Văn kiện: Kinh tế phục vụ đặc sủng và sứ vụ. Phần I

0
1315

BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

——————–

CÁC HƯỚNG DẪN

QUẢN TRỊ KINH TẾ

HƯỚNG ĐẾN PHỤC VỤ ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

————–

MỤC LỤC

GIỚI THIỆU

I. SỐNG LẠI KÝ ỨC VỀ ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

Sự khó nghèo của Đức Kitô, Sự mới mẻ của Tin Mừng

Hướng về “Thân mình Đức Kitô”

Một nền kinh tế có khuôn mặt con người

Kinh tế là một công cụ trong việc thi hành sứ vụ của Giáo Hội

Kinh tế chia sẻ và hiệp thông theo tinh thần Phúc Âm

Sự huấn luyện về các vấn đề kinh tế

Sự thúc bách trình bày khuôn mặt ngôn sứ

II. CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA : ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

Hướng đến Vương Quốc tương lai

Cái nhìn vượt xa hơn: sự phân định

Thiết lập kế hoạch

Các đặc sủng: ý nghĩa đối với Giáo Hội

Các đặc sủng: khả năng hòa nhập

III. CHIỀU KÍCH KINH TẾ VÀ SỨ VỤ

Tính bền vững của các công việc

Sản nghiệp vững bền (tài sản)

Trách nhiệm, sự minh bạch và sự tín nhiệm

Văn khố

Bốn nguyên tắc của Tông huấn Evangelii Gaudium

IV. Chỉ dẫn hành động

Quản trị kinh tế

Việc quản trị và điều hành sản nghiệp

Các mối tương quan trong Giáo Hội

KẾT LUẬN

 —————–

GIỚI THIỆU

1. “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10)

Thư thứ nhất của thánh Phêrô nhắm đến những nghịch cảnh mà cộng đồng các Kitô hữu gốc Do Thái ở Rôma đang phải đối diện trong khoảng thời gian cuối thế kỷ thứ nhất: một thời điểm mà Giáo Hội có những thách đố cụ thể. Đây là một bản văn chứa đựng giá trị thần học cao. Bản văn này được gửi đến các Kitô hữu xuất thân từ dân ngoại nhưng nay đã cải đạo, rồi tới những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ : Pon-tô, Ga-lát, Cáp-pa-đô-ki-a, A-xi-a và Bi-thy-ni-a (1:1). Thánh Phêrô khuyến khích họ hãy đứng vững trong ân sủng của Thiên Chúa (5:12) và thúc đẩy họ cương quyết và kiên vững (1:13, 4:19,5:7-8) đứng trước thử thách và khó khăn.

Một cách cụ thể, chương 4 được chia thành ba phần. Phần thứ nhất nhấn mạnh sự tương đồng giữa sự đau khổ Đức Kitô phải chịu trong thân xác của Người và những tâm tình mà các Kitô hữu phải nuôi dưỡng (cc. 1-2). Phần thứ hai mô tả ý nghĩa “khác biệt” của người Kitô hữu trong bối cảnh xã hội nơi mà họ sống (cc. 3-6). Phần cuối cùng bắt đầu với quan điểm cánh chung luận và tập trung vào những năng động có tính hiệp thông trong đời sống của các Kitô hữu với những chỉ thị rõ ràng và giá trị.

Câu thứ 10: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”  đã phác họa bản chất đầy ân sủng của những người đi theo Đức Kitô và Tin Mừng của Người, hay nói cách khác, sự tuôn tràn ân huệ vào đời sống của bất cứ ai tin vào Người. Thật vậy, thánh Phêrô mời mọi mỗi người hãy sống ân huệ này (charisma) như những người phục vụ (diakonia) phân phát các ân huệ (4:10).

Những ân huệ nhận được từ Thiên Chúa được gọi là đặc sủng; có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp Charis, xuất phát do động từ Charizomai, nghĩa là cho đi, hào phóng, rộng lượng, cho không điều kiện.

Từ Charisma trong Tân Ước chỉ được sử dụng để nói về ơn ban của Thiên Chúa. Mỗi đặc sủng không phải là một quà tặng chung cho hết mọi người, nhưng đây là một ơn ban đặc biệt mà Thánh Thần sẽ phân phát “theo ý muốn của Người” (1 Cr 12:11)[1].

Do đó, người Kitô hữu được mời gọi trở nên một thủ quỹ, người quản gia về các ân huệ thiên hình vạn trạng vốn được diễn tả qua các đặc sủng và được ban cho tất cả mọi người vì lợi ích của chính họ. Mỗi ơn ban chính là sự phong phú trong gia sản ân sủng không giới hạn của Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi thành viên của cộng đồng các Kitô hữu đều được trao ban cách đồi dào ân sủng ấy thì phải trở nên một thành viên tích cực và đồng trách nhiệm trong đời sống cộng đoàn. Họ biết rằng, những gì họ có không phải là của họ, nhưng đúng hơn đó là một quà tặng cần được gìn giữ, cần được sinh hoa trái trong một mục đích: sự thiện hảo chung, “bởi chỉ khi cùng nhau, chúng ta mới có thể đạt đến, gia tăng và giữ vững sự thiện hảo ấy, ngay cả trong khi về tương lai”[2]. Sự thiện hảo chung này đem đến nguồn ân huệ dồi dào trong việc phục vụ kẻ khác nhờ đó kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện vì lợi ích của mọi người nam nữ.

2. Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Hội Thánh cũng giống như “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan có nhiệm vụ chăm sóc cẩn thận những gì đã được trao phó cho mình”. Thật vậy, “người đầy tớ luôn ý thức trách nhiệm về sự bảo vệ và quản lý với sự chú tâm đến chính các tài sản của mình và dưới ánh sáng sứ vụ truyền giảng Tin Mừng cùng với sự quan tâm cụ thể dành cho người túng cực”[3].

Thực tại lịch sử tính hiện nay mời gọi đời sống thánh hiến tập trung hơn nữa về vấn đề sụt giảm ơn gọi nghiêm trọng và khủng hoảng kinh tế kéo dài. Tình huống này thức bách chúng ta “phải chọn thái độ thực tế khi đón nhận những trách nhiệm mới mẻ với niềm tin tưởng và hy vọng, với những trách nhiệm này chúng ta phải nhìn thấy viễn ảnh một thế giới đang cần có một cuộc canh tân văn hóa sâu xa và việc tái khám phá những giá trị nền tảng, dựa vào đó có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Cuộc khủng hoảng đòi buộc chúng ta phải vạch một con đường mới, đưa ra những lề luật mới và tìm những hình thức mới để dấn thân, định hướng trên những kinh nghiệm tích cực và loại bỏ những kinh nghiệm tiêu cực. Do đó, khủng hoảng trở thành cơ may để phân định, và phác họa chương trình về một nhãn quan mới. Thế nên, sẽ đối diện các khó khăn hiện tại trong nhãn quan tin tưởng hơn là buông lơi này.”[4]

Trong bối cảnh này, các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ được mời gọi trở thành những nhà quản gia tốt lành trong việc sử dụng những ân sủng đã nhận được từ Chúa Thánh Thần thông qua việc quản lý và quản trị tài sản của mình.

