Việc Đào Tạo Các Tu Sĩ – Vấn Đề 62

0
1308


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 62

VIỆC ĐÀO TẠO CÁC TU SĨ

(đ. 659-661)

 

Sự đào tạo giữ vai trò quan trọng trong việc canh tân đời tu: “Việc canh tân thích ứng với các Tu Hội lệ thuộc phần lớn vào việc đào tạo các thành viên”.[1] Trong Tông huấn Evangelica Testificatio, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo liên quan đến lối sống và việc tái sinh tinh thần.[2]

A. Những giai đoạn khác nhau của việc đào tạo

– Việc đào tạo khởi đầu diễn ra ở tập viện, trước khi tuyên khấn lần đầu.

Đào tạo trước khi khấn lần đầu:

– Bắt buộc cho tất cả mọi Hội Dòng, nam cũng như nữ.

– Đây là một quyền lợi của các tu sĩ trẻ tuổi, cho nên phải lo tôn trọng quyền lợi này. Giáo Luật nhấn mạnh đến việc này bằng cách yêu cầu nhà Dòng đừng giao cho các Tập sinh những công việc có thể gây thiệt hại cho sự đào tạo của họ.

– Đây cũng là bổn phận. Mỗi tu sĩ được kêu mời hãy cộng tác vào việc đào tạo bản thân bằng cách phát huy trách nhiệm của mình trong vấn đề này (x. điều 652 §3).

– Trong luật riêng của mình, mỗi Dòng phải soạn một chương trình đào tạo (Ratio institutionis). Dòng có trách nhiệm nặng nề phải dự liệu và tổ chức việc đào tạo ở giai đoạn này, bằng cách:

+ Cung cấp những cơ cấu cần thiết;

+ Thực hiện một chương trình đào luyện phù hợp với đời sống của Dòng, với sứ mạng riêng của Dòng tại Giáo Hội địa phương, và với sự hội nhập vào văn hóa tại nơi mà Dòng hoạt động;

+ Thực hành một đường lối sư phạm lành mạnh, hòa hợp lý thuyết với thực hành.

+ Đối với các tu sĩ giáo sĩ, thì phải soạn một chương trình đạo tạo thích hợp với hàng giáo sĩ và ơn gọi của Dòng.

B. Đào tạo liên tục (hoặc thường xuyên)

Việc đào tạo cần được tiếp tục sau khi khấn trọn đời.

Trong việc này, cần phải tham chiếu đến:

– Những dữ kiện xã hội học: sự đào tạo liên tục là một yêu sách cho tất cả mọi nếp sống, và các tu sĩ không được miễn trừ. Đàng khác, việc tuyên khấn trọn đời mở ra một quãng thời gian dài trong cuộc đời, và tu sĩ cần sống giai đoạn ấy cách năng động, không để rơi vào thói quen máy móc.

– Những dữ kiện tông đồ: các môi trường sinh sống không ngừng thay đổi, và hoạt động tông đồ không thể nào làm ngơ.[3] Nỗ lực đào tạo liên tục cho phép các tu sĩ có đủ khả năng “đáp ứng những đòi hỏi của các dự án tông đồ của Hội Dòng mình, hòa hợp với những nhu cầu của Giáo Hội”.

– Đặc sủng của Hội Dòng: để làm chứng tá theo ý muốn của Công Đồng Vatican II và các văn kiện sau đó,[4] có thể áp dụng cho các tu sĩ những gì nói về các Kitô hữu, “vận dụng tất cả các phương tiện hiện đại của nền văn minh mới vào việc truyền bá sứ điệp Tin Mừng”.

– Đoàn sủng đặc biệt của đời sống tu trì: nếu không có sự đào tạo thường xuyên này, làm sao các tu sĩ trở nên những con người say mê với việc truyền bá Phúc Âm, với những dự án mới mẻ?”.[5]

Vì tất cả những lý do trên đây, mỗi Dòng phải tổ chức những thời kỳ và những lớp đào tạo về những mặt khác nhau: thần học, đời sống tu trì, đặc sủng, sinh hoạt nghề nghiệp.

 

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae caritatis (Đức Ái trọn hảo), số 18.

[2]Sau khi ban hành Bộ giáo luật, Bộ Đời Sống Thánh Hiến đã ban hành văn kiện “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội Dòng” (ngày 2/2/1990). Đề tài này cũng được đề cập trong Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 65-71.

[3]x. Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám Mục, Mutuae Relationes (Văn kiện về “Tương quan giữa các Giám mục và các Tu sĩ trong Giáo Hội), Ngày 14-05-1978, số 26tt.

[4]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng), 1975, số 41 và 42.

[5]Ibid., số 69.