi đưa hết các lý do đó ra, bây giờ đến bước quan trọng là cân nhắc, phê phán, đánh giá những lý do đó, bởi vì không phải lý do nào cũng đáng quan tâm. Khi đã đánh giá xong thì chỉ giữ lại những lý do nào được coi là chính đáng. Việc cân nhắc xem xét các lý do đó sẽ dần dần đưa người ta tới sự hoán cải nào đó về tư tưởng và trí tuệ.
Nhưng đây chính là lúc cần cầu nguyện và bầu khí bác ái để có thể dám bộc lộ những chuyển động diễn ra trong tâm hồn mỗi người. Cuộc thảo luận về các lý do đã được kể ra, bất lợi và lợi, nghịch và thuận, dần dần sẽ làm cho cán cân nghiêng về bên nào đó tùy sự đánh động của Chúa. Luôn luôn trong cuộc thảo luận mỗi tham dự viên phải giữ được sự bình tâm hoàn toàn đối với việc chọn điều này hay điều kia. Bình tâm trong việc cùng nhau nhận định có nghĩa là không muốn điều này hơn điều kia, bao lâu chưa cảm thấy vì vinh danh Chúa và phải sẵn sàng nhận quyết định của cộng đoàn làm quyết định của mình.
Như vậy, quyết định cuối cùng sẽ là quyết định của tình yêu đáp lại tình yêu, sự chọn lựa nào cũng đòi từ bỏ, tức là có sự hy sinh đi kèm, không thể bắt cá hai tay, và khi tôi nhận lấy quyết định của cộng đoàn thì có cái gì đó ở trong tôi phải chết đi. Tôi chết đi cho cái tôi khi tôi phó mình cho quyết định chung của cộng đoàn, dù quyết định đó là thế nào, hợp ý tôi hay không hợp ý tôi thì tôi vẫn cứ vâng theo.
Đến đây chúng ta có thể cùng nhau suy nghĩ về một vài hình thức ứng dụng của việc nhận định này. Trước tiên nói về phương pháp nhận định và lựa chọn ở trong Linh thao thì dĩ nhiên là nó có thể áp dụng cho những người tìm hiểu ơn gọi, những người đang được huấn luyện trong dòng để họ nhận định và chọn lựa cho đúng với ơn gọi của họ mà không để cho một động lực nào không chính đáng thúc đẩy họ. Đây là điều nhiều khi chúng ta không quan tâm đủ và có thể là nguồn phát sinh ra những khó khăn cho cộng đoàn, tức là khi nhận một người, điều chính yếu phải quan tâm trước tiên là xét đến động lực sâu xa nào thúc đẩy người đó xin vào tu. Động lực đó có thực sự hướng về Thiên Chúa, về đời sống tông đồ không? Nói cách khác là họ có thực sự bình tâm, nghĩa là họ chỉ nhắm mục đích duy nhất là phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh khi họ chọn đời tu hay không. Việc này dĩ nhiên là đòi hỏi một quá trình thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy những suy nghĩ của mỗi người, và mỗi người phải thành thật với chính mình, trước mặt Chúa trong bầu khí tĩnh tâm. Nếu người ta sống hoàn toàn trước mặt Chúa thì lúc đó người ta có thể đạt được mức bình tâm cần thiết để chọn lựa cho chính đáng.
Việc ứng dụng nhận định cộng đoàn rất đa dạng và rất hữu ích, chẳng hạn khi phải nhận định một đường hướng tông đồ nào đó phù hợp với ơn gọi của dòng, nghĩa là cần thích nghi với thời đại bằng nhiều phương thế khác nhau, nhưng luôn luôn trung thành với đặc sủng của dòng.
Như vậy chúng ta cũng có thể dùng việc nhận định cộng đoàn để tạo nên sự hòa hợp giữa các tâm hồn. Bởi vì trong chính cuộc nhận định đó mỗi người phải thoát ra khỏi chính mình để tập chấp nhận người khác, lắng nghe người khác và tôn trọng người khác. Hãy thực hiện những điều chúng ta nói về một cuộc nhận định cộng đoàn, thì chúng ta thấy sự hòa hợp các tâm hồn sẽ là kết quả của tất cả những bước tiến đó. Việc chọn lựa cũng có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng nếu có vài thành viên trong cộng đoàn lại cho là sai và nhất định bảo thủ ý kiến của mình thì sao? Trong trường hợp này, đòi hỏi mỗi người phải có tự do đối với ý kiến phán đoán của chính mình, tìm ý Chúa bằng cách sẵn sàng phê phán và chấp nhận để người khác phê phán những ý kiến của mình. Khi đạt được thái độ tự do và tôn trọng nhau trong cộng đoàn, lúc đó mới có thể trao đổi với nhau một cách thẳng thắn, nhưng không phải để tranh luận hơn thua. Để đạt được sự tự do, sự cởi mở với Chúa Thánh Thần và với nhau thì trước hết phải khao khát mãnh liệt trong cầu nguyện, khao khát được biết sự thật, được hiểu và lớn lên trong sự thật mà không sợ hãi, cũng không mong muốn gì khác.
