Vấn Đề Thượng Đế Dưới Nhãn Quan Triết Học (1)

0
9314


Dominican

 

DẪN NHẬP

Con người ngày nay còn đặt vấn đề Thượng Đế nữa chăng? Hay người ta cho rằng Thượng đế đã chết. Trả lời cho câu hỏi này là “còn”. Dẫu rằng trong xã hội văn minh Tây phương ngày nay, nhiều người không còn đặt vấn đề này cách thường xuyên nữa hay thậm chí chẳng bao giờ đá động đến, nhưng ngược lại số người quan tâm vấn đề này cũng đông không kém thậm chí còn đông hơn người ta tưởng.

Nói như vậy không để trấn an qua loa những người đang tin vì đây là một thực tế phải nhìn nhận. Thật ra nó không phải là hiện tượng khó nhận biết dù không dễ giải thích. Bằng chứng là rất nhiều sách xuất bản trong những năm gần đây và ngay cả nghệ thuật thứ bảy cũng thường xuyên dựng những tác phẩm điện ảnh để về Thượng Đế, nói về sức sống của những người tin, nói về nỗ lực suy tư cũng như nỗ lực truy tầm tài liệu của những người vô thần, những người “tin quấy”, nói về hiện tượng tôn giáo xuất hiện một cách ồ ạt nhưng hàm hồ như: giáo phái, thần thông học, các hội kín, chiêm tinh…

Tại sao người ta cứ luôn đặt vấn đề Thượng Đế? Thật khó trả lời. Khó trả lời vì động lực mỗi người một khác. Nhưng dù sao nhiều dáng vẻ khác nhau thì vấn đề cốt lõi chính là “ý nghĩa cuộc đời”. Suy tư về ý nghĩa cuộc đời, chắc hẳn không hiếm người không đặt ra vấn đề Thượng Đế, cho dù vẫn có người cự tuyệt không động chạm tới vấn đề này hay cố giữ một thái độ hết sức bàng quan.

Lịch sử tư tưởng thế kỷ XX đặt chúng ta đối diện với một sự kiện đáng chú ý: đó là sự phục hưng suy tư triết học mạnh mẽ khắp Châu Âu. Louis Lavelle ghi nhận rằng sự phục hưng này trùng hợp với sự “giao động tâm trí mãnh liệt do hai cuộc chiến gây ra. Khi bị đe doạ tứ phía, cuộc sống con người liền bắt ý thức tự vấn nghiêm chỉnh về nguồn gốc và giá trị của mình. Người ta đã từ bỏ chủ nghĩa lạc quan dễ dãi của những thời đại trước, thời đại mà những ý tưởng và huyền thoại đã lần lượt sụp đổ cách tàn nhẫn. Chỉ chấp nhận những luân lý rút ra từ quan sát và kinh nghiệm về những hiện tượng (thuyết duy nghiệm của Comte), đó là đặc tính của những thời đại yên tĩnh. Những thời kỳ đau khổ và chết chóc bắt con người suy tư về ý nghĩa của cuộc sống mà họ phải cam chịu. Chính lúc ấy mọi tư duy nhất thiết phải trở thành siêu hình tôn giáo” (L. Lavelle).

Thực ra vấn đề Thượng Đế, nhất là từ 30 năm nay, đã trở thành một trong những đề tài ưu tiên của suy tư triết học. Sau một thời gian lưu đày Thượng Đế và vội vã tuyên bố rằng Ngài đã chết, nay người ta gọi Ngài về. Niềm ưu tư về siêu việt phải trở về ngự trị giữa lòng tư tưởng hiện đại, một khí nó đã cảm nhận mãnh liệt những vấn đề con người: đó là điều gần như tất nhiên. Người ta không thể tự nhiên tự vấn về vấn đề con người mà mọi rốt cuộc không nghiêm chỉnh tự vấn về Thượng Đế. “Đối với những người hiện đại, tín hữu hay vô thần, vấn đề Thượng Đế đặt ra trong tương quan mật thiết với vấn đề con người, hay đúng hơn, vấn đề ấy chính là vấn đề con người và vấn đề lịch sử của họ” (J. Delanglade).