3. Trong những năm gần đây, rất nhiều Dòng tu đang phải đối mặt với vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế. Chúng ta có thể nói rằng sự giảm sút về khả năng đã kéo theo những khó khăn ngày càng nhiều. Những chuẩn bị sơ sài và thiếu những phương án thực hiện thường là nguyên nhân dẫn đến các quyết định kinh tế gây ảnh hưởng không những cho tài sản của Dòng tu mà thậm chí còn tới sự sống còn của Dòng ấy nữa. Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn Tông Đồ, sau khi đã ghi nhận những trường hợp ấy, đã thúc giục các Dòng tu và Tu đoàn nên có một sự quan tâm hơn nữa cho các vấn đề liên quan đến những vấn đề kinh tế, bằng cách đưa ra những tiêu chí và chỉ dẫn thực tiễn đối với việc quản lý các tài sản.

Trong bối cảnh ấy, cần được lồng hai cuộc hội thảo quốc tế International Symposia về quản trị tài sản. Lần thứ nhất với tựa đề Management of Ecclesiastical Assets of Institutes of Consecrated life and Societies of Apostolic Life in Service of Humanity and the Mission of the Church[5] (Quản trị các tài sản Giáo Hội của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ trong việc phục vụ con người và sứ mạng của Giáo Hội), được tổ chức vào tháng 3 năm 2014. Theo sau đó, bản văn Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ (Guidelines for the Management of the Assets in Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life)[6] được phát hành ngày 2 tháng 8 năm 2014. Những hướng dẫn và qui tắc này trong việc quản trị tài sản đã được cung cấp như “một sự trợ giúp nhằm để cho các Dòng tu có thể đáp trả bằng một sự gan dạ được đổi mới và khả năng tiên tri trước những thách đố của thời đại chúng ta, cũng như tiếp tục trở thành một dấu chỉ có tính ngôn sứ của tình yêu Thiên Chúa”[7].

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ tiếp tục quan tâm trực tiếp vào tầm quan trọng của các công việc này. Nếu sự tập trung của Hội thảo đầu tiên là nhằm đánh giá một khả năng để xác định mức độ trách nhiệm, bổn phận bảo vệ tài sản, và bổn phận giám sát và quản trị của các bề trên, thì ở Hội thảo thứ hai được tổ chức vào tháng 11 năm 2016, sự tập trung nhắm đến tầm quan trọng của đặc sủng: Trung thành với đặc sủng, nhìn lại kinh tế.

4. Dựa trên những Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, bản văn này, cùng sự nối kết với Bản hướng dẫn, đề nghị:

– tiếp tục hành trình suy tư của Giáo Hội về vấn đề tài sản và sự quản lý các tài sản ấy, cùng với những kiến nghị mà Bộ đã nhận được từ các vị Bề trên của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ[8];

– nhắc nhớ và giải thích một số khía cạnh giáo luật liên quan đến tài sản dựa theo tập tục của Bộ các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ;

– đề nghị một số công cụ cho việc lên kế hoạch và tổ chức các chương trình đối với việc quản trị các công việc cho lĩnh vực này.

– thúc giục các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, ở tất cả các cấp bậc, từ các vị bề trên đến các thành viên, hãy suy nghĩ lại về vấn đề kinh tế theo chiều kích luôn trung thành với đặc sủng của mình để có thể “dành cho Giáo Hội và thế giới, một đội ngũ tiên phong chăm sóc tất cả những kẻ nghèo, và những bất kỳ ai thiếu thốn về tinh thần, tâm linh, thể chất, cũng như còn có thể trở thành những mẫu gương biết vượt thắng những hình thức vị kỷ nhờ những lý luận của Phúc Âm vốn dạy chúng ta biết tin tưởng vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa”[9]

I. SỐNG LẠI KÝ ỨC VỀ  ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

Sự khó nghèo của Đức Kitô, Sự mới mẻ của Tin Mừng

5. Sống sự mới mẻ của Tin Mừng có nghĩa là “sống theo cách mà có thể phản ánh sự khó nghèo của Đức Kitô, Đấng mà toàn bộ cuộc đời của mỉnh đã hoàn toàn tập trung vào việc thi hành ý muốn của Chúa Cha và phục vụ người khác”[10].

Đức Thánh Cha Phanxicô đã không bõ lỡ bất kỳ cơ hội nào để dẫn chúng ta tới sứ điệp cốt lõi của hành trình sequela Christi (theo Đức Kitô): “Một mong ước minh nhiên để được hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Người”[11], theo cuộc đời của Người và Kénosi (sự Tự Hủy) của Người nữa. Mầu nhiệm Nhập Thể chính là mầu nhiệm của sự khó nghèo: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta (x. 2Cr 8,9). Trên thập giá “sự khó nghèo của Ngài chính là bị tước đoạt mọi thứ”[12]. Đức Kitô đã kinh nghiệm mầu nhiệm kénosi (tự hủy) hoàn toàn, giống như người Tôi Tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã loan báo.

6. “Điều được giấu kín trong chính sự khó nghèo của Đức Kitô lại là sự giàu sang vô cùng của Thiên Chúa. Người không chỉ là Thầy mà còn là người phát ngôn và người đảm bảo về sự khó nghèo cứu chuộc tương xứng với sự giàu có vô tận của Thiên Chúa và quyền lực vô biên của ân điển Người”[13]. Vì thế, Kénosi là tiêu chuẩn căn bản dành cho đời sống của bất kỳ ai đã được thanh tẩy và, hơn nữa đối với cuộc sống của mỗi người đã được thánh hiến. Khó nghèo, “sống theo gương Ðức Ki-tô, Ðấng “vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9), đã trở thành một cách diễn tả sự trao ban trọn vẹn chính mình mà Ba Ngôi Vị Thần Linh trao ban cho nhau. Việc trao ban dạt dào ấy trào ra trong công cuộc sáng tạo và được biểu lộ viên mãn trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người.”[14]

Lúc bắt đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu tại Hội đường ở Nazaret đã tuyên bố: Tin Mừng nay được công bố của những người nghèo (x. Lc 4,18 ; Is 61, 1). Thế nên, những ai muốn bước theo Người thì đều được kêu gọi từ bỏ tài sản, vợ con, gia đình để bắt đầu cuộc hành trình của mình, một hành trình mang theo sự tước đoạt tất cả (Lk 14,33 ; 18:22). Vị Thầy này luôn đòi hỏi, trước hết là hãy đón nhận và sau đó hãy sống Ưu tiên vì Nước Trời tới mức không có gì có thể đặt lên trên hay ưu tiên hơn được. Đây là lý do tại sao người nghèo trong tinh thần lại được gọi là có phúc (Mt 5,3), bởi vì họ là những người đầu tiên đón nhận Nước Trời trong tư thế luôn chờ đợi, ước mong và đón tiếp.

