Dominican
I. VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ THEO DÒNG LỊCH SỬ
II. BẢN TÍNH VÀ ĐẶC TÍNH CỦA THƯỢNG ĐẾ
1. Quan niệm của Thuyết Vô Thần
2. Những Cố Gắng Của Lý Trí Trên Đường Tìm Thượng Đế
3. Con đường của Thánh Thomas Aquinas
II. BẢN TÍNH VÀ ĐẶC TÍNH CỦA THƯỢNG ĐẾ
B. Bản Tính Của Thượng Đế
Chúng ta đã cố gắng dùng lý trí tự nhiên để chứng minh có Thiên Chúa. Biết có Thiên Chúa mà thôi, ta chưa toại nguyện, còn muốn đi xa hơn để biết bản tính của Ngài, nhưng nhận thức đó còn lộn xộn và hời hợt. Cần một suy nghĩ mới để soi chiếu và sắp xếp cho có hệ thống.
1. Quan Điểm Triết Học Về Ưu Phẩm Của Thượng Đế
Có thể theo hai quan điểm để trình bày quan điểm triết học về bản tínnh của Thượng Đế: Quan điểm lịch sử và quan điểm tổng hợp. Theo quan điểm trước, người ta có thể trưng ra cuộc tiến triển của ý tưởng về Thượng Đế từ khi con người xuất hiện trên mặt đất cho tới ngày nay. Về Thượng Đế qua các thời đại, mỗi triết gia có một quan điểm khác nhau. Lu1c thì đúng như nhau, lúc thì mâu thuẫn như nhau. Người thì đúng ở điểm này lại không đúng ở điểm khác. Có người thì nhận được ít nhiều ưu phẩm của Ngài thôi. Công việc này là của những nhà chuyên môn về lịch sử tôn giáo, và lịch sử triết học. Ở đây ta chỉ có thể theo quan điểm tổng hợp đồng thời miễnn bàn đến ý tưởng sai lầm về bản tính Thượng Đế, và chỉ tích cực bàn ưu phẩm của một Thượng Đế chân thực, là kết quả của cuộc sưu tầm triết học thuần tuý và lành mạnh như đã trình bày ở trên. Tổng hợp này có` thể phần thành hai điểm: Phương pháp khám phá ra ưu điểm Thượng Đế và liệt kê những ưu điểm đó thành hệ thống.
– Phương pháp khám phá ra ưu phẩm Thượng Đế
Để minh chứng có Thượng Đế, người ta đem ra hai phương pháp: diễn dịch và quy nạp. Ở đây cũng có thể dùng hai phương pháp đó. Chỉ khác là phương pháp diễn dịch hay tiên thiên không được sử dụng một cách hợp thức để tìm hiện hữu của Thượng Đế. Trái lại, trong việc tìm hiểu bản tính của Ngài, phương pháp quy nạp có giá trị, vì dựa trên một ý niệm về Thượng Đế đã được biết theo đường hậu thiên.
– Phương pháp diễn dịch
Phương pháp chứng lý hậu thiên, rồi phân tích tất cả những ưu phẩm tiềm tàng hay mặc nhiên gồm trong ý niệm đó. Phương pháp này theo sát phương pháp toán học. Thượng Đế là một chủ động bất thụ động. Ý niệm này bao hàm ý niệm: vĩnh viễn,hiện thể thuần tuý, đơn giản, vô cùng, vô chất,…
Các kinh viện gia tiên phong thích dùng những phương pháp này, nhất là thánh Aselmus trong cuốn Prosogium, thánh tiến sĩ khởi điểm từ ý niệm vô cùng nghĩa là từ ý niệm về một hữu thể mà không có thể tư tưởng một hữu thể to hơn nữa: theo ý kiến Ngài, ý niệm này có tính cách tự phát. chỉ phân tích kỹ nó là diễn dịch ra những ưu phẩm phải có nơi Thượng Đế. Trong cuốn Monologium, tác giả lại khởi điểm từ ý niệm về thiện hảo Tuyệt Đối để đi tới ý niệm hữu thể Sung Mãn. Dĩ nhiên ta không có ý bảo thánh tiến sĩ không biết tới phương pháp thứ hai, dựa trên mối giây nhân quả. Thực ra, cũng chính ngài đã đặt nền tảng lý thuyết cho phương pháp thứ hai này.
Thánh Toma dựa trên ý niệm “bất khả thụ động” để minh chứng Thượng Đế vĩnh cửu. Nếu ta để ý nhận xét những ưu phẩm của Thượng Đế dưới ngòi bút thánh tiến sĩ, cái nọ giằng nhau với cái kia: Thượng Đế đơn giản, vì Ngài là chủ động bất khả thụ động, vì Ngài là hiện thể thuần tuý. Nói khác, vì Ngài là hữu thể thuần tuý, nên rất hoàn hảo. Nói khác nữa vì Ngài là nguyên nhân tác thành mọi vật nên Ngài phải là thiện hảo.
Nhiều tác giả cận đại cũng thích theo phương pháp diễn dịch này, như cha Gatry. Ngài phân tích ý tưởng vể hữu thể tuyệt đối để biết các ưu phẩm siêu hình học khác của Thượng Đế. Đây, ta có thể đặt câu hỏi vậy thì phải khởi điểm từ một ý niệm nào nhất định mới tìm ra các ưu phẩm khác, hay có thể khởi điểm bất cứ ý niệm nào cũng đạt được mục đích? vấn đề này liên quan tới vấn đề đi tìm ưu phẩm trung tâm ta sẽ nói tới sau.
– Phương pháp quy nạp
Phương pháp này luôn luôn khởi điểm từ các thụ tạo. Tất cả các hoàn hảo trong vũ trụ đều được phân tích tỉ mỉ, hoặc chọn lọc những điểm nào có thể gán cho Thượng Đế mà không mâu thuẫn với Ngài, hoặc áp dụng thẳng vào Ngài những ưu phẩm mà ta thấy không có hạn chế nào cả. Nói cách khác, có thể theo hai con đường tiêu cựu và tích cực.
– Đường tiêu cực qua những hoàn hảo hỗn hợp
Nhìn tổng số những hoàn hảo trong vũ trụ, ta nhận thấy hai loại hoàn hảo: loại hoàn hảo đơn giản và loại hoàn hảo hỗn tạp. Theo con đường tiêu cựu tức là chọn hay tie6unh luyện những hoàn hảo loại thứ hai này khước thải những gì hạn chế hoàn hảo đó. Vật tính chẳng hạn, tuy là một hoàn hảo vì nó tham dự một phần hữu thể, nó còn hơn hư vô. Tuy nhiên, ưu điểm đó còn hàm chứa ở trong nhiều ý niệm bất toàn như: có thể chia, kế tiếp, hay hư nát… Do đó vật chất tính hay thể xác tính không thể áp dụng cho Thượng Đế dưới những khía cạnh đó được.
– Đường tích cực qua những hoàn hảo thuần tuý đơn giản
Hoàn hảo thuần tuý đơn giản là những hoàn hảo tự nó không bao hàm một khuyết điểm nào, không bị cái gì hạn chế cả. Nếu nó bị hạn chế và vì đó, gọi là có khuyết điểm, thì hoàn toàn do chủ thể mà chúng được áp dụng vào hay quy về. Những đức tính hay những ưu phẩm này không cần phải tinh luyện hay chọn lọc. Chúng có thể áp dụng thẳng vào Thượng Đế mà không gây mâu thuẫn nào cả.
+ Nguyên tắc
Nguyên tắc của phương pháp tích cực này là nguyên tắc nhân quả: nhân sẵn chứa những gì hoàn hảo nơi quả. Hay một công thức khác: quả tham phần những hoànn hảo của nhân. Khởi điểm từ bất cứ một hoàn hảo thụ tạo nào, ta có thể lĩnh hội một phần nào cũng thứ hoàn hảo đó nơi Thượng Đế.
+ Áp dụng
Muốn có ý niệm đỡ sai lầm về ưu phẩm nơi Thượng Đế, nguyên tắc nói trên phải được áp dụng theo hai giai đoạn: giai đoạn suy loại và giai đoạn tuyệt trác.
Giai đoạn suy loại. “theo luật suy loại, là bảo hai vật có chỗ giống nhau và có chỗ khác nhau. Nó giữ mực trung dung giữa sự giống hệt như nhau và khác nhau hẳn”. Có ba thư suy loại: suy loại hữu thể học, văn phạm và luận lý học. Đây,chỉ chú ý tới suy loại hữu thể học, vì nó làm nền tảng cho hai thứ loại suy kia. Suy loại hữu thể học dựa vào chính những vật, hay những hoàn hảo khách quan, chứ không dựa vào những kiểu nói hay kiểu luận lý. Nó có ba cấp khác nhau. Cấp thứ hai: các vật giống nhau ở chỗ một vật có đặc tính hoàn toàn riêng của mình còn các vật khác giống với nó là do một mối tương quan ngoại lai. Cấp thứ ba: hai vật khác giống, khác loại hẳn nhau, nhưng trí khôn so sánh chúng với nhau, dựa trên một đức tính nào đó giống nhau thật.