Vấn đề Thượng Đế ấy được các triết gia kiếm tìm, suy tư xuyên suốt lịch sử nhân loại. Chúng ta sẽ lần lượt lướt qua một số quan niệm qua các thời đại về vấn đề Thượng Đế. Tiếp đó, sẽ tìm hiểu các lập trường của các triết gia về sự hiện hữu của Thượng Đế cũng như của lập trường Giáo Hội. Và sau cùng, chúng ta sẽ bàn tới bản tính của Thượng Đế.

I. VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ THEO DÒNG LỊCH SỬ

Trong lịch sử văn hoá tây phương, mọi sự đều bắt đầu với người Hy Lạp. Điều này quả đúng. Từ Platon, qua Descartes cho đến Kierkeggard và Jaspers, Thiên Chúa luôn luôn được truy nhận như Tuyệt đối thể đặt nền móng cho mọi hiện hữu và là ý nghĩa của đời sống con người. Tuy nhiên quan niệm về Thượng Đế cũng tuỳ theo lập trường của mỗi triết thuyết mà thay hình đổi dạng. Chẳng hạn Thượng Đế của Platon là Thiện thể, Linh tượng tối thượng trên các linh tượng, nhưng chung quy cũng là một Linh tượng của vũ trụ thần thánh. Còn Thượng Đế của thánh Tôma lại là một Thiên Chúa sáng tạo. Thiên Chúa của Descartes là Chân lý và bảo đảm của những phán đoán chân thật của tôi. Thiên Chúa của Kant là Yù thể: là một trong ba cái tôi có thể suy tưởng mà không có thể tri thức. Mãi đến Kierkerggard và triết học hiện sinh chính thống, chúng ta lại mới có cơ trở về với Thiên Chúa Ngôi Vị. Trước hết chúng ta nhìn tổng quát quan niệm về Thượng Đế trong triết học Hy lạp.

A. Thượng Đế Trong Triết Học Hy Lạp

Trước Socrate, các triết gia quan niệm vũ trụ chỉ là chất thể. có thể gọi chung Thượng Đế của giai đoạn này là Toàn – thể, một Toàn –thể chất thể.

1. Thượng Đế Theo Cái Nhìn Của Platon

Giống như Socrate, Platon đã tẩy chay những thần linh mê tín của dân Hy Lạp và là những thần đã được Homere ca tụng trong các thi ca. Các học giả đồng thanh công nhận rằng Platon đã coi hai thực tại là Thượng Đế. Trong thuyết linh tượng, Thượng Đế phải là Thiện Thể. Nhưng trong thần thoại thì Thượng Đế lại là Hoá Công. Thượng Đế của Platon có siêu việt thật sự không? Nhất định không: Thiện Thể chỉ là một trong những Linh Tượng, đó là Linh Tượng cao nhất mà thôi. Thượng Đế của Platon có tác thành Linh Tượng không? Thực ra trong bản văn của Republique có nói hoá công tác tạo nên các linh tượng nhưng đó là một câu nói qua mà thôi. Chủ trương nồng cốt của Platon là: các Linh Tượng có bản tính vĩnh viễn và hằng hữu. Hơn nữa ai cũng biết Hoá công thuộc loại những thực tại thần thoại của Platon: dẫu Hóa Công tác thành linh tượng hay vạn vật khảgiác, hành động của Ngài cũng chỉ là thần thoại mà thôi. Học thuyết Platon là thuyết linh tượng, và các linh tượng thì hết thảy đều hằng hữu như nhau. Cho nên thay vì giải nghĩa một cách chắp vá chúng ta nên theo đúng lịch sử để chân nhận rằng: Thượng Đế của Platon chỉ là một Linh Tượng. Linh Tượng trên cùng, tức Thiện Thể. Linh Tượng đó không siêu việt trên các Linh Tượng khác. Theo V.Goldschmidt: Thiện Thể như nóc nhà, như ngọn của quả núi mà thôi, không hoàn toàn siêu việt trên thế giới linh tượng.

Như vậy, các học giả đồng ý giải nghĩa Thiện Thể như là thành phần của linh giới, một trong những linh tượng cho dù là linh tượng cao nhất, trên hết. Tóm lại siêu việt tính tuyệt đối của Thượng Đế theo Platon rất hàm hồ, và theo nghĩa chặt thì không có. Cho nên nếu muốn quan niệm Thượng Đế đó như một ngôi vị có chính những linh tượng kia làm ý tưởng của mình, thì nhất định chúng ta không thể thấy một hình bóng nào trong thuyết linh tượng. Thượng Đế của Platon có thể là bất cứ cái gì, nhưng nhất định không phải là một ngôi vị.

