Việc Kết Nạp Một Dòng Tu Với Một Dòng Khác – Vấn Đề 20

0
475


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 20

VIỆC KẾT NẠP MỘT DÒNG TU VỚI MỘT DÒNG KHÁC

(đ. 580)

 

Việc kết nạp (aggregatio) là một hành vi, qua đó một Dòng Tu nhìn nhận một Dòng khác như là một thành phần của mình. Đây là một sự liên kết về tinh thần, còn về việc quản trị thì đôi bên vẫn tự lập. Việc kết nạp thuộc thẩm quyền của Dòng kết nạp.

Bộ Giáo Luật cũ 1917 không có một điều khoản nào về việc kết nạp nói chung. Điều 492 §l của luật cũ 1917 chỉ xét đến trường hợp “các người dòng ba sống chung với nhau”, và đại khái nói rằng: Để thành lập một Hội Dòng những người dòng ba, thì ngoài phép của Đức Giám Mục và tham khảo ý kiến Tông Tòa (xem vấn đề 18) còn phải được Vị Bề Trên Tổng Quyền kết nạp vào Dòng của mình. Trên thực tế, trong Bộ Luật cũ 1917, chỉ có các Dòng Phanxicô, Đaminh, Carmelo, Augustino, Tôi Tớ Đức Mẹ, Biển Đức mới kết nạp các Hội Dòng khác làm thành viên “dòng ba có đời sống chung”. Với Bộ Luật 1983 hiện hành, bất cứ Dòng nào cũng có thể kết nạp một Hội Dòng khác.

Một cách ám tàng, Bộ Giáo Luật 1983 dành cho luật riêng xác định ai có thẩm quyền tiến hành việc kết nạp: Tổng Tu Nghị? Bề Trên Tổng Quyền? Bề Trên Tổng Quyền với Hội Đồng Cố Vấn?

Vì Giáo luật không đả động đến thẩm quyền nào đứng ra xin kết nạp, cho nên việc này được dành cho luật riêng về phía Hội Dòng xin kết nạp.

Việc kết nạp phải tôn trọng bảo toàn quyền tự trị pháp lý Hội Dòng được kết nạp. Đây là sự khác biệt với sự sát nhập (fusio) và thống nhất (unio).[1] Sự kết nạp chỉ nhằm thiết lập những liên lạc tinh thần giữa hai Dòng, chứ không tạo ra một sự lệ thuộc nào giữa Hội Dòng này đối với Hội Dòng kia.

Liên quan đến việc kết nạp, một câu hỏi có thể được đặt ra: Bộ Giáo Luật 1983 hiện hành không lấy lại sự cấm đoán của điều 500 §3 trong Bộ Luật cũ 1917: “Nếu không có đặc ân của Tòa Thánh, thì không một Dòng nam nào được phép đặt những Hội Dòng nữ dưới quyền của mình, cũng không được phép coi như được ủy thác coi sóc và hướng dẫn các nữ tu đó”.[2] Phải chăng điều này có nghĩa là từ nay, một Dòng nam được phép đặt một Hội Dòng nữ dưới quyền của mình, mà không cần đặc ân của Tòa Thánh? Xin trả lời là không được, dựa theo điều 580 của Bộ Giáo Luật 1983 hiện hành, bởi vì khoản luật này yêu cầu tôn trọng quyền tự trị pháp lý của Hội Dòng được kết nạp, dù bất cứ dưới hình thức nào.

Như vật, điều 580 của Bộ Luật mới 1983 đã lấy lại nội dung điều 500 §3 của Bộ Luật cũ 1917 dưới một hình thức khác. Do đó, nếu không có đặc ân của Tòa Thánh, một Dòng nam không được phép đặt một Hội Dòng nữ ở dưới quyền của mình.

 

 


[1]Xem vấn đề 21.

[2]Ta có thể lấy một thí dụ nơi “Tu Đoàn Tông Đồ Nữ Tử Bác Ái” đối với “Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn”.