7. Sự khó nghèo diễm phúc là thứ khó nghèo có thể giúp con người được tự do bên trong và cho phép họ được lớn lên trong đức tin và đức ái, một đức ái mà có đôi mắt nhìn thấy được những nhu cầu của người khác, và còn có một trái tim biết động lòng trắc ẩn để trợ giúp mọi người. Sự khó nghèo diễm phúc này được linh hoạt bởi một tình yêu luôn đặt người khác lên trước chính mình và đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng cho các thụ tạo của Người mỗi ngày, chẳng hạn như dành cho bông hoa ngoài đồng hay con chim trên bầu trời (x. Mt 6,25-34).

Sự khó nghèo diễm phúc là thứ khó nghèo mà Đức Giêsu đã gợi cho anh thanh niên đã bỏ đi cách buồn bã vì biết mình có nhiều tài sản (Mc 10,22) và chỉ muốn giữ những tài sản đó cho riêng mình. Thầy Giêsu đã đề nghị anh hãy bán đi tất cả để cho anh có thể đạt tới một sự tự do nội tâm và có được lòng trắc ẩn đích thực và rộng lượng. Khó nghèo dẫn đến bác ái và vì thế đưa dẫn vào trong sự chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa.

8. Chứng tá của đời sống thánh hiến bao hàm một kiểu sống thanh đạm. Trong Thông điệp Laudato si’ về việc chăm sóc ngôi nhà chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi sự thanh đạm như sau: “Linh đạo Kitô giáo – Đức Thánh Cha viết – đề nghị một sự tăng triển nhờ sự thanh đạm và một khả năng biết vui với những gì ít ỏi. Một cuộc trở về với sự đơn giản ấy cho phép chúng ta dừng lại và trân trọng những gì thật nhỏ bé, biết cảm tạ trước những cơ hội cuộc sống ban tặng cho ta mà không bám víu vào điều mình có cũng không buồng vì điều mình chưa có”[15]. Những người được thánh hiến cho Thiên Chúa với sự chọn lựa khó nghèo của mình, những người mà đã được tuyên khấn qua lời khấn Dòng hoặc qua những mối liên kết thánh thiêng nào khác nữa, chiếu theo đặc sủng cụ thể của mình, thì đều là những nhân chứng sống động và đáng tin cậy cho điều này là “sự thanh đạm, nếu người ta sống nó một cách tự do và ý thức, sẽ mang tính chất giải phóng. Điều này không có nghĩa là một cuộc sống thua kém hơn hay một đời sống hời hợt, nhưng trái lại, nó là một con đường giúp sống cuộc sống tròn đầy hơn cả.”[16]

Sự nghèo khó của những người thánh hiến tìm kiếm “chứng tá cho Thiên Chúa như thể một kho tàng đích thực của trái tim con người”[17], để tuyên xưng rằng nhờ Đức Kitô họ sở hữu những của cải tốt hơn và bền vững (Hr 10,34) chính là: đức tin vào Đức Kitô sẽ đem đến một cuộc sống, “một cơ sở, một nền tảng mà con người có thể cậy dựa”[18].

Nhờ sự khó nghèo của mình, những con người thánh hiến ấy có thể làm chứng về một đời sống nhân bản thực vốn sự tương đối hóa các tài sản bằng qua việc nhắm đến Thiên Chúa như một tài sản vô tận[19]. Một cuộc sống đơn giản, thanh đạm và khắc khổ của những người thánh hiến sẽ giúp họ được toàn hoàn tự do trong Thiên Chúa[20].

Hướng về “Thân mình Đức Kitô”

9. “Con người, đặc biệt những người nghèo, chính là, theo một cách chuẩn xác nhất, lộ trình mà Hội Thánh hướng tới, bởi vì đó cũng là lộ trình của Đức Giêsu Kitô” [21]. Người nghèo luôn là trọng tâm sự chú ý của Đức Giêsu là Đấng luôn cố gắng trao cho họ nhân phẩm, cuộc sống và một khả năng được sống nhân phẩm của mình cách trọn vẹn. Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa trên truyền thống Huấn quyền, vẫn tiếp tục chỉ ra rằng: “tôi hằng mong ước rằng đây phải là một Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội cho người nghèo” [22]. Những lời này đã được Đức Thánh Cha nói ra chỉ sau vài ngày ngài được chọn làm Giáo hoàng thế nên người ta có thể coi đó là một trong những chiều kích trọng tâm trong triều Giáo hoàng của ngài. “Đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo. Sự ưu ái này của Thiên Chúa có những hệ quả cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, vì chúng ta được kêu gọi để có “tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2:5)”[23]

10. Đòi hỏi này vốn tập trung vào nhu cầu thiết yếu của người nghèo theo bước chân Thầy Chí Thánh, đã được đưa vào cộng đoàn đầu tiên của các môn đệ. Trong sách Công vụ Tông Đồ (x. CV 2,42-47; 4,32-37), Hội Thánh Giêrusalem được trình bày như một cộng đoàn mà trong đó tình bác ái và sự chia sẻ của cải, được phân phát dựa trên nhu cầu mỗi người (Cv 4,35), luôn đảm bào rằng không ai trong số họ phải sống thiếu thốn (Cv 4,34). Giữa những thực hành bền vững trong cộng đoàn này, bên cạnh việc chuyên cần với giáo huấn của các Tông Đồ, việc bẻ bánh và cầu nguyện, còn có Koinonía (Cv 2,42), qua việc đặt mọi sự làm của chung (Cv 2,44; 4,32) và chia sẻ tài sản tùy theo nhu cầu của mỗi người (Cv 2,45).

Ngoài ra, sự quyên góp lớn dành cho Hội Thánh Mẹ Giêrusalem, do chính thánh Phaolô tổ chức trong các Giáo Hội mà người lập được (1 Cr 16,1-4; Rm 15,25-28; 2Cr 8,9) chính là một cử chỉ của tình liên đới mà có thể mở rộng chân trời của hiệp thông trong Giáo Hội.

Những bản văn này thiết định một mẫu hình đầy cảm hứng cho sự hiện hữu và hành động trong các cộng đoàn của các môn đệ ở mọi thời và mọi nơi. Các Kitô hữu thấy chính mình được mời gọi và có trách nhiệm tìm kiếm những cách thế thích hợp để có thể làm cho yêu sách của Koinonía thành hiện thực. Những người được thánh hiến vốn cưu mang lấy sự nghèo khó của Đức Kitô lịch sử và lấy khởi hứng từ cuộc sống của các cộng đoàn đầu tiên, vẫn được kêu mời chính mình thực hành sự thúc bách của Kononia này. Đây mới chính là chọn lựa bước theo Đức Kitô khó nghèo, một sự chọn lựa dẫn đến phục vụ người nghèo.