2. Thượng Đế dưới cái nhìn của Aristote

Nếu Thượng đế của Platon không hoàn toàn siêu việt thì Thượng Đế của Aristote về Nguyên nhân tối thượng cũng như đệ nhất động cơ.

Đệ nhất nguyên nhân – Aristote chủ trương vĩnh cửu tính của mô thể và chất thể của tất cả các loài. Boutroux tóm tắt chủ trương ấy như sau: “Bởi vì mô thể và chất thể là vĩnh cửu cả, cho nên mãi mãi sẽ có biến hoá, mãi mãi sẽ có vũ trụ. Chính các loại đều vĩnh cửu hết, cho nên loài người sẽ tồn tại mãi mãi, chỉ có những con người cá biệt thì có sinh có diệt mà thôi”. Cho nên đệ nhất nguyên nhân không có nghĩa là nguyên nhân phát sinh ra tất cả vạn vật; nhưng chỉ có nguyên nhân trọng nhất trong trật tự (Cosmo). Vì thế bàn về bản tính và vai trò của Đệ nhất nguyên nhân, E. Gilson đã viết một câu ý nhị: “ Đệ nhất nguyên nhân chỉ là nguyên nhân để vạn vật có ý nghĩa, chớ không phải nguyên nhân sáng tạo nên vạn vật”. Tóm lại, không bao giờ có quan niệm sáng tạo trong học thuyết Aristote. Cho nên Đệ nhất nguyên nhân của ông chẳng qua chỉ nhất về ti1nh chất quý trọng, chứ không nhất vì tính chất nguyên nhân.

Đệ nhất động cơ – Đệ nhất động cơ có thực sự siêu việt đối với vũ trụ không? Muốn giải quyết, chúng ta cần xem qua cái máy không lồ và tuyệt diệu do Aristote nghĩ ra, tức là vũ trụ. Vũ trụ của ông là một bộ máy trong đó có hai thành phần bất động là trái đất nằm ở trung tâm, và thiên cầu của các định tinh, thiên cầu này ở trên cùng kiệt không gian nghĩa là ngoài thiên cầu này không còn gì ở trên nữa. Ở giữa hai thành phần này, ta thấy có các thớt chuyển động tức các thiên cầu của hành tinh và của mặt trời và mặt trăng.

Nhìn vào toàn diện vũ trụ, ta thấy hai phần khác hẳn nhau: vũ trụ trên trời và vũ trụ dưới mặt trăng. Vũ trụ dưới trăng gồm trái đất và các hành tinh, kể cả mặt trời và mặt trăng. Chất thể các vật hiện hữu trên phần vũ trụ này là, từ dưới lên trên: đất, nước, khí, lửa. Mỗi nguyên tố này có địa sở của nó: cho nên lửa bay lên trên cao, và khí cũng bay lên trên nước, nước nhoai lên trên đất, còn đất và những vật thể chứa nhiều chất đất, hễ ném lên thì chúng cũng rơi về chỗ thấp nhất tức địa sở của nó. Cách chuyển động của những vật sinh hoạt trong phần vũ trụ này là một chuyển động không đều và đi bất cứ chiều nào do sức thúc đẩy của nguyên nhân khích động. Trái lại các định tinh, tức những vật thể của vũ trụ trên trời được cấu tạo bằng chất tinh vi, tức e- te mà Aristote gọi là đệ ngũ chất. Bản tính của e-te là quay tròn và quay đều. Vậy các định tinh có chuyển động nhưng vì chúng chuyển đều cho nên ta thấy chúng đứng yên. Như thế ta thấy tất cả vạn vật trong vũ trụ đều chuyển động, và cái trên thì kích động cái dưới. Có thể tưởng tưởng các tầng trời như những đợt thiên cầu lồng lên nhau, và cái trên quay thì cũng lôi cái dưới quay theo.