Muốn hiểu ưu phẩm của Thượng Đế cách hậu thiên hay quy nạp, phải theo con đường suy luận cấp thứ nhất. Nghĩa là Thượng đế sẽ loại suy thứ nhất, còn các thụ tạo là loại suy thứ hai. Giữa Ngài là nguyên nhân và thụ tạo là hiệu quả, có gì giống nhau. Nên nhìn vào thụ tạo, là hiểu chính Ngài một phần nào. Nơi thụ tạo có hữu thể, có trí khôn, thì Ngài cũng có hữu thể có trí khôn. Xem quả biết cây.
Giai đoạn tuyệt trác. Loại suy mà thôi chưa đủ “nó có thể đưa ta đến thuyết như nhân, cũng như con đường khước thải dễ dẫn tới thuyết bất khả tri. Vậy cần phải có ocn đường ở giữa hai cực đoan là con đường tuyệt trác”. Có hai thứ tuyệt trác: tuyệt trác hữu thể học và luận lý học. Thứ tuyệt trác trước mới can hệ dựa trên nguyên tắc sau đây: nguyên nhân chuyển sang hiệu quả những hoàn hảo của mình sẵn có. Để hiểu ưu phẩm của Thượng Đế, phải hiểu nguyên tắc đó như thế này: Thượng Đế là nguyên nhân tối thượng và siêu việt nên những hoàn hảo của Ngài vượt hẳn những hoàn hảo nơi thụ tạo. Nhìn vào những cái tuyệt vời của đại vũ trụ và nhất là của tiểu vũ trụ, hồn con người như được nâng lên nhìn chính nguồn của chúng. Thụ tạo còn hoàn hảo đến thế huống nữa là Tạo Hoá.
2. Liệt Kê Những Ưu Phẩm Của Thượng Đế
Đặt phương pháp để khám phá những ưu phẩm của Thượng Đế song, ta thử liệt kê ít nhiều ưu phẩm chính. Muốn thế cần phải nói qua việc phân biệt các ưu phẩm nơi Thượng Đế, trước khi tìm ưu phẩm trung tâm và ngoại diện.
a. Việc phân biệt các ưu phẩm
Ở đây chúng ta bàn 2 điểm: khả hữu tính của việc phân biệt và tiêu chuẩn dùng để phân biệt.
– Khả hữu tính của việc phân biệt
+ Đặt vấn đề
Phân biệt ưu phẩm nơi các thụ tạo là điều dễ hiểu. Thực ra, nơi chúng có sự hỗn hợp. Các hoàn hảo chỉ là những tuỳ thể và giữa những tuỳ thể đó lại có sự dị biệt hiển nhiên. Nhưng sự phân biệt các ưu phẩm nơi Thượng Đế, không thể rõ ràng minh bạch như thế được. Điều đó là tại thân thế hay hữu thể của Ngài hoàn toà đơn giản. Nơi Ngài không có gì có tính cách xác thể. Không có sự hỗn hợp giữa chất thể và mô thể. Không có dị biệt giữa hữu thể hiện hữu và yếu tính. Không thể bảo Ngài có tuỳ thể được. Những hoàn hảo nơi Ngài đều có tính cách lập hữu. Ngài không bị luật tiềm thể, hiện thể chi phối. Thượng Đế, ngay trong tư tưởng của đức Khổng Tử vượt ra ngoài vòng âm dương như bất cứ một thần minh nào: “âm dương bất trắc chi vị thần”. Sau hết Thượng Đế còn không bị đóng khuôn khổ bằng những phàm trù theo nghĩa Aristote. Tóm lại, nơi Thượng Đế chỉ có đơn giản tính hoàn toàn. Đơn giản tính này xây trên sự đồng nhất giữa ưu phẩm và yếu tính và giữa ưu phẩm với nhau. Nếu thế thì nói đến việc phân biệt ưu phẩm nơi Thượng Đế sao được.
+ Giải vấn đề
Đặt vấn đề như thế thực lý trí đứng trước một mầu nhiệm không thể giải quyết, vì đâu có dị biệt, đâu có hỗn hợp giữa các phần, mới có chuyện phân biệt được.
Thái quá, bất cập: Do đó đã có người cho rằng không thể phân biệt ưu phẩm Thượng Đế được. Đời thượng cổ có Aelius, Eunomius, hai nhà lãnh tụ đảng tín lý Amoneens dời bút chiến chung quanh mầu nhiệm Ba Ngôi thế kỷ 4. Họ nhấn mạnh tính cách đơn giản tuyệt đối của yếu tính Thượng Đế. Đồng thời phủ nhận tất cả mọi cách phân biệt giữa các ưu phẩm nơi Ngài. Đời trung cổ, phái duy danh nhận Thượng Đế là kết tinh mọi hoàn hảo có thể tưởng tượng được, nhưng ta không thể quan niệm được hữu thể hoàn hảo đó bằng những ý niệm phân minh. Những ý niệm này hoàn toàn chủ quan, không có nền tảng nào nơi Thượng Đế cả. Nói cách khác, chúng chỉ là những danh từ suông và rỗng tuếch.
Đi sang một cực đoan khác, nhiều học giả vào tời trung cổ lại quyết nhận có sự phân biệt. Hơn nữa, có thể tách biệt những ưu phẩm nơi Thượng Đế. Thượng Đế thì khác… có người như Gregoire Palamas một tu sĩ Hy Lạp, lãnh tụ một đảng lạc giáo vào khoảng 1350, hình dung những ưu phẩm Thượng Đế như là những tia sáng phát xuất do thần tính nhưng ở địa vị phụ thôi. Chúng còn có tính cách vật chất mắt xác thịt có thể xem được như các môn đệ Chúa trên núi Tabo đã xem thấy.
– Ý kiến chung các nhà triết học Công Giáo
Hai cực đoan trên đều quá khích. Dựa vào những hoàn hảo được phân biệt nơi thụ tạo, ta không thể chối khả hữu tính của viec phân biệt đó nơi Thượng Đế, như có thể phân biệt công bình và lân mẫn và sự phân biệt đó căn cứ ít nhiều vào sự thật. Nhưng không thể chủ trương một thuyết tả chân quá trớn, cho rằng mỗi hoàn hảo, mỗi ưu phẩm là một lập hữu. Quan niệm như thế, mâu thuẫn với đơn giản tính của Thượng Đế. Thánh Bernadus đã nghiêm nhặt lên tiếng rằng, theo quan niệm của Gilbert, người ta sẽ không biết bao nhiêu thần mà kể. Vậy phải giải thích cách nào? Muốn trả lời mà không gặp mâu thuẫn cần phải có vài ý niệm phân biệt theo trường kinh viện.
Ý niệm về động tác phân biệt. Có hai thứ phân biệt: Phân biệt thực tại và phân biệt lý trí. Phân biệt trước dựa trên sự vật: thực sự hai vật khác nhau. Phân biệt sau dựa trên động tác phân tích của lý trí quan niệm về cùng một vật. Phân biệt thứ hai này, nếu hoàn hảo chủ quan gọi là phân biệt hư lý. Phân biệt thực lý hoàn toàn, khi các yếu tố phân biệt như thế có thể ở nơi nhiều vật biệt hẳn nhau, như linh hồn và cảm giác tính; linh hồn ở nơi người còn cảm giác tính ở nơi người và nơi thú vật. Còn phân biệt thực lý bất toàn, khi nào các yêu tố trộn lẫn vào nhau, do nội dung của chúng như hữu thể và những giá trị siêu nghiệm của hữu thể.
Áp dụng vào việc phân biệt ưu phẩm nơi Thượng Đế. Phân biệt thực tại mưu thuẫn với đơn giản tính của Thượng Đế. Phân biệt lý trí hư lý thời bất cập không đủ để giải thích đường lối suy luận của lý trí dựa vào sự thật, chứ không luôn chỉ có những ảo tưởng. Đàng khác, mạc khải như ta sẽ thấy sau, tuần tự bộc lộ từng cái hay nhiều hoàn hảo của Thượng Đế. Ta không thể cho đó là kiểu trùng phức, nghĩa là nói đi nói lại cũng một điều. Phân biệt thực lý dưới hình thức hoàn toàn, không thể có được ở giữa những ưu phẩm của Tạo Hoá, chúng không thể ở một nơi khác mà không phải là yếu tính của Thượng Đế. Chỉ còn lại kiểu phân biệt thực lý bất toàn: Hữu thể Thượng Đế rất đơn giản nhưng không phải là một hữu thể trừu tượng mông lung, rỗng tuếch, trái lại là một hữu thể phong phú dồi dào hàm chứa tất cả những hoàn hảo có thể có được. Những hoàn hảo này lại giữ thăng bằng với nhau tương tác vào nhau cũng như có một sự tương tác giữa yếu tính và chúng vậy.