11. “Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo khởi đi từ việc vượt ra khỏi chính mình để vươn tới thân mình Chúa Kitô”[24].Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Cha được mặc khải qua Đức Giêsu Kitô, một minh chứng cụ thể của tình yêu Chúa Cha vốn được tỏ bày qua Sự Nhập Thể của Người Con (x. Pl 2,7), sẽ dẫn chúng ta khám phá Người nơi tất cả những người nghèo và những người sống bên lề xã hội. Chúng ta không chỉ cần phải trao cho những người nghèo ấy điều gì đó, nhưng sự cần thiết hơn là cần chia sẻ cùng với họ, thậm chí tốt đẹp hơn, là hoàn trả lại những gì vốn dĩ thuộc về họ. Những người nam, người nữ thánh hiến khi đã kinh nghiệm được tình yêu ban không của Chúa Cha thì họ được kêu mời để sống linh đạo của sự bồi hoàn ấy, hay còn để sẵn sàng trả lại những gì được trao ban cho những người nghèo trong sứ vụ phục vụ những anh chị em của họ: cuộc sống, các ân huệ, thời gian, những tài sản cần thiết cho cuộc sống. Người được thánh hiến tìm kiếm “một sự gặp gỡ đích thực với người nghèo và đem đến một cơ hội để thực hiện sự sẻ chia vốn là một phong cách sống của mình”[25]: sống sine proprio – theo gương thánh Phanxicô Assisi – vì thế đạt đến mức độ cao nhất của nghèo khó Tin Mừng.

Những người thánh hiến được mời gọi không chỉ sống cái nghèo cá nhân – “Ngày hôm nay, cái nghèo là một nỗi đau. Tất cả chúng ta nên nghĩ sao cho mình phải trở thành ít nghèo một chút”[26]-, nhưng còn cần sống cái nghèo của cộng đoàn; không chỉ các phần tử cần siêu thoát khỏi cải vật chất nhưng mà còn chính cộng đoàn cũng được mời gọi như thế: “Những tu viện trống không phải là của chúng ta, nhưng chúng được dành cho thân mình Chúa Kitô”[27]. Vì thế, cộng đoàn Dòng tu phải trở nên liên đới trong sự nghèo khó, bởi “bất cứ cộng đồng Kitô giáo nếu nghĩ rằng mình có thể ung dung đi theo con đường riêng của mình mà không có sự hợp tác sáng tạo và hiệu quả trong việc giúp người nghèo sống hợp với nhân phẩm, và không vượt ra khỏi bản thân mình để đến với người khác, cộng đồng ấy có nguy cơ bị đổ vỡ”[28].

Cộng đoàn được mời gọi thực hành sự phân định không phải giống như việc nhận dạng các thứ hạng của người nghèo nhưng đúng hơn là để có thể gần gủi với họ, cho dù họ là ai và chúng ta có gặp được họ ở đâu, để trải nghiệm một sự nghèo khó có khả năng trở nên giàu có trong chiều dài rộng cao sâu của tình yêu Chúa Kitô (x. Ep 3,18-19).

Một nền kinh tế có khuôn mặt con người

12. Con người và sự thịnh vượng của con người phải có một vị thế quan trọng hàng đầu trong hoạt động kinh tế cũng một cách rộng lớn hơn trong các tổ chức xã hội hay đời sống chính trị. Hiến chế Gaudium et Spes đã tái mời gọi như thế: “Thực vậy, con người chính là tác giả, trung tâm và mục đích tất cả đời sống kinh tế – xã hội”[29], và Đức Bênêđictô XVI đã lặp lại: “Khối tư bản cần được bảo vệ và được đánh giá cao chính là con người, một nhân vị, trong chính sự trọn vẹn của mình”[30]. Như thế, chiều kích kinh tế phải được kết nối một cách sâu sắc nhất với con người và sứ vụ. Thông qua các hệ thống kinh tế, những chọn lựa quan trọng được thực hiện cho cuộc sống của từng cá nhân và của cả tập thể, mà trong đó chứng tá Phúc Âm phải đươc biểu lộ rõ ràng, và phải tập trung vào những nhu cầu của các anh chị em mình.

Các tu sĩ đã chọn trở thành tiếng nói ngôn sứ và để mình thoát khỏi “sự chuyên chế của một nền kinh tế phi nhân không có một mục đích nhân bản đích thực”[31]. Sự nghèo khó của họ nhắc nhở mọi người về tính cấp thiết phải giải thoát chính mình khỏi một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng, bởi một nền kinh tế như thế cũng giết chết con người[32]. Thực vậy, nó dẫn chúng ta quan tâm tới việc “Chính con người bị coi là món hàng tiêu thụ sử dụng rồi vứt bỏ. Chúng ta đã tạo ra một văn hoá “dùng một lần” hiện đang lan rộng […] rằng những người bị loại trừ chỉ “bị bóc lột” mà còn bị khước từ, những “đồ vứt bỏ””[33].

Tín lực của Phúc Âm mà những người được thánh hiến làm chứng cũng được liên kết với cách thức mà trong đó tài sản được quản lý. Các tu sĩ không thể nhân nhượng trước cám dỗ tìm kiếm hiệu quả mang tính công nghệ hay tổ chức đối với các nguồn tài nguyên vật chất hay các công việc, thay vì đúng ra phải tập trung vào hiệu quả của hành động dưới ánh sáng của Tin Mừng. Suy nghĩ như thế, các bề trên thượng cấp phải ý thức rằng không phải tất cả các kỹ thuật quản trị đều phù hợp với những nguyên tắc của Tin Mừng hay đi theo đường lối giáo huấn xã hội của Hội Thánh[34]. “Các cơ cấu kinh tế và cách thức chúng điều hành không bao giờ mang tính trung lập về mặt đạo đức và nhân bản. Hoặc chúng góp phần xây dựng mối tương quan công bằng và đoàn kết, hoặc là chúng gây ra môi trường loại trừ và từ khước”[35].

