Vấn Đề "Ly Dị Hôn Nhân" – Có Tội Hay Không Có Tội ?

0
499


Vũ Văn An
 
   

 

Jack Dominian, trong cuốn “Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu”, xuất bản tại Luân Đôn năm 1981, có đưa ra một bảng liệt kê những đơn xin ly dị và được phép ly dị xẩy ra tại Anh và Wales trong khoảng thời gian từ năm 1911 đến năm 1980. Theo đó, năm 1911, chỉ có 902 đơn xin ly dị và 650 trường hợp đuợc ly dị. Các con số tăng dần lên đến 31,905 đơn xin ly dị và 25,394 vụ ly dị vào năm 1961. Nhưng đến năm 1971, có đến 110,900 đơn xin ly dị và 74,400 vụ ly dị đã xẩy ra. Một trong những yếu tố góp phần vào hiện tượng tăng vụt ấy chính là Đạo Luật Canh Cải Ly Dị ban hành năm 1969 và có hiệu lực kể từ đầu tháng Giêng năm 1971, cho phép một cuộc ly dị xẩy ra không cần phải có vi phạm trong hôn nhân, mà chỉ cần chứng minh rằng cuộc hôn nhân ấy bế tắc đến độ vô phương cứu chữa. Đạo Luật Gia Đình năm 1975 của Úc cũng chấp nhận cùng một nguyên tắc ấy. Và thế là cả ở Úc nữa, tỷ lệ ly dị tăng vọt: có người ước lượng đến 40% tổng số các cặp vợ chồng kết hôn hợp lệ. Tuy nhiên, phần đông các nhà xã hội học không đồng ý đổ lỗi hoàn toàn cho việc thay đổi luật lệ. Ly dị có những nguyên nhân sâu xa hơn những thay đổi luật lệ kia. Chính Giáo Hội Công Giáo cũng nhìn nhận như vậy. Và thực tế, dường như mức độ ly dị đang ảnh hưởng mạnh đến đường hướng mục vụ của Giáo Hội Công Giáo, đến độ vấn đề Ly Dị, Tội Hay Không Tội là một vấn đề đang đặt ra cho rất nhiều lương tâm Công Giáo.

1. Ly dị

Trong cuốn Cẩm Nang Giáo Luật Thực Dụng, ấn hành năm 1991, Linh mục Bùi Đức Tiến đã không minh nhiên định nghĩa hạn từ ly dị. Ngài chỉ nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Ly Thân và Ly Dị. Theo đó, với ly thân, tuy hai người không sống chung với nhau, nhưng giao ước hôn phối của họ vẫn tồn tại, họ vẫn là vợ, là chồng của nhau và vẫn bị ràng buộc bởi luật chung thủy (số 291, tr.270). Từ đó có thể suy ra: với ly dị, giao ước hôn phối không còn nữa, hai người hết còn là vợ, là chồng của nhau và do đó luật chung thủy không còn áp dụng nữa.

Như vậy ly dị đồng nghĩa với tiêu hôn (dissolution of a marriage). Đó là quan điểm chung xưa nay vẫn được mọi người nhìn nhận. Và với nghĩa ấy, thật khó có thể nói ly dị là không có tội. Vì Thiên Chúa đã nói qua Tiên Tri Malaki: “Ta ghét việc ly dị” (Malaki, 2:14). Truyền thống Công Giáo không có vấn đề tiêu hôn, mà chỉ có việc tuyên bố một hôn nhân vô hiệu (invalid) vì khi giao ước, hai bên mắc vào một trong những yếu tố làm cho hôn nhân của họ không thành sự. Mà đã không tiêu hôn, thì không có ly dị. Các Giáo hội Kitô khác đã dựa vào Tin Mừng Matthêu đoạn 19, câu 9 để cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình. Riêng Giáo Hội Công Giáo vẫn chủ trương không ly dị vì bất cứ lý do gì, kể cả một bên đã bất tín.