Giáo lý này được khởi xướng đầu tiên do các Giáo Phụ Hy Lạp nhân dịp cuộc bút chiến Ba Ngôi và do các giáo phụ La Tinh truyền lại. Ý kiến chung ở trên được thánh Toma trình bày một cách rõ ràng minh bạch: vừa phải để nguyên đơn giản tính của Thượng Đế vừa phải cho những tên gọi Thượng Đế một nghĩa riêng, tính cách chủ quan của sự phân biệt nói trên là hiệu quả của tính cách trừu tượng vẫn kèm theo việc quan niệm của con người, nhưng tính cách khách quan của nó lại tố cáo sự phong phú của Thượng Đế, là một hoàn hảo có thể diễn tả dưới thiên hình vạn trạng, mà vẫn chưa thấu triệt được. Tóm lại, nhờ sự phân biệt như trên mà Thượng Đế không còn là cái gì bất định như triết học cận đại thường quan niệm. Triết học này thường chỉ trích khoa thần học công giáo nặn Thượng Đế vào khuôn khổ của linh hồn được phóng đại ra. Họ quên tất cả những sự tinh luyện khắt khe các nhà thần học dùng để đi từ hoàn hảo thụ tạo tới hoàn hảo của Tạo Hoá.
b. Tiêu chuẩn để phân biệt
Việc phân biệt ưu phẩm nơi Thượng Đế là việc có thể. Và như ta vừa nói trên, nó còn là việc cần nữa. Nhưng, phải theo tiêu chuẩn nào để phân biệt cho có trật tự và hệ thống? Các nhà thần học thường dựa vào ba quan điểm: quan điểm tri thức, quan điểm tương quan, quan điểm hành động.
– Theo quan điểm tri thức
Theo quan điểm này tức là phương pháp hay phương thế lý trí dùng để quy những ưu phẩm về Thượng Đế: phương thế tiêu cực hay tích cực. Theo phương thế trước, có những ưu phẩm tiêu cực. Phải gạt bỏ ra ngoài Thượng Đế tất cả những gì bấtt khả tương hợp với Ngài. Muốn thế, không nên quá dựa vào hình thức văn phạm của tiếng dùng. Thượng Đế không là hữu thể do nhiều phần hợp lại mà thành. Theo phương thế sau, có những ưu phẩm tích cực. Tất cả những ý niệm có giá trị siêu nghiệm đều thuộc loại này: Hữu, chân, thiện, mỹ, trí năng, ý chí, khôn ngoan, thông thái, lân mẫn,…
– Theo quan điểm tương quan
Có những ưu phẩm tương đối và tuyệt đối: ưu phẩm tương đối có liên quan tới thụ tạo, chỉ những hành động hướng ngoại của Thượng Đế như tạo hoá, quan phòng… nói rằng thương đối là tương đối với thụ tạo chứ không phải tự nó thiếu tính cách khẩn thiết và tuyệt đối. Giả sử Ngài không sáng tạo vũ trụ, năng lực sáng tạo của Ngài vẫn đã có từ đời đời và luôn luôn sát với bản tính của Ngài. Những ưu phẩm nào không có dây liên lạc với thụ tạo lúc đó gọi là ưu phẩm tuyệt đối như: thông thái, thượng trí, vĩnh viễn, đơn giản.
– Theo quan điểm hành động
Có những ưu phẩm quy về hữu thể của Thượng Đế gọi là ưu phẩm tĩnh thể. Những ưu phẩm nào dính líu với hành động của Ngài, gọi là ưu phẩm động thể. Các nhà thần học gọi ưu phẩm trước là thụ động, hay siêu hình học, còn ưu phẩm sau gọi là chủ động hay thể lý. Loại ưu phẩm chủ động hoặc do trí năng Thượng Đế, hoặc do ý chí của Ngài mà có ưu phẩm trí năng, ưu phẩm ý chí.
3. Các Thuộc Tính Của Thượng Đế
a. Sự phân biệt giữa các thuộc tính
Một đàng, Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối đơn thuần, đàng khác chúng ta quy về cho Ngài những ưu phẩm khác nhau. Vậy thì: hoặc con người chúng ta phạm tới tính đơn thuần của Thiên Chúa, hoặc là các ưu phẩm khác nhau chỉ là những tiếng đồng nghĩa không hơn không kém. Một số nhà duy danh trung cổ đã chủ trương ý kiến thứ hai.
Thật ra, chúng ta có thể nói tới ưu phẩm của Thiên Chúa mà vẫn duy trì tính đơn thuần của Ngài. Không có sự phân biệt hiện thực giữa các thuộc tính: một sự phân biệt hiện thực là một sự phân biệt có thực vừa trong sự thật vừa trong trí khôn. Nếu có sự phân biệt hiện thực tức là có giới hạn nội tại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ không còn đơn thuần và không còn vô biên nữa.
Trong Thiên Chúa chỉ có một sự phân biệt thuộc lý trí giữa các thuộc tínnh mà thôi, nhưng sự phân biệt này là hợp lý, bởi vì về phía Thiên Chúa, Ngài là Đấng sung mãn vô cùng nên Ngài chiếm hữu một cách phi thường tất cả mọi ưu phẩm của tạo vật, còn về phía con người thì trí khôn ta vốn là hữu hạn, nên buộc phải dùng nhiều ý niệm khác nhau để mong đạt tới tính đơn nhất vô biên của Thiên Chúa.
b. Tính tự hữu
Thuộc tính nền tảng của Thiên Chúa: nếu đặt câu hỏi đối với trí khôn của chúng ta, thuộc tính nào nơi Thiên Chúa là thuộc tính đầu tiên làm nền tảng cho mọi thuộc tính khác, đồng thời làm nguyên lý phân biệt Thiên Chúa với tạo vật? Chúng ta phải trả lời: Đó là tính tự hữu. Nghĩa là Thiên Chúa là hữu thể hiện hữu tự mình, là hữu thể trong đó bản chất và hiện hữu là một. Thật vậy, cứu lý mà nói, thì phải hiện hữu đã rồi mới hữu thể mới xác định được là thế này là thế kia. Đàng khác,hữu thể tự hữu là hữu thể mà bản tính là hiện hữu, còn các tạo vật những hữu thể mà hiện hữu và bản chất không đồng nhất với nhau, nhưng hiện hữu của chúng được tiếp nhận bởi một bản chất ; bản chất này vừa xác định vừa giới hạn sự hiện hữu kia.
c. Các thuộc tính của Thiên Chúa
Người ta thường phân biệt hai loại thuộc tính: những thuộc tính siêu hình liên quan tới chính hữu thể và những thuộc tính liên quan tới hoạt động của Thiên Chúa.
– Các thuộc tính về hữu thể
+ Tính duy nhất
Tính duy nhất bao gồm tính đơn thuần và tính độc nhất. Đơn thuần là không được cấu tạo bởi những thành phần. Thiên Chúa không thể là một hợp thể, không thể bao gồm những thành phần, bởi vì nếu thế thì Ngài sẽ là hữu thể có giới hạn và Ngài sẽ không phải là nguyên lý đệ nhất cho vạn vật nữa, như các chứng cớ trong phần một đã chứng minh.
Duy nhất theo hai nghĩa: không phân chia nội tại, không có nhiều thành phần khác nhau trong Thiên Chúa. Không đối lập với những hữu thể khác ngoài mình: không thể có nhiều hữu thể tuyệt đối,vô cùng được. Hai hữu thể vô cùng đối lập nhau là điều mâu thuẫn.
+ Tính vô cùng
Vô cùng có nghĩa là không có giới hạn và hoàn hảo sung mãn. Theo nghĩa phủ nhận, Thiên Chúa vô cùng hàn ý rằng Ngài không có biên, không hạn, không cùng.
Theo nghĩa tích cực tính vô cùng của Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa gồm có tất mọi sự hoàn hảo trong bản tính của Người. Một người hiện hữu thì sự hiện hữu của họ bị giới hạn lại trong ranh giới của bản tính nhân loại.