13. Sự quan tâm đến việc đưa con người vào vị thế trung tâm, với tất cả cá tính và sự độc nhất của họ, gợi lại những thách độ cứ tiếp nối nhau trong khi việc vượt lên một tâm thức chức năng thậm chí ngay trong các cộng đoàn, và bằng cách này, thì lại có thể xác định được một sự chăm sóc cẩn thận và sự thúc đẩy dành cho tất cả mọi thành viên đặc biệt là những người già. Đây chính là một vấn đề cụ thể của việc hội nhập những người lớn tuổi vào trong tính năng động của cộng đoàn thông qua việc chú tâm đên sự đóng góp qua lời cầu nguyện và chứng tá sống của họ, qua việc trân trọng kinh nghiệm và sự khôn ngoan của các vị và để cho các vị, ngay cả trong giai đoạn này, tham gia vào công việc phục vụ mà họ vẫn còn có thể đảm nhận. Sự hội nhập này trở thành một dấu chỉ đối nghịch trong một xã hội nơi mà người già có nguy cơ bị đặt ra bên lề chẳng khác gì một “hạng người thừa thãi”. Chúng ta biết rõ cách thức mà sự năng động của sự đón nhận và trân trọng này luôn hiện diện trong tình bằng hữu của chúng ta: các thể chế của Giáo Hội luôn cam kết dấn thân chính mình nhằm đảm bảo – với một sự đóng góp đáng kể về cả sức lực và của cải – một sự trợ giúp xứng hợp dành cho những anh chị em già cả và đau yếu.

Cũng vậy, những vị tu sĩ cao niên cũng được mời gọi đón nhận với sự cởi mở và tin tưởng vào những đề xuất của những tu sĩ thế hệ trẻ hơn, nhờ đó trong mỗi cộng đoàn, lời của ngôn sứ Giôen được thực hiện: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (3:1), mà chẳng bao giờ khất phục trước cám dỗ tìm cách sống còn[36].

Kinh tế là một công cụ trong việc thi hành sứ vụ của Giáo Hội

14. Suy nghĩ về kinh tế cũng trở thành một phần trong tiến trình hoạt động của con người, đó là điều làm cho chúng ta trở nên nhân bản theo nghĩa hoàn trọn nhất của hạn từ Latin, humanissimi, ý thức là chính mình và ý thức trong mối tương quan và sứ vụ của mình trong thế giới: “Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; và đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này.”[37]

Trong dịp Hội nghị lần thứ nhất dành cho các Tổng quản lý, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ luôn là những tiếng nói tiên tri và sống chứng tá cho những gì mới mẻ là chính Chúa Kitô […]. Sự khó nghèo đầy tình yêu mến này chính là sự liên đới, sẻ chia và bác ái và được diễn tả trong sự thanh đạm, tìm kiếm công lý và có được niềm vui nơi những gì chính yếu, để từ đó có thể đảm bảo chống lại những thứ thần tượng vật chất vốn có thể làm mờ đi ý nghĩa đích thực của cuộc sống”[38].

Vì thế, sự khó nghèo của các tu sĩ phải là một hành động yêu thương chứ không phải chỉ ở trên lý thuyết[39]. Sự khó nghèo ấy phản đối cách mạnh mẽ việc sùng bái ngẫu tượng tiền bạc, bằng cách để chính mình như một tiếng gọi tiên tri cho một xã hội, mà ở rất nhiều nơi trong một thế giới xa hoa, đang đối diện với nguy cơ đánh mất đi những cảm thức về các giá trị và ý nghĩa thực sự của mọi thứ. Vì thế, hơn bao giờ hết, trong thời đại này, lời mời gọi ấy tìm được sự cộng hưởng nơi những người ý thức về tài nguyên giới hạn của trái đất này vẫn đang kêu gọi hãy tôn trọng và bảo vệ các thụ tạo thông qua giảm bớt tiêu thụ, tiết kiệm và thông qua sự cần thiết giảm đi những nhu cầu của chính mình.

Nếu các cơ cấu kinh tế trở thành một công cụ, nếu tiền bạc phải là kẻ phục vụ chứ không phải là chủ nhân, thì thật là cần thiết để chúng ta nhìn vào đặc sủng, vào sự quản lý, vào các mục tiêu, các ý nghĩa và sự liên quan về mặt xã hội và Giáo Hội trong các chọn lựa kinh tế mà các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ tiến hành[40].

15. Quan niệm về tài sản Giáo Hội cũng cố thêm ý nghĩa về tài sản là công cụ để thực hiện mục tiêu. Thật vậy, các tài sản của các Dòng tu là tài sản của Giáo Hội (GL 634 §1). Những tài sản mà thuộc về các pháp nhân công của Giáo Hội (GL 1257 § 1) được sử dụng nhằm một mục tiêu hợp với sứ mạng Giáo Hội (GL 114 § 1), “ để họ nhân danh Giáo Hội mà chu toàn nhiệm vụ riêng đã được ủy thác nhằm tới công ích” (GL 116 § 1). Thật vậy, các tài sản của các Dòng tu thông dự vào những mục tiêu theo Tin Mừng là thăng tiến nhân vị con người, sứ vụ, chia sẻ bác ái, và tình liên đới với dân Thiên Chúa: đặc biệt là, một cam kết chung nhau chăm sóc và quan tâm đến người nghèo là cơ hội đem đến cho Dòng tu ấy sức sống mới”[41]. Như đã được chỉ ra trong Hiến chế Gaudium et Spes, Giáo Hội sử dụng “các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi”; và hơn thế nữa, Giáo Hội “sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc sử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình”[42].

Lòng trung thành với đặc sủng và sứ vụ, vì thế, vẫn còn là tiêu chí căn bản cho việc thẩm định các công việc[43], thật vậy “khả năng sinh lợi không phải là tiêu chuẩn duy nhất mà ta phải để ý”[44].

Việc tái suy nghĩ về các cơ cấu kinh tế phải được diễn ra sau khi đã phân định rất cẩn thận: lắng nghe Lời Chúa và nhìn vào lịch sử. Như thế, cam kết không mệt mỏi cho sự phân định sẽ cho phép chúng ta chọn lựa, với sự khôn ngoan đầy tính sáng tạo và một trái tim rộng mở, các công việc mang lại phẩm giá mới “cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người yếu thế và dễ tổn thương: trẻ sơ sinh, người nghèo nhất, người già yếu, người tàn tật nặng”[45]. Trong lá thư gửi cho các tu sĩ nhân dịp Năm Đời sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Tôi mong đợi nơi anh chị em những cử chỉ cụ thể của việc đón tiếp người di dân, gần gũi những người nghèo, những cử chỉ sáng tạo trong việc huấn giáo, rao giảng Tin mừng, hướng dẫn cầu nguyện. Vì thế tôi mong ước giản lược các cơ cấu, tái sử dụng các ngôi nhà lớn để giúp vào những công tác thích ứng hơn đối với những yêu sách hiện tại của việc loan báo Tin mừng và bác ái, thích nghi các cơ sở với những nhu cầu mới”[46].

Đồng thời, điều quan trọng là phải xây dựng một nhận thức mới hơn để loại trừ tâm thức cứu trợ vốn chỉ bù đắp sự thiếu hụt chứ không thể giúp giải quyết các vấn đề quản trị được. Điều đó còn có thể gây nên các tác hại nghiêm trọng, bởi nó có thể làm mất đi các tài nguyên được sử dụng cho những công việc từ thiện khác nữa[47].