2. Có tội

Thực tế, nhiều người Công Giáo đã ly dị. Một nghiên cứu gần đây tại Anh và Wales cho thấy tỷ lệ ly dị của người Công Giáo La Mã cũng tương tự như tỷ lệ của xã hội nói chung (Hornsby Smith, Roman Catholic Opinion. University of Surrey, 1979). Những người này đã nghĩ gì về thân phận họ và thực tế đã được đối xử ra sao trong cộng đồng Giáo Hội? Linh mục John Hosie, trong tác phẩm Catholics, Divorce & Remarriage xuất bản năm 1991, cho hay: Nhiều người Công Giáo ly dị nghĩ rằng khi làm như thế, họ không còn xứng đáng lãnh nhận các bí tích nữa, nhất là Bí Tích Thánh thể, và nếu họ tái kết hôn khi không được toà án hôn phối của Giáo hội tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu, là họ lập tức bị rút phép thông công (tr.x). Đấy là ý nghĩ của Morris West, một văn sĩ nổi danh của Úc. Trong tác phẩm A View From The Ridge, The Testament Of A Pilgrim, viết năm 1996, Morris West nhắc lại những cảm quan của ông khi cuộc hôn nhân thứ nhất của ông thất bại và niềm khắc khoải vì cái ám ảnh bị tức thời rút phép thông công (ipso facto excommunication) do hành động ấy gây ra. Thân nhân những người Công Giáo ly dị thuờng có thái độ thù nghịch. Đối với họ, nhận rằng một thành viên trong gia đình ly dị là nhận một sỉ nhục giống như thể thân nhân mình bị kết tội hình phải đi tù vậy. Cho nên họ cắt đứt liên lạc với người ly dị. Ngay cả bạn bè cũng thế: nhiều người ly dị cho hay bạn hữu tránh không muốn tiếp xúc với họ. Cái cảm thức bị ruồng rẫy (rejection) quả là một áp lực nặng nề làm đau thêm cái đau vốn đã quá nặng của họ.

3. Không có tội

Về phía những vị chăn chiên, một số khá đông trong cái nhiệt tâm bảo vệ đặc tính vĩnh viễn, bất khả tiêu của hôn nhân, đã kịch liệt lên án ly dị mà không phân biệt giữa cái ác của ly dị và người ly dị. Nói chung, mục vụ dành cho người ly dị hầu như bị lãng quên. Rất may, các thái độ trên đang thay đổi đáng kể. Năm 1982, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan ra thư luân lưu chính thức lên tiếng về Mục Vụ Dành Cho Người Công Giáo Ly Thân và Ly Dị, tựa đề là Khi Mộng Tan Đi (When Dreams Die). Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi cũng dùng cùng một thư luân lưu này gửi các tín hữu của mình. Trong thư luân lưu này, các tín hữu Công Giáo được chỉ dẫn rằng ý niệm cho ly dị có tội là một ý niệm không đúng, và rằng phải làm sao để những người ly thân và ly dị không cảm thấy bị loại trừ, trái lại nên khích lệ họ tham dự vào sinh hoạt bí tích của cộng đoàn Công Giáo. Giáo huấn mới mẻ này bắt nguồn từ Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolo II ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1981. Đi xa hơn thế, Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales ngày 22 Tháng 4 Năm 1994, qua tờ The London Catholic Herald, đã chính thức lên tiếng xin lỗi những ngưòi ly thân và ly dị vì sự thiếu chăm sóc mục vụ của mình đối với họ. Tuy thế, rất nhiều người Công Giáo ly dị và nói chung quảng đại quần chúng Công Giáo vẫn còn rất mù mờ về quan điểm chính thức hiện nay của Giáo Hội, đến độ dù Tông huấn của Đức Gioan Phaolo II đã được công bố cách đó 16 năm, thư luân lưu của Hội Đồng Giám Mục Úc được công bố cách đó 15 năm, họ vẫn tỏ ra ngạc nhiên đến thích thú khi nghe Đức Cha David Cremin, giám mục phụ tá tại Sydney, tuyên bố trong một thánh lễ dành cho Hội Các Cha Mẹ Đơn Lẻ (Single Parents) mà phần lớn hội viên là những người Công Giáo đã ly dị: “Nói cho cùng, ly dị không có tội” (Tập San Inform, số 39, Tháng 7 Năm 1994, Sydney).