Còn Thiên Chúa, Ngài chỉ là hiện hữu đơn thuần, Ngài không phải là sự hiện hữu của một bản tính nhất định nào đó: bởi thế Thiên Chúa chiếm hữu một cách phi thường tất cả mọi sự hoàn hảo của sự hữu. Trong lúc sự hoàn hảo của sự hữu nơi con người có mức lường thì sự hoàn hảo của sự hiện hữu nơi Thiên Chúa là vô lường, trọn vẹn sung mãn. Tính vô cùng của Thiên Chúa là tính vô cùng của hữu thể học, chứ không phải là tính vô cùng của toán học.
+ Tính vĩnh cửu và bất biến
Thiên Chúa là hiện thể thuần tuý. Vậy Ngài không thể thay đổi bao giờ vì không vương bóng một tiền thể nào. Thiên Chúa là vĩnh cửu nghĩa là không lệ thuộc thời gian, không đầu không cuối, không có trước có sau. Vì Ngài hữu thể tự hữu. Nếu Ngài có trước có sau thì Ngài không còn là hiện thể thuần tuý nữa. Không những Thiên Chúa không lệ thuộc thời gian mà hơn nữa Ngài còn chiếm hữu một cách trọn vẹn và hoàn hảo một cuộc sống không cùng.
Đó là hai mặt của tính vĩnh cửu của Thiên Chúa theo định nghĩa nổi tiếng của Boece.
Vô lượng vô biên ở khắp mọi nơi: vô biên là không thể đo lường được, bởi vì Thiên Chúa là vô cùng. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, hiện diện nơi mọi hữu thể, bởi vì Ngài là nguyên nhân tác thành vạn vật. Không phải là Thiên Chúa chỉ dựng nên mọi sự một lần rồi thôi, nhưng tác động của Ngài vẫn thường xuyên liên tục trên mọi sự, nếu không, vạn vật sẽ không còn hiện hữu nữa. Tất cả những gì hiện hữu đều lệ thuộc vào hữu thể tự hữu là nguyên nhân làm cho chúng hiện hữu. Cũng như mặt trời không ngừng soi sáng bầu khí quyển, Thiên Chúa bảo toàn liên tục sự hiện hữu của vạn vật.
Người ta quen nói Thiên Chúa ở trong mọi sự, mọi nơi bằng bản tính. Bằng sự hiện diện và bằng quyền năng không phải chỉ bằng quyền năng hay chỉ bằng sự hiện diện, mà nhất là theo chính bản tính mình, vì Ngài là nguyên nhân cho sự hiện hữu của vạn vật.
– Các thuộc tính về hoạt động nơi Thiên Chúa
+ Thông minh
Nơi Thiên Chúa mọi sự đều là vô cùng. Trí khôn Ngài là vô cùng. Và trí thức của Ngài cũng là vô cùng: không có gì nằm ngoài sự hiểu biết, dù là những sự tương lai hay những sự khả hữu cũng thế. Vậy Thiên Chúa là Đấng toàn tri.
Đối tượng của tri thức nơi Thiên Chúa. Trước hết là chính bản thân Ngài. Thứ đến là mọi sự khác, thực hữu hay khả hữu.
Thể thức: Thiên Chúa biết bằng một hành vi duy nhất và đơn thuần, còn tri thức ta lúc nào cũng phức tạp. Điều đó bao hàm tính bất toàn. Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự trong một trực giác duy nhất.
Thiên Chúa không lệ thuộc đối tượng nhận thức. Ngài không ra khỏi chính mình để biết mọi sự, nhưng Ngài biết mọi sự trong chính yếu tính của Ngài. Chẳng những Ngài không lệ thuộc thực tại mà thực tại tuỳ thuộc tư tưởng Ngài như nguyên nhân kiểu mẫu của nó. Chính Ngài biết nó mà nó hiện hữu, vì mọi thụ tạo đều là những mô phỏng những sự tham dự hữu hạn vào bản tính vô cùng của Ngài.
+ Ghi chú
Thiên Chúa biết mọi sự, kể cả những hành vi tự do của con người. Vấn đề là nếu Thiên Chúa biết trước những điều chúng ta sẽ làm, chúng ta có còn tự do nữa không, hay là mọi sự đã được an bài hết cả rồi?
Câu trả lời quen thuộc đầu tiên là: Đối với Thiên Chúa, người ta không thể nói đến trước, sau. Ngài là bao quát mọi sự trong một hiện tại đời đời vì Ngài là vĩnh cửu.
Câu trả lời có phần đúng, nhưng chưa đầy đủ, bởi vì Thiên Chúa không chỉ biết một cách bàng quan các hành vi của ta từ cõi vĩnh cửu của Ngài, nhưng tri thức của Ngài thâm nhập vào mọi hành vi của ta như một nguyên nhân hoạt động.
Câu trả lời của thánh Toma là: Tự do của con ngưới lệ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa. Chính vì Thiên Chúa muốn, mà ta được tự do. Ý muốn ấy không huỷ hoại sự tự do, trái lại nó làm nên sự tự do.
+ Nhận định
Chúng ta phải nắm hai chân lý một trật: một là ocn người tự do, hai là Thiên Chúa là nguyên nhân hiện hữu của mọi sự và chính Ngài làm cho ta tự do. Nhưng giải thích thế nào cách thức Thiên Chúa làm cho ta có tự do? Không ai đưa ra một lời giải thích thỏa đáng. Ta chỉ có thể nói rằng không có mâu thuẫn giữa tự do của ta và nguyên nhân tính của Thiên Chúa vì nguyên nhân tính này thuộc trật tự siêu nghiệm nằm bên trên mọi sự tất yếu cũng như mọi sự bất tất. Phải nhìn nhận là ta đang đứng trước một huyền nhiệm.
4. Tri Thức Nơi Thượng Đế
Đặt nền tảng hành động nội tại của Thượng Đế, ta thử phân tích những hành động đối nội của Ngài và bắt đầu bằng cuộc hành động trí năng hay là tri thức. Trước hết trình bày sự kiện tri thức của Thượng Đế. Rồi sẽ hệ thống hoá những điểm cần phải biết về vấn đề đó theo giáo lý kinh viện.
– Minh chứng sự hiện hữu của tri thức nơi Thượng Đế
Có thể minh chứng theo hai quan điểm: quan điểm lý trí và quan điểm mạc khải.
– Lý trí với tri thức của Thượng Đế
Theo phương diện triết học, thánh Toma căn cứ vào mô chất tính để chứng minh Thượng Đế có một nền tri thức vô cùng. Ngài viết: “vật hữu tri và vật vô tri khác nhau ở chỗ này, là: Vật sau chỉ có mô thể riêng của mình, còn vật trước còn có cả mô thể của các vật khác, vì ảnh tượng vật được biết ở trong vật biết. Do đó người ta thấy rằng: bản tính của vật không có trí khôn bị hạn chế và bị thu hẹp; trái lại bản tính của vật có trí khôn lại bao quát và rộng rãi hơn vì thế mà nhà hiền triết Aristote nói: “Có thể nói một phần nào, linh hồn là tất cả mọi sự”. Cái mà hạn chế và thu hẹp mô thể, chính là chất thể hay là vật chất. Vậy mô thể càng ít dính líu với vật chất bao nhiêu thì chúng càng sát gần với vô cùng bấy nhiêu. Vô chất tính là điều kiện để tri thức được thực hiện. Cả hai lệ thuộc vào nhau. Aristote nói: “Loài thảo mộc không có tri thức vì chúng toàn là vật chất; giác quan có thể biết được vì chúng có thể tiếp nhận những ảnh tượng vô hình của sự vật”. Trí khôn biết một cách hoàn hảo hơn, vì bản tính nó ở xa vật chất hơn. Vậy Thượng Đế hoàn toàn vô chất, nên Ngài chẳng những có tri thức, mà còn có với một mức độ cao.
a. Hệ thống hoá, theo giáo lý kinh viện
Những yếu tố mạc khải vừa trưng ở trên, các nhà thần học kinh viện đã xếp thành hệ thống dưới ba mục đề chính này: Những loại tri thức nơi Thượng Đế, đặc tính của tri thức nơi Thượng Đế và cách thế của tri thức đó.
– Phân loại tri thức nơi Thượng Đế
Đã là Thượng Đế, chẳng những hữu thể phải đơn giản, cả hành động cũng phải đơn giản: Thượng Đế tri thức hay là biết bằng một tác động duy nhất và hoànn toàn trực giác, trí khôn không phân biệt, phân tích như việc tri thức nơi thụ tạo. Có thể phân loại tri thức, đó là chỉ đứng về phương diện đối tượng.