Cái trên cùng, tức thiên cầu của định tinh, thì do sức nào kích thích nó? Do đệ nhất động cơ. Phải công nhận rằng động cơ này kích động cái khác mà chính nó không bị kích động: đó là một động cơ bất động theo đúng danh từ Aristote. Người ta thấy ông dành cho động cơ này những danh hiệu cao quý như: mô thể thuần tuý, tư tưởng của tư tưởng. Tựu trung một Thượng Đế đệ nhất động cơ là gì? Chúng ta có thể lấy câu sau đây của A. Rivaud để thưa: “ Tất cả vũ trụ vạn vật đầu hướng về cái toàn hảo linh trí và bất biến đó và cố gắng bắt chước nó, tuỳ theo sức của mình (càng nhiều chất thể trong mình thì sự vật càng khó nên giống đệ nhất nguyên nhân, vì nguyên nhân này hoàn toàn vô chất). Thượng Đế của Aristote là một Thượng Đế không có quyên hành chi và không có ý muốn, chỉ biết tự ngắm và tự biến thành động cơ để điều hành cái thiên cơ khổng lồ. Thượng Đế không tha thiết gì vũ trụ hết”.

Tóm lại, người ta khó có thể tìm thấy siêu việt tính trong bản thể của Đệ nhất động cơ, cũng như chúng ta thất vọng tìm siêu việt tính đó nơi Thiên Thể của Platon. Và, một điểm chắc chắn là Thượng đế của Platon và Aristote không phải là một Thiên Chúa Ba Ngôi.

B. Thượng Đế Dưới Cái Nhìn Của Triết Học Cận Đại

Triết học thượng cổ là triết học đặt trọng tâm nơi vũ trụ. Có thể gọi nó là triết học về vũ trụ, hoặc triết học về hữu thể. Trái lại triết học cận đại lại đặt trọng tâm nơi cogito, nghĩa là nơi suy tưởng của tâm trí hoặc có thể gọi tắt nó là triết học của tri thức.

Cho nên có thể nói rằng, Thượng Đế của triết học cận đại là lý trí. Thượng Đế giữ vai trò biện minh cho tính đích xác của những nguyên lý căn bản của lý trí.

1. Thiên Chúa của Descartes

Thiên Chúa của Descartes chỉ là một ý tưởng rõ ràng và minh bạch. Đó là ý tưởng ông tìm thấy trước nhất, sau trực giác cogito. Ông tìm ra Thiên Chúa trước khi tìm ra vũ trụ và trước khi tìm ra thân thể của ông… vì Thiên Chúa phải là bảo đảm cho những ý tưởng rõ ràng và minh bạch mà ông có về vũ trụ và thân xác.

Hơn nữa Descartes còn coi Thiên Chúa là bảo đảm cho tất cả những phán đoán của ông: sở dĩ ông tin vào tính chất đích xác của những phán đoán, vì ông tin rằng cái máy lý luận đã được Thiên Chúa lắp đúng: nghĩa là nó bảo đúng thì là đúng. Thiên Chúa không phải là một tinh quỷ muốn nhạo tội con người, cho nên đã lắp đặt ngược bộ máy lý luận để đến nỗi hễ ta nghĩ sai là đúng, và ngược lại khi ta nghĩ đúng thì lai sai.

2. Thiên Chúa của Kant

Thiên Chúa của triết học Kant giữ một vai trò kém nhất. Ngài có hai vai trò, một trong chính thuyết tức trong cuốn phê bình lý trí thuần tuý, và một trong lý trí thực hành.

Theo học thuyết thì Thiên Chúa là một ý thể. Ý thể là gì? Trước khi định nghĩa nó Kant đã so sánh nó với những hình thức khác của trí tưởng. “Những quan niệm thuần tuý tức những phạm trù, không có khả năng cho ta thấy chúng biểu tượng cho một sự vật nào, nếu chúng không được kèm theo bởi một dữ kiện cảm giác (trực giác). Nhưng các ý tưởng lại còn xa thực nghiệm hơn các quan niệm thuần tuý, bởi người ta không thể tìm ra những hiện tượng khả dĩ biểu tượng chúng ở trong thực tại”.

Sau hết cái mà tôi gọi là ý thể thì lại xa thực tai hơn cả những ý tưởng: tôi hiểu các ý thể là một sự vật đặc biệt, có thể được xác định và thực sự được xác định bởi ý tưởng mà thôi, và không những xác định như một vật cụ thể nhưng còn được xác định như một vật cá thể.