Các Dòng tu phải lưu ý đến không chỉ các kết quả hoạt động quản trị của mình nhưng còn toàn bộ qui trình của hoạt động kinh tế.” Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn xác nhận rằng đức công bằng phải hiện diện trong mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế, [..] vì thế mọi quyết định kinh tế đều có một hệ quả luân lý. Vì thế các luật lệ công bằng ngay từ đầu phải được tôn trọng khi tiến trình kinh tế bắt đầu, chứ không phải sau đó hay một cách tình cờ”[48].

Kinh tế chia sẻ và hiệp thông theo tinh thần Phúc Âm

16. Các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ được mời gọi tìm kiếm “những cách hiểu biết mới mẻ về kinh tế và sự phát triển”[49]. Tình huynh đệ, liên đới, từ chối sự thờ ơ, ban không là những giải pháp khắc phụ căn bản nhất trước những xung đột, kể cả xung đột về kinh tế, và còn là điểm khởi đầu để xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng, phản chiếu, càng giống được bao nhiêu thì càng tốt với quê hương vững bền, một nơi mà trời mới đất mới có công lý ngự trị (2 Pr 3,13).

“Nếu sự phát triển đã đòi hỏi phải có chuyên viên mỗi ngày mỗi nhiều, thì càng cần phải có nhiều hơn nữa những nhà hiền triết để suy nghĩ sâu xa, để tìm kiếm một thuyết nhân bản mới. Nhờ đó con người hiện đại như tìm lại được chính mình vì thấm nhuần những giá trị cao quý của tình yêu, tình bạn, cầu nguyện và chiêm ngắm. Có thế, mới thực hiện được trọn vẹn sự phát triển đích thực.”[50]

Vì thế, sự phát triển – nếu muốn thực sự là nhân bản – phải có chỗ cho các đặc sủng. Thật vậy, các đặc sủng thành lập được diễn tả đầy đủ trong “lô-gích của quà tặng [điêu mà] không loại bỏ sự công bằng, cũng không chỉ đơn thuần được thêm vào như một yếu tố thứ hai từ bên ngoài”[51]. Khi trở thành một quà tặng, các tu sĩ đóng góp cách thực sự cho sự phát triển cơ cấu kinh tế của cả xã hội lẫn chính trị, điều mà, “nếu muốn thực sự nhân bản”, thì phải “quan tâm đến nguyên tắc về tính ban không (principle of gratuity) như cách biểu lộ tình huynh đệ […]. Quà tặng tự bản chất thì vượt trên công trạng, qui luật của nó là sự quá mức”[52]. Sự quá mức ấy thách đố các khái niệm kinh doanh: nó chính là thước đo của bác ái!. “Quà tặng đặc sủng này, thực vậy, cho phép các tín hữu đáp trả quà tặng ơn cứu độ trong sự tự do hoàn toàn và theo cách thế thích hợp với thời đại. Trong cách này, chính tín hữu trở nên quà tặng tình yêu cho những người khác và là chứng nhân đích thực của Tin Mừng trước toàn thể nhân loại”[53]. Thật vậy, “trong Lô-gích của Tin Mừng, nếu một ai đó không trao ban tất cả những gì mình có thì người ấy sẽ chẳng bao giờ có thể trao ban đủ được.”[54]

17. Đời sống thánh hiến phải để mình hoàn toàn tự do trước những khuôn mẫu kỹ trị nhờ hoàn toàn thực hiện một sự tự do có “khả năng hạn chế kỹ thuật, định hướng nó để phục vụ cho một mô mẫu phát triển, lành mạnh hơn, nhân bản hơn, mang tính xã hội nhiều hơn và toàn diện hơn.”[55]

Mỗi người, từng cá nhận và cộng đoàn, đều được kêu gọi thực hiện cuộc hoán cải về sinh thái: “Đối với những vấn đề xã hội, phải hoạt động trong mạng lưới cộng đồng, chứ không phải bằng một tổng hợp đơn thuần các tài sản của cá nhân. […] Cuộc hoán cải sinh thái cần thiết để tạo ra một sự năng động nhằm thay đổi lâu dài cũng là một sự hoán cải cộng đồng.”[56] Là những cộng đoàn sống đời thánh hiến, chúng ta được kêu gọi thực hiện chính lời mời gọi này và làm cho sự mới mẻ trong đời sống vốn hiện diện trong đặc sủng của chúng ta được khởi động. Ngay cả thời đại hôm nay, bằng cách làm phát triển những khả năng đặc biệt mà Thiên Chúa đã trao tặng cho mỗi người, chúng ta được mời gọi lớn lên trong sự sáng tạo và nhiệt thành để có thể giải quyết những thảm kịch của thế giới thông qua hành vi dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1)[57].

Sự huấn luyện về các vấn đề kinh tế

18. Với viễn ảnh hướng tới một sự hoán cải về tinh thần và các hoạt động kinh tế và quản trị, “việc tái suy nghĩ về kinh tế đòi hỏi những kỹ năng và khả năng chuyên biệt, […] đây là một sự năng động mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người và mỗi người. Đây cũng không phải là một nhiệm vụ được ủy thác cho một vài người nhưng mọi cá nhân đều được mời gọi đóng góp trách nhiệm với hết sức lực của mình”[58].

Mọi thành viên trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ phải cảm thấy có trách nhiệm để đảm bảo rằng sự chú tâm tối đa được dành cho việc quản trị các nguồn lực kinh tế, về cơ bản, luôn nhắm đến phục vụ các mục tiêu đã được diễn tả trong đặc sủng riêng của mỗi Dòng.

Tính phức tạp mỗi lúc một gia tăng trong việc quản trị các tài sản đã làm nổi bật lên xu thế lẩn tránh trách nhiệm và xu thế giao lại hay ủy thác những trách nhiệm ấy cho một vài người, thậm chí, cho một người duy nhất. Xu thế này đã tạo ra một sự thờ ơ đối với các vấn đề kinh tế trong các cộng đoàn. Sự thờ ơ ấy còn làm mất đi sự kết nối giữa một bên là chi phí sinh hoạt và bên kia là sự mệt mỏi trong quản lý. Sau đó, chính điều này lại tạo ra một nguy cơ rất có khả năng xảy ra sự phân đôi giữa kinh tế và sứ vụ.[59]