– Theo đối tượng thuộc quan điểm chân lý
Có hai loại chân lý: chân lý suy lý và thực tiễn. Do đó có tri thức suy lý và tri thức thực tiễn. Tri thức trước tiếp nhận những vật như là đối tượng khả niệm, không hay chưa thực hiện ở ngoài chủ thể. Thượng Đế biết chính Ngài bằng tri thức này: Ngài im lặng chiêm ngưỡng chính bản tính của Ngài và những ý tưởng vĩnh viễn nơi Ngài. Tri thực thực tiễn có tương quan với những gì khả giác kèm theo việc thực hiện một phần những ý tưởng của Thượng Đế. Tri thức kiểu này có thể gọi là một bản đồ sáng tạo của Đấng Tạo Hoá.
– Theo đối tượng thuộc quan điểm luân lý học
Theo quan điểm luân lý, đối tượng có thể là thiện là ác, biết cái thiện, gọi là tri thức chuẩn nhận. Thánh Toma gọi đó là nguyên nhân vạn vật, nghĩa là chỉ có cái gì là thiện,mới thành đối tượng của việc sáng tạo. Thánh Augustin cũng giải thích như thế. Biết cái ác, gọi là tri thức phi phế (scientia reprobationis), biết để gớm ghét, để mà luận phế (biết nhưng không muốn). Trong ngày phán xét, Chúa sẽ không biết, cũng như đã không biết những đoạ nhân.
– Theo đối tượng thuộc quan điểm hữu thể học
Theo quan điểm này, có thể đem ra hai cặp hữu thể; hữu thể tất yếu và bất tất, hữu thể hiện hữu và khả hữu.
+ Cặp thứ nhất
Hữu thể tất yếu làm đối tượng cho tri thức khẩn thiết và gồm chính Thượng Đế và những ý tưởng nơi trí khôn Ngài. Hữu thể bâ`t tất làm đối tượng cho tri thức tự do gồm những vật thụ tạo, Ngài tự do sáng tạo cho có gồm những hiện tượng và những cuộc phát triển kèm theo các thụ tạo. Ở giữa hai tri thức này, cha Ludovicus Molina s.j đặt một tri thức mà cha gọi là trung thức nghĩa là một tri thức ở giữa không khẩn thiết, cũng không tự do, và đối tượng của nó là những vật tương lai giả định. Các học giả trường thánh Toma phủ nhận tri thức này, cho là thừa.
+ Cặp thứ hai
Hữu thể hiện hữu là đối tượng của thị thức gồm nhựng vật thực có, hoặc đang, hoặc đã, hoặc sẽ có. Nhưng thị thức chỉ áp dụng cho những thực tại thụ tạo, vì chúng thật đã được làm cho có. Còn áp dụng vào thực tại tối cao là Thượng Đế, lúc đó tri thức có tên chiêm thức. Hữu thể khả hữu là đối tượng của minh thức gồm những vật có thể có nhưng đã không bao giờ Thượng Đế muốn thực hiện cho có.
b. Đặc tính của tri thức nơi Thượng Đế
Các nhà thần học thường trình bày những đặc tính tri thức nơi Thượng Đế như sau đây:
– Theo quan điểm tuyệt đối
Thượng Đế biết một cách bản thể, nghĩa là Ngàii biết với tất cả yếu tính của Ngài, không cần phải qua tuỳ thể nào như tài năng nơi thụ tạo. Cái cấu thành nên Ngài chính là cái nhờ đó Ngài biết. Ngài là hữu thể tuyệt đối, nên tri thức Ngài cũng tuyệt đối do đó tri thức Ngài luôn luôn ở trong tình trạng hiện thể, chứ không phải từ tiềm thể sang hiện thể. Các nhà kinh viện gọi tri thức đó là tri thức lập hữu.
– Đặc tính đơn giản và trực giác
Tri thức của ta là tri thức vòng quanh bằng kiểu suy luận từ tiền đề đến kết luận. Tri thức nơi Thượng Đế trái lại, hoàn toàn đơn giản, không có gì là tổ hợp. “Nơi Ngài, trí hiểu, đều được hiểu, ảnh niệm và chính động tác hiểu cùnng là một cả”. Đơn giản tính này không bị thủ tiêu do sự hữu diện của nhiều ý về các thụ tạo, vì tất cả các ý tưởng đó đều đóng khung trong một ý tưởng thôi.
– Tri thức vĩnh cửu và bất dịch
Vì là chính bản thể của Thượng Đế như đã nói ở trên. Có thể tìm loại suy của tính cách bất dịch này nơi việc con người nhận thức những nguyên tắc tối sơ. Đặc tính này còn là hậu quả của đặc tính đơn giản và trực giác.
– Theo quan điểm tương quan
Theo quan điểm này, tri thức Thượng Đế có tính cách tự lập, bao hàm và hiệu nghiệm.
+ Đặc tính tự lập
Tri thức Thượng Đế không lệ thuộc mảy may vào thụ tạo. Nếu không vậy, tri thức đó sẽ mất tính cách hoàn hảo vô cùng. Thánh Augustino viết: “Thượng Đế biết tất cả các thụ tạo của Ngài, thụ tạo thiêng liêng và thể xác, không phải vì chúng có mà Ngài biết; nhưng mà vì Ngài biết nên chúng có”. Theo ý kiến thánh tiến sĩ, các vật lệ thuộc vào Thượng Đế, chứ Thượng Đế không lệ thuộc vào các vật. Khác hẳn với tri thức nơi con người luôn luôn bị ngoại giới chi phối. về điểm này sẽ nói sau, lúc bàn về hiệu nghiệm tính.
+ Đặc tính bao hàm
Với một tác động vô cùng đơn giản, tri thức của Thượng Đế bao quát đối tượng, bao quát chính mình đã vậy còn bao quát các vật khác nữa. Theo nội trương, Ngài thấu hiểu tậ gốc mỗi vật. Không một mảy may nào của nó khuất ẩn trí khôn Ngài. Theo ngoại hàm, tất cả các vật có thể biết được, Thượng Đế biết hết, và biết không do dự hay sai lầm: “Ngài là sáng, và nơi Ngài không có tối tăm”.
+ Đặc tính hiệu nghiệm
Tri thức Thượng Đế là nguyên nhân các vật: Chúng có vì Ngài biết chúng. Vấn đề thoạt đầu xem ra rất đơn sơ dễ hiểu. Tuy nhiên, xem kỹ mới thấy là một điều nhiêu khê phiền phức, đã là dịp xuất hiện cuộc bút chiến sôi nổi giữa các nhà thần học kinh viện. Cuộc bút chiến này không do ở điển cứ Thánh kinh, mà do ở ít nhiều câu nói nơi giáo phụ có vẻ phủ nhận hiệu nghiệm tính của tri thức nơi Thượng Đế. Thực ra, Origenes viết: “Không phải vì Thượng Đế biết một vật mà vật đó phải có hay sẽ có; mà vì nó phải có, nên trước khi có nó, Ngài biết nó sẽ có”. Ta cũng đã trưng ít nhiều câu tương tự như thế của thánh Gioan Kim Khẩu. Nhưng ngược lại, có những điển cứ khác lạ cho rằng tri thức Thượng Đế là nguyên nhân các vật. Ta vừa trưng câu của thánh Augustino “Chúng (các vật) có vì Thượng Đế biết”. Thánh Gregorius cùng đồng ý những gì có đều đã được Thượng Đế xem thấy từ đời đời, không phải vì các vật đó có mà Ngài thấy nhưng vì Ngài xem thấy nên các vật đó có”. Giáo lý chung của các nhà thần học dựa theo giáo lý của thánh Toma là: Tri thức Thượng Đế hiệu nghiệm nhưng không được tách biệt khỏi ý chí. Thực ra, Ngài không làm tất cả những gì Ngài biết, hoặc vì không thể hoặc vì không muốn.
Bên cạnh giáo lý chung đó, người ta tìm cách dung hoà tri thức Thượng Đế với hành vi tự do con người. Nếu nhấn mạnh quá về phía hiệu nghiệm tính của tri thức Thượng Đế. Tự do sẽ bị huỷ diệt; nếu nghiêng về cán cân tự do, sẽ tổn thương đến quyền tối cao và phổ biến của Thượng Đế. Xu hướng trước, của trường thánh Toma, và xu hướng sau là của trường Molina – suare. Cả hai trường đều có những kiểu lý luận quá tinh vi, ta miễn trình bày, vì thực ra chúng chỉ còn có tính cách lịch sử hơn là tính cách thần học. Thực ra giải thích thế nào cũng không thể cất hẳn tính cách mầu nhiệm của vấn đề cho dù giảm bớt ít nhiều.
c. Cách thế tri thức của Thượng Đế
Vấn đề cuối cùng trong hệ thống kinh viện chung quanh tri thức Thượng Đế là Ngài nhờ gì để biết.