4. Ly dị nào không có tội?

Phải chăng, học thuyết của Giáo Hội về ly dị nay đã thay đổi đến độ người Công Giáo được phép ly dị mà vẫn được tham dự đầy đủ đời sống bí tích của Giáo Hội ? Vấn đề thực ra không đơn giản như vậy. Vì như trên đã nói, định nghĩa của Giáo Hội về ly dị trước sau vẫn là một và do đó ly dị luôn là một điều xấu, hay nói theo thuật ngữ của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, ly dị là một thứ bệnh dịch (số 47). Tuy nhiên, ngày nay Giáo Hội phân biệt hai loại ly dị, hay nói đúng hơn hai trường hợp ly dị: ly dị dân sự nhưng không tái kết hôn, và ly dị dân sự rồi sau đó tái kết hôn. Các tuyên bố của các giám mục đôi khi không nói rõ sự phân biệt ấy. Nhưng Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolo II đề cập đến sự phân biệt ấy một cách hết sức minh nhiên. Trường hợp thứ nhất, Đức Thánh Cha nói rõ, không bị trở ngại trong việc chịu các bí tích. Vì thực ra nó giống trường hợp ly thân đã được Linh mục Bùi Đức Tiến định nghĩa như trên (dây hôn phối vẫn còn). Trường hợp sau, Đức Thánh Cha nói rõ, là một sự xấu, và dù dưới bất cứ nguyên cớ nào, cũng không được chịu Thánh Thể vì hai lý do sau đây: bậc sống của họ mâu thuẫn với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được biểu hiện qua Phép Thánh Thể và mặt khác cho phép họ Rước Lễ sẽ làm các tín hữu khác lầm lẫn và hiểu sai giáo huấn của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân (các số 83-84). Thực ra giáo huấn này không hẳn mới mẻ gì. Chính Đức Kitô đã phân biệt như thế khi Người nói: “Ai ruồng rẫy vợ mình và cưới lấy người đàn bà khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ thứ nhất; nếu một phụ nữ bỏ chồng để đi cưới người khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10:9; xem thêm Mt 19:9, Lc 16:18). Chỉ bỏ vợ hoặc chồng mà thôi chưa thành tội (ngoại tình). Thánh Phaolo đã hiểu như thế khi viết: “Vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân.” (1 Cor 7:10-11). Thành ra khi nói rằng ly dị không có tội, các thẩm quyền Giáo Hội muốn nói đến việc ly dị dân sự: nguyên việc chấm dứt hôn ước trước toà án dân sự mà thôi chưa có tội. Nhưng nếu sau đó, người ly dị dân sự tự ý tái kết hôn, họ chính thức phá đổ giao ước hôn nhân, đi ngược lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, như Chúa Kitô đã nói trong các Phúc âm Nhất Lãm. Dù vậy, Đức Thánh Cha cho hay, họ vẫn không bị loại trừ khỏi Giáo Hội: “Cùng với Thượng Hội Đồng, Tôi khẩn thiết kêu gọi các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu giúp đỡ những người ly dị, và với sự săn sóc đầy nhiệt tâm hãy làm sao bảo đảm rằng họ không tự coi họ như những người bị tách biệt ra ngoài Giáo Hội, vì là những người đã chịu phép Rửa, họ có thể, và thực ra phải, chia sẻ đời sống của Giáo Hội. Nên khích lệ họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, kiên tâm cầu nguyện, đóng góp vào các công việc bác ái cũng như các cố gắng của cộng đòan phục vụ công lý, nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô Giáo, trau dồi tinh thần và thực hành thống hối và ngày đêm khẩn cầu ơn Chúa.” (Tài liệu đã dẫn, số 84). Nói tóm lại, dù hiểu theo nghĩa nào, ly dị vẫn không đồng nghĩa với rút phép thông công. Quả là một thay đổi lớn lao, thật khác với thời Morris West. Ông thuật lại cố gắng của ông trong việc xin toà án hôn phối của Giáo Phận tuyên bố hôn nhân thứ nhất của ông vô hiệu. Đơn của ông bị bác. Ông lên toà Tổng Giám Mục để được giải thích. Vị Tổng Đại Diện của giáo phận cho ông hay dù lương tâm ông tin hôn nhân đầu không thành nhận, nhưng vì thiếu chứng cớ, nên toà án giáo phận phải kết luận rằng dây hôn phối ấy thành nhận. Morris West cực lực phản đối cho rằng phán quyết ấy bất công ở chỗ đã thiên về định chế hôn nhân (favor matrimonii) chứ không quan tâm đến những con người kết ước. Vị Tổng Đại Diện tỏ ý tiếc không thể làm gì hơn và cho ông hay: nếu ông tái kết hôn bên ngoài Giáo Hội, ông sẽ tự động bị trục xuất ra khỏi Giáo hội (sách đã dẫn, tr.96).