Việc huấn luyện về các vấn đề kinh tế được khởi đi từ việc biết chia sẻ các mục tiêu nhân bản, đạo đức và luân lý trong khi phục vụ, nhằm tái khám phá chiều kích Tin Mừng trong cơ cấu kinh tế. Nhờ đó, việc huấn luyện này sẽ cho phép một người có thể quản trị các cơ cấu kinh tế dựa trên các nguyên tắc của tình nghĩa, tình huynh đệ, và công bằng, hơn nữa, còn giúp sống theo đặc sủng mình nhận lãnh, nhờ đó có thể đóng góp cho sự phát triển về kinh tế, xã hội, chính trị của xã hội và của cả chính Giáo Hội nữa.[60]

19. Việc huấn luyện giúp “thực hiện một tiến trình phân định, thanh tẩy và cải tổ”[61] trong từng trường hợp cụ thể. Sự chú trọng qui trình huấn luyện về các chiều kích kinh tế nhắm đến trợ giúp sự chuyển đổi, bằng cách nhấn mạnh đến sự cần thiết quy hướng về Chúa Giêsu, cũng như trong các vấn đề kinh tế, để có thể “trở thành nhân chứng của một con đường khác về lối sống, hoạt động, hành động”[62]. Để được như vậy cần sự chuẩn bị đầy đủ dưới ánh sáng Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Thật vậy, “tự hiến mình hoàn toàn cho việc phục vụ mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại và thế giới, các tu sĩ như thể tham dự trước và minh chứng bằng chính đời sống của họ một vài đặc điểm của nhân loại mới mà học thuyết xã hội này đang tìm cách hô hào”[63].

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Laudato si’ đã thúc giục các chủng viện và các nơi huấn luyện của các Dòng tu hãy cung cấp “một sự giáo dục về một cách sống giản dị có trách nhiệm, một sự chiêm ngắm thế giới, với lòng biết ơn và sự chú tâm đến những sự nhu cầu của người nghèo và sự bảo vệ môi trường”[64].

Điều này sẽ đưa chúng ta biết sống một linh đạo nhập thể, khi biết trân trọng thế giới này như là nơi mà Thiên Chúa vừa được tỏ hiện vừa được gặp gỡ, phát triển một tinh thần chiêm niệm có khả năng lắng nghe tiếng nói của Người trong các kinh nghiệm đời sống, để nhờ đó khám phá khuôn mặt của Người nơi mỗi cá nhân, đặc biệt ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Đây chính là một linh đạo không chấp nhận sự phân đôi hay giản lược[65]. Lịch sử và đời sống hằng ngày là những nơi thánh thiêng mà Ngôi Lời được mặc khải, chất vấn và biến đổi thực tại.

Bằng cách đề ra một linh đạo nhập thể, quá trình huấn luyện sẽ giúp một người có khả năng nhìn thấy thực tại trên quan điểm của những người nghèo, phát triển lòng càm thông sâu xa với họ, gánh lấy trách nhiệm về những đau khổ, và dấn thân việc cổ võ công bằng, hòa bình và sự toàn vẹn của công trình tạo dựng.

Việc huấn luyện về các vấn đề kinh tế đang khi vẫn trung thành với đặc sủng là điều rất căn bản cho phép các chọn lựa hướng đến sứ vụ có được tính sáng tạo và ngôn sứ.

Sự thúc bách trình bày khuôn mặt ngôn sứ

20. “Các ngôn sứ – như Đức Thánh Cha Phaxicô khẳng định trong Tông thư dành cho các người thánh hiến – được Thiên Chúa ban khả năng truy tầm lịch sử của thời đại mình đang sống và giải thích những biến cố, tựa hồ người lính canh ban đêm và biết được khi nào hừng đông đến (x. Is 21,11-12)”[66]. Điều này dẫn đến những trách nhiệm cụ thể của chúng ta đối với môi trường kinh tế và xã hội. “Giữa những bất ổn hiện nay, trong một xã hội có một khả năng huy động những phương tiện to lớn tuy nhiên khi nói về những công năng của các phương tiện ấy trong việc đạt đến những mục đích thích hợp, thì sự phản chiếu về văn hóa và đạo đức của xã hội thì xem ra vẫn còn thiếu, thế nên các tu sĩ phải cảm thấy một sự thúc bách để đưa ra chứng tá cho lời ngôn sứ vốn mời gọi chúng ta “đừng chỉ biết nhận lãnh mà thôi. Chúng ta bị đòi hỏi trên hết tất cả để xây dựng một tương lai ý nghĩa cho các thế hệ tương lai sẽ tới. Chúng ta không nên sợ hãi khi phải đề xuất những ý tưởng mới”. Thật vậy, “nhờ việc nỗ lực cho óc tưởng tượng cộng đoàn, vẫn có thể làm thay đổi không những các thể chế, mà còn lối sống, và kiến tạo một tương lai tốt hơn cho mọi dân tộc”[67].

21. Một vài Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ đang tiến hành những sáng kiến hữu ích cho việc suy tư và cân nhắc trong khuôn khổ của pháp luật. Có những mô hình mới có tính sáng tạo về tinh thần bác ái, và đồng thời, về nghiên cứu và sự phát triển của những kế hoạch mới được hỗ trợ bởi những hướng dẫn thích hợp. Trong bối cảnh các hoạt động này, các Dòng tu và Tu đoàn nên cùng nhau, dưới sự cộng tác của các chuyên gia, chia sẻ những kinh nghiệm của mình, học hỏi những nền tảng pháp lý nào có thể bảo vệ và khuyến khích tốt nhất cho sự hiệu quả trong các hoạt động phục vụ của mình.

Ngày hôm nay, chúng ta đang phải chứng kiến một sự gia tăng trong vấn đề thay đổi về luật pháp vốn gây ra không ít sự bấp bênh, và điều này chắc chắn gây ảnh hưởng cho những trường hợp vốn đã bấp bênh trong một vài công việc. Điều này mời gọi một sự tăng cường trong việc liên kết với các trung tâm – bao gồm cả những học viện – nhằm đảm bảo hoạt động giám sát về luật pháp và tiên báo những hậu quả hoặc điều này còn tác động ở thời hạn tầm trung hay dài hạn trong các hoạt động của các Dòng tu quản lý. Hơn thế nữa, thật là đáng mong ước trong việc thúc đẩy lời mời cộng tác với bộ phận đảm trách kết hợp nhiều sứ vụ khác nhau của Hội Đồng Giám Mục như là (giáo dục, sức khỏe, hỗ trợ xã hội..). Theo hướng đó, việc hình thành một ủy ban thường trực sẽ giúp thiết lập các bước tiếp cận chung đối với chính quyền địa phương.

—————-

Phần II. CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA: ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

—————-

[1] X. Bộ giáo lý Đức tin, Văn thư Iuvenescit Ecclesia về mối tương quan giữa những ân huệ mang tính phẩm trật và đặc sủng trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, Roma (15/5/2006), số 4.

 [2] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, Roma (ngày 2 tháng 4 năm 2004), Số 164.