– Nói cách chung
Câu hỏi được đặt ra là do sự so sánh cách thế tri thức của con người với tri thức nơi Thượng Đế. Thực ra, nơi con người khởi điểm bằng một tác động do kích thích ở ngoài được tinh luyện trong hai giai đoạn cảm giác và tinh thần cho đến lúc thành ý tưởng tức là những ấn niệm, nhờ đó, ta biết mọi vật, hay là ta có ý tưởng về mọi vật. Thượng Đế có phải theo cái quá trình tác động tri thức đó không? Nói cách tiên thiên, phải trả lời rằng không, vì Ngài tri thức bằng một tác động vô cùng đơn giản và trực giác như đã nói ở trên. Nói khác đi, chính yếu tính của Ngài là phương tiện nếu có thể dùng diễn ngữ này để biết Ngài, nghĩa là Ngài biết các vật bằng biết chính bản tính Ngài có thể được mô phỏng ra ngoài nơi các vật dưới thiên hình vạn trạng. Điều đó không có nghĩa là Thượng Đế không biết tận nơi các vật, không thấu vào chính bản tính các vật, hay là tri thức của Ngài không bao hàm theo nội trương của các vật. Thực ra, tất cả những hoàn hảo thụ tạo, đều sẵn có nơi nguyên nhân, với một mức độ vô cùng. Theo thánh Toma “Thượng Đế không tự biết mình một cách hoàn hảo nếu Ngài không biết tất cả những hình thái mà các vật khác có thể bắt chước được và nhờ đó tham phần hoàn hảo của Ngài. Và chính bản tính của Ngài không được biết một cách hoàn toàn nếu đồng thời những trạng huống của bản tính đó không được biết đến. Vì thế Ngài biết riêng từng vật, biết vật nọ khác với vật kia”. Do đó trường thán Toma chủ trương Thượng Đế biết các vật khác trái với ý kiến của nhiều nhà thần học thuộc khuynh hướng khác nhau cho là Ngài biết chúng cả in seipis nữa, nghĩa là biết bằng chính thực tại khách quan của chúng đến kích thích trí khôn Ngài.
– Nói chi tiết
Ta thử áp dụng ý kiến của thánh Toma vào ít nhiều đối tượng đã nhắc ở trên mà việc tri thức chúng có phần khó hiểu.
– Cách biết những vật khả hữu
Phải phân biệt hai thứ khả hữu tính, nội khởi và ngoại khởi. Ở đây chỉ nói tới khả hữu tính nội khởi và áp dụng cho một vật có thể có, vì thực ra nó không chứa gì mâu thuẫn cả. Theo phương diện này, Thượng Đế biết vật khả hữu, lúc biết chính yếu tính Ngài có thể mô phỏng dưới nhiều trạng huống khác nhau. Những trạng huống này, hiện giờ có nơi Thượng Đế, lại là vô cùng, nghĩa là chính bản tính của Ngài, nhưng là một bản tính dồi dào phong phú như đã có dịp bàn đến khi nói tới sự phân biệt các ưu phẩm nơi Thượng Đế.
– Cách biết điều ác
Làm thế nào mà yếu tính của Thượng Đế lại trở thành phương tiện để biết cái ác? thánh Toma trả lời: Ngài biết cái ác bằng biết cái thiện bị hạn chế hay bị khuyết phạm, đúng như câu định nghĩa của cái ác là “ Thiếu một điều thiện mà một vật nào đó phải có”. Vậy “Điều ác là điều đối lập với sự nghiệp của Thượng Đế, mà Ngài biết nhờ yếu tính của Ngài, do đấy nhìn vào sự nghiệp đó, Ngài mới biết những điều ác đối lập”. Nhưng nếu Ngài biết gián tiếp như thế, sợ tri thức Ngài không được hoàn toàn thì sao? Thánh tiến sĩ thưa tri thức đó không thể không hoàn toàn vì cái ác không thể được biết tại sự, vì bản tính của nó là thiếu cái thiện; vì thế, nó chỉ được biết cách gián tiếp qua cái thiện thôi.
5. Ý Chí Nơi Thiên Chúa
Ý chí là khả năng theo đuổi điều thiện hảo mà lý trí nhận ra. Ý chí và trí khôn đi đôi với nhau. Đặc điểm của hữu thể có tri thức là tự nhiên ưa thích điều tốt mà hữu thể biết là thích hợp cho mình. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thông minh nên Ngài cũng phải có ý chí hoàn hảo.
a. Đối tượng
Đối tượng chính yếu là chính mình Thiên Chúa, bởi vì Ngài là sự thiện hảo toàn vẹn. Đây là đối tượng tất yếu. Đối tượng thứ yếu là các tạo vật vì chúng tham dự vào sự hoàn thiện của Ngài. Và cũng như Ngài dựng nên mọi sự một cách hoàn toàn tự do, Ngài cũng yêu mến các tạo vật cách tự do.
b. Đặc điểm
– Ý chí Thiên Chúa thì: độc lập nghĩa là không lệ thuộc vào sự thiện hảo nào ngoài mình, không phải vì có các sự vật mà Thiên Chúa biết chúng, trái lại chính vì Ngài biết chúng nên chúng mới hiện hữu. Cũng vậy, không phải vì có những sự vật tốt lành mà Thiên Chúa yêu thích chúng, nhưng vì Ngài ưa thích chúng mà các tạo vật với các mức độ tốt lành khác nhau đã được tạo thành. Thiên Chúa biết mọi sự trong chính mình và Thiên Chúa mến chuộng mọi sự cũng trong chính mình Ngài.
– Bất biến: cũng như trí tuệ nơi Thiên Chúa, ý chí của Ngài chỉ là một hành vi duy nhất, đơn thuần và vĩnh cửu, đồng nhất với chính bản thể Ngài là hiện thể tuyệt đối. Hiệu nghiệm: nghĩa là không có gì giới hạn được, không chịu một sự cản trở nào.
c. Lý chứng triết học
Thánh Toma trình bày lý chứng triết học trong nhiều dịp. Nhưng phần đông các nhà chú giải đều nhận rằng kiểu diễn tả của ngài không được rõ cho lắm. Đây ta có thể xếp lý chứng vào hai hạng: hạng chính và hạng phụ.
– Lý chứng chính
Trong summa theology 1,19,1 thánh tiến sĩ đặt ngay nguyên tắc này: vì Thượng Đế có trí năng nên Ngài cũng có ý chí. Quảng diễn nguyên tắc này ta có thể theo con đường tâm lý dùng phương pháp quy nạp và loại suy hay theo con đường mục đích luận để bảo rằng Thượng Đế thực có ý chí. “Từ xu hướng nơi thụ tạo hữu trí tới ý chí của Thượng Đế”. Theo tâm lý cón người mỗi khi trí năng chiếm hữu được chân lý, thì nó phải hướng về đó như là một thiện hảo riêng của mình. Đứng trước một cái thiện mà trí năng mới quan niệm được, con người cũng tự thấy mình xu hướng về cái thiện đó và tìm ca1ch để chiếm hữu cho được. Cái xu hướng đó, chính là ý chí. Thế rồi, một khi đã chiếm hữu được chân lý, trí năng nghỉ yên trong đó. Cũng vậy, ý chí cũng an hưởng cái thiện mà nó đạt được. Nói tóm lại, đâu có trí năng, đấy phải có ý chí. Thượng Đế có trí năng, tất không thể thiếu ý chí được. Dĩ nhiên,phải gạt bỏ tất cả những gì bất toàn nơi ý chí của Thượng Đế. Trong ta ý chí là một tài năng hay ít ra một cái gì không luôn luôn hành động, không luôn luôn muốn. Trái lại, ý chí Thiên Chúa luôn luôn muốn, luôn luôn hành động, vì chính do hữu thể dồi dào phong phú và linh động của Ngài. Muốn hiểu nhận xét này, cần phải ấn định rằng, tác động của ý chí không phải chỉ là việc ước ao một vật nào chưa có. Nó còn có tác động quan hệ hơn là yêu mến vật nó đã có rồi. Thật ra tình yêu là chỗ gặp gỡ giữa xu hướng và vật làm thoả mãn xu hướng. Vậy ý chí của Thượng Đế chính là tình yêu đó. Nhờ tình yêu này mà ý chí đó khoái cảm trong cái thiện đã được chiếm hữu rồi.