Tóm lại, Thiên Chúa là một ý tưởng hoàn toàn được biểu tượng bởi ý tưởng, nghĩa là ta không có thể có một trực giác nào về Ngài. Và như vậy ta chỉ có thể suy tưởng về Ngài chứ không thể biết Ngài. Cho nên Kant đã phê bình và phá huỷ tất cả những kiểu chứng minh duy lý về Thiên Chúa; kết luận, ông không cho một kiểu chứng minh nào có giá trị hết. Kết quả: ta không biết gì về Thiên Chúa: cho nên nói Ngài có cũng vô lý; và chối, bảo Ngài không có, cũng vô lý.

Đó là theo lý thuyết còn thực hành thì sao? Kant đã trình bày lập trường của ông trong cuốn phê bình lý trí thực hành. Chúng ta nhớ Kant đã được giáoo dục trong đời sống đạo đức sùng kính bởi bà mẹ của ông. Và đời ông vẫn giữ vẻ đạo đức sâu xa. Nguyên tắc đời sống đạo đức của Kant được xây trên những câu tôn chỉ mà ông gọi là những mệnh lệnh tuyệt đối, và tất cả những lệnh truyền đó đều có tính cách bắt buộc. Chúng bắt buộc bởi vì chúng là mô phạm của sự thiện hảo của con người: “Tất cả những mệnh lệnh đều được diễn tả bởi động từ phải. Chúng là tương quan giữa định luật khách quan của lý trí và ý chí theo phương diện chủ quan của nó, ý chí không tất nhiên được xác định bởi định luật kia.”

Còn bản tính của những mệnh lệnh kia, thì Kant giải thích như sau: tôi phải làm như thế này thế nọ, bởi vì tôi muốn cho tất cả mọi người phải làm như thế: “ Hãy hành động như thể tôn chỉ hành động của anh phải được ý chí anh tôn lên hàng định luật chung cho cả vũ trụ”. Như vậy nguyên bản tính của nền đạo đức học đó không cần giả thiết một Thiên Chúa nào hết: con người tự do và tự cảm thấ mình cần phải sống theo những mệnh lệnh giáo điều kia. Tuy nhiên như chính Kant đã truy nhận, nền đạo đức kia nhất định sẽ đem con người tới tôn giáo và tới Thiên Chúa.

Dù thế nào đi nữa thì Thiên Chúa của Kant và Descartes vẫn chỉ là một Thiên Chúa suy tưởng, do lấy suy tưởng làm nền tảng suy luận, hoặc làm bảo đảm cho sinh hoạt trí tuệ, hoặc là một kết luận, một đòi hỏi của lý trí thực hành.

Nhìn lại những điều chúng ta đã học hỏi về Descartes, Kant và triết lý duy lý nói chung, ta thấy điều Gusdorf nhận định thì rất đúng: chung quy, Thượng Đế của triết học duy lý hoàn toàn chịu quyền định đoạt của lý trí con người; lý trí đó nhận cho Ngài có, thì Ngài có; không nhận thì Ngài trở thành bóng ma huyền ảo. Sự thất bại của duy lý ở chỗ con người đã muốn giảm trừ Thiên Chúa thành một đối tượng củ lý trí con người: con người không truy nhận một cái chi vượt trên sức suy tưởng của nó.

Học thuyết của Kant là gì nếu không phải là nguyên tắc chống đối tất cả những gì vượt lên trên thực tại của con người.

C. Thượng Đế Dưới Cái Nhìn Của Triết Học Hiện Đại

Lịch sử triết học từ khi có loài người, bên đông cũng như bên tây, đều chứng minh một cách hùng hôn rằng: Thượng Đế là trung tâm những suy tưởng và còn là trung tâm sinh hoạt của con người. Vậy tại sao triết học lại không trả lời một cách thoả mãn về một vấn đề quan trọng như thế. Các triết gia hiện đại cho rằng: sở dĩ triết học đã không đưa Thượng Đế đến cho nhân loại, mà còn làm cho nhiều người trở nên hoài nghi, hoặc vô thần, là vì triết học đã muốn chứng minh một cái không thể nào chứng minh được. Kierkergaard viết: “Muốn chứng minh có Thiên Chúa là muốn làm một việc điên rồ nhất. Một là nói Ngàu hiện hữu thì không chứng minh được. Hai là nói Thiên Chúa không hiện hữu thì cũng không thể chứng minh được”.