[3] Đức thánh Cha Phanxicô, Tông thư dưới dạng motu proprio Fidelis dispensator et prudens đối với thiết lập của một cơ cấu mới để phối kết các công việc kinh tế và quản trị của Tòa Thánh và quốc gia Vatican (24/2/2014), incipit.

[4] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (ngày 29 tháng 6 năm 2009), số 21.

[5] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Quản trị các tài sản Giáo Hội của các Dòng tu và Tu Đoàn Tông Đồ trong việc phục vụ con người và sứ mạng của Giáo Hội. Bản văn chính thức của Hội nghi quốc tế (Rôma, 8-9 tháng 3 năm 2014), LEV, Vatican 2014.

[6] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014).

[7] Sđd, số 6.

[8] Sđd.

[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi các tham dự viên tại Hội nghị Quốc Tế với tựa đề: “Quản trị tài sản của Giáo Hội của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ trong vấn đề phục vụ con người và sứ vụ của Giáo Hội”, Rôma ngày 8 tháng 3 năm 2014.

[10] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ với các Giám Mục, Linh Mục và Tu sĩ, nhân dịp Tông du Sri Lanka, và Philippines, Manila (ngày 16 tháng 1 năm 2015).

[11] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 18.

[12] Sđd, số 23; và x. Pl 2,5-11

[13] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Redemptionis donum (ngày 25 tháng 3 năm 1984), số 12.

[14] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 21.

[15] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 222.

[16] Sđd, số 223.

[17] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 90.

[18] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi (ngày 30 tháng 11 năm 2007), số 8.

[19] X. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 89.

[20] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các tham dự viên nhân ngày dành cho các vị đại diện Giáo hoàng, Rôma (ngày 21 tháng 6 năm 2013).

[21] Đức Thánh Cha Phanxicô, Chỉ có Tình yêu mới cứu được chúng ta, LEV, Vatican 2013, số 113.

[22] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các đại diện truyền thông, Rôma (ngày 16 tháng 3 năm 2013); Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 198.

[23] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 198.

[24] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài chia sẻ nhân dịp Lễ vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với các phong trào, cộng đoàn mới, tổ chức và hiệp hội công giáo, Rôma (ngày 18 tháng 5 năm 2013).

[25] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông diệp dành cho Ngày Thế Giới dành cho Người nghèo lần thứ nhất, Rôma (ngày 13 tháng 6 năm 2017), số 3.

[26] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn trước các học sinh các trường do các tu sĩ Dòng Tên điều hành ở Rôma và Albania, Rôma (ngày 7 tháng 6 năm 2013).

[27] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn nhân chuyến viếng thăm Trung tâm “Astalli” chuyên phục vụ cho những người tị nạn, Rôma (ngày 10 tháng 9 năm 2013).

[28] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 207.

[29] Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế về Giáo Hội trong Thế giới hôm nay Gaudium et Spes, số 63.

[30] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (ngày 29 tháng 6 năm 2009), số 25.

[31] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 55.

[32] X. Sđd, số 53.

[33] X. Sđd, số 53.

[34] X. Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014), số 3.

[35] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi cho các tham dự viên trong buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với chủ đề: “Với sự trung thành với đặc sủng, tái suy nghĩ về về Kinh tế trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ”, Rôma (ngày 25 tháng 11 năm 2016).

[36] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng nhân dịp lễ kính Chúa dâng mình trong Đền thờ, Ngày thế giới dành cho Ơn gọi thánh hiến lần thứ XXI, Rôma (ngày 2 tháng 2 năm 2017).

[37] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 273.

[38] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi các tham dự viên tại Hội nghị Quốc Tế với tựa đề: “Quản trị tài sản của Giáo Hội của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ trong vấn đề phục vụ con người và sứ vụ của Giáo Hội”, Rôma (ngày 8 tháng 3 năm 2014).

[39] X. Sđd.

[40] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điêp gửi cho các tham dự viên trong buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với chủ đề: “Với sự trung thành với đặc sủng, tái suy nghĩ về về Kinh tế trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ”, Rôma (ngày 25 tháng 11 năm 2016).

[41] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Hướng dẫn. Rượu mới trong bầu da mới. Đời sống thánh hiến và những thách đố kể từ Vatican II, Rôma (ngày 6 tháng 1 năm 2017), số 28.

[42] Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế về Giáo Hội trong Thế giới hôm nay Gaudium et Spes, số 76.

[43] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi cho các tham dự viên trong buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với chủ đề: “Với sự trung thành với đặc sủng, tái suy nghĩ về về Kinh tế trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ”, Rôma (ngày 25 tháng 11 năm 2016).

[44] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 187.

[45] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi cho các tham dự viên trong buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với chủ đề: “Với sự trung thành với đặc sủng, tái suy nghĩ về về Kinh tế trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ”, Rôma (ngày 25 tháng 11 năm 2016).

[46] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Rôma (ngày 23 tháng 11 năm 2014), số 2.

[47] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014).

[48] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (ngày 29 tháng 6 năm 2009), số 37.

[49] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 16.

[50] Đức Thánh Cha Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (ngày 26 tháng 3 năm 1967), số 20.

[51] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (ngày 29 tháng 6 năm 2009), số 34.

[52] Sđd.

[53] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Lá thư Iuvenescit Ecclesia về mối tương quan giữa các hồng ơn phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, Rôma (ngày 15 tháng 5 năm 2016), số 15.

[54] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các tham dự viên trong cuộc họp “Economy of Communion” (Nền Kinh tế về sự hiệp thông), được thúc đẩy bởi Phong trào Focolari, Rôma (ngày 4 tháng 2 năm 2017).

[55] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 112.

[56] Sđd, số 219.

[57] X. Sđd, số 220.

[58] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi cho các tham dự viên buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với chủ đề: “Với sự trung thành với đặc sủng, tái suy nghĩ về về Kinh tế trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ”, Rôma (ngày 25 tháng 11 năm 2016).

[59] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014), số 3.

[60] X. sđd, số 5

[61] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 30.

[62] A.SPADARO, “Wake up the World”. Cuộc đàm thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Bề trên Thượng cấp, đăng trên: La Civiltà Cattolica, 165 (2014/I), 5.

[63] Hội đồng Giáo Hoàng về  Công lý và Hòa bỉnh, Tóm tắt Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, Rôma (ngày 2 tháng 4 năm 2004), số 540.

[64] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 214.

[65] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Các chỉ thị về Huấn luyện trong các Dòng tu, Rôma (ngày 2 tháng 2 năm 1990), số 17.

[66] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Rôma (ngày 23 tháng 11 năm 2014), số 2.

[67] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Nota Nhờ sự cải tổ Hệ thống tiền tệ và tài chính Quốc tế, Hãy hình thành một thẩm quyền chung thực sự ở cấp độ hoàn vũ, Rôma (ngày 24 tháng 10 năm 2011).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here