– Từ xu hướng nơi thụ tạo vô tri tới ý chí của Thượng Đế
Những xu hướng tự nhiên ta thấy nơi những vật vô tri cũng có thể minh chứng Thượng Đế có ý chí, nhờ mục đích luận mà ta phân tích ở trên khi nói về ngũ đạo cổ điển, thực ra những nhà phiếm thần chủ trương rằng: xu hướng nói trên của những vật vô tri có thể tự giải thích lấy, tìm trong chính mình cái lý do tồn tại. Họ cho rằng nó được chi phối do một định luật mù quáng nội tại trong chính vũ trụ phức tạp: phần nọ đun đẩy phần kia. Cái đó có thể đúng, khi nói về nội đích: các phần lệ thuộc vào nhau và đun đẩy nhau tới chỗ hành động. Nhưng, nơi thụ tạo, nội đích không thể có được, nếu không có ngoại đích. Vì, dầu sao, các phần có đun đẩy nhau đi nữa, vẫn phải đi tới chỗ nhận một nguyên nhân không bị vật nào đun đẩy, phải thoát vòng nội tại, để tiến lên giới siêu việt ở ngoài. Tại đây, mới tìm ra một ý chí tự lập, tự hữu vô cùng mãnh liệt và tự do. Ý chí đó là ý chí của Thượng Đế vậy.
– Lý chứng phụ
Thuộc lý chứng này có những nhận xét trong Deveritate và trong Cont.gent dựa vào sự thiện hảo nơi Thượng Đế và sự thiện hảo Ngài thông ra cho các thụ tạo. Thượng đế là thiện hảo tuyệt đối. Ngài biết thế nên Ngài không thể không muốn hay không yêu thiện hảo đó được. Rồi, vì Ngài đã cho những thụ tạo tham phần thiện hảo của Ngài, nên Ngài phải có một ý muốn cho mới được, vì như ta sẽ thấy việc sáng tạo là việc hoàn toàn tự do của tình yêu nơi Ngài.
d. Hai cặp ý chí nơi Thượng Đế
Căn cứ vào cách thế, có thể trưng ra hai cặp ý chí tuyệt đối và ý chí có điều kiện; ý chí công hiệu và vô hiệu.
– Ý chí tuyệt đối và ý chí có điều kiện
Ý chí trước được thực hiện, mà không lệ thuộc vào một điều kiện nào, như Thượng Đế đã muốn sáng tạo nên trời đất. Ý chí sau, để thực hiện, phải có điều kiện nào trước đó: Ngài chỉ muốn thưởng các trạch nhân với điều kiện là họ có đức ái. Không nên lẫn lỗn cặp ý chí này với cặp ý chí dĩ tiền và dĩ hậu, chúng có khi đi đôi, có khi không đi đôi với nhau. Ý chí dĩ tiền là ý chí hữu điều kiện, vì nó được thực hiện hay không, còn tuỳ ở chỗ người ta nhận hay không ân sủng. Ý chí dĩ hậu là ý chí tuyệt đối, vì dầu Ngài làm thinh cho có cái tội, nhưng Ngài muốn phạt cái tội mà không có điều kiện nào can ngăn được, nhưng nhiều khi có ý chí tuyệt đối mà không dĩ hậu dĩ tiền như trường hợp Ngài chọn những người được tiền định và Ngài muốn tuyên dương họ, thì đó là ý chí tuyệt đối, do sự lựa chọn hoàn toàn tự do của Ngài.
– Ý chí công hiệu và ý chí vô hiệu
Do ý chí trước, Thượng Đế muốn gì, cái đó phải được thực hiện. Mọi ý chí tuyệt đối đều như thế cả. Nhưng, không phải mọi ý chí có điều kiện đều vô hiệu, vì nhiều khi điều kiện đó lại do chính Ngài làm cho có. Ngài chỉ cho thánh nhân hưởng phúc vĩnh sinh, với điều kiện là có công trạng nhưng lại chính nhờ ân sủng của Ngài mà họ được công, rồi chính những công trạng đó lại sẽ được Ngài thưởng đúng như câu của thánh Augustino: “Khi Chúa thưởng công cho ta, Ngài thưởng chính quà Ngài ban. Còn ý chí vô hiệu chỉ có một trường hợp này: Ý chí có điều kiện của Chúa không được thực hiện vì tự do con người phản kháng. Do đó ý chí cứu rỗi mọi người bị cản ngăn không có công hiệu. Tuy nhiên, xét kỹ ra và nếu chú ý đến mục đích tối chung tức là vinh danh Thượng Đế, ý chí đó cũng không phải hoàn toàn vô hiệu. Vì thực ra, vinh danh của Ngài vẫn được thực hiện bằn công lý, nếu không phải bằng tình yêu. Đàng khác, dầu con người tự do có thọc gậy bánh xe đi nữa, ý chí Thượng Đế vẫn có hiệu quả, theo một nghĩa đặc biệt mà thánh Toma giải thích như sau: “ Ý chí Thượng Đế rất mực công hiệu. Điều Ngài muốn chẳng những phải được thực hiện lại còn phải được thực hiện theo cách thế Ngài muốn. Vậy, có nhiều vật, Ngài muốn chúng được phát xuất một cách khẩn thiết, nhiều vật khác lại được thực hiện một cách bất tất… do đó, Ngài muốn nhiều hiệu quả do chính những nguyên nhân khẩn thiết, và nhiều hiệu quả khác do những nguyên nhân bất tất… vì thế, những hiệu quả Ngài muốn chúng có tính cách bất tất, không phải vì nguyên nhân gần của chúng có tính cách như thế; nhưng vì Ngài đã muốn những hiệu quả bất tất đó, nên Ngài đã gán cho chúng những nguyên nhân bất tất.
e. Đặc tính của ý chí Thượng Đế
Có thể xếp đặc tính của ý chí Thượng Đế theo ba quan điểm: Qua điểm hữu thể, luân lý tôn giáo và hành động hướng ngoại.
– Theo quan điểm hữu thể
Theo quan điểm này ý chí có ba đặc tính tuyệt đối hoàn hảo, bất di bất dịch và biệt lập tự chủ.
+ Ý chí tuyệt đối hoàn hảo
Ý chí của Thượng Đế, là nguồn mọi hoàn hảo thụ tạo nên phải chứa những hoàn hảo đó với mức độ vô cùng và tuyệt đối. Ở đây, phải áp dụng tất cả những phương pháp ta đã bàn khi nói tới việc đi tìm ưu phẩm Thượng Đế. Những gì nơi thụ tạo được ga1n cho Ngài, những gì không, đều phải chọn lọc cẩn thận. Yêu cái thiện, ghét cái ác đều có thể tuyệt đối áp dụng cho Ngài. Còn như việc ước ao, hy vọng, về cái thiện chưa có, cũng như buồn, sợ, giận, là hiệu quả của sự đe doạ do một sự ác sắp xảy tới… đều không thể tương hợp với ý chí hoàn hảo của Ngài. Dĩ nhiên, Thánh kinh có nói Ngài giận, Ngài phànn nàn… nhưng phải hiểu là những kiểu nói có tính ca1ch như nhân hay là kiểu nói bóng, do hiệu quả giống nhau nơi con người giận và nơi Thượng Đế giận: giận nên mới phạt. Vì thế mỗi khi Ngài phạt là ta bảo Ngài giận.
+ Ý chí bất di bất dịch
Được đồng nhất hoá với chính hữu thể của Thượng Đế nên ý chí Ngài cũng bất di bất dịch như hữu thể đó. Nơi Ngài, không có sự tiếp tục, mệnh lệnh nọ theo mệnh lệnh kia, ý định này sau ý định khác. Cho rằng đối tượng khác nhau sẽ dần dần được diễn ra trong thời gian theo các thời đại, ý chí của Ngài đứng ngoài thời gian để điều khiển không hề thay đổi mảy may trong chương trình ấn định. Nếu có sự thay đổi nào, đều là về phía thụ tạo cả. Tất cả những phép lạ, những hành vi tự do của con người bằng câu kinh, công trạng… tất cả đều đã được ghi trước, đã được muốn trước và nếu có phải là tội, thì đã được làm thinh trước.
Nếu như thế thì ý chí bất dịch của Thượng Đế khác xa với vận mệnh thuyết hay định mệnh thuyết tuyệt đối của các nhà triết học phủ nhận tự do. Theo họ, tất cả mọi vật đều có số do một định mệnh mù quáng ấn định, không đếm xỉa gì tới tự do của con người.
+ Ý chí biệt lập và tự chủ
Không vật nào ngoài Thượng Đế có thể ảnh hưởng đến ý chí của Ngài được. Ngài không thể ước muốn một thiện hảo nào mà không phải là Ngài. Không có thiện hảo nào mà Ngài không có sẵn, với mức độ vô cùng tuyệt trác. Thánh Toma viết: “Vì ý chí của Thượng Đế là chính yếu tính của Ngài nên ý chí đó không bị kích động bởi một vật khác ở ngoài. Theo nghĩa này Platon trong Phedre 245, đã nói về một nguyên khởi sơ thuỷ tự động”. Nơi khác, ông thêm: “Thượng Đế muốn mục đích không phải là nguyên nhân thúc đẩy Ngài muốn phương tiện, nhưng Ngài muốn để những phương tiện đó hướng về mục đích. Nói khác đi: Thượng Đế muốn cái này cho cái kia chứ không muốn cái này vì cái kia, và như thế, cho dầu không có lý do nào ngoài Thượng Đế thúc đẩy Ngài muốn, các nguyên nhân đệ nhị vẫn cứ ăn khớp với nhau vì Ngài muốn hiệu quả có để cho nguyên nhân có lý do tồn tại; và mỗi khi một hiệu quả có một hiệu quả khác làm nguyên nhân, lúc đó chẳng những nó lệ thuộc vào ý chí của Thượng Đế, nó lại còn lệ thuộc vào một vật khác nữa.
* Ghi chú:
1. Sự tự do của Thiên Chúa
Thiên Chúa có tự do. Tự do là không bị quy định không bị ép buộc bởi một sức mạnh nào bên ngoài, hay bên trong chính mình. Thiên Chúa không bị ép buộc từ bên ngoài, vì Ngài hiện hữu tự mình, Ngài tuyệt đối độc lập. Thiên Chúa cũng không bị ép buộc từ bên trong. Nói cách khác, Ngài có tự do lựa chọn.
Nói tới tự do lựa chọn, tức là nói tới hành vi của ý chí đứng trước những điều thiện hảo khác nhau. Thiên Chúa yêu mến một cách tất yếu sự thiện hảo vô cùng làm nên chính yếu tính của Ngài. Nhưng đối với các điều thiện hảo giới hạn mà Ngài muốn dựng nên thì Thiên Chúa chọn lựa một cách tự do.
2. Người ta phân biệt
Ý muốn liên quan các vật một cách chung không kể đến những hoàn cảnh cụ thể trong đó các tạo vật sống và hoạt động. Trái lại, là ý muốn liên quan đến các tạo vật đang hiện hữu cách cụ thể, trong những hoàn cảnh có tác dụng trên hành động của chúng.
Thánh kinh quả quyết: Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi. Đó là một ý muốn mệnh danh là Volonte antecedente, nghĩa là không kể đến những trường hợp con người chống lại ân sủng và sống trong tội lỗi. Khi nói Thiên Chúa muốn cho kẻ gian ác nào không sám hối thì sẽ bị luận phạt, người ta nói tới loại ý muốn gọi là volunte consequente, tức là có kể đến tội lỗi ngoan cố của họ.
3. Tính toàn năng
Quyền năng là khả năng hoạt động và sinh thành một hậu quả ở bên ngoài. Quyền năng của Thiên Chúa là thuộc tính mà nhờ đó Ngài có thể làm cho hiện hữu tất cả mọi yếu tính nào không bao hàm mâu thuẫn nội tại.
Quyền năng ấy là vô cùng, nghĩa là không có tạo vật nào hoàn hảo đến nỗi Thiên Chúa không thể nào làm ra một tạo vật hoàn hảo hơn. Nói cách khác không có một giới hạn nào cho khả năng của Ngài. Không tạo vật nào có thể tiêu hao hết tất cả quyền năng của Ngài được, bởi vì hậu quả của Thiên Chúa bao giờ cũng hữu hạn, mà Thiên Chúa là Đấng vô cùng.
Quyền năng của Thiên Chúa bao quát tất cả mọi hữu thể và mọi khả thể, nghĩa là mọi sự không có mâu thuẫn. Vậy Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Thiên Chúa không thể nghĩ và làm những cái mâu thuẫn, ví dụ một tam giác tròn, điều đó không phải là một giới hạn cho quyền năng của Ngài, bởi vì Thiên Chúa cũng là Đấng khả niệm tối cao và là hữu thể tất yếu, nền tảng của tất cả mọi định luật của tư tưởng và của hiện thực. Mà các tư tưởng thì hoàn toàn không có quan hệ nào với tính khả niệm và hữu thể cả. Cái mâu thuẫn kho6ng thể có vì thế không thể đụng chạm đến quyền năng của Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
Thật vậy, cuộc sống của con người trong thế giới này luôn luôn phải đương đầu với biết bao thách đố, khó khăn, trong số đó có những thách đố hầu như không thể vượt qua và không thể hiểu nổi. Đứng trước những nghịch lý ấy trong cuộc đời, con người không ai không khỏi băn khoăn, trăn trở về thực tại đời sống mình. Lý luận, giải thích, suy tư tìm kiếm câu đáp cho ẩn số cuộc đời, tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh mà mình đang mang lấy hầu như chiếm trọn vẹn đời sống tinh thần con người.
Và, với nỗ lực truy tầm ý nghĩa ấy, con người sẽ phải giáp mặt với vấn đề nòng cốt: Thượng Đế. Thượng Đế là câu trả lời cho mọi nghi vấn, thắc mắc, ưu sầu của nhân loại. Có hai thái độ đứng trước vấn đề này. Một là phủ nhận Thượng Đế và còn lại là tin có Thượng Đế.
Có thể nói trong thế giới hôm nay, hai lập trường này tồn tại song hành nhau, có ảnh hưởng mạnh trên dân chúng. Trường phái vô thần thì vẫn đang nỗ lực biện minh quan điểm cho rằng Thượng Đế không hiện hữu, họ đưa ra tự do của con người, nỗi khổ của thân phận con người, nguồn gốc vũ trụ… để từ chối Thượng Đế. Ngược lại, trường phái hữu thần tức những người tin có Thượng Đế thì vẫn tiếp tục chứng minh niềm tin ấy không chỉ qua con đường đức tin, qua cuộc sống kết hợp với Thượng Đế mà còn chứng minh niềm tìn ấy qua phương tiện chung mà mọi người đều được phú ban là lý trí. Nhiều nhà triết học hữu thần đang nỗ lực suy tư dựa trên nền tảng suy luận của lý trí, dựa trên dữ kiện của khoa học, khảo cổ học, sinh vật học… để chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.
Thực ra, chúng ta khó có thể trách cứ những người vô thần về việc họ từ chối Thượng Đế hay đòi giết bỏ Thượng Đế. Thượng Đế mà họ đòi lật đổ ấy không phải là Thượng Đế đích thật, không phải là Thượng Đế giống như Thượng Đế của chúng ta là những người có niềm tin. Thượng Đế của họ chỉ là một bạo Chúa tàn ác, nguy hiểm, luôn phá huỷ tự do con người, giới hạn con người và làm cho con người trở thành phi nhân. Một thượng đế như vậy chúng ta cũng sẽ khước từ. Thượng Đế mà chúng ta tôn thờ thì khác hẳn, Ngài là một Thượng Đế sáng tạo, đầy yêu thương và luôn ban cho ta tự do đích thực. Chính nơi Ngài mà chúng ta trở nên sung mãn, đạt tới cứu cánh đời mình. Thượng Đế của chúng ta là một Thiên Chúa luôn đồng hành, giúp đỡ con người trong từng giây phút cuộc đời. Một Thượng Đế của Tình Yêu.
Thượng Đế mà chúng ta tin, Ngài không chỉ hiện hữu thuần tuý, bất động, nhưng là một Hữu Thể Tuyệt đối có sự duy nhất giữa ý chí và lý trí, giữa hiện hữu và yếu tính. Ngài mang trong mình những ưu phẩm tuyệt đối. Ngài là Chân, Thiện, Mỹ.
Thượng Đế hiện hữu và bản tính của Thượng Đế không phải là bất khả tri đối với trí tuệ con người như một số triết gia thuộc trường phái bất cập quan niệm. Con người, với lý trí vô chất, là một năng lực cao trổi, có thể đạt tới Thiên Chúa, dĩ nhiên không toàn vẹn. Đức Gioan Phaolo II trong thông điệp Đức Tin Và Lý Trí đã nhấn mạnh đến điều này. Ngài khuyến khích chúng ta trong khi sống đức tin hãy biết sử dụng năng lực lý trí nhiều hơn cho việc tìm hiểu Thiên Chúa. Và lời dạy của Đức Thánh Cha thật thích hợp trong thế giới hôm nay. Thế giới hôm nay đang say trong những thành tựu khoa học. Con người hôm nay bị cuốn hút vào những gì thực tế có hiệu quả tức khắc, Vì thế để nói chuyện về Thượng Đế nếu chỉ dừng ở bình diện đức tin thì thật khó đả thông mà cần phải dùng đến khả năng suy tư, hiểu biết hợp lý trong khi trình bày về Thượng Đế ngõ hầu một phần nào đó người nghe cũng dễ chấp nhận điều chúng ta tin không có gì là vô lý và từ đó con đường dẫn họ tới niềm tin xem ra dễ dàng hơn.