5. Tái kết hôn mà vẫn rước lễ?

Kể từ khi Tông huấn Familiaris Consortio được công bố đến nay, chiều hướng mục vụ ở một vài nơi còn tiến xa hơn đến chỗ chấp nhận cho cả những trường hợp ly dị dân sự sau đó tái kết hôn được rước lễ, dù toà án hôn phối của Giáo Hội đã bác không tuyên bố vô hiệu hôn nhân đầu.

Theo Linh mục John Hosie, đó có thể là trường hợp những người thành thực tin hôn nhân trước của mình thiếu yếu tố thành nhận, nhưng không có hy vọng được tuyên bố vô hiệu, không phải vì trường hợp của họ không đủ mạnh, nhưng chỉ vì các nhân chứng không liên lạc được hoặc liên lạc được nhưng từ chối không chịu để toà hôn phối phỏng vấn, cũng có thể vì nhân chứng chủ yếu nay đã mệnh một. Trường hợp tương tự là khi người Công Giáo kết hôn với người đã ly dị không Công Giáo và họ có đủ lý do để tin rằng hôn nhân trước của người phối ngẫu mình có thể đã không thành, nhưng người phối ngẫu này không chịu nạp đơn lên tòa hôn phối vì sự phức tạp phải yêu cầu thân nhân, bạn hữu và cả người phối ngẫu đầu tiên ra làm chứng trước tòa. Giáo Hội có gì giúp những người như thế không?

Linh mục Hosie cho rằng có: trong những trường hợp như vậy, người Công Giáo có thể căn cứ vào tòa trong (internal forum) để quyết định theo lương tâm và tiếp tục rước lễ. Theo ngài, đây là một nguyên tắc luân lý hoàn toàn đúng đắn và chính thống. Vì ngày 4 tháng 11 năm 1973, Đức Hồng Y Seper, lúc ấy là Tổng Trưởng Bộ Tín Lý của Tòa Thánh, ra một thư luân lưu khuyên các chủ chăn linh hồn phải quan tâm săn sóc những người đang sống trong những cuộc hôn nhân bất thường, bằng cách khi phải giải quyết những trường hợp như thế, thì, ngoài các phương thế đúng đắn khác, nên áp dụng tập tục toà trong vốn đã được giáo hội nhìn nhận. (Canon Law Digest, 9:503f). Nói theo ngôn ngữ bình dân, điều ấy có nghĩa: đối với những cuộc hôn nhân không được giáo hội nhìn nhận, thì ngoài những phương thế đúng đắn khác (như nhắc họ nạp đơn xin tuyên bố vô hiệu hôn nhân trước), các linh mục nên áp dụng tập tục từng được giáo hội nhìn nhận cho phép người ta quyết định theo lương tâm. Điều ấy sẽ cho phép họ được rước lễ.

Tuy nhiên, hai năm sau thư luân lưu của Đức Hồng Y Seper, người kế vị ngài là Đức Tổng Giám Mục Hamer đã đưa ra một số nguyên tắc hướng dẫn những quyết định lương tâm trên. Thứ nhất, cần phải sống một cuộc sống Kitô hữu xứng đáng. Thứ hai, phải tránh gương mù bằng cách chỉ nên rước lễ ở những nơi không ai biết trường hợp của họ (Canon Law Digest 9:504f).

Gương mù là hành vi có thể dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Không phải những người giả bộ hoặc những người phán đoán khắc nghiệt, loại người biệt phái mà Chúa Kitô lên án là giả hình. Ta không cần phải khuôn rập tác phong ta để làm họ vui. Lại có những người không biết gì về việc một hôn nhân có thể được vô hiệu hoá khiến người kết ước có thể tái hôn trong lòng Giáo Hội. Họ cũng không phải là loại người ta cần phải tránh gương mù. Cuối cùng, cần phải chú ý: không nên giả thiết về gương mù. Nếu hoàn cảnh tái hôn ít được quảng đại quần chúng biết đến (nên biết một điều: danh sách những người được vô hiệu hoá hôn nhân không bao giờ được công bố trên báo chí), thì người tái hôn có thể rước lễ ngay tại giáo xứ của mình. Một điểm cần nhấn mạnh nữa là chính người tái hôn phải quyết định theo lương tâm, chứ không phải ai khác, và quyết định ấy không bao giờ là chính thức cả, nó áp dụng cho lương tâm họ mà thôi. Điều này không dễ đối với đa số người Công Giáo vốn được giáo dục trong môi trường tiền Công Đồng Vatican 2 là môi trường không khích lệ sự tự ý quyết định theo lương tâm mình. Nhưng nay, đó lại là điều Giáo Hội muốn nơi họ. Quyết định theo lương tâm không thuần chỉ vì ý muốn được rước lễ, đúng hơn phải dựa vào niềm xác tín rằng hôn nhân thứ nhất của mình không phải là một hôn nhân thành nhận, dù thẩm quyền Giáo Hội không nhìn nhận như vậy.

6. Không ly dị mà là ly dị?

Linh mục Hosie còn đi xa hơn, cho rằng giáo luật được thi hành ở hai bình diện: bình diện khách quan, phổ quát và bình diện lương tâm bản thân. Sự suy đoán của luật (presumption of law) thuộc bình diện phổ quát, ở đây ta thấy lời của Đức Gioan Phaolo II liên quan đến hôn nhân có giá trị trên bình diện này: hôn nhân, kết ước hộp lệ, được suy đoán là thành nhận cho đến khi bị tuyên bố là vô hiệu. Lời của ngài cho thấy Giáo Hội giữ vững một cách không mập mờ giáo huấn của mình về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân. Nhưng trong khi khích lệ người ta nạp đơn xin tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu, ngài không hề nói rằng không có hoàn cảnh nào cho phép họ được rước lễ nếu đơn của họ bị bác. Khi Đức Thánh Cha lên tiếng công khai, với công chúng, hoặc qua văn bản, ngài nói trên bình diện khách quan, phổ quát. Nhưng ngài cũng từng nói trên bình diện bản thân nữa. Đó là lúc những con người chân thực đến gặp ngài trên bình diện bản thân, qua toà giải tội chẳng hạn, những lúc như vậy, ngài có thể nói với họ thẳng vào lương tâm từng người mà không sợ bị hiểu lầm.

Hai bình diện của giáo luật có thể được minh thị bằng thí dụ sau: trên bình diện kỹ thuật, Giáo Hội không nhìn nhận ly dị, nhưng như trên đã thấy, ở một số nơi, Giáo Hội đòi buộc phải ly dị dân sự rồi mới nạp đơn xin vô hiệu hôn nhân. Cũng thế, nhiều người tái kết hôn (theo dân luật), trước khi được tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu. Như thế, trước khi được tuyên bố vô hiệu, họ đã một “cách khách quan” không thi hành giáo huấn của Giáo Hội. Điều đáng lưu ý là một khi được tuyên bố vô hiệu, và việc tái hôn của họ “được chúc lành”, Giáo Hội coi hôn nhân thứ hai đã bắt đầu không phải từ lúc được Giáo Hội chúc lành, mà là từ lúc lời thề hứa được thực hiện ngoài dân sự (có nghĩa là lúc họ, trên bình diện khách quan, không thi hành luật phổ quát của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu).

Theo thiển ý, việc có hai bình diện là điều có thực. Nhất là từ thời Công đồng Vatican 2 với việc nhấn mạnh đến vai trò lương tâm con người trong các quyết định luân lý. Và thuật ngữ toà ngoài tòa trong vốn đã có từ lâu nay. Vì nói cho cùng, biểu thức truyền thống về trọn bộ nội dung giáo luật được tóm lại trong câu sau đây: In Ecclesia, suprema lex salus animarum (trong Giáo Hội, luật trên hết là lợi ích của các linh hồn). Nói cách khác, luật vì con người, chứ không phải con người vì luật. Tuy nhiên nhận định của linh mục Hosie, qua những thí dụ trên, không hoàn toàn chính xác:

Thứ nhất, Giáo hội không bao giờ đòi buộc tín hữu mình nếu muốn nạp đơn xin tiêu hủy hôn nhân phải ly dị dân sự trước. Trong Giáo hội, như thánh Phaolo đã nói, vợ chồng không được bỏ nhau, và nếu bỏ nhau thì phải ở độc thân, và phải tìm cách làm hòa với nhau, nghĩa là chỉ được ly thân (khi có lý do chính đáng, nếu lý do ấy không còn thì phải làm hoà với nhau). Bao lâu, dây hôn phối vẫn còn đó, thì còn có hy vọng trở về với nhau. Một khi dây hôn phối đã bị bẻ gẫy qua hành vi ly dị dân sự, thì biện pháp cuối cùng phải là luật lệ, để hoạ may giải quyết bằng cách tìm hiểu xem hôn nhân trước có thành hay không. Tuyên bố vô hiệu do đó là một biện pháp đến sau để giải quyết một bế tắc hơn là gây ra bế tắc ấy.

Thứ hai, sự kiện, một khi tuyên bố vô hiệu, thì hôn nhân thứ hai được kể là có hiệu lực từ ngày kết ước dân sự, chứ không phải kể từ ngày hôn nhân đầu được tuyên bố vô hiệu, chỉ là quảng diễn ý niệm căn bản của việc vô hiệu hoá: vô hiệu hóa là tuyên bố rằng hôn nhân thứ nhất, dù bề ngoài xem ra như một hôn nhân, thực tế chưa bao giờ là một hôn nhân cả vì khi kết ước, hai bên thiếu một trong những yếu tố làm cho hôn nhân ấy thành hiệu. Cho nên về phương diện luật, hai người được kể là “độc thân” nghĩa là không bị trói buộc. Hôn nhân thứ hai vì vậy mà có hiệu lực kể từ ngày hai vợ chồng mới kết ước, sự kết uớc giữa hai con người có đủ năng quyền, không bị một trói buộc nào. Giáo Hội luôn luôn tôn trọng một hôn nhân kết ước tự nhiên như thế. Cho nên không thể nói: trước khi được tuyên bố vô hiệu, hai người “khách quan” không tuân phục nguyên tắc bất khả tiêu hôn nhân của Giáo Hội.

Nói tóm lại, ly dị vì bất cứ lý do gì cũng là điều không được Chúa Kitô chấp nhận. Và nếu Chúa Kitô đã không chấp nhận, thì Giáo Hội, bạn chí thánh của Người, cũng không thể nào chấp nhận. Việc một người đã ly dị dân sự, tái kết hôn dù hôn nhân trước không được tuyên bố vô hiệu, nhưng lương tâm ngay thẳng của họ tin rằng nó vô hiệu, và trong tâm tình bác ái của một người con Chúa tránh gây “gương mù gương xấu” cho anh em, quyết định vẫn tiếp tục rước lễ, thì đó là điều không thể chấp nhận.