Phải bớt tin tưởng vào trí khôn của con người. Ngược lại, đặt hết sự tin tưởng vào Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt chúng ta vào tất cả sự thật mà chúng ta cần biết, lại phải đặt tin tưởng vào những thành viên khác cũng dấn thân vào nỗ lực này, phải tin tưởng họ là những con người có thiện chí tìm kiếm sự thật một cách lương thiện với sự cởi mở đối với Thánh Thần và đối với người khác. Phải sẵn sàng lắng nghe và trình bày khiêm tốn, cởi mở, đơn sơ. Phải thoát khỏi lòng ao ước muốn tỏ ra mình đúng, còn những người khác sai, lại sẵn sàng vui mừng khi tìm ra được sự sai lầm của mình nếu người khác đúng. Phải có sự tự do đối với những thành kiến trong mức độ mỗi người có thể đạt được. Tiếp theo là phải tin tưởng rằng nếu các thành viên chuẩn bị hết sức tốt thì Thánh Thần sẽ giúp họ soi sáng lẫn nhau, để mỗi người đều cho và nhận được ánh sáng. Đó là sự chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị cho mối tương quan với nhau. Điểm then chốt ở trong toàn bộ phương pháp “nhận định cộng đoàn” khác với cách thức đối thoại, trong đó mỗi người lắng nghe nhưng không bao giờ thực sự thử tìm cách chấp nhận và bảo vệ quan điểm khác với quan điểm của mình. Nếu mỗi người cố gắng bênh vực quan điểm của người khác thì dần dần tất cả mọi người thấy rõ hơn. Tục ngữ có câu: “Hãy chui vào bộ da của người khác trước khi đòi người khác chui vào bộ da của mình”, tức là hãy thử nhận lấy ý kiến của người khác trước khi đòi người khác nhận lấy ý kiến của mình. Tại sao cứ đòi người khác phải theo ý kiến của tôi mà tôi không cố gắng theo ý kiến của người khác. Để trao đổi có kết quả tốt phải tránh những cuộc gặp gỡ dồn dập.
Như kinh nghiệm nhóm bạn của thánh I-Nhã đã làm là chia ra từng cuộc gặp gỡ. Chẳng hạn trong cuộc gặp gỡ để nói lên những lý do bênh vực quan điểm chọn việc khấn vâng phục và trở thành một dòng tu, những lý do phải được ghi và đọc lại cho mọi người nghe. Sau đó mỗi người có thể bổ túc ý kiến. Nhưng trong một buổi họp, mọi người đều cố gắng bênh vực cùng một quan điểm. Sau khi kết thúc buổi họp đó, mọi người tiếp tục cầu nguyện, suy nghĩ về những lý do, những giải thích đã đưa ra trong cuộc họp trước. Sau đó lần lượt có những cuộc họp để nói về những quan điểm khác và bênh vực những quan điểm đó. Nên chú ý trong những buổi họp này, phần bổ sung chỉ có giải thích, không đưa ra những lý do bênh vực. Nếu không làm như vậy thì sẽ lại khởi đầu một cuộc tranh cãi. Ở đây phải tránh tranh cãi, chỉ lắng nghe những lý do. Trong các buổi họp cứ xen kẽ thời gian cầu nguyện, suy nghĩ, dần dần các lý do đó sẽ quy kết với nhau trong tâm trí mỗi người, làm cho mỗi người thay đổi dần dần và đi tới sự hòa hợp với nhau. Điểm then chốt nữa là tất nhiên không nên quyết định bằng bỏ phiếu chọn quan điểm này hay quan điểm kia, vì đây không phải vấn đề đi đến quyết định mà là đi đến sự hòa hợp với nhau. Vậy mục đích chủ yếu là cố gắng hiểu quan điểm của nhau, thấy điều hay, điều đúng của nhau và nhờ đó đi đến sự hòa hợp trong cộng đoàn. Còn những quyết định nếu có gì sai thì dĩ nhiên phải sửa, không cần phải đặt vấn đề gay gắt.
Đó là một hình thức áp dụng phương pháp nhận định cộng đoàn, được coi là có thể hữu ích. Phương pháp này sẽ giúp các cộng đoàn của chúng ta, nhất là những cộng đoàn chừng 5 – 7 người tạo được sự hòa hợp, một yếu tố quan trọng cho hạnh phúc của cộng đoàn và phát sinh hiệu năng tông đồ của cộng đoàn đó nữa